Tin Biển Đông – 30/04/2020
Uy lực đáng gờm của hai tàu chiến Mỹ vừa triển khai ở Biển Đông
Đó là tàu đổ bộ USS America và tàu tuần dương USS Bunker Hill thuộc hạm đội 7.
Hãng tin Reuters cho biết, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, Nicole Schwegman, mô tả “sự hiện diện và hoạt động liên tục ở Biển Đông giúp nước này thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không cùng các nguyên tắc quốc tế làm nền tảng cho an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
“Mỹ ủng hộ nỗ lực phục vụ lợi ích kinh tế của các đồng minh và đối tác”, bà Schwegman khẳng định.
Reuters cũng dẫn lời ba nguồn tin an ninh khu vực nói các tàu quân sự Mỹ đến gần nơi tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 của Trung Quốc bám theo tàu khoan West Capella do công ty dầu khí Malaysia Petronas vận hành tại vùng biển gần Malaysia.
Phía Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng “hành xử bắt nạt” ở vùng biển tranh chấp này. Bộ Ngoại giao ở Washington cho rằng Bắc Kinh lợi dụng khu vực đang tập trung vào đối phó đại dịch Covid-19 để “ép các láng giềng”.
Trung Quốc phủ nhận thông tin về vụ việc, nói rằng Hải Dương 8 đang thực hiện các hoạt động bình thường và “không có chuyện đối đầu” ở vùng biển được đề cập.
USS America tổ chức các hoạt động bay ở Biển Đông. Clip của Hải quân Mỹ:
USS America là tàu đổ bộ tấn công hiện đại nhất của hải quân Mỹ, có chiều dài hơn 260m với lượng giãn nước hơn 44.400 tấn và tốc độ di chuyển tối đa 20 knot (hơn 37 km/h).
Tàu được thiết kế phát huy tối đa năng lực tác chiến của máy bay tàng hình F-35B phiên bản dành cho thủy quân lục chiến. Ngoài ra, tàu còn mang theo máy bay cánh lật đa năng MV-22 Osprey, trực thăng đa nhiệm hải quân MH-60S Sea Hawk, trực thăng vận tải CH-53E Sea Stallion cùng các trực thăng tác chiến là AH-1Z Super Cobra và UH-1Y Huey.
Khu trục hạm này có khả năng vận chuyển hơn 1.600 quân, với thủy thủ đoàn khoảng 1.200 người.
Uy lực đáng gờm của hai tàu chiến Mỹ vừa triển khai ở Biển Đông
Uy lực đáng gờm của hai tàu chiến Mỹ vừa triển khai ở Biển Đông
Uy lực đáng gờm của hai tàu chiến Mỹ vừa triển khai ở Biển Đông
Trong khi đó, USS Bunker Hill là tàu tuần dương thuộc lớp Ticonderoga có chiều dài 173m, rộng 16,8m, tốc độ tối đa khoảng 60km/h và cự ly hoạt động tối đa 11.000km.
Tàu được trang bị hệ thống radar và cảm biến hiện đại và đa dạng, bao gồm radar tìm kiếm trên không, radar điều khiển hỏa lực, radar tìm kiếm bề mặt cùng nhiều thiết bị chiến tranh điện tử, sonar chủ động và sonar thụ động.
Tuần dương hạm này được bố trí 2 bệ phóng tên lửa chống hạm Harpoon ở đuôi, với cơ số đạn 8 quả và pháo hạm cỡ lớn, và một pháo hạm tương tự ở mũi. Tàu còn được trang bị ống phóng ngư lôi và súng máy phòng không hạng nhẹ.
Bunker Hill có thủy thủ đoàn gồm 30 sĩ quan và 300 binh sĩ.
Uy lực chiến hạm Australia vừa được triển khai tới Biển Đông
Tàu chiến HMAS Parramatta của Australia gần đây đã tham gia một cuộc diễn tập với các tàu chiến khác của hải quân Mỹ tại Biển Đông.
Theo ABC, cuộc diễn tập nhằm ủng hộ an ninh và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
HMAS Parramatta là tàu chiến tầm xa lớp Anzac, có khả năng tham chiến trên mặt biển lẫn dưới biển, cũng như tiến hành các hoạt động do thám, trinh sát và ngăn chặn, trang web của hải quân Australia cho hay.
Tàu chiến này được trang bị các radar giám sát hiện đại, có thể chống lại các mối đe dọa từ máy bay, các tàu trên mặt biển lẫn tàu ngầm. Vũ khí chính của tàu gồm một khẩu Mark 45 có thể bắn 20 phát đạn trong một phút. Nó còn có thể phóng ngư lôi Mark 46, và phóng tên lửa Evolved Sea Sparrow từ hệ thống phóng thẳng đứng Mark 41.
Năng lực tham chiến của tàu được cải thiện đáng kể sau chương trình nâng cấp phòng thủ tên lửa chống hạm. Đây là chương trình giúp tăng khả năng hệ thống vũ khí và bộ cảm biến của tàu.
Không thể làm ngơ trước việc làm sai trái của TQ ở Biển Đông
Các hành động ngang ngược của Trung Quốc, bất chấp luật pháp quốc tế, coi thường những bằng chứng lịch sử chủ quyền khách quan ở Biển Đông đang gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của thế giới và các nước trong khu vực.
Cảnh giác với âm mưu “thừa nước đục, thả câu”
Thời gian gần đây, lợi dụng việc thế giới đang phải tập trung đối phó với đại dịch Covid-19, Trung Quốc liên tục có các việc làm sai trái, gây căng thẳng trên Biển Đông. Bắc Kinh phê chuẩn thành lập hai đơn vị hành chính mới quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, ban hành bản cập nhật tên gọi của hàng chục đảo, đá và thực thể trong lòng biển ở Biển Đông. Tiếp đó, Trung Quốc gửi công hàm lên LHQ trình bày yêu sách “Tứ Sa” với nội hàm là yêu sách “đường lưỡi bò” mở rộng chiếm trên 90% Biển Đông.
