Tin Biển Đông – 28/07/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 28/07/2020

Úc đang quyết liệt chưa từng thấy với TQ ở Biển Đông

Úc vừa chính thức bác hết mọi yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, thêm động thái quyết liệt can dự mạnh mẽ hơn – chỉ trong tháng 7 này: công bố Cập nhật chiến lược quốc phòng Úc 2020, đưa 5 tàu chiến ra Biển Đông tập trận với Nhật – Mỹ…

Dù không phải là một bên trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, Úc có lợi ích đan xen quan trọng về kinh tế, chính trị và chiến lược tại khu vực biển này.

Chính phủ Úc đã có những động thái thể hiện mức độ can dự mạnh hơn tại khu vực Biển Đông trong một vài tháng qua nhằm củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và luật biển quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Đây là tín hiệu đáng lưu ý trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động gây bất ổn và lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để củng cố yêu sách chủ quyền tại Biển Đông như đâm chìm tàu cá Việt Nam, cản trở hoạt động dầu khí của Malaysia và Việt Nam…

Tiếp cận thận trọng

Dù không phải là một bên trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, Úc có lợi ích đan xen quan trọng về kinh tế, chính trị và chiến lược tại khu vực biển này. Khoảng 60% hàng hóa xuất khẩu của Úc được vận chuyển qua khu vực Biển Đông.

Tuy nhiên, cho đến cuối năm 2019, sự can dự của Úc đối với vấn đề Biển Đông còn hạn chế, chủ yếu dừng lại ở bày tỏ quan ngại về các diễn biến gây căng thẳng tại khu vực Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc xây dựng các thực thể nhân tạo trên các thực thể tại hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam, và quân sự hóa các đảo nhân tạo đó. Đồng thời, Úc kín đáo phản đối yêu sách đường chín đoạn phi pháp của Trung Quốc.

Chính sách trên của Úc được lý giải là do sự tương thuộc về kinh tế lớn giữa Úc và Trung Quốc. Cho đến nay, Canberra vẫn lưỡng lự, chưa tham gia các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOP) cùng hải quân Mỹ dù Washington đã nhiều lần thúc giục.

Thay vào đó, Úc lặng lẽ tự tiến hành các hoạt động tuần tra trên không và trên biển, thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với phần lớn khu vực Biển Đông.

Thời gian qua, Úc chưa có tuyên bố rõ ràng về việc có ủng hộ lập trường cứng rắn của Mỹ: bác bỏ hầu hết yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao và thương mại Úc chỉ đưa ra một tuyên bố báo chí yêu cầu các bên tôn trọng luật pháp quốc tế (đặc biệt là UNCLOS 1982) và phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông.

Các bước đi đáng chú ý

Tuy nhiên, từ tháng 4-2020 đến nay, Úc đã có nhiều bước đi đáng chú ý. Trên thực địa, tàu chiến Úc HMAS Parramatta đã tham gia tập trận chung với tàu chiến Mỹ tại khu vực Biển Đông hồi tháng 4. Úc và Mỹ không cung cấp thông tin cụ thể về địa điểm tiến hành tập trận chung này.

Trong tháng 7-2020, 5 tàu chiến của Úc (HMAS Canberra, HMAS Hobart, HMAS Stuart, HMAS Arunta và HMAS Sirius) lần lượt đi qua khu vực Biển Đông, trong đó có khu vực quần đảo Trường Sa. Các tàu chiến này tham gia tập trận chung với tàu chiến Nhật Bản và Mỹ tại vùng biển Philippines từ ngày 19 đến 23-7 năm nay.

Hải quân ba nước lần đầu tiên phối hợp tại khu vực Biển Đông trong các hoạt động gồm tiếp nhiên liệu trên biển, tác chiến trên không, thao diễn trên biển và liên lạc trên biển.

