Tin COVID-19 Trong Nước – 28/7/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin COVID-19 Trong Nước – 28/7/21

Sáng 28/7: Thêm 2.861 ca COVID-19

Ảnh minh hoạ.

Bộ Y tế sáng nay 28/7 cho biết nước ta có thêm 2.861 ca mắc COVID-19 và 3 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc lên 117.121 ca.

2.858 ca ghi nhận tại: TP.HCM (2.115), Đồng Nai (134), Tây Ninh (120), Đồng Tháp (91), Khánh Hoà (86), Hà Nội (69), Bà Rịa – Vũng Tàu (56), Trà Vinh (38), Bến Tre (32), Phú Yên (30), Tiền Giang (30), An Giang (24), Đăk Lăk (13), Sóc Trăng (12), Cần Thơ (5), Bình Định (2), Hải Dương (1).

Số ca nhiễm sáng nay tăng 96 so với sáng qua, gồm 2.455 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa (tăng 231 ca), 403 ca đang điều tra dịch tễ (giảm 135 ca).

Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại TP.HCM lên 74.855, Đồng Nai 2.848, Đồng Tháp 2.488, Tiền Giang 1.855, Phú Yên 1.121, Khánh Hòa 1.079, Hà Nội 1.076, Tây Ninh 1.058, Bà Rịa – Vũng Tàu 663, Bến Tre 583, Cần Thơ 452, An Giang 250, Trà Vinh 183, Đăk Lăk 142, Sóc Trăng 121, Bình Định 109, Hải Dương 52.

Tổng số ca được điều trị khỏi: 22.946. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 211. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 17.

Đến nay, Việt Nam có tổng 117.121 mắc, trong đó có 2.206 ca nhập cảnh và 114.915 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 113.345 ca, trong đó có 20.172 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/sang-28-7-them-2-861-ca-covid-19.html

Trưa 28/7: Hà Nội đề nghị Bộ Y tế đính chính số liệu COVID-19; Vẫn không rõ “hàng thiết yếu” là những gì

Ảnh minh hoạ.

Vẫn không rõ “hàng thiết yếu” là những gì

Tiền Phong – Hà Nội đã bước sang ngày giãn cách thứ 4, lãnh đạo thành phố liên tục đến các chốt kiểm tra, chỉ đạo. Tuy nhiên hiện nay, Hà Nội vẫn áp dụng cứng quy định, xe phải có thẻ lưu thông luồng xanh. Còn việc nhận diện hàng thiết yếu thì chưa thống nhất.

Sáng 27/7, các chốt kiểm soát xe ra vào thành phố Hà Nội vẫn kiểm tra gắt gao người và xe chở hàng vào thành phố. Tại các chốt vào khu vực cửa ngõ, với lái xe không có thẻ lưu thông luồng xanh và nhiều lái xe dù có xét nghiệm PCR âm tính vẫn bị yêu cầu quay đầu xe đi hướng khác.

Trong ngày 27/7, nhiều xe chở hàng hóa phục vụ các siêu thị, xe chở thức ăn chăn nuôi đều bị lực lượng chức năng tại các chốt trực dừng lại. Mặc dù tài xế trình đầy đủ giấy tờ, trong đó có giấy xét nghiệm PCR nhưng với lý do không có thẻ lưu thông luồng xanh, lực lượng chức năng vẫn đóng chốt.

Tại chốt kiểm soát xe vào Hà Nội từ khu vực Ecopark (Hưng Yên), trưa 27/7, cảnh sát giao thông (CSGT), thanh tra giao thông, cảnh sát trật tự… đã chặn một xe chở bình gas. Qua kiểm tra hàng chở trên xe, lực lượng liên ngành tại đây khẳng định, gas trên xe là khí đốt, không phải hàng thiết yếu, không thể qua chốt.

Trả lời PV Tiền Phong về các mặt hàng thiết yếu để được qua chốt là những loại gì, cán bộ tại nhiều chốt trực trả lời không thống nhất.

Đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, để đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ dân ở khu giãn cách xã hội, trước chi lập chốt để kiểm soát xe ra vào, cơ quan chức năng cần phải định hình, phân loại được hàng thiết yếu là những hàng gì.

“Luồng xanh” bị hiểu chệch chuẩn?

Đại diện Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, “luồng xanh” ở đây là công tác phân luồng, phân hướng để ưu tiên cho xe chở hàng thiết yếu, xe chở người phục vụ chống dịch, lao động di chuyển trên đường.

Do vậy, Bộ GTVT mới được yêu cầu xây dựng “luồng xanh” để nhận diện, hướng dẫn xe lưu thông. Việc này đã và đang thực hiện tại TPHCM và một số tỉnh nằm ven các tuyến quốc lộ rất tốt. Tuy nhiên, khi triển khai tại Hà Nội lại chưa được hiểu đầy đủ, thống nhất.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đánh giá, từ thực tế những ngày qua, lực lượng chức năng ở các chốt tại Hà Nội đang biến luồng xanh quốc gia thành “giấy phép con” đối với xe thông các chốt kiểm soát.

