Tin Biển Đông – 29/05/2018
Quan hệ quân sự Mỹ-Trung lại gặp sóng gió
Ngày 23/05/2018, Hoa Kỳ thông báo đã rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận đa quốc gia ở Thái Bình Dương. Theo Lầu Năm Góc, quyết định này là nhằm phản đối việc Bắc Kinh tiếp tục quân sự hóa các đảo tranh chấp ở Biển Đông, cụ thể là đã triển khai các tên lửa chống hạm và tên lửa địa đối không ở Trường Sa, cũng như lần đầu tiên cho oanh tạc cơ đáp xuống một đảo ở Biển Đông.
Tập trận Vành đai Thái Bình Dương-RIMPAC là cuộc tập trận đa quốc gia, diễn ra hai năm một lần tại vùng biển quanh Hawai. Đây là cuộc tập trận trên biển lớn nhất thế giới, với sự tham gia của gần 30 nước. Cuộc tập trận RIMPAC năm nay dự trù diễn ra từ ngày 27/06 đến 02/08. Hải quân Trung Quốc đã từng tham gia cuộc tập trận này hai lần, vào năm 2014 và năm 2016.
Hoa Kỳ không mời Trung Quốc tham gia RIMPAC năm nay nữa với lý do chính thức là tiến độ quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc đang tăng tốc, với mục tiêu ngày càng rõ nét là chống lại sự hiện diện quân sự của Mỹ tại vùng biển này. Việc triển khai các tên lửa chống hạm và tên lửa phòng không chính là nhắm vào các hoạt động do thám của quân đội Hoa Kỳ đối với hải quân Trung Quốc, đặc biệt là căn cứ tàu ngầm nguyên tử ở Hải Nam.
Còn về những oanh tạc cơ chiến lược H6-K mà Trung Quốc vừa cho đáp xuống đảo Phú Lâm, những máy bay này không chỉ có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân, mà còn có thể mang theo các tên lửa diệt hạm và tên lửa hành trình tấn công trên bộ.
Khi thông báo quyết định rút lại lời mời Trung Quốc tham gia tập trận RIMPAC, bộ Quốc Phòng Mỹ đã kêu gọi Bắc Kinh “dỡ bỏ ngay lập tức các hệ thống vũ khí và ngưng tiến độ quân sự hóa các thực thể đang tranh chấp trên Biển Đông”.
Nhưng theo nhận định của tờ South China Morning Post, Bắc Kinh đã có ý đồ kiểm soát toàn bộ Biển Đông từ cách đây một thập niên. Việc Hoa Kỳ hạ cấp độ trong quan hệ quân sự với Trung Quốc sẽ không buộc được Bắc Kinh làm theo lời kêu gọi của Washington. Không những thế, Trung Quốc sẽ lại lấy cớ bị loại khỏi tập trận RIMPAC để tăng cường phòng thủ ở Biển Đông, chẳng hạn như triển khai thường trực các chiến đấu cơ phản lực hoặc triển khai lực lượng thủy quân lục chiến đồn trú trên quần đảo Trường Sa.
Nếu như việc Mỹ rút lại lời mời Trung Quốc tham gia tập trận RIMPAC sẽ chẳng có ảnh hưởng gì đến chính sách của Bắc Kinh về Biển Đông, vậy thì có lý do nào khác khiến Washington ra quyết định như vậy?
Theo South China Morning Post, trong chuyện này, Hoa Kỳ làm giống như Trung Quốc, tức là gắn hợp tác quân sự với các hồ sơ khác trong quan hệ song phương. Mỗi lần Washington bán vũ khí cho Đài Loan, Bắc Kinh vẫn trả đũa bằng cách đình chỉ quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ. Nay Mỹ cũng gắn hồ sơ Biển Đông với quan hệ quân sự Mỹ-Trung. Nói cách khác, quân sự hóa Biển Đông có thể chỉ là cái cớ để Washington giảm bớt tầm mức của quan hệ quốc phòng với Bắc Kinh.
