Tin COVID-19 Trong Nước – 19/8/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin COVID-19 Trong Nước – 19/8/21

Sáng 19/8: Trung Quốc tặng quân đội Việt Nam 200.000 liều vắc-xin COVID-19; F0 tại TP.HCM tiếp tục tăng

Ảnh minh hoạ.

Trung Quốc tặng quân đội Việt Nam 200.000 liều vắc-xin COVID-19

Trithucvn – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo qua thư rằng Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Trung Quốc sẽ cung cấp cho Quân đội nhân dân Việt Nam 200.000 liều vắc-xin phòng COVID-19.

Thông báo được đưa ra tại trụ sở Bộ Quốc Phòng Việt Nam. Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam – ông Hùng Ba đã chuyển cho Bộ Quốc phòng Việt Nam thư của Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Các bản tin, bao gồm cả bản tin của TTXVN, đều không nhắc đến lô vắc-xin 200.000 liều được phía Bộ Quốc phòng Trung Quốc báo tặng cho Quân đội Nhân dân Việt Nam là loại vắc-xin nào.

Trung Quốc hiện đang có hai loại vắc-xin COVID-19 được sử dụng phổ biến là vắc-xin của Sinovac và Sinopharm. Vào ngày 3/6/2021, Bộ Y tế Việt Nam đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc-xin Sinopharm, trở thành loại vắc-xin thứ 3 được Việt Nam phê duyệt, sau AstraZeneca và Sputnik V.

Cùng trong tháng 6, Chính phủ Trung Quốc công bố tặng Việt Nam 500.000 liều vắc-xin Sinopharm.

F0 tại TP.HCM tiếp tục tăng

Tuoitre – Theo dữ liệu từ Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM lúc 21h ngày 18-8, trong hôm nay, TP xét nghiệm 13.900 mẫu, ghi nhận 3.694 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có đến 2.848 ca cộng đồng.

Như vậy, tỉ lệ F0 trong tổng số mẫu xét nghiệm được lấy chiếm hơn 26%. Còn tỉ lệ F0 trong cộng đồng chiếm đến 77% so với tổng số ca mắc (tăng 19% so với ngày 16/8, tăng 5% so với ngày 17/8), trong đó nhiều nhất là quận 1, 10, Bình Tân, Tân Bình, huyện Hóc Môn…

Bình Dương làm rõ thông tin ‘thêm một phụ nữ tử vong vì bị phòng khám từ chối’

Nld – Tối 18/8, UBND TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương đã có báo cáo bước đầu liên quan đến cái chết của bà Nguyễn Thị Kiều (SN 1971, quê Cà Mau), tạm trú ở phường Thuận Giao, TP Thuận An do bị một phòng khám từ chối cấp cứu.

Trước đó sáng 18/8, bà Kiều khó thở và được người nhà đưa đến Phòng khám Đa khoa Phúc An Khang để cấp cứu. Tuy nhiên tại đây bảo vệ đã chỉ người nhà đưa đến Bệnh viện Columbia. Trên đường đi thì bà Kiều mệt và ngất xỉu sau đó được hai nhân viên y tế cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Nhận được thông tin, Công an TP. Thuận An đã làm việc với các bên liên quan. Qua trích xuất camera, cơ quan công an xác định sáng cùng ngày có 1 người đàn ông đi xe máy chở theo 1 người phụ nữ dừng trước cổng phòng khám Đa khoa Phúc An Khang. Lúc này, nhân viên bảo vệ đi ra nói chuyện khoảng 1 phút, sau đó người đàn ông chở người phụ nữ đi.

Làm việc với các cơ quan chức năng, ông Lê Hữu Dương (SN 1991) bảo vệ phòng khám cho biết, người đàn ông chỉ hỏi ở đây có khám bệnh hay không, chứ không nói người thân đang trong tình trạng nguy kịch. Sau đó ông Dương trả lời là ở đây có khám bệnh, lấy thuốc. Nếu muốn siêu âm hay chụp X-quang thì đi đến bệnh viện lớn (bệnh viện Becamex hoặc Columbia).

