Tin Biển Đông – 31/12/2018
Mỹ kêu gọi Úc và các nước
tăng cường hiện diện ở Biển Đông
Sự hiện diện quân sự nhằm cảnh báo rằng bất kỳ hành động phi pháp nào cũng không được chấp nhận.
Tờ The Australian ngày 28.12 dẫn lời ông Randy Schriver, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chuyên trách về an ninh châu Á-Thái Bình Dương, kêu gọi Úc và các đồng minh tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông nhằm cảnh báo rằng hành động ngang ngược của Trung Quốc ở khu vực là không thể chấp nhận.
Bên cạnh đó, ông Schriver còn cảnh báo rằng mối quan tâm của Bắc Kinh đối với khu vực nam Thái Bình Dương là dấu hiệu cho thấy tham vọng mở một căn cứ quân sự tại đây.
Quan chức này hoan nghênh việc Úc gần đây tăng cường hoạt động của hải quân tại Biển Đông. “Tôi nghĩ rằng việc các đối tác và đồng minh khác tham gia các hoạt động này sẽ gây thêm áp lực đối với Trung Quốc. Nếu không phải là các chiến dịch tự do hàng hải… thì chỉ cần tuần tra chung và hoạt động hiện diện”, ông nói.
Mỹ tăng cường các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông sau khi Bắc Kinh khiến cộng đồng quốc tế phản đối vì chiếm đóng trái phép và ngang nhiên quân sự hóa một số thực thể đảo và đá trong khu vực. Việt Nam cũng nhiều lần phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo này.
Theo ông Schriver, Úc cùng Anh, Pháp, Canada gần đây đều tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực. “Chúng tôi nhận thấy rất nhiều hoạt động của các bên vì tôi nghĩ họ nhận ra rằng việc xói mòn quy tắc và luật pháp quốc tế ở đây có tác động toàn cầu”, ông nhận định.
http://biendong.net/bi-n-nong/25543-my-keu-goi-uc-va-cac-nuoc-tang-cuong-hien-dien-o-bien-dong.html
Hợp tác an ninh ở Biển Đông:
Không ai có thể tồn tại ‘riêng một mình’
Tại hội thảo “Thúc đẩy hợp tác an ninh biển trên Biển Đông”, phó đại sứ Anh cùng đại diện các nước nhất trí rằng hợp tác là giải pháp giúp Biển Đông duy trì hòa bình và ổn định.
Các đại biểu tại phiên thảo luận thứ nhất của hội thảo “Thúc đẩy hợp tác an ninh biển ở Biển Đông”.
Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo “Thúc đẩy hợp tác an ninh biển trên Biển Đông” diễn ra ngày 4/12, ông Steph Lysaght, phó đại sứ Anh tại Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của quan
hệ đối tác và hợp tác quốc tế trong một thế giới phức tạp với xu hướng hành động đơn phương đang nổi lên.
“Quan hệ đối tác là vấn đề cốt lõi mà chúng ta sẽ thảo luận ngày hôm nay. Có câu nói rằng ‘không ai là một hòn đảo, tự tại riêng một mình mình’. Điều này cũng đúng với các quốc gia. Tuy nhiên, xu hướng tiếp cận và hành động đơn phương đối với các vấn đề chính đang được phản ánh ở Đông Nam Á”, ông nói.
Theo ông, ngày càng ít cam kết đối với các hoạt động đa phương và quan hệ đối tác để giải quyết những vấn đề lớn nhất. Các tổ chức đa phương cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự đồng thuận và giải pháp.
“Chúng ta ở đây hôm nay để thảo luận vấn đề này qua lăng kính an ninh hàng hải ở Đông Nam Á. Đó là một vấn đề đa chiều và quan trọng, liên quan đến câu hỏi lớn hơn mà chúng ta phải đối mặt, đó là liệu các nước có đủ cam kết đối với các quy tắc dựa trên hệ thống quốc tế hay không.
Do đó, điều quan trọng là các diễn đàn như hôm nay góp phần khẳng định rằng các quy tắc dựa trên hệ thống quốc tế hoạt động hiệu quả. Nếu nơi nào luật pháp quốc tế chưa hoạt động, thì chúng ta có thể khiến nó hoạt động”, phó đại sứ Anh nói thêm.
Với sự hợp tác đồng tổ chức của Học viện Ngoại giao (DAV), Đại sứ quán Anh và Đại sứ quán Australia, hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu đại diện gần 30 phái đoàn ngoại giao tại Việt Nam cùng các chuyên gia và học giả trên nhiều lĩnh vực.