Quyết định của Mỹ, theo South China Morning Post, có thể tạo ra một tiền lệ trong quan hệ Mỹ-Trung. Nhưng hiện chưa rõ là sau việc rút lại lời mời Trung Quốc tham gia tập trận RIMPAC, Hoa Kỳ sẽ thi hành những biện pháp nào kế tiếp. Dầu sao thì vụ RIMPAC cho thấy quan hệ quân sự Mỹ-Trung không còn mang tính ổn định nữa, mà có thể trồi sụt bất cứ lúc nào.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180529-quan-he-quan-su-my-trung-lai-gap-song-gio
Biển Đông : Tạo rủi ro khi khoan dầu,
Trung Quốc muốn bóp nghẹt kinh tế Việt Nam
Reuters nhận xét, một số lô dầu ngoài khơi Việt Nam lại nằm lọt trong phạm vi đường lưỡi bò do Trung Quốc tự vẽ ra ở Biển Đông, để yêu sách chủ quyền hầu hết diện tích vùng biển quan trọng này.
Tuần trước, Rosneft Vietnam BV, chi nhánh của tập đoàn dầu khí Nga Rosneft tiến hành khoan thăm dò tại một lô khí đốt ở ngoài khơi làm Bắc Kinh tức giận. Hôm 17/05/2018, Rosneft tuyên bố khu vực Biển Đông mà tập đoàn này có giấy phép khai thác « nằm bên trong vùng lãnh hải của Việt Nam », khẳng định chỉ tiến hành các hoạt động « trên thềm lục địa của Việt Nam ».
Bộ Ngoại Giao Việt Nam lập tức tuyên bố lô khí đốt 06.01 « hoàn toàn thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam », cảnh báo Bắc Kinh phải tôn trọng chủ quyền của nước mình.
Dầu khí, nguồn thu quan trọng để Việt Nam phát triển kinh tế
Hồi tháng Ba, Việt Nam đã phải cho ngưng một dự án khoan dầu ở gần mỏ Cá Rồng Đỏ (Red Emperor) do áp lực của Trung Quốc. Đây là một phần của lô 07.03 tại khu vực Bể Nam Côn Sơn ở ngoài khơi Vũng Tàu, có tiềm năng cung cấp gần 30.000 thùng dầu và 60 triệu mét khối khí mỗi ngày. Tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha đã chi trên 40 triệu đô la cho việc thăm dò mỏ này.
Đọc thêm: Căng thẳng Việt-Trung do Bắc Kinh ngang ngược về dầu khí Biển Đông
Trước đó vào tháng 7/2017, Trung Quốc đe dọa tấn công các căn cứ quân sự của Việt Nam tại Trường Sa, do Repsol chuẩn bị khoan thăm dò lô 163-3 ở bãi Tư Chính. Repsol liên doanh với Mubadala Development Co. (Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất), đã chi ra ít nhất 27 triệu đô la (có tin cho rằng đến 300 triệu đô la), nhưng Hà Nội đành phải cho ngưng khoan, khi tướng Trung Quốc Phạm Trường Long giận dữ bỏ về nước không tham gia hoạt động giao lưu quốc phòng Việt-Trung.
Chuyên gia phân tích rủi ro Verisk Maplecroft nhận định, vụ Cá Rồng Đỏ là « một đòn nặng nề cho kỹ nghệ thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam, và việc chính quyền Hà Nội gọi thầu để tìm kiếm nguồn lợi dầu khí ngoài khơi mà Việt Nam hoàn toàn có quyền hợp pháp, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ».
Lãnh vực dầu khí rất quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam. Tập đoàn Dầu khí Quốc doanh Việt Nam, tức PetroVietnam, cung cấp đến 20% tổng sản phẩm nội địa (GDP), và chiếm 30% tổng thu nhập ngân sách của Hà Nội từ 1986 đến 2009.
Việt Nam có trữ lượng từ 3,3 tỉ đến 4,4 tỉ tấn dầu thô và khí đốt tại vùng biển của mình – theo PetroVietnam. Hiện nay mỗi năm tập đoàn này đang sản xuất ra 22 đến 33 triệu tấn dầu, từ các lô đang khai thác.
