Tin COVID-19 Trong Nước – 14/8/21
Sáng 14/8- Chủ tịch Hà Nội: Thành phố kiểm soát được tình hình dịch bệnh; TP.HCM tính giãn cách tiếp
Phát hiện 67 ca dương tính COVID-19 tại một Trung tâm công tác xã hội
Thanh Niên – Tối 13/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết, Trung tâm công tác xã hội tỉnh Tiền Giang nhanh chóng được chuyển thành nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 như một bệnh viện dã chiến sau khi phát hiện 67 trường hợp dương tính với COVID-19 tại đây.
Nguyên nhân ban đầu xác định nguồn lây từ bên ngoài vào. Ông Lý Văn Cẩm, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Tiền Giang cho biết, công tác xử lý dịch bệnh Covid-19 tại Trung tâm công tác xã hội gặp nhiều khó khăn, do phần lớn ca dương tính là người cao tuổi, không có thân nhân, người bị bệnh tâm thần…
Sở Y tế Tiền Giang đã có lệnh cử bác sĩ, điều dưỡng đến để điều trị cho bệnh nhân giống như một cơ sở của bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19.
Hiện, 357 đối tượng xã hội và hơn 88 cán bộ, viên chức, người lao động tại Trung tâm công tác xã hội đã được lấy mẫu xét nghiệm PCR và đang chờ Bệnh viện đa khoa Trung tâm tỉnh Tiền Giang công bố kết quả.
Thí điểm điều trị F0 tại nhà, TP.HCM tính giãn cách tiếp
VnExpress – Bộ trưởng Y tế cho biết sẽ thí điểm triển khai điều trị F0 tại nhà, trong khi đó TP.HCM lên phương án giãn cách xã hội đến giữa tháng 9.
Bộ Y tế đã quyết định thay đổi chiến lược điều trị Covid-19 trong bối cảnh ca nhiễm tăng nhanh, hơn 251.000, gây áp lực lớn lên cơ sở điều trị. Toàn bộ bệnh viện trên cả nước sẽ tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 và thí điểm điều trị F0 tại nhà.
Trước kia có 3 tuyến điều trị, bệnh nhân nặng điều trị tại bệnh viện trung ương, bệnh nhân trung bình điều trị ở tuyến tỉnh và bệnh nhân nhẹ ở tuyến huyện. Hiện nay, do số lượng bệnh nhân tăng nhanh và đông, với mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong và tất cả bệnh nhân được tiếp cận với dịch vụ y tế, Bộ Y tế đã bổ sung một số điểm, chính sách. Trong đó, các bệnh viện trên toàn quốc cần chuẩn bị sẵn sàng ít nhất 40% giường bệnh để đón bệnh nhân COVID-19. Tất cả bệnh nhân ở các tuyến khi xác định nhiễm nCoV đều được tiếp cận điều trị từ y tế cơ sở, bệnh viện huyện, bệnh viện tư nhân…
Ngoài các bệnh viện dã chiến chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19, các bệnh viện khác phải tách đôi, thực hiện song song nhiệm vụ kép: vừa điều trị bệnh nhân thông thường vừa điều trị bệnh nhân Covid-19.
Sau một thời gian cho cách ly F1, F0 tại nhà, Bộ sẽ tiếp tục thí điểm, điều trị F0 tại nhà. Mô hình này sẽ được áp dụng đúng nơi, đúng chỗ, đúng điều kiện. Trước mắt, Bộ sẽ thí điểm tại TP.HCM và các tỉnh có chiều hướng ca bệnh gia tăng.
Nguồn tin trên cũng cho hay, hôm nay (14/8), chính quyền TP.HCM công bố kế hoạch chống dịch trong một tháng tới, tinh thần tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 cho tới giữa tháng 9. Nếu chủ trương được thông qua, đây là sẽ lần thứ bảy thành phố điều chỉnh cấp độ kiểm soát, siết chặt hoặc kéo dài giãn cách xã hội theo các Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ, Chỉ thị 10 (của riêng TP HCM). Người dân sẽ trải qua tổng cộng 108 ngày thực hiện giãn cách, tính từ 31/5 đến 15/9.