Qua ba phiên thảo luận, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, góc nhìn và đi đến nhất trí rằng thúc đẩy hợp tác giữa các nước dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế sẽ giúp cho khu vực Biển Đông nói riêng và thế giới nói chung trở nên hòa bình, ổn định và thịnh vượng hơn.
Trả lời phỏng vấn tại hội thảo, Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick cho biết đã chia sẻ kinh nghiệm thành công của nước này trong việc hòa giải tranh chấp ranh giới trên biển với Timor Leste năm 2017.
“Quá trình hòa giải không chỉ mang lại kết quả tốt đẹp cho hai nước Australia và Timor Leste, mà còn là minh chứng rằng chúng ta có thể sử dụng luật pháp để giải quyết được những tranh chấp một cách hòa bình. Các nước như Malaysia và Nhật Bản cũng đã chia sẻ về kinh nghiệm tương tự của chính nước họ”, Đại sứ Chittick nói.
“Đây là cách mà các nước trong khu vực hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy quá trình thượng tôn pháp luật mà các nước cần tuân thủ. Từ đó, các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông có thể xem xét để rút ra giải pháp mang tính lâu dài và dựa trên luật pháp quốc tế, đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực”, ông Chittick nói thêm.
Theo bà Phạm Lan Dung, phó giám đốc Học viện Ngoại giao, hội thảo thể hiện tinh thần chủ động và trách nhiệm của Việt Nam trong việc bảo vệ hoà bình, trật tự khu vực và luật pháp quốc tế. Dự kiến sau hội thảo, các bên tham gia sẽ hợp tác xuất bản nghiên cứu trên tạp chí khoa học quốc tế.
Đây là lần thứ ba hội thảo được Học viện Ngoại giao và Đại sứ quán Anh phối hợp cùng các đối tác tổ chức, với lần đầu tiên sự kiện diễn ra năm 2016. Trọng tâm của hội thảo về an ninh hàng hải và nỗ lực ủng hộ hệ thống quốc tế dựa trên pháp luật.
Việt Nam ‘cứng rắn bất ngờ’ với Trung Quốc
về vấn đề Biển Đông
Việt Nam đưa ra những yêu sách cứng rắn với Trung Quốc trong cuộc đàm phán về Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa Asean và Bắc Kinh, Reuters đưa tin.
Theo bản thảo bộ quy tắc đang được đàm phán mà phóng viên Reuters có được, phía Hà Nội muốn đặt ngoài vòng pháp luật nhiều hành động mà Bắc Kinh đang tiến hành trên khu vực Biển Đông trong suốt nhiều năm qua, trong đó bao gồm việc xây dựng các đảo nhân tạo, triển khai các loại vũ khí phong toả biển như hệ thống tên lửa.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thúc đẩy những điều khoản nhằm ngăn chặn Trung Quốc thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên khu vực Biển Đông, một động thái mà Bắc Kinh đã từng đơn phương thực hiện trên khu vực biển Đông Trung Hoa vào năm 2013.
Cũng theo Reuters, Hà Nội yêu cầu các nước tham gia đàm phán minh định yêu sách của họ về chủ quyền trên biển, tuân thủ luật pháp quốc tế. Động thái này nhiều khả năng nhắm vào “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, vốn bao trùm phần lớn diện tích Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn VOA Tiếng Việt, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS có trụ sở tại Singapore cho rằng những đòi hỏi của Việt Nam khá bất ngờ:
“Ở một mức độ nào đó, các đòi hỏi này có thể là bất ngờ, vì nó thể hiện sự cứng rắn của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông nói chung và trước Trung Quốc nói riêng, trái với chỉ trích của một số người. Trong các yêu cầu của Việt Nam, tôi thấy ấn tượng trước đề nghị cấm thành lập ADIZ ở Biển Đông. Lâu nay các nhà làm chính sách của Việt Nam lo ngại về điều này, và người ta thường nói về việc Việt Nam nên ứng phó ra sao nếu Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông, mà ít nói tới việc làm sao để ngăn chặn điều đó xảy ra ngay từ đầu. Vì vậy đưa ra đề nghị này là một bước đi khôn ngoan của Việt Nam”.
Tuy vậy, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp cũng nhấn mạnh rằng, cần thời gian để đánh giá xem Việt Nam có tiếp tục theo đuổi những yêu sách cứng rắn này hay không.
