Tin COVID-19 Trong Nước – 26/6/21
Tiền nhàn rỗi của Quỹ vắc-xin COVID-19 gửi ở đâu?
VnExpress – Trả lời báo chí bên lề lễ tiếp nhận ủng hộ quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 chiều 25/6, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đến trưa 25/6, các doanh nghiệp đã cam kết đóng góp vào quỹ số tiền hơn 8.000 tỷ đồng. Số dư thực tế của quỹ tính đến 11h trưa 25/6 là 7.594 tỷ.
Bộ trưởng Tài chính kỳ vọng số dư của quỹ sẽ đạt con số 11.000 tỷ đồng để cùng đóng góp với khoản tiền 14.000 tỷ đồng từ ngân sách, đảm bảo có 150 triệu liều vaccine cho 75 triệu người. Hiện nay, số tiền ngân sách đã chuyển Bộ Y tế phục vụ cho việc mua vaccine là 1.237 tỷ đồng và chưa sử dụng tới khoản tiền từ quỹ vaccine.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Ban quản lý Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 cho biết, quỹ đã nhận được kế hoạch chi tiêu của Bộ Y tế. “Ngay chiều nay (25/6), chúng tôi sẽ phát hành mời các ngân hàng chào thầu để gửi tiền. Nếu không có gì thay đổi, tuần sau sẽ mở thầu và gửi tiền tại các ngân hàng thương mại”, ông Vinh nói.
Bản chào thầu sẽ được gửi tới các ngân hàng có tính thanh khoản và an toàn cao, mà theo ông Vinh đề cập là 4 ngân hàng có vốn nhà nước Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank. Các ngân hàng nào trả lãi suất cao hơn sẽ được quỹ ưu tiên gửi với kỳ hạn 1 tháng hoặc 3 tháng.
Theo cơ chế hoạt động, quỹ được sử dụng vốn nhàn rỗi để gửi tiền có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại mà Kho bạc Nhà nước lựa chọn nhằm bảo đảm an toàn. Sau khi chấm dứt hoạt động và giải thể, số dư của quỹ (nếu có) được nộp toàn bộ vào ngân sách trung ương, bổ sung nguồn lực mua vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng của Nhà nước.
Định kỳ hàng tháng, 6 tháng và một năm, quỹ sẽ công khai báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán quỹ. Nội dung công khai gồm số tiền huy động, danh sách các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp, nội dung và số tiền đã chi, số dư quỹ còn lại.
Giám đốc HCDC: ‘Có thể phải tính phương án sống chung với lũ’
VnExpress – Tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống dịch của TP.HCM chiều 25/6, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, số bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng ngày càng cao nên bên cạnh khoanh vùng, truy vết, có thể phải tính phương án “sống chung với lũ”.
Phát biểu của ông Dũng được đưa ra trong bối cảnh TP.HCM đã ghi nhận 2.343 ca nhiễm và trong 24 giờ qua phát hiện thêm 667 ca nghi nhiễm.
Theo ông Dũng, thống kê từ số liệu các bệnh nhân mắc Covid-19 vừa qua cho thấy, số có triệu chứng và triệu chứng nặng đang thấp hơn giai đoạn đầu đợt bùng phát dịch lần thứ tư. Cụ thể, chỉ có 1,3% bệnh nhân có triệu chứng nặng (31 trường hợp), trong có đến 68% ca mắc Covid-19 không có triệu chứng.
“Qua những con số trên, tôi nhận định những ca chỉ điểm hiện nay hầu như không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất mơ hồ. Các ca chỉ điểm (phát hiện đầu tiên) hầu hết mắc bệnh mức độ nhẹ, nếu không đi khám sẽ bị bỏ qua và chúng ta chậm hơn dịch bệnh là điều tất yếu”, ông Dũng nói.
Cũng theo bác sĩ Dũng, nCoV sau khi lây truyền qua nhiều thế hệ sẽ xuất hiện hai trạng thái: gia tăng độc lực ở thời gian đầu và giảm ở thời gian kế tiếp. Khi độc lực virus giảm, sự lây lan vẫn tồn tại nhưng người nhiễm không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ.
“Bên cạnh phương án truy vết, khoanh vùng nhanh nhất như hiện nay, có thể chúng ta cần tính tới phương án sống chung với lũ. Nghĩa là chúng ta chỉ truy tìm những con rắn độc thay vì đi tìm những con rắn nước”, bác sĩ Dũng nói và cho rằng đây là ý kiến của cá nhân mình.