Chủ tịch Hà Nội: Thành phố kiểm soát được tình hình dịch bệnh
VnExpress – Hà Nội trải qua 20 ngày giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 và “vẫn cơ bản kiểm soát được tình hình”.
Chủ tịch thành phố Chu Ngọc Anh báo cáo như trên tại cuộc làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội, ngày 13/8
Theo ông Chu Ngọc Anh, Hà Nội đang triển khai xét nghiệm diện rộng để bóc tách triệt để F0 ra khỏi cộng đồng. Sau ba ngày triển khai, kết quả cho thấy tỷ lệ khoảng 10.000 dân ghi nhận một ca F0, đây là tỷ lệ thấp và nằm trong dự báo của thành phố.
Ngoài Sở chỉ huy cấp thành phố và 3 tổ công tác trực thuộc, Hà Nội đã thành lập 55 Sở chỉ huy cấp sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã; thực hiện trực ban 24/24 giờ và giao ban trực tuyến hằng ngày để chỉ đạo, xử lý các tình huống cấp bách.
Bình Dương hỗ trợ 20 triệu đồng mỗi ca COVID-19 tử vong
Tuoitre – Ngày 13/8, UBND tỉnh Bình Dương cho biết đã thống nhất chính sách hỗ trợ chi phí mai táng cho người tử vong vì COVID-19 trong địa bàn tỉnh.
Theo đó, mỗi trường hợp tử vong vì COVID-19 tại Bình Dương sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng chi phí mai táng (tương đương tối thiểu 50 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội). Mức hỗ trợ này áp dụng theo nghị định 20/2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.
Đồng thời, các cơ sở mai táng được yêu cầu công bố giá dịch vụ và phải giữ sự ổn định, nhất quán trong thời gian dịch hoặc ít nhất tới hết năm 2021.
Trường hợp thân nhân người tử vong vì COVID-19 tự chọn đơn vị mai táng, hỏa táng thì tự chi trả chi phí cho đơn vị mình chọn, sau đó sẽ hưởng chính sách hỗ trợ mai táng theo quy định.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương, tới hết ngày 13/8, toàn tỉnh đã có 39.592 ca mắc (tổng số ca mắc trong ngày 13/8 là 2.816 ca). Như vậy, tỉ lệ ca mắc trong ngày theo quy mô dân số tại Bình Dương tiếp tục cao hơn TP.HCM.
HLV bơi lội của đoàn Thể thao Việt Nam qua đời khi đang cách ly
Nld – Hoàng Quốc Huy, HLV bơi lội người Trung Quốc của đoàn Thể thao Việt Nam đã đột ngột qua đời hôm 11/8 trong lúc đang cách ly sau khi tham dự Olympic Tokyo trở về.
Chuyên gia Hoàng Quốc Huy qua đời là sự việc hết sức đau buồn đối với đội tuyển bơi Việt Nam, đặc biệt với kình ngư Nguyễn Huy Hoàng, cậu học trò “ruột” đã thăng tiến rất nhiều trong sự nghiệp kể từ khi được ông trực tiếp dẫn dắt. Ông vừa cùng các thành viên cuối cùng của Đoàn Thể thao Việt Nam trở về nước từ Nhật Bản vào đợt hai ngày 4-8.
HLV Huang Gouhui đã gắn bó với đội tuyển bơi lội Việt Nam từ năm 2005, thời kình ngư Nguyễn Hữu Việt. Sau thời gian ngắn huấn luyện cho kình ngư gốc Đà Nẵng Hoàng Quý Phước và làm công tác đào tạo trẻ, vị chuyên gia người Trung Quốc này đã cộng tác với kình ngư Nguyễn Huy Hoàng ở Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Cần Thơ. Nhờ sự dẫn dắt chuyên nghiệp và tận tình của ông, Huy Hoàng ngày càng tiến bộ, đoạt 1 HCB, 1 HCĐ ASIAD 2018 và 1 HCV Olympic trẻ, trở thành trụ cột không thể thiếu của đội tuyển bơi lội Việt Nam.
Năm 2015, ông Hoàng Quốc Huy quyết định định cư lâu dài ở Việt Nam khi đưa vợ con sang sống cùng. Ông là người rất cởi mở, luôn có tinh thần lạc quan, vui vẻ và được các vận động viên, các đồng nghiệp quý mến, trân trọng.
