Tin Biển Đông – 30/11/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 30/11/2018

Tàu chiến Mỹ đi sát quần đảo Hoàng Sa

Một lần nữa tàu chiến Mỹ lại đi sát quần đảo Hoàng Sa hiện do Trung Quốc trấn giữ.

Hãng tin CNN của Mỹ, vào ngày 29/11/2018 loan tin rằng tuần dương hạm mang tên lửa USS Chancellorsville đã đi tuần tra sát quần đảo Hoàng Sa vào hôm ngày thứ hai 26/11.

Phát ngôn nhân Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, ông Nathan Christensen được dẫn lời rằng hải trình lần này của tàu chiến Mỹ là để thách thức những tuyên bố lãnh hải vô lý, cũng như bảo vệ quyền tự do hàng hải.

Ông cũng nói rằng chuyện tàu Hải quân Mỹ đi lại hàng ngày tại Ấn Độ- Thái Bình Dương là hoạt động thông thường mà thôi.

Các viên chức Mỹ có nói với CNN rằng Bắc Kinh đã gửi cho phía Hoa Kỳ một văn kiện ngoại giao để phản đối hoạt động tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải mới nhất tại Biển Đông mà Hải Quân Hoa Kỳ tiến hành.

Vào ngày 30 tháng 11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng xác nhận biện pháp phản đối vừa nêu đối với phía Mỹ.

Phát ngôn nhân Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lên tiếng trong cuộc họp báo thường nhật rằng tàu chiến Hoa Kỳ đã đi vào vùng biển của Hoa Lục mà không được phép.

Còn phía Quân đội Trung Quốc thì cho biết có cử tàu chiến và máy bay ra để giám sát hoạt động của chiến hạm USS Chancellorsville, cũng như phát đi cảnh báo phải rời khỏi vùng biển Hoàng Sa.

Diễn biến mới nhất vừa nêu diễn ra chỉ chưa đầy một tuần trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp bên lề hội nghị G20 tại Argentina. Đây là một diễn đàn kinh tế bao gồm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Như vậy là chỉ trong vòng hai tháng hải quân Mỹ đã liên tục thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải sát các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Hồi cuối tháng 9 vừa qua, chiến hạm Decatur của Mỹ đã đi vào quần đảo Trường Sa, gần các điểm mà Trung Quốc đang chiếm đóng. Tàu Trung Quốc đã đeo bám và thách thức tàu Mỹ ở cự ly gần mà Hoa Kỳ cho là rất nguy hiểm.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền của họ đến 90% diện tích Biển Đông, trong đó họ đang chiếm đóng trọn quần đảo Hoàng Sa ở phía Bắc, và vào đảo nhỏ tại Trường Sa phía Nam.

Tuy nhiên theo công ước về luật biển quốc tế thì xung quanh cácđảo đá và bãi cạn tại hai quần đảo này, quốc gia nào chiếm giữ cũng không thể tuyên bố chủ quyền của mình trên vùng biển xung quanh.

Chiến dịch tự do hàng hải của hải quân Mỹ đã bắt đầu dưới thời Tổng thống Obama để thách thức tuyên bố chủ quyền quá đáng của Trung Quốc.

Cũng liên quan đến Biển Đông, tờ Nikkei của Nhật Bản cho biết là Việt Nam và Nga đang xúc tiến các dự án khai thác khí đốt tại Biển Đông.

Nikkei cho hay là vào đầu tháng 11 /2018 Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội để bàn về việc hợp tác khí đốt này.

Trong cuộc gặp này Thủ tướng Phúc cũng đã nhắc đến sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và nói rằng các nước nên giải quyết bất đồng một cách hòa bình.

Theo Nikkei, nước Nga đang cố gắng mở rộng sự hợp tác với Việt Nam một cầu nối với vùng Đông Nam Á để tránh sự cấm vận của Phương Tây, đồng thời muốn hợp tác với Việt Nam để tránh lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc về thương mại.

