Tin Cập Nhật 7/8/2014
1. Do Thái-Hamas tiếp tục đàm phán tại Cairo
Ngày hôm nay 7/8 Israel và Hamas tiếp tục các cuộc đàm phán trực tiếp ở Cairo, chỉ còn gần 1 ngày trước khi hết hạn 72 giờ ngừng bắn ở Dải Gaza.
Cả 2 bên dường như không đồng thuận về nhiều vấn đề nhưng có gợi ý rằng họ sẵn sàng kéo dài cuộc ngưng bắn nhân đạo.
Các quan chức Israel nói họ sẵn sàng gia hạn ngừng bắn đơn phương nhưng các đại diện phe Hamas đã phủ nhận có bất cứ thỏa thuận nào được đưa ra.
Phát biểu hôm thứ tư tại hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo Châu Phi tại Washington, Mỹ, tổng thống Barack Obama đưa ra ủng hộ đối với các cuộc hội đàm do Ai Cập làm trung gian, và nói rằng một giải pháp bền vững là điều quan trọng.
“Mục tiêu của Mỹ ngay lúc này sẽ là đảm bảo lệnh ngưng bắn có hiệu lực, rằng Gaza có thể bắt đầu quá trình xây dựng, và rằng một số giải pháp được tiến hành để người dân Gaza cảm thấy có hy vọng. Và đối với người dân Israel, rằng họ thấy tự tin rằng những đợt bắn rocket mà họ nhìn thấy trong vài tuần qua sẽ không được lặp lại.”
Tổng thống Obama khẳng định lại rằng Israel có quyền bảo vệ chính họ khỏi các quả rocket của Hamas và các đường hầm xuyên biên giới. Ông cũng nói ông “không có thiện cảm” với Hamas, một nhóm khủng bố theo như Mỹ và Israel nhìn nhận.
Phe Hamas đang tìm kiếm để chấm dứt một bế tắc lâu dài do phong tỏa của Israel và Ai Cập – mà đã gây ra thất nghiệp tràn lan, đẩy phần đông người dân Gaza bị phụ thuộc vào cứu trợ thức ăn, và làm cho họ không di chuyển ra đi đâu được.
Israel nói họ sẽ không nới lỏng các hạn chế đối với Gaza trừ phi nhận được đảm bảo rằng Hamas sẽ buông vũ khí và không có khả năng nhập vũ khí.
Đầu tuần này, Israel đã rút quân khỏi Gaza và nói rằng họ đã hủy diệt thành công những đường hầm được biết mà Hamas sử dụng để tấn công Israel.
Trong vòng 4 tuần giao tranh, có hơn 1.800 người Palestine bị giết, hầu hết là thường dân và hàng trăm trẻ em. 64 binh sỹ và 3 dân thường Israel bị giết.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon hôm thứ 4 nói “việc giết chóc hàng loạt và phá hủy tại Gaza đã làm cả thế giới bàng hoàng và hổ thẹn.”
Ông Ban nói với Đại Hội Đồng rằng bạo lực phải được chấm dứt và nhấn mạnh rằng không có nỗ lực nào bị ngăn cản để “chuyển tình trạng yên ắng tạm thời thành một lệnh ngưng bắn lâu dài để giải quyết các vấn đề tồn đọng của cuộc xung đột.”
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói hành động của Israel là đúng đắn. Ông gọi mọi thương vong của dân thường là bi kịch do Hamas tạo ra, và nói rằng nhóm phiến quân đã gài những chiến binh vào trong dân thường. – VOA
|
2. Campuchia kết án chung thân hai cựu lãnh đạo Khmer Đỏ
Tòa án xét xử Khmer Đỏ ở Campuchia do Liên Hiệp Quốc hỗ trợ sáng ngày 7/8 đã công bố phán quyết kết án hai cựu lãnh đạo Khmer Đỏ tù chung thân.