Trưa 14/8: Đà Nẵng ‘ai ở đâu ở yên đó’, Nha Trang ‘không ra khỏi nhà’ trong 7 ngày
Đà Nẵng ‘ai ở đâu ở yên đó’, Nha Trang ‘không ra khỏi nhà’ trong 7 ngày
VnExpress – Từ 8h ngày 16/8, Đà Nẵng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà trong một tuần. Khánh Hoà cũng áp dụng biện pháp tương tự với TP. Nha Trang, từ 0h ngày 14/8.
Thông báo “tạm dừng tất cả hoạt động” trên địa bàn trong vòng một tuần được Tiểu ban Truyền thông Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 thành phố Đà Nẵng phát đi sáng 14/8, trước thời điểm thực hiện hai ngày để người dân chủ động sắp xếp công việc, đi chợ mua nhu yếu phẩm cần thiết.
Quyết định đóng cửa 7 ngày được lãnh đạo thành phố ban hành khi tình hình dịch bệnh những ngày qua chưa được kiểm soát, cả về số ca nhiễm mới và số ca lây nhiễm được phát hiện trong cộng đồng.
Lãnh đạo Đà Nẵng yêu cầu, từ 8h ngày 16 đến 8h ngày 23/8, người dân thực hiện nguyên tắc “ai ở đâu ở đó”, không được ra khỏi nhà và thực hiện tuyệt đối cách ly nhà với nhà.
Các cơ quan, công sở, đơn vị phải giảm tối đa số lượng người làm việc tại trụ sở, chỉ cử người ở lại làm những công việc thật sự cần thiết (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch); các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp và khu công nghệ cao được phép hoạt động và chỉ được tối đa 30% số lượng người lao động tại đơn vị.
Tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải đảm bảo tổ chức “3 tại chỗ’ (làm việc tại chỗ – ăn uống tại chỗ – nghỉ ngơi tại chỗ).
Trong thời gian 7 ngày áp dụng biện pháp trên, Sở Y tế Đà Nẵng sẽ thực hiện kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm với mục tiêu “có độ bao phủ toàn thành phố để tìm và nhanh chóng đưa các bệnh nhân nhiễm Covid-19 ra khỏi cộng đồng”.
Từ ngày 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 1.609 ca mắc Covid-19. Thành phố áp dụng cách ly xã hội cao hơn Chỉ thị 16 từ 18h ngày 31/7.
Chính quyền Khánh Hòa quyết định một tuần thực hiện nghiêm việc không cho người dân TP Nha Trang ra khỏi nhà, từ 0h ngày 14/8, để phòng chống Covid-19.
Quyết định do ông Đinh Văn Thiệu, Phó chủ tịch UBND Khánh Hòa ban hành đêm 13/4, trong bối cảnh ca nhiễm ở TP Nha Trang đã tăng lên 2.197 ca.
Với quyết định mới, hơn 500.000 người dân tại 27 xã, phường của TP. Nha Trang phải ở trong nhà, thực hiện nghiêm việc “người cách ly với người, chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết”.
Các cơ quan, đơn vị nhà nước phải bố trí, sắp xếp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại nhà. Còn các công sở, công xưởng, nhà máy, muốn hoạt động phải thực hiện phương án “3 tại chỗ”, không được di chuyển đi nơi khác.
Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, phóng viên… khi đi làm việc, hay thực hiện nhiệm vụ phải có thẻ công chức, thẻ chuyên ngành, thẻ công tác, văn bản xác nhận của cơ quan…
Thời gian cách ly một tuần, ngành y tế phối hợp các đơn vị lấy mẫu xét nghiệm tầm soát toàn thành phố, nhằm sớm phát hiện và đưa các ca dương tính ra khỏi cộng đồng.
Sau một tháng rưỡi bùng phát COVID-19, Khánh Hòa ghi nhận 4.234 ca toàn tỉnh, dịch lan rộng ra 8 huyện, thị xã và thành phố. Tỉnh đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong 14 ngày từ 0h ngày 6/8.
Chênh lệch giá máy thở gấp đôi: Đơn vị phân phối giải thích đã… giảm giá!