Bác sĩ Dũng cho rằng thời gian tới, TP.HCM cần bảo vệ những nhóm có nguy cơ, có bệnh nền như trong các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng. Những người này cần được tiêm vaccine phòng Covid-19 và áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Còn những nhóm khác có thể coi là mắc cúm.
Tính đến chiều nay, TP.HCM ghi nhận 2.343, xếp thứ hai cả nước; 12.360 trường hợp đang cách ly tập trung và 26.259 người cách ly tại nhà.
TP.HCM sẽ áp dụng ‘tháp ba tầng’ điều trị COVID-19
VnExpress – Từ kinh nghiệm mô hình điều trị “tháp ba tầng” của Bắc Giang, TP.HCM sẽ phân tầng điều trị bệnh nhân không triệu chứng, người bệnh nhẹ và bệnh nặng ở bệnh viện khác nhau.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, tại họp báo về công tác phòng chống Covid-19 TP.HCM, ngày 25/6, cho biết thông tin trên.
“Những người không triệu chứng sẽ được theo dõi tại một khu riêng, giúp đỡ gánh nặng cho ngành y tế”, ông Bỉnh nói. Rất nhiều trường hợp mắc Covid-19 hoàn toàn không có triệu chứng, đặc biệt là nhóm người đã tiêm vaccine, như các nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Theo ông Bỉnh, những trường hợp có triệu chứng nhẹ sẽ được điều trị tại các bệnh viện vùng ven, như Dã chiến Củ Chi, Điều trị Covid-19 Củ Chi, Điều trị Covid-19 Cần Giờ và hai cơ sở vừa được trưng dụng là Bệnh viện điều trị Covid-19 Bình Chánh và Điều trị Covid-19 Thủ Đức.
Bệnh nhân nặng điều trị tại các bệnh viện ở khu vực trung tâm thành phố như Bệnh Nhiệt đới, Phạm Ngọc Thạch, Trưng Vương. Đặc biệt, Bệnh viện Chợ Rẫy (thuộc Bộ Y tế) hỗ trợ 100 giường hồi sức điều trị các trường hợp nặng.
Theo ông Bỉnh, mô hình này được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế đang chi viện TP.HCM chống dịch, đề xuất sau kinh nghiệm chống dịch ở Bắc Giang. “Phân tầng như vậy sẽ giúp giảm gánh nặng điều trị rất lớn”, ông Bỉnh nói.
Chuyên gia: 28 ngày cảnh giác với 4 dấu hiệu huyết khối sau khi tiêm phòng vắc-xin COVID-19
Shioyte – Việt Nam đang gấp rút triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay tại các điểm nóng COVID-19.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cho biết, tiêm vắc xin Covid-19, hơn 30% người sau tiêm không có triệu chứng đặc biệt, hoặc thoáng qua không nhận biết được.
Còn các phản ứng sốt, ớn lạnh, sưng đau vị trí tiêm… gặp khá phổ biến và hoàn toàn bình thường. Các triệu chứng này sẽ hết sau 2-3 ngày, chỉ cần uống thuốc hạ sốt, uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây…
Có hai phản ứng sau tiêm nguy hiểm hơn gồm sốc và huyết khối, cần theo dõi chặt sau tiêm. Trong đó, phản ứng sốc thường xảy ra ngay sau tiêm, trong thời gian theo dõi sau tiêm, được xử lý bởi nhân viên y tế.
Theo PGS Cơ, phản ứng sốc rất hiếm xảy ra. Tại Việt Nam với hơn 2 triệu liều tiêm cũng gặp một số trường hợp sốc phản vệ nặng, tuy nhiên hầu hết trường hợp đều được xử trí đúng tại chỗ, người bị phản vệ nhanh chóng phục hồi sức khỏe, trở lại trạng thái bình thường.
Các điểm tiêm đều bảo đảm có bác sĩ, điều dưỡng chuyên ngành hồi sức tích cực, sẵn sàng cấp cứu sốc phản vệ nếu có.
Còn với phản ứng huyết khối có thể diễn tiến chậm, xảy đến 4 tuần sau tiêm, vì thế, người tiêm vắc xin cần chú ý theo dõi tại nhà.
