Tin COVID-19 Trong Nước – 17/8/21
Sáng 17/8: F0 trong cộng đồng TP.HCM có dấu hiệu tăng; Hà Nội công bố thời gian tựu trường, sớm nhất ngày 1/9
Học sinh Hà Nội tựu trường sớm nhất từ ngày 1/9
Soha – Dù đãng giãn cách nghiêm ngặt, nhưng ngày tựu trường của tất cả các cấp học, ngành học ở Hà Nội vẫn sẽ diễn ra sớm nhất từ ngày 1/9 và ngày khai giảng được tổ chức thống nhất trên toàn thành phố vào ngày 5/9
Cụ thể, chiều 16/8, Phó Chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký quyết định về việc ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, ngày tựu trường của tất cả các cấp học, ngành học sớm nhất từ ngày 1/9/2021; ngày khai giảng được tổ chức thống nhất trên toàn thành phố vào ngày 5/9/2021.
Chủ tịch TP.HCM: F0 trong cộng đồng có dấu hiệu tăng
Zing – Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong trong cuộc họp chiều 16/8 cho biết tỷ lệ F0 trong cộng đồng có dấu hiệu tăng. Ông đề nghị các địa phương lên kế hoạch chi tiết đến từng ngày để thực hiện và “tranh thủ từng giờ”, triển khai sớm nhất có thể.
“Không nói quyết tâm nào mà không phải hành động. Hành động phải biểu hiện thành kế hoạch cụ thể”, Chủ tịch TP.HCM yêu cầu.
TP.HCM chia 2 giai đoạn kiểm soát dịch trong 30 ngày giãn cách xã hội tiếp theo. Tuy nhiên, Chủ tịch Phong lưu ý riêng 7 địa phương nêu trên xác định chỉ có một giai đoạn và phải kiểm soát dịch trước 30/8, không có giai đoạn thứ hai. Ngoài 7 địa phương này, ông cũng khuyến khích các nơi khác sớm kiểm soát dịch.
Trao đổi với các địa phương, ông Phong cho biết những ngày qua, tỷ lệ F0 trong cộng đồng có dấu hiệu tăng. Trước đây, tỷ lệ F0 trong khu phong tỏa gần 80%. Nhưng hôm nay, F0 mới trong cộng đồng chiếm 53% (3.342 trường hợp), trong khu phong tỏa là 41%.
Hôm qua 16/8, Bộ y tế ghi nhận thêm 8.652 ca COVID-19, trong đó TP.HCM 3.341 ca và 315 ca tử vong. Số ca nhiễm mới nông tổng số ca nhiễm lên 152.627 ca.
Bạc Liêu dừng phòng khám tư 1 tuần vì sợ… dân lợi dụng ra đường ‘đi khám bệnh’
Tuoitre – Ngày 16/8, giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu Bùi Quốc Nam ký công văn yêu cầu tất cả các phòng khám y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh tạm dừng các hoạt động khám chữa bệnh từ 5h sáng 17/8 đến hết ngày 22/8.
Theo đó, để đảm bảo thực hiện nghiêm, dứt khoát, chặt chẽ, thực chất đối với việc giãn cách xã hội, đảm bảo tinh thần người cách ly người, gia đình cách ly gia đình, ai ở đâu thì ở đó và nhằm thực hiện triệt để việc giãn cách, tránh trường hợp người dân lợi dụng việc khám bệnh tại các cơ sở y tế tư nhân để ra đường không cần thiết.
Hai phó chủ tịch xã ở Hà Tĩnh bị đình chỉ vì ký xác nhận cho người về từ vùng dịch
Xác nhận với VTC tối 16/8, một quan chức ở huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết 2 người bị đình chỉ là ông Thái Văn Thụ, phó Chủ tịch xã Nam Phúc Thăng và ông Hoàng Minh Tân, Phó Chủ tịch xã Cẩm Thành.
Thời gian tạm đình chỉ từ 12h ngày 14/8/2021 đến hết ngày 29/8/2021.
