Tin COVID-19 Trong Nước – 2/7/21
Trưa 2/7: Thêm 175 ca COVID-19; 33 học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp bị nhiễm COVID-19
Thêm 175 ca COVID-19, TP.HCM nhiều nhất
VnExpress – Bộ Y tế trưa 2/7 ghi nhận 175 ca dương tính COVID-19, gồm 170 ca trong nước và 5 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
175 ca mắc mới từ số 17728-17902. Trong đó, 170 ca ghi nhận trong nước tại: TP.HCM (151), Phú Yên (10), Hưng Yên (3), Long An (2), Trà Vinh (1), Hải Phòng (1), Bắc Giang (1), Bắc Ninh (1); trong số này 143 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Phú Yên; Ca 17728, 17732-17733, 17735-17739, 17746-17747 là các trường hợp F1 trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa. Kết quả xét nghiệm ngày 30/6-1/7 dương tính.
Long An; Ca 17730-17731 là các trường hợp F1 đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 30/6 dương tính, đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2, tỉnh Long An.
Trà Vinh; Ca 17734, nữ, 30 tuổi, địa chỉ tại huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh; có tiền sử đi về từ Bình Dương, đã chủ động khai báo y tế và được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 1/7 dương tính, đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1, tỉnh Trà Vinh.
Hưng Yên; Ca 17743-17745 là các trường hợp F1 đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 1/7 dương tính, đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Bắc Giang; Ca 17748 nữ, 57 tuổi, địa chỉ tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang; trong khu vực đã được phong tỏa. Kết quả xét nghiệm ngày 1/7 dương tính, đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2, tỉnh Bắc Giang.
Hải Phòng; Ca 17749 nữ, 34 tuổi, địa chỉ tại huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng; là F1 của 14452, đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 1/7 dương tính, đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.
Bắc Ninh; Ca 17750 nam, 12 tuổi, địa chỉ tại phường Tiền An, TP. Bắc Ninh; là F1 của 14461, đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm lần 5 ngày 1/7 dương tính, đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh.
TP.HCM; Ca 17751-17901 gồm 124 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 27 ca đang điều tra dịch tễ.
5 ca khác được cách ly ngay sau khi nhập cảnh
33 học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp bị nhiễm COVID-19
thanhnien – Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đến cuối giờ chiều 1/7, cả nước có 33 học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT là bệnh nhân Covid-19 (trong đó nhiều nhất là TP.HCM với 16 học sinh); 270 học sinh diện F1 (nhiều nhất là TP.HCM với 61 học sinh); 847 học sinh thuộc diện F2 (nhiều nhất vẫn là TP.HCM với 215 em).
Cả nước có 17.178 thí sinh đang ở trong khu vực phong tỏa (nhiều nhất tập trung ở tỉnh Phú Yên với 5.215 học sinh).
Theo thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, việc tổ chức kỳ thi 1 đợt hay 2 đợt sẽ do địa phương quyết định, dựa trên tình hình thực tế và có tham vấn của ngành y tế. “Kỳ thi này sẽ do địa phương chịu trách nhiệm hoàn toàn. Nguyên tắc chung là bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc và khách quan”, ông Sơn nhấn mạnh.
Riêng về xét tuyển đại học, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ sẽ có phương án đảm bảo quyền lợi cho thí sinh ở cả 2 đợt thi. Hiện, Bộ đã dự kiến phương án xét tuyển 1 lần cho cả 2 đợt thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, thí sinh thi đợt 1 và đợt 2 có cơ hội xét tuyển ngang nhau, bảo đảm quyền lợi và sự công bằng đối với thí sinh.
Mỹ cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam vắc-xin COVID-19
baochinhphu – Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam sớm tiếp nhận nguồn vaccine để đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Theo báo điện tử Chính phủ, cam kết được đưa ra trong cuộc điện đàm ngày 1/7 giữa Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan.