Theo công ty tư vấn Wood Mackenzie, nếu đường lưỡi bò gồm 9 đoạn của Trung Quốc được nối liền với nhau, thì sẽ cắt làm đôi hoặc nuốt gọn 67 lô dầu của Việt Nam. Cũng theo Wood Mackenzie, thì có bốn trong số các lô này đang sản xuất ra dầu thô, số còn lại đang ở các giai đoạn thăm dò hoặc khai thác khác nhau.
Bắc Kinh cố phá hoại phán quyết của Tòa Trọng tài trên thực tế
Yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Bất chấp sự phản đối kịch liệt của Bắc Kinh, Philippines vẫn tìm cách kiện đường lưỡi bò Trung Quốc trước Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Năm thẩm phán quốc tế năm 2016 đã trao cho Manila chiến thắng vang dội, qua việc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc, tuyên bố đường 9 đoạn do Bắc Kinh tạo ra để kiểm soát Biển Đông, là vô căn cứ.
Bắc Kinh vốn từ chối tham gia tranh tụng, lu loa rằng phán quyết của Tòa Trọng tài là trò hề, và tiếp tục đòi hỏi quyền tài phán trên hầu hết diện tích Biển Đông, cho dù vẫn chưa nối liền 9 đoạn của đường lưỡi bò.
Trung Quốc và các nước khác yêu sách chủ quyền Biển Đông đã có bàn bạc về việc cùng khai thác năng lượng trên vùng biển tranh chấp, nhưng không đi đến đâu do vấn đề chủ quyền.
Tháng trước, Philippines cho biết đang tìm kiếm hợp tác với Trung Quốc trong vài tháng để cùng thăm dò dầu khí tại Biển Đông.
Tuy nhiên trong lúc Trung Quốc tỏ ra nhập nhằng, không cụ thể hóa các yêu sách, vùng biển bao quanh các mỏ dầu ở đông nam Việt Nam từ lâu vẫn là điểm nóng.
Bắc Kinh luôn cố tìm cách ngăn trở các hoạt động của Việt Nam, thông qua việc đe dọa trong hậu trường, và đôi khi còn phô trương cơ bắp trên biển.
Việc Trung Quốc đe dọa ngầm chính quyền Việt Nam đặc biệt dữ dội vào năm 2007 và 2008. Tập đoàn Mỹ ExxonMobil Corp không khuất phục trước áp lực, nhưng tập đoàn Anh BP và các công ty dầu khí khác đành phải rút lui khỏi một số lô. Bắc Kinh hăm dọa không bảo đảm cho khối tài sản 4,2 tỉ đô la của BP tại Hoa lục, cũng như an toàn cho đội ngũ công nhân kỹ thuật của tập đoàn Anh tại khu vực « tranh chấp ».
Đọc thêm: Liệu Trung Quốc sẽ phá dự án Cá Voi Xanh của ExxonMobil tại Việt Nam ?
Ông Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông của ISEAS Yusof Ishak Institute ở Singapore nhận xét, phản ứng của Trung Quốc trước việc Rosneft khoan thăm dò « hoàn toàn là một thử nghiệm, xem Bắc Kinh có thể dấn tới đến đâu. Đó là cách thức của Trung Quốc, nhằm cố gắng phá hoại toàn bộ phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 trên thực tế ».
Quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông
Các nhà ngoại giao Việt Nam và quốc tế đều cho rằng các nỗ lực của Hà Nội nhằm thu hút các tập đoàn nước ngoài tham gia thăm dò, khai thác dầu khí, là một phần của chiến lược đối phó với áp lực của Trung Quốc, qua việc « quốc tế hóa » tranh chấp Biển Đông.
Vào tháng Năm và Sáu năm 2011, Hà Nội chính thức phản đối các hành động của những tàu « dân sự » Trung Quốc quấy nhiễu các tàu khảo sát địa chấn, thậm chí còn cắt cả cáp của một tàu thăm dò Na Uy đang hợp đồng với PetroVietnam.
