Tin Biển Đông – 28/01/2018
Biển Đông Cờ Thế…
Trần Khải
Vậy là mịt mờ… khói sóng Biển Đông.
Báo Manila Bulletine của Philippines nói hôm 27/1/2018 là không thấy trước mắt cách nào giải quyết thế cờ Biển Đông. Nghĩa là, nếu gỡ được, sẽ còn xa lắm.
Bài báo khởi đầu bằng cảnh báo rằng bãi cạn Panatag Shoal – trên bản đồ quốc tế có tên là Scarborough Shoal — cơ nguy chạm trán khẩu chiến giữa Mỹ và Trung Quốc.
Lý do vì sao bế tắc?
Báo Manila Bulletine nói rằng bởi vì TQ không chịu nhượng bộ vấn đề tranh chủ quyền Biển Đông và Mỹ không nhường chủ trương lộ trình hải hành tự do…
Trong khi đó, bản tin VOA ghi rằng: Hôm 26/1 Trung Quốc lên tiếng nói họ không phản đối chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ đến Đà Nẵng dự kiến vào tháng 3/2018.
Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định như vậy và nói thêm rằng miễn là những sự hợp tác đó có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực.
Khi được hỏi liệu Trung Quốc có lo ngại gì về việc hàng không mẫu hạm Mỹ đến Việt Nam, bà Hoa Xuân Oánh nói Trung Quốc luôn luôn tán thành khi thấy các nước tăng cường quan hệ hợp tác trên tinh thần hữu nghị.
Trước đó, hãng tin AP nhận định chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ có phần chắc sẽ làm Trung Quốc tức giận bởi vì Bắc Kinh có thể coi đây là một động thái của Mỹ nhằm tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis hôm 25/1 dự kiến tàu chiến Mỹ sẽ ghé cảng Đà Nẵng vào tháng 3 năm nay.
Trong khi đó, bản tin RFI ghi nhận về hàng không mẫu hạm này: USS Carl Vinson, biểu tượng mới của quan hệ Mỹ-Việt.
Sự kiện một hàng không mẫu hạm Mỹ lần đầu tiên sẽ ghé thăm Việt Nam vào tháng 3 tới là một dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù đang được thắt chặt thêm, hơn 4 thập niên sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam.
Thông tin chuyến viếng thăm của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đến Đà Nẳng vào tháng 3 đã được đưa ra ngày 25/01/2018, trong ngày thứ hai của chuyến viếng thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis.
Đây sẽ là một chuyến viếng thăm lịch sử vì cho tới nay chưa bao giờ có một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ cập bến Việt Nam. Trước đây, trong thời gian chiến tranh Việt Nam, các hàng không mẫu hạm của Mỹ chỉ hoạt động ở ngoài khơi, chứ không ghé vào các cảng của Việt Nam.
RFI nhắc rằng USS Carl Vinson có chiều dài hơn 300 mét là một trong những hàng không mẫu hạm đa năng lớp Nimitz, chạy bằng năng lượng hạt nhân. Đây là một trong 10 hàng không mẫu hạm khổng lồ của hải quân Mỹ và là một trong những hàng không mẫu hạm lớn nhất thế giới. Trên hàng không
mẫu hạm USS Carl Vinson có một phi đội khoảng 70 chiến đấu cơ các loại, phần lớn là chiến đấu cơ F-18 có khả năng hoạt động ngày đêm, bất kể thời tiết, với tốc độ siêu thanh.
Bình thường hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson có hơn 3.000 quân nhân điều khiển và bảo trì tàu. Khi triển khai hoạt động ở nước ngoài, tàu nhận thêm hơn 2.000 nhân sự đi cùng của không đoàn số 2.
USS Carl Vinson đã từng tham gia vào nhiều chiến dịch quân sự của Mỹ ở nước ngoài, đặc biệt là hỗ trợ cho chiến dịch Enduring Freedom ở Afghganistan vào năm 2001 nhằm đáp trả các vụ tấn công khủng bố ở Hoa Kỳ 11/09 năm đó. Vào tháng 4 năm ngoái, USS Carl Vinson đã được điều động đến vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh Hoa Kỳ và quốc tế nói chung ngày càng quan ngại về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, bản tin BBC ghi nhận Ấn Độ vừa có một động thái chiến lược gần đây, khi mời lãnh đạo của 10 quốc gia Đông Nam Á đến tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN – Ấn Độ cùng với Lễ kỷ niệm thứ 69 Ngày Cộng hòa Ấn Độ trong hai ngày 25-26/1.
Theo Reuters, nhiều quan chức và nhà ngoại giao nhận định động thái này là để khuyến khích hợp tác an ninh hàng hải với các nước ASEAN trong khu vực vốn bị thống lĩnh bởi Trung Quốc.
Ảnh hưởng của Trung Quốc lan rộng khắp khu vực Đông Á, bao gồm việc xây dựng các cảng và nhà máy điện tại hai quốc gia Pakistan và Sri Lanka láng giềng của Ấn Độ, khiến nước này bắt đầu tìm kiếm đồng minh trong khu vực.
Và cũng như Việt Nam, Ấn Độ cũng có những tranh chấp biên giới riêng với Trung Quốc ở vùng thung lũng Doklam.
Dĩ nhiên, dê dàng tin rằng VN sẽ đứng lạng qua lạng lại… vì không dám nghiêng hẳn về một bên thế giới tự do.
Nhưng khi Mỹ và Ấn Độ chìa tay về hướng Việt Nam, hiển nhiên là điểm rất đẹp trong cuộc tranh chấp Biển Đông hiện nay.
Tuy VN không dám cứng rắn với TQ như Indonesia, nhưng cùng là một củng cố phòng thủ, khi mời hàng không mẫu hạm Mỹ vào Đà Nẵng…
Trong khi đó, báo Tuổi Trẻ viết rằng Việt-Ấn sẽ tập trận chung: theo Hãng thông tấn UNI của Ấn Độ, từ 29/1 đến 3/2 sẽ diễn ra cuộc Diễn tập Quân sự Song phương đầu tiên tại Jabalpur, Madhya Pradesh.
Hy vọng rằng hòa bình Biển Đông giữ được, cùng lúc với bờ cõi.