“Khi chưa có hoặc chưa cấp được thẻ đi luồng xanh, các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng hoặc Bắc Giang đã áp dụng biện pháp kiểm tra xét nghiệm PCR với người điều khiển, rồi cho vào địa phương mình. Thế nhưng với Hà Nội, lái xe chở hàng có kết quả xét nghiệm PCR cũng không được vào, lực lượng chức năng yêu cầu phải có thẻ lưu thông luồng xanh”, ông Quyền nói.

Theo ông Quyền, tại Hà Nội luồng xanh chỉ nên thực hiện tại các quốc lộ chạy qua địa bàn thành phố, các tuyến đường vành đai để phân luồng, hướng dẫn xe chạy qua Hà Nội trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16.

“Trước thực tế này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có văn bản chỉ đạo không kiểm tra, không lập chốt kiểm soát xe có thẻ luồng xanh. Tuy nhiên, việc này đến nay Hà Nội vẫn lập nhiều chốt để kiểm soát”, ông Quyền nêu.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết đã có văn bản số 7630, nêu rõ: Với xe chở hàng hóa thiết yếu, vận chuyển công nhân, chuyên gia đã được cấp giấy luồng xanh (mã QR) thì lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát không kiểm tra; Với xe vận tải hàng hóa thiết yếu, vận chuyển công nhân, chuyên gia chưa được cấp kịp thời thẻ lưu thông trong “luồng xanh” nhưng người điều khiển phương tiện có giấy xét nghiệm PCR còn giá trị thì lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát cho xe qua chốt.

Hà Nội đề nghị Bộ Y tế đính chính số liệu COVID-19 không chính xác

Thanh Niên – Bộ Y tế sáng nay 28/7 công bố, số ca COVID-19 mắc mới tính từ 19 giờ ngày 27/7 đến 6 giờ ngày 28/7 tại Hà Nội là 69 ca.

Tuy nhiên, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thông tin này không chính xác, Hà Nội chỉ ghi nhận từ 18 giờ ngày 27/7 đến 6 giờ ngày 28/7 là 18 trường hợp mắc mới, trong đó 16 ca tại cộng đồng và 2 tại khu cách ly tập trung.

Bà Hà cũng đề nghị các báo điều chỉnh số liệu chuẩn xác để người dân không hoang mang về tình hình dịch bệnh tại thủ đô.

Đây không phải lần đầu tiên số liệu công bố giữa Bộ Y tế và các địa phương, trong đó có Hà Nộ vênh nhau. Trên thực tế, số liệu Bộ Y tế tổng hợp muộn hơn các địa phương nên số liệu thường có độ trễ. Đơn cử hôm qua, 27/7, Bộ Y tế công bố Hà Nội có 23 ca Covid-19, song số liệu từ Sở Y tế Hà Nội là 76 ca.

Hà Nội hướng dẫn cách ly F1 tại nhà giảm tải tại các khu cách ly tập trung

VnExpress – Theo tờ trình, CDC xây dựng hướng dẫn cách ly F1 tại nhà nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm chéo, ngăn quá tải tại các khu cách ly y tế tập trung và tạo tâm lý thoải mái, giảm chi phí cho người được cách ly y tế.

Các nhóm áp dụng cách ly tại nhà, gồm:

Người tiếp xúc gần (F1) và không phải là người trong cùng gia đình, trong phòng làm việc, trong cùng bàn ăn uống với F0. Nếu là trẻ em dưới 12 tuổi, người tàn tật, phụ nữ sau sinh và cho con bú trong vòng 12 tháng, bắt buộc phải có người chăm sóc. Người trực tiếp chăm sóc, hỗ trợ F1, cũng được cách ly tại nhà.

Tất cả người sống trong một nhà hoặc nơi cư trú đều là F1.

Những người đang cách ly tập trung (F1 hoặc về từ vùng dịch) đủ 7 ngày, có kết quả xét nghiệm RT-PCR ngày thứ 7 âm tính với nCoV, được chuyển về cách ly tại nhà.

Đối với các F1 nguy cơ cao: F1 trong gia đình hoặc cùng phòng làm việc, cùng bàn ăn với trường hợp xác định, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch cơ sở cân nhắc các điều kiện cách ly tại nhà và các yếu tố nguy cơ dịch bệnh để quyết định.

Họ phải cách ly y tế tại nhà hoặc nơi cư trú 14 ngày liên tục, kể từ khi bắt đầu cách ly. Nếu đã cách ly tập trung 7 ngày, họ sẽ tiếp tục cách ly tại nhà thêm 7 ngày, tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà thêm 14 ngày.

Mỗi người lấy mẫu xét nghiệm nCoV ít nhất 3 lần vào ngày thứ nhất, thứ 7 và thứ 14 kể từ khi bắt đầu cách ly. Người đã cách ly tập trung 7 ngày, được lấy mẫu xét nghiệm một lần vào ngày thứ 7.

