Tin « Biển Đông sau phán quyết… »
Phán quyết của PCA ảnh hưởng gì tới VN?
Ngày 12 tháng Bảy, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan, đã ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về ‘Đường Chín Đoạn’, hay còn gọi là ‘Đường Lưỡi Bò’ trên Biển Đông. Theo phán quyết của Tòa thì đã không có bằng chứng lịch sử cho thấy Trung Quốc có đặc quyền kiểm soát vùng biển và nguồn tài nguyên tại khu vực có tranh chấp.
Trung Quốc đã ngay lập tức tuyên bố bác bỏ mọi phán quyết của tòa PCA và nói phán quyết đó không có ảnh hưởng gì tới nước này.
Trả lời câu hỏi của Lê Quỳnh, Trưởng ban BBC Tiếng Việt trước việc liệu phán quyết này có tác động thực tế gì hay không, tiến sĩ Phạm Lan Dung, Giám đốc Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ ngoại giao, nguyên Trưởng Khoa luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao, Hà Nội cho biết:
Ts Phạm Lan Dung: Là một thành viên của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Trung Quốc có nghĩa vụ tận tâm, thiện chí thực hiện các quy định của Công ước, trong đó có nghĩa vụ thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII.
Theo quy định của UNCLOS, phán quyết của Tòa có giá trị chung thẩm và ràng buộc các bên trong tranh chấp. Việc không thực thi phán quyết được coi là hành vi vi phạm luật quốc tế.
Luật quốc tế nói chung và UNCLOS nói riêng không quy định cơ quan cưỡng chế thi hành phán quyết của Tòa nhưng với những phân tích thấu đáo, giải quyết triệt để các vấn đề nêu ra trong đơn kiện, phán quyết của Tòa là cơ sở pháp lý vững chắc để dư luận tiến bộ trên thế giới lên tiếng tác động và yêu cầu Trung Quốc thực thi phán quyết.
Thực tế cho thấy, khi các cường quốc thua kiện trước các cơ chế tài phán quốc tế, ban đầu thường tuyên bố không tuân thủ phán quyết. Tuy nhiên về lâu dài, các quốc gia đó đều thực thi phán quyết, cho dù dưới hình thức này hay hình thức khác.
Sở dĩ như vậy là vì các quốc gia này không muốn vị thế và vai trò của họ trên trường quốc tế bị ảnh hưởng bởi việc không tuân thủ luật quốc tế, không tuân thủ phán quyết của các thiết chế tài phán quốc tế do chính họ thỏa thuận xây dựng nên.
Hơn nữa, chính các cường quốc thường đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và đảm bảo thi hành luật pháp quốc tế và cũng muốn khẳng định vai trò của họ trong lĩnh vực này.
BBC: Dường như kết luận của Tòa đã bác bỏ tính hợp pháp của ‘đường chín đoạn’ của Trung Quốc, và có lợi cho Philippines. Vậy phán quyết này có tác động như thế nào đến tuyên bố chủ quyền của Việt Nam?
Ts Phạm Lan Dung: Cần lưu ý rằng phán quyết của Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII trong vụ việc này không giải quyết vấn đề chủ quyền và vấn đề phân định biển. Tòa nêu rõ hai vấn đề này không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa. Và vì vậy, phán quyết không xác định các thực thể ở Biển Đông thuộc quốc gia nào.
Tòa đã xem xét và phân tích rất kỹ lập luận của các bên và các tài liệu có liên quan để xác định có thẩm quyền xét xử về yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc đối với đường chín đoạn.
Tòa kết luận rằng quyền lịch sử mà Trung Quốc yêu sách không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào và thực chất đó là các quyền tự do biển cả. Kể cả nếu như Trung Quốc có bất kỳ quyền nào khác thì vào thời điểm trở thành thành viên của UNCLOS, các quyền đó đã được thay thế bởi các quyền được quy định trong Công ước. Và vì vậy, Trung Quốc không thể có các quyền nào khác vượt quá phạm vi các quyền được quy định trong Công ước.
Kết luận này của Tòa đã làm rõ yêu sách quá mức về đường chín đoạn của Trung Quốc là không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào, qua đó giúp làm sáng tỏ và thu hẹp các vùng biển chồng lấn giữa các quốc gia ở Biển Đông, chấm dứt được tình trạng mập mờ dẫn đến nguy cơ xảy ra xung đột và leo thang tranh chấp ở Biển Đông.
BBC: Theo bà, qua vụ kiện lần này của Philippines có khiến Việt Nam cảm thấy cũng cần đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế? Và nếu có, thì phạm vi kiện có thể giới hạn ở lĩnh vực nào?
Ts Phạm Lan Dung: Việt Nam luôn nhất quán ủng hộ giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các biện pháp ngoại giao và pháp lý. Việt Nam cũng kiên quyết khẳng định chủ quyền của mình với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo UNCLOS.
Vụ kiện cung cấp những bài học kinh nghiệm rất quý báu không chỉ cho các nước trong khu vực mà cả trên thế giới về việc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, mà cụ thể là biện pháp tư pháp. Tuy nhiên, để Tòa có thẩm quyền xem xét vụ việc, Philippines đã phải rất cẩn trọng trong việc lựa chọn và giới hạn các vấn đề khởi kiện.
Tòa cũng phải xem xét rất kỹ lưỡng và thấu đáo mọi khía cạnh pháp lý và lập luận của các bên để có thể đi đến kết luận có thẩm quyền xét xử đối với từng vấn đề cụ thể. Cũng lưu ý, như Tòa đã nêu, Tòa không có thẩm quyền xét xử các vấn đề về chủ quyền và phân định biển do Tuyên bố năm 2006 của Trung Quốc giới hạn thẩm quyền của Tòa.
Rất nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS đã được làm sáng tỏ trong phán quyết. Nếu các nước thiện chí thực hiện và tuân thủ phán quyết thì đây là cơ hội tốt để đảm bảo hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Phán quyết chỉ ràng buộc các bên trong tranh chấp nhưng việc giải thích và áp dụng UNCLOS trong phán quyết có những ý nghĩa nhất định, có thể tác động và góp phần định hướng sự tuân thủ UNCLOS của các bên ở Biển Đông.
Mặc dù biện pháp pháp lý là một trong các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế nhưng bất kỳ quốc gia nào cũng cần tính toán rất thận trọng khi cân nhắc sử dụng biện pháp này, không chỉ từ khía cạnh pháp lý (như xác định vấn đề khởi kiện để Tòa có thẩm quyền, khả năng thắng thua, cân đong đo đếm được và mất trong từng trường hợp), mà còn cần xét đến nhiều yếu tố từ góc độ chính trị, ngoại giao, kinh tế để có thể bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia và đảm bảo hòa bình, ổn định.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/07/160713_scs_pcs_ruling_pham_lan_dung_interview
Phán quyết của PCA và giải pháp Biển Đông
Luật sư Vũ Đức KhanhGửi riêng cho BBCVietnamese.com từ Canada
Hôm 12/7/2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực (Permanent Court of Arbitration “PCA”) ở The Hague (Hà Lan) đã ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines. Tuyên bố của tòa là “không có cơ sở pháp lý” cho việc Trung Quốc đòi hỏi “quyền lịch sử” trên những tài nguyên tại các vùng biển nằm trong bản đồ “đường 9 đoạn” ở Biển Đông mà Thủ tướng Chu Ân Lai trong tuyên bố ngày 15/8/1951 đã chính thức đưa yêu sách đòi toàn bộ “chủ quyền” Biển Đông, gây tranh chấp với các nước Brunei, Đài Loan, Mã Lai, Philippines và Việt Nam.
Trong phán quyết của mình, tòa PCA kết luận, “mặc dù các ngư dân và nhà hàng hải của Trung Quốc, cũng như của những nước khác, trong lịch sử đã từng sử dụng các “đảo” ở Biển Đông, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc trong lịch sử đã từng “độc quyền kiểm soát” các vùng biển và các nguồn tài nguyên tại đây.”
Xin nhắc lại rằng Philippines hôm 22/2/2013 đã đệ đơn kiện Trung Quốc, theo đó yêu cầu tòa PCA xác định rằng yêu sách chủ quyền về “đường 9 đoạn” của Bắc Kinh là vô hiệu và vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Tuy nhiên, cũng cần nói rõ rằng mặc dù phán quyết của tòa PCA trong vụ kiện này có giá trị pháp lý đối với cả Trung Quốc lẫn Philippines vì hai nước đều là thành viên của UNCLOS nhưng đây không phải là phán quyết về “chủ quyền biển đảo”, mà chỉ xác định là những “thực thể” nào trên biển có thể tạo ra chủ quyền lãnh thổ trên các vùng biển xung quanh theo luật quốc tế.
Phản ứng của các bên liên quan và quốc tế
Tân Hoa Xã đưa tin, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu trong cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, Donald Tusk, và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Jean-Claude Juncker, ở Bắc Kinh ngày 12/7 rằng “chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông không bị ảnh hưởng bởi phán quyết của tòa PCA.”
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng xác nhận, “quyền chủ quyền và quyền lãnh thổ” của nước này tại khu vực Biển Đông “không bị ảnh hưởng bởi phán quyết của tòa PCA”. Trung Quốc phản đối và sẽ không bao giờ chấp nhận bất cứ khiếu nại hay hành động nào dựa trên phán quyết trên.
“Chính phủ Trung Quốc nhắc lại rằng, liên quan đến vấn đề lãnh thổ và lãnh hải tranh chấp trên biển, Trung Quốc không chấp nhận bất cứ phán quyết hay giải pháp nào của bên thứ ba áp đặt với Trung Quốc”, lập trường nhất quán của phía Trung Quốc về việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông dựa theo nguyên tắc “song phương”, giữa các nước trực tiếp liên quan, trên cơ sở “tôn trọng luật pháp quốc tế”.
Và “Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục tuân thủ luật pháp quốc tế và các quy tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế, được ghi trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, bao gồm các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tiếp tục hợp tác với các quốc gia liên quan trực tiếp để giải quyết các tranh chấp có liên quan ở Biển Đông thông qua đàm phán và tham vấn, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Về phía Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố nói “phán quyết của tòa PCA là đóng góp quan trọng cho mục tiêu chung nhằm giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình”.
Mặc dù “Hoa Kỳ vẫn còn đang nghiên cứu về phán quyết này và hiện giờ chưa có bình luận gì về các giá trị của vụ kiện” nhưng Phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Mỹ, John Kirby, nói rằng “phán quyết có tính ràng buộc pháp lý với cả hai phía và, Mỹ hy vọng Trung Quốc và Philippines tuân thủ các nghĩa vụ của mình.”
Thông cáo cho biết thêm, Hoa Kỳ “khuyến khích các bên tuyên bố chủ quyền làm rõ yêu sách trên biển của họ phù hợp với luật pháp quốc tế – như được phản ánh trong Công ước Luật Biển – và làm việc với nhau để quản lý và giải quyết tranh chấp của họ.
Những bước đi như vậy có thể cung cấp cơ sở cho các cuộc thảo luận nhằm thu hẹp phạm vi địa lý của các tranh chấp hàng hải của họ, thiết lập các tiêu chuẩn về hành xử trong các khu vực tranh chấp, và cuối cùng là giải quyết tranh chấp tiềm ẩn của họ mà không có sự ép buộc hoặc sử dụng hoặc đe dọa vũ lực.”
Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines, Perfecto Yasay, ra tuyên bố chỉ vài phút sau khi tòa PCA ra phán quyết rằng “Philippines hoan nghênh phán quyết này” nhưng không quên giải thích rằng “các chuyên gia của họ còn đang phân tích về phán quyết của tòa PCA” và nêu lên sự quan ngại về việc thi hành “một cách miễn cưỡng và có kiềm chế” phán quyết được cho là “quyết định mang tính lịch sử”.
Ông Yasay “kêu gọi các bên kiềm chế và tỉnh táo”, và khẳng định Philippines cam kết sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS).
Dường như Chính phủ Philippines đương nhiệm không muốn làm lớn chuyện và cũng không muốn ăn mừng cho “thắng lợi” này! Tân tổng thống Duterte đã tỏ ra thận trọng và ra chỉ dấu cho thấy ông “sẵn sàng hòa giải” để đổi lại thu hút đầu tư Trung Quốc.
Đài Loan cũng lên tiếng rằng phán quyết này đã “làm thiệt hại nghiêm trọng quyền lợi của họ.”
“Chúng tôi xin long trọng tuyên bố rằng chúng tôi chắc chắn sẽ không chấp nhận phán quyết này”, Bộ Ngoại giao Đài Loan loan báo.
Một diễn biến khác cũng đáng chú ý, đó là trong lúc Ngoại trưởng Nhật, Fumio Kishida, ra tuyên bố cho rằng phán quyết của tòa PCA là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý, theo đó các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này, thì Bộ Ngoại giao Ấn cho biết nước này đang nghiên cứu vấn đề này một cách cẩn thận! Việt Nam, cũng như Philippines, hoan nghênh phán quyết của tòa PCA và cho biết Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Hải Bình, cho biết “Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 5/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa PCA… Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình…
“Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Cơ sở pháp lý và giải pháp chính trị
Phán quyết của tòa PCA có hai điều quan trọng: thứ nhất, tòa bác bỏ yêu sách “chủ quyền về đường 9 đoạn trên Biển Đông” của Trung Quốc dựa theo “quyền lịch sử” và thứ hai, tòa xem xét “tư cách pháp lý” đối với những thực thể như “bãi đá ngầm, bãi đá và đảo” trong vùng biển nói trên.
Tòa kết luận rằng không một “thực thể” nào do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền có đủ điều kiện xác lập “vùng đặc quyền kinh tế” theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Và theo quan điểm của tòa, những “thực thể” này phải được xem xét, đánh giá dựa trên “nguyên trạng tự nhiên” bằng “những chứng cứ lịch sử”, chứ không phải dựa trên “hiện trạng”.
Rõ ràng với phán quyết này, “Biển Đông” sẽ trở lại nguyên trạng như trước ngày Philippines kiện Trung Quốc ra tòa năm 2013.
Vấn đề “chủ quyền” Biển Đông không thể giải quyết bằng pháp lý vì đây là vấn đề chính trị nên chỉ có thể giải quyết bằng chính trị.
Trung Quốc đã tuyên bố không nhìn nhận phán quyết và phủ nhận quyền tài phán của tòa PCA.
Trong lịch sử cũng chưa có một quốc gia nào trong năm nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ chấp nhận một phán quyết tương tự của tòa PCA thì việc Trung Quốc không tuân thủ không phải là chuyện lạ. Hơn thế nữa, Mỹ cũng không phải là thành viên của UNCLOS.
Chúng ta cũng biết rằng việc tôn trọng và thực thi luật pháp quốc tế phụ thuộc vào thiện chí cũng như những tính toán của từng quốc gia một.
Liệu Trung Quốc có tuân thủ phán quyết này không, tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố nhưng cái chính vẫn là tương quan quyền lực và cán cân quyền lợi. Trung Quốc vẫn phải tính thiệt hơn khi ra quyết định cuối cùng.
Theo tinh thần đó, bất cứ một quyết định nào liên quan đến khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cũng không thể loại bỏ Trung Quốc, nếu như không muốn thất bại.
Với phán quyết này của tòa PCA, Trung Quốc đã gần như mất trắng Biển Đông. Cho dù đây có là một tính toán sai lầm của Trung Quốc đi chăng nữa thì thời điểm này vẫn còn có cơ hội trước khi quá muộn.
Một giải pháp đôi bên cùng có lợi vẫn còn kịp để giúp Trung Quốc và các bên liên quan thoát cảnh “đối đầu” thậm chí “phiêu lưu quân sự” vì chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ đơn phương từ bỏ chủ quyền trên Biển Đông cho dù họ thật sự không muốn chiến tranh.
Và vì tòa PCA cũng không ra phán quyết về vấn đề chủ quyền của Biển Đông nên đây là cơ hội để các bên có tranh chấp tại Biển Đông “tạm gác lại hoặc từ bỏ hẳn” vấn đề chủ quyền và tuyên bố đặt toàn bộ vùng đang có tranh chấp dưới quyền tài phán của Liên Hiệp Quốc, từ đó thảo luận và đi đến thành lập một ủy ban quốc tế quản trị sự hợp tác và phát triển chung khu vực tranh chấp.
Điều này cũng phù hợp với thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 12/7/2016 rằng Mỹ “khuyến khích các bên tuyên bố chủ quyền làm rõ yêu sách trên biển của họ phù hợp với luật pháp quốc tế… và làm việc với nhau để quản lý và giải quyết tranh chấp của họ.”
Như đã trình bày, đây chỉ là một biện pháp tạm thời, vì thế, vấn đề chủ quyền nên được đặt sang một bên trong việc chấp nhận một “modus vivendi”, tức là một “thoả thuận của những điểm bất đồng”, đặc biệt là liên quan đến tranh chấp chủ quyền của quần đảo Trường Sa, vì tính đa phương của nó.
Bản chất của sự tranh chấp đặc biệt này sẽ buộc tất cả các quốc gia có yêu sách cùng nhau làm việc, hướng tới việc tìm kiếm một giải pháp khả dĩ chấp nhận được cho tất cả.