Đặc biệt chú ý theo dõi biến chứng huyết khối trong 4 tuần sau tiêm
Tình trạng huyết khối là một phản ứng muộn sau tiêm vắc xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca, có thể xảy ra đến 28 ngày sau tiêm.
Tuy nhiên PGS Cơ nhấn mạnh: “Những biểu hiện huyết khối tắc mạch, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu sau tiêm được báo cáo có tỉ lệ từ 1-4 phần triệu (1 triệu người tiêm có một đến 4 người có biểu hiện). Đây là phản ứng khiến nhiều người e ngại khi tiêm, do có thể xảy ra muộn.
PGS Cơ khuyến cáo người dân chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe bản thân đến 28 ngày sau tiêm, đặc biệt chú ý các dấu hiệu:
– Triệu chứng như phù chân, phù tay dai dẳng.
– Có những biểu hiện như tức ngực, khó thở (biểu hiện nguy cơ tắc mạch phổi).
– Biểu hiện đau bụng dai dẳng không tìm thấy nguyên nhân (có thể cảnh báo tắc mạch trong tạng).
– Biểu hiện nôn ói, đau đầu, nhìn mờ, thậm chí co giật, liệt nửa người (có thể cảnh báo tắc mạch máu não).
Những dấu hiệu này cần được phát hiện càng sớm càng tốt, đến ngay cơ sở gần nhất để được tư vấn.
PGS Cơ cũng khuyến cáo khi đi tiêm vắc xin, mọi người cần khai báo rõ tình trạng sức khỏe bản thân, yếu tố nguy cơ (bệnh nền, đang dùng các loại thuốc…) để chỉ định tiêm chặt chẽ, phòng các rủi ro có thể xảy ra sau tiêm ngừa.
Nghệ An thêm 8 ca dương tính nCoV, có 4 mẹ con cùng nhiễm bệnh
Vietnamnet – Tối 25/6, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Nghệ An cho biết, địa phương có thêm 8 ca dương tính nCoV, trong đó có 4 trường hợp là mẹ con.
Đó là là một phụ nữ sinh năm 1981, trú tại xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp là F1 của chồng, người chồng đã cách ly tập trung và có kết quả xét nghiệm PCR dương tính nCoV.
Ba người con của 2 anh chị lần lượt là một cháu sinh năm 2013; một cháu sinh năm 2017 và một cháu sinh năm 2007 đều có kết quả xét nghiệm PCR dương tính với nCoV.
Ngoài ra, Bệnh nhân thứ 5 là một người đàn ông, sinh năm 1979, làm ruộng tại xã Quỳnh Lâm (huyện Quỳnh Lưu) là người đi trên chuyến xe ô tô Trung Đức – Hải Phòng có ca bệnh Covid-19, về địa phương ngày 18/6.
Anh này đã được cách ly tại Trung tâm Y tế Quỳnh Lâm và CDC Nghệ An xét nghiệm cho kết quả dương tính nCoV.
Vợ anh này sinh năm 1982 làm ruộng tại xã Quỳnh Lâm đã được cách ly tập trung. Chị được xét nghiệm PCR ở Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị Nghệ An và có kết quả dương tính.
Người thứ bảy là một phụ nữ sinh năm 1957, ở khối 4, phường Quán Bàu (TP Vinh) được xét nghiệm PCR, có kết quả dương tính nCoV.
Người thứ 8 là một trường hợp F1 sinh năm 1969 ở xã Nghi Diên (huyện Nghi Lộc) đã xét nghiệm PCR, có kết quả dương tính nCoV.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Nghệ An đã phát hiện 59 ca nhiễm Covid-19, trong đó nhiều nhất là TP. Vinh (33 ca).
Thứ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo TP.HCM nên thí điểm cách ly F1 tại nhà
Thanhnien – Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn hôm 25/6 trong cuộc họp phòng chống dịch Covid-19, khuyến cáo TP.HCM nếu trường hợp nào có đủ điều kiện thì tính toán phương án cách ly F1 tại nhà để giảm tần suất, mật độ trong các khu cách ly tập trung.
Truyền thông trong nước cho biết hiện một số cơ sở cách ly, đặc biệt là khu cách ly tập trung tại Đại học Quốc gia TP.HCM tình hình rất khó khăn. Dù địa điểm này chỉ cách ly khoảng 2.000 trường hợp nhưng nhân viên y tế tâm sự họ đã kiệt sức, rác thải thì vẫn còn ứ đọng, chưa xử lý kịp.