Nhưng các dự án khí đốt tại Biển Đông rất dễ bị Trung Quốc phản đối vì sự tuyên bố chủ quyền gần như trọn Biển Đông của nước này.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/us-war-ship-paracels-11302018073814.html

 

Việt Nam tìm kiếm hợp tác

để đối phó với Trung Quốc

Minh Anh

Lập đội tầu ngầm, mua thêm tầu chiến, tầu hộ tống mới, mở cảng đón tầu chiến nước ngoài hay tham gia các cuộc tập trận hải quân với nhiều nước khác… Tất cả những điều đó cho thấy những năm gần đây Việt Nam đang nỗ lực tăng cường sức mạnh cho hải quân nhằm đối phó với các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn tạp chí Defense & Sécurité Internationale (Quốc Phòng và An Ninh Quốc Tế), ông Wu Shang-Su, chuyên gia về chiến lược quân sự trường S. Rajaratnam School of International Studies, Nanyang Technological University tại Singapore, cho rằng trong một thế tương quan lực lượng bất cân xứng, Việt Nam buộc phải tìm kiếm các mối hợp tác để đối phó với Trung Quốc. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.

So với sự phát triển của hải quân Trung Quốc hay Nhật Bản, Việt Nam có vẻ kín đáo hơn dù là nước này đang gia tăng sức mạnh của mình. Việc tăng cường này sẽ tác động đến thế cân bằng quân sự trên Biển Đông như thế nào ?

Wu Shang-Su : Liên quan đến các việc đã làm được và tiềm năng phát triển, hải quân Việt Nam không thể sánh với Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, việc tăng cường năng lực hải quân có thể vẫn có tác động, dưới nhiều hình thức.

Thứ nhất, Việt Nam có thể đối mặt với nhiều kịch bản, từ xung đột vũ trang ở cường độ thấp đến trung bình, thậm chí có thể gây thiệt hại nặng nề cho Trung Quốc trong một cuộc xung đột ở mức độ cao.

Thứ hai, cho dù các thủy thủ của Việt Nam tương đối ít có kinh nghiệm và khả năng kháng cự ngắn ngủi, nhưng khi có xung đột, sáu chiếc tầu ngầm của Việt Nam có thể sẽ tạo ra một sự bất định, gây phức tạp cho các tính toán của các nhà hoạch định chiến lược của Trung Quốc.

Thứ ba, trong kịch bản xảy ra cuộc chiến toàn diện, lãnh thổ Việt Nam, đảo Hải Nam, khu căn cứ của Hạm đội phương Nam, nơi neo đậu của những chiếc tầu ngầm hạt nhân phóng tên lửa của Trung Quốc, đều nằm trong tầm bắn của cả hai phía.

Cuối cùng, vì hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc phải đối mặt với nhiều kẻ thù hơn là đồng nghiệp Việt Nam, mọi thiệt hại hay tổn thất quan trọng, thậm chí Việt Nam còn có thể xác định và khoanh vùng một số lực lượng của Trung Quốc, tất cả những điều này đều ảnh hưởng đến thế cân bằng của các cường quốc hải quân trên nhiều mặt trận khác, trong đó có mặt trận Trung – Nhật ở biển Hoa Đông.

Với 6 chiếc tầu ngầm, nhiều tầu chiến và tầu hộ tống mới, hải quân Việt Nam đã có được thế mạnh nào đó. Việc tăng cường quân lực có được tiếp tục hay không ? Hải quân Việt Nam đã biết cách khai thác các khả năng mới này chưa ?

Theo các thông tin công khai, Hà Nội đã không mua các thiết bị hải quân có kỹ thuật cao hơn. Điều đó có thể cho thấy sự hạn hẹp về ngân sách hay nhân lực, thậm chí là cả hai. Chi phí mua, đào tạo và bảo trì cao có lẽ đã cản trở Việt Nam tăng cường sức mạnh hải quân, chí ít trong tạm thời.

