Tin Biển Đông – 30/03/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 30/03/2020

Arleigh Burke: Tàu khu trục

mang tên lửa dẫn đường của Mỹ

chuyên đối phó với TQ trên Biển Đông

Trong những năm gần đây, để đối phó với các mối đe dọa về an ninh hàng hải trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ thường xuyên điều tàu khu trục lớp Arleigh Burke tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông để bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và thách thức các yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh.

Tàu khu trục hiện đại của Mỹ

Arleigh Burke là lớp tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường (DDG) đầu tiên của Mỹ được chế tạo trên nền tảng hệ thống chiến đấu Aegis. Đây là một trong những tổ hợp tác chiến hiện đại và phức tạp nhất thế giới, biến khu trục hạm lớp Arleigh Burke thành một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo do Mỹ phát triển. Lớp Arleigh Burke cũng là nền tảng để các quốc gia đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc phát triển lực lượng tàu chiến mặt nước chủ lực. Sự kết hợp của những tàu khu trục này tạo nên “lá chắn thần” bảo vệ Mỹ và các đồng minh khỏi mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo.

Theo đó, vào thập niên 1980, hải quân Mỹ muốn tạo ra một loại tàu chiến kết hợp những kỹ thuật tiên tiến nhất, có khả năng tàng hình trước radar và cảm biến của đối phương, đồng thời cung cấp khả năng phòng thủ chống máy bay, tên lửa hành trình và tàu ngầm tấn công của Liên Xô. Ngoài ra, nó còn có nhiệm vụ hộ tống nhóm tác chiến tàu sân bay trên những vùng đại dương cách xa căn cứ hải quân và không quân Mỹ. Với các nhu cầu đó, hải quân Mỹ năm 1985 ký hợp đồng trị giá 321,9 triệu USD với nhà máy đóng tàu Bath Iron Work để chế tạo chiếc tàu đầu tiên thuộc lớp này mang tên USS Arleigh Burke (DDG-51). Hải quân Mỹ lên kế hoạch đóng mới tổng cộng 76 tàu khu trục lớp Arleigh Burke. Từ năm 1988 đến nay, đã có 66 chiếc được hoàn thành, 62 tàu trong số đó được biên chế cho các đơn vị của hải quân Mỹ. Nhà máy Ingalls Shipbuilding và Bath Iron Works đang tiếp tục đóng mới ba tàu và hoàn thiện 4 tàu để chuẩn bị bàn giao cho hải quân Mỹ.

Lớp Arleigh Burke nằm trong số các khu trục hạm lớn nhất từng được Mỹ chế tạo, cho tới khi siêu tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt ra đời. Chúng được thiết kế để trở thành chiến hạm đa năng, đáp ứng vai trò tác chiến phòng không (AAW), chống ngầm (ASW) và chống tàu mặt nước (ASuW). Việc trang bị cụm radar mảng pha quét điện tử AN/SPY-1, tên lửa đánh chặn SM-2/3 và hệ thống phòng thủ Aegis biến tàu khu trục lớp Arleigh Burke thành tổ hợp chống tên lửa đạn đạo và diệt vệ tinh hiệu quả nhất trong biên chế hải quân Mỹ.

Bên cạnh đó, lớp Arleigh Burke được chia thành nhiều phiên bản (Flight). 21 tàu đầu tiên từ DDG-51 tới DDG-71 được xếp vào Flight I, 7 chiếc tiếp theo (DDG-72 tới DDG-78) thuộc Flight II. Bản nâng cấp IIA được chế tạo từ cuối năm 1997, bao gồm 43 chiếc đã được biên chế (DDG-79 tới DDG-112) và 11 tàu đang trong quá trình đóng mới và hoàn thiện (DDG-113 đến DDG-123). Flight III gồm ba tàu (DDG-124 đến DDG-126) vừa được hải quân Mỹ đặt mua, nhưng chưa bắt đầu quá trình đóng mới. Lượng giãn nước toàn tải của Flight I là 8.315 tấn, Flight II là 8.400 tấn, Flight IIA tăng tới 9.200 tấn và Flight III là 9.800 tấn. Flight I và II có chung chiều dài 154 m, trong khi Flight IIA kéo dài lên mức 155 m. Chiều rộng tất cả các tàu đều là 20 m. Mỗi tàu được trang bị 90-96 ống phóng thẳng đứng (VLS)

chia làm hai cụm trước và sau thượng tầng, có khả năng sử dụng tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk, tên lửa phòng không RIM-156 SM-2 và RIM-161 SM-3, cùng tên lửa chống ngầm RUM-139 VL-ASROC.

Ngoài khả năng phòng không và tấn công mặt đất, những chiếc Arleigh Burke còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác, đặc biệt là tác chiến chống ngầm. Chúng được trang bị hệ thống định vị thủy âm (sonar) AN/SQS-53C gắn trên thân và sonar kéo AN/SQR-19 sau tàu để phát hiện tàu ngầm từ phía đuôi. Mỗi tàu có hai cụm ống phóng ngư lôi chống ngầm Mark 32 với 6 quả đạn. Để cận chiến, lớp Arleigh Burke được trang bị một hải pháo Mark 45 cỡ nòng 127 mm phía mũi với tầm bắn 21 km và cơ số đạn 600 viên. Các tàu còn được trang bị vũ khí hạng nhẹ để đối phó các mối đe dọa nhỏ, như hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx 20 mm và pháo tự động M242 Bushmaster 25 mm. Chỉ có 28 tàu lớp Arleigh Burke được trang bị tên lửa chống hạm Harpoon, 34 chiếc còn lại đã loại bỏ hoàn toàn loại vũ khí này. Những chiếc mang tên lửa Harpoon cũng dần chuyển sang vai trò phòng thủ tên lửa đạn đạo với sự xuất hiện của tên lửa SM-3 Block 1B. Khả năng chở trực thăng không xuất hiện ở Flight I và II. Phải tới Flight IIA, các tàu thuộc lớp này mới có thể mang theo hai trực thăng MH-60R Seahawk.

Về động cơ, cung cấp lực đẩy cho tàu là 4 động cơ turbine khí General Electric LM2500 với tổng công suất 105.000 mã lực, giúp tàu đạt tốc độ tối đa 56 km/h. Tầm hoạt động của lớp Arleigh Burke đạt mức 8.100 km ở tốc độ hành trình 37 km/h.