Ngay sau đó người đàn ông rời đi. Còn ông Nguyễn Bảo Quốc (SN 1989), đại diện theo pháp luật Phòng khám Đa khoa Phúc An Khang, cho biết phòng khám vẫn hoạt động cấp cứu 24/24 giờ và khám bệnh thông thường từ 7 giờ đến 8 giờ hàng ngày.

Do hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phòng khám đề nghị bảo vệ hỗ trợ trước cổng để hỏi thông tin bệnh nhân sau đó thông báo cho bộ phận cấp cứu điều phối bác sĩ, điều dưỡng ra tiếp nhận bệnh.

Thời điểm xảy ra sự việc, phòng khám không được bảo vệ thông báo có người đến khám, cấp cứu. Được biết qua test nhanh cho kết quả bà Kiều dương tính COVID-19. Khám nghiệm tử thi nhận định nạn nhân chết do viêm phổi và phù phổi cấp. Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng làm rõ.

TP.HCM thông báo sẽ hỗ trợ tiền thuê phòng trọ cho gần 1,6 triệu hộ gia đình

TTXVN – Chiều 18/8, thông tin từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, thống kê tại 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức có khoảng 1,6 triệu hộ gia đình lao động gặp khó khăn trong việc thuê trọ nơi ở do tác động của dịch COVID-19. Thành phố dự kiến sẽ hỗ trợ tiền thuê phòng trọ khoảng 1,5 triệu đồng/hộ cho toàn bộ các hộ đang gặp phải hoàn cảnh khó khăn này.

Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, số hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn trong việc thuê trọ tập trung nhiều nhất ở quận Bình Tân với gần 266.800 hộ; kế đến là quận Bình Thạnh với gần 215.700 hộ và huyện Bình Chánh với 179.700 hộ. Quận 7 cũng có gần 139.000 hộ, Quận 8 có gần 112.000 hộ, thành phố Thủ Đức có hơn 100.000 hộ; các địa phương còn lại có khoảng 9.000 – 64.000 hộ.

Cũng qua thống kê từ các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, TP HCM có hơn 2,5 triệu người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố dự kiến sẽ hỗ trợ tất cả những trường hợp này, mỗi trường hợp gồm 1 triệu đồng và 10 kg gạo.

Trước đó, giới chức TP.HCM nói đã triển khai 1 triệu túi an sinh trao tới người dân có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi túi an sinh gồm lương thực, thực phẩm và một số đồ thiết yếu cho người dân.

TP.HCM sẽ xử lý cơ sở khám, chữa bệnh lợi dụng dịch bệnh để trục lợi

Tuoitre – Ngày 18/8, Sở Y tế TP.HCM có văn bản phân công triển khai thực hiện gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0 và công tác cấp cứu, điều trị tại các bệnh viện tầng 2. 

Sở Y tế cho biết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM là đơn vị chịu trách nhiệm chính về toàn bộ các hoạt động của gói chăm sóc sức khỏe cho người F0 cách ly tại nhà, báo cáo kết quả 6 nhóm hoạt động chính về Sở Y tế trước 10h mỗi ngày.

Trung tâm Cấp cứu 115 phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo tiếp nhận cuộc gọi và điều phối xe cấp cứu kịp thời.

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở khám, chữa bệnh lợi dụng dịch bệnh để quảng cáo và thu phí trái quy định.

Công an TP.HCM cho biết sẽ không để người dân tự phát về quê

Zing – yêu cầu này được đại tá Nguyễn Sỹ Quang,  Phó giám đốc Công an TP.HCM đưa ra khi kiểm tra công tác phòng chống, dịch tại huyện Bình Chánh hôm 18/8.