Cuối cùng, một hợp tác để khai thác chung các nguồn tài nguyên ở Trường Sa có thể sẽ không được chấp nhận bởi tất cả các nước có liên quan. Tuy nhiên, nó sẽ là một bước tiến vững chắc để làm giảm bớt căng thẳng trong khu vực.
Hoa Kỳ có thể không dám nói Trung Quốc phải làm gì, nhưng Hoa Kỳ có thể thuyết phục các đối tác, đồng minh của họ có can dự vào các tranh chấp chủ quyền Biển Đông để xem xét một chương trình hợp tác phát triển dưới sự giám sát quốc tế.
Luật pháp quốc tế chưa chắc đảm bảo hoà bình, ngay cả trong ngắn hạn, nhưng một giải pháp đa phương qua hình thức của một hợp tác phát triển và thăm dò tài nguyên chung dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, mặc dù có khó khăn để thực hiện, là một giải pháp hoàn toàn khả thi.
Đối với những quốc gia liên quan không muốn tham gia, Mỹ nên nói rõ với họ rằng đây không phải là một giải pháp lâu dài nhưng là một biện pháp tạm thời để ngăn chặn, hoặc ít nhất là giảm, khả năng đối đầu thù địch, vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung cho khu vực.
Tóm lại, vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề của khu vực mà là vấn đề của thế giới. Mà đã là vấn đề của thế giới nên để cho thế giới giải quyết. Xin nhắc lại quan điểm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, đưa ra tại Hà Nội hồi tháng 7 năm 2010 rằng, Hoa Kỳ không đứng về phía bên nào trong tranh chấp này, mà Hoa Kỳ chỉ đóng vai trò giúp đỡ các nước tranh chấp đi đến đàm phán và sử dụng một cơ chế quốc tế để giải quyết vấn đề này.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada.
http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2016/07/160713_forum_scs_pca_ruling_vu_duc_khanh
Phản ứng các bên sau phán quyết PCA
Ngày 22/1/2013: Philippines nộp bản Thông báo và Tuyên bố khởi kiện đối với Trung Quốc trước Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc về “Thẩm quyền trên các vùng biển của Philippines đối với Biển Tây Philippines”
Ngày 3/6/2014: hạn cuối cùng Tòa án đưa ra cho Trung Quốc đệ trình Bản phản biện của bị đơn. Trung Quốc từ trước vẫn duy trì quan điểm không tham gia vào vụ việc và vì thế, cũng không đệ trình Bản phản biện của bị đơn
Ngày 11/12/2014: Chính phủ Việt Nam đưa ra Tuyên bố về chủ quyền trên Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời yêu cầu Tòa trọng tài “cân nhắc đến lợi ích và quyền lợi pháp lý của Việt Nam”
Ngày 29/10/2015: Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra “Tuyên bố (Phán quyết) về quyền tài phán và thừa nhận” đối với vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. Tòa không bác bỏ quyền tài phán với bất cứ luận điểm nào trong Bản Tranh tụng của Philippines
Ngày 21-22/3/2016: Trong một động thái bất ngờ, Đài Loan đưa ra Tuyên bố Amicus curiae về Quan điểm về chủ quyền của Đài Loan tại Đảo Itu Aba (Ba Bình). Theo đó hòn đảo này có vùng biển 200 hải lý (bao trùm lên hầu hết các hòn đảo còn lại đang tranh chấp ở Biển Đông)
Nhắn tin trực tiếp
Cập nhật lúc 13 tháng 7 2016
15:51Tin Mới Nhất
Dư luận đang quan tâm phán quyết sắp ra của Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) về vụ kiện Biển Đông của Philippines.
15:51
Các điểm nóng bùng phát gần đây xảy ra trong vài thập niên qua là giữa Việt Nam và Trung Quốc, và vụ giằng co giữa Philippines và Trung Quốc. Điểm qua một vài vụ việc gồm có:
Năm 1974, Trung Quốc chiếm Hoàng Sa từ Việt Nam, giết chết hơn 70 binh sỹ người Việt
Năm 1988, hai bên lại xung đột nhưng lần này ở Trường Sa, với phía Việt Nam gánh chịu thua thiệt, vì có khoảng 60 thủy thủ bị thiệt mạng
Đầu 2012, Trung Quốc và Philippines có cuộc giằng co trên biển kéo dài, các bên cáo buộc nhau lấn vào bãi Scarborough
Các tin không được xác nhận nói Hải quân Trung Quốc quấy phá hai điểm thăm dò khai thác của Việt Nam cuối 2012, dẫn đến các cuộc biểu tình chống Trung Quốc lớn trên đường phố Việt Nam
Tháng 1/2013, Manila nói sẽ đưa Trung Quốc ra Tòa án của Liên Hiệp Quốc căn cứ vào Công ước Luật Biển của Liên Hiệp Quốc để thách thức các yêu sách của Trung Quốc
Tháng 5/2014, Trung Quốc đưa vào hoạt động dàn khoan gần Hoàng Sa, dẫn tới tàu thuyền của hai nước đã có một số va chạm
15:54
Dự kiến hôm 12/07 Tòa Trọng tài Thường trực ở Hague sẽ đưa ra phán quyết được chờ đợi từ lâu, với kết luận về tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi của Trung Quốc ở Biển Đông.
Philippines đưa ra vụ kiện tại tòa án ở Hague, nêu những hoạt động của Trung Quốc trong khu vực này vi phạm luật pháp quốc tế.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền khoảng 90% Biển Đông, bao gồm các rạn san hô và đảo mà các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền.
Trung Quốc nói họ không công nhận quyền tài phán của tòa và từ chối tham gia vụ kiện.
Vụ kiện được Tòa Trọng tài phân xử theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà Trung Quốc và Philippines đã ký kết.
Phán quyết này mang tính bắt buộc nhưng tòa không có quyền hạn thực thi.
15:56
Tòa Trọng tài Thường trực tại Hague sẽ ra phán quyết đối với đơn Philippines kiện Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.
Hai điểm chính được quan tâm nhiều là “đường chín đoạn” và lập trường của tòa đối với một số đảo, đá và bãi ngầm có tranh chấp.
Vậy sự khác biệt về đảo, đá hay bãi ngầm thể theo luật pháp quốc tế là gì? Phóng viên BBC Jonah Fisher từ Manila giải thích trong video này.
15:56Tin Mới Nhất
Cảnh biểu tình bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc tại Manila, Philippines, ngày 12/7, vài giờ trước khi Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở Hague ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines.
16:14
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, của Bộ Công an Việt Nam nói với BBC: “Trung Quốc gần như có một chiến dịch vận động ngoại giao và truyền thông để quảng bá quan điểm rằng Trung Quốc là có cơ sở pháp lý với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và cơ sở pháp lý với chủ quyền vùng nước bao chiếm trong đường chín đoạn.”
“Họ có một chiến dịch truyền thông, là đòn tâm lý. Thứ nhất là để 1 tỷ 350 triệu người Trung Quốc biết. Thứ hai là tạo ra một dư luận ủng hộ của quốc tế với Trung Quốc khi tòa công bố phán quyết.”
Hành động như vậy để “dọn mặt bằng tâm lý,” ông Cương nói thêm.
http://bit.ly/28RAWqK
16:15
Học giả về Asean Somkiat Onwimon nói đường chín đoạn “như một cái lưới cá bao bọc toàn bộ vùng biển” trên tờ Bangkok Post của Thái Lan.
Thitinan Pongsudhirak, nhà nghiên cứu chính trị từ Đại học Chulalongkorn nói phán quyết của Tòa trọng tài sẽ cho Trung Quốc và Asean một cơ hội hàn gắn những rạn nứt bằng cách cùng hành động trên luật lệ chung.
“Không đáng cho tham vọng lâu dài của Trung Quốc là trở thành một siêu cường quốc toàn cầu lại đi có tranh cãi về biển đảo với các quốc gia nhỏ láng giềng, và sau đó phớt lờ phán quyết quốc tế về tranh chấp. Đó sẽ là hành xử không thể trở thành cường quốc toàn cầu đáng được tôn trọng.”
16:15
Hãng tin AFP nói Đại sứ Philippines tại Trung Quốc cảnh báo công dân cẩn trọng với “đe dọa cá nhân” và tránh các tranh cãi chính trị trước thềm phán quyết hôm thứ Ba 12/7.
Công dân Philippines được khuyên “tránh các cuộc thảo luận và tụ tập công cộng về vấn đề chính trị” và không ủng hộ hoạt động tụ tập và thảo luận nơi công cộng “đặc biệt là trên mạng xã hội,” AFP trích lại nội dung email.
Bức thư cũng cảnh báo công dân nên mang theo giấy tờ tùy thân “mọi lúc” và báo cáo ngay bất cứ đe dọa nào mà họ nhận được cho đại sứ quán hoặc cảnh sát Trung Quốc.
16:17
Nếu Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự ở khu vực tranh chấp, Hoa Kỳ và một số quốc gia khác không có lựa chọn nào hơn là phản ứng bằng các nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải đa quốc gia và bay tuần tra, quân chức Hoa Kỳ ẩn danh nói với Reuters.
16:19
Alexander Neill, chuyên viên nghiên cứu lâu năm tại Viện nghiên Cứu chiến lực châu Á IISS-Asia viết:
Việc xây dựng và cải tạo đảo phục vụ cho mục đích kép, vừa củng cố tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và vừa tạo ra một sự hiện diện liên tục của Trung Quốc, cả quân sự và dân sự tại Biển Đông.
… Có một vùng rộng lớn tại phía nam của Biển Đông là khá nông – độ sâu dưới 100m. Tuy nhiên, gần tiếp giáp với “đường chín đoạn” (đường mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền của Biển Đông) thì thềm lục địa có độ sâu khoảng 4,000m, tạo điều kiện tốt hơn cho tàu ngầm hoạt động.
Đó là lý do tại sao một số chuyên gia tin rằng vùng nước sâu của Biển Đông, và những nỗ lực của Trung Quốc tăng cường chống tàu ngầm ở đó, có thể tạo địa bàn cho các tàu ngầm của Trung Quốc trong tương lai.
Trong những năm gần đây, độ sâu của Biển Đông đã trở thành tâm điểm cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.”
16:25
Tờ Inquirer của Philippines tường thuật Nhật Bản đang dàn xếp một thông cáo chung về phán quyết Biển Đông với các đối tác trong nhóm các quốc gia G7 có nền kinh tế phát triển như một phần của xu hướng “ngoại giao chủ động”, mặc dù Nhật Bản có thể sẽ im lặng khi phán quyết được công bố.
16:25Tin Mới Nhất
Tòa quốc tế ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền và đường chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông.
“Tòa kết luận không có căn cứ pháp lý để Trung Quốc đòi quyền lịch sử với các vùng biển nằm trong ‘đường chín đoạn’,” theo thông cáo của Tòa Trọng tài Thường trực ở Hague.
“Tòa xác định rằng, mặc dù các nhà hàng hải TQ và ngư dân của họ, cũng như những người như vậy từ các Quốc gia khác, đã từng trong lịch sử sử dụng những hòn đảo này ở Biển Nam Trung Hoa, hiện không hề có chứng cứ gì rằng Trung Quốc đã thực thi về mặt lịch sử sự kiểm soát đặc quyền trên toàn vùng nước hay tài nguyên. Vì thế, Tòa kết luận rằng không có căn cứ pháp lý cho việc Trung Quốc nêu quyền lịch sử với các tài nguyên nằm trong vùng biển trong Đường Chín Đoạn.”
Trung Quốc đã ra phản ứng, nói phán quyết “vô căn cứ”.
Tân Hoa Xã nói phán quyết “không có giá trị”. Hãng tin nhà nước Trung Quốc nói: “Toà trọng tài không có quyền tài phán, Trung Quốc không chấp nhận, cũng không công nhận.”
Philippe Sands, một luật sư cho Philippines trong vụ kiện, nói đây là “phán quyết rõ ràng và thống nhất ủng hộ pháp quyền và chủ quyền của Philippines”.
Trong văn bản 497 trang, các quan tòa nói các tàu chấp pháp Trung Quốc gây rủi ro đụng chạm với tàu đánh cá Philippines trong vùng biển và việc xây dựng của Trung Quốc gây thiệt hại vô kể với các rạn san hô.
Nhật Bản tuyên bố phán quyết của tòa án ở Hague là mang tính chung cuộc, ràng buộc pháp lý, yêu cầu các bên liên quan tới vụ kiện thực hiện theo quyết định này.
Ngoại trưởng Fumio Kishida nói trong thông cáo rằng Nhật Bản đã luôn ủng hộ tầm quan trọng của luật pháp và việc sử dụng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay cưỡng chế trong giải quyết tranh chấp hàng hải.
“Đường Chín Đoạn” là gì?
Bắc Kinh tuyên bố “chủ quyền không thể chối cãi” đối với khoảng trên 85% diện tích Biển Đông, tương đương 3 triệu trên tổng số 3,5 triệu cây số vuông toàn bộ vùng biển này.
“Đường Chín Đoạn” chạy có những chỗ cách xa khỏi Trung Hoa lục địa tới 2.000km và vào sát bờ biển Philippines, Malaysia và Việt Nam vài trăm cây số.
“Đường Chín Đoạn” ban đầu xuất hiện trên một bản đồ của Trung Quốc hồi 1947 với 11 đoạn đứt quãng, khi lực lượng hải quân của Trung Hoa Dân Quốc thuộc Quốc Dân đảng khi đó kiểm soát được một số đảo vốn do Nhật chiếm đóng trong thời Đại chiến Thế giới lần thứ hai.
Khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949 và Quốc Dân đảng phải bỏ chạy ra Đài Loan, chính quyền cộng sản đã tự tuyên bố mình là đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc và thừa kế toàn bộ các tuyên bố về biển đảo của nước này trong khu vực.
Sau đó, đầu thập niên 1950, hai “đoạn đứt quãng” được bỏ đi ở khu vực Vịnh Bắc Bộ như một hành động thân thiện của Bắc Kinh với chính quyền miền Bắc Việt Nam.
PCA là tổ chức liên chính phủ lâu đời nhất thế giới, chuyên xử lý các vụ tranh chấp quốc tế thông qua biện pháp trọng tài “và các biện pháp hoà bình khác”.
PCA được thành lập năm 1899 trong Hội nghị Hoà bình Hague, do Sa Hoàng Đệ Nhị của Nga tổ chức. Cơ quan này dẫn chiếu tới các hợp đồng, các thoả thuận đặc biệt, và nhiều hiệp ước khác nhau của Liên hợp quốc để phân xử tranh chấp.
PCA cũng hiện diện thường trực tại Mauritius, và có thể tiến hành các phiên tranh tụng trên toàn thế giới.
16:38Tin Mới Nhất
Trích đoạn phán quyết của Tòa Trọng tài LHQ về ‘Đường Chín Đoạn’ của Trung Quốc:
“Tính hợp pháp của các hành động Trung Quốc:
Tòa đã xem xét tính hợp pháp của các hành động Trung Quốc gây ra tại Biển Nam Trung Hoa. Tòa nhận thấy một số khu vực nằm trong vùng kinh tế đặc quyền (EEZ) của Philippines, và theo tòa, Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines trong EEZ qua cách:
(a) Can thiệp vào công tác khai thác dầu khí và ngư nghiệp của Philippines, Xây dựng đảo nhân tạo, và
(b) Không ngăn các ngư dân Trung Quốc đến đánh cá trong EEZ này.
Tòa cũng nhận định rằng ngư dân Philippines có quyền đánh cá truyền thống (traditional fishing rights) tại Bãi Scarborough và Trung Quốc đã ngăn cản quyền của họ.
Tòa nhận định rằng các tàu hải tuần của Trung Quốc đã tạo ra một cách phi pháp rủi ro nghiêm trọng cho các vụ va đập khi họ thực hiện việc ngăn cản các tàu thuyền Philippines.”