Phó đề đốc Michael Harris, chỉ huy nhóm tàu chiến Úc, đánh giá cao cơ hội tập trận chung lần này và nhận định “các hoạt động phối hợp giữa hải quân ba nước thể hiện khả năng phối hợp tác chiến cao giữa Úc, Nhật và Mỹ”. Các tàu chiến này sẽ di chuyển đến Hawaii để tham gia cuộc tập trận hàng hải lớn nhất thế giới RIMPAC do Mỹ tổ chức.

Đặc biệt hơn, đầu tháng 7, Thủ tướng Scott Morrison công bố Cập nhật chiến lược quốc phòng Úc 2020 và Kế hoạch cấu trúc lực lượng. Theo đó, Úc sẽ tăng cường đầu tư nâng cao năng lực quân sự, đặc biệt là năng lực tấn công tầm xa (cho các hệ thống tên lửa hạt nhân tầm xa hiện đại, vũ khí tấn công trên không, tấn công tàu biển…) để đối phó với những thay đổi nhanh chóng của môi trường chiến lược tại khu vực mà thủ tướng Úc mô tả là “thách thức nhất kể từ những năm 1930”, “nguy hiểm hơn” và “bất ổn hơn”.

Vẫn còn khá sớm để dự đoán Canberra liệu sẽ có những bước đi mạnh mẽ hơn cùng với đồng minh Mỹ thách thức trên thực địa các hoạt động gây hấn và gây bất ổn định tại khu vực Biển Đông trong thời gian tới của Trung Quốc hay không. Tuy nhiên mức độ can dự gia tăng của Canberra thời gian qua là ngoài mong đợi, nếu so với các bước đi rất thận trọng trước đây, chủ yếu do những cân nhắc về mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh. Giới chức Trung Quốc nên điều chỉnh lại các hành vi của mình tại Biển Đông trước khi quá muộn.

http://biendong.net/bi-n-nong/36028-uc-dang-quyet-liet-chua-tung-thay-voi-tq-o-bien-dong.html

 

Chuyên gia Mỹ: Các bước cần làm để chống

Trung Quốc bắt nạt nước khác trên Biển Đông

Trọng Nghĩa

Ngay sau khi ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố lập trường chính thức “mới” của Hoa Kỳ hôm 13/07/2020, bác bỏ hầu hết các yêu sách biển của Trung Quốc tại Biển Đông, câu hỏi mà rất nhiều nhà quan sát đặt ra là liệu các tuyên bố cứng rắn của Washington có biến thành các hành động cụ thể để ngăn chặn tham vọng bành trướng của Bắc Kinh?

Trong bài phân tích “Đâu là những phương án cho vấn đề Biển Đông? – What Options are On the table in the South China Sea?” – đăng trên trang mạng War on The Rocks ngày 22/07/2020 – hai chuyên gia Mỹ Zack Cooper và Bonnie Glaser đã đề xuất một loạt biện pháp mà chính quyền Mỹ có thể thực hiện để chống lại những hành vi ỷ mạnh hiếp yếu của Trung Quốc đã bị coi là “phi pháp”.

Đối với Zack Cooper, chuyên gia thuộc viện nghiên cứu American Enterprise Institute, và Bonnie Glaser thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS ở Washington, thì một trong những điểm then chốt trong lập trường vừa được Mỹ làm rõ trở lại là Hoa Kỳ một mặt vẫn trung lập trên vấn đề chủ quyền các thực thể ở Biển Đông, nhưng một mặt khác cực lực chống lại tính chất phi pháp của các yêu sách biển của Trung Quốc.

Cản trở hoạt động dầu khí trong vùng biển nước khác là phi pháp

Washington tuyên bố rõ rằng việc Bắc Kinh cản trở hay quấy rối các hoạt động đánh bắt cá và khai thác dầu khí của nước khác là những hành vi bất hợp pháp.

Cách nay một năm, bộ Ngoại Giao cũng từng lên án các hành vi khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhắm vào các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi các nước láng giềng, nhưng không nói rõ rằng đó là những hành vi bất hợp pháp và cũng không đưa ra quan điểm rõ ràng về các yêu sách hàng hải tương ứng. Tình hình lúc này đã khác. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ “sẽ không còn nói rằng mình trung lập về các vấn đề trên biển đó”.