Về hệ thống radar, tàu được trang bị hệ thống AN/SPY-1D, là hệ thống radar mảng pha quét điện tử thụ động (PESA) dành cho hải quân được Lockheed Martin chế tạo. Đây là thành phần chủ chốt của hệ thống chiến đấu Aegis, được máy tính điều khiển và sử dụng 4 đài thu phát radar cố định nhằm cung cấp khả năng trinh sát, theo dõi mục tiêu liên tục trong phạm vi 360 độ quanh tàu. Radar AN/SPY-1 đi vào biên chế năm 1983 với việc lắp đặt trên tàu tuần dương USS Ticonderoga. Lớp Arleigh Burke được thừa hưởng những cải tiến của dòng radar này, với việc USS Arleigh Burke là tàu chiến đầu tiên được trang bị mẫu AN/SPY-1D tối tân vào năm 1991. AN/SPY-1D có tầm hoạt động tối đa 320 km với mục tiêu trên không và 83 km với tên lửa bay bám biển. Mỗi đài radar có thể theo dõi 200 mục tiêu cùng lúc, cho phép mỗi tàu Arleigh Burke quản lý tới 800 mục tiêu. Ưu điểm lớn nhất của AN/SPY-1D là đường truyền dữ liệu tới tên lửa được tích hợp thẳng vào radar, thay vì phải dùng bộ phát riêng như các biến thể trước đó.

Không những vậy, Mỹ hiện đang có kế hoạch hiện đại hóa hệ thống radar. Tập đoàn Raytheon tháng 5/2017 giành được hợp đồng trị giá 327 triệu USD để sản xuất thử nghiệm radar AN/SPY-6(V), một phần trong chương trình phòng không và chống tên lửa (AMDR). Ba bộ radar AMDR sẽ được chế tạo và lắp đặt trên các tàu Arleigh Burke Flight III. Sử dụng công nghệ vật liệu gallium-nitride, AN/SPY-6(V) mạnh gấp nhiều lần hệ thống radar AN/SPY-1D. Raytheon tuyên bố radar này có khả năng phát hiện mục tiêu nhỏ hơn một nửa và ở khoảng cách gấp đôi so với mẫu AN/SPY-1D(V) mới nhất trong biên chế hải quân Mỹ.

Đáng chú ý, Mỹ cũng đang nghiên cứu khả năng triển khai hệ thống tên mới trên tàu. Theo đó, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) và tập đoàn Raytheon hồi tháng 2 phóng thử biến thể Block IIA của tên lửa RIM-161 SM-3, phá hủy thành công một tên lửa đạn đạo tầm trung đang bay. Đây là bước tiến mới trong chương trình phát triển hệ thống phòng không có khả năng phát hiện và tấn công tên lửa đạn đạo từ trong vũ trụ. SM-3 là tên lửa đánh chặn ngoài khí quyển có nhiệm vụ tiêu diệt tên lửa đạn đạo đối phương trong pha giữa, khi mục tiêu bay hành trình trong không gian. Theo chuyên gia quân sự Kris Osborn, SM-3 Block IIA hiện được Mỹ và Nhật Bản hợp tác phát triển để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) và tầm xa (IRBM). Bên cạnh radar AN/SPY-1D, đây là thành phần quan trọng nhất của hệ thống phòng thủ Aegis, cung cấp khả năng đánh chặn tên lửa cho các tàu khu trục lớp Arleigh Burke.

Phiên bản SM-3 Block IIA mới nhất có tầm bắn tới 2.500 km, đạt tốc độ tới 16.200 km/h. Mỗi quả đạn được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính (INS), định vị toàn cầu (GPS), radar bán chủ động (SARH) và hồng ngoại bước sóng dài. Tuy nhiên, Tên lửa không được trang bị đầu đạn nổ mảnh thông thường. Thay vào đó, quả đạn SM-3 lao thẳng vào mục tiêu, phá hủy tên lửa đối phương bằng động năng cực lớn. Phương pháp này bảo đảm không kích nổ đầu đạn hạt nhân mục tiêu, hạn chế thiệt hại cho khu vực bên dưới. Bù lại, hệ thống dẫn đường đòi hỏi độ chính xác rất cao, chỉ một sai sót nhỏ cũng khiến nó lệch mục tiêu và trở nên vô dụng. Đây cũng là lý do khiến các vụ thử SM-3 có tỷ lệ thành công thấp. Một vấn đề khác ảnh hưởng tới khả năng phòng thủ tên lửa của lớp Arleigh Burke chính là chi phí của SM-3. Để bảo đảm khả năng đánh chặn hiệu quả, tàu chiến phải phóng nhiều quả đạn cho mỗi mục tiêu

MRBM và IRBM. Điều này đòi hỏi mỗi chiếc Arleigh Burke phải mang cơ số tên lửa SM-3 lên tới hàng chục quả.

Trong khi đó, tên lửa SM-3 có giá từ 9-24 triệu USD tùy phiên bản, khiến việc trang bị đại trà cho hàng chục tàu khu trục lớp Arleigh Burke là gánh nặng lớn với ngân sách quốc phòng Mỹ và Nhật Bản. Do đó, Mỹ không đủ nguồn lực để trang bị đạn SM-3 Block I cũ kỹ cho các tàu Aegis, chưa nói tới việc lắp đặt biến thể Block IIA đắt đỏ hơn nhiều. Tất cả những yếu tố này khiến Washington và Tokyo không thể tự tin về khả năng tự vệ trước tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng nếu nổ ra chiến tranh.

Type 055 – tàu khu trục tối tân của Trung Quốc

Ngày 12/2/2020, Trung Quốc chính thức biên chế tàu khu trục loại 055 Nam Xương cho lực lượng Hải quân Trung Quốc (PLAN. Chiến hạm tối tân này hoàn thành các khâu thử nghiệm cuối cùng hồi năm ngoái nhưng đã tham gia hoạt động cùng hạm đội tàu chiến của Trung Quốc kể từ khi hạ thủy vào năm 2017.

NATO gọi các tàu khu trục tên lửa dẫn đường loại 055 là tàu chiến lớp Renhai và coi chúng là tuần dương hạm, chứ không phải tàu khu trục vì chúng có thể thực hiện các chức năng chỉ huy. Dù được gọi là gì, đây cũng là loại tàu chiến đồ sộ và vô cùng tân tiến. Với lượng choán nước là 13.000 tấn, dài 180 mét, tàu Nam Xương, chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu khu trục loại 055 hiện là chiến hạm “khủng” nhất ở châu Á và lớn thứ hai trên thế giới sau các tàu khu trục lớp Zumwalt của Hải quân Mỹ với trọng lượng choán nước nhỉnh hơn đôi chút, đạt 15.000 tấn.