Đọc thêm: Việt Nam đòi Trung Quốc rút giàn khoan, chấm dứt gây căng thẳng
Căng thẳng càng tăng lên vào tháng Năm năm 2014, các tàu tuần duyên và tàu cá của hai bên đâm va, rượt đuổi nhau, sau khi tập đoàn CNOOC (Chinese National Offshore Oil Corporation) của Trung Quốc cho kéo giàn khoan nước sâu khổng lồ Hải Dương Thạch Du (Haiyang Shi You) 981 đến khoan thăm dò tại vùng biển Hoàng Sa. Sau đó Bắc Kinh phải cho rút giàn khoan này đi, trước làn sóng biểu tình bạo động chống Trung Quốc ở Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng dầu thô của Việt Nam trong năm đó là 15,53 triệu tấn. Đến năm 2017, sản lượng bị giảm xuống chỉ còn 13,567 triệu tấn dầu thô, tức giảm 12,6%.
Tháng Tư năm nay, PetroVietnam cho biết tình hình căng thẳng trên biển với Trung Quốc đã ảnh hưởng đến việc thăm dò ngoài khơi và các hoạt động sản xuất trong năm 2018, khiến việc khoan khảo sát của Rosneft trở nên đặc biệt quan trọng.
Nga sẽ không bị Trung Quốc kèn cựa ?
Nhờ quan hệ đối tác với Liên Xô cũ, Việt Nam mới khởi động thăm dò trữ lượng dầu của mình. Với logo mang ngôi sao vàng của Việt Nam và hình búa liềm của Liên Xô, Liên doanh Dầu khí Việt-Xô tức Vietsovpetro đã được thành lập vào năm 1981. Liên doanh này bắt đầu khảo sát thềm lục địa Việt Nam, và phát hiện ra mỏ dầu đầu tiên của đất nước là mỏ Bạch Hổ năm 1984.
Anton Tsvetov, nhà phân tích về Đông Nam Á của think tank độc lập Centre for Strategic Research (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược) ở Mátxcơva nhận định, trái với những quốc gia khác, các lợi ích về dầu khí của Nga trong khu vực có vẻ được để yên.
Theo chuyên gia Tsvetov, ngoài các tuyên bố chính thức, khó thể có việc Trung Quốc gây sức ép trực tiếp lên Rosneft hay chính phủ Nga về việc khoan thăm dò tại Việt Nam mới đây. Ông nói : « Hiện nay Trung Quốc và Nga có mối quan hệ rất chặt chẽ, và vấn đề năng lượng là ưu tiên hàng đầu. Cho nên tôi nghĩ rằng sẽ rất bất thường nếu Trung Quốc gây rắc rối cho một tập đoàn dầu khí lớn như thế của Nga ».
Trung Quốc vận hành lưới điện đầu tiên ở Biển Đông
Lưới điện đầu tiên của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa trên Biển Đông đã đi vào hoạt động hôm 5/27, trong một động thái tờ Hoàn cầu Thời báo nói rằng “có lợi cho việc phát triển quân sự và dân sự trong khu vực”.
Tờ báo này nói rằng lưới điện nhỏ này nâng khả năng cung cấp điện năng trên hòn đảo thêm 8 lần.
Mạng lưới điện này sau đó có thể được phát triển thành một trung tâm kiểm soát các lưới điện khác trên các hòn đảo khác ở Biển Đông, theo Global Times.
Trang tin Asia Times viết rằng bản tin của Tân Hoa Xã và Nhân dân Nhật báo “không úp mở thực tế rằng các mạng lưới này sẽ cung cấp điện cho các cơ sở quân sự mà Bắc Kinh xây dựng trên các hòn đảo nước này tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông”.
Trang này cũng cho rằng mạng lưới điện ổn định là điều “sống còn” tại các kho vũ khí và quân sự trên các đảo vì chúng giúp xử lý vấn đề nhiệt độ và độ ẩm cao cũng như nhiễm mặn.
Công ty dầu Rosneft
trong quan hệ tay ba Việt Nam, Trung Quốc, và Nga
Kính Hòa RFA
Giữa tháng 5/2018, Công ty dầu khí của Nga là Rosneft lên tiếng lo ngại về sự đe dọa của Trung Quốc, vì công ty này đang thăm dò dầu khí với Việt Nam nhưng tại một vị trí mà Trung Quốc bao gồm vào tuyên bố chủ quyền đơn phương của mình trên Biển Đông.