Chánh án của Tòa án xét xử Khmer Đỏ (ECCC), ông Nil Nonn đã công bố bản án của vụ kiện đầu tiên trong vụ án 002 nhằm vào hai cựu quan chức cấp cao của chính quyền Khmer Đỏ với các cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người bao gồm bắt cóc và các cuộc tàn sát vi phạm phẩm giá con người.
Bản án chung thân
Hai bị cáo gồm có Nuon Chea, 88 tuổi, biệt danh ‘Anh Hai’ là cựu Chủ tịch Quốc hội Campuchia và Khieu Samphan, 83 tuổi, cựu Chủ tịch nước trong thời Khmer Đỏ. Hai bị cáo này là những người nằm trong số các quan chức cấp cao còn sống sót dưới thời Khmer Đỏ phải chịu trách nhiệm đối với sinh mạng của 1,7 triệu người do bị chết đói, lao động cưỡng bức, tra tấn, hành hình và thảm sát trong giai đoạn 1975-1977.
Theo Chánh án Nil Nonn, tòa thấy hai bị cáo đã phạm tội ác chống lại loài người, giết dân thường có hệ thống, cưỡng bức và đàn áp bởi những lý do chính trị cùng những hành vi vô nhân đạo khác.
Chánh án Nil Nonn: “Tòa tuyên án chung thân bị cáo Nuon Chea và Khieu Samphan. Hai bị cáo bị buộc tội có thể kháng cáo. Nhưng do tính chất nghiêm trọng của các tội ác, cả hai sẽ vẫn bị giam giữ tại ECCC.”
Trong vụ án 002 nhằm vào hai bị cáo Nuon Chea và Khieu Samphan của chế độ diệt chủng này được chia thành hai vụ xét xử. Sáng ngày 7/8, ECCC đã hoàn tất xét xử thứ nhất.
Còn vụ xét xử thứ hai vừa mở phiên xử lần đầu tiên hồi ngày 30/7/2014 với các cáo trạng cáo buộc diệt chủng, cưỡng bức hôn nhân, hiếp dâm, ngược đãi tín đồ Phật giáo và thanh trừng nội bộ đối với người Việt Nam và dân tộc Chăm.
Trong vụ xét xử thứ hai này, hai bị cáo Nuon Chea và Khieu Samphan bị cáo buộc giết hại khoảng 20,000 người Việt Nam và từ 100,000 đến nữa triệu người Chăm trong thời gian Khmer Đỏ nắm quyền từ 1975 đến 1979.
Vụ án 002 này, phiên tòa đã chấp nhận gần 46 nguyên đơn dân sự từ phía nạn nhân người Việt Nam và nhiều nguyên đơn dân sự khác của người Khmer Krom đang sống tại Campuchia vì gia đình, bà con, và dòng họ của họ bị giết dưới thời đó.
Kết án chung thân là quá nhẹ
Một nguyên đơn dân sự người Campuchia gốc Việt là bà Tan Sita nói với RFA sau khi phiên tòa kết thúc rằng bà không chấp nhận cáo trạng trên: “Tôi không chấp nhận được bởi vì tù suốt cuộc đời quá ít. Xứng đáng phải bỏ tù một trăm năm, chết đi phải còng. Thứ hai, chừng nào được giết hai bị cáo trước mặt tôi…tôi cũng chịu chết luôn. Chuyện vui thì nó mau quên lắm còn chuyện cay đắng thì nó vẫn còn mãi mãi. Tôi không chịu phán quyết này. Tôi đi về phải làm đơn nữa. Tôi xin phải bỏ tù một trăm năm và chết đi phải còng.”