Theo chuyên trang quân sự Jane’s, tàu Nam Xương to gấp 1,3 lần tàu khu trục chính lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ và gấp đôi kích cỡ tàu khu trục lớp Sovremenny của Nga. Tàu khu trục “khủng” của Trung Quốc có thể đạt vận tốc tối đa là 55,6 km/h. Tàu Nam Xương có thể chở theo tới 112 hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng, có khả năng bắn một số tên lửa nguy hiểm nhất của PLAN, gồm tên lửa chống hạm tầm xa YJ-18, tên lửa hành trình CJ-10 và tên lửa phòng không HHQ-9, vốn được đánh giá là tương đương “rồng lửa” S-300 của Nga. Thêm vào đó, tàu còn được trang bị một trực thăng chống tàu ngầm và diệt hạm mạnh, là phiên bản trực thăng chiến đấu Z-20 đã điều chỉnh để phù hợp cho các hoạt động của hải quân. Ngoài ra, tàu Nam Xương còn sử dụng phiên bản mới nhất của hệ thống radar quét mảng điện tử chủ động (AESA) loại 346, hoạt động trong dải băng tần S tương tự hệ thống AEGIS của Hải quân Mỹ. Do dùng tần số thấp hơn nên radar loại 346 được đồn có thể phát hiện cả máy bay tàng hình, vốn được thiết kế tối ưu để tránh các radar tần số cao hơn trong dải băng tần X và Ku.

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự lưu ý, do là chiếc đầu tiên trong loại 055 nên tàu khu trục Nam Xương còn mắc một số lỗi về thiết kế, chẳng hạn như vị trí đặt hệ thống radar chưa phù hợp làm hạn chế tầm hoạt động và việc sử dụng hợp kim nhôm trên boong phía trên tàu làm giảm khả năng chống chịu trong chiến đấu.

http://biendong.net/bien-dong/33811-arleigh-burke-tau-khu-truc-mang-ten-lua-dan-duong-cua-my-chuyen-doi-pho-voi-tq-tren-bien-dong.html

 

Virus corona: TQ lại lấn át ở Biển Đông,

 VN còn trông đợi Mỹ được không?

Mỹ HằngBBC News Tiếng Việt

Trong lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Trung Quốc triển khai nhiều hoạt động mới ở Biển Đông ngay sau khi tuyên bố giải quyết xong ổ dịch Vũ Hán.

Việt Nam có thể làm gì trong tình thế này khi cũng đang gồng mình chống dịch và liệu đồng minh Mỹ có đóng góp vai trò gì giúp Việt Nam khi cường quốc này vừa trở thành nước dẫn đầu thế giới về số ca lây nhiễm?

Khai thác khí tự nhiên trên Biển Đông

Mới đây nhất, ngày 26/3, Trung Quốc đã khai thác 861.400 mét khối khí tự nhiên từ khí metan, trong một tháng sản xuất thử nghiệm ở Biển Đông, truyền hình nước này đưa tin.

Thấy gì qua việc VN ‘lặng lẽ’ xây dựng ở Trường Sa?

USS Theodore Roosevelt thăm Đà Nẵng: Mỹ gửi tín hiệu gì cho VN và TQ?

VN bị ảnh hưởng gì khi Philippines muốn ‘gần Trung, xa Mỹ’?

Biển Đông: VN khó đạt đồng thuận tại thượng đỉnh ASEAN 2019

Bennet Murray: Việt Nam có ‘đồng minh’ mới trên Biển Đông?

Giới chức năng lượng Trung Quốc phát biểu rằng đây là bước quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa khí metan.

Metan đã được xác định là một nguồn khí đốt mới tiềm năng cho Trung Quốc và Biển Đông được cho là có chứa một số lượng khí metan dồi dào nhất trên thế giới.

Đem tàu và máy bay đến Biển Đông

Trung Quốc đã đưa máy bay quân sự tới Biển Đông để diễn tập trong tháng này ở Biển Đông, dường như để đáp trả các cuộc tuần tra qua khu vực này của các tàu chiến Mỹ, theo truyền thông Trung Quốc.

Mới hồi tháng Hai, tàu sân bay USS Theredore Roservelt cập cảng Đà Nẵng của Việt Nam, một động thái được cho là nhằm tăng cường quan hệ Mỹ-Việt, khẳng định sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông, nhưng đã khiến Trung Quốc tức giận.

Tiếp đến, đầu tháng Ba, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS McCampbell của Mỹ đã đi vào Biển Đông để thể hiện rằng đây là tuyến đường thủy quốc tế mở thay vì nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc, theo Reuters.

Đáp lại, giữa tháng Ba, Trung Quốc tập trận chungvới Campuchia trên Biển Đông mặc dù có nguy cơ khiến Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác phẫn nộ.

Khánh thành hai trạm nghiên cứu ở Biển Đông

Trung Quốc cũng mới đưa vào hoạt động hai trạm nghiên cứu trên Đá Subi và Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Hai cơ sở này sẽ theo dõi, đo đạc các thay đổi về sinh thái địa chất, môi trường tại các vùng biển này.

Hai cơ sở này được cho là cùng tổ hợp với một trung tâm nghiên cứu của Trung Quốc xây dựng trước đó ở Đá Vành Khăn ở Trường Sa.

Mỹ lo Covid-19 nên’không giúp được gì’?

Nhưng chính phủ Hoa Kỳ, trong khi đang phải chống chọi với sự lây lan chóng mặt của COVID-19, không giúp đỡ gì các nước châu Á khác chống lại Trung Quốc về lâu dài như đã từng trong quá khứ, theo các nhà phân tích trên VOA.

Theo Giáo sư Carl Thayer thì Mỹ không cho thấy vai trò lãnh đạo, và đó là một khoảng trống để Trung Quốc nhảy vào.

Mới hồi tháng Hai, một sự kiện được Việt Nam chào đón long trọng là việc tàu sân bay Theodore Roosevelt cập cảng Đà Nẵng. Theo các nhà phân tích, việc này cho thấy Việt Nam ủng hộ sự hiện diện của hải quân Mỹ. Và rằng ,Việt Nam hy vọng rằng việc tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ sẽ ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục bắt nạt.

Thế nhưng giới phân tích cho rằng mối liên minh này không thể kéo dài lâu.

Việt Nam và Mỹ ‘không tin nhau’?

Để chống lại sự đe dọa của Trung Quốc, chiến lược của Mỹ là củng cố các cam kết về quan hệ đối tác và đồng minh đã có, đồng thời mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác mới cùng chia sẻ quan điểm về tôn trọng chủ quyền, công bằng thương mại và luật quốc tế, theo phân tích của tác giả Mark J. Valencia trên SCMP.

Trung Quốc coi khoảng 90% Biển Đông là của nước mình – nơi các nước khác cũng khẳng định chủ quyền như Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.

Trung Quốc đã xây nhiều đảo nhỏ tại đây cho mục đích quân sự. Các tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quóc định kỳ đi qua vùng viển mà các quốc gia khác khẳng định chủ quyền.

Chiến lược này nhằm thực hiện tầm nhìn vĩ đại của Mỹ về một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, bao gồm tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp, tôn trọng chủ quyền, doanh nghiệp tư nhân và thị trường mở…

Do tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc, từ lâu các nhà quan sát đã cho rằng Việt Nam là một nước chống Trung phò Mỹ mạnh mẽ nhất trong toàn khối ASEAN.

