Tin Biển Đông – 29/11/2016
Đài Loan diễn tập ở biển Đông, Trung Quốc dịu giọng
Đài Loan hôm 29/11 tiến hành cuộc thao dượt cứu hộ, cứu nạn ở ngoài khơi hòn đảo duy nhất mà Đài Bắc kiểm soát ở Trường Sa, nhưng Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền lớn nhất ở biển Đông, tỏ ra có thái độ mềm mỏng hơn trước.
Hãng tin Reuters tường thuật rằng trong cuộc diễn tập ngoài khơi hòn đảo mà Đài Bắc gọi là Itu Aba hay Thái Bình, mà Việt Nam gọi là đảo Ba Bình, các tàu tuần duyên và trực thăng của hải quân Đài Loan đã thực hiện các hoạt động ứng cứu các thủy thủ bị thương trên một chiếc tàu bị hỏa hoạn rồi sau đó đưa họ tới một bệnh viện nhỏ trên hòn đảo mà Đài Loan kiểm soát ở biển Đông.
Khi được hỏi về động thái của Đài Loan, hôm 29/11 phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng nói “người dân Trung Quốc ở cả hai bờ eo biển Đài Loan có nhiệm vụ phải chung sức bảo vệ tài sản của tổ tiên”.
Reuters dẫn lời các chuyên gia nói rằng Bắc Kinh cũng muốn Đài Bắc củng cố chủ quyền đối với Ba Bình, hòn đảo lớn nhất ở Trường Sa, vì Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh ly khai có thể bị cưỡng chế bằng vũ lực để trở về với đại lục.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa có phản ứng về cuộc diễn tập mới nhất của Đài Loan. Tuy nhiên, hồi tháng Chín, Bộ này lên tiếng phản đối Đài Loan “chiếm đóng và tiến hành các hoạt động” trên đảo Ba Bình.
Bộ Quốc phòng Đài Loan trước đó cho biết đã yêu cầu Google làm mờ các hình ảnh về một số cơ sở xây cất trên Biển Đông, theo hãng tin Reuters.
http://www.voatiengviet.com/a/dai-loan-dien-tap-o-bien-dong-tq-diu-giong/3616017.html
Trung Quốc ‘có thể
cùng tác chiến ở biển Đông và Hoa Đông’
Một cổng thông tin của Trung Quốc mới đây dẫn lời quan chức quân sự cấp cao nói rằng quân đội nước này có khả năng đồng thời tham chiến trên cả hai vùng biển hiện đang trong vòng tranh chấp với nhiều nước như Việt Nam và Nhật Bản.
Chuẩn đô đốc Duẫn Trác được trang China.org.cn nói rằng khả năng đó của không quân nước này được thể hiện rõ qua cuộc tập trận thường lệ ở tây Thái Bình Dương hôm 25/11, với các chuyến bay đồng thời giữa eo biển Bashi giữa Đài Loan và Philippines ở biển Đông, cũng như eo biển Miyako ở biển Hoa Đông.
Vị chuẩn đô đốc được trích lời nói rằng “bay qua hai eo biển cùng một lúc thực sự là một thách thức lớn đối với không quân Trung Quốc”.
Tuy nhiên, theo ông Duẫn, “kể cả khi chiến tranh bùng ra đồng thời ở biển Đông và biển Hoa Đông, không quân nước này vẫn có khả năng tham chiến”.
Trong khi đó, phát ngôn viên của không quân Trung Quốc hôm 26/11 nói rằng lực lượng này sẽ duy trì cũng như nâng cao “khả năng chiến lược theo quyền lợi quốc gia của Trung Quốc”.
Trước những động thái căng thẳng trên biển Đông, theo Số liệu của Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế (SIPRI) ở Stockholm, Thụy Điển, Việt Nam thời gian qua đã tậu máy bay chiến đấu thế hệ mới, tên lửa đất đối không, radar phòng không, tàu ngầm, ngư lôi…
Theo SIPRI, 43 trong số 50 tên lửa klub chống tàu Việt Nam đặt mua của Nga đã được bàn giao từ năm 2013 tới năm 2015. Các phi đạn này được trang bị cho các tàu hộ vệ Gepard và tàu hộ tống Tarantul mà Hà Nội cũng mua của Moscow.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đặt mua và đã được Nga giao 3 hệ thống tên lửa đất đối không Pechora. Việt Nam cũng đã “tậu” 400 quả tên lửa phòng không của Nga và đã được bàn giao.