Theo Đại tá Quang, huyện Bình Chánh là cửa ngõ kết nối các tỉnh miền Tây. Đây là địa bàn phức tạp, rộng lớn và đông dân cư. Khi dịch bệnh bùng phát, nhiều người dân đã tự phát đi xe máy qua cửa ngõ Bình Chánh để về quê gây mất an ninh trật tự và nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Đại tá Quang đề nghị Công an huyện Bình Chánh phải tăng cường tuần tra, xử lý, kiểm soát tốt các chốt chặn không để người dân rời đi. 

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/sang-19-8-trung-quoc-tang-quan-doi-viet-nam-200-000-lieu-vac-xin-covid-19-f0-tai-tp-hcm-tiep-tuc-tang.html

Trưa 19/8: Thực hư thông tin tử vong sau tiêm vắc-xin Trung Quốc ở TP. Thủ Đức; Khi nào Hà Nội dừng giãn cách xã hội?

Ảnh tổng hợp.

Thực hư thông tin tử vong sau tiêm vắc-xin Trung Quốc ở TP. Thủ Đức

Nld – Liên quan đến thông tin được đăng tải trên mạng xã hội về một người phụ nữ ở TP. Thủ Đức tử vong sau khi tiêm vắc-xin Trung Quốc. Tối 18/8, trao đổi với báo Người Lao Động, Công an phường Tam Bình (TP. Thủ Đức, TP.HCM) cho biết thông tin trên là chưa đúng sự thật.

Trước đó, trên mạng xã hội Facebook đăng tải thông tin kèm theo di ảnh bà V.T.T.T. (50 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức) tử vong do tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Sau đó, trang Fanpage “Tôi Là Dân Quận 8” còn chia sẻ lại với nội dung: “Tử vong sau khi tiêm Covid-19 TQ, mọi người cảnh giác khi tiêm”. 

Ngay sau đó, người quản lý trang Facebook “Tôi Là Dân Quận 8” đã gỡ bài viết.

Ông V. (chồng của bà T.) cho hay sáng ngày 5/8, vợ chồng ông và những người trong khu phố được UBND phường Tam Bình phát phiếu đi tiêm ngừa vắc-xin Covid-19 tại địa điểm tiêm trên địa bàn phường. Trước khi tiêm và khi đến điểm tiêm, cán bộ phường đều thông báo vắc-xin tiêm là loại AstraZeneca.

Theo ông V., tiêm xong, vợ chồng ông ngồi đợi ở điểm tiêm hơn 30 phút rồi trở về nhà. Sau khi về nhà bà T. vẫn bình thường, không có triệu chứng gì. Khoảng 10 ngày sau, bà T. cảm thấy khó thở nên được gia đình chở đến Bệnh viện TP Thủ Đức cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Qua giám định và lấy mẫu xét nghiệm, bà T. được xác định dương tính với COVID-19.

Khi nào Hà Nội có thể dừng giãn cách xã hội?

Zing – Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong một tuần qua (từ ngày 13/8), số ca dương tính với SARS-CoV-2 của Hà Nội duy trì ở mức 40-60 ca mỗi ngày.

Điều tích cực là số ca nhiễm cộng đồng tại Hà Nội đã giảm đi rõ rệt, từ việc chiếm tỷ lệ 50-60% tổng số ca mỗi ngày xuống còn khoảng 30%. Đặc biệt ngày 18/8, trong 51 ca nhiễm nCoV chỉ có 1 trường hợp CDC Hà Nội ghi nhận tại cộng đồng.

“Số ca nhiễm không tăng mạnh sau khi TP xét nghiệm diện rộng có thể coi là một thành công, nhưng chưa đủ để ta yên tâm. Với 50-60 ca nhiễm mới mỗi ngày, nguy cơ dịch bệnh ở Hà Nội vẫn rất phức tạp và dễ dàng chuyển biến xấu nếu chúng ta chủ quan”, GS.TS Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương) nhận xét.