Một đoạn khác:
a. Về đường chín đoạn và những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc phán quyết của tòa viết
“Lập trường này đã bị bác bỏ, tuy nhiên văn bản cuối cùng của Công ước cho phép các Quốc gia khác có quyền đi lại có giới hạn để đánh cá ở khu vực đặc quyền kinh tế (trong trường hợp Quốc gia ven biển không thể đánh bắt với toàn bộ ở khu vực này) và không có quyền khai thác dầu và khí đốt cũng như các nguồn tài nguyên. Tòa thấy rằng tuyên bố của Trung Quốc với các quyền có tính lịch sử tới tài nguyên là không phù hợp với các vị trí cụ thể về quyền và các vùng hải phận theo Công ước và kết luận rằng, với mức độ Trung Quốc có quyền lịch sử ở vùng Biển Đông thì những quyền này sẽ bị loại bỏ do hiệu lực của Công tước và tuyên bố chủ quyền đó trở nên không phù hợp với hệ thống các vùng hải phận thể theo Công ước.
b. Tòa kết luận sự hiện diện của nhân viên chính thức trên nhiều cấu trúc địa lý này không tạo lập năng lực của chúng, trong điều kiện tự nhiên, có thể duy trì sự ổn định của một cộng đồng con người và xét thấy bằng chứng lịch sử con người sinh sống hay đời sống kinh tế có liên quan nhiều hơn tới năng lực của các cấu trúc địa lý này. Xem xét các ghi nhận lịch sử, Tòa ghi nhận rằng Trường Sa theo lịch sử đã được sử dụng bởi nhiều nhóm ngư dân từ Trung Quốc cũng như các Quốc gia và một số công ty mỏ và đánh cá của Nhật Bản cũng đã thử khai thác vào những năm 1920 và 1930. Tòa kết luận rằng việc sử dụng tạm thời các cấu trúc địa lý này của các ngư dân không tạo lập sự sinh sống của một cộng đồng ổn định và tất cả các hoạt động kinh tế lịch sử …. Vì thế Tòa kết luận rằng mọi cấu trúc địa lý khi thủy triều lên tại Trường Sa là các “bãi đá” hợp pháp không tạo ra vùng đặc khu kinh tế hay thềm lục địa.
c. Hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông:
Tòa quyết định là Trung Quốc đã vi phạm các nghĩa vụ của họ thể theo Công ước Quốc tế và Quy định Ngăn ngừa Va chạm trên Biển (Convention on the International Regulations for Preventing Collisions at Sea) năm 1972, và Điều khoản 94 của Công ước liên quan tới an toàn hàng hải.
d. Tính nghiêm trọng của các tranh chấp giữa các bên:
Tòa ghi nhận Trung Quốc đã (a) xây dựng đảo nhân tạo tại Bãi đá Vành Khăn, một cấu trúc địa lý nhô lên trên mặt biển khi thủy triều xuống tại đặc khu kinh tế của Philippines; (b) gây nguy hại vĩnh viễn và không thể khắc phục tới hệ sinh thái rặng san hô (c) phá hủy vĩnh viênc bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc địa lý đang được nói tới.
Tòa kết luận Trung Quốc vi phạm nghĩa vụ của họ trong việc kiềm chế không làm nghiêm trọng thêm hay gia tăng tranh chấp trong thời gian chờ quá trình phán quyết.
e. Hành xử tương lai của các bên
Cuối cùng, Tòa án xem xét yêu cầu của Philippines có một tuyên bố rằng, trong tương lai, Trung Quốc sẽ tôn trọng các quyền và tự do của Philippines và tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo Công ước. Trên khía cạnh này, Tòa lưu ý rằng cả Philippines và Trung Quốc đã nhiều lần chấp nhận các nghĩa vụ của Công ước và nghĩa vị chung với niềm tin tốt đã xác định và định hướng hành vi của họ. Tòa cho rằng gốc rễ của vụ tranh chấp trong vụ kiện ra trọng tài này không nằm trong bất kỳ ý định nào của Trung Quốc hay Philippines để xâm phạm quyền lợi hợp pháp của nước kia, mà là ở khác biệt hiểu biết cơ bản các quyền của mình theo Công ước trong các vùng biển ở Biển Đông. Tòa nhắc lại rằng một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là tin tưởng nhau và lưu ý rằng Điều 11 của Phụ lục VII quy định rằng “kết luận. . . phải được các bên có tranh chấp tuân thủ.” Tòa do đó cho rằng không cần có thêm một tuyên bố nào khác.”
16:45
Reuters: Ngoại trưởng Philippines kêu gọi “kiềm chế và tỉnh táo” tại Biển Đông ngay sau một phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế có lợi cho Manila và lên án Bắc Kinh.
“Các chuyên gia của chúng tôi đang nghiên cứu phán quyết này cẩn trọng và triệt để bởi đó là kết quả quan trọng của tòa trọng tài.”
Ngoại trưởng Perfecto Yasay nói tại một cuộc họp báo.”Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và tỉnh táo. Philippines khẳng định hết sức tôn trọng quyết định cột mốc này”.
17:05
Quan chức Bộ Ngoại giao Philippines từ Manila trong họp báo: “Đây là phán quyết có tính chất nền tảng.”
17:05
Thái Lan thúc giục tất cả các bên liên quan tại Biển Đông duy trì hòa bình và ổn định.
Trong một thông cáo đưa ra trước phán quyết của tòa The Hague, Bộ Ngoại giao Thái Lan nói điều quan trọng là khôi phục sự tin tưởng và lòng tin của các nước trong khu vực.
Thông cáo nói tình hình tại Biển Nam Trung hoa (Biển Đông) nên được giải quyết “trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau và lợi ích công bình” theo đó thể hiện mối quan hệ lâu dài giữa Trung Quốc và Asean.
17:11
Phóng viên Jonah Fischer của BBC từ Manila: “Phán quyết của Tòa Trọng tài là một cú giáng mạnh vào Trung Quốc.”
“Không chỉ Đường Chín Đoạn bị bác bỏ mà Tòa còn nói rằng các cấu trúc (features) Trung Quốc xây trên Biển Đông không tạo ra cơ sở để có chủ quyền. Đây là thắng lợi lớn cho Philippines.”
17:11
Phóng viên BBC Jonah Fischer từ Manila: “Nay Trung Quốc chắc chắn lo sợ Việt Nam cũng sẽ làm theo Philippines là đem một vụ kiện ra Tòa.”
17:19
Nhắc lại vụ kiện Philippines về Đường Lưỡi Bò:
“Philippines đưa vụ kiện ‘đường chín đoạn’ ra Tòa Trọng tài năm 2013.
Họ cáo buộc Trung Quốc cấm đánh bắt cá, nạo vét để bồi đắp đảo nhân tạo và gây nguy hiểm cho tàu bè tại Biển Đông.
Họ cũng yêu cầu tòa bác tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về ‘đường chín đoạn’, chiếm giữ 90% Biển Nam Hải (Biển Đông), trên bản đồ chính thức của Trung Quốc.
Theo nhà báo và cũng là nhà nghiên cứu Biển Đông Bill Hayton, phần lớn vụ kiện là yêu cầu tòa án ra phán quyết về những tuyên bố chủ quyền của mỗi quốc gia tại Biển Đông.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã viết một loạt bài trên các báo tiếng Anh chỉ rõ lập trường của Bắc Kinh về Biển Đông.
Trung Quốc cho biết khoảng 60 quốc gia ủng hộ lập trường của họ rằng nên bác phán quyết của tòa, nhưng chỉ một vài nước tuyên bố ủng hộ họ công khai.”
17:31Tin Mới Nhất
Sau khi có phán quyết của tòa ở Hague, chính phủ Trung Quốc ra tuyên bố chính thức:
“Để tái khẳng định chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc trên Nam Hải, tăng cường hợp tác giữa các nước tại Nam Hải, giữ gìn hoà bình và ổn định của Nam Hải, Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ra Tuyên bố:
Các đảo trên Nam Hải của Trung Quốc bao gồm Quần đảo Đông Sa, Quần đảo Tây Sa, Quần đảo Trung Sa và Quần đảo Nam Sa. Nhân dân Trung Quốc đã có hơn 2000 năm lịch sử hoạt động tại Nam Hải. Trung Quốc là nước phát hiện, đặt tên và khai thác tận dụng sớm nhất các đảo trên Nam Hải và vùng biển liên quan, thi hành chủ quyền và quyền quản lý sớm nhất, liên tục, hoà bình và hiệu quả đối với các đảo trên Nam Hải và vùng biển liên quan, đã xác lập chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi liên quan tại Nam Hải.
Sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, Chính phủ Trung Quốc năm 1947 đã biên soạn “Địa lý chí lược các đảo Nam Hải” và vẽ bản đồ “Vị trí các đảo Nam Hải” trên các đoạn đứt khúc, đồng thời chính thức công bố trước thế giới vào tháng 2/1948.
Từ khi thành lập vào ngày 1/10/1949 đến nay, nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa kiên định bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc tại Nam Hải. Chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc tại Nam Hải bao gồm:
1/ Trung Quốc có chủ quyền đối với các đảo trên Nam Hải, bao gồm Quần đảo Đông Sa, Quần đảo Tây Sa, Quần đảo Trung Sa và Quần đẩo Nam Sa;
2/ Các đảo trên Nam Hải của Trung Quốc có vùng nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp;
3/ Các đảo trên Nam Hải của Trung Quốc có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa;
4/ Trung Quốc có quyền lợi mang tính lịch sử tại Nam Hải.
Trung Quốc luôn kiên quyết phản đối một số nước xâm chiếm trái phép một số đảo và bãi đá thuộc Quần đảo Nam Sa của Trung Quốc, cũng như hành vi xâm phạm quyền quản lý vùng biển liên quan của Trung Quốc. Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục cùng với nước đương sự liên quan trực tiếp giải quyết hoà bình tranh chấp liên quan trên Nam Hải thông qua đàm phán và hiệp thương dựa theo luật pháp quốc tế trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử.
Trung Quốc tôn trọng và ủng hộ các nước được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không trên Nam Hải theo luật pháp quốc tế.”
17:51
Chỉ công dân Trung Quốc mới được đi tour ra Hoàng Sa.
Trung Quốc ngay từ đầu đã nói không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài LHQ và từ một thời gian qua đã tổ chức cho du khách ra Hoàng Sa.
Một số chuyến bay dân sự thử nghiệm từ Hải Khẩu, Hải Nam cũng được tổ chức ra sân bay mới tôn tạo ở Trường Sa.
17:51
17:55
Thông cáo chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12/7:
Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra tuyên bố về phán quyết của Tòa trọng tài vụ Nam Hải thành lập theo yêu cầu của Nước Cộng hòa Philippines:
Về việc Tòa trọng tài vụ Nam Hải thành lập theo yêu cầu đơn phương của Philippines (gọi tắt là Tòa trọng tài) ngày 12/7/2016 đưa ra phán quyết, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trịnh trọng tuyên bố, phán quyết này là vô hiệu, không có sức ràng buộc, Trung Quốc không chấp nhận, không công nhận.
Ngày 29/10/2015, Tòa trọng tài đưa ra phán quyết về quyền tài phán và vấn đề có thể thụ lý. Chính phủ Trung Quốc lập tức tuyên bố phán quyết này là vô hiệu, không có sức ràng buộc, lập trường của Trung Quốc là rõ ràng và nhất quán.
Mục đích của việc Philippines đơn phương đưa vấn đề lên trọng tài là ác ý, không phải là để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc, cũng không phải là giữ gìn hoà bình và ổn định trên Nam Hải, mà là để phủ định chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc trên Nam Hải, hành vi đưa lên trọng tài của Philippines là vi phạm luật pháp quốc tế.
Hành vi và phán quyết của Toà trọng tài đã trái ngược nghiêm trọng với thực tiễn thông thường của Toà trọng tài quốc tế, trái ngược hoàn toàn với mục đích và tôn chỉ thúc đẩy giải quyết hoà bình tranh chấp của “Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển”, phương hại nghiêm trọng tính hoàn chỉnh và uy tín của “Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển”, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp của Trung Quốc với tư cách là nhà nước chủ quyền và nước ký kết “Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển”, là phán quyết không công bằng và bất hợp pháp.
Chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc trên Nam Hải không bị ảnh hưởng bởi phán quyền của trọng tài trong bất cứ tình huống nào, Trung Quốc phản đối và không chấp nhận bất cứ chủ trương và hành động nào dựa trên phán quyết trọng tài này.
Chính phủ Trung Quốc tái khẳng định, về tranh chấp vấn đề lãnh thổ và hoạch định biên giới trên biển, Trung Quốc không chấp nhận bất cứ phương thức giải quyết tranh chấp nào của bên thứ 3, không chấp nhận bất cứ phương án giải quyết tranh chấp nào áp đặt Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục tuân thủ luật pháp quốc tế và các chuẩn tắc cơ bản của quan hệ quốc tế được xác định trong “Hiến chương Liên Hợp Quốc”, giải quyết tranh chấp hữu quan trên Nam hải, thông qua đàm phán và hiệp thương, giữ gìn hoà bình và ổn định trên Nam Hải.”
18:22
Một ngày bận rộn cho BBC: ba phóng viên tường thuật cho BBC World TV: Hồng Nga từ The Hague, Jonah Fisher từ Manila và Stephen McDonell từ Bắc Kinh về phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông.
18:29
Phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 12/7:
Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7/2016. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết.
Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 05/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài.
Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.
Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
19:29
Tường thuật của phóng viên BBC Jonah Fisher từ Manila, Philippines
Bộ trưởng Ngoại giao Perfecto Yasay ra thông cáo trong khoảng hai phút.
Trong khuôn khổ bốn đoạn văn, ông này giải thích rằng các chuyên gia đang phân tích về phán quyết của Tòa Trọng tài và nêu lên sự quan ngại về việc thi hành “một cách miễn cưỡng và có kiềm chế” phán quyết được cho là “quyết định mang tính lịch sử”.
Không có sự ăn mừng, thậm chí là không có một nụ cười. Và điều này có nguyên nhân của nó.
Chính phủ hiện tại của Philippines không là phải là người đã đưa hồ sơ ra Tòa Trọng tài ba năm rưỡi trước, hậu quả từ vụ xung đột tại bãi cạn Scarborough.
Hai tuần trước, Rodrigo Duterte tuyên thệ để trở thành Tổng thống mới của Philippines. Những chỉ dấu cho thấy, Tổng thống mới của Philippines sẵn sàng hòa giải với Trung Quốc, khác hẳn người tiền nhiệm là ông Benigno Aquino.
Ngay tại Manila này, rất nhiều người cho rằng Tổng thống mới có xu hướng thu hút đầu tư từ Trung Quốc để đổi lại phản ứng im lặng.
19:29
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 12/7 có bài phát biểu:
“Hôm nay, một toà trọng tài được thành lập tạm thời đã đưa ra cái gọi là phán quyết về vụ trọng tài Nam Hải do chính phủ tiền nhiệm Philippines đơn phương nêu ra, mưu toan làm tổn hại chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc tại Nam Hải. Về việc này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố, tỏ rõ lập trường nghiêm khắc của Trung Quốc không chấp nhận và không công nhận phán quyết của trọng tài. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn thừa ủy quyền ra “Tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển tại Nam Hải của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa”, trịnh trọng trình bày Trung Quốc có chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển tại Nam Hải. Trên cơ sở này, tôi sẵn sàng trình bày hơn nữa thái độ của Trung Quốc:
Thứ nhất, vụ trọng tài Nam Hải ngay từ đầu đã là một trò hề chính trị đội lốt pháp luật, cần phải vạch trần triệt để bản chất này.
Thứ hai, Trung Quốc không chấp nhận, không tham gia trọng tài là nhằm bảo vệ nền pháp quyền quốc tế và quy tắc khu vực theo pháp luật.
Thứ ba, chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc tại Nam Hải có cơ sở lịch sử và pháp lý vững chắc, không bị ảnh hưởng bởi cái gọi là phán quyết của toà trọng tài.
Thứ tư, Trung Quốc sẽ tiếp tục dốc sức giải quyết hoà bình tranh chấp thông qua đàm phán và hiệp thương, giữ gìn tốt hoà bình và ổn định trong khu vực.
Cuối cùng, tôi muốn tái khẳng định rằng, phát triển quan hệ láng giềng hữu nghịv ới các nước xung quanh là phương châm đã định mà Trung Quốc kiên trì; giữ gìn hoà bình và ổn định của khu vực là trách nhiệm quốc tế không thể thoái thác của Trung Quốc; kiên trì đi con đường phát triển hoà bình là sự lựa chọn chiến lược kiên định bất di bất dịch của Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ tiếp có sự đóng góp xứng đáng của mình vì bảo vệ tôn chỉ của “Hiến chương Liên Hợp Quốc” và các chuẩn tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế, giữ gìn sự công bằng, chính nghĩa của nền pháp quyền quốc tế, thúc đẩy sự nghiệp hoà bình và phát triển của loài người.”
19:49
Hiện chưa rõ phán quyết của Toà Trọng tài LHQ có làm thay đổi sinh hoạt của các ngư dân vùng Scarborough, Philippines hay không. Ba người trong hình ở Masinloc từng nói việc đánh bắt cá của họ bị Trung Quốc ngăn chặn.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160712_philippines_china_scs_the_hague
20:16Tin Mới Nhất
Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố nói phán quyết của tòa ở Hague là đóng góp quan trọng cho mục tiêu chung giải quyết tranh chấp Biển Đông trong hòa bình.
Người phát ngôn ngoại giao Mỹ John Kirby nói phán quyết có tính ràng buộc với cả hai phía, rằng Mỹ hy vọng Trung Quốc và Philippines tuân thủ.
20:16
Paul Reicher, luật sư tư vấn chính cho Philippines từ Washington trả lời BBC News: “Đây là thắng lợi của nước nhỏ trước nước lớn. Đây là chuyện Trung Quốc chống lại toàn bộ các nước láng giềng chứ không chỉ Philippines. Các nước Việt Nam, Indonesia cũng thắng lợi hôm nay về mặt pháp lý.”
20:27
Lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, Tập Cận Bình, tuyên bố Trung Quốc không chấp nhận mọi quyết định của tòa quốc tế về Biển Đông.
Theo Tân Hoa Xã, ông Tập phát biểu trong cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ở Bắc Kinh ngày 12/7.
Ông Tập được dẫn lời nói chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông không bị ảnh hưởng vì phán quyết của tòa tại Hague.
20:42
Luật sư trưởng của chính phủ Philippines Jose Calida sẽ gửi bản tóm tắt phán quyết cho Tổng thống Philippines Duterte sáng thứ Tư, và một giải thích “toàn diện” trong vòng 5 ngày nữa, theo trang báo Rappler.com.