Thế nhưng, thực tế là Việt Nam không chia sẻ nguyên lý cốt lõi của một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở – tự do hàng hải cho các tàu chiến.

Việt Nam từ lâu đã có những chính sách hạn chế cho tàu chiến đi vào lãnh hải của mình – tương tự như Trung Quốc. Đặc biệt, Việt Nam có cả đường lãnh hải cơ sở và các nước phải được phép của Việt Nam mới được vượt qua các đường cơ sở này, theo ông Mark J. Valencia – nhà phân tích chính sách hàng hải, nhà bình luận chính trị và nhà tư vấn chính sách châu Á nổi tiếng.

Do đó, việc Hoa Kỳ đưa các tàu chiến đi vào trong vùng lãnh hải xung quanh Hoàng Sa không chỉ nhắm vào Trung Quốc mà còn vào Việt Nam.

Hơn nữa, Hoa Kỳ không công nhận các yêu sách của Việt Nam đối với các thực thể nằm dưới mực thủy triều ở Trường Sa, đồng thời phản đối việc quân sự hóa của Việt Nam, cũng giống như với Trung Quốc.

Sự va chạm trong các diễn giải và các chính sách pháp lý liên quan đến tự do hàng hải là biểu tượng cho sự lệch tông mang tính chiến lược cơ bản giữa Mỹ và Việt Nam.

Ngoài ra, dù chống Trung, Việt-Trung lại có mối quan hệ khăng khít giữa hai đảng, và về kinh tế.

Việt Nam cũng luôn kiên định chính sách ‘ba không’ – không tham gia vào các liên minh quân sự, không có căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam và không phụ thuộc vào một quốc gia để chống lại một quốc gia khác.

Không có điểm chung về văn hóa, ý thức hệ, hệ thống chính trị hay thế giới quan – ngoại trừ mối đe dọa của Trung Quốc. Đó là bản chất của mối quan hệ chiến lược Việt -Mỹ, vẫn theo tác giả Mark J. Valencia.

Trên thực tế, Việt Nam và Mỹ không tin nhau – vì những lý do chính đáng và từ cả hai phía – và điều đó khiến cho việc xây dựng một mối quan hệ chiến lược vững chắc và lâu dài giữa hai bên là không thể, Tiến sỹ Mark J. Valencia bình luận.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52061717

 

“Dân quân biển” TQ

lại gia tăng hoạt động phi pháp trên Biển Đông

Trung Quốc mới đây đã điều một nhóm tàu “dân quân biển” gia tăng hoạt động phi pháp xung quanh  Cụm Đảo Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Dường đi của 5 tàu dân quân biển Trung Quốc qua cụm đảo Sinh Tồn

Theo hình ảnh vệ tinh do Tổ chức Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) cung cấp, trong tháng 3/2019, một đội tàu Trung Quốc đã di chuyển qua Cụm Đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đội tàu trên hiện đang ở đá Gạc Ma, ở góc Tây Nam của Cụm đảo Sinh Tồn

Phần mềm theo dõi tàu biển cho thấy năm tàu ​​ Lực lượng Dân quân Biển Vũ trang Nhân dân (PAFMM) – với các ký hiệu Yuetaiyu (Tàu cá) 18777, 18333, 18888, 18222 và 18555 – vào đầu tháng 3 đã qua lại giữa Đá Subi (do Trung Quốc bối lấp nên và thường là trạm dừng cho các tàu của Trung Quốc bố trí tới khu vực này) và đảo Thị Tứ (đang bị Philippines chiếm đóng trái phép của Việt Nam). Các tàu vừa nêu trước hết dừng tại Đá Ba Đầu, ở phía Đông Bắc Cụm đảo Sinh Tồn, từ ngày 3 – 8/3. Sau đó, các tàu di chuyển về phía Tây Nam đến Đá Tư Nghĩa, đi qua đảo Sinh Tồn Đông và di chuyển phía Tây gần đảo Sinh Tồn. Các tàu này nán lại gần Sinh Tồn trong khoảng thời gian từ ngày 13-18/3. Bên cạnh đó, hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều tàu khác tập trung tại Cụm đảo Sinh Tồn mặc dù danh tính của các tàu không rõ ràng. Khoảng 12 tàu đã di chuyển đến Đá Tư Nghĩa trong khoảng thời gian từ 8-13/3. Ngoài ra, hàng chục tàu khác đã nán lại ở phía Đông Bắc của Cụm đảo Sinh Tồn, bên trong Đá Ba Đầu, ít nhất kể từ ngày 6/3 và vẫn ở trong khu vực này cho đến ngày 19/3.

Các tàu thuộc dòng Yuetaiyu ( Tàu Cá) đã từng đến Đá Tư Nghĩa và sau đó đến đảo Sinh Tồn, đã di chuyển đến Đá Gạc Ma hôm ngày 18/3. Một lần nữa, hình ảnh vệ tinh cho thấy số lượng tàu xuất hiện trong khu vực nhiều hơn hẳn so với năm tàu mà AIS, Automtatic Identification System (Hệ thống Nhận dạng Tự động), phát ra tín hiệu. Tất cả các tàu được yêu cầu phải có thiết bị phát đáp AIS để hỗ trợ mục đích theo dõi các trường hợp tìm kiếm và cứu hộ cũng như cho việc thực thi pháp luật. Mặc dù vậy, các tàu dân quân biển Trung Quốc thường xuyên tắt các thiết bị phát đáp AIS để che giấu hoạt động của mình. Rõ ràng đây là thực tế hiện nay khi hình ảnh vệ tinh cho thấy có ít nhất 30 tàu vừa xuất hiện tại Đá Gạc Ma.

Theo giới truyền thông, Trung Quốc không hề công khai hoạt động đưa tàu của họ vào Cụm đảo Sinh Tồn. Lực lượng Dân quân Biển Vũ trang Nhân dân (PAFMM) thường bao gồm những tàu được ngụy trang bề ngoài là tàu đánh cá – mặc dù những tàu này không tham gia đánh bắt cá. Sự hiện diện của những tàu này đồng nghĩa với việc “treo cờ” cho Bắc Kinh trong vùng biển tranh chấp mà không cần sự hiện diện công khai của lực lượng quân sự có thể dẫn đến việc lên án của cộng đồng quốc tế.