Theo ông Trần Đắc Phu, Hà Nội không nên quyết định vội vàng việc dừng giãn cách xã hội bởi cần đánh giá rất cẩn trọng từng yếu tố, nhất là kết quả của công tác truy vết, bóc tách F0 và việc xét nghiệm sàng lọc trong tuần này.

“Trước mắt cần làm chặt việc giãn cách trong những ngày còn lại, tranh thủ thời gian xác định nguồn dịch, cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Trong 1 triệu xét nghiệm mà TP sắp làm, nếu số liệu không đột biến, số F0 cộng đồng thấp thì tình hình cơ bản đã ổn định, có thể nghĩ đến dừng giãn cách xã hội”, ông Phu nói.

Hết tiền thuê trọ, lao động tự do “vất vưởng” dưới gầm cầu, vỉa hè ở Hà Nội

Dantri – Trong những ngày giãn cách xã hội ở Hà Nội, nhiều người lao động tự do bị mất việc, không có tiền và không thể về quê. Họ phải sống tạm ở gầm cầu, vỉa hè… chờ đồ ăn từ nhà hảo tâm để sống qua ngày.

Hơn 10h đêm 18/8, tại khu vực gầm cầu vượt Nguyễn Chánh, đoạn qua nút giao đường Trần Duy Hưng (Hà Nội), anh Nguyễn Văn Tục quê ở tỉnh Điện Biên ngồi trên vỉa hè, bên cạnh lỉnh kỉnh đồ đạc và một suất cơm hộp vẫn còn nóng.

Anh cho biết đang làm thợ xây cho một công trình xây dựng trên địa bàn quận Tây Hồ được khoảng 2 tháng thì phải tạm dừng vì dịch bệnh. “Từ hôm giãn cách xã hội thì bên chủ thầu cũng nuôi ăn ở được khoảng chục hôm. Sau đó, là đuổi chúng tôi ra ngoài thuê trọ và bảo bao giờ hết giãn cách xã hội thì sẽ gọi lại để làm việc. Và rồi từ đó cũng tắt điện thoại luôn, không ai liên lạc được nữa…”, anh cho hay.

Được biết, nhóm thợ xây của anh Tục có khoảng gần chục người, từ khi bị quản lý đuổi ra ngoài, mọi người đã rủ nhau đi bộ về Điện Biên vì không còn xe khách hoạt động, duy nhất anh Tục là không thể đi bộ về quê với lý do đau chân.

“Tôi đi bộ nhiều đến mức 2 bàn chân phồng rộp hết lên, mọng nước, đành lang thang ở Hà Nội để xin ăn. Cố gắng chờ đến khi nào dịch vụ xe khách được mở trở lại thì xin tiền các nhà hảo tâm để về quê thôi”, anh chia sẻ.

Trong 2 tháng làm thợ xây, anh chỉ nhận được vỏn vẹn 500 nghìn đồng tiền tạm ứng mua đồ dùng cá nhân. 

Ban ngày, anh Tục loanh quanh khu vực đường Trần Duy Hưng để xin ăn. Còn khi màn đêm buông xuống anh lại quay về gầm cầu vượt Nguyễn Chánh để trải tấm áo mưa, nằm ngủ. Chiếc điện thoại “cục gạch” là thứ quý giá nhất để anh liên hệ với người thân cũng đã bị kẻ gian lấy cắp lúc nào không hay.

Gần một tuần trở lại đây, anh Lường Văn Hào (21 tuổi, quê ở huyện Văn Chấn, Yên Bái) làm phụ hồ tại một công trình xây dựng ở Hà Nội phải sống vật vờ, tạm bợ ở chân cầu vượt vành đai 3 trên cao (đoạn đối diện bến xe Mỹ Đình) chờ tới khi Hà Nội hết giãn cách xã hội để bắt xe khách về quê.

Anh kể: “Tôi làm công trình xây dựng được hơn một tháng thì phải nghỉ vì dịch bệnh, từ đó tới nay ông quản lý công trường cũng mất tích luôn. Tiền lương thì không trả, giấy tờ tùy thân của tôi cũng bị ông ấy cầm đi luôn. Giờ không biết phải tìm ông ấy ở đâu”.