Bà Sita vừa nói với chúng tôi vừa lau nước mắt, bà kể lại về hành động tàn sát và gây hấn của Khmer Đỏ: “Có một lần là giết em trai của tôi trước mặt tôi. Lấy cái dao lớn cắt đứt cái đầu rớt xuống luôn. Cái đó là chính đôi mắt của tôi nhìn thấy. Thứ hai, là Khmer Đỏ lấy tôi đi giết mà giết không chết. Cái đầu của tôi còn bị nè, cái sọ của tôi nứt. Vậy sự chết của gia đình tôi làm tôi nhớ mỗi ngày, giống cuồn phim quay đi quay lại… Vậy cái đau khổ này tôi sẽ nhớ suốt cuộc đời bởi vì một gia đình tôi gồm có cô, cậu, thím…chỉ có một người tôi về lại thôi. Chết hết cả trăm người…”
Còn ông Chau Ny, nguyên đơn dân sự Khmer Krom cho biết đã có 16 người trong gia đình của ông bị giết chết dưới thời Khmer Đỏ. Ông nói các nạn nhân Khmer Krom đã không hài lòng với bản án này, đồng thời kêu gọi sự đền bù cho những đau khổ và mất mát gây ra bởi Khmer Đỏ.
Theo ông, các nạn nhân Khmer Krom đã thất vọng với phiên tòa vì không được mời các nguyên đơn dân sự Khmer Krom tham dự. Ông Chau Ny mong muốn được xây dựng một đài tưởng niệm dành riêng cho các nạn nhân Khmer Krom và xây dựng trung tâm về sức khỏe tâm thần trên cả nước.
Ông Chau Ny nói: “Chúng tôi không biết tại sao các bên dân sự Khmer Krom không được mời nghe bản án. Dù quan tòa kết án chung thân hai bị cáo này nhưng chúng tôi không thể chấp nhận. Chúng tôi muốn đền bù tiền để chúng tôi có khả năng làm lễ cầu siêu cho những người chết.”
Trước những cáo buộc trên, cựu Chủ tịch nước thời Khmer Đỏ là ông Khieu Sampham đã bày tỏ xin lỗi chân thành tại tòa nhưng ông nói không hề biết về những hành động tàn ác của các nhà lãnh đạo khác.
Còn ông Nuon Chea nói trong phiên tòa: “Tôi không hề có tội giống các cáo buộc trên. Tôi không bao giờ giáo dục hoặc chỉ đạo người dưới cấp cư xử tệ bạc hoặc giết người.”
Được biết, ECCC đã bắt đầu hoạt động từ năm 2006 với mục đích tìm lại công lý cho các nạn nhân dưới thời Khmer Đỏ. Đến nay, ECCC mới chỉ đưa ra được một bản án chung thân đối với Kaing Guek Eav (Duch), cựu Giám đốc nhà tù Tuol Sleng phạm tội ác chiến tranh và chống lại loài người.
Hiện chưa rõ phiên xử vụ kiện thứ hai bao giờ sẽ kết thúc nhưng phía ECCC nói rằng vụ xử này nhiều khả năng kéo dài đến năm 2016. – RFA
3. Liberia tuyên bố khẩn cấp trên toàn quốc — TT Obama được yêu cầu gởi thuốc chữa Ebola thử nghiệm đến Tây Phi
Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf vừa tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc vì dịch bệnh do virus Ebola gây ra.
Phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, bà nói một số quyền tự do dân sự có thể sẽ bị đình chỉ.
Dịch Ebola cũng đã lan sang Guinea, Sierra Leone và Nigeria, giết chết hơn 932 người từ tổng số 1.700 ca lây nhiễm. Liberia và Sierra Leone có số tử vong và lây nhiễm Ebola cao nhất.
Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang họp mặt tại Geneva, Thụy Sỹ, để bàn về cách phản ứng trước dịch bệnh.
Cuộc họp kéo dài hai ngày cũng sẽ quyết định liệu có nên tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn cầu hay không.
‘Các biện pháp mạnh mẽ’
Bệnh nhân nhiễm Ebola có thể bị sốt, nôn mửa, tiêu chảy, đau ruột hoặc chảy máu không cầm được trên bất cứ vết thương mở nào trên cơ thể. Hiện không có thuốc chủng hay thuốc chữa cho bệnh này, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Đây là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất đối với nhân loại từ trước đến nay, với tỷ lệ tử vong lên đến 90%.