Được biết, “Dân quân biển” Trung Quốc là lực lượng không chính quy, được tuyển chọn từ ngư dân địa phương vừa làm việc kiếm sống vừa được đào tạo để chờ thực hiện nhiệm vụ do chính quyền giao, song có những địa phương cũng tuyển chọn cả cựu binh hải quân. Tuy không thuộc lực lượng vũ trang, song Dân quân biển Trung Quốc do Chính phủ xây dựng, quản lý, kiểm soát hoạt động, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Chỉ huy quân sự địa phương. Về cơ bản, dân quân biển Trung Quốc là lực lượng địa phương,

được tổ chức, tài trợ hoạt động bởi chính quyền các tỉnh. Quy định chính sách về hoạt động của lực lượng Dân quân tự vệ địa phương Trung Quốc do Cục dự bị động viên thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc soạn thảo, ban hành, dưới sự chỉ đạo của Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc. Chính quyền trung ương Trung Quốc hỗ trợ về kinh phí hoạt động cho lực lượng này, trong khi chính quyền địa phương đảm bảo trực tiếp về lương, kinh phí huấn luyện hoặc kinh phí thực hiện nhiệm vụ.

Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng biên chế của lực lượng dân quân biển Trung Quốc vẫn còn là một ẩn số đối với cộng đồng quốc tế. Theo trang Daily Caller có trụ sở tại Mỹ, một báo cáo vào năm 1978 ước tính lực lượng dân quân biển của Trung Quốc có 750.000 người và 140.000 tàu. Theo Sách Trắng Quốc phòng năm 2010 của Trung Quốc, nước này có 8 triệu đơn vị dân quân, song không rõ lực lượng dân quân biển mập mờ có được tính hay không. Thời gian gần đây, số lượng dân quân biển của Trung Quốc đã được mở rộng về quy mô và nâng cao về chất lượng. China Daily dẫn lời một quan chức thuộc Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Bắc Hải, Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây khoe rằng số lượng dân quân biển tăng gấp 10 lần chỉ trong 2 năm qua, từ dưới 2% lực lượng quân sự địa phương vào cuối năm 2013 lên tới trên 20% vào năm 2016.

Nhiệm vụ chính của dân quân biển Trung Quốc: Thứ nhất, đóng vai trò tiên phong tạo áp lực trong các vụ va chạm, xung đột nhỏ với tàu cá, tàu khảo sát thăm dò, tàu chấp pháp của các nước ở Biển Đông. Thứ hai, tham gia các vụ đụng độ, khiêu khích trên vùng biển quốc tế theo sự chỉ đạo của quân đội Trung Quốc, trong một số trường hợp là theo lệnh chỉ huy tạm thời của Lực lượng Chấp pháp biển Trung Quốc. Thứ ba, bảo vệ, thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ, “các quyền và lợi ích biển” và hỗ trợ Hải quân Trung Quốc khi xảy ra chiến tranh. Thứ tư, hỗ trợ lực lượng an ninh nội địa trong việc đảm bảo ổn định xã hội, cũng như tham gia cứu trợ khi thiên tai xảy ra. Thứ năm, cung cấp các báo cáo tình hình hoạt động của tàu nước ngoài ở Biển Đông cho Cơ quan Ngư chính Trung Quốc. Thứ sáu, vận chuyển vật liệu xây dựng lên các đảo, đá ở Biển Đông, góp phần hỗ trợ quá trình cải tạo phi pháp các thực thể nhân tạo; hỗ trợ sự hiện diện của Trung Quốc trong các khu vực có xung đột lãnh thổ hay đổ bộ lên các đảo đang tranh chấp.

Về ngân sách hoạt động: Chi phí cho các hoạt động hàng ngày của dân quân biển do ngân sách của thành phố hoặc huyện mà tàu này đăng ký chịu trách nhiệm, còn trong trường hợp thực hiện các nhiệm vụ có quy mô lớn hơn hoặc các chiến dịch đặc biệt thì chi phí đó được ngân sách của tỉnh chi trả. Chính quyền các cấp như đã nói ở trên cũng quy định cụ thể mức bù đắp các khoản chi phí cho dân quân biển khi tiến hành chiến dịch hoặc là bồi thường cho dân quân biển nếu các tàu của họ bị hư hại khi thực hiện nhiệm vụ. Để đảm bảo hoạt động cho lực lượng dân quân biển, Chính quyền Trung Quốc đã huy động nhiều bộ ngành tham gia, bao gồm Bộ Tư lệnh bảo vệ hải sản, Cục các vấn đề đảm bảo an ninh trên biển, Cục vận tải quân sự và các cơ quan khác của Hải quân… Theo giáo sư Andrew Erickson (Trường Chiến tranh hải quân Mỹ) Chính phủ Trung Quốc chi trả rất hậu cho lực lượng dân quân biển, thông thường một thuyền viên được chính phủ Trung Quốc trả 13.000 USD/năm, trong khi thuyền trưởng được trả 25.000 USD/năm. Tại các địa phương đều có chính sách hỗ trợ và thúc đẩy dân quân biển riêng, ví dụ như Chính quyền Hải Nam có chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân chuyển từ tàu gỗ sang tàu vỏ sắt thông qua hình thức trợ giá, hỗ trợ tài chính, trang bị miễn phí hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu…

Về trang thiết bị trên tàu: Các tàu dân quân biển cỡ lớn được trang bị vũ khí hạng nhẹ; tất cả các tàu này đều có gắn vòi rồng cỡ lớn, các mạn thành và thân tàu được gia cố nhằm tăng độ cứng và chống va chạm; trang bị hệ thống định vị vệ tinh và kênh liên lạc riêng. Hiện tàu lớn nhất của dân quân biển Trung Quốc có chiều dài khoảng 60m, chiều ngang 10m, tải trọng khoảng 750 tấn; các tàu nhỏ hơn có tải trọng gần 600 tấn.

Về công tác huấn luyện, đào tạo: Lực lượng dân quân biển Trung Quốc được huấn luyện theo nhiều chương trình khác nhau, từ kỹ năng phân biệt, nhận dạng các tàu đến sử dụng vũ khí và các hoạt động kinh tế-quân sự. Ngoài ra, lực lượng dân quân biển của Trung Quốc cũng được đào tạo về chính trị và kiến thức an ninh quốc phòng nhằm tăng cường tinh thần dân tộc và tuyệt đối phục tùng các mệnh lệnh của quân đội Trung Quốc. Hãng tin Reuters hồi đầu tháng 5/2016 tiết lộ, Trung Quốc đã mở khóa huấn luyện các ngư dân tại đảo Hải Nam, biến họ thành “dân quân” rồi đưa xuống phía Nam Biển Đông, mang danh tàu đánh cá. Những ngư dân tham dự khóa học kéo dài 4 tháng, khóa huấn luyện hoàn toàn miễn phí, gồm các nội dung huấn luyện quân sự cơ bản, tìm kiếm cứu hộ, xử lý thảm họa trên biển, thu thập thông tin về tàu nước ngoài và bảo vệ “chủ quyền” trên biển.