Tại cuộc điện đàm, ông Sullivan cũng khẳng định Mỹ tiếp tục coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam; đồng thời sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để tăng cường quan hệ kinh tế – thương mại – đầu tư nhằm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân của cả hai nước.
Hai bên cũng trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm như hợp tác Tiểu vùng Mekong, ứng phó biến đổi khí hậu… ; khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, tự do hàng hải, giải quyết tranh chấp tại Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982.
Đà Lạt: Đi bộ thể dục quanh hồ Xuân Hương, bị phạt 2 triệu đồng/người
Ngày 1/7, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, đã xử phạt nhiều trường hợp đi bộ tập thể dục quanh khu vực hồ Xuân Hương, vi phạm lệnh cấm để phòng chống đại dịch COVID-19.
Trước đó, tỉnh Lâm Đồng có văn bản yêu cầu từ 12 giờ 00 ngày 27/6, tiếp tục tạm dừng một số dịch vụ, hoạt động đã chỉ đạo trước đây, đồng thời tạm dừng thêm một số dịch vụ, hoạt động, như: dịch vụ làm đẹp; thể thao và các hoạt động tập thể dục ngoài trời, nơi công cộng, đặc biệt là xung quanh hồ Xuân Hương cho đến khi có thông báo mới.
Thế nhưng vẫn có nhiều người vi phạm lệnh cấm. Trong 3 ngày qua, Phường 9 đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 17 người với mức phạt 2 triệu đồng/người, vì vẫn đi bộ thể dục quanh hồ Xuân Hương.
3 bác sĩ dương tính COVID-19, bệnh viện tâm thần tiếp tục phong tỏa
VnExpress – Hai giờ trước lệnh dỡ lệnh phong tỏa, Bệnh viện tâm thần Nghệ An ghi nhận thêm 3 bác sĩ có kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19, sáng 2/7.
Lãnh đạo Bệnh viện tâm thần Nghệ An cho biết theo kế hoạch sáng nay bệnh viện trở lại trạng thái bình thường sau 14 ngày phong tỏa. Tuy nhiên, rạng sáng nay Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An công bố 3 bác sĩ tại Khoa Tâm thần nam thuộc diện F1 đã cách ly từ trước, có kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19.
Do đó, bệnh viện giữ nguyên trạng thái phong tỏa, không tiếp nhận bệnh nhân mới (trừ bệnh nhân cấp được đưa vào khu riêng biệt). Riêng Khoa Tâm thần nam thuộc diện cách ly y tế đặc biệt. Hiện hơn 100 bệnh nhân cùng người nhà và một số bác sĩ tại khoa này “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
“Tất cả người trong khoa đã qua 3 lần xét nghiệm, kết quả âm tính Covid-19. Nếu bệnh nhân nơi đây không may bị nhiễm virus thì sẽ rất vất vả cho việc điều trị. Bệnh viện nỗ lực để bảo vệ các bệnh nhân”, đại diện bệnh viện cho biết.
Cả bệnh viện có 341 người gồm bệnh nhân, người nhà và bác sĩ đang ở trong khu vực phong tỏa.
Từ ngày 13/6 đến nay Nghệ An ghi nhận 109 ca nhiễm và nghi nhiễm COVID-19.
Đi khám bệnh buộc phải test nhanh COVID-19, vậy đúng hay sai?
tuoitre – Người đến bệnh viện khám định kỳ phải trả tiền test nhanh COVID-19, như vậy đúng hay sai? Nhiều người muốn xét nghiệm dịch vụ theo yêu cầu hoặc cần giấy xác nhận âm tính để đi nơi khác… lại không biết có thể xét nghiệm ở đâu.
Ông N.Đ.N., ở TP.HCM chia sẻ: Ngày 30/7, tôi đến Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) để khám bệnh theo định kỳ. Tôi cùng nhiều bệnh nhân đi khám khác đều phải trả phí. Nhiều người thấy mình có triệu chứng đã đến đây để yêu cầu được test nhanh, bệnh viện thu 350.000 đồng/người. Bệnh viện thu tiền xét nghiệm như vậy có đúng hay không?