Giữa người với người, virus Ebola lây qua đường tiếp xúc trực tiếp với máu, chất dịch cơ thể hoặc nội tạng nhiễm bệnh hoặc đường tiếp xúc gián tiếp với môi trường có virus.
Một thông cáo của WHO hôm 6/8 nói 932 bệnh nhân đã tử vong do căn bệnh ở Tây Phi, hầu hết các trường hợp tử vong mới nhất là từ Liberia, nơi ít nhất 282 đã thiệt mạng do nhiễm virus.
Trong tuyên bố ban hành tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong 90 ngày, Tổng thống Sirleaf nói chính phủ và người dân Liberia cần “có các biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ sự tồn tại đất nước và bảo vệ tính mạng của người dân”.
Bà nói “sự lãnh đạm, nghèo khó và các hủ tục văn hóa và tôn giáo đang khiến dịch bệnh tiếp tục lan rộng”.
Các nhà quan sát nói khủng hoảng Ebola tại Liberia đang trở nên xấu đi vì nhiều người giữ những người thân bị mắc bệnh ở nhà thay vì mang họ tới các cơ sở cách ly.
Trước quan ngại của quốc tế về sự lây lan của virus, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói căn bệnh “có thể được kiểm soát và khống chế rất hiệu quả nếu chúng ta làm đúng quy trình”.
“Các nước bị ảnh hưởng đã thừa nhận rằng những gì xảy ra là do hệ thống y tế công cộng bị quá tải. Họ không thể xác định và cách ly các trường hợp mắc bệnh kịp thời”.
“Hậu quả là virus đã lan ra nhanh hơn so với những dịch Ebola trước đó,” ông nói.
Ông cho biết Hoa Kỳ đang cộng tác với châu Âu và WHO để cung cấp những nguồn lực cần thiết nhằm không chế trận dịch.
TT Obama nói vẫn quá sớm để có thể xem xét tới việc gửi thuốc chữa Ebola thử nghiệm đến Tây Phi, là loại thuốc dường như đang giúp 2 người Mỹ bị nhiễm vi rút này hồi phục.
Hôm thứ tư, vào cuối cuộc họp thượng đỉnh châu Phi ba ngày tại Washington, ông Obama nói rằng “chúng ta phải để khoa học dẫn đường” khi phát biểu về việc đưa thuốc ZMapp đến vùng này.
Tổng thống Obama nói rằng các nước đã bị ảnh hưởng bởi virus nên tập trung vào việc xây dựng một cơ sở hạ tầng y tế công cộng vững chắc.
Loại thuốc thử nghiệm này chưa được thử nghiệm trên người hay được phép sử dụng trên người.
Tuần tới, Tổ Chức Y Tế Thế Giới sẽ triệu tập một ủy ban đạo đức y khoa để quyết định xem ZMapp có nên được phân phát cho một số người bệnh Ebola ở tây Phi hay không.
Cũng trong ngày hôm qua, bệnh viện Thành Phố New York, nơi đã xét nghiệm một bệnh nhân nghi nhiễm Ebola, cho biết cuộc xét nghiệm này có kết quả âm tính. – BBC, VOA
|
4. Đức Giáo Hoàng Phanxico sắp công du Châu Á
Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đến thăm Nam Triều Tiên từ ngày 14 đến ngày 18 tháng 8. Theo tường thuật của thông tín viên Simone Orendain của đài VOA, đây là chuyến viếng thăm đầu tiên trong vòng gần 20 năm của một nhà lãnh đạo Tòa thánh Vatican tới một nước Châu Á.
Các giới chức Nam Triều Tiên mô tả chuyến viếng thăm của Ðức Giáo hoàng đến nước họ lần đầu tiên trong vòng 25 năm là “có ý nghĩa rất lớn.”