Quyết định ghi lý do đình chỉ hai phó chủ tịch xã chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 không nghiêm túc, ký xác nhận để công dân ở vùng dịch, đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đi về địa phương. Hà Tĩnh ghi nhận 312 ca COVID-19 (từ ngày 4/6).
Nghệ An: Giãn cách thành phố Vinh theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 17/8
Dân Trí – Số ca cộng đồng liên quan đến ổ dịch chợ đầu mối tăng, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Tối 16/8, ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký quyết định thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi thành phố Vinh theo Chỉ thị 16 bắt đầu từ 0h ngày 17/8. Đây là lần thứ 2, thành phố hơn nửa triệu dân này phải áp dụng biện pháp mạnh nhất trong phòng, chống dịch COVID-19.
Quyết định này được đưa ra sau cuộc họp khẩn giữa Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh và UBND thành phố Vinh trưa ngày 16/8, chỉ sau 2 ngày thực hiện giãn cách xã hội thành phố theo Chỉ thị 15.
Tính từ thời điểm phát hiện ca mắc COVID-19 cộng đồng đầu tiên vào ngày 14/8, đến nay tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 11 trường hợp dương tính với COVID-19 liên quan đến chợ đầu mối Vinh (đóng trên địa bàn phường Hồng Sơn, thành phố Vinh).
Tính đến 16h ngày 16/8, qua rà soát từ ngày 31/7 đến ngày 14/8 đã xác định được 4.017 trường hợp liên quan đến chợ đầu mối. Trong đó, ngành chức năng đã tổ chức cách ly tập trung 283 trường hợp; có hơn 3.700 trường hợp cách ly tại nhà.
Trưa 17/8: Điều tra vụ chuyển 41 thi thể COVID-19 rời thành phố; Hơn 1,2 triệu người khó khăn ở TP.HCM chờ nhận hỗ trợ
Bộ Tư lệnh TP.HCM điều tra vụ chuyển 41 thi thể COVID-19 rời thành phố
Zing – Liên quan đến thông tin cơ quan chức năng phát hiện xe tải vận chuyển 46 thi hài từ TP.HCM về Bến Tre hỏa táng, trong số này có đến 41 thi hài tử vong do COVID-19. Bộ Tư lệnh TP.HCM cho biết, sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng điều tra và xử lý nghiêm theo quy định.
Thời gian qua, Bộ Tư lệnh TP.HCM đã huy động 140 quân nhân, tổ chức lực lượng phối hợp xử lý thi hài và tro cốt bệnh nhân COVID-19 tử vong trên địa bàn TP, trong đó có 7 đội cấp TP và các đội cấp quận, huyện.
Đồng thời, lực lượng của Bộ Tư lệnh TP sẽ bảo đảm an ninh trật tự và điều phối hoạt động tại Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa; tổ chức vận chuyển và bàn giao tro cốt bệnh nhân tử vong do COVID-19 đến từng gia đình, bảo đảm trang trọng, đúng phong tục tập quán của địa phương.
Tối 16/8, Công an tỉnh Bến Tre làm việc với Lê Phúc Hậu (28 tuổi, ngụ Vĩnh Long) để làm rõ vụ tài xế này chở 46 tử thi từ TP.HCM về lò hỏa táng Phúc Lạc Viên ở xã Phú Hưng, TP. Bến Tre.
Thủ tướng: Làm rõ vụ 5 cơ sở y tế từ chối cấp cứu khiến bệnh nhân chết
Zing – Văn phòng Chính phủ vừa có công điện số 5646 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về thông tin báo chí phản ánh việc 5 cơ sở y tế tại tỉnh Bình Dương không tiếp nhận cấp cứu khiến một người dân tử vong.
Sau khi tiếp nhận thông tin báo chí phản ánh liên quan đến vụ việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương và Bộ Y tế chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, làm rõ.