Theo trang Sức Khoẻ & Đời sống, ngày 11/8, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế nhận được thông tin phản ánh máy thở (model MV2000 EVO5 của Hàn Quốc) được Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Y tế An Sinh (Công ty An Sinh) công khai giá trên cổng thông tin điện tử công khai y tế là: 960.500.000 đồng/1 máy.
Tuy nhiên, tại cùng thời điểm báo giá (cùng loại, cùng hãng, model máy thở trên) do phía công ty cung cấp cho các đơn vị là: 455.000.000 đồng/1 máy.
Trước những thông tin này, Bộ Y tế đề nghị Công ty An Sinh giải trình lý do công bố giá cao đột biến.
Trong văn bản phản hồi hôm 12/8, ông Nguyễn Tăng Hòa, Tổng Giám đốc Công ty An Sinh cho biết giải thích “đây là một hiểu lầm đáng tiếc” vì cùng một model máy thở MV2000 EVO5, nhưng cấu hình (phần mềm, phần cứng) rất khác nhau.
Cụ thể là trên trang công khai có cấu hình hiện đại hơn: Mode thở cao tần HFOV, bộ đo khí mê EtCO2, cảm biến SpO2, máy nén khí rời…
Phía công ty cũng lưu ý “gần đây có biến động rất lớn từ chuỗi cung ứng toàn cầu, chi phí mua hàng tăng, cước vận chuyển, đi lại và chi phí lắp đặt, bảo hành thời gian xã hội phong tỏa tăng rất nhiều lần…
Phía công ty An Sinh khẳng định “xét đến cấu hình tiêu chuẩn trên trang công khai giá, theo báo giá và theo thực tế hợp đồng mua bán, chúng tôi đang bán thấp hơn giá trước dịch bệnh”.
Tổng Giám đốc Công ty An Sinh cũng khẳng định – hiện tại đơn vị này chưa bán máy thở EV05 theo giá cấu hình nâng cao mà vẫn đang duy trì mức giá khoảng 450 triệu (theo cấu hình tiêu chuẩn).
484 ca nhiễm sau hai tháng, Nghệ An kích hoạt thêm bệnh viện dã chiến
VnExpress – Sáng 14/8, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Nghệ An cho biết 24 giờ qua toàn tỉnh ghi nhận 24 ca dương tính với nCoV. Các ca này chưa được Bộ Y tế công bố, xem như nghi nhiễm.
Trong số này có 14 nam tuổi 1 đến 61, 10 nữ 1 đến 56 tuổi, phần lớn từ các tỉnh phía Nam trở về và các F1 đã được cách ly. Riêng một người đàn ông 38 tuổi, trú xã Nhân Thành (huyện Yên Thành), điều tra dịch tễ cho thấy ngày 8/7 từ Trung Quốc đi tàu đến TP HCM, từ 18/7 đến 3/8 cách ly tập trung tại TP.HCM, 3 lần xét nghiệm âm tính. Người này sau đó đi ôtô từ TP HCM về tới chốt kiểm soát cầu Bến Thủy (Nghệ An) ngày 4/8, khai báo, về huyện Yên Thành cách ly tại nhà riêng, ngày 10 và 11/8 đi lại và tiếp xúc nhiều người…
Liên quan tới ca này, huyện Yên Thành thực hiện giãn cách toàn xã Nhân Thành theo Chỉ thị 16 từ 18h ngày 13/8 để phòng dịch, truy vết những người đã tiếp xúc.
Như vậy từ 13/6 đến nay, CDC tỉnh ghi nhận 484 ca dương nhiễm và nghi nhiễm Covid-19. Trong đó, 192 ca là người từ các tỉnh phía Nam về, gồm 106 về từ Bình Dương, 81 người về từ TP HCM. Dịch lan ra 19 huyện, thành, thị. Trong đó huyện Quỳnh Lưu 107 ca; TP Vinh 101; huyện Yên Thành 57 ca…
Chiều 13/8, Sở Y tế Nghệ An đã đưa bệnh viện dã chiến số 2 đặt tại trung tâm y tế huyện Nghĩa Đàn vào hoạt động. Bệnh viện 150 giường bệnh sẽ thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình và nhẹ.
