Tin Biển Đông – 29/03/2018
TQ phô trương 40 chiến hạm ở Biển Đông
Hàng chục tàu chiến cùng một hàng không mẫu hạm Trung Quốc đang tập trận ở Biển Đông, các hình ảnh chụp từ vệ tinh do Reuters thu thập được cho thấy.
Ảnh vệ tinh chụp hôm thứ Hai 26/3 do Planet Labs Inc cung cấp cho thấy hàng không mẫu hạm Liêu Ninh đang cùng chừng 40 tàu chiến và tàu ngầm đã đi vào phía Nam đảo Hải Nam trong đợt phô trương sức mạnh mới nhất của Trung Quốc.
Trước đó, hải quân Trung Quốc mô tả đây là cuộc diễn tập thường niên.
Nhưng nay, có nguồn tin nói họ sẽ diễn tập hàng tháng, theo một tờ báo Úc trích lại Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc.
Xếp theo đội hình thẳng, một đội hình phù hợp hơn với phô diễn quân sự hơn là tác chiến, nhóm tàu có vẻ được dẫn đầu bởi các tàu ngầm, với phi cơ bay ở phía trên.
Vụ Repsol: Việt Nam đừng mong Mỹ quan tâm?
Việt Nam ‘bỏ Cá Rồng Đỏ’ ở Biển Đông
TQ tập trận ‘sẵn sàng cho chiến tranh’ ở Biển Đông
Tàu Mỹ ‘thăm Đá Vành Khăn’ sau lệnh trừng phạt
Hôm 26/3, Tân Hoa Xã công bố hình ảnh Không quân Quân Giải phóng ‘diễn tập sẵn sàng chiến đấu’ ở Biển Đông và Tây Thái Bình Dương.
“Việc tập trận của lực lượng không quân là nhằm tập dượt cho các cuộc chiến trong tương lai và là công tác chuẩn bị trực tiếp nhất cho việc chiến đấu,” thông cáo của Không quân Trung Quốc viết hôm 25/3.
Tờ Hoàn cầu Thời báo của nhà nước Trung Quốc cũng công bố nhịp độ tập trận dầy đặc hơn trong 2018.
“Các cuộc tập trận trong 2018 sẽ là thường lệ, và diễn ra hàng tháng, không như những năm trước,” nhà phân tích quân sự Tống Trung Bình được trích lời cho hay.
Theo bài đăng hôm 26/3 trên trang The Diplomat, mặc dù Hải quân Trung Quốc nói đợt diễn tập này “không nhắm vào một nước cụ thể nào,” tuyên bố này được đưa ra cùng ngày tàu hải quân USS Mustin của Mỹ tiến vào khu vực 12 hải lý sát một đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp ở Quần đảo Trường Sa.
Việc tàu khu trục USS Mustin áp sát Mischief Reef (Việt Nam gọi là Đá Vành Khăn) để thực hiện hoạt động “tự do đi lại” khiến Bắc Kinh tức giận.
Ngay lập tức, cùng ngày, Bắc Kinh đã cử hai tàu hộ vệ ra xác định danh tính tàu Mỹ và ra cảnh báo yêu cầu tàu Mustin rời đi.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói việc áp sát Đá Vành Khăn là hành động khiêu khích từ phía Mỹ, và nói Trung Quốc cương quyết phản đối các hành động đó, điều mà Bắc Kinh nói là làm tổn hại quan hệ quân sự giữa hai quốc gia, Tân Hoa Xã tường thuật.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43555189
Việt Nam ngưng khai thác dầu ở biển Đông
do sức ép của Trung Quốc
PetroVietnam vừa yêu cầu công ty Repsol của Tây Ban Nha ngưng dự án khai thác dầu ở lô 07/03 thuộc mỏ Cá Rồng Đỏ, ngoài khơi Vũng Tàu của Việt Nam do sức ép từ Bắc Kinh. Hãng tin BBC loan tin này hôm thứ sáu ngày 23/3.
Theo BBC, quyết định ngưng khai thác đưa ra vào đúng lúc Repsol đang làm những bước chuẩn bị cuối cùng để khoan khai thác. Giàn khoan Ensco 8504 dự kiến sẽ rời Singapore để đến mỏ khoan vào thứ năm tuần này. Quyết định ngưng đột ngột có thể khiến Repsol và các đối tác của công ty này mất 200 triệu đô la đầu tư.
Repsol trước đó đã ước tính lô 07/03 có trữ lượng 45 triệu thùng dầu và 172 tỷ mét khối khí đốt.