Trước đây, chính quyền Trump đã phản đối các hành vi cưỡng bức của Trung Quốc, nhưng tránh không lên tiếng ủng hộ quyền hợp pháp của các quốc gia khác đối với các nguồn tài nguyên trong vùng biển được Luật Biển quốc tế công nhận là của họ. Giờ đây, Washington đã có cơ sở để có hành động mạnh hơn trong vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), Bãi Luconia Shoals (ngoài khơi Malaysia), vùng Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia) và vùng đặc quyền kinh tế của Brunei.

Tuyên bố của Mỹ còn nói rõ là mọi yêu sách về lãnh thổ hoặc hàng hải của Trung Quốc đối với Đá Vành Khăn (Mischief Reef) hay Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) đều bất hợp pháp, vì hai thực thể này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.

Đối với hai tác giả bài phân tích, khi làm rõ lập trường của mình, trong hồ sơ Biển Đông, giới lãnh đạo Hoa Kỳ có thể vững vàng hậu thuẫn cho Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và thậm chí cả Indonesia.

Trừng phạt kinh tế các tập đoàn có hành vi phi pháp ở Biển Đông

Vấn đề là với chính sách mới, Hoa Kỳ sẽ bị buộc phải cho thấy là họ sẵn sàng trừng phạt Trung Quốc về những hành vi bị cho là bất hợp pháp. Theo hai chuyên gia Mỹ, biện pháp đầu tiên hết có thể liên quan đến lãnh vực kinh tế.

Hoa Kỳ có thể trừng phạt các tập đoàn Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp bên trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác. Đối tượng bị nhắm hiển nhiên nhất là các tập đoàn nhà nước có tàu thuyền can dự vào các hoạt động như đánh bắt cá, khảo sát, thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế các nước láng giềng.

Trừng phạt cũng có thể nhắm vào các tàu khảo sát khoa học trên biển của Trung Quốc, hay những cá nhân có liên can đến lực lượng hải cảnh hay dân quân biển, vốn thường xuyên hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc mà không được phép của nước sở tai.

Gia tăng tuần tra và trực tiếp hỗ trợ các nước Biển Đông

Loạt biện pháp thứ hai mà Mỹ có thể thực hiện sẽ dùng đến các lực lượng quân sự, như gia tăng tuần tra tại Biển Đông và trực tiếp trợ giúp các nước Đông Nam Á.

Washington có thể tổ chức những chiến dịch tuần tra để ngăn chặn hay xua đuổi các tàu cá hay tàu thăm dò khai thác dầu khí của Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế nước khác.

Để khuyến khích các quốc gia tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc mạnh dạn hơn trong việc bảo vệ quyền của mình, điều mà các quan chức Mỹ đã nêu lên thành một mục tiêu, Hoa Kỳ có thể cung cấp cho các nước trong vùng video giám sát để nêu bật các hành vi cưỡng bức của Trung Quốc, và cung cấp thông tin tình báo giúp các nước trong khu vực đáp trả hữu hiệu hơn.

Lãnh đạo Hoa Kỳ cũng có thể xem xét việc trực tiếp hỗ trợ nhiều hơn cho lực lượng trên biển của các nước đồng minh và đối tác. Mỹ đã từng giúp đỡ Philippines trong việc tiếp tế hậu cần cho đơn vị đồn trú trên Bãi Cỏ Mây. Giờ đây, Mỹ có thể trực tiếp sử dụng tàu của mình cho các mục tiêu này.

Gần đây, vào tháng 5 vừa qua, Hải Quân Mỹ đã từng cho triển khai chiến hạm USS Gabrielle Giffords đến gần tàu khoan dầu West Capella của tập đoàn dầu khí Malaysia, để cho thấy thái độ quan ngại trước hành động sách nhiễu của một tàu khảo sát khoa học Trung Quốc, cũng như của tàu hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc.