Cũng theo anh Hào, vào ban ngày, lực lượng công an đi tuần tra nên phải trốn vào các góc khuất hoặc đi xin ăn. Đến buổi tối mới dám quay lại đây để trải chiếu nằm ngủ. Ngày nào có các nhà hảo tâm đến phát cơm cho thì tốt còn không thì nhịn đói qua ngày.

“Mấy hôm bị ốm mệt em phải chạy ra hiệu thuốc, ngửa tay xin từng viên thuốc. Trong thời gian này phải cố gắng vượt qua khó khăn thôi chứ không biết làm thế nào cả”, anh Hào chia sẻ thêm.

Theo tìm hiểu, tại khu vực gần bến xe Mỹ Đình, nhiều người khó khăn không nắm được việc các xe khách không vận chuyển do đang giãn cách xã hội nên vẫn đến bến xe rồi đã vạ vật chờ ở đó trong nhiều ngày.

Tình người ở ‘siêu thị 0 đồng’ của hai nữ công nhân môi trường Hà Nội

Danviet – Đều đặn vào 5h30 mỗi sáng, 2 nữ công nhân Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội lại bắt đầu vận chuyển rau củ quả để phát miễn phí cho người dân. 

Chị Nguyễn Thị Ngoan (49 tuổi) và chị Nguyễn Thị Lượng (46 tuổi) trú tại thôn Tô Khê, xã Phú Thị (huyện Gia Lâm, Hà Nội) dù kinh tế không hề khá giả nhưng vẫn làm từ thiện, giúp rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.

Khi được hỏi, chị Ngoan tâm sự: “Dịch dã phức tạp, người dân không đi lại được, chúng tôi là công nhân môi trường nên cũng được đi lại dễ dàng hơn, vì vậy mình giúp được gì thì giúp”.

“Ngoài việc hái rau trong vườn nhà, chúng tôi đã dùng tiền của các nhà hảo tâm ủng hộ và của cá nhân để mua rau trong chợ gần nhà ở Gia Lâm”.

Địa điểm phát rau của “siêu thị 0 đồng” này thường đặt tại số 2 Lãng Yên (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng) dành cho mọi người dân đang bị phong tỏa.

Được biết, do đặc thù công việc thường phải đi từ 4h sáng, nhưng các chị thường đi sớm từ 3h, để phân chia các túi rau. Ngoài ra, 2 chị cũng phải thay nhau dọn dẹp tuyến đường và phát rau cho mọi người.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/trua-19-8-thuc-hu-thong-tin-tu-vong-sau-tiem-vac-xin-trung-quoc-o-tp-thu-duc-khi-nao-ha-noi-dung-gian-cach-xa-hoi.html

Tối 19/8: Thêm 10.654 ca COVID-19 Bệnh viện quận Bình Tân thu 36 triệu đồng tiền viện phí người mắc COVID-19 tử vong

Ảnh tổng hợp từ Người lao Động/Tuổi Trẻ.

Việt Nam lên tiếng về tình hình Afghanistan

NLĐ – Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao theo hình thức trực tuyến chiều 19/8, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã trả lời nhiều câu hỏi quanh quan điểm của Việt Nam về tình hình Afghanistan hiện nay.

Phó Phát ngôn viên nêu rõ, Việt Nam kêu gọi các bên liên quan không sử dụng vũ lực, bảo đảm an ninh, trật tự, cơ sở hạ tầng thiết yếu, tính mạng và tài sản cho người dân Afghanistan và người nước ngoài, nhất là phụ nữ và trẻ em, cũng như đảm bảo tiếp cận nhân đạo khi cần thiết.