Tỉnh đã lên kịch bản điều trị khoảng 5.000 F0. Khi đó, chính quyền sẽ phải kích hoạt thêm một số bệnh viện đa khoa, trưng dụng một số khách sạn và trường học làm nơi điều trị.
Giá vàng hôm nay 14/8: Vọt lên mạnh mẽ
Người lao Động – Ở thị trường trong nước, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết quanh 56,55 triệu đồng/lượng mua vào, 57,25 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 150.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua.
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại cũng tăng mạnh 300.000 đồng mỗi lượng lên 50,8 triệu đồng/lượng mua vào, 51,5 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng PNJ cũng ghi nhận mức tăng tương tự lên 51,1 triệu đồng/lượng mua vào, 52,5 triệu đồng/lượng bán ra.
Tỉ giá trung tâm cuối tuần được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.145 đồng/USD, ổn định so với hôm qua. Giá USD ở các ngân hàng thương mại cũng đứng yên được niêm yết quanh 22.730 đồng/USD mua vào, 22.930 đồng/USD bán ra.
Đầu ngày 14-8 (theo giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay của thế giới chốt phiên giao dịch cuối tuần tại 1.780 USD/ounce, đánh dấu một phiên tăng mạnh 25 USD /ounce, sau khi tăng tổng cộng 25 USD vào 2 phiên trước.
Như vậy, giá vàng thế giới đã tăng 50 USD/ounce trong 3 phiên giao dịch liên tiếp.
Tối 14/8: Thêm 349 bệnh nhân COVID-19 tử vong; Cách chức 4 lãnh đạo xã đánh bài trong trụ sở
KHẨN: Tìm người liên quan đến một công ty chuyên cung cấp thịt cho nhiều khu vực Hà Nội
NLĐ – Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội thông báo tìm người trên địa bàn TP đã đến hoặc liên quan đến Công ty TNHH Minh Hiền (lò mổ Minh Hiền) địa chỉ tại Cụm công nghiệp Bích Hòa (Thanh Oai, Hà Nội) từ 31/7 đến 13/8.
Trước đó, UBND huyện Thanh Oai thông báo phát hiện 2 ca mắc Covid-19 mới là Đ.X.M. (nam, SN 1979; trú tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông), là nhân viên bảo vệ tại lò mổ Minh Hiền và bệnh nhân N.T.T. (nữ, SN 1971; trú tại xã Bích Hoà, Thanh Oai), là người đến mua hàng.
Được biết, Công ty TNHH Minh Hiền chuyên cung cấp số lượng khá lớn thực phẩm (thịt lợn) cho thị trường trên địa bàn Hà Nội.
Cách chức 4 lãnh đạo xã đánh bài trong trụ sở
VnExpress – Chiều 14/8, Hội đồng kỷ luật huyện Nông Cống quyết định cách chức các ông Đỗ Khắc Minh, Chủ tịch xã Minh Nghĩa; Lường Khắc Nam, Chủ tịch xã Tế Lợi; Lê Văn Duệ, Chủ tịch HĐND xã Tế Thắng và Ngô Minh Trung, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Tế Lợi.
Bốn cán bộ trên cũng bị cách tất cả chức vụ trong Đảng do vi phạm đạo đức lối sống, vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19.
Theo giải trình, chiều 6/8 ông Lường Khắc Nam và một số cán bộ khác của hai xã Tế Lợi, Minh Nghĩa cùng ăn cơm, uống rượu tại nhà dân. Sau đó, họ cùng về trụ sở UBND xã Tế Lợi uống nước rồi rủ nhau đánh bài.
Khoảng 21h ngày 6/8, Công an huyện Nông Cống kiểm tra trụ sở UBND xã Tế Lợi, phát hiện những người nói trên đánh bài ăn tiền. Công an thu một bộ bài tú lơ khơ và hơn 650.000 đồng tại hiện trường. Xác định nhóm cán bộ xã có hành vi đánh bài, nhưng chưa đến mức xử lý hình sự, công an sau đó xử phạt hành chính.