Ngày 1-7, đại tá Trần Quốc Việt – phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết, hiện có nhiều trường hợp mắc COVID-19 nhưng không có triệu chứng và không có yếu tố dịch tễ rõ ràng.
Bệnh viện Quân y 175 đã bắt buộc xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho tất cả người bệnh, cũng như thân nhân đến khám và điều trị nội trú tại đây. Đây là cách để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh vào các cơ sở y tế.
Cũng theo đại tá Việt, cách làm này của bệnh viện là nội dung được quy định theo công văn số 3091 ngày 27/5 và công văn số 3248 ngày 3-6, của Sở Y tế TP.HCM. Thời gian thực hiện quy định này từ ngày 31/5/2021 cho đến khi có quy định mới của Bộ Y tế.
Vậy xét nghiệm COVID-19 theo yêu cầu ở đâu?
Hiện nay TP.HCM có 24 đơn vị đã được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định COVID-19, trong đó có 4 bệnh viện tư nhân. Theo tìm hiểu của PV Tuổi Trẻ, mới có một số ít bệnh viện thực hiện xét nghiệm COVID-19 theo yêu cầu và đa số là các bệnh viện tư nhân.
Trong khi đó, giám đốc một bệnh viện công ở TP.HCM cho biết, hiện bệnh viện cũng khá lúng túng khi có nhiều đơn vị, cá nhân muốn được làm xét nghiệm PCR để có thể di chuyển từ TP.HCM đến vùng khác, nhưng bệnh viện công chưa thực hiện được.
Các bệnh viện công được xét nghiệm PCR COVID-19 chỉ được xét nghiệm dịch vụ cho những người xuất cảnh (kèm theo các điều kiện khác như ý kiến của lãnh sự, sở ngoại vụ…).
Tối 2/7: Bốn bệnh nhân COVID-19 tử vong; 500 người chui lỗ, vượt rào trốn khỏi bệnh viện
Bốn bệnh nhân COVID-19 tử vong
VnExpress – Bộ Y tế chiều 2/7 công bố 4 bệnh nhân COVID-19 tử vong gồm “bệnh nhân 3799”, 69 tuổi, địa chỉ ở Yên Phong, Bắc Ninh. Bệnh nhân sống trong vùng dịch tễ COVID-19 lưu hành. Ngày 13/5, bệnh nhân được xét nghiệm dương tính, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 1, Bắc Ninh, chẩn đoán vào viện là viêm phổi do COVID-19, suy kiệt, được điều trị kháng sinh.
Ngày 19/5 được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh. Bệnh nhân tử vong ngày 30/6 với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng trên bệnh nhân suy kiệt, viêm phổi nặng biến chứng liên quan đến COVID-19.
“Bệnh nhân 15970”, 67 tuổi, địa chỉ Thủ Đức, TP.HCM, tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, suy thận mạn.
Ngày 27/6 bệnh nhân chuyển từ Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 Cần Giờ đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc tốt, thở khí phòng. Bệnh nhân được điều trị tích cực kháng sinh tĩnh mạch, kháng đông, kháng tiết, thuốc điều trị tiểu đường, tăng huyết áp, theo dõi sát.
Đến ngày 28/6, bệnh nhân suy giảm tri giác, lơ mơ, tím toàn thân, đột ngột ngưng tim, ngưng thở. Sau hơn 30 phút tiến hành hồi sức tim phổi không kết quả, bệnh nhân tử vong 29/6. Chẩn đoán tử vong là nhồi máu cơ tim cấp, viêm phổi do nCoV mức độ trung bình trên bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, suy thận mạn, phì đại tuyến tiền liệt.
“Bệnh nhân 11618”, 64 tuổi, địa chỉ quận 12, TP.HCM, tiền sử tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ. Ngày 15/6, bệnh nhân được xét nghiệm dương tính, được chuyển đến đến Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 Củ Chi.