20:58
Vào lúc 11 giờ trưa ngày 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực tại Hague (PCA) ra phán quyết chung cuộc vụ Philippines kiện Trung Quốc về ‘Đường Chín Đoạn’, hay còn gọi là ‘Đường Lưỡi Bò’ trên Biển Đông.
Phóng viên Hồng Nga bình luận trên BBC World News từ Hague.
Hồng Nga nói về phán quyết từ Hague
21:30
Trả lời BBC, tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, cho rằng Việt Nam sẽ hoan nghênh phán quyết vì nói có thể được xem là “chiến thắng” cũng cho Việt Nam.
“Phán quyết rõ ràng giúp củng cố vị thế của Việt Nam trên Biển Đông. Tòa đã quyết định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc dựa theo đường chín đoạn là vô giá trị, và không cấu trúc nào ở Trường Sa được có vùng đặc quyền kinh tế. Vì thế Việt Nam có thể bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của mình tốt hơn trước sự xâm lấn của Trung Quốc, đặc biệt ở phần phía nam của Biển Đông.
Ở phần phía bắc, nơi hai nước tranh chấp về Hoàng Sa, tình hình không rõ rệt như thế vì vị thế pháp lý của các cấu trúc ở Hoàng Sa chưa được xác định. Vì thế phán quyết có thể khuyến khích Việt Nam mở vụ kiện tương tự, để hy vọng tòa tuyên bố không cấu trúc nào ở Hoàng Sa được có vùng đặc quyền kinh tế. Như thế sẽ xóa bỏ những chồng lấn có thể có trong tuyên bố chủ quyền của hai nước quanh Hoàng Sa.
Việt Nam có thể sẽ chưa mở vụ kiện ngay. Nhưng vị thế đàm phán của Việt Nam với Trung Quốc đã được tăng lên vì nay Việt Nam đã có sẵn một lựa chọn pháp lý hiểu quả để đối phó với Trung Quốc nếu nước này tiếp tục gây hấn.”
21:30
Mỹ ra thông cáo về phán quyết của tòa ở Hague. Bản tiếng Việt được đăng trên trang web Sứ quán Mỹ ở Việt Nam:
“Phán quyết ngày hôm nay của Tòa án trong việc phân xử Philippines-Trung Quốc là một đóng góp quan trọng vào mục tiêu chung về một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa. Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu các quyết định và không có bình luận về các giá trị của vụ kiện, nhưng một số nguyên tắc quan trọng đã được thể hiện rõ ràng ngay từ đầu vụ kiện này và có giá trị tái khẳng định.
Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ pháp quyền. Chúng tôi hỗ trợ các nỗ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ và hàng hải ở Biển Nam trung Hoa một cách hòa bình, trong đó có thông qua trọng tài.
Khi gia nhập Công ước Luật Biển, các bên nhất trí về quá trình giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước nhằm giải quyết các tranh chấp. Trong phán quyết của ngày hôm nay và trong phán quyết của Tòa án từ tháng 10 năm ngoái, Tòa án nhất trí phán quyết rằng Philippines đã hành động trong phạm vi quyền hạn của mình theo Công ước về khởi xướng sự phân xử này.
Theo quy định trong Công ước, quyết định của Toà án là cuối cùng và ràng buộc về mặt pháp lý đối với cả Trung Quốc và Philippines. Hoa Kỳ bày tỏ hy vọng và kỳ vọng rằng cả hai bên sẽ tuân thủ các nghĩa vụ của mình.
Sau quyết định quan trọng này, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tuyên bố chủ quyền tránh các tuyên bố hoặc hành động khiêu khích. Quyết định này có thể và nên là một cơ hội mới để làm mới những nỗ lực nhằm giải quyết các tranh chấp hàng hải một cách hòa bình.
Chúng tôi khuyến khích các bên tuyên bố chủ quyền làm rõ yêu sách trên biển của họ phù hợp với luật pháp quốc tế – như được phản ánh trong Công ước Luật biển – và làm việc với nhau để quản lý và giải quyết tranh chấp của họ. Những bước đi như vậy có thể cung cấp cơ sở cho các cuộc thảo luận nhằm thu hẹp phạm vi địa lý của các tranh chấp hàng hải của họ, thiết lập các tiêu chuẩn về hành xử trong các khu vực tranh chấp , và cuối cùng là giải quyết tranh chấp tiềm ẩn của họ mà không có sự ép buộc hoặc sử dụng hoặc đe dọa vũ lực.”
23:02
Bình luận về phán quyết do tòa Trọng tài Thường trực ở Hague đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc, Tiến sỹ Trần Công Trục cho rằng điều này “chứng tỏ rằng thượng tôn pháp luật được đề cao”.
Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam nói ông “hoan nghênh, đề cao sự công tâm, minh bạch, đúng đắn của phán quyết của hội đồng trọng tài PCA (Tòa Trọng tài Thường trực) đứng ra làm việc hết sức có ý nghĩa này”.
Bình luận về sự ảnh hưởng tới tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông, ông Trần Công Trục cho rằng phán quyết giúp Việt Nam “khẳng định việc Việt Nam vận dụng và thực thi công ước này [Công ước về Luật biển năm 1982] để xác lập quyền và lợi ích của mình trong Biển Đông một cách hợp pháp và nó là cơ sở để Việt Nam tiếp tục đấu tranh để bảo vệ cho các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”
Ông nhấn mạnh: “Cần nhớ rằng tranh chấp trong Biển Đông ngoài tranh chấp vừa có phán quyết thì còn nhiều loại phức tạp hơn nhiều mà Việt Nam và các nước khác trong khu vực còn phải tiếp tục cùng nhau giải quyết.”
23:07
Trung Quốc cho bay thử phi cơ dân dụng ở Trường Sa.
Đài Phát thanh Quốc tế CRI của Trung Quốc, ban Tiếng Việt đăng tin:
“Theo Tân Hoa xã: Ngày 12/7, Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng một chiếc máy bay của Trung tâm Hiệu chỉnh bay Hàng không Dân dụng Trung Quốc CE-680 lần lượt tiến hành bay hiệu chỉnh thành công đối với sân bay mới xây dựng trên bãi đá Mỹ Tế và Chử Bích thuộc quần đảo Nam Sa. Các dữ liệu bay hiệu chỉnh lần này cho thấy hai sân bay mới xây dựng đã có đủ khả năng bảo đảm an toàn bay cho máy bay chở khách hàng không dân dụng, tạo thuận tiện cho sự đi lại của nhân viên, cứu trợ khẩn cấp, cứu hộ y tế, v.v tại quần đảo Nam Sa, bên cạnh đó sẽ được coi là sân bay dự bị mới cho các chuyến bay trên khu vực Nam Hải.”
FACEBOOK09:59
Lang Anh
Facebook Anh Lãng bình luận: “Chính phán quyết thứ hai về các đảo và bãi đá tại Trường Sa mới là phần bổ sung quan trọng nhất để giải quyết các tranh chấp trong phiên toà lịch sử này: PCA tuyên bố xét cả về hoàn cảnh lịch sử lẫn điều kiện tự nhiên, các đảo và đá tại Trường Sa đều thiếu vắng sự hiện diện thường xuyên, liên tục của đời sống kinh tế dân sự thông thường.
Việc hiện diện của các lực lượng công vụ của các quốc gia tranh chấp trên các hòn đảo tại đây không phải là căn cứ và không tạo cơ sở cho sự hiện diện kinh tế đơn thuần. Do đó, các đảo này không tạo ra yêu sách về lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế.
Đây là một nội dung hết sức quan trọng của phán quyết. Nó tạo cơ sở cho việc đàm phán chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế của tất cả các quốc gia đang có tranh chấp ở Trường Sa. Quyền chiếm hữu các đảo và đá của mỗi nước có thể tiếp tục duy trì, nhưng quyền về vùng đặc quyền kinh tế thì không còn phụ thuộc vào chúng nữa. Đây là lối thoát cho tất cả các nước trong hoà bình.
Với riêng Việt Nam, nội dung phán quyết thứ hai này cũng mở ra cơ hội cho việc giải quyết các tranh chấp tại quần đảo Hoàng Sa.
Một số đảo tại Hoàng Sa có kích thước lớn (Ví dụ Phú Lâm) và đã được Trung Quốc củng cố và tôn tạo nhiều thập niên sau khi chiếm đóng sau cuộc chạm súng khốc liệt với hải quân Việt Nam Cộng Hoà.
Cho đến nay, với các phương tiện chiến tranh Trung Quốc đưa ra Hoàng Sa, gồm chiến đấu cơ, các hệ thống phòng không và tên lửa đối hải, cộng với lực lượng hải quân khiến việc tiếp cận của Việt Nam với Hoàng Sa hầu như vô vọng.
Cùng với đường lưỡi bò, Trung Quốc dựa vào các yêu sách pháp lý đối với vùng đặc quyền kinh tế của các đảo tạo Hoàng Sa để đòi hỏi rất sâu vào vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ngay từ lúc này, Việt Nam cần nghiên cứu rất kỹ phán quyết 12/07 của PCA và cân nhắc một vụ kiện tương tự với tình trạng các đảo tại Hoàng Sa. Nếu vô hiệu hoá được quyền yêu sách lãnh hải của các đảo này thì dù Trung Quốc có tiếp tục duy trì quyền chiếm đóng Hoàng Sa, nhưng Việt Nam sẽ cải thiện được tình trạng tranh chấp chênh vênh ở vùng biển miền Bắc và miền Trung Việt Nam.”
10:07
Nguyễn kc Hậu (Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu)
“Tòa Trọng tài Thường trực kết luận rằng không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc đòi chủ quyền lịch sử, vượt quá các quyền mà Công ước về Luật Biển cung cấp, tại vùng biển thuộc phạm vi ‘đường chín đoạn’,” thông cáo báo chí của PCA viết.
Philippines chính là chiếc đũa cứng rắn trong bó đũa Đông Nam Á mà Trung Quốc đang bẻ từng chiếc một.
10:23
Ngoại trưởng Australia Julie Bishop nói uy tín và tham vọng của Trung Quốc trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới sẽ đối diện khó khăn nếu Bắc Kinh lờ phán quyết.
Bà Bishop kêu gọi tất cả các bên tôn trọng phán quyết mà bà mô tả là cuối cùng và có giá trị ràng buộc về pháp lý.
Bà Bishop cũng nói rằng bà trông đợi phán quyết này được bàn thảo tại các phiên họp của ASEAN và hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào giữa tháng Bảy.
10:28
Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ nói phán quyết này sẽ làm gia tăng xung đột và có thể dẫn tới đối đầu.
Ông Thôi Thiên Khải cũng cáo buộc phiên tòa tại The Hague thiếu tính chuyên nghiệp và việc phán xét tranh chấp chủ quyền là vượt quá quyền hạn xét xử của tòa này.
10:33
Văn phòng Tổng thống Đài Loan nói Đài Loan không được tham khảo ý kiến về vụ kiện do Philippines khởi xướng, mặc dù nước này có tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa.
Hầu hết phán quyết của tòa liên quan tới các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, nhưng tòa cũng đồng ý với quan điểm của Manila là đảo Ba Bình (Philippines gọi là Itu Aba) mà Đài Loan đang quản lý, chỉ là bãi đá và không phải một hòn đảo. Đảo sẽ bao gồm vùng đặc quyền kinh tế xung quanh và các quyền khác, nhưng chỉ riêng bãi đá thì không.
Thông cáo từ văn phòng Tổng thống Đài Loan nói phán quyết “vi phạm nghiêm trọng đến quyền của chúng tôi trên hòn đảo.” Người phát ngôn của chính phủ nói Hải quân Đài Loan sẽ gửi một chiến hạm ra tuần tra ở khu vực này vào thứ Tư 13/7.
10:35
Báo Wall Street Journal hôm 12/7 tường thuật, để xoa dịu công chúng dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc, Bắc Kinh có khả năng duy trì chiến dịch công kích chống lại phán quyết, Mỹ và Philippines và duy trì các hoạt động quân sự ở Biển Đông trong những tháng tới, theo các nhà ngoại giao.
Về lâu dài, phán quyết có khả năng kéo theo các vụ kiện mới, khiến Bắc Kinh vào thế vi phạm pháp luật quốc tế.
Phán quyết cũng gây nguy hiểm cho mục tiêu giành vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình cùng với Hoa Kỳ trên trường quốc tế.
“Việc coi thường toàn bộ phán quyết sẽ dễ dẫn đến các cuộc đụng độ và tạo nên áp lực ngoại giao lớn hơn”, trong khi tuân thủ hoàn toàn phán quyết “về cơ bản là không thể”, Shen Dingli, giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học Fudan ở Thượng Hải cho biết. “Thực tế có khả năng sẽ rơi vào trong hai thái cực này.”
Trong bối cảnh đó, Việt Nam, một quốc gia cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, sẽ tìm kiếm mối quan hệ quốc phòng gần gũi hơn với Hoa Kỳ để làm đối trọng với sức mạnh của Trung Quốc.
10:50
Dân Biểu Liên Bang Loretta Sanchez (CA-46), Đồng Chủ tịch Nhóm Congressional Caucus on Vietnam và thành viên cao cấp của Ủy Ban Quân Sự Hạ Viện, ra tuyên bố:
“Tôi hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế, đã tuyên bố Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý nào để tuyên bố chủ quyền trong khu vực Biển Đông. Đây là một thắng lợi quan trọng cho người dân Phi Luật Tân cũng như người dân Việt Nam mà chủ quyền lãnh thổ của họ đã bị liên tục đe dọa khi Trung Quốc hung hăng xâm lấn các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
“Thiệt hại về môi trường và mối quan tâm về an ninh toàn cầu được dính liền với nhau tại Biển Đông. Khi xây các đảo nhân tạo bằng cách bồi đắp hàng tấn cát sỏi lên bãi san hô mỏng manh, Trung Quốc đã gây thiệt hại nặng nề đến các bãi san hô quý giá này và làm giảm lượng cá trong một vùng sống nhờ vào hải sản hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Trung Quốc đã tiếp tục phát triển và quân sự hóa vùng đất trong vùng biển Nam Trung Quốc đe dọa an ninh và ổn định khu vực. Có thể sẽ gây ra nhiều hệ lụy nặng nề cho đời sống kinh tế và ổn định chính trị đối với nhiều quốc gia trong vùng.”
“Với phán quyết này, tôi kêu gọi Trung Quốc hãy tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền lãnh thổ của Phi Luật Tân, Việt Nam, và các quốc gia ASEAN nói chung. Trung Quốc có trách nhiệm làm giảm căng thẳng mà họ đã gây ra trong vùng. Pháp luật phải được tuân thủ – giải quyết các tranh chấp về biển một cách ôn hòa là mối quan tâm tột cùng cho các chính quyền và xã hội dân sự tại Phi Luật Tân, Việt Nam và các nơi khác tại Châu Á.”
11:12
Foreign Policy hôm 12/7 cho hay, chỉ vài giờ sau khi công bố phán quyết, từ khóa “Biển Hoa Nam, trọng tài” tràn ngập mạng Weibo của Trung Quốc. Nhiều status bày tỏ sự tức giận về phán quyết, Hoa Kỳ và Philippines.
Một người dùng mô tả phán quyết là “giấy thải”, nhắc lại bình luận của Cựu Ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc tại một sự kiện ở Washington DC mới đây.
Một người dùng khác kêu gọi tẩy chay iPhone 7, có lẽ vì đó là sản phẩm của Apple, một hãng công nghệ Mỹ.
Các ý kiến khác bày tỏ sự tức giận với Philippines.
“Liệu nước Philippines muốn trở thành tỉnh Philippines?”, một người dùng Weibo thách thức.
Một bài viết kêu gọi “chiến tranh ở Biển Đông bắt đầu đêm nay” có hơn 100.000 lượt view trên mạng WeChat.
11:39
Báo Washington Post hôm 12/7 dẫn lời giáo sư Paul Gewirtz, giám đốc Paul Tsai China Center tại Trường Luật Yale cho hay,hiệu quả của pháp luật của cuộc xung đột Biển Đông không chắc chắn.
Trong khi phán quyết đem lại sự đóng góp tích cực đáng kể, luật pháp không thể giải quyết tất cả các tranh chấp ở Biển Đông.
Đây là kết luận pháp lý quan trọng, nhưng sẽ không có giải pháp trước mắt cho cuộc xung đột ở Biển Đông.
Dù là một bên ký kết Công ước, Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện và tuyên bố phán quyết là “vô hiệu”.
Việc Trung Quốc bác phán quyết cho thấy giới hạn thực tế của pháp luật trong bối cảnh này vì tòa Trọng tài không có quyền hạn thực thi – không có lực lượng chấp pháp để xử phạt.
Một hạn chế cơ bản là tòa thiếu quyền lực pháp lý để giải quyết các mâu thuẫn về tranh chấp biên giới trên biển.
Trước mắt, Hoa Kỳ và các nước khác cần ủng hộ mạnh mẽ phán quyết của tòa là một quyết định bắt buộc. Hoa Kỳ cần chỉ trích tuyên bố của Trung Quốc rằng họ sẽ không thực thi phán quyết của tòa cũng như giám sát hoạt động tự do hàng hải tại Biển Đông.