Trường hợp có hành vi vi phạm trong việc tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhân, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trước đó, ngày 13/8, ông N.D. (57 tuổi, quê Trà Vinh) nôn ói dữ dội nên thân nhân nhờ hàng xóm đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, khi đến 5 cơ sở y tế đều không nơi nào tiếp nhận điều trị. Ông D. được đưa về và tử vong tại nhà trọ ở TP. Dĩ An.
Nghệ An bất ngờ xuất hiện nhiều ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng
Thanh Niên – Sáng 17/8, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết, trong vòng 12 giờ qua, cơ quan này đã ghi nhận thêm 20 ca nhiễm COVID-19. Trong số đó, có 8 bệnh nhân lây nhiễm từ chùm ca bệnh ở chợ đầu mối Vinh và chợ Quang Trung (TP. Vinh) được phát hiện trong cộng đồng.
Liên quan đến ổ dịch chợ đầu mối Vinh, từ ngày 14.8 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An đã ghi nhận 20 ca nhiễm COVID-19 ở 5 huyện, thị của tỉnh Nghệ An (TP. Vinh 14 ca, H.Nghi Lộc 2 ca, H.Hưng Nguyên 2 ca, TX. Hoàng Mai 1 ca, H.Nam Đàn 1 ca).
Nghệ An cũng đã ghi nhận 236 ca nhiễm COVID-19 là những người trở về từ các tỉnh phía nam, trong đó, nhiều nhất là về từ Bình Dương với 119 ca. Hiện có hơn 24.000 người Nghệ An trở về quê từ các tỉnh có dịch đang được cách ly tập trung và cách ly tại nhà.
Trước tình hình dịch đang rất phức tạp, UBND tỉnh Nghệ An quyết định phong tỏa, giãn cách xã hội TP. Vinh theo Chỉ thị 16 kể từ 0 giờ hôm nay, 17/8, yêu cầu người dân “ai ở đâu ở đấy”, chỉ ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết.
Hơn 1,2 triệu người khó khăn ở TP.HCM chờ nhận hỗ trợ
Thanh Niên – Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, TP.HCM có hơn 1,2 triệu người dân đang gặp khó khăn cần nhận hỗ trợ để tiếp tục duy trì cuộc sống trong những ngày giãn cách xã hội.
Thông tin trên được bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM, trao đổi tại buổi triển khai kế hoạch thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 kéo dài đến hết ngày 15.9 do Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM diễn ra chiều tối qua (16.8).
Qua tính toán sơ bộ, TP.HCM có khoảng 1,2 triệu người khó khăn (còn 3 quận chưa báo cáo danh sách về). Nếu TP.HCM hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày và giải quyết trước mắt cho 2 tuần (từ ngày 16 – 31/8) thì mỗi người cần 700.000 đồng, ước tính kinh phí cần khoảng 1.000 tỉ đồng và sẽ tăng thêm khi các quận báo cáo đầy đủ.
Trước mắt, Ủy ban MTTQVN TP.HCM đã tạm chi 24 tỷ đồng xuống 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức; mỗi đơn vị nhận 1 tỉ đồng (riêng TP.Thủ Đức 3 tỷ đồng) để chăm lo ngay cho những hộ quá khó khăn. “Các địa phương cứ lấy mà chi và không đòi hỏi thủ tục gì hết, thấy người dân gặp khó khăn thì phải chăm lo liền”, bà Châu đề nghị.
Bà Châu cho biết Trung tâm An sinh TP.HCM đã kết nối với một số đơn vị. Như chiều 17.8, Thành đoàn TP.HCM ký kết với một số đơn vị hỗ trợ 1 triệu suất ăn (mỗi suất ăn trị giá 25.000 đồng) cung cấp các bệnh viện, khu cách ly và người dân khó khăn. Còn Tập đoàn Novaland sẽ triển khai xe “Siêu thị 0 đồng” gắn với các địa bàn có dân nhập cư đông; mỗi ngày phát 2.500 suất và làm trong 1 tháng, cứ 2 tuần thì quay lại chỗ cũ, danh sách người dân do địa phương chọn và phát phiếu.