Ngày 18/6, bệnh nhân xuất hiện khó thở tăng dần, do tuổi cao bệnh lý nền nặng, bệnh nhân tử vong ngày 30/6. Chẩn đoán tử vong là sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi nặng do nCoV biến chứng suy hô hấp tiến triển trên bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ.
“Bệnh nhân 16340”, theo báo cáo của Sở Y tế, bệnh nhân 16340 điều trị tại Khoa Nội C – Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, chẩn đoán viêm phổi, suy thượng thận cấp, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, tim thiếu máu cục bộ. Từ khi nhập viện đến ngày 25/6, bệnh nhân tỉnh, mệt, được điều trị thuốc, hỗ trợ hô hấp qua oxy mũi.
Ngày 26/6, bệnh nhân được test nhanh kháng nguyên dương tính, tối cùng ngày kết quả xét nghiệm RT-PCR xác định nhiễm COVID-19, chuyển khu điều trị cách ly. Sau đó, bệnh nhân ăn kém, suy kiệt, khó thở, X-quang phổi có tình trạng viêm phổi hình kính mờ 2 bên. Tình trạng bệnh nặng dần, huyết áp tụt.
Chiều 1/7, Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc hội chẩn với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, tình trạng bệnh nhân không cải thiện, đến rạng sáng nay tử vong.
Chẩn đoán nguyên nhân tử vong: Suy hô hấp/viêm phổi nặng, đái tháo đường type 2, suy thượng thận cấp, tăng huyết áp, mắc COVID-19. Đây là bệnh nhân COVID-19 đầu tiên tử vong ở Đồng Tháp.
500 người chui lỗ, vượt rào trốn khỏi bệnh viện
Tuoitre – 500 bệnh nhân thông thường và người nuôi bệnh tự ý chui lỗ, vượt rào, ra cổng bệnh viện tỉnh về nhà trong đêm 1/7 khi chưa hết thời gian cách ly.
Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận, đã có khoảng 300 bệnh nhân và 200 người nuôi bệnh trốn về nhà. Bác sĩ Nguyễn Văn Thành, Giám đốc bệnh viện cho biết: “Theo dự kiến, sáng 2/7, họ mới được về, nhưng do quá nôn nóng, bà con đã kéo nhau vượt rào”.
Trước đó, tối 23/6, nữ bác sĩ khoa Sản 38 tuổi được phát hiện dương tính nCoV. Bệnh viện phong tỏa toàn bộ khoa Sản và ngừng tiếp nhận bệnh nhân từ 0h ngày 24/6. Gần 1.600 người kể cả nhân viên y tế “nội bất xuất ngoại bất nhập” để thực hiện truy vết, xét nghiệm.
Từ trưa qua, khi bệnh viện đang làm giấy cho bệnh nhân, người nhà xuất viện vào sáng hôm sau, thì một số người muốn về ngay. Đến 19-20h, một số người chui lỗ tường rào bị mục gần nhà gửi xe. Họ mang theo áo quần và đồ đạc, thoát ra khỏi khuôn viên bệnh viện.
Sau đó, nhiều người khác trèo lên tường rào cao khoảng 2 m để thoát ra bất chấp sự khuyên ngăn của lực lượng bảo vệ. Ban giám đốc bệnh viện phải vận động, giải thích rõ về nguy cơ lây lan dịch bệnh, mãi đến khuya tình hình mới ổn định.
Theo bác sĩ Thành, tất cả người trốn về nằm trong các phòng khoa không thuộc diện phong tỏa hoàn toàn như khoa Sản. Tất cả đều đã có kết quả âm tính lần 2 và nhiều người đã lần 3. Do đó, nguy cơ về nguồn lây không đáng ngại.