11:40
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân:
“Vấn đề cốt lõi của các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippines tại Nam Hải nằm ở chỗ Philippines dùng vũ lực xâm chiếm một số đảo và bãi ngầm của Trung Quốc tại Nam Sa.
“Tuyên bố về chủ quyền của Philippines là vô căn cứ chiểu theo cả lịch sử lẫn luật quốc tế.
“Trung Quốc luôn nỗ lực không ngừng nghỉ để giải quyết các tranh chấp với Philippines một cách hòa bình.”
12:55
Bắc Kinh “có quyền” tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không tại Nam Hải (Biển Đông), một thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc nói hôm thứ Tư.
Ông Lưu Chấn Dân nói rằng liệu Trung Quốc có lập một vùng như vậy hay không tùy thuộc vào mức độ đe dọa mà Bắc Kinh nhận thấy.
“Đừng biến Nam Hải thành cái nôi của chiến tranh,
“Mục tiêu của Trung Quốc là biến Nam Hải thành biển của hòa bình, hữu nghị và hợp tác,” ông nói với các phóng viên.
13:04
Nghệ sĩ Thành Lộc viết trên trang cá nhân:
“Rồi bây giờ là 1 danh sách dài ngoằng các tài tử minh tinh điện ảnh và nghệ sĩ của Trung Hoa lục địa mà “thần dân” xứ Việt chết mê chết mệt đã lên tiếng ủng hộ cái gọi là đường lưỡi bò láo xược trên biển Đông của nhà cầm quyền Trung Quốc , họ phản đối phán quyết của toà án quốc tế , bất chấp luật pháp và đi ngược lại với lương tri thế giới .
Những Phạm Băng Băng , Triệu Vy , Huỳnh Hiểu Minh , Lục Tiểu Linh Đồng…v.v… vốn đã xem chúng ta là thần dân của họ , tài nguyên nước ta là tài sản của quốc gia họ từ bao đời nay rồi ! Vậy có đúng là nghệ thuật kinh tế đi trước để lót đường cho chính trị và xâm lược đi sau không ?
Các văn nghệ sĩ , các fans hâm mộ những soái ca , tỉ tỉ , những thứ ngôn tình hay nam thần ngọc nữ gì đó…..hãy tỉnh táo và sáng suốt mà lo bảo vệ những giá trị văn hoá Việt còn sót lại trong mong manh và chỉ có chúng ta mới là những người phải thể hiện lòng tự tôn dân tộc mình . Dĩ nhiên dân tộc Hoa cũng là 1 trong 50 dân tộc hình thành bản sắc văn hoá Việt , tôi không kêu gọi kỳ thị mà tôi kêu gọi sự thức tỉnh !
Nghệ sĩ Việt trước hết phải là công dân Việt !
14:58
Việt Nam yêu cầu Bắc Kinh bồi thường thỏa đáng cho ngư dân tàu cá Quảng Ngãi bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm hôm 9/7 tại quần đảo Hoàng Sa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi đối xử vô nhân đạo, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các ngư dân Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc điều tra và xử lý nhân viên trên hai tàu hải cảnh đã cố ý đâm chìm tàu cá Việt Nam, bỏ mặc ngư dân trong điều kiện nguy hiểm đến tính mạng.
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, không để tái diễn các hành động tương tự và có hình thức bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam”, ông Lê Hải Bình được truyền thông trong nước dẫn lời trong một thông cáo gửi ra hôm 13/07.
15:10
Indonesia sẽ tăng cường an ninh xung quanh các đảo của họ tại Biển Đông, nơi đã từng có va chạm với tàu Trung Quốc tàu, bộ trưởng quốc phòng nước này nói.
Trong một cuộc phỏng vấn với AFP, ông Ryamizard Ryacudu cho biết củng cố phòng thủ xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia sẽ bao gồm việc triển khai tàu chiến, một chiến đấu cơ F-16, tên lửa đất-đối-không, radar và máy bay do thám, cũng như xây dựng cảng mới và cải tạo một đường băng.
Việc tăng cường quân sự vốn bắt đầu trong những tháng gần đây, sẽ được hoàn thành trong “dưới một năm,” ông Ryacudu nói.
18:39
Nhiều ngôi sao Trung Quốc đã lên mạng xã hội bày tỏ ủng hộ lập trường Trung Quốc sau khi tòa quốc tế ở Hague ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160712_philippines_china_scs_the_hague
Ngôi sao Việt, Trung và chuyện Biển Đông
Chia sẻNgày 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực tại Hague (PCA) ra phán quyết chung cuộc vụ Philippines kiện Trung Quốc về ‘Đường Chín Đoạn’, hay còn gọi là ‘Đường Lưỡi Bò’ trên Biển Đông.
Dư luận đánh giá Philippines đã thắng trong vụ kiện này, mà Trung Quốc không tham gia.
Nhưng lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, Tập Cận Bình, tuyên bố Trung Quốc không chấp nhận mọi quyết định của tòa quốc tế về Biển Đông.
Tại Trung Quốc, có ngôi sao như nữ diễn viên Phạm Băng Băng đăng lại bản tin của Nhân dân Nhật báo trên trang Weibo.
Tin nhắn của cô trên Weibo sau đó được hơn 1.9 triệu người hâm mộ cô đăng lại, được khoảng 581.949 người thích, và hơn 77.000 người bình luận trên Weibo của cô.
Trên mạng xã hội Việt Nam trong ngày 12/7 loan đi một danh sách dài các ngôi sao Trung Quốc được cho là đã bày tỏ ủng hộ chủ quyền Trung Quốc ở Biển Đông.
Một số người nổi tiếng của Việt Nam cũng có phản ứng, như người mẫu Trúc Diễm.
Cô viết trên Facebook: “Sau khi xem cái ds những nghệ sỹ TQ ủng hộ đường lưỡi bò bản thân mình cảm thấy thật sự bất mãn ! Mặc dù toà trọng tài đã bác bỏ TQ vẫn ngạo mạn không dừng. Họ có thể cố chấp không nghe, nhưng ta vẫn phải luôn khẳng định chủ quyền cuả mình.”
Nghệ sĩ sân khấu Thành Lộc bình luận: “Rồi bây giờ là 1 danh sách dài ngoằn các tài tử minh tinh điện ảnh và nghệ sĩ của Trung Hoa lục địa mà “thần dân” xứ Việt chết mê chết mệt đã lên tiếng ủng hộ cái gọi là đường lưỡi bò láo xược trên biển Đông của nhà cầm quyền Trung Quốc.”
Ông nói: “Các văn nghệ sĩ , các fans hâm mộ những soái ca, tỉ tỉ , những thứ ngôn tình hay nam thần ngọc nữ gì đó…..hãy tỉnh táo và sáng suốt mà lo bảo vệ những giá trị văn hoá Việt còn sót lại trong mong manh và chỉ có chúng ta mới là những người phải thể hiện lòng tự tôn dân tộc mình.”
Bên cạnh đó, cũng có người như cây bút Lê Hồng Lâm nhận định trên Facebook rằng điều quan tâm hơn là nhiều ngôi sao nổi tiếng nhất Việt Nam lại không bày tỏ quan điểm.
“Chuyện các bạn trẻ của chúng ta quay sang thất vọng với các ngôi sao bên Tàu là một chuyện thực sự bao đồng. Các bạn nên thất vọng với các ngôi sao của chính Việt Nam đây này.”
“Chúng ta không thể trách được những kẻ không liên quan đến vận mệnh của đất nước ta (vì họ cũng phải bảo vệ cho nồi cơm của họ). Chúng ta hãy trách những kẻ có sức ảnh hưởng, có tiếng nói mà không dám lên tiếng cho chính quê hương của chúng ta.”
Theo báo Tuổi Trẻ, một số ngôi sao như hoa hậu Phạm Hương, hoa khôi Lan Khuê, ca sĩ Phương Thanh, Thu Minh, Sơn Tùng… đã lên tiếng phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc, thể hiện qua bài đăng trên Facebook của họ.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/07/160713_scs_viet_china_social_media
Dân mạng TQ đòi tẩy chay xoài Philippines
Xoài Philippines, được một số người xem là thuộc hàng ngon nhất thế giới, có vẻ như đang trở thành nạn nhân mới nhất của phán quyết vụ kiện Biển Đông.
Sau khi Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague ra phán quyết có lợi cho Philippines, các công dân mạng Trung Quốc đã sử dụng mạng xã hội để kêu gọi tẩy chay hoa quả Philippines, đồng thời thể hiện cảm xúc thông qua những hình ảnh, biểu tượng khác.
Các khẩu hiệu như “Nếu bạn ăn xoài, hãy mua hàng Thái Lan” và “Hãy khiến người Philippines chết đói” được lan truyền rộng rãi trên mạng tiểu blog Weibo của Trung Quốc.
“Nếu bạn yêu Trung Quốc, đừng mua hàng nhập khẩu của Philipines,” một người viết bình luận.
“Tôi sẽ ăn xoài khô Quảng Tây, uống cà phê Vân Nam và ăn sầu riêng Hải Nam. Vấn đề là tôi sẽ quyết đảm bảo tiền của mình sẽ ở lại Trung Quốc,” một người khác viết.
Thậm chí một số người bán lẻ trên Taobao, chợ mua bán điện tử lớn nhất Trung Quốc, còn cam kết tẩy chay các món ăn vặt của Philippines.
“Cửa hàng trực tuyến của chúng tôi sẽ không bán xoài Cebu từ Philippines, và sẽ không bán bất kỳ món ăn vặt nào của nước này nữa,” một nhà bán lẻ ở Thượng Hải chuyên kinh doanh trên Taobao nói với hãng truyền thông quốc gia Hoàn cầu Thời báo.
“Sẽ không chấp nhận, không tham gia, không công nhận”
Các chủ đề #SouthChinaSeaResult (Kết quả phán quyết vụ kiện Biển Đông) và #ChinaDoesn’tCareAboutYou (Trung Quốc không quan tâm tới các người) nằm trong số 10 chủ đề nóng nhất trên Weibo kể từ khi có phán quyết.
Bức hình dưới đây, được chia sẻ hơn 400 ngàn lần trên Weibo, được cho là bắt nguồn từ báo quốc gia Nhân dân Nhật báo.
Nhắc lại quan điểm chính thức của chính phủ về phiên xử, báo này viết: “Sẽ không chấp nhận, sẽ không tham gia, sẽ không công nhận.”
Có 50 ngàn bình luận về bức hình, đa phần là mang tính tích cực, với việc người dùng lên tiếng ủng hộ các hành động của chính phủ Trung Quốc, chỉ trích chính phủ và nhân dân Philippines.
Truyền thông Trung Quốc vốn bị kiểm soát và kiểm duyệt chặt chẽ, và điều đó giải thích cho lý do vì sao thiếu những bình luận mang tính tiêu cực khi nói về chính phủ Trung Quốc.
“Bất kể phán quyết là gì, thì chúng ta cũng đứng đằng sau Trung Quốc,” đó là nội dung một bình luận.
“Philippines, hãy dừng ngay việc tự sỉ nhục mình,” một người khác viết.
Một khuynh hướng được nhiều người hưởng ứng nữa là các tấm hình Quan Âm, hiện thân cho hòa bình và lòng trắc ẩn, theo quan niệm của người Trung Quốc.
Những dòng chữ trên bức hình viết: “Ta nghe nói ai đó đang đánh nhau với ta vì Biển Nam Hải (tức Biển Đông, theo cách gọi của Trung Quốc)?”
Trung Quốc luôn nói mục đích của mình tại Biển Đông là hòa bình, và cáo buộc các nước khác, trong đó có Philippines, là tạo nguy cơ gây xung đột bởi việc phản đối điều mà Bắc Kinh coi là những yêu sách đúng đắn của mình.
Trung Quốc nói sẽ phớt lờ phán quyết của tòa trọng tài.
‘Biển thiếu gì cá’
Một hình ảnh khác được chia sẻ rộng rãi là bức hoạt hình này, vẽ một cô bé giữ con cá trong tay.
Bức tranh có thể hơi làm người xem thấy khó hiểu bởi những dòng chữ ẩn dụ đi kèm: “Bạn có nhìn thấy chú cá này ở Biển Nam Hải không?”
Sau đó là dòng chữ này: “Tôi thà vứt nó đi còn hơn là trao cho bạn.”
Đường chín đoạn
Dòng chữ trên hình vẽ này, đăng trên Weibo, là một cách chơi chữ đối với câu thành ngữ Trung Quốc “không bỏ lại gì phía sau”.
Trong trường hợp này, dòng chữ viết rằng “Một mẩu nhỏ cũng không thể bỏ lại phía sau”.
Chữ “mẩu nhỏ” trong tiếng Hoa đồng nghĩa với chữ “đoạn” trong “đường chín đoạn” khoanh vùng mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Đây là phần nội dung đã bị tòa trọng tài bác bỏ.
‘Đừng làm Philippines’
Chữ Philippines được dùng như động từ trong bức hình này, với dòng chữ giải thích rằng: “Tôi kêu gọi các bạn đừng Philippines quá mức.”
Hiểu “Philippines” là gì thì lại còn tùy thuộc vào mỗi người.
‘Chexit’
Người dùng mạng xã hội Philippines cũng không im lặng.
“Chexit” – từ kết hợp giữa “China” (tức Trung Quốc) và “Exit” (tức ra đi), bắt chước cách dùng từ “Brexit” để nói về sự kiện Anh rời khỏi Liên hiệp Âu châu mới đây, đã trở thành một trong năm chủ đề ăn khách nhất Philippines.
Hình ảnh trên đã nhanh chóng lan đi trên mạng truyền thông xã hội, với việc người dùng bình luận rằng kết quả phán quyết của tòa trọng tài cần được tôn trọng, và Trung Quốc cần giảm bớt hoặc thậm chí chấm dứt các hoạt động của mình tại Biển Đông.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160713_scs_chinese_socialmedia_mango_boycott
‘Trung Quốc có quyền tuyên bố vùng ADIZ’
Chia sẻBắc Kinh “có quyền” tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không tại Nam Hải (Biển Đông), một thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc nói hôm thứ Tư.
Ông Lưu Chấn Dân nói rằng liệu Trung Quốc có lập một vùng như vậy hay không tùy thuộc vào mức độ đe dọa mà Bắc Kinh nhận thấy.
“Đừng biến Nam Hải thành cái nôi của chiến tranh.
“Mục tiêu của Trung Quốc là biến Nam Hải thành biển của hòa bình, hữu nghị và hợp tác,” ông nói với các phóng viên.
Tại cuộc họp báo sau phán quyết của tòa PCA trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, ông Lưu nói thêm:
“Vấn đề cốt lõi của các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippines tại Nam Hải nằm ở chỗ Philippines dùng vũ lực xâm chiếm một số đảo và bãi ngầm của Trung Quốc tại Nam Sa.
“Tuyên bố về chủ quyền của Philippines là vô căn cứ chiểu theo cả lịch sử lẫn luật quốc tế.
“Trung Quốc luôn nỗ lực không ngừng nghỉ để giải quyết các tranh chấp với Philippines một cách hòa bình.”
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160712_china_vice_fm_presser
Phán quyết PCA và ngư dân Philippines
Phán quyết của Tòa Trọng tài có thể có tác động rất lớn đến ngư dân Philippines, những người sống phụ thuộc vào nghề đi biển.
Bãi Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) ở Biển Đông là một trong vài ngư trường phổ biến của ngư dân Philippines. Bãi này nằm cách Philippines khoảng 160 km, và cách Trung Quốc 800 km.
Một ngư dân cho biết tại vùng nước nông và rạn san hô của Scarborough Shoal có thể đánh bắt đến 200 kg cá mỗi giờ.
Nhưng ngư dân Philippines thường bị các tàu Trung Quốc xua đuổi và nói rằng sinh kế của họ đang bị đe dọa.
“Tôi rất giận khi bị họ xua đuổi dù chúng tôi rõ ràng đang ở trong lãnh hải Philippines”, một ngư dân 30 tuổi (không phải người trong ảnh), nói với AFP.
Chi phí cho một tàu cá đến Bãi Scarborough là gần 2.000 đôla, và chủ tàu không thể hoàn vốn nếu về bến mà không bắt được cá.
Các nhà quan sát nói rằng phán quyết có lợi cho Philippines, dù Trung Quốc tẩy chay phiên tòa và tuyên bố sẽ không “chấp nhận, công nhận hoặc tuân thủ” quyết định của tòa, nghĩa là tình hình của các ngư dân Philippines khó có thể được cải thiện.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160713_ruling_affect_filipino_fishermen
‘Ngư dân Việt Nam phản đối rất có căn cứ’
Việc ngư dân Việt Nam phản đối Trung Quốc về ngư trường truyền thống của họ bị đe dọa và bản thân họ bị ‘tấn công’ trên Biển Đông là ‘rất có căn cứ’, một Đại biểu Quốc hội Việt Nam nói với BBC hôm thứ Tư, khi đưa ra bình luận hậu phán quyết của Tòa trọng tài thường trực ở Hague mới đây.
Trao đổi với BBC hôm 13/7/2016, ông Lê Như Tiến, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, trước hết nói về phán quyết của Tòa PCA bác bỏ tuyên bố chủ quyền theo bản đồ đường chín đoạn mà Philippines kiện Trung Quốc.