Nâng cao năng lực “chống bắt nạt” của các nước Đông Nam Á

Chính quyền Hoa Kỳ cũng có thể xem xét khả năng giúp đỡ các đồng minh và đối tác trong khu vực xây dựng năng lực chống lại các hành vi bức hiếp của Trung Quốc. Các lãnh đạo then chốt tại Quốc Hội Hoa Kỳ đều sẵn sàng dành nguồn tài chính dồi dào hơn cho việc răn đe Trung Quốc và trấn an các nước bạn ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương.

Làm việc cùng với Nhật và Úc và các nước khác, Mỹ có thể tìm cách nâng cao khả năng các quốc gia trong vùng bảo vệ quyền lợi trên biển của họ. Lãnh đạo Mỹ có thể xem xét cách thức giúp đỡ các nước áp đặt trừng phạt đối với việc Trung Quốc hủy hoại các rạn san hô ở Biển Đông, vi phạm Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, vốn đòi hỏi các thành viên phải bảo vệ hệ sinh thái, môi trường sống của các loài bị nguy cơ hủy diệt.

Đẩy mạnh ngoại giao “thông cáo chung”

Sau cùng, Washington có thể tìm cách cùng với các đồng minh và đối tác đưa ra thông cáo chung để hậu thuẫn cho quyền hợp pháp của các nước tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc.

Nhóm G7 là nơi có thể đưa ra một thông cáo hỗ trợ mạnh mẽ, củng cố cho phán quyết Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye năm 2016.

Ngoài ra, Mỹ có thể thúc đẩy Đài Loan công bố tài liệu lịch sử lưu trữ về nguồn gốc đường 11 đoạn, tiền thân đường 9 đoạn mà nước Trung Hoa Dân Quốc từng thiết lập và yêu cầu Đài Bắc công bố một bản điều chỉnh yêu sách chủ quyền phù hợp với luật quốc tế.

Những nỗ lực nói trên có lẽ sẽ không làm Trung Quốc thay đổi thái độ, nhưng Bắc Kinh luôn tỏ ra nhạy cảm trước các sức ép của khu vực.

Động thái khôn khéo

Tất cả những hành động nêu trên đều hàm chứa rủi ro. Nhưng Mỹ không thể ngăn chặn Trung Quốc thống trị Biển Đông và phá hoại việc thực thi luật pháp ở vùng biển Châu Á mà không chấp nhận thêm rủi ro.

Tuy nhiên, theo các tác giả bài phân tích, nếu xử lý rủi ro một cách cẩn thận, Mỹ có thể giúp các quốc gia khác mạnh dạn hơn, chấp nhận làm mích lòng Trung Quốc bằng cách chỉ trích gay gắt hơn các chính sách gây bất ổn định và trực tiếp thách thức các hành vi cưỡng bức của Bắc Kinh.

Hai tác giả Mỹ thừa nhận rằng nhiều chuyên gia, trong đó có cả hai người họ, đã từng chỉ trích cách tiếp cận nặng tay của chính quyền Donald Trump đối với Trung Quốc. Nhưng lần này, Mỹ đã có một cách làm tốt. dường như được cân nhắc kỹ lưỡng, để củng cố luật quốc tế, đưa chính sách của Mỹ gần hơn với quyền lợi của các đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á.

Chính sách này tập trung trên quyền của các quốc gia trong vùng – chủ yếu là Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei, và Indonesia – đối với nguồn dầu khí, hải sản, bên trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia này.

Làm như thế, chính sách Mỹ đi xa hơn, không chỉ đơn thuần bảo vệ quyền tự do hàng hải, mà còn  bảo vệ tự do trên các đại dương và quyền trên vùng biển của mình của tất cả các nước ở Biển Đông.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200728-chuy%C3%AAn-gia-my%CC%83-ca%CC%81c-b%C6%B0%C6%A1%CC%81c-c%C3%A2%CC%80n-la%CC%80m-%C4%91%C3%AA%CC%89-ch%C3%B4%CC%81ng-trung-qu%C3%B4%CC%81c-b%C4%83%CC%81t-na%CC%A3t-n%C6%B0%C6%A1%CC%81c-kha%CC%81c-tr%C3%AAn-bi%C3%AA%CC%89n-%C4%91%C3%B4ng