Hiện, Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận còn quản lý hơn 1.100 người, gồm: bệnh nhân, người nuôi bệnh và nhân viên y tế. Trong đó, 5 ca dương tính đang nằm cách ly điều trị. Riêng khu vực khoa Sản đang phong tỏa nghiêm ngặt, có 77 người bệnh, 84 thân nhân và 54 trẻ sơ sinh. Các kết quả xét nghiệm số này trong những ngày qua đều âm tính, sức khỏe ổn định.
Bệnh viện tiếp tục tạm dừng việc tiếp nhận người bệnh đến khám, chữa bệnh cho đến khi có thông báo mới.
Bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh: Mua hàng không ai bán, bán hàng không ai mua
vtc – Nhiều bệnh nhân COVID-19 ở ổ dịch Mão Điền (Bắc Ninh) đã khỏi bệnh, nhưng khi về nhà họ bị xóm làng xa lánh, mua hàng không ai muốn bán, bán hàng không ai mua.
Mặc dù toàn bộ huyện Thuận Thành được chuyển trạng thái giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 19 của Thủ tướng từ ngày 26/6 nhưng nhiều người vẫn ám ảnh, họ luôn đề phòng, cảnh giác vì từng phải hứng chịu đại dịch.
Chia sẻ với báo VTC News, chị Nguyễn Thị Dung, mẹ của hai bé gái trong bài viết “Bố là bệnh nhân COVID-19 vừa qua đời, hai con nhỏ tự chăm nhau trong khu cách ly” (ở xã Mão Điền, huyện Thuận Thành) cho hay, 2 tháng qua đối với chị như một giấc mơ, cơn ác mộng khiến vợ chồng và con trai cùng mắc COVID-19, sau đó chồng chị – trụ cột trong gia đình qua đời, hai con gái nhỏ là F1 phải tự chăm nhau trong khu cách ly, gia đình bỗng chốc ly tán.
Có những lúc chị chỉ muốn gục ngã, buông xuôi nhưng rồi nghĩ đến con, chị Dung lại gắng gượng.
Góa phụ trẻ nói trong nước mắt, rất may mắn, chị được độc giả của Báo điện tử VTC News ủng hộ hơn 700 triệu đồng, để mẹ con chị vượt qua được khó khăn trước mắt.
Tuy nhiên, ánh mắt chị Dung lại thoáng đượm buồn khi được hỏi về cuộc sống hiện tại. Chị Dung kể, chị và con trai đã được chữa khỏi COVID-19, sau khi về nhà chị và các con tự cách ly tại nhà theo quy định. Nhưng kết thúc thời gian cách ly, chị đi ra chợ mua hàng nhưng bị dân làng xa lánh.
Chị Dung buồn rầu kể lại: “Từ khi được chữa khỏi bệnh, về nhà tôi vẫn chưa đi làm lại vì nhiều người còn sợ mình. Đi mua hàng người ta cũng sợ, họ nhìn thấy tôi thì đứng tránh từ xa, người ta để đồ một chỗ rồi bảo tôi tự lấy.
Thậm chí, do chị dâu và cháu tôi từng là F0, dù đã được chữa khỏi nhưng khi mẹ tôi bán bánh cuốn trong làng, người ta sợ không đến mua. Những lúc như vậy tôi thấy tủi thân, chạnh lòng, ngại và sợ không dám đi ra ngoài giao tiếp với ai”.
Mùa hè nắng như đổ lửa, chị Dung muốn trích một phần tiền của các mạnh thường quân ủng hộ để lắp cho các con điều hòa, nhưng gọi điện thoại 3, 4 nơi đều bị từ chối.
“Khi tìm được thợ đến lắp thì họ liên tục hỏi tôi liệu có tái dương tính lại không. Tới nhà tôi người ta cố tránh xa, làm nhanh chóng rồi đi”.
Người phụ nữ nắm chặt tay con gái út đang ngồi cạnh, lau nước mắt nhìn về ban thờ chồng thở dài: “Chúng tôi đã chiến thắng dịch bệnh, điều mong muốn nhất của tôi là người khác tiếp xúc với tôi không kỳ thị, không nhìn tôi bằng ánh mắt nhìn F0…”.