Hiện Repsol và các công ty đối tác là PetroVietnam và Mubadala Petroleum chưa đưa ra bình luận nào về quyết định mới này.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng chưa có bình luận gì về thông tin mới. Tuy nhiên tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng bà không biết gì về thông tin Trung Quốc gây sức ép lên phía Việt Nam hay Repsol.
Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm qua, Việt Nam phải yêu cầu công ty nước ngoài ngưng dự án khai thác dầu khí ở biển Đông do sức ép từ Trung Quốc.
Hồi tháng 7 năm ngoái, Việt Nam cũng đã yêu cầu Repsol phải ngưng khai thác ở lô 136/03. BBC cho biết, vào lúc đó, chính Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch là những người kiên quyết yêu cầu Repsol ngưng khai thác để tránh đối đầu với Trung Quốc.
Lô 136/03 được cho là nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ ra ở biển Đông, đòi chủ quyền đến 90% diện tích khu vực này. Tòa Quốc tế hồi năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này.
Lô 07/03 được cho là cũng nằm rất gần với đường đứt khúc 9 đoạn.
Quan hệ Việt Nam và Trung Quốc hồi năm ngoái đã có lúc căng thẳng do Việt Nam muốn khai thác dầu tại hai lô này. Tướng Trung Quốc Phạm Trường Long đã cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 6 năm ngoái, và một giao lưu quốc phòng giữa hai nước cũng bị hủy bỏ vì Trung Quốc phản đối Việt Nam khai thác dầu.
Trung Quốc lúc đó cũng đã đe dọa sử dụng vũ lực đối với Việt Nam nếu Việt Nam không cho ngừng khoan thăm dò tại lô 136/03.
Việt Nam sau đó đã gửi đoàn làm việc sang Bắc Kinh, và quyết định ngưng khai thác được đưa ra sau chuyến thăm này.
Hoa Kỳ chuyển giao 6 xuồng tuần tra cho Việt Nam
Hoa Kỳ vừa chuyển giao cho Việt Nam sáu xuồng tuần tra Metal Shark trong chuyến thăm đầu tiên của Tư lệnh Tuần duyên Hoa Kỳ đến nước này, theo thông cáo báo chí từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội ngày 29/3.
Việc bàn giao sáu xuống tuần tra này diễn ra trong thời điểm Phó Đô đốc Fred M. Midgette, Tư lệnh lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ, đang có chuyến thăm Việt Nam.
VN muốn trấn an TQ về chuyến thăm của USS Carl Vinson
TQ ‘không vui’ với chuyến thăm VN của USS Carl Vinson?
Quan hệ quân sự Mỹ – Việt đang ‘trưởng thành’
Lễ bàn giao cơ sở vật chất và trang thiết bị trị giá 20 triệu đô la cho Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 diễn ra tại đảo Phú Quốc – điểm cực Tây Nam của Việt Nam – được xem là một cột mốc nữa trong quan hệ hợp tác đang phát triển giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, và thể hiện sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Việt Nam – ‘một đất nước hùng mạnh, thịnh vượng, độc lập, có đóng góp cho an ninh quốc tế và thượng tôn pháp luật’, theo thông báo báo chí của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội.
Các cơ sở vật chất và trang thiết bị được bàn giao bao gồm một trung tâm huấn huyện, một xưởng bảo dưỡng, một thang nâng xuồng, các phương tiện, máy mô phỏng hàng hải và 6 xuồng tuần tra phản ứng nhanh mới, có khả năng di chuyển với vận tốc tối đa 50 hải lý/giờ.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink phát biểu: “Mùa thu năm nay, chúng tôi dự kiến khởi công cơ sở của Vùng Cảnh sát biển 3 tại Vũng Tàu” và cho rằng đây “thực sự là một thời điểm đầy phấn chấn” trong mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Các thách thức trong khu vực và toàn cầu hiện nay bao gồm buôn lậu; buôn bán trái phép; cướp biển và cướp có vũ trang trên biển; đánh bắt cá trái phép, không có kiểm soát và không báo cáo; suy giảm môi trường và nhiều vấn đề khác.
Xuồng tuần tra Metal Shark của Vùng Cảnh sát biển 4 sẽ đóng vai trò ngăn chặn các tác nhân xấu với những vi phạm chống lại Việt Nam hoặc diễn ra trong khu vực gần Việt Nam.
Theo Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, quan hệ đối tác song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam tiếp tục phát triển đạt những tầm cao mới, với việc các Tổng thống Hoa Kỳ liên tiếp công du tới Việt Nam – Tổng thống Obama năm 2016 và Tổng thống Trump năm 2017; với chuyến thăm của quan chức quốc phòng cấp cao nhất – Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis – vào tháng 1 năm 2018; hay tàu sân bay Hải quân Hoa Kỳ USS Carl Vinson thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam vào đầu tháng này.