Chúng ta đã có nhiều biện pháp và tìm nhiều giải pháp để lên tiếng, kể cả ngoại giao cũng như các con đường khác, chúng tôi thấy rằng ngư dân Việt Nam mà phản đối như thế rất là có căn cứĐại biểu Quốc hội VN Lê Như Tiến
Ông nói: “Tất cả các nước, dù nước lớn hay nước nhỏ, đều phải tuân theo phán quyết đó và chúng tôi thấy rằng nếu đã trọng tài quốc tế, hoặc là một tổ chức quốc tế nào đó người ta đó có ý kiến hoặc có lên tiếng về vấn đề đó.
“Tất cả các nước phải tuân theo vì nó cũng chính là xuất phát từ việc tôn trọng phán quyết quốc tế và chúng ta sống trong một xã hội tuân theo pháp luật và đặc biệt là các luật pháp quốc tế, luật biển và các luật khác, thì tôi nghĩ bất kỳ nước nào cũng nên tôn trọng.”
Quốc hội ủng hộ?
Khi được hỏi liệu Quốc hội Việt Nam có ủng hộ hay không nếu các ngư dân Việt Nam ‘kiện Trung Quốc’ về việc ngư trường truyền thống của họ bị ảnh hưởng, họ bị tàu Trung Quốc tấn công, đánh đắm, bắt giữ, tài nguyên thiên nhiển trên vùng Biển mà họ làm ăn, đánh cá lâu đời bị phá hoại, Đại biểu Lê Như Tiến đáp:
“Với tư cách là Đại biểu Quốc hội, chúng tôi rất lên án việc dùng vũ lực đối với các ngư dân của Việt Nam và các cơ quan ngoại giao, các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc dùng vũ lực đối với ngư dân đánh bắt trên vùng biển mà vùng biển ấy là vùng biển của Việt Nam.
“Việt Nam đã có nhiều biện pháp và tìm nhiều giải pháp để lên tiếng, kể cả ngoại giao cũng như các con đường khác, chúng tôi thấy rằng ngư dân Việt Nam mà phản đối như thế rất là có căn cứ,” ông Lê Như Tiến nói với BBC.
http://www.bbc.com/vietnamese/multimedia/2016/07/160713_vn_mp_lenhutien_on_southchinasea
Ý nghĩa của chiến thắng Philippines
TS. Dương Danh HuyQuỹ Nghiên cứu Biển Đông
Phán quyết của Tòa Trọng tài mở một cổng lũ pháp lý, Việt Nam có thể đơn phương kiện Trung Quốc về vùng đặc quyền kinh tế và nếu kiện thì sẽ thắng.
Sáng 12/7, trang nhà của Tòa Trọng tài Thường trực bỗng nhiên bị sập. Khi việc tương tự xảy ra vào tháng 7/2015, nguyên nhân được cho là tin tặc Trung Quốc. Có lẽ không phải tình cờ, 12/7/2016 là ngày Tòa ban hành phán quyết cho vụ kiện Phi-Trung về Biển Đông.
Philippines đã ra tòa để bác bỏ các yêu sách biển của Trung Quốc. 15 điểm họ đưa ra có thể được chia thành 5 quan điểm chính:
Do bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa không được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), và do Trung Quốc không được đòi “quyền lịch sử” cho vùng biển bên trong đường 9 đoạn, các yêu sách biển của Trung Quốc bên trong đường này vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Ngược lại, yêu sách EEZ của Philippines là hợp pháp.
Đá Vành Khăn và bãi Cỏ Mây thuộc về EEZ Philippines.
Trung Quốc đã có một số hành vi vi phạm EEZ của Philippines, bao gồm cả tại đá Vành Khăn và bãi Cỏ Mây.
Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ bảo tồn môi trường biển, đặc biệt là trong việc xây đảo nhân tạo.
Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS khi dùng tàu thuyền chấp pháp một cách nguy hiểm, có thể gây đâm húc.
Có thể nói rằng cựu Tổng thống Philippines, ông Benigno Aquino, đã lãnh đạo Philippines mở đường “lấy trí nhân thay cường bạo”. Câu hỏi là khi cần thì các nhà lãnh đạo Việt Nam có sẽ đưa con cháu của Nguyễn Trãi đi trên con đường đó hay không?TS. Dương Danh Huy
Với một văn kiện dài gần 480 trang, Hội đồng Trọng tài đã công nhận tất cả 5 quan điểm chính của Philippines.
Việc Hội đồng Trọng tài công nhận quan điểm 1, 2 và 3, trong đó quan trọng nhất là việc bác bỏ các yêu sách biển của Trung Quốc bên trong đường 9 đoạn, dựa trên 2 kết luận then chốt. Thứ nhất, Hội đồng Trọng tài đã bác bỏ việc đòi “quyền lịch sử” cho vùng biển bên trong đường đó. Thứ nhì, Hội đồng Trọng tài đã kết luận rằng quần đảo Trường Sa không được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế. Hai kết luận trên và việc Hội đồng Trọng tài công nhận quan điểm 1 đã xóa sổ đường 9 đoạn như một đường yêu sách biển.
‘Làm sáng tỏ nhiều vấn đề’
Thắng tất cả 5 điểm chính này là một chiến thắng vô cùng lớn lao cho Philippines, đặc biệt là khi chúng ta nhớ rằng có nhiều rủi ro về việc Hội đồng Trọng tài có sẽ chấp nhận rằng quần đảo Trường Sa không được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế hay không. Nếu không, Philippines đã thất bại trong 3 điểm đầu. May mắn thay, điều đó đã không xảy ra.
Trung Quốc đã tẩy chay phiên tòa và đã khẳng đinh lập trường bất hợp pháp là họ không công nhận thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài, cũng như sẽ không tuân thủ phán quyết. Thêm vào đó, hiện nay chưa rõ tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có nhượng bộ Trung Quốc không, và nếu có thì sẽ nhượng bộ thế nào. Mặc dù thế, phán quyết này đã mở ra một giai đoạn mới cho tranh chấp Biển Đông với những hệ quả sau.
Hệ quả thứ nhất của phán quyết là nó đã mở một cổng lũ pháp lý. Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei đều có thể đơn phương kiện Trung Quốc về các vùng EEZ và thềm lục địa phía nam Biển Đông, và từ nay các nước này biết là nếu kiện thì sẽ thắng. Thí dụ như nếu Trung Quốc lấn lướt trong vùng Nam Côn Sơn hay Tư Chính, Việt Nam có thể kiện, và nếu kiện thì sẽ thắng.
Không những thế Việt Nam có thể kiện nếu Trung Quốc dùng quần đảo Hoàng Sa để đòi EEZ lấn vào EEZ tính từ bờ biển lục địa Việt Nam. Tuy việc này có khó hơn vụ kiện của Philippines vì đảo Phú Lâm rộng lớn hơn đảo Ba Bình, nhưng lập luận Hội đồng Trọng tài dùng để bác bỏ EEZ cho đảo Ba Bình cũng có khả năng áp dụng cho đảo Phú Lâm. Quan trọng không kém, Việt Nam có thể dùng việc tòa khẳng định quyền đánh cá lịch sử trong lãnh hải 12 hải lý của bãi cạn Scarborough để kiện Trung Quốc về quyền đánh cá lịch sử của ngư dân Việt Nam trong lãnh hải 12 hải lý của các đảo Hoàng Sa.
Hệ quả thứ nhì là sau khi quan điểm “Trường Sa không có EEZ” được công nhận, khả năng là Việt Nam sẽ chính thức theo quan điểm đó, cũng như các nước Đông Nam Á trong tranh chấp sẽ cùng đoàn kết trong quan điểm đó trong việc chống lại các yêu sách của Trung Quốc.
Hệ quả thứ ba là Mỹ và một số nước có thể ủng hộ Việt Nam và các nước Đông Nam Á trong tranh chấp một cách mạnh mẽ hơn, thẳng thừng hơn. Trước đây họ còn bị ràng buộc, ít nhất là trên danh nghĩa, bởi nguyên tắc “không thiên vị bên nào trong tranh chấp”.
Nhưng sau khi Hội đồng Trọng tài đã kết luận quần đảo Trường Sa không có EEZ, trong khi Trung Quốc cũng không được đòi quyền lịch sử trong EEZ của nước khác, thì nếu Trung Quốc lấn lướt trong bãi Tư Chính hay bồn trũng Nam Côn Sơn, chẳng hạn, thì đó không phải là tranh chấp mà là gây hấn trong EEZ và thềm lục địa của nước khác, và cộng đồng quốc tế có thể ủng hộ Việt Nam một cách mạnh mẽ mà không vi phạm nguyên tắc “không thiên vị bên nào trong tranh chấp”.
Hệ quả thứ tư là phán quyết của Hội đồng Trọng tài đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến UNCLOS, thí dụ như là việc Nhật dùng đá Okinotorishima để đòi EEZ và thềm lục địa cũng phải bị cho là vi phạm UNCLOS.
Hệ quả thứ năm là với khả năng bị nhiều nước kiện, và nhiều khả năng thua kiện, Trung Quốc có thể rút ra khỏi UNCLOS, tương tự nước Nhật quân phiệt rút ra khỏi Hội Quốc Liên vào năm 1933. Nhưng nếu Trung Quốc rút ra khỏi UNCLOS thì điều đó cũng chỉ làm cho các nước khác không kiện họ được, nó không thể làm cho yêu sách của họ trở thành đúng, và nó cũng không làm cho thế giới không thấy được yêu sách của họ là sai.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một thành viên sáng lập của nhóm Nghiên cứu Biển Đông.
http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2016/07/160713_philippines_pca_ruling_comment
TQ, Philippines dự kiến mở đàm phán sau phán quyết của Toà Trọng tài LHQ
Ralph Jennings Joyce Huang
Một nước Trung Quốc phẫn nộ và một nước Philippines hân hoan đang dự tính mở các cuộc đàm phán chính thức, một động thái chính trị được nhiều người ủng hộ bởi vì nó sẽ giảm thiểu nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang, sau khi Toà Trọng tài Liên Hiệp Quốc hôm qua bác bỏ căn cứ pháp lý của tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông đang trong vòng tranh chấp.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị châm biếm phán quyết của Toà Trọng tài Liên Hiệp Quốc, bác bỏ tính hợp pháp của tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên 95% diện tích Biển Đông theo “đường 9 đoạn”, một vùng biển rộng 3,5 triệu km vuông phong phú hải sản và tài nguyên như dầu và khí đốt, và cũng là một tuyến hàng hải quan trọng cho thương thuyền qua lại.
Mặc dù vậy, ông Vương cũng đánh tiếng rằng ông muốn có đối thoại. Khuya hôm thứ Ba, Ngoại Trưởng Trung Quốc nói:
“Bây giờ trò hề đã qua, giờ là lúc chúng ta nên quay lại con đường ngay. Phía Trung Quốc nhận thấy rằng tân chính phủ Philippines hồi gần đây đã đưa ra một loạt tuyên bố, kể cả những phát biểu cho thấy họ sẵn sàng tái tục thương thuyết và đối thoại với Trung Quốc về vấn đề Biển Nam Trung Hoa.”
Bắc Kinh từ lâu vẫn nói họ muốn mở các cuộc đàm phán song phương để giải quyết vụ tranh chấp biển đảo, thay vì sử dụng các cơ quan đa quốc gia.
Tại Manila hôm qua, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay miêu tả phán quyết của Toà Trọng tài LHQ là “một quyết định có tính bước ngoặt”, nói rằng phán quyết này đã “đóng góp quan trọng” hướng tới việc giải quyết các cuộc tranh chấp biển đảo vẫn đang tiếp diễn, và ông hối thúc tất cả các bên “hãy tự chế và tỉnh táo.”
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người lên nhậm chức vào ngày 30/6, từng nói rằng ông muốn thương thuyết tay đôi với Trung Quốc, bất chấp thái độ cứng rắn hơn của ông trong một chiến dịch tranh cử tổng thống được đánh dấu bằng những lời lẽ thô tục và những hứa hẹn.
Đối thoại có thể giúp đẩy lùi bất cứ mối đe doạ chiến tranh và giúp cho các vùng biển giữa hai nước này trở nên an toàn hơn cho những hoạt động thương mại của cả hai nước, đặc biệt là cho ngư dân Philippines. Giải pháp này cũng giúp Trung Quốc cải thiện hình ảnh của mình như một nước ỷ lớn hiếp bé trong cuộc tranh chấp lãnh hải kéo dài 4 thập niên nay, dưới con mắt của mọi người từ Châu Á cho tới Hoa Kỳ.
Vấn đề phức tạp
Trung Quốc đã gây phẫn nộ cho Philippines và 4 nước khác cũng tranh giành chủ quyền Biển Đông với các hoạt động quân sự hoá và các dự án bồi đắp đất xây đảo giữa 500 đảo hay cấu trúc địa lý bé nhỏ, về phần lớn không có điều kiện để sinh sống trong Biển Đông. Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines tuyên bố chủ quyền một phần vùng biển này dọc theo các bờ biển của các nước này.
Chính phủ Philippines dưới thời Tổng thống Benigno Aquino đã khởi tố Trung Quốc ra trước toà án Liên Hiệp Quốc cách đây 3 năm, sau khi Manila đối đầu với các tàu đánh cá Trung Quốc tại một bãi cạn trong vòng tranh chấp. Trung Quốc còn chiếm đóng hai bãi cạn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Trung Quốc viện dẫn các tài liệu lịch sử để biện minh cho tuyên bố chủ quyền của mình.
Bắc Kinh đặt nghi vấn về tiến trình tìm sự thật của toà án Liên Hiệp Quốc, và nói rằng toà án này không có quyền tài phán trong vụ tranh chấp này.
Mặt khác, phán quyết của Toà Trọng tài LHQ còn là một đòn giáng đối với tuyên bố chủ quyền các vùng lãnh hải tương tự của Đài Loan, đặc biệt sau khi toà bác bỏ lập luận cho rằng các cấu trúc địa lý nổi khi thuỷ triều dâng lên tại quần đảo Trường Sa- kể cả đảo Itu Aba đang do Đài Loan kiểm soát, quyền được có vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý.
Phát biểu từ một tàu chiến lớp La Fayette đang chuẩn bị lên đường thực hiện sứ mạng tuần tiễu Biển Đông hôm nay, thứ Tư 13/7, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói việc Itu Aba bị giáng cấp xuống thành một hòn đá “phương hại nghiêm trọng tới vị thế pháp lý của chúng tôi trong việc hành xử quyền chủ quyền và các lợi ích hàng hải liên quan.”
Bà Thái Anh Văn nói Đài Loan sẽ không bao giờ chấp nhận phán quyết đó.
Phán quyết được đưa ra sau 8 tháng thảo luận đã được người dân Philippines hoan nghênh nhiệt liệt, và được cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino ca tụng. Chính phủ của ông đã khởi sự hồ sơ khiếu kiện Trung Quốc ra trước toà án quốc tế đặt tại La Haye, cho rằng Trung Quốc vi phạm các quyền của Philippines được sử dụng các vùng lãnh hải ngoài khơi bờ biển phía Tây Philippines.
Thế bất cân bằng ngoại giao
Tuy nhiên một số người Philippines bày tỏ lo sợ rằng Trung Quốc có thể thách thức phán quyết của toà và gây khó khăn hơn cho các tàu đánh cá Philippines trong các vùng biển đang tranh chấp. Những quan ngại ấy trao thêm quyền cho giải pháp mở đàm phán với Bắc Kinh.
Ông Jay Batongbacal, Giám Đốc Viện Nghiên cứu Hàng Hải và Luật Biển tại Đại học Philippines nói :“Điều rõ rệt là chính phủ của ông Duterte sẽ tìm cách thương thuyết với người Trung Quốc để đạt một giải pháp hữu nghị nào đó.”
Ông nói thêm rằng người Philippines đã giang tay đề nghị hoà bình, mục đích có lẽ là để Trung Quốc trở lại bàn đàm phán để thảo luận về cuộc tranh chấp.
Theo ông Batongbacal, công chúng Philippines rõ ràng trông đợi họ thắng kiện, và họ cũng trông đợi chính phủ của họ phải có một lập trường mạnh mẽ đối với Trung Quốc về các vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Giới phân tích nhận định Trung Quốc giờ đây đang lâm vào thế kẹt giữa việc tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mình trong tranh chấp Biển Đông và tìm một đường lối ngoại giao để thoát ra khỏi tình trạng bế tắc về vấn đề này với quốc tế.
Lập trường quá cứng rắn, chẳng hạn như tuyến bố khu nhận dạng phòng không (ADIZ) sẽ phương hại đến hình ảnh vốn đã xấu của Trung Quốc trên khắp Châu Á, khu vực mà Trung Quốc muốn trở thành một láng giềng tốt.
Nói chuyện với VOA, ông Tang Siew Mun, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á ISEAS Yusof Ishak nói: “Có phần chắc là Trung Quốc sẽ biểu dương lực lượng để khẳng định chủ quyền của họ, nhưng những biện pháp ấy chỉ làm cho hình ảnh rất xấu của Trung Quốc càng trở nên xấu xí hơn nữa.”