Minh Sang
Tối 17/8: Thêm 9.595 người mắc COVID-19; Phong tỏa nhà hỏa táng
Thêm 9.595 người mắc COVID-19
Zing – Số ca mắc mới ở TP.HCM là 3.559 (tăng 218 người), Bình Dương 3.332 (tăng 810 người).
Từ 18h ngày 16/8 đến 19h ngày 17/8, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 9.605 ca mắc Covid-19 mới. Trong đó, 10 trường hợp nhập cảnh và 9.595 ca ghi nhận trong nước.
Chi tiết ca bệnh được ghi nhận tại các tỉnh thành bao gồm: TP.HCM (3.559), Bình Dương (3.332), Long An (581), Tiền Giang (411), Đồng Nai (298), Cần Thơ (172), Đồng Tháp (170), Khánh Hòa (139), Đà Nẵng (124), Tây Ninh (88), Trà Vinh (79), Bà Rịa – Vũng Tàu (79), Vĩnh Long (76), Phú Yên (71), Hà Nội (61), Bình Thuận (55), Sóc Trăng (44), An Giang (33), Kiên Giang (31), Gia Lai (26), Đắk Lắk (24), Bắc Ninh (20), Hà Tĩnh (19), Nghệ An (16), Bình Định (12), Thanh Hóa (12), Ninh Thuận (11), Quảng Nam (11), Bến Tre (10), Quảng Ngãi (5), Quảng Trị (5), Lào Cai (4), Bạc Liêu (3), Lạng Sơn (3), Lâm Đồng (3), Bình Phước (3), Cà Mau (2), Thái Bình (1), Thái Nguyên (1), Thừa Thiên Huế (1).
Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cũng thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân hôm nay ghi nhận 331 ca tử vong riêng TP.HCM (285), Bình Dương (12).
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 17/8 là 6.472, chiếm 2,2% số ca mắc và tương đương với tỷ lệ trên thế giới.
Cũng trong ngày 17/8, 4.331 bệnh nhân COVID-19 đã được công bố khỏi bệnh, qua đó nâng tổng số trường hợp được điều trị khỏi tại Việt Nam lên 111.308 người.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có tổng cộng 293.301 ca nhiễm COVID-19.
Vụ chở 46 thi thể từ TPHCM về Bến Tre: Phong tỏa nhà hỏa táng
Dân Trí – Trước đó, rạng sáng 16/8, Công an xã Phú Hưng (TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre) nhận thông tin từ cơ sở hỏa táng Phúc Lạc Viên (xã Phú Hưng) về việc tiếp nhận 46 thi thể từ TPHCM để hỏa táng, trong đó có 41 thi thể của bệnh nhân COVID-19.
Chiều 17/8, ông Huỳnh Vĩnh Khánh – Chủ tịch UBND TP. Bến Tre cho biết, đã phong tỏa toàn bộ nhà hỏa táng Phúc Lạc Viên, không tiếp nhận hỏa táng người chết vì COVID-19 ngoài địa phương.
Riêng đối với tài xế Lê Phúc Hậu, điều khiển xe tải biển kiểm soát 64C-077.84 lợi dụng “luồng xanh” để chở số thi thể người chết vì COVID-19 từ TP.HCM đến cơ sở hỏa táng Phúc Lạc Viên, công an TP. Bến Tre đã lập biên bản, xử lý theo quy định của pháp luật.
Hà Nội: Phát hiện ổ dịch COVID-19 tại khu trọ ở Đông Anh, chủ nhà cũng mắc
Dân Trí – Trưa nay, Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 41 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 8 trường hợp tại cộng đồng và 33 trường hợp tại khu cách ly.
Đáng chú ý, trong số này có 5 ca tại phường Văn Miếu, Đống Đa là khu vực từng phát hiện nhiều F0. Ngoài ra, tiếp tục có thêm 6 công nhân xây dựng tại Quang Trung, Hà Đông (đã được cách ly trước đó) dương tính SARS-CoV-2. Tại Đông Anh ghi nhận thêm 3 ca dương tính tại khu trọ đã ghi nhận nhiều F0, trong đó có cả chủ nhà trọ là bà N.T.T., sinh năm 1973.