Trước đó, cũng rơi vào một trường hợp tương tự, Công ty dầu khí Tây Ban Nha là Repsol phải rút đi.
Sau đây là phân tích của Giáo sư Ngô Vĩnh Long, từ Đại học Maine, Hoa Kỳ về vấn đề này.
Kính Hòa: Đã hơn một tuần sau khi Rosneft lo lắng về sự đe dọa của Trung Quốc, không thấy có chuyện rút giàn khoan như Repsol. Có thể là sự hậu thuẫn của nhà nước Nga có sức mạnh hơn chăng?
Giáo sư Ngô Vĩnh Long: Đúng là Rosneft có hậu thuẩn của nhà nước Nga, nhưng chính phủ Nga chưa có tuyên bố gì về việc nầy. Rosneft cũng chưa lên tiếng, vì dẫu Rosneft có muốn rút giàn khoan đi nữa thì khó có thể tự mình làm được nếu không được chính phủ Nga và chính phủ Việt Nam đồng ý.
Có nhiều lý do, nhưng một trong những lý do chính là đã có ký kết giữa chính phủ Nga và chính phủ Việt Nam về việc hai bên bảo vệ những công ty dầu khí Nga hoạt động trong lãnh hải của Việt Nam. Chính Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố như thế vào ngày 4 tháng tư năm 2015. Hai vị thủ tướng nầy cũng đã đồng ý và tuyên bố rằng những tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết một cách hoà bình trên cơ sở tôn trọng luật quốc tế, trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Sau đó thì phán quyết của Toà Trọng Tài Thường Trực (Permanent Court of Arbitration, PCA) vào tháng 7 năm 2016 nêu rõ rằng Trung Quốc không có cơ sở lịch sử và luật pháp ở Biển Đông cho nên đường lưỡi bò của Trung Quốc là phi pháp. Nay nếu Rosneft có muốn rút giàn khoan ra khỏi khu vực trong thêm lục địa của Việt Nam trước sự đe doạ của Trung Quốc thì chính phủ Nga và chính phủ Việt Nam khó có thể bằng lòng vì để cho Rosneft làm như thế thì khác gì chấp nhận đường lưỡi bò của Trung Quốc và gián tiếp phủ nhận UNCLOS, phán quyết của PCA và hiệp định giữa Việt Nam và Nga về bảo vệ các công ty dầu khí của Nga như đã đề cập đến ở trên.
Chính phủ Nga sẽ im lặng làm như không có gì. Trong khi đó thì Trung Quốc sẽ không dám quyết liệt đối với Rosneft nếu Việt Nam lên tiếng mạnh và cảnh báo với dư luận quốc tế.
-Giáo sư Ngô Vĩnh Long.
Thêm vào đó thì chính phủ Nga gần đây lại muốn có mặt ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nói chung, và khu vực Đông Nam Á, nói riêng. Ở toàn bộ khu vực nầy nước thân nhất với Nga từ trước đến nay là Việt Nam. Nếu vì lợi ích thương mại hay chiến lược với Trung Quốc gần đây mà Nga để cho Rosneft rút giàn khoan trước sự đe doạ của Trung Quốc thì Nga không những làm mất tin tưởng đối với Việt Nam mà cũng làm mất cơ hội cho việc cải thiện bang giao với các nước khác trong khu vực.
Riêng về Rosneft thì đây là công ty dầu khí lớn nhất thế giới, cho nên có quan hệ với rất nhiều hãng dầu trên thế giới, ví dụ như British Petroleum có 19.75% cổ phần của Rosneft, cũng như có cơ sở khai thác dầu ở nhiều nước trên thế giới. Riêng trong nước Nga thì Rosneft sản xuất hơn 40% tổng lượng dầu, khoảng 4,200 nghìn thùng/barrels mỗi ngày. Năm 2013 Rosneft sản xuất khoảng 40 tỷ mét khối khí, và là công ty sản xuất khí lớn thứ 3 ở Nga. Ở Việt Nam đầu tư của Rosneft là khoảng 1,3 tỷ Mỹ kim ở vùng Nam Côn Sơn vào cuối năm 2013 và năm 2014 sản xuất gần 4 tỷ mét khối khí và 880 nghìn thùng dầu. Nhưng vì vấn đề Ukraine nên Mỹ và các nước EU đã cấm vận một số công ty dầu của Nga, trong đó có Rosneft, là không được vay nợ bằng Mỹ kim qua thị trường chứng khoán của Mỹ hay mua trái phiếu của Mỹ. Để có vốn sản xuất Rosneft năm 2013 đã bắt đầu ký hợp đồng bán dầu lấy tiền trước khoảng 60 đến 70 tỷ Mỹ kim cho Trung Quốc. Có thể vì lý do nầy mà Trung Quốc đe doạ việc Rosneft khoan dầu ở Việt Nam để bắt bí Rosneft cũng như để nắn gân Nga trong giai đoạn Nga đang lấn cấn với Mỹ.