“Cần lưu ý rằng đây mới là lập trường đàm phán ban đầu, và ở giai đoạn này tất cả các bên đều đưa ra phương án cao nhất, với mục tiêu là có thể có sự đánh đổi, hoặc điều chỉnh xuống đến mục tiêu thực sự mà các bên muốn. Vì vậy chúng ta vẫn cần theo dõi xem Việt Nam có thực sự kiên định với những lập trường nay hay không, hay sẽ có những điều chỉnh theo thời gian”.
Đàm phán hứa hẹn “gay cấn”
Về những yêu sách của phía Trung Quốc, tài liệu mà Reuters có được còn xác nhận những thông tin được đưa ra trước đây rằng Trung Quốc muốn ngăn chặn những cuộc tập trận chung giữa các quốc gia trong khu vực với các cường quốc bên ngoài, “cấm cửa” các tập đoàn dầu khí bên ngoài Trung Quốc, và Đông Nam Á, tham gia khai thác tài nguyên trong khu vực biển Đông, trừ khi có sự đồng ý của tất cả các nước tham gia vào COC.
Đây là những yêu sách mà các chuyên gia cho rằng một số thành viên của ASEAN sẽ phản đối kịch liệt.
Từ lâu, Việt Nam đã triển khai những dự án khai thác dầu khí chung với các tập đoàn dầu khí đến từ Nga, Mỹ, Ấn Độ trên khu vực Biển Đông. Tuy nhiên mới đây, trước sức ép từ phía Trung Quốc, dự án khai thác dầu khí tại mỏ Cá Rồng Đỏ giữa Việt Nam và tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha đã phải “tạm dừng” vô thời hạn.
VN ngưng dự án Repsol ở Biển Đông do áp lực TQ
Trả lời câu hỏi của Reuters, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam bà Lê Thị Thu Hằng cho biết đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) đã đạt được một số bước tiến trong thời gian gần đây. Việt Nam vẫn đang tích cực cùng các nước khác thể hiện “tinh thần xây dựng và hợp tác”.
“Việt Nam mong muốn các nước liên quan sẽ tiếp tục các nỗ lực của mình, đóng góp tích cực cho quá trình đàm phám nhằm đạt được một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982, góp phần duy trì hoà bình, ổn định, và an ninh trên Biển Đông nói riêng, và trong khu vực nói chung”, bà Lê Thị Thu Hằng nói.
Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, các vòng đàm phán COC tới đây sẽ rất gay cấn:
“Chắc chắn là Trung Quốc sẽ bác bỏ tất cả những đề nghị này của Việt Nam vì chúng trái với mong muốn, ý đồ của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông. Ngược lại, Việt Nam và một số nước cũng sẽ bác bỏ các yêu sách của phía Trung Quốc”.
“Tuy nhiên, nếu các bên thực sự muốn đạt được một bản COC trong tương lai, thì các nước, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc, sẽ có thể có những nhượng bộ nhất định ở những vấn đề không cốt lõi đối với lợi ích của họ”, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp nói thêm.
Khi được hỏi về những lợi thế mà Việt Nam có thể dùng để “mặc cả” với Trung Quốc, chuyên gia về quan hệ quốc tế đang làm việc tại Singapore này cho biết:
“Tôi nghĩ là không có nhiều, trừ áp lực của Mỹ và các nước đồng minh đối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, đây là vấn đề hai mặt. Có thể vì áp lực mà Trung Quốc sẽ điều chỉnh, nhượng bộ theo hướng mềm mỏng hơn. Nhưng cũng có thể vì chính các áp lực này mà Trung Quốc sẽ “xù lông”, sẽ cứng rắn hơn”.
Hồi tháng 8 năm nay, sau 15 năm kể từ ngày kí Tuyên bố Ứng xử Các bên ở Biển Đông (gọi tắt là DOC) tháng 11/2002, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc tại Manila (Philippines) đã chính thức thông qua khung của một Bộ Quy tắc Ứng xử (gọi tắt là COC) nhằm điều chỉnh các hành vi, hoạt động tại Biển Đông. Bước đi này được các quan chức Trung Quốc và Đông Nam Á ca ngợi như một dấu mốc quan trọng, một bước đột phá trong việc giảm thiểu những căng thẳng gây ra bởi những tuyên bố chủ quyền chồng lấn trong khu vực.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đặt ra mục tiêu kí kết Bộ quy tắc ứng xử (COC) vào năm 2021. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, mục tiêu này rất khó để thực hiện.