Trên thực địa, Trung Quốc cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam, hướng radar điều khiển hỏa lực vào tàu hải quân Philippines, đặt các trạm nghiên cứu khoa học trên các đảo đá chiếm đóng trái phép ở
Trường Sa, đưa đội tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế một số nước và thực hiện các hành động ngờ vực trên Biển Đông…
Các việc làm mà như nhiều chính trị gia và giới học giả nhận xét là “thừa nước đục thả câu” của Trung Quốc ngay lập tức gặp phải phản ứng của các nước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối hành xử phi pháp của Trung Quốc liên quan đến việc lập ra hai quận đảo Tây Sa và Nam Sa vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đồng thời khẳng định các hành vi của Trung Quốc không có giá trị và không được công nhận. Liên quan đến các công hàm của Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền phi lý với Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam đã lưu hành công hàm tại LHQ để bác bỏ các yêu sách này.
Philippines cũng lên tiếng phản đối Trung Quốc về việc đơn phương lập ra hai quận Nam Sa và Tây Sa, xem một phần lãnh thổ của Philippines là thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Quốc. Song song đó, Manila cũng gửi công hàm phản đối việc Trung Quốc hướng radar điều khiển hỏa lực vào tàu hải quân Philippines “ở vùng biển Philippines”.
Ông Teodoro Locsin Jr, Ngoại trưởng Philippines, cho rằng cả hai hành động nói trên của Trung Quốc đều vi phạm luật pháp quốc tế.
Về phía Malaysia, nước này cũng lên tiếng trước thông tin đội tàu địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc hoạt động gần tàu khoan thăm dò đáy biển West Capella của Công ty Dầu khí Petronas, Malaysia. Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein tuyên bố nước này quyết bảo vệ các lợi ích và quyền lợi của họ ở Biển Đông, đồng thời khẳng định các tranh chấp nên được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình.
Không chỉ các nước trong khu vực, Mỹ và một số quốc gia cũng bày tỏ quan ngại trước hành động leo thang của Trung Quốc giữa lúc thế giới phải tập trung chống dịch. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington “phản đối mạnh mẽ mọi hành vi bắt nạt” của Bắc Kinh, đồng thời hy vọng các quốc gia khác cũng sẽ buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm.
Ngoại trưởng Australia Marise Payne bày tỏ sự phản đối với các động thái gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, trong đó có việc cản trở hoạt động khai thác tài nguyên của những quốc gia khác, đơn phương thành lập các quận hành chính…
Biển Đông căng thẳng trước hành động “diễu võ giương oai”
Các việc làm coi thường luật pháp quốc tế, thậm chí mang tính gây hấn nhằm củng cố yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc diễn ra ngày càng thường xuyên và ngang ngược hơn khiến các nước phải cảnh giác và tìm cách ngăn chặn.
Theo thông tin của Hải quân Mỹ, tàu tấn công đổ bộ USS America cùng tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill và tàu khu trục USS Barry đã tham gia cuộc tập trận tại khu vực phía nam Biển Đông, cách không xa nơi tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc khảo sát bất hợp pháp ở vùng biển Malaysia. Cùng tham gia tập trận với các tàu của Mỹ có tàu khu trục HMAS Parramatta của Australia.
Người phát ngôn Bộ quốc phòng Australia cho biết tàu tuần dương HMAS Parramatta được triển khai tại khu vực nam Biển Đông trong vòng 2 tháng nhằm củng cố sự ổn định và an ninh trong khu vực, đồng thời khẳng định: “Australia đã duy trì một chương trình can dự quốc tế mạnh mẽ với các nước trong và xung quanh khu vực Biển Đông trong nhiều thập kỷ”.
Cuộc tập trận ở Biển Đông giữa Australia và Mỹ được công bố chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc thiết lập trái phép hai cơ quan hành chính trên các quần đảo ở Biển Đông. Mặc dù giới quan sát cho rằng cuộc tập trận chung Mỹ-Australia có thể đã được lên kế hoạch từ trước, song việc thể hiện sức mạnh quyền lực trên vào thời điểm hiện nay có thể xem như thông điệp trước hành động “diễu võ giương oai” của Trung Quốc.
Trước đó, chứng kiến Trung Quốc cố tình gây xung đột ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson đã phát biểu rằng Anh sắp tới có thể phải can thiệp để đối đầu với Trung Quốc khi nước này tiếp tục bỏ qua luật pháp quốc tế và là quốc gia khơi mào chạy đua vũ trang. Ông Gavin Williamson cũng cho rằng nhiệm vụ hoạt động đầu tiên của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh sẽ bao gồm khu vực Thái Bình Dương.
Giám đốc chương trình “Nước Anh toàn cầu” thuộc Viện nghiên cứu độc lập Henry Jackson Society ở London cho rằng: “Anh không nên tiến hành chính sách đối ngoại dựa trên những gì Trung Quốc muốn. Vì Anh là một trong những thị trường và nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới, Trung Quốc một phần phụ thuộc vào Anh để bán hàng hóa của mình. Mối quan hệ không đối xứng: Trung Quốc cần bí quyết và sự đầu tư của Anh để phát triển. Anh tuyệt đối không để đánh mất sự thật đó, hoặc cho phép Bắc Kinh định hướng các phát ngôn để khuyến khích chúng ta suy nghĩ như họ muốn”.