Thêm 10.654 ca COVID-19

VnExpress – Trong 10.654 ca nhiễm được Bộ Y tế công bố tối 19/8 có 10.639 ca ở 37 tỉnh thành, tăng 1.995 ca so với hôm qua; 5.000 người khỏi bệnh; 380 ca tử vong.

Trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận tại TP HCM tăng 694 ca, Bình Dương tăng 742 ca, Đồng Nai tăng 214 ca, Long An tăng 117 ca, Tiền Giang tăng 196 ca.

10.639 ca ghi nhận trong nước tại: TP.HCM 4.425 ca, Bình Dương 3.255, Đồng Nai 657, Long An 545, Tiền Giang 478, Đồng Tháp 185, Đà Nẵng 164, Khánh Hòa 151, Cần Thơ 134, Tây Ninh 102, An Giang 70, Vĩnh Long 60, Hà Nội 53, Trà Vinh 51, Nghệ An 45, Phú Yên 44, Bình Thuận 43, Sơn La 26, Quảng Nam 24 và Bình Định mỗi nơi 24 ca, Kiên Giang 17, Quảng Ngãi 16, Quảng Trị 9, Bình Phước 8, các tỉnh Bắc Giang, Ninh Thuận và Hà Tĩnh mỗi nơi 7, Hậu Giang và Thanh Hóa đều 6, Bắc Ninh, Nam Định và Quảng Bình mỗi nơi 4 ca, Hải Dương, Ninh Bình và Bạc Liêu mỗi nơi 2 ca, Thái Bình và Lạng Sơn mỗi nơi một ca. Trong đó có 6.407 ca trong cộng đồng.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận 312.611 ca nhiễm, đứng thứ 72/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính tỷ lệ số ca nhiễm trên 1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 169 (bình quân cứ 1 triệu người có 3.180 ca nhiễm).

Bệnh viện quận Bình Tân thu 36 triệu đồng tiền viện phí của người mắc COVID-19 tử vong

Tuoitre – Bệnh viện quận Bình Tân, TP.HCM vừa bị người dân tố cáo thu tiền viện phí của người mắc COVID-19 tử vong mới có thể nhận giấy báo tử và thi thể an táng.

Chị N.T.N. (ngụ quận 12) cho biết ngày 3-8, mẹ của mình mắc COVID-19 đến Bệnh viện Đa khoa Bình Tân điều trị. Khi nhập viện, phía bệnh viện yêu cầu nộp tạm ứng tiền viện phí hơn 8 triệu đồng. Đến ngày 16-8, bệnh viện thông báo bà T. tử vong.

Ngoài việc thông báo bà T. đã mất, phía bệnh viện yêu cầu gia đình nộp thêm 28 triệu đồng tiền viện phí để nhận giấy báo tử và thi thể an táng. Gia đình tự liên hệ với các cơ sở mai táng để lo hỏa táng cho người thân.

Theo chị N., khoảng 2 tháng nay chị thất nghiệp và không có thêm khoản thu nhập nào. Không đan tâm để mẹ lạnh lẽo, chị phải chạy vạy vay mượn người quen được 25 triệu đồng để đóng cho bệnh viện nhưng vẫn không đủ, còn thiếu 3 triệu. 

Lo việc hậu sự xong, ngày 18-8, chị N. tiếp tục đi vay thêm 3 triệu đồng để nộp đủ số tiền viện phí cho bệnh viện mới được xuất hóa đơn tiền viện phí. 

Chị N. bức xúc nói: “Tôi thấy trên tivi, trên báo đều nói điều trị COVID-19 đều được miễn phí nhưng khi hỏi bệnh viện bảo trên tivi nói thế thôi chứ chưa có văn bản nào khẳng định miễn phí hết”.

Theo ông Phan Văn Mến, giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, Người mắc COVID-19 được khám và điều trị miễn phí, chi phí do Nhà nước chi trả 100%, từ tiền giường, tiền thuốc và các dịch vụ liên quan.