Bên cạnh đó, công tác xét nghiệm cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều trường hợp đã cách ly đủ 21 ngày, muốn được làm thủ tục về theo dõi tại nhưng nhưng phải chờ kết quả xét nghiệm lần cuối, có khi phải mất 2 – 3 ngày.
Chiều 25/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết từ 6 giờ ngày 24.6 đến 6 giờ ngày 25.6, thành phố ghi nhận 667 trường hợp nghi nhiễm Covid-19.
TP.HCM đang thực hiện cách ly 37.146 trường hợp, trong đó có 10.887 người cách ly tập trung và 26.259 trường hợp đang cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú.
Tính đến trưa 25.6, TP.HCM có 498 điểm đang được phong tỏa, cách ly y tế.
Thêm 37 ca COVID-19
Bộ Y tế trưa 26/6 ghi nhận 37 ca dương tính nCoV, gồm 36 ca trong nước và một ca nhập cảnh được cách ly ngay.
37 ca mới từ số 15116-15152. Trong đó, 36 ca ghi nhận tại: Hưng Yên (11), Hà Tĩnh (7), Bắc Giang (6), Long An (5), Bắc Ninh (4), Hải Phòng (2), Cần Thơ (1). Trong số này, 18 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Từ ngày 29/4 đến nay đã thực hiện 2.799.871 xét nghiệm cho 6.516.009 lượt người.
Cần Thơ: Người đàn ông về từ Bắc Giang dương tính COVID-19 sau khi đi nhiều nơi
Thanhnien – Giám đốc một công ty 64 tuổi ở Cần Thơ có kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19 dù xét nghiệm 2 lần trước đó âm tính. Trước đó, người này từ Bắc Giang về Cần Thơ không đi cách ly ngay mà còn đi Đồng Tháp gặp nhiều người.
Người này đang được cách ly tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ, sức khỏe ổn định.
Theo điều tra dịch tễ, ngày 5/6 ông đi chuyến bay VN1202 từ Cần Thơ ra Hà Nội, cùng đi có một nhân viên nam chuyên về lĩnh vực sinh hóa. Cả hai lưu trú tại khách sạn trên đường Chả Cá, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hôm sau, hai người thuê ôtô đến Bệnh viện Đa khoa TP. Bắc Giang làm việc với nhân viên Khoa Xét nghiệm của bệnh viện này.
Sáng 7/6, ông giám đốc mua bún tại quán đối diện khách sạn mang về khách sạn ăn. Chiều cùng ngày, ông đón xe Grab đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tiếp xúc với một bác sĩ tại Khoa Xét nghiệm rồi tiếp tục đi xe Grab về khách sạn.
Ngày 8/6, ông giám đốc cùng nhân viên tiếp tục đi ôtô từ Hà Nội đến làm việc tại Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa TP. Bắc Giang.
Sáng hôm sau, hai người đi chuyến bay QH1433 từ Hà Nội về Cần Thơ. Họ được tài xế của công ty đón tại sân bay đưa về công ty trên đường 30/4, quận Ninh Kiều, tiếp xúc hai nhân viên phòng kỹ thuật. Giám đốc sau đó được tài xế chở về nhà tại khu dân cư ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều.
Ngày 10/6, ông cùng nam nhân viên khác được tài xế công ty chở đến làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, tiếp xúc với nhân viên tại đây rồi về nhà ở Cần Thơ. Hôm sau, ông đi xe ôm đến trạm y tế phường An Khánh khai báo y tế, cách ly tập trung.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Cần Thơ lấy mẫu xét nghiệm (phương pháp PCR) 2 lần đều cho kết quả âm tính nCoV. Đến ngày 24/6, mẫu xét nghiệm lần 3 kết quả dương tính.
Ngành y tế TP. Cần Thơ tiếp tục lấy mẫu gửi Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm, đang chờ kết quả.
Cơ quan chức năng xác định 5 F1 là người giúp việc nhà, tài xế xe ôm và nhân viên công ty, đã đưa đi cách ly tập trung. 41 F2 tại cộng đồng và nhân viên công ty. Ngoài ra, 39 người cùng khu cách ly và 31 nhân viên tại đây cũng được lấy mẫu xét nghiệm. Ngành chức năng phong tỏa khu vực nhà của ông giám đốc.
Ai được miễn phí xét nghiệm COVID-19?