Tại khu vực Biển Đông, Trung Quốc duy trì 4 đơn vị dân quân biển lớn phụ trách chủ yếu hoạt động trên Biển Đông của tỉnh Hải Nam, trong đo: Đội Dân quân Đơn Châu vẫn hoạt động và phát triển ngày nay, có tiền thân là đại đội dân quân đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến Hoàng Sa năm 1974 khi

Trung Quốc chiếm trái phép phần phía Tây Hoàng Sa từ Việt nam. Đội dân quân Đàm Môn, được thành lập năm 1985, hỗ trợ hoạt động xây dựng cấu trúc thế hệ đầu trên các thực thể Trung Quốc chiếm đóng trái phép tại Truờng Sa như đá Vành Khăn trong những năm 1990 và gần đây đóng vai trò then chốt trong hoạt động chiếm bãi cạn Scaborough năm 2012. Đội dân quân biển thuộc Thành phố Tam Á có vai trò tiền tuyến trong việc quấy rối hoạt động của tàu Impeccable tháng 03/2009. Bên cạnh đó, các đơn vị Dân quân biển từ tỉnh Hải Nam, bao gồm các đơn vị then chốt từ Tam Á và Đàm Môn đã tham gia vào vụ việc kéo dài 2 tháng liên quan tới giàn khoan HD 981 đặt tại vùng EEZ của Việt Nam vào năm 2014. Đơn vị mới thành lập gần đây nhất là Đội dân quân biển thành phố “Tam Sa”, đóng căn cứ trái phép tại Đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, một thành phố cấp quận có nhiệm vụ quản lý các khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa, bãi Macclesfild, và bãi cạn Scaborough, và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đáng chú ý, tại “Tam Sa”, Trung Quốc đang xây dựng trái phép một mô hình mới để phát triển Dân quân biển. Đội dân quân thuộc Công ty phát triển Thủy sản Thành phố “Tam Sa” được thành lập để trước hết trở thành lực lượng bán quân sự chuyên nghiệp, sau đó mới là nhiệm vụ đánh cá. Các thành viên Đội Dân quân biển “Tam Sa” từng được chụp ảnh khi đang chuyển các thùng hàng có dán nhãn “vũ khí nhẹ” lên một trong số vài chục tàu lớn mới được trang bị của họ. Tất cả các tàu này đều có gắn vòi rồng cỡ lớn, các thành chống va chạm, và thân tàu được gia cố tăng độ cứng, những đặc điểm rất hữu hiệu cho việc phun nước và va chạm quyết liệt. Các tàu lớn nhất của “Đội Dân quân biển Tam Sa” có chiều dài 59 mét, chiều ngang 9 mét, có tải trọng khoảng 750 tấn. Các tàu nhỏ hơn có tải trọng gần 600 tấn. Tất cả các tàu đều có tải trọng tương đối lớn, và chiều dài lớn tàu tuần tra lớp Parola mà Nhật Bản đang chế tạo cho Philippines. Nhiều tàu mới này được cho là “có nơi đặt vũ khí và trang bị”, và “kho đạn”.

Từ những vấn đề ở trên cho thấy, bất chấp diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp, Trung Quốc cũng không quên sử dụng lực lượng dân quân biển gia tăng hoạt động trái phép trên Biển Đông. Tuy nhiên, việc nước này đưa lượng lớn tàu dân quân biển hiện diện trong khu vực đảo Sinh Tồn, đá Gạc Ma của Việt Nam là hành vi khiêu khích, đe dọa chủ quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông.

http://biendong.net/bien-dong/33806-dan-quan-bien-tq-lai-gia-tang-hoat-dong-phi-phap-tren-bien-dong.html

 

Cuộc chiến pháp lý tại Biển Đông lại nóng lên

Hoàng Sa

Bắt đầu từ Malaysia

Ngày 12/12/2019, Malaysia đã gửi một bản đệ trình lên Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc, theo đó, yêu cầu một phần thềm lục địa mở rộng của nước này trên biển Đông, dựa trên Điều 76 của Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 (UNCLOS).

Đương nhiên, việc đệ trình này là những toan tính của Malaysia như Nguyễn Hồng Thao có phân tích trên tờ The Diplomats. Trong đó, như Nguyễn Hồng Thao đã chỉ ra: “việc đệ trình cũng khuyến khích Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa xem xét lại đệ trình chung của Việt Nam-Malaysia năm 2009, vì căn cứ mà Trung Quốc và Philippines dựa vào để phản đối đệ trình đó đã bị Tòa trọng tài 2016 bác bỏ. Chính xác hơn, đường chín đoạn đã bị tuyên bố là không có giá trị pháp lý và các thực thể trong quần đảo Trường Sa không đủ điều kiện hưởng quy chế đảo. Nói cách khác, đệ trình của Malaysia đặt ra câu hỏi về mối quan hệ giữa hoạt động của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa và các phán quyết pháp lý.”

Philippines lên tiếng

Ngày 26/3/2020, Phái đoàn thường trực của Philippines tại Liên Hợp Quốc đã đệ trình Công hàm lên Liên Hợp Quốc để đáp lại Đệ trình của Malaysia. Trong Công hàm này, Philippines đã nêu ra 3 điểm quan trọng:

1. Philippines khẳng định rằng, các yêu sách biển của Trung Quốc là không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS.

2. Philippines khẳng định chủ quyền và quyền tài phán của Philippines tại nhóm cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa mà Philippines gọi là Kalayaan Island Group cùng với Bãi cạn Scarborough mà Philippines gọi là Bajo de Masinloc.

3. Philippines viện dẫn Phán quyết của Toà Trọng tài ngày 12/7/2016 trong việc giải thích tính chất pháp lý của các cấu trúc thuộc Trường Sa, theo Khoản 3 Điều 121 UNCLOS. Philippines cũng nhắc lại tinh

thần của Phán quyết rằng: “Các quy định của UNCLOS về các vùng biển của quốc gia ven biển sẽ có sức mạnh vượt trội so với các quyền lịch sử, hoặc các quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán nếu vượt quá các quy định của UNCLOS”.

Như vậy, ta có thể thấy, mặc dù, Tổng thống đương nhiệm Philippines Duterte rất “thân thiết” với Trung Quốc và dường như “không muốn nhắc tới” Phán quyết năm 2016 của Toà trọng tài trong Vụ Philippines kiện Trung Quốc về những tranh chấp trên biển Đông giữa hai quốc gia này. Thế nhưng, đây chỉ là những lời “đầu môi chót lưỡi” của ông Duterte. Với các nội dung của Công hàm mà Philippines đệ trình như vậy, nó có sức mạnh pháp lý lớn hơn rất nhiều những “lời nói gió bay” của ông này.