Về việc huấn luyện, thông tin được bảo mật rất kỹ. Chúng tôi chỉ có thể nói rằng Việt Nam cần một khoảng thời gian, rất có thể là vài năm, thậm chí là một thập niên, để các thủy thủ làm chủ được các trang thiết bị này. Về phần tác chiến liên binh chủng, thời hạn huấn luyện có thể còn lâu hơn.

Ông còn là tác giả của nhiều bài viết về tính hữu ích của các pháo đài trên biển. Liệu có những điểm đồng dạng nào với việc quân sự hóa các đảo nhỏ ở Biển Đông hay không ?

Đúng là người ta có đề nghị tôi so sánh ý tưởng của tôi với tình hình Biển Đông. Tuy nhiên, khối lượng thiết bị, vũ khí tại phần lớn các vị trí đều quá thấp để có thể gọi là pháo đài. Các vị trí quân sự của Trung Quốc có vẻ gần giống như chỉ để triển khai các loại tên lửa địa đối không và chống tầu chiến.

Nhưng hiện vẫn chưa có một thông tin nào cho phép xác định xem những công trình xây dựng đó có thể chống chọi được với các đợt tấn công bằng các loại đạn được dẫn đường chính xác hay các loại bom hạng nặng. Theo các ảnh vệ tinh, những cơ sở quân sự này của Trung Quốc có thể vẫn chưa đủ kiên cố.

Giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang chiếm giữ và quân sự hóa nhiều đảo nhỏ. Vậy họ làm thế nào bảo vệ chúng chống lại được sức mạnh ngày càng được tăng cường ồ ạt của Trung Quốc ?

Theo những nguồn tin công khai, việc quân sự hóa các vị trí xa bờ của Việt Nam chỉ ở mức khiêm tốn, có thể không có triển khai tên lửa, ngoại trừ hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) hay các hệ thống vũ khí hiệu quả khác. Do vậy, việc bắn chặn hay gây nhiễu đúng lúc các căn cứ trên bộ sẽ có ý nghĩa quyết định. Có thể trong một tương lai không xa, các vũ khí thiết bị của những chốt quân sự này cũng sẽ được hiện đại hóa nhằm ngăn chận các lực lượng Trung Quốc thực hiện việc đã rồi.

Hợp tác sẽ là vấn đề chủ chốt bảo đảm an ninh cho Việt Nam (giống như bao quốc gia khác), nhưng vì các nguyên nhân lịch sử, việc hợp tác cũng có thể khó thực thi. Triển vọng hợp tác với Nhật Bản, Pháp hay Mỹ ra sao ?

Không như Philippines, Việt Nam triển khai nhiều nỗ lực quan trọng tìm kiếm hợp tác với nhiều quốc gia khác, đặc biệt là với Nga và Ấn Độ. Đối với ba nước, hợp tác trong lĩnh vực tuần duyên có lẽ là khả dĩ nhất và nhiều dự án đang được tiến hành giữa Việt Nam và Nhật Bản, thậm chí cả Hoa Kỳ.

Nước Pháp khó có thể gởi các tầu tuần duyên sang châu Á, nhưng vẫn có thể có các cuộc gặp, trao đổi giữa nhân sự hai bên cũng như nhiều hoạt động khác. Do phạm vi các cuộc tập trận hải quân là khá rộng, từ tìm kiếm và cứu hộ sang cả chiến đấu liên binh chủng, Nhật Bản, Pháp và Mỹ cũng có thể tìm ra được những cuộc luyện tập thỏa mãn các bên.

Tuy nhiên, hải quân Việt Nam, vốn chịu ảnh hưởng mạnh của Nga trên phương diện học thuyết cũng như là phương tiện, có thể sẽ là một trở ngại cho sự hợp tác. Vả lại, vào lúc các thủy thủ Việt Nam đang dồn sức để làm chủ năng lực chiến đấu của mình, khả năng sẵn sàng hợp tác của họ dường như là có hạn.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20181129-viet-nam-tim-kiem-hop-tac-doi-pho-trung-quoc