Thêm 349 bệnh nhân COVID-19 tử vong
VnExpress – Trong 9.716 ca Covid-19 được Bộ Y tế công bố tối 14/8 có 9.710 ca ở 40 tỉnh thành, tăng 560 ca so với hôm qua; 4.247 người khỏi bệnh; 349 ca tử vong.
Như vậy, trong 24 giờ qua số ca nhiễm tại TP HCM tăng 700 ca, Bình Dương giảm 787 ca, Đồng Nai tăng 215 ca.
Cụ thể, 9.710 ca ghi nhận tại: TP.HCM 4.231 ca, Bình Dương 2.029, Đồng Nai 1.023, Long An 653, Tiền Giang 461, Khánh Hòa 164, Cần Thơ 164, Đồng Tháp 118, Tây Ninh 97, Đà Nẵng 87, Bà Rịa – Vũng Tàu 77, Gia Lai 70, Vĩnh Long 57, Thừa Thiên Huế 57, Bến Tre 40, Hà Nội 40, Phú Yên 40, Bình Thuận 36, Quảng Ngãi 35, An Giang 33, Kiên Giang 32, Đăk Lăk 26, Bình Định 23, Ninh Thuận 22, Sơn La 17, Trà Vinh 16, Lâm Đồng 14, Nghệ An 12, Nam Định 8, Bình Phước 5, Quảng Trị 4, Bạc Liêu 3, Thanh Hóa 3, Hải Dương 3, Lạng Sơn 2, Thái Bình 2, Lào Cai 2, Cà Mau 2, Bắc Ninh 1, Quảng Bình 1. Trong đó có 3.510 ca cộng đồng.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 265.464 ca nhiễm, đứng thứ 80/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.700 ca nhiễm).
Hơn 1.600 F0 nặng, nguy kịch
VnExpress – Ngày 14/8, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC), có 1.671 F0 nặng đang thở máy, 15 trường hợp can thiệp ECMO, trong tổng số 32.608 bệnh nhân đang điều trị ở TP.HCM.
So với hôm qua, số F0 nặng và nguy kịch hôm nay tăng thêm 60 ca, theo số liệu của CDC. Thời gian qua, số này tăng thêm mỗi ngày khoảng 50-60 trường hợp. Bộ Y tế đang cùng TP.HCM thiết lập nhiều khu hồi sức, liên tục nâng công suất giường điều trị bệnh nhân nặng.
Nhân viên khu cách ly dương tính COVID-19, Quảng Trị phong tỏa 2 khu vực
Thanh Niên – Sau khi 1 nhân viên phục vụ khu cách ly phòng dịch COVID-19 tại trụ sở Văn phòng quỹ đất (cũ) của huyện (H.Đakrông, Quảng Trị) dương tính với COVID-19, Quảng Trị đã tổ chức phong tỏa 2 khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao
Theo đó, từ 12 giờ trưa 14/8, đã phong tỏa, cách ly toàn bộ thôn Cu Tài 1 ở xã A Bung, huyện Đakrông và khu vực các hộ dân từ nhà ông Nguyễn Văn Quốc đến Phòng Y tế cũ thuộc đoạn đường Nguyễn Tất Thành ở khóm 2, thị trấn Krông Klang.
Được biết, riêng ở thôn Cu Tài 1 (bản Cu Tài 1) có 171 hộ với 257 khẩu, trong đó phần lớn là đồng bào thiểu số Pa Cô.
Hơn 2 tháng giãn cách, CSGT TP.HCM xử phạt vi phạm phòng chống dịch hơn 29 tỷ đồng
Thanhnien – Ngày 14/8, đại diện Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (PC08) Công an TP.HCM cho biết, từ ngày 1/6 – 13/8, đơn vị này đã xử lý hàng loạt vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19 với số tiền hơn 29 tỉ đồng.
Cụ thể, kể từ ngày 1/6 – 13/8, trong quá trình thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát CSGT TP.HCM đã xử lý vi phạm đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm các quy định về phòng chống dịch trong lĩnh vực y tế. Trong đó đã xử lý 570 trường hợp vi phạm không đeo khẩu trang, tổng số tiền phạt là hơn 1,14 tỷ đồng; xử lý 14.820 trường hợp không chấp hành Chỉ thị 16, tổng số tiền phạt là hơn 29,6 tỷ đồng.