Tin cập nhật Việt Nam – 25-1-2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin cập nhật Việt Nam – 25-1-2016

1. Đại hội 12 chấp nhận thủ tướng Dũng rút

Báo Việt Nam nói Đại hội 12 chấp nhận thủ tướng, chủ tịch nước và chủ tịch QH nhiệm kỳ Đại hội 11 rút khỏi danh sách ứng cử viên Trung ương khóa tới.

Công tác kiểm phiếu chọn các ứng viên được giới thiệu bổ sung tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XII được thực hiện tại Hà Nội chiều 25/1.

Trước đó, việc các đại biểu bỏ phiếu đối với 29 trường hợp xin rút khỏi danh sách ứng cử đã diễn ra vào lúc 5 giờ chiều 25/1.

Trong danh sách các ứng viên cuối cùng, có 221 người do Ban Chấp hành khóa cũ giới thiệu đã chắc chắn có mặt.

Vào lúc 20 giờ giờ Hà Nội, báo Tuổi Trẻ ở Việt Nam đăng tin rằng “đa số đại biểu của Đại hội XII đã đồng ý cho 29 ứng cử viên (23 chính thức và 6 dự khuyết) rút khỏi danh sách bầu cử”.

Đó là những ứng cử viên được giới thiệu (ngoài danh sách đề cử của Trung ương khoá XI) và đã xin rút trước đó.

Họ gồm có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa, nguyên Bí thư thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư thành uỷ TPHCM Lê Thanh Hải và một số người khác.

Truyền thông tiếng Anh cũng vừa có tin về sự kiện Thủ tướng Dũng không còn ‘trong cuộc chạy đua’.

Reuters viết rằng Đại hội Đảng Cộng sản ở Việt Nam đã chấp nhận “đơn xin rút” của Nguyễn Tấn Dũng.

Trước đó, hãng tin này trích lời bình của nhà ngoại giao Mỹ đã nghỉ hưu, ông David Brown nói “cách vận hành của bộ máy quyền lực trong Đảng Cộng sản Việt Nam quả là gây chóng mặt”.

Ông Brown cũng nói “đây quả là một cuộc thi đấu” (contest) và người ta có những sự lựa chọn khác nhau”.

Điều này khiến Đại hội Đảng CSVN lần này khác với những lần trước khi mọi việc chỉ là “buồn tẻ và chia lại ghế”.

“Đại hội quyết định”

Số lượng nhân sự ứng cử, đề cử bổ sung sẽ không được vượt quá 36 người để bầu cử ủy viên chính thức.

Tính đến sáng 25/1, có 62 người được Đại hội đề cử vào danh sách ứng cử viên chính thức và khoảng 30 người vào danh sách bầu ủy viên dự khuyết.

Đã có 23 người xin rút khỏi danh sách đề cử ứng viên chính thức, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Trương Tấn Sang và toàn bộ bảy ủy viên Bộ Chính trị khóa 11 khác, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường được trang tin VnExpress dẫn lời.

Những người nhận được trên 50% số phiếu “không cho rút” sẽ được gộp vào danh sách các ứng viên được đề cử và không xin rút; tất cả sẽ qua một vòng bỏ phiếu nữa để chọn 36 đại diện.

Trong vòng bỏ phiếu thứ hai, các gương mặt được chọn sẽ tính theo thứ tự số phiếu cao nhất tính từ trên xuống, không nhất thiết phải đạt quá bán hay đa số tối đa.

Danh sách ứng viên chính thức, gồm 221 người do Ban Chấp hành cũ đề cử, và 36 người do Đại hội chọn ra sau hai phiên bỏ phiếu chiều tối nay, sẽ được chốt lại để Đại hội bầu vào Ban Chấp hành mới.

Việc bầu Ban Chấp hành mới sẽ được tiến hành vào sáng 26/1. – Theo BBC


2. Ấn Độ thiết lập trạm thu vệ tinh ở VN có khả năng theo dõi TC

Các quan chức Ấn Độ mới đây cho hay nước này sắp thiết lập ở Saigon một trạm theo dõi tín hiệu và thu hình ảnh từ các vệ tinh quan trắc trái đất của Ấn Độ.

Đây sẽ là trạm thu vệ tinh quan trắc đầu tiên của nước ngoài đặt ở Việt Nam.

Đổi lại việc cho phép Ấn Độ đặt trạm, Việt Nam sẽ tiếp cận được các hình ảnh về khu vực, kể cả TC lẫn Biển Đông, nơi đang có nhiều tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Việt Nam và TC.

Các bản tin của Reuters cho hay Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) – một cơ quan nhà nước – sẽ cấp ngân quỹ cho dự án, dự kiến là 23 triệu đôla.

Các quan chức Ấn Độ không nói cụ thể khi nào trạm sẽ bắt đầu vận hành. Bộ Ngoại giao CSVN xác nhận về dự án nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Trên danh nghĩa, đây là một cơ sở dân sự – thông tin từ các vệ tinh sẽ phục vụ những ứng dụng về nông nghiệp, khoa học và môi trường. Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh nói với công nghệ chụp ảnh được cải thiện, các hình ảnh cũng có thể được sử dụng vì các mục đích quân sự.

Chuyên gia an ninh hàng hải Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore nói: “Về mặt quân sự, bước đi này rất đáng kể. Đây dường như là một việc có lợi cho cả Ấn Độ và Việt Nam, giúp lấp đầy các khoảng trống ở phía Việt Nam trong khi mở rộng tầm quan sát của Ấn Độ”.

Nhà phân tích tình báo hải quân đã nghỉ hưu thuộc Bộ Quốc phòng Anh, ông Trevor Hollingsbee cho rằng: “Sự tiến bộ của công nghệ đang xóa nhòa ranh giới giữa vệ tinh dân sự và quân sự. Trong một số trường hợp, hình ảnh từ vệ tinh dân sự hiện đại đủ tốt để dùng cho quân sự”.

Reuters cho rằng công trình này có thể gây bực bội cho TC trong khi giúp tăng cường quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, hai nước có tranh chấp lãnh thổ lâu đời với TC.

Bộ Quốc phòng TC đã tuyên bố không lo ngại về kế hoạch xây trạm thu vệ tinh, vì cho rằng đó không phải là một vấn đề quân sự, còn Bộ Ngoại giao nước này chưa đưa ra bình luận gì. – Theo VOA