Các điều kiện về nơi ở, vệ sinh và trách nhiệm của người cách ly, nhân viên y tế, lực lượng chức năng trên địa bàn F1 cư trú, được quy định như hướng dẫn chung của Bộ Y tế về cách ly tại nhà, ban hành ngày 14/7.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, sáng 28/7 cho biết Hà Nội chưa áp dụng cách ly F1 tại nhà. Hiện nay, nguồn lực của Hà Nội vẫn đủ để đảm bảo cách ly tập trung. Cụ thể, tất cả F1 trên địa bàn Hà Nội được cách ly tập trung tại khu cách ly của thành phố, của quân đội và tại các quận, huyện; quận, huyện nào cũng phải có một khu cách ly tập trung riêng, đảm bảo đủ chỗ cho người cách ly.

Vì vậy, CDC Hà Nội xây dựng hướng dẫn với tư cách là cơ quan chuyên môn. Khi UBND TP chỉ đạo, CDC sẽ trình quy trình thí điểm.

Bệnh viện đa khoa TP. Buôn Ma Thuột phong tỏa một khoa, dừng nhận bệnh nhân

Thanh Niên – Ngày 28/7, một lãnh đạo BVĐK TP. Buôn Ma Thuột cho biết đơn vị đã nhận được thông báo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk về kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính Covid-19 của một bệnh nhân từng nằm điều trị ở Khoa nội của bệnh viện này.

Theo lãnh đạo BVĐK TP.Buôn Ma Thuột, bệnh viện đang phải tạm dừng hoạt động tiếp nhận bệnh nhân; đồng thời phong tỏa Khoa nội để triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Vissan xin dừng sản xuất vì có 43 ca F0

VnExpress – Vissan xin ngưng hoạt động trong 3-4 tuần để đưa F0 đi cách ly tập trung, còn các F1, F2 sau khi theo dõi nếu đủ điều kiện có thể quay lại công việc.

Đây là một trong những phương án đề xuất mà Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) viết trong Công văn gửi đến Sở Y tế TP.HCM.

Sau khi thực hiện phương án “3 tại chỗ” từ 28/6 và liên tục xét nghiệm cho nhân viên, đến ngày 17/7, công ty phát hiện có 4 ca F0 và đã đưa đi cách ly tập trung. Đến ngày 20/7, có thêm 20 ca nhưng các ca này đều cách ly tại công ty. Từ ngày phát hiện ca nhiễm đến nay, có nhiều ca F1 đã thành F0 và F2 chuyển lên F1. Đến ngày 23/7, Vissan có 43 ca nhiễm Covid-19.

Hôm nay (28/7), công ty chính thức ngừng giao hàng tới các hệ thống siêu thị và cửa hàng.

Đồng Nai vượt 3.000 ca nhiễm, thêm 2 bệnh nhân tử vong

Baodongnai – Sáng 28/7, theo thông tin từ Sở Y tế Đồng Nai được truyền thông địa phương trích dẫn, tỉnh này vừa ghi nhận thêm 346 ca nhiễm COVID, đây là số lượng bệnh nhân ghi nhận trong ngày cao nhất của tỉnh Đồng Nai từ trước đến nay.

Trong đó bao gồm 306 ca trong khu cách ly, phong tỏa và 40 ca sàng lọc. TP. Biên Hòa vẫn là địa phương có số ca mắc nhiều nhất với 146 ca. Ngoài các phường nguy cơ cao những ngày qua, còn ghi nhận tại Công ty /Phờ-ri-yèo/ (Friwo), KCN Amata 20 ca qua xét nghiệm sàng lọc. H.Nhơn Trạch 97 ca; H.Vĩnh Cửu 47 ca; Xuân Lộc 33 ca; Định Quán 8 ca…

Tổng số ca nhiễm mới trong đợt dịch thứ 4 ở Đồng Nai đến nay đã lên 3.237 ca, riêng TP. Biên Hòa hơn 1.700 ca. Trong ngày 27/7, tỉnh này cũng ghi nhận thêm 2 bệnh nhân COVID-19 tử vong, nâng tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch lên 10 trường hợp. Hiện 2 ca  tử vong này chưa được Bộ Y tế công bố, số ca tử vong theo Bộ Y tế đến nay vẫn là 524 trường hợp.

TP.HCM: Nâng cấp 200 taxi truyền thống thành taxi y tế

Nld – Mới đây, TP.HCM đã có kế hoạch nâng cấp khoảng 200 taxi truyền thống thành taxi y tế được trang bị 2 bình oxy 7 lít, bộ test nhanh, khử trùng và các phương tiện thiết yếu phục vụ nhiệm vụ cấp cứu. Xe và tài xế, nhân viên y tế theo xe sẽ gắn chặt địa bàn thông qua cơ sở cách ly quận huyện.

Người dân hoặc cơ sở cách ly quận huyện có nhu cầu chuyển bệnh gọi 115, Trung tâm cấp cứu 115 sẽ tiếp nhận, điều tiết tổ phản ứng nhanh của taxi đến nơi và đưa vào bệnh viện phù hợp.

Hiện nay, dịch Covid-19 đã lây lan rộng trên địa bàn TP và một số địa phương lân cận.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-covid-trua-28-7-ha-noi-de-nghi-bo-y-te-dinh-chinh-so-lieu-covid-19-van-khong-ro-hang-thiet-yeu-la-nhung-gi.html