Ông Kim Hyun Jun, Trưởng ban Văn hóa, Thể thao của Văn phòng điều hợp chính sách chính phủ, cho biết vị giáo hoàng được nhiều người mến mộ này thường nói tới việc dân chúng Nam và Bắc Triều Tiên cần phải thương yêu nhau.
“Vì vậy tôi nghĩ rằng chuyến viếng thăm của Ngài có ngụ ý cầu mong cho hòa bình và hòa giải giữa hai miền Triều Tiên và tôi trông đợi một bầu không khí của hòa hợp, đùm bọc và hòa bình sẽ được tạo ra trong chuyến viếng thăm này.”
Tuy nhiên, hồi đầu tuần này các giới chức của giáo hội ở Seoul cho biết một tổ chức của người Công giáo ở miền Bắc do nhà nước điều hành đã không nhận lời mời đến dự Thánh lễ “hòa bình và hòa giải” do Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành. Tin tức báo chí cho biết Hiệp hội Công giáo Bắc Triều Tiên, một tổ chức không nằm trong cơ cấu của Vatican, nói rằng cuộc diễn tập quân sự sắp tới giữa Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên là một hành động gây hấn. Cuộc thao dượt này sẽ bắt đầu vào những ngày cuối của chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng.
Theo lịch trình đã được ấn định, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ hội kiến Tổng thống Park Guen Hye và gặp gỡ gia đình và nạn nhân của thảm họa chìm phà làm hơn 300 người thiệt mạng hồi tháng tư.
Tòa thánh Vatican cho biết họ cũng mời những phụ nữ là nạn nhân của nạn nô lệ tính dục thời thế chiến thứ hai đến dự Thánh lễ hòa bình và hòa giải.
Hội đồng Giám mục Nam Triều Tiên cho biết quốc gia Đông Bắc Á này có hơn 5 triệu tín đồ Công giáo, chiếm khoảng 11% dân số.
Đức Giáo Hoàng sẽ gặp gỡ giới trẻ tại các sự kiện của Ngày Thanh niên Châu Á tổ chức tại tỉnh Chung Cheong, cách Seoul hơn 100 kilo mét về hướng nam.
Bà Monika Jaruga, một thành viên của ủy ban tổ chức Ngày Thanh niên Châu Á, cho biết ngay cả những người không theo Cơ đốc giáo cũng muốn tìm hiểu về cuộc hội thảo kéo dài một tuần về tài lãnh đạo và đời sống tâm linh của thanh niên Công giáo.
“Bà nói rằng những người này muốn gặp gỡ Đức Giáo Hoàng, muốn tham gia các sự kiện và có một người nói với bà là người dân Nam Triều Tiên sẽ có một thời gian hạnh phúc trong chuyến viếng thăm này của Đức Giáo Hoàng.”
Các sự kiện của ngày thanh niên sẽ diễn ra ở Giáo phận Dae Jeon, nơi xảy ra hầu hết những vụ bách hại người Công giáo Triều Tiên. Trong 100 năm ở thế kỷ 18 và 19 chính quyền Triều Tiên đã xử tử 10.000 người vì theo đạo Công giáo.
Tổng giám mục Manila, Hồng y Luis Antonio Tagle, cho biết Đức Giáo Hoàng có sự ưu ái đặc biệt đối với Châu Á và Ngài từng nói với ông là Ngài muốn chia sẻ sự khổ đau của những người bị bách hại.
“Tôi nhớ Đức Thánh Cha đã nói về sự ngưỡng mộ vô biên của Ngài đối với những người chiụ khổ vì đức tin của mình. Thật vậy, Ngài có nói rằng “Nếu tôi gặp những người đó tôi sẽ hôn tay của họ hoặc hôn chân của họ.” Và khi đó Ngài đang nói về Châu Á.”