Những điểm quan trọng trong phán quyết của tòa án về Biển Đông
Một tòa án quốc tế ở The Hague đã khiển trách Trung Quốc về hành vi của nước này ở Biển Đông và kết luận không có cơ sở pháp lý cho những tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Bắc Kinh đối với vùng biển này. Tòa án cũng chỉ trích Trung Quốc về việc gây thiệt hại cho môi trường của những rạn san hô và về việc nước này không ngăn cản ngư dân của mình giết hại những loài động vật được bảo vệ như rùa biển. Sau đây là những điểm chính từ phán quyết mà cả bảy thẩm phán đồng thuận và được đưa ra hôm thứ Ba:
Trung Quốc không có cơ sở pháp lý cho những tuyên bố chủ quyền lịch sử của mình đối với cái gọi là “đường chín đoạn” bao quanh khoảng 90 phần trăm Biển Đông
– Trung Quốc lập luận rằng ngư dân của họ đã đánh cá ở Biển Đông suốt nhiều thế kỷ, nhưng tòa án kết luận rằng trong phần lớn khoảng thời gian này, vùng biển này “về mặt pháp lý thuộc vùng biển quốc tế, trong đó tàu thuyền từ bất kỳ nước nào cũng có thể tự do đi lại và đánh cá. Điều này có nghĩa là ngư dân Trung Quốc thực hiện “quyền tự do trong vùng biển quốc tế … và không có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã kiểm soát độc quyền vùng biển này… hoặc ngăn cản những nước khác khai thác những nguồn tài nguyên của vùng biển.”
– Những tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc theo đường chín đoạn không phù hợp với việc trao quyền theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà Bắc Kinh đã phê chuẩn. Ban thẩm phán phán quyết rằng bất cứ quyền lịch sử nào của Trung Quốc đối với những nguồn tài nguyên ở vùng Biển Đông đều đã bị “tiêu trừ” khi Trung Quốc gia nhập Công ước.
Nhiều bãi đá mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền không hội đủ điều kiện để được xem là đảo mà có thể cho nước sở hữu quyền rộng lớn đối với vùng biển xung quanh
– Để được coi là lãnh thổ với đặc quyền đối với vùng biển xung quanh, một bãi đất phải nằm trên mặt nước khi thủy triều lên. Ban thẩm phán lưu ý dù Trung Quốc đã tiến hành hoạt động bồi đắp đất rộng khắp trên nhiều bãi san hô, song những hoạt động cải tạo này không làm thay đổi tình trạng pháp lý của bãi đất, vốn dựa trên “điều kiện tự nhiên” của bãi đất trước khi có hoạt động thi công.
– Ban thẩm phán cho biết họ đã tham khảo ý kiến một chuyên gia thủy văn và những tài liệu lưu trữ đã được sử dụng để xác định rằng không có bãi đất nào trong vòng tranh chấp hội đủ điều kiện để được xem là đảo, và nếu là đảo thì vùng biển quanh đảo sẽ là vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Tuy nhiên một số bãi đất bao gồm Bãi cạn Scarborough, Đá Johnson, Đá Châu Viên và Đá Chữ Thập là những bãi đất nằm trên mặt nước khi thủy triều lên cao, có thể có quyền đối với lãnh hải ít nhất là 12 hải lý.
Lời khiển trách đối với hành động của Trung Quốc ở Biển Đông
– Ban thẩm phán phán quyết rằng Trung Quốc đã xây dựng những cơ sở và những đảo nhân tạo ở Đá Vành Khăn mà không được Philippines cho phép, vi phạm chủ quyền của Manila.
– Tòa án kết luận Philippines có quyền chủ quyền đối với vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, trong đó bao gồm Đá Vành Khăn, Bãi Cỏ Mây và Bãi Cỏ Rong. Và Tòa án kết luận Trung Quốc đã can thiệp vào hoạt động thăm dò dầu khí của Philippines ở Bãi Cỏ Rong, tìm cách ngăn cấm ngư dân Philippines hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila tại Đá Vành Khăn và Bãi Cỏ Mây.
– Ban thẩm phán đã tham khảo ý kiến những chuyên gia môi trường để kết luận rằng “việc Trung Quốc bồi đắp đất quy mô lớn và xây dựng những đảo nhân tạo ở bảy bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với môi trường của những rạn san hô,” vi phạm cam kết của Bắc Kinh bảo vệ môi trường biển vốn là nghĩa vụ của họ theo Công ước.
– Ban thẩm phán kết luận rằng những tàu chấp pháp của Trung Quốc cũng tạo ra “nguy cơ va chạm nghiêm trọng và gây nguy hiểm cho tàu và nhân viên của Philippines” trong những cuộc chạm trán ở Biển Đông, vi phạm cam kết của Bắc Kinh đối với Công ước.
Phán quyết có lợi cho Philippines có thể làm gia tăng tranh chấp Biển Đông
Với phán quyết của tòa án hôm thứ Ba phần lớn được xem là đứng về phía Philippines, một đồng minh của Mỹ, những chuyên gia nói rằng cả Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ tăng cường những nước cờ ngoại giao và quân sự để giành lấy sự ủng hộ cho lập trường tương ứng của họ.
Mỹ nói rằng phán quyết của tòa án quốc tế ở The Hague về vụ kiện của Manila chống lại những tuyên bố chủ quyền thái quá của Bắc Kinh ở Biển Đông là “có tính chung quyết và ràng buộc về mặt pháp lý,” kêu gọi tất cả các bên tuyên bố chủ quyền tránh những tuyên bố hoặc những hành động khiêu khích.
Giám đốc Cao cấp cho Sự vụ Châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc, Daniel Kritenbrink, nói rằng Mỹ “không cần hoặc không quan tâm” tới chuyện khuấy động căng thẳng ở Biển Đông. Tuy nhiên, ông cũng cho biết Washington sẽ không “nhắm mắt làm ngơ” trước thủy lộ này để đổi lấy sự hợp tác của Trung Quốc về những vấn đề khác.
Phát biểu tại một diễn đàn ở Washington, ông cho biết Washington đang tăng cường những kênh thông tin liên lạc với Bắc Kinh thông qua những biện pháp xây dựng lòng tin để tránh những tính toán sai lầm và tai nạn khi đi tuần tra vùng biển này.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết phán quyết có thể tạo cơ sở cho những cuộc thảo luận thêm nữa nhằm thu hẹp phạm vi địa lý của những tranh chấp hàng hải, và cuối cùng giải quyết những tranh chấp tiềm tàng mà không có sự cưỡng ép hoặc sử dụng tới đe dọa vũ lực.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết trong một thông cáo: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tránh những phát biểu hoặc những hành động khiêu khích. Quyết định này có thể và sẽ là một cơ hội mới để tiếp tục những nỗ lực giải quyết tranh chấp hàng hải một cách hòa bình.”
Không có quyền hợp pháp
Tòa án Trọng tài Thường trực hôm thứ Ba ra phán quyết rằng những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông không có quyền hợp pháp về mặt lịch sử đối với vùng biển rộng lớn này.
Quyết định này được đưa ra phù hợp với những quy định thuộc Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà Bắc Kinh phê chuẩn vào năm 1996.
Nhưng Trung Quốc nói rằng họ sẽ không công nhận tính hợp pháp của quyết định này. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói vụ kiện là một “trò hề chính trị” và tuyên bố rằng Công ước không có thẩm quyền đối với những tranh chấp.
Giáo sư Peter Dutton từ Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ cảnh báo rằng nguy cơ thực sự của việc Trung Quốc bác bỏ quyết định này là sự tổn hại đối với danh tiếng của Bắc Kinh.
Ông Dutton nói: “Có thể phải mất một thế hệ hoặc nhiều hơn để hàn gắn mối bất hòa giữa Trung Quốc và phần lớn vùng Đông Nam Á.”
Những người khác lo sợ phán quyết có thể khiến Trung Quốc “bạo dạn” tiến hành những cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông.
Nhà phân tích Charmaine Deogracias người Philippines từ Trung tâm Đông-Tây ở Washington nhận định: “Điều thực sự đáng lo ngại là phán quyết của tòa án không có thẩm quyền pháp lý đối với những hoạt động quân sự.”
Bà nói thêm Manila sẽ muốn thấy thêm tàu hải quân Mỹ tuần tra trong vùng biển này, và muốn thấy Washington trấn an Manila rằng “Mỹ ở đó là vì chúng tôi nếu có chuyện gì xảy ra.”
Cách đối phó của Bắc Kinh
Có những cách mà Trung Quốc có thể tiến hành để giữ thể diện cho mình, theo lời ông Tim Johnson, Giám đốc khu vực Châu Á của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế. Ông nói rằng Bắc Kinh có thể bắt đầu bằng việc “từng bước thoái lui khỏi” quyền lịch sử của cái gọi là Đường Chín Đoạn, và “đưa tuyên bố chủ quyền của mình gần hơn với những nguyên tắc của Công ước.”
Những quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao cũng nói rằng quyết định này có tiềm năng mở ra không gian cho tất cả những bên tuyên bố chủ quyền để cố gắng tiến hành những cuộc thảo luận có ý nghĩa về việc quản lý tài nguyên và phát triển chung.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay trước đó nói rằng các bên tuyên bố chủ quyền “có thể cân nhắc” việc gia nhập những thỏa thuận khác nhau, chẳng hạn như thăm dò và khai thác chung những nguồn tài nguyên ở Biển Đông.
Hành động của Mỹ
Mỹ không phải là một trong những bên tuyên bố chủ quyền lãnh hải, nhưng Mỹ lâu nay đã ủng hộ việc bảo đảm những tuyến đường biển của khu vực vẫn rộng mở để hàng hóa quốc tế có thể được vận chuyển và Hải quân Mỹ có thể đi lại. Máy bay và tàu chiến của Mỹ đã thực hiện những cuộc tuần tra ở vùng biển Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trong khu vực, và việc này đã bị Trung Quốc đả kích, gây nên xích mích với Washington vốn không công nhận những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.
Những quan chức Mỹ đã công khai bác bỏ những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh và kêu gọi Trung Quốc giải quyết tranh chấp với những quốc gia khác một cách hòa bình trong những diễn đàn quốc tế như tòa án được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn này, nhưng một cựu quan chức quốc phòng cao cấp cho biết Washington cần có hành động đi đôi với lời nói của mình.
Cựu Phó Trợ lý Ngoại trưởng Quốc phòng Amy Searight gần đây nói rằng Mỹ có thể thi hành thỏa thuận an ninh song phương Mỹ-Philippines “một cách rất mạnh mẽ” bằng cách triển khai lực lượng luân phiên.
Lực lượng quân sự của Mỹ có thể tiếp cận năm địa điểm ở Philippines theo cái gọi là Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA).
Bà Searight nói thêm rằng Washington nên “thực hiện quyền tự do hoạt động hàng hải của mình một cách thường xuyên và nhất quán để thách thức những tuyên bố chủ quyền thái quá” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Biển Đông : Bắc Kinh chọn đối đầu hay tuân thủ phán quyết La Haye ?
Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, có trụ sở tại La Haye, vừa ra phán quyết ngày 12/07/2016, bác bỏ yêu sách đòi hỏi « quyền lịch sử » trên gần như toàn bộ Biển Đông, với bản đồ hình « Lưỡi Bò », cùng nhiều yêu sách khác của Bắc Kinh. Trung Quốc cực lực phản đối các phán quyết của Tòa án. Công luận quốc tế lo ngại xung đột bùng phát tại Biển Đông. Xin giới thiệu một số dự đoán của truyền thông quốc tế, về các diễn biến sắp tới, sau phán quyết La Haye.
Bài « Cuộc đọ sức cận kề tại Biển Đông/Showdown Now Looming Over the South China Sea » trên tờ Time, ngày 12/07/2016, dự đoán căng thẳng giữa hai cường quốc mạnh nhất thế giới sẽ dâng cao tại Biển Đông, thậm chí bùng phát thành xung đột. Time dẫn lời chuyên gia về Trung Quốc tại Học viện Hải Quân Mỹ, ông Andrew Erickson, ngay sau khi phán quyết được đưa ra, « Trong tương lai, tất cả các bên sẽ phải nỗ lực để ngăn chặn các mưu toan của Trung Quốc, chiếm đoạt những gì mà họ đã – và rõ ràng kể từ giờ trở đi – không thể đạt được bằng con đường hợp pháp ».
Theo Time, trong công luận Mỹ có hai luồng quan điểm, lạc quan và bi quan. Những người lạc quan cho rằng, sau phản ứng dữ dội ban đầu, chính quyền Bắc Kinh sẽ hiểu ra rằng, cộng đồng quốc tế buộc phải có lập trường kiên định, bởi Biển Đông là con đường hàng hải huyết mạch, bởi một phần ba lưu lượng hàng hóa toàn thế giới hàng năm đi qua ngả này. Phán quyết của Tòa án sẽ khiến Trung Quốc phải hãm lại việc bồi đắp các bãi đá thành đảo nhân đảo tại Biển Đông.
Trong khi đó, bên bi quan thì cho rằng, ngược lại Trung Quốc sẽ gia tăng việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên các thực thể tranh chấp tại Biển Đông. Chuyên gia Gregory Poling, viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS, lo ngại Trung Quốc sẽ có các phản ứng quyết liệt hơn. Bắc Kinh thậm chí có thể phong tỏa hoàn toàn bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) do Philippines kiểm soát, khu vực vốn từng bị phong tỏa vào năm 2014. Theo chuyên gia về châu Á Michael Green, việc Trung Quốc phong tỏa bãi Cỏ Mây lần nữa có thể nói chắc chắn sẽ dẫn đến các phản ứng rất mạnh từ phía « không quân hay hải quân Hoa Kỳ ».
Hoa Kỳ sẵn sàng cho xung đột
Trung Quốc cũng có thể lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ để trả đũa, như đã từng làm tại biển Hoa Đông năm 2013. Bắc Kinh đã cho xây dựng nhiều đường băng cho chiến đấu cơ tại một số thực thể địa lý ở Trường Sa, để chuẩn bị cho phương án này. Các máy bay dân dụng sẽ buộc phải thông báo khi ra vào khu vực này, tuy nhiên quân đội Mỹ không chấp nhận. Hiện tại Hoa Kỳ đã bố trí hai tàu sân bay ở miền tây Thái Bình Dương, sẵn sàng can thiệp tại Biển Đông khi cần. Trong trường hợp xung đột bùng phát tại Biển Đông, Hoa Kỳ phải chuẩn bị để sẵn sàng đối phó với các máy bay tiêm kích Trung Quốc, trang bị tên lửa DF-21D, mà giới quân sự Hoa Kỳ mệnh danh là « sát thủ chống tàu sân bay ».
Phán quyết La Haye có thể coi là một « bước ngoặt » chưa từng có trong các tranh chấp tại Biển Đông. Trước khả năng Trung Quốc không tuân thủ phán quyết của Tòa án La Haye, Hoa Kỳ chắn chắn sẽ tiếp tục tiến hành và thậm chí tăng cường các cuộc tuần tra hải quân để bảo vệ « quyền tự do hàng hải » trên khắp Biển Đông, vốn được các quốc gia ven bờ khác rất hoan nghênh. Theo một cựu sĩ quan hải quân Mỹ, hiện làm việc tại Center for a New American Security, « Hoa Kỳ, và đặc biệt là lực lượng Hải Quân, chắc chắn sẽ phải xem xét lại các phương án hành động, để hỗ trợ cộng đồng quốc tế tốt hơn, và làm cho luật pháp quốc tế được tôn trọng ».
Trong khi đó, theo Reuters, ngày 13/07, phản ứng trên thực tế của Trung Quốc không hẳn là đã chỉ có một chiều quyết liệt, sau phán quyết của Toà án La Haye. Trả lời báo giới tại Bắc Kinh, một thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố, quyết định thiết lập vùng nhận dạng phòng không tại Biển Đông phụ thuộc vào « các đe dọa mà Trung Quốc phải đối mặt ». Quan chức nói trên cho biết thêm, « hy vọng các nước khác không sử dụng cơ hội này để đe dọa Trung Quốc, (…), biển Hoa Nam (tức Biển Đông) không bị biến thành nguồn gốc chiến tranh ». Vẫn trong cuộc họp báo nói trên, đại diện ngoại giao Trung Quốc phàn nàn là trong số các thẩm phán của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, « không có ai là người châu Á, vì vậy họ không thể hiểu được vấn đề ».
Khả năng Trung Quốc từ từ thực thi phán quyết
Về triển vọng hậu La Haye, trang mạng của kênh truyền thông CNN đăng tải bài viết của giáo sư luật Hoa Kỳ William Burke-White, nguyên cố vấn của bộ Ngoại Giao Mỹ, với tựa đề «Liệu Trung Quốc phải chấp nhận phán quyết về Biển Đông?/ Will China abide by the South China Sea decision? ». Theo giáo sư luật Hoa Kỳ, phán quyết của Tòa án La Haye đặt Trung Quốc – một cường quốc đang trỗi dậy, có tham vọng bá chủ toàn cầu – vào thế đối đầu với một hệ thống pháp lý quốc tế được định hình sau Thế chiến Hai. Chuyên gia William Burke-White cho rằng, về dài hạn, Trung Quốc sẽ có lợi khi tuân thủ phán quyết của Tòa, bởi như vậy, sẽ tránh được nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự, và điều này phù hợp với mong muốn « trỗi dậy hòa bình » của Trung Quốc. Tác giả bài viết nhấn mạnh là, việc tuân thủ luật pháp quốc tế cũng giúp Trung Quốc « tiếp tục gia tăng ảnh hưởng về kinh tế ngày càng lớn tại khu vực này», không tự biến mình thành mối đe dọa về an ninh với các láng giềng.