Nhưng đánh giá của tôi thì chính phủ Nga sẽ im lặng làm như không có gì. Trong khi đó thì Trung Quốc sẽ không dám quyết liệt đối với Rosneft nếu Việt Nam lên tiếng mạnh và cảnh báo với dư luận quốc tế.
Kính Hòa: Từ phân tích này thì có thể đặt câu hỏi là liệu VN có thể dùng nước Nga như một sự răn đe và cân bằng với Trung Quốc ơ Biển Đông ?
Giáo sư Ngô Vĩnh Long: Việt Nam không thể dùng nước Nga để răn đe hay cân bằng Trung Quốc ở Biển Đông vì, nếu Nga có muốn đi nữa, thì cũng “nước xa, lửa gần.” Nhưng Việt Nam có thể làm cho Nga không thể ngã về phía Trung Quốc bằng cách công khai và cương quyết dựa vào luật pháp và quan hệ quốc tế, trong đó có Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ, Úc và các nước trong khối ASEAN.
Để có vốn sản xuất Rosneft năm 2013 đã bắt đầu ký hợp đồng bán dầu lấy tiền trước khoảng 60 đến 70 tỷ Mỹ kim cho Trung Quốc.
-Giáo sư Ngô Vĩnh Long.
Kính Hòa: Vừa qua có đại biểu quốc hội VN nói rằng kinh tế VN không phụ thuộc vào dầu thô. Điều này đúng không?
Giáo sư Ngô Vĩnh Long: Tôi không hiểu các ông đại biểu Quốc hội Việt Nam nầy lấy số thống kê ở đâu, hay tính toán như thế nào, mà nói rằng kinh tế Việt Nam không phụ thuộc vào dầu thô. Hàng năm sản xuất dầu ở Việt Nam trị giá bằng 20% GDP (tổng thu nhập quốc gia) và khoảng 30% toàn bộ ngân sách của chính phủ. Theo số liệu của Tổng Cục Thống Kê thì năm 2014 khi Công ty dầu quốc gia ngoài khơi của Trung Quốc (Chinese National Offshore Oil Corp., CNOOC) đem giàn khoan đến khu vực đảo Tri Tôn thì Việt Nam sản xuất gần 16 triệu tấn. Đến năm 2017, vì bất ổn ở Biển Đông, sản xuất ở Việt Nam tụt xuống còn 13,567 triệu tấn, và đã gây khó khăn cho nền kinh tế cũng như đã bắt buộc chính phủ tăng giá xăng và thuế xăng. Do đó, Việt Nam cần phải hợp tác với các công ty dầu nước ngoài, trong đó có Rosneft, để bảo đảm việc sản xuất dầu hầu bảo vệ an ninh cho nền kinh tế và cho xã hội.
Riêng về khí cuối năm 2016 Công ty Dầu Khí Việt Nam đã sản xuất hơn 100 tỷ mét khối khí. Khí đặc biệt quan trọng trong việc sản xuất điện ở Việt Nam vì 30% điện lực ở Việt Nam là do dùng khí đốt. Trong khi đó thì khí cũng dùng trong việc chế tạo 70% tổng số phân bón sử dụng trong nước. Chỉ nói riêng về khí đốt thì việc sản xuất điện lực và phân bón đã góp phần không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ngo-vinh-long-vietnam-china-russia-05292018112824.html