Hồng y Tagle cho biết Châu Á “rất quan trọng” đối với giáo hội Công giáo. Các số liệu của tổ chức Kho Dữ liệu Cơ đốc giáo Thế giới cho thấy vào năm 1910 khu vực Châu Á Thái bình dương có khoảng 14 triệu tín đồ Công giáo, chiếm 5% tổng số tín đồ Công giáo trên thế giới. Một thế kỷ sau đó, con số này đã tăng tới 121 triệu, tương đương với 12% tổng số tín đồ. – VOA
|
5. Putin cấm nhập cảng nông sản các nước trừng phạt Nga
Chính quyền Moscow “cấm hẳn” hầu hết nông sản thực phẩm đến từ các nước châu Âu và Hoa Kỳ, để trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Thủ tướng Dimitri Medvedev hôm nay 07/08/2014 loan báo quyết định của chính quyền Nga.
Lệnh cấm nhập cảng kéo dài một năm, liên quan đến các loại thịt bò, heo, gà vịt, cá, phó-mát, sữa, rau quả của Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu, Úc, Canada và Na Uy.
Tuy vậy, thực phẩm em bé không bị cấm vận, và các công dân Nga cũng có thể đi nước ngoài mua về, nhưng mọi mưu toan mua đi bán lại để thủ lợi sẽ bị “trừng trị nghiêm khắc”. Thông tín viên RFI tại Moscow, Etienne Bouche nhận định:
“Cho đến nay, điện Kremli vẫn nhắc lại rằng việc trừng phạt kinh tế chỉ gây phản tác dụng mà thôi. Tuy nhiên hôm qua Moscow đã quyết định trả đũa. Tất nhiên là có những lệnh cấm được biện minh bằng lý do an toàn thực phẩm, đối với rau quả của Ba Lan, thịt từ Tây Ban Nha hay cá của Hy Lạp. Có điều lần này Moscow đã nhận trách nhiệm: ông Vladimir Putin ký một sắc lệnh nhắm vào nông sản phẩm từ tất cả các nước đã trừng phạt Nga. Việc nhập khẩu các sản phẩm này hoặc bị cấm, hoặc bị hạn chế.
Theo báo chí Nga, chính quyền sẽ đưa ra danh sách đen hôm nay. Tổng thống Putin khẳng định biện pháp trên “nhằm đảm bảo an toàn cho Nga” và “bảo vệ lợi ích quốc gia”. Việc cấm vận kéo dài một năm, nhưng điện Kremli cho biết thời hạn có thể thay đổi nếu phương Tây tỏ ra mềm dẻo hơn đối với Nga.
Phản ứng này có nguy cơ gây tác động tiêu cực cho cả hai phía. Nga là nhà nhập khẩu thứ nhì đối với các sản phẩm của châu Âu, và về nông sản phẩm thì Nga là nước luôn nhập khẩu. “Kế hoạch B” của Nga là tìm nguồn cung cấp từ châu Mỹ la-tinh. Các cuộc họp với đại sứ các nước Ecuador, Brazil, Chile và Argentina dự kiến diễn ra hôm nay, sẽ thảo luận về khả năng tăng cường các sản phẩm của những nước này trên thị trường Nga.”
Tuy nhiên các biện pháp trả đũa trên chỉ có tác động hạn chế đối với Liên hiệp châu Âu. Hai mươi tám nước trong Liên hiệp chủ yếu xuất qua Nga thiết bị giao thông, máy công cụ, hóa chất, rồi mới đến nông sản. Những lãnh vực thiết yếu như năng lượng hay tài chính hiện chưa bị đụng đến, nhưng nếu Moscow quyết định tấn công thì hậu quả sẽ nặng nề hơn cho châu Âu.
Liên hiệp châu Âu từ chối nêu ra cái giá phải trả cho một cuộc chiến thương mại với Nga, nhưng nhiều ý kiến cho là khoảng 40 tỉ euro. Tất nhiên hiện giờ hãy còn quá sớm cho một kịch bản như vậy. – RFI