Vẫn theo giáo sư luật Hoa Kỳ, Trung Quốc « không cần phải tuyên bố công khai và rõ ràng sẽ thực thi phán quyết, mà có thể chỉ cần thay đổi một cách từ từ trong các hành động trên thực địa, và trong các phát ngôn ». Những điều mà Trung Quốc có thể làm là giảm bớt các đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông dựa trên các thực thể đã kiểm soát, và được bồi đắp thành các đảo nhân tạo, hay hành xử một cách ôn hòa hơn với tàu cá các nước hoạt động tại khu vực này, và nhất là hãm tốc độ xây dựng cơ sở quân sự tại Biển Đông. Nếu như vậy, đây sẽ là « một tín hiệu mạnh, cho thấy Trung Quốc sẵn sàng tuân thủ luật pháp quốc tế ».
Chuyên gia luật quốc tế Mỹ cũng phê phán việc Hoa Kỳ không tham gia Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), « điều đã được chính quyền Obama nỗ lực ngay từ đầu nhiệm kỳ». Thượng Viện Mỹ lo ngại tham gia UNCLOS, quyền lợi của Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng. Theo tác giả, nếu tham gia UNCLOS, uy tín của Washington sẽ được nâng cao gấp bội, và như vậy « can thiệp của Mỹ để phán quyết của Tòa án La Haye được tôn trọng, sẽ hiệu quả hơn rất nhiều».
Áp lực của luật pháp quốc tế
Về triển vọng hậu La Haye, nhà bình luận Ben Westcott, kênh CNN (bài «Vì sao phán quyết Biển Đông có thể làm thay đổi châu Á? /Philippines vs China: Why the South China Sea ruling may change Asia ?»), nhận xét : Phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực mang tính bắt buộc, cho dù không có phương tiện để buộc các bên tuân thủ. Các phán quyết của Tòa cũng sẽ có các hệ quả về ngoại giao, nếu Trung Quốc từ chối tuân thủ. CNN dẫn lời nhà nghiên cứu Ian Storey, Viện nghiên cứu về Đông Nam Á tại Singapour (Institute of South East Asian Studies), theo đó, nếu không tuân thủ phán quyết, Bắc Kinh sẽ hủy hoại uy tín của chính mình, khi chống lại các nền tảng pháp lý mà chính Trung Quốc cam kết ủng hộ. Theo ông, dù sao, cũng không thể nào có một can thiệp quân sự, chống lại quốc gia không tuân thủ phán quyết của Tòa.
Nhà bình luận CNN kết luận, cho dù khả năng Trung Quốc tuân thủ các phán quyết Tòa Án Trọng Tài Thường Trực vừa đưa ra là không cao, và nếu Trung Quốc không tuân thủ thì Philippines cũng « khó thay đổi được trạng thái hiện nay », nhưng nhiều chuyên gia luật cho rằng Manila một lần nữa « có thể đưa vụ việc ra Tòa, và yêu cầu Tòa có các biện pháp nghiêm khắc hơn với Trung Quốc ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160713-bien-dong-bac-kinh-se-doi-dau-hay-tuan-thu-phan-quyet-la-haye
Biển Đông : Báo chí Trung Quốc sốc trước phán quyết của Tòa Án
Ngay sau khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông trong vụ kiện mà Manila là nguyên đơn, hôm nay 13/07/2016, báo chí và dân mạng Trung Quốc lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ phán quyết này và coi đó như một “trò hề”.
Trang nhất tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc chạy dòng tựa lớn : « Trung Quốc bác bỏ quyết định trò hề của trọng tài », phía bên dưới là hình ảnh của tàu khu trục Ngân Xuyên (Yinchuan) vừa mới được hải quân nước này đưa vào hoạt động.
Phán quyết hôm qua, 12/07/2016, của Tòa Trọng Tài La Haye nhận định rằng Trung Quốc đã « vi phạm chủ quyền của Philippines », các tàu hải cảnh Trung Quốc đã có « các hành động trái phép » và nhiều vùng Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền « nằm trong » vùng biển của Philippines.
Hôm nay, nhật báo chính thức bằng tiếng Anh China Daily đăng trên trang nhất tấm hình khổ rộng của ông Tập Cận Bình, với khuôn mặt hết sức nghiêm trọng, bên cạnh là phát biểu của chủ tịch Trung Quốc : « Dù thế nào chăng nữa, chủ quyền và lợi ích hàng hải của chúng ta tại biển Hoa Nam (tức Biển Đông) sẽ không bao giờ bị ảnh hưởng bởi cái gọi là phán quyết của trọng tài ».
Nhật báo Thanh Niên của Bắc Kinh đăng bức biếm họa một « Chú Sam » (ám chỉ nước Mỹ), đang giật dây cho một con rối có gương mặt rất giống với cựu tổng thống Philippines Benigno Aquino – người đã quyết định kiện Trung Quốc về Biển Đông vào năm 2013. Tấm hình nổi trên nền của một người Nhật, với ánh nhìn xảo quyệt, và đi kèm với tựa : « Đạo diễn cho màn kịch trọng tài này là những ai ? ».
Còn trên mạng xã hội WeChat của Trung Quốc, rất nhiều dân mạng chia sẻ các bài báo và các bài chế nhạo nhắm đến Manila và tuyên bố rằng họ cảm thấy « bị sốc » và « bị tổn thương ».
Một số dân mạng khác thì chỉ trích Washington. Họ nhận định rằng bản thân Mỹ cũng đã không phê chuẩn Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, nhưng lại kêu gọi Bắc Kinh, do đã kí Công Ước này nên phải chấp nhận phán quyết của trọng tài.
Cho đến tận lúc này, chưa có bất cứ cuộc biểu tình chống Manila nào tại Trung Quốc. Trong khi đó, vào năm 2012, hàng nghìn người dân Trung Quốc đã xuống đường để phản đối việc Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa các đảo đang tranh chấp giữa hai nước.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160713-bien-dong-bao-chi-trung-quoc-soc-truoc-phan-quyet-cua-toa-an
Đài Loan điều tàu chiến đến Trường Sa sau phán quyết La Haye
Gặp gỡ thủy thủ đoàn trước khi điều tàu chiến đến Trường Sa ngày 13/07/2016, tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing Wen) tuyên bố quyết tâm « bảo vệ hải đảo » của Đài Loan. Đài Bắc bác bỏ phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực không coi Ba Bình là một hòn đảo có vùng đặc quyền kinh tế EEZ 200 hải lý.
Lên tận tàu gặp gỡ thủy thủ đoàn trước khi chiếc tàu chiến của Đài Loan rời cảng Cao Hùng tuần tra ngoài khơi đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa, nữ tổng thống Thái Anh Văn nhắc lại Đài Loan « quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ».
Bà nhấn mạnh phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye ngày 12/07/2016 «ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của Đài Loan trong vùng Biển Đông », do vậy việc Đài Bắc điều tàu chiến đến Ba Bình là nhằm « chứng minh quyết tâm của nhân dân Đài Loan bảo vệ các quyền lợi của đất nước ».
Bộ Quốc Phòng Đài Loan cũng đưa ra tuyên bố tương tự về quyết tâm bảo vệ « lãnh thổ và chủ quyền » của Đài Loan và Đài Bắc sẽ không thay đổi chính sách đối với Ba Bình.
Ngay từ hôm qua 12/07/2016, Đài Loan đã bác bỏ phán quyết của Tòa án La Haye khi cho rằng Ba Bình là một bãi đá, không được công nhận vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Ý nghĩa 5 thất bại của Trung Quốc tại Tòa án La Haye
Trong phán quyết ngày 12/07/2016, Tòa án Trọng tài Thường trực đã nêu lên 5 điểm cho thấy Trung Quốc thua Manila tại La Haye. Giới phân tích đánh giá thế nào về 5 điểm cụ thể đó ? Đâu là bước kế tiếp cho Biển Đông ? Phân tích của hai nhà báo David Tweed và Jason Koutsoukis thuộc hãng tin Bloomberg.
Trước hết trở lại với phán quyết rất được mong đợi của Tòa án La Haye về vụ kiện Biển Đông. Liên quan đến 5 điểm được chú ý gồm : thứ nhất, các đòi hỏi của Trung Quốc về các vùng trong bản đồ “đường 9 đoạn” không có cơ sở pháp lý. Thứ hai là không một thực thể nào trong quần đảo Trường Sa có thể tạo ra vùng biển mở rộng.
Thứ ba là một số vùng biển mà Trung Quốc đòi hỏi nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và điểm thứ tư là Bắc Kinh đã vi phạm các quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế. Sau cùng, việc bồi đắp xây 7 thực thể của Trung Quốc đã gây tổn hại nghiêm trọng cho môi trường sinh thái biển.
Về điểm thứ nhất là bản đồ « đường lưỡi bò », Tòa án La Haye cho rằng Trung Quốc không thể viện chứng cớ lịch sử để đòi hỏi quyền làm chủ các nguồn tài nguyên ở bên trong bản đồ đường 9 đoạn.
Liên quan đến điểm thứ nhì, hai tác giả bài báo chỉ chú ý đến Ba Bình (Itu Aba), thực thể quan trọng nhất trong khu vực Trường Sa, và nhấn mạnh là Tòa khẳng định đây chỉ là một «bãi đá » và do vậy không thể thiết lập vùng đặc quyền kinh tế chung quanh Ba Bình. Philippines, Trung Quốc và các bên tranh chấp khác cần đàm phán để tìm một thỏa thuận chung. Tòa muốn nói đến Đài Loan, vì Đài Loan cũng căn cứ trên bản đồ năm 1947 để khẳng định chủ quyền tại Ba Bình.
Nhìn đến quyền đánh bắt hải sản, Tòa án La Haye trong phán quyết ngày 12/07/2016 cho rằng Bắc Kinh vi phạm luật pháp khi để cho các tàu cá xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Bloomberg nhắc lại, vào tháng 6/2016 đã xảy ra nhiều vụ tàu cá Trung Quốc đối đầu với lực lượng tuần duyên Indonesia và Jakarta đã phải thông qua ngân sách bổ sung cho bộ Quốc Phòng để nâng cấp căn cứ quân sự trên quần đảo Natuna, phía nam Biển Đông.
Điểm thứ tư cho thấy Trung Quốc thua Philippines trước Tòa án Trọng tài Thường trực được hai nhà báo của Bloomberg chú ý đó là Tòa đã dùng những lời lẽ rất cứng rắn với Bắc Kinh khi cho rằng : khi xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo, Trung Quốc « vĩnh viễn phá hủy » tính chất tự nhiên của bãi đá hay bãi bãi cạn ; Trung Quốc bị cho là « vi phạm » Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, khiến các « tranh chấp thêm nghiêm trọng ».
Theo như đánh giá của Felix Chang, một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu về Chính sách đối Ngoại tại thành phố Philadelphia, Hoa Kỳ được Bloomberg trích dẫn, Tòa án La Haye gần như cho là Trung Quốc đã « cố ý vi phạm luật pháp ».
Sau cùng, hai đồng tác giả David Tweed và Jason Koutsoukis cùng cho là, quyết định vừa được đưa ra tại La Haye làm sứt mẻ uy tín của Bắc Kinh. Trung Quốc luôn tự nhận mình là một siêu cường có trách nhiệm với an ninh và ổn định trong khu vực, là một quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế.
Đến nay, Trung Quốc một mực khẳng định các công trình xây dựng đảo nhân tạo là nhằm «bảo vệ » hệ sinh thái trong vùng, nhưng theo phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, các công trình đó đã làm tổn hại cho môi trường, cho các rạn san hô, và Bắc Kinh thừa biết là ngư dân Trung Quốc đánh bắt loài rùa biển bị đe dọa tuyệt chủng, làm hư hại các rạn san hô với những phương tiện đánh bắt tai hại.
Vậy thì câu hỏi đặt ra là sắp tới tình hình Biển Đông sẽ ra sao. Về điểm này, có nhiều quan điểm trái ngược nhau : một số nhà phân tích cho rằng, với phán quyết của Tòa án La Haye, các nước tranh chấp chủ quyền biển đảo sẽ thảo luận với nhau để cùng khai thác tài nguyên, có lợi cho cả các bên. The Diplomat, trụ sở tại Tokyo, đánh giá, : Phản ứng của Bắc Kinh còn là một ẩn số. Tạp chí Mỹ Time không loại trừ xung đột nổ ra trong vùng biển này.
http://vi.rfi.fr/phan-tich/20160713-y-nghia-5-that-bai-cua-trung-quoc-tai-toa-an-la-haye
Biển Đông : Quốc tế gây sức ép buộc Trung Quốc tôn trọng phán quyết
Hôm qua, 12/07/2016, Hoa Kỳ đã tuyên bố ủng hộ các phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực.
Theo AFP, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, John Kirby, nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã ký Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, do vậy phải chấp nhận các phán quyết của Tòa. Đây là quyết định chung thẩm và về mặt pháp lý, mang tính ràng buộc với Trung Quốc, cũng như với Philippines. Washington đồng thời kêu gọi các bên tránh có những tuyên bố hoặc hành động khiêu khích.
Trong khi đó, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Ban Ki-moon, kêu gọi tất cả các bên giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông « một cách hòa bình và hữu nghị thông qua đối thoại và phù hợp với luật pháp quốc tế ». Lãnh đạo Liên Hiệp Quốc cũng nhấn mạnh là cần tránh các hành động có thể gây ra căng thẳng.
Chính quyền Úc thì nói thẳng là việc không tuân thủ phán quyết của Tòa sẽ làm cho hình ảnh của Trung Quốc bị hoen ố vào lúc nước này muốn đóng vai trò lãnh đạo trên thế giới và khu vực. Canberra cho rằng Bắc Kinh cần có quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng.
Singapore cũng lên tiếng. Trong thông cáo được công bố hôm qua, bộ Ngoại Giao Singapore ghi nhận các phán quyết của Tòa và sẽ nghiên cứu, đánh giá những tác động đối với nước này. Singapore không có tranh chấp ở Biển Đông và không đứng về bên nào và kêu gọi giải quyết tranh chấp phù hợp với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được công nhận một cách rộng rãi, bao gồm cả Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Về phần mình, sau khi Tòa ra phán quyết, Indonesia thông báo sẽ nhanh chóng tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh cho các đảo thuộc chủ quyền của nước này tại Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia Ryamizad Ryacudu nói với AFP là Jakarka sẽ đẩy nhanh tiến độ bảo vệ quần đảo Natuna qua việc điều động tàu chiến, tiêm kích F-16, tên lửa phòng không, máy bay không người lái và lập một trạm radar. Các công việc này đã được tiến hành trong những tháng gần đây và sẽ được hoàn tất trong khoảng một năm.
Ngoài các phương tiện quốc phòng, Indonesia sẽ đưa một lực lượng đặc nhiệm của không quân và hải quân, cũng như một tiểu đoàn tới bảo vệ Natuna.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160713-quoc-te-gay-suc-ep-buoc-trung-quoc-ton-trong-phan-quyet
Trung Quốc đe dọa nguy cơ xung đột tại Biển Đông
Các phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye đã làm cho Trung Quốc tức tối. Hôm nay, 13/07/2016, Bắc Kinh lên tiếng đe dọa nguy cơ xung đột xẩy ra tại Biển Đông và tuyên bố có quyền thiết lập vùng nhận dạng phòng không tại vùng biển này.
Theo thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin), được AFP trích dẫn, thì các phán quyết của Tòa chỉ là một « tờ giấy đáng vứt bỏ » và khẳng định « quyền » của Bắc Kinh thiết lập « vùng nhận dạng phòng không – ADIZ » ở Biển Đông.
Vẫn theo quan chức này, việc thiết lập vùng phòng không ở đây chỉ còn tùy thuộc vào mức độ đe dọa nhắm với Trung Quốc.
Năm 2013, Trung Quốc đã lập vùng phòng không bao phủ một khu vực rộng lớn ở biển Hoa Đông, giữa Hàn Quốc và Đài Loan. Dự án này đã bị công luận quốc tế lên án.
Cũng trong ngày hôm nay, Bắc Kinh còn công bố Sách Trắng tái khẳng định tính chính đáng của các quyền lịch sử của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông.
Bắc Kinh vẫn lập luận rằng Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên và khai thác khu vực Biển Đông và điều này thể hiện qua bản đồ « đường 9 đoạn ». Tuy nhiên, hôm qua, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực đã cho rằng bản đồ này không có cơ sở pháp lý.
Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, ông Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai), thì cho rằng các phán quyết của Tòa phá hoại hoặc làm suy giảm quyết tâm của các nước muốn tiến hành đàm phán hoặc tham khảo với Trung Quốc để giải quyết các tranh chấp. Theo đại sứ Trung Quốc, các phán quyết của Tòa « chắc chắn là gia tăng xung đột, thậm chí đối đầu » tại Biển Đông.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160713-trung-quoc-de-doa-nguy-co-xung-dot-tai-bien-dong