Tin Biển Đông – 28/09/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 28/09/2020

CNOOC bắt đầu khai thác mỏ dầu khí lớn ở Biển Đông

Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) cho biết đã bắt đầu khai thác dầu thô từ cụm mỏ Liuhua 16-2 tại khu vực đông Biển Đông. Dự kiến sẽ đạt sản lượng cao nhất khoảng 72.800 thùng/ngày vào năm 2022.

Theo thông tin tử báo Nhà nước Việt Nam loan hôm 28 tháng 9 năm 2020, tính đến cuối năm 2019, CNOOC chứng minh tổng trữ lượng tại khu vực đông Biển Đông xấp xỉ 644 triệu thùng dầu quy đổi, sản lượng trung bình đạt 242 ngàn thùng dầu quy đổi/ngày. Trong sáu tháng đầu năm 2020, CNOOC đã phát hiện thêm trữ lượng dầu khí đáng kể ở khu vực đông Biển Đông.

Theo nhận định của báo chí Việt Nam thì việc đưa cụm mỏ Liuhua 16-2 vào khai thác có thể nằm trong kế hoạch tham vọng của Trung Quốc trong việc thúc đẩy sản xuất dầu thô và khí đốt trong nước nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ bên ngoài.

Hồi tháng 7 năm 2020, truyền thông trong nước đưa tin Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) phát hiện mỏ Kèn Bầu – một mỏ dầu khí được cho là lớn nhất trong lịch sử của ngành trên Biển Đông, dự kiến sẽ bắt đầu khai thác năm 2028. Trước đó vào tháng 5 năm 2019, giếng khoan thăm dò Kèn Bầu đã được mở lỗ, đạt chiều sâu 3.603m và gặp tất cả các vỉa sản phẩm dự kiến với dấu hiệu dầu khí tốt trong khi khoan.

Cụ thể, mỏ Kèn Bầu – lô 114 nằm ở ngoài khơi thềm lục địa phía Bắc Việt Nam, thuộc bể sông Hồng, cách đất liền gần nhất thuộc tỉnh Quảng Trị 65km, cách Đà Nẵng khoảng 86km.

Việt Nam từng phải hủy hợp đồng thăm dò- khai thác dầu khí với Rosneft của Nga và Repsol của Tây Ban Nha do sức ép từ Trung Quốc.

Biển Đông là một trong những vùng biển được đánh giá có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn trên thế giới. Để khai thác nguồn tài nguyên này, nhiều nước trong khu vực đã đẩy mạnh hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên biển. CNOOC là tập đoàn dầu khí của Trung Quốc được nhận định có hoạt động mạnh nhất trong khu vực Biển Đông.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/cnooc-begins-to-exploit-large-oil-and-gas-fields-in-the-scs-09282020102115.html

 

Bộ Ngoại giao Mỹ:

‘Trung Quốc hứa suông về Biển Đông’

Ngày 27/9, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra tuyên bố nói rằng trái ngược với những gì Chủ tịch Tập Cận Bình hứa trước đây, Trung Quốc vẫn theo đuổi công cuộc quân sự hóa quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.

“Năm năm trước, vào ngày 25/9/2015, Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình đứng trong Vườn Hồng của Nhà Trắng và tuyên bố: “Trung Quốc không có ý định theo đuổi quân sự hóa” quần đảo Trường Sa, và các tiền đồn của Trung Quốc sẽ không “nhắm mục tiêu hoặc tác động đến bất kỳ quốc gia nào”, tuyên bố của Bộ Ngoại Hoa Kỳ cho biết.

“Thay vào đó, Trung Quốc đã theo đuổi một cuộc quân sự hóa liều lĩnh và khiêu khích các tiền đồn đang có tranh chấp, họ đã triển khai tên lửa hành trình chống hạm, mở rộng khả năng tình báo tín hiệu và radar quân sự, xây dựng hàng chục nhà kho máy bay chiến đấu và xây dựng đường băng có khả năng dùng cho máy bay chiến đấu”, tuyên bố viết.

Chính quyền Bắc Kinh chưa có phản ứng ngay, nhưng hồi tháng 8/2018, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lên tiếng bảo vệ quyết định quân sự hóa Biển Đông, gọi đó là hành động “tự vệ” trước áp lực từ Hoa Kỳ và các nước khác.

Bộ Ngoại giao Mỹ viết: “Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng các tiền đồn được quân sự hóa này như những nền tảng mang tính cưỡng ép để khẳng định quyền kiểm soát đối với các vùng biển mà Bắc Kinh không có chủ quyền hàng hải hợp pháp.”

Các tiền đồn này đóng vai trò là nơi tập trung hàng trăm tàu dân quân biển và tàu Cảnh sát biển Trung Quốc thường xuyên quấy rối tàu dân sự và cản trở các hoạt động thực thi pháp luật hợp pháp, đánh bắt xa bờ và phát triển hydrocarbon của các quốc gia láng giềng, vẫn theo tuyên bố của Bộ Ngoại Mỹ.

“ĐCSTQ không tôn trọng lời nói hoặc cam kết của mình. Trong những tháng gần đây, chúng tôi đã chứng kiến một số lượng lớn chưa từng có các quốc gia bày tỏ sự phản đối chính thức của họ tại Liên Hợp Quốc đối với các yêu sách chủ quyền hàng hải trái pháp luật của Trung Quốc ở Biển Đông,” Bộ Ngoại Mỹ khẳng định.

Ngay sau khi các nước châu Âu gửi công hàm lên LHQ bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm “bảo vệ tính toàn vẹn của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS”, Trung Quốc gửi công hàm lên LHQ hôm 18/9, trong đó Bắc Kinh lập luận rằng “UNCLOS không bao trùm hết mọi vấn đề” và một lần nữa khẳng định Trung Quốc “có quyền lịch sử đối với đường chín đoạn trên Biển Đông”.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng “phản đối hành vi nguy hiểm và không thể chấp nhận được này,” đồng thời nói rõ với ĐCSTQ rằng “chúng tôi sẽ buộc họ giải trình về hành vi đó”.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sát cánh với các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong việc “chống lại các nỗ lực mang tính cưỡng ép của Trung Quốc nhằm thiết lập quyền thống trị trên Biển Đông”.

https://www.voatiengviet.com/a/bo-ngoai-giao-my-trung-quoc-hua-suong-ve-bien-dong/5600443.html