Trung Quốc lặp lại luận điệu cũ

Ngày 23/3/2020, Trung Quốc đã ra Công hàm đáp trả Công hàm của Malaysia và Philippines. Công hàm này của Trung Quốc bao gồm những nội dung như sau:

1. Trung Quốc khẳng định Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa quần đảo) và Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) cùng với những vùng nước kế cận các đảo này cũng như đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Trung Quốc có quyền lịch sử ở biển Đông. Chủ quyền và các quyền liên quan khác cùng với quyền tài phán của Trung Quốc được hỗ trợ bởi các bằng chứng lịch sử và pháp lý. 2. Cái gọi là Kalayaan Island Group là một phần của quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa quần đảo) và chưa bao giờ là một phần lãnh thổ của Philippines. Cho tới những năm 70, Philippines đã chiếm đoạt một cách bất hợp pháp một số cấu trúc biển này. Philippines không thể viện dẫn vào hành vi chiếm đoạt bất hợp pháp này để bảo vệ cho yêu sách lãnh thổ của họ.

3. Là một phần của Trung Sa quần đảo, Scaborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham đảo) là lãnh thổ lâu đời của Trung Quốc. Trung Quốc đã thực hiện chủ quyền một cách hiệu quả và liên tục và quyền tài phán tại Scarborough. Yêu sách lãnh thổ phi pháp của Philippines đối với Scarborough hoàn toàn không dựa trên luật pháp quốc tế.

4. Toà Trọng tài trong Vụ Philippines kiện Trung Quốc không có thẩm quyền vì tranh chấp này liên quan đến tranh chấp chủ quyền, phân định biển và thực hiện quyền tài phán..nên Toà này đã vi phạm UNCLOS. Các hành động và Phán quyết của Toà này là phi pháp, bất chính. Chính phủ Trung Quốc không chấp nhận, không tham gia và không thừa nhận phán quyết này và không bao giờ chấp nhận các hành vi hoặc các yêu sách dựa trên Phán quyết này. Trung Quốc và Philippines đã đi tới thoả thuận chung bỏ qua Phán quyết này, sử dụng tham vấn và thương lượng song phương để giải quyết các tranh chấp biển này.

5. Chính quyền Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa yêu cầu Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc không xem xét đến đệ trình về thềm lục địa mở rộng này của Malaysia.

Qua Công hàm này của Trung Quốc, chúng ta lại thấy những luận điệu nhàm chán của Trung Quốc. Một mặt, Trung Quốc làm phức tạp hoá vấn đề bằng các khái niệm “hổ lốn, hỗn tạp” trong tuyên bố của mình, lúc thì quyền lịch sử, lúc thì chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán. Nhưng bao giờ cũng thêm câu “Trung Quốc có các bằng chứng lịch sử và pháp lý”, tuy nhiên các bằng chứng đó đâu thì không thấy Trung Quốc đưa ra, mà chỉ nói suông vậy thôi.

Những căn cứ của Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, cụ thể Scarborough là một bãi cạn, nó không thể là một “đảo” theo điều 121 của UNCLOS. Nhưng Trung Quốc muốn sử dụng nó là một “đảo” để Trung Quốc lúc thì viện dẫn chủ quyền, lúc thì quyền lịch sử… miễn “nói lấy được” thì thôi.

Phán quyết năm 2016 của Toà Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS là một phán quyết lịch sử, góp phần làm sáng tỏ điều 121 của UNCLOS, theo đó giải thích không có cấu trúc nào thuộc Trường Sa có thể đáp ứng được yêu cầu là “đảo” cả. Đồng thời, Phán quyết cũng bác bỏ cái gọi là “yêu sách quyền lịch sử” của Trung Quốc trong vùng biển Đông. Nhưng mặc dù Trung Quốc một mặt lúc nào cũng viện dẫn luật quốc tế và UNCLOS, nhưng mặt khác, “điên cuồng” chống lại Phán quyết này, cho dù bị thế giới lên án.

Còn Việt Nam?

Việt Nam là một bên tham gia trực tiếp trong các tranh chấp này ở biển Đông. Quan điểm của Việt Nam là ủng hộ Phán quyết và chống lại cái gọi là “yêu sách đường lưỡi bò” trên biển Đông, bởi vì yêu sách này không có cơ sở nào trong luật quốc tế. Mới đây, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam; không có các hành động gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình và ảnh hưởng tới hòa bình ở Biển Đông và khu vực; tuân thủ quy định của các nước trong tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.”

Đối với Đệ trình của Malaysia, có một phần chồng lấn với thềm lục địa của Việt Nam, vì thế, cũng đã có tác giả yêu cầu Malaysia phải thảo luận với phía Việt Nam về khu vực chồng lấn này, để bảo vệ lợi ích của Việt Nam.

Dư luận đang chờ Chính phủ Việt Nam lên tiếng chính thức về vấn đề này, cũng như, với cương vị là Chủ tịch ASEAN của năm nay, cố gắng để có thể đưa ra những quyết định quan trọng của ASEAN mà có thể thẳng thắn nêu tên kẻ hung hăng, gây bất ổn nhiều nhất ở khu vực biển Đông là Trung Quốc.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/legal-warfare-in-scs-heats-up-03292020115828.html

 

Cảnh giác trước việc

TQ có hành động gây hấn mới ở Biển Đông

Ngày 05/3/2020, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đăng tải báo cáo của Viện Sáng kiến Nghiên cứu Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) thuộc Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc với nội dung xuyên tạc, “đổi trắng, thay đen”, cho rằng có tổng cộng 311 tàu cá Việt Nam đã xâm nhập vào khu vực nội địa, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc vào tháng 2, với mục đích đánh bắt cá và làm gián điệp bất hợp pháp.

Theo Báo cáo này, hầu hết các tàu cá của Việt Nam tập trung hoạt động tại những khu vực gần các thủy lộ chính dành cho lực lượng hải quân và không quân của nước này tại phía Đông đảo Hải Nam và vùng biển gần Quảng Đông “thậm chí, một số tàu cá Việt Nam còn lọt vào tầm ngắm của các căn cứ quân sự Trung Quốc”.

Báo cáo nói tàu cá Việt Nam đi vào “vùng biển Trung Quốc” ở Vịnh Bắc Bộ và gần đảo Hải Nam, đồng thời vu cáo trắng trợn: “Hoạt động của các tàu này chỉ nhằm hai mục đích: Một là mục đích kinh tế, tức đánh bắt cá bất hợp pháp; Hai là mục đích an ninh quân sự, tức thực hiện hoạt động trinh sát, gián điệp”.

Những luận điệu trên đây của Bắc Kinh hoàn toàn sai trái bởi lẽ năm 2000 Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định phân định ở Vịnh Bắc Bộ, xác định một đường phân định chung cho cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cùng với đó 2 bên ký Hiệp định hợp tác nghề cá (Hiệp định có hiệu lực từ năm 2004), cho phép tàu cá của mỗi bên được hoạt động trong vùng đánh cá chung (phạm vi vùng đánh cá chung là tính từ đường phân định sang 2 bên, cách đường phân định 30,5 hải lý, tàu có thể vượt qua đường phân định) với số lượng nhất định do 2 bên xác định hàng năm. Hiệp định này có hiệu lực trong vòng 10 năm và mặc nhiên gia hạn thêm 5 năm.