VnExpress – Bộ Y tế mới có công văn hướng dẫn về nguồn kinh phí chi trả cho việc xét nghiệm sàng lọc COVID-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Theo đó, có 5 nhóm người được xét nghiệm miễn phí bao gồm: Thứ nhất, người bệnh điều trị nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh. Thứ hai, người bệnh ngoại trú nhưng cần xét nghiệm sau khi có quyết định chuyển vào điều trị nội trú. Thứ ba, nhân viên y tế, người lao động tại cơ sở khám, chữa bệnh. Thứ tư, người nhà ở lại chăm sóc bệnh nhân, nhưng không quá 2 người luân phiên. Thứ năm, người nước ngoài, Việt Kiều đã hoàn thành cách ly y tế, nhưng thuộc bốn nhóm nêu trên.
Người bệnh nội trú, nhân viên y tế, người lao động tại cơ sở khám chữa bệnh được xét nghiệm Covid-19 định kỳ một lần mỗi tuần. Người nhà bệnh nhân, nếu ở lại dưới 7 ngày được xét nghiệm một lần; từ 7 ngày trở lên được xét nghiệm hai lần. Người bệnh sau khi khám ngoại trú, và vào điều trị nội trú phải được xét nghiệm ngay.
Phương pháp xét nghiệm có thể là test nhanh kháng nguyên; xét nghiệm PCR mẫu đơn hoặc mẫu gộp. Chi phí xét nghiệm được chi trả dựa trên hai nguồn là Quỹ bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước.
Thêm nhiều nơi bị phong tỏa ở Quảng Ninh, Nghệ An
VnExpress – Ngày 25/6, ông Nguyễn Đức Thanh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả, cho biết bệnh viện tạm thời phong tỏa do nam bệnh nhân 14345, 27 tuổi, bị tai nạn xe máy và đến khám tại đây.
Anh này nhập viện chiều 23/6, không có triệu chứng nhiễm Covid-19. Đến 18h ngày 24/6, bệnh viện nhận được thông báo đây là trường hợp F1 nên đưa từ khoa điều trị vào khu cách ly. Đến 2h ngày 25/6, CDC Quảng Ninh thông báo kết quả xét nghiệm anh này dương tính với nCoV.
Bệnh nhân này là F1 của nam bệnh nhân 24 tuổi. Hai người này làm cùng cây xăng ở Cẩm Phả.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch TP. Cẩm Phả, cho biết hôm 25/6, thành phố đã khởi động lại 8 chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ, nhằm kiểm soát người và phương tiện ra, vào thành phố. Ông Cường cho biết, hiện đã xác định 59 F1 có kết quả âm tính, cơ quan chức năng tiếp tục tìm kiếm các F2, F3.
Từ 27/4 đến nay, Quảng Ninh ghi nhận 3 ca nhiễm COVID-19. Quảng Ninh đã cho các điểm du lịch, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, cơ sở dịch vụ được mở cửa trở lại, tổ chức đón du khách nội tỉnh, từ ngày 8/6.
Tuy nhiên, do xuất hiện ca nhiễm mới, Quảng Ninh đã dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh đường bộ, bao gồm xe taxi, xe khách, xe hợp đồng, xe buýt và đường thủy, từ ngày 25/6.
Tại Nghệ An, ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế, cho biết từ 13/6 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 51 người dương tính với Covid-19, tập trung ở 3 ổ dịch liên quan đến chợ đầu mối Vinh, bệnh nhân 48 tuổi trú tại huyện Quỳ Hợp từ Bắc Giang trở về, và cô gái làm nghề uốn tóc tại phường Hà Huy Tập (TP. Vinh).
12h trưa 25/6, thành phố Vinh đã tạm phong tỏa hai phường Vinh Tân và Hồng Sơn, với khoảng 21.000 nhân khẩu.
Trên trục đường Phan Đình Phùng rẽ vào cổng chợ Vinh và khu vực chợ đầu mối, lực lượng chức năng đã dựng rào chắn, căng dây; phát loa phóng thanh tìm người đến chợ đầu mối từ ngày 1 đến 23/6.
Nghệ An đang cải tạo Trung tâm y tế huyện Hưng Nguyên làm bệnh viện dã chiến, chuyên điều trị cho bệnh nhân COVID-19; dự kiến đưa vào sử dụng cuối tháng 6, công suất khoảng 100 ca bệnh.