Cộng dồn số F0 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) là 2.306 ca, trong đó số F0 ghi nhận trong cộng đồng là 1.232 ca, số F0 là đối tượng đã được cách ly là 1.074 ca.
Nêu quan điểm về tình hình dịch bệnh ở Hà Nội, BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho rằng hiện số ca mắc mới mỗi ngày của thành phố chưa nhiều. Tuy nhiên, việc có F0 lẩn khuất trong cộng đồng vẫn khiến Hà Nội là khu vực nguy cơ cao.
Xúc động chuyện người vợ mắc COVID-19 nhường máy thở cho chồng
Tuoitre – Câu chuyện do bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, đăng trên trang cá nhân của mình. Qua tìm hiểu, đó là cặp vợ chồng khá cao tuổi, trú tại xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Hai ông bà được phát hiện dương tính hôm 26-7, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Đến ngày 2-8, bệnh chuyển nặng, phải chuyển tuyến lên khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Chúng tôi xin giới thiệu câu chuyện của bác sĩ.
“Người phụ nữ đến cuối cùng vẫn chọn cách hy sinh cho gia đình, hy sinh cho chồng, cho con cho dù…. não bà đang thiếu oxy, dù bà có đang thở không ra hơi nhưng bà vẫn thều thào nói với chúng tôi: “Thưa bác sĩ: Nếu thiếu máy thở, tôi xin nhường máy cho ông ấy”. May mắn cho bà là chúng tôi không thiếu máy thở.
COVID-19 thường có yếu tố gia đình. Một người bị là cả nhà bị. Gia đình ông bà cũng không ngoại lệ và cùng vào viện trong bệnh tình rất nặng.
Qua những ngày hỗ trợ hô hấp không xâm nhập, tình trạng của cả hai ông bà đều xấu đi và bà có chỉ định cần can thiệp đặt ống thở máy. Sau khi giải thích cho bà việc can thiệp đặt ống thở máy để đảm bảo mức oxy cho cơ thể, bà nghĩ ngay đến việc sẽ nhường việc đó cho ông.
Chúng tôi phải cố giải thích cho bà rằng mỗi bệnh nhân cần một cách tiếp cận điều trị khác nhau và oxy cũng giống như việc dùng thuốc, cần đúng liều lượng, đúng thời gian, không nhiều quá mà cũng không ít quá. Trường hợp của ông cần tiếp tục theo dõi chứ không cần can thiệp ngay như bà.
Có vẻ bà chưa được thuyết phục vì điều đó. Chúng tôi đành chỉ cho bà nhìn về nơi góc phòng máy. “Bà yên tâm, chúng cháu không thiếu máy bà ạ. Chúng cháu sẽ cứu cả hai ông bà”. Thoáng chốc, tôi thấy sự an tâm trên nét mặt của bà.
Vài ngày sau bệnh tình của ông trở nặng. Ông cũng cần an thần thở máy. Nhưng ông được cai thở máy sớm hơn và rút ống nội khí quản chuyển sang chế độ thở oxy như trước. Ông như được sống lại lần nữa nhưng nhìn giường bà bên cạnh vẫn đang phải thở máy, nước mắt ông cứ lăn dài trên má.
Hôm 12-8, trời mưa khá to nhưng có lẽ là một ngày đẹp trời với cả hai ông bà khi đều được rút ống thở máy chuyển sang thở oxy thường. Bà được can thiệp rút ống nội khí quản sau ông nửa ngày. Khi được hỏi ông có muốn nói gì với bà không và chúng ta có những dòng thư trong bức ảnh.
Luận mãi, những dòng chữ run rẩy của bệnh nhân mới vừa quay về cõi sống nhắn cho người vợ đang ở giường bệnh bên cạnh và lúc ấy vẫn đang thở máy. “Em ơi cố lên”.
https://www.dkn.tv/thoi-su/toi-17-8-them-9-595-nguoi-mac-covid-19-phong-toa-nha-hoa-tang.html