Trên thực tế, trong 15 năm Hiệp định hợp tác nghề cá có hiệu lực, luôn có nhiều tàu của Trung Quốc hoạt động trong phạm vi vùng đánh cá chung, vượt qua đường phân định đánh bắt trong vùng biển Việt Nam hơn so với tàu Việt Nam hoạt động ở phía bên kia đường phân định vì biển phía Việt Nam nhiều cá hơn do nhiều cửa sông đổ từ miền Bắc Việt Nam ra Vịnh Bắc Bộ và bờ biển thoải, nông hơn phía bờ biển Hải Nam. Nhiều khi tàu Trung Quốc còn vượt cả ra ngoài vùng đánh cá chung xâm nhập sâu vào vùng biển Việt Nam, thậm chí vào cả lãnh hải Việt Nam. Các lực lượng chức năng Việt Nam chủ yếu xua đuổi. Việc các tàu cá Việt Nam có đánh bắt trong khu vực đánh cá chung ở Vịnh Bắc Bộ là điều hết sức bình thường.

Hiện Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán về phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Đàm phán dậm chân tại chỗ do Trung Quốc không muốn phân định mà chỉ muốn khai thác chung trong vùng biển ở khu vực này. Trong những năm qua, theo thống kê của các lực lượng chức năng Việt Nam mỗi tháng có hành trăm lượt tàu cá Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển Việt Nam, có lúc chỉ cách bờ biển Việt Nam vài hải lý để gây sức ép lên Việt Nam trong đàm phán. Truyền thông Trung Quốc đăng tải báo cáo nói trên cũng là nằm trong ý đồ thúc ép Việt Nam chấp nhận giải pháp “cùng khai thác” mà Trung Quốc đưa ra ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.

Đối với khu vực biển gần đảo Hải Nam còn phải kể đến là khu vực quần đảo Hoàng Sa. Các tư liệu pháp lý lịch sử hiện đang được lưu giữ tại các trung tâm lưu trữ đều khẳng định quần đảo Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Năm 1956 và năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Họ tự cho rằng Hoàng Sa là của Trung Quốc và năm 1996, Bắc Kinh lại tự vạch ra đường cơ sở xung quanh Hoàng Sa trái với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và đòi yêu sách vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa tính từ đường cơ sở bất hợp pháp này.

Từ thế kỷ 16 – 17, các Nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền một cách hòa bình đối với quần đảo Hoàng Sa thông qua việc cử các đội tàu của triều đình nhà nước phong kiến ra các đảo này đo vẽ, lập bản đồ, khai thác và cứu hộ cứu nạn đối với các tàu nước ngoài bị nạn ở khu vực Hoàng Sa. Quần đảo Hoàng Sa cũng là khu vực đánh cá truyền thống của ngư dân Việt Nam từ hàng trăm năm nay.

Sau khi cưỡng chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực, Bắc Kinh tiến hành các biện pháp rắn đối với các tàu cá của ngư dân Việt Nam từ xua đuổi đến bắt giữ, thậm chí đâm chìm các tàu cá Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa mà trong báo cáo của SCSPI gọi là “vùng biển gần đảo Hải Nam”.

Hành vi ngược đãi tàu cá và ngư dân Việt Nam tại khu vực này không chỉ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa mà còn vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế về đối xử nhân đạo đối với tàu cá và ngư dân trên biển. Rõ ràng, Bắc Kinh đã “đổi trắng, thay đen” bịa đặt ra cái gọi là tàu cá Việt Nam xâm nhập vào khu vực nội địa, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc để đánh lừa dư luận phục vụ cho mưu đồ xấu xa của họ độc chiếm Biển Đông.

Báo cáo của Trung Quốc nói hoạt động của các tàu cá Việt Nam trong những năm gần đây “ngày càng tràn lan và gia tăng về số lượng”; số lượng tàu cá Việt Nam có hoạt động xâm nhập vào tháng 2 vừa qua đã tăng ít nhất là gấp đôi so với tháng trước đó. Thậm chí trong phần kết luận, báo cáo còn vu khống hoạt động của tàu cá Việt Nam “hoàn toàn vi phạm chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, vi phạm các luật quốc tế liên quan, trong đó có Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Cần phải khẳng định rằng chính Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ theo Hiến chương Liên hợp quốc khi sử dụng vũ lực để đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa đang do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý; Bắc Kinh vi phạm UNCLOS và các luật quốc tế khác liên quan khi họ vạch đường cơ sở thẳng xung quanh quần đảo Hoàng Sa và đòi hỏi vùng biển tính từ đường cơ sở thẳng, đồng thời vi phạm những quy định của luật pháp quốc tế về đối xử nhân đạo với ngư dân, tàu cá như đã nêu ở trên.

Một số nhà quan sát thì cho rằng việc Trung Quốc công bố Báo cáo của SCSPI vào đúng thời điểm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ đến Đà Nẵng cho thấy có một sự tính toán “đầy ý đồ” của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Đây là cách làm “rung cây dọa khỉ” thường thấy của Trung Quốc. Động tác như thế là để đáp lại việc tàu của Mỹ đến thăm cảng Tiên Sa, cảnh cáo Việt Nam đừng có đi với Mỹ.

Không loại trừ đây là việc làm chuẩn bị cho những hành động phiêu lưu mới ở Biển Đông, nhất là trong bối cảnh họ đang tức tối trước những tiến triển mới của quan hệ Việt – Mỹ. Lâu nay, Bắc Kinh thường dùng chiêu bài dùng truyền thông để vu cáo, đổ lỗi cho đối phương rồi lấy cớ đó để thực hiện các hành động gây hấn.

Nhớ lại bài học lịch sử gần đây nhất, trước khi tấn công trên biên giới phía Bắc Việt Nam tháng 2/1979, từ năm 1977, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã sử dụng cỗ máy tuyên truyền vu cáo Việt Nam “xua đuổi, bài xích người Hoa” để lấy cớ tấn công toàn diện dọc theo tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc để thực hiện cái gọi là “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Thời gian gần đây do Bắc Kinh phải tập trung chống dịch viêm phổi virus corona nên tình hình Biển Đông có vẻ sóng yên biển lặng. Nay Bắc Kinh đã từng bước khống chế được dịch bệnh. Trong trường hợp họ cơ bản giải quyết được tình hình dịch bệnh thì không loại trừ khả năng sẽ gây ra vụ việc gây hấn nào đó ở Biển Đông. Hà Nội cần hết sức cảnh tỉnh.

http://biendong.net/bien-dong/33816-canh-giac-truoc-viec-tq-co-hanh-dong-gay-han-moi-o-bien-dong.html