Qua đối chiếu, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TP.HCM khẳng định Bệnh viện quận Bình Tân thu viện phí của người bệnh như trên là sai quy định và phải trả lại chi phí cho người nhà bệnh nhân.

Vụ phường thu “lệ phí” hỗ trợ COVID-19: Kiểm điểm cán bộ vi phạm, trả lại tiền cho dân

NLĐ – Ngày 19/8, UBND TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu phường Hải Thành yêu cầu xử lý cán bộ liên quan đến việc thu tiền người lao động sai quy định khi đến ký xác nhận để hưởng chế độ hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Động thái này được thực hiện sau khi báo chí phản ánh, UBND TP. Đồng Hới lập tổ công tác tiến hành kiểm tra, xác minh sự việc và đã có những báo cáo vụ thể.

TP Đồng Hới yêu cầu phường Hải Thành nghiêm túc tổ chức kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân có liên quan do thực hiện việc thu tiền người lao động trong quá trình xác nhận hồ sơ để hưởng chính sách hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19, trái quy định của pháp luật.

Biên lai hiếm hoi việc “thu phí” 4 người dân được ghi trong ngày 16/8 của UBND phường Hải Thành. Còn sau đó, chính quyền địa phương thu tiền mà “quên” viết phiếu thu

Chủ tịch phường Hải Thành cho biết phường đang tiến hành gặp gỡ từng người dân, xin lỗi và trả lại số tiền đã thu sai quy định. Cụ thể, đã thu tổng số tiền 1,78 triệu đồng đối với 178 trường hợp ở ngoài địa bàn đến ký xác nhận tại UBND phường.

Bộ Y tế họp khẩn với TP.HCM và 3 tỉnh

NLĐ – Trong diễn biến tình hình hiện nay, nhất là với TP HCM, số người nhiễm tiếp tục gia tăng đòi hỏi có sự chăm sóc, quản lý, điều trị người nhiễm tại cộng đồng, bên cạnh đó, phải đảm bảo công tác y tế cho người dân tại địa bàn. Sáng 19/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long họp khẩn với lãnh đạo TP.HCM và 3 tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai để thảo luận vấn đề triển khai mô hình Trạm Y tế lưu động để chăm sóc người bệnh, người mắc COVID-19.

Mỗi xã phường theo quy định trước đây có một trạm y tế, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay có thể thiết lập nhiều Trạm Y tế lưu động tại xã phường đó, nhất là với khu vực đông dân cư, nơi có nhiều người nhiễm Covid-19.

Trạm Y tế lưu động này vẫn thực hiện chức năng nhiệm vụ của trạm y tế, trong chăm sóc sức khỏe ban đầu với người dân trên địa bàn, đồng thời quản lý, điều trị người nhiễm Covid-19 dựa vào cộng đồng và gia đình với mô hình của TP.HCM.

Đề xuất cấp hơn 130.000 tấn gạo hỗ trợ 8,6 triệu người

VnExpress – Ngày 19/8, Bộ Lao động Thương binh Xã hội đề xuất Chính phủ cấp 130.000 tấn gạo để hỗ trợ cho 8,6 triệu người nguy cơ thiếu đói tại 24 tỉnh, thành.

Theo đề xuất, mỗi nhân khẩu sẽ được hỗ trợ 15 kg gạo trong một tháng. Trước đó 24 tỉnh, thành đề nghị được hỗ trợ gạo cứu đói, tổng cộng hơn 216.000 tấn. Số đề xuất cấp phát đáp ứng được hơn 60% nhu cầu cấp gạo của các tỉnh trên.

Danh sách 24 tỉnh,thành phố gồm: TP.HCM, TP. Đà Nẵng, TP. Cần Thơ, An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Kiên Giang, Long An, Nghệ An, Ninh Thuận, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, Phú Yên, Vĩnh Long.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/toi-19-8-them-10-654-ca-covid-19-benh-vien-quan-binh-tan-thu-36-trieu-dong-tien-vien-phi-nguoi-mac-covid-19-tu-vong.html