Ông Trần Bang, một cựu chiến binh ở Sài Gòn, nói với VOA Việt Ngữ rằng việc gia tăng chi tiêu quân sự cho thấy “Việt Nam đã ý thức được mối đe dọa ngoại xâm”.
Ông nói thêm:
“Việc tăng cường tiềm lực quốc phòng là cần thiết để phòng vệ. Mối đe dọa đó thì chắc chắn ai cũng biết rồi. Việc trực tiếp gây hấn những năm gần đây rõ ràng chỉ có Trung Quốc. Việc chi tiêu quốc phòng, đứng cạnh một nước lớn, lúc nào cũng đến tôn tạo biển đảo, xây sân bay, đưa tên lửa, đưa pháo ra Hoàng Sa, Trường Sa, gần như là áp sát, đe dọa đến an ninh quốc phòng của Việt Nam thì Việt Nam phải tăng cường quốc phòng là đúng”.
Hồi tháng Tám, Việt Nam kêu gọi “không đe dọa sử dụng vũ lực”, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc kêu gọi nhân dân chuẩn bị cho “chiến tranh trên biển”.
Cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Á châu thuộc một viện nghiên cứu của Mỹ ở thủ đô Washington mới đây đã công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy Việt Nam đã mở rộng đường băng ở quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc sau đó đã phản đối hành động này, dù Hà Nội chưa lên tiếng xác nhận hay bác bỏ thông tin trên.
http://www.voatiengviet.com/a/tq-co-the-cung-tac-chien-o-bien-dong-va-hoa-dong/3615892.html
Trung Quốc làm phim sinh thái Biển Đông,
thu hút đầu tư ở ‘Tam Sa’
Báo chí Trung Quốc hôm 28/11 cho hay các nhà làm phim nước này sắp thực hiện bộ phim về sinh thái biển ở Biển Đông.
Bộ phim sẽ được làm dưới dạng phim tài liệu, với tựa đề “Beautiful South China Sea, My Home” (tạm dịch “Biển Hoa Nam xinh đẹp, ngôi nhà của tôi”).
Trong buổi họp báo tại Hội chợ Du lịch Biển Quốc tế ở Hải Nam (Trung Quốc) hôm 26/11, ông Yao Hongzhao, đứng đầu Hiệp hội Bảo vệ San hô và Sò Hải Nam cho biết các thành viên của nhóm làm phim đều là những người tình nguyện, trong đó có một nhiếp ảnh gia dưới nước.
Trong khi đó tại thành phố Tam Sa, Phó Thị trưởng cho biết thành phố này đã thu hút được 16 trong số 500 công ty lớn nhất thế giới đến đầu tư.
Tuyên bố của giới chức Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực gia tăng sự hiện diện nhằm khẳng định chủ quyền trên tuyến thủy lộ quan trọng và sôi động ở Biển Đông.
Theo lời Phó Thị trưởng Tam Sa, tổng cộng đã có 157 doanh nghiệp đầu tư vào thành phố với tổng số vốn lên đến hơn 3 tỷ nhân dân tệ (khoảng 435 triệu đôla), giúp cho thành phố này thu về hơn 1,53 tỷ nhân dân tệ tiền thuế.
Doanh nghiệp đầu tư vào Tam Sa hoạt động trong nhiều lĩnh vực, bao gồm nông nghiệp, du lịch, hàng không, giao thông và văn hóa.
Tin cho hay các ngân hàng lớn của Trung Quốc như Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Ngân hàng Trung Quốc, cũng đã mở chi nhánh trên hòn đảo này.
Thành phố Tam Sa được thành lập vào năm 2012 trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Mục tiêu thành lập Tam Sa là để quản lý các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough, khu vực mà ngoài Việt Nam còn có Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei tuyên bố chủ quyền chồng chéo nhau.
Kể từ khi thành lập, Trung Quốc đã xây dựng các tuyến đường giao thông, bệnh viện, trường học, nhà máy xử lý nước và các cơ sở khác trên đảo này.
Theo Tân Hoa Xã, The Straits Times/ANN