Tin Biển Đông – 26/12/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 26/12/2016

Hàng không mẫu hạm Trung Quốc

đến Biển Đông giữa lúc căng thẳng

Một nhóm tàu chiến của Trung Quốc do hàng không mẫu hạm đầu tiên của nước này dẫn đầu đã tiến vào khu vực nửa trên của Biển Đông hôm thứ Hai sau khi đi qua phía nam Đài Loan, Bộ Quốc phòng của đảo tự trị cho biết về động thái mới nhất mà Trung Quốc gọi là một cuộc diễn tập thường kỳ.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gần đây khi Tổng thống Đài Loan gọi điện thoại cho Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump khiến Bắc Kinh giận dữ. Bắc Kinh lâu nay vẫn xem Đài Loan thuộc về Trung Quốc và không đủ tư cách pháp nhân cho mối quan hệ quốc gia với quốc gia.

Chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh do Liên Xô xây dựng từng tham gia diễn tập trước đây, trong đó có một số lần ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc còn phải mất nhiều năm để hoàn thiện hoạt động hàng không mẫu hạm tương tự như Hoa Kỳ đã làm trong nhiều thập niên.

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết chiếc hàng không mẫu hạm được hộ tống bởi 5 tàu chiến, đã băng qua phía đông nam của quần đảo Đông Sa, do Đài Loan kiểm soát, và hướng về phía tây nam.

Trước đó, nhóm tàu này đã băng qua khu vực 90 hải lý về phía nam mũi cực nam của Đài Loan thông qua kênh Ba Sĩ, nằm giữa Đài Loan và Philippines.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan Chen Chung-chi từ chối cho biết liệu chiến đấu cơ hay tàu ngầm của Đài Loan đã được triển khai hay không, nhưng nói rằng Bộ Quốc phòng Đài Loan đang tiếp tục “theo dõi và nắm bắt tình hình”.

Nhà lập pháp cao cấp của đảng đối lập Đài Loan Johnny Chiang nói cuộc diễn tập của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh là một tín hiệu Trung Quốc gửi tới Hoa Kỳ rằng nước này đã có khả năng xuyên qua “chuỗi đảo thứ nhất”, là khu vực bao gồm quần đảo Ryukyu của Nhật Bản và Đài Loan.

Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói mọi người không nên quá phỏng đoán về kế hoạch của hàng không mẫu hạm bởi vì các hoạt động của nó đều nằm trong khuôn khổ pháp luật.

Tờ báo nhà nước Trung Quốc Hoàn Cầu Thời Báo nói cuộc diễn tập cho thấy hàng không mẫu hạm đã được cải tiến về khả năng chiến đấu và có thể di chuyển xa hơn như thế nào.

Trong bài xã luận, tờ báo viết “Sớm muộn hạm đội của Trung Quốc cũng sẽ đến Đông Thái Bình Dương. Khi hạm đội hàng không mẫu hạm của Trung Quốc xuất hiện ngoài khơi nước Mỹ một ngày nào đó, thì các nguyên tắc hàng hải sẽ được xem lại một cách nghiêm túc”.

Trung Quốc đã rất phẫn nộ vì các cuộc tuần tra hải quân của Mỹ gần các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Trong tháng này, một tàu hải quân Trung Quốc đã bắt giữ một tàu lặn không người lái của Mỹ ở Biển Đông. Trung Quốc đã thả tàu này ra sau đó.

Vào cuối ngày Chủ Nhật, Nhật Bản cho biết đã phát hiện 6 tàu hải quân Trung Quốc, bao gồm hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, di chuyển qua khu vực giữa Miyako và Okinawa và vào Thái Bình Dương.

Hôm thứ Hai, Phát ngôn viên hàng đầu của chính phủ Nhật Bản nói hành trình trên cho thấy khả năng tăng cường quân sự của Trung Quốc và Nhật Bản đang giám sát chặt chẽ tình hình.

http://www.voatiengviet.com/a/hang-khong-mau-ham-tq-den-bien-dong-giua-luc-cang-thang/3650960.html

 

Tàu sân bay Trung Quốc tiến vào Biển Đông

qua eo biển cạnh Đài Loan

Trọng Nghĩa

Một nhóm chiến hạm Trung Quốc với tàu sân bay Liêu Ninh đã tiến vào Biển Đông hôm nay 26/12/2016 để tiến hành điều được Bắc Kinh gọi là một cuộc diễn tập bình thường. Điểm thu hút sự chú ý là tiểu hạm đội Trung Quốc đã vào Biển Đông qua eo biển Ba Sĩ (Bashi) nằm giữa Đài Loan và Philippines, một động thái được giới quan sát cho là hàm ý thị uy trong bối cảnh Bắc Kinh đang bực tức với Mỹ trước quan hệ Washington-Đài Bắc.

Theo bộ Quốc Phòng Đài Loan, chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh với năm chiếc tàu tháp tùng đã đi theo hướng tây nam để tiến vào khu vực nửa trên của Biển Đông. Đội tàu đã vượt qua eo biển Ba Sĩ, cách Đài Loan 90 hải lý về phía Nam vào lúc sáng, sau đó đi qua khu vực quần đảo Pratas do Đài Loan kiểm soát dưới tên gọi Đông Sa.

Đài Loan dĩ nhiên rất cảnh giác trước các hoạt động của đội chiến hạm Trung Quốc. Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Đài Loan Trần Trung Cát (Chen Chung-chi) tuyên bố : « Duy trì cảnh giác và linh hoạt luôn luôn là biện pháp thông thường khi cần duy trì an ninh không phận ».

Nhân vật này tuy nhiên đã từ chối, không cho biết là chiến đấu cơ hay tàu ngầm Đài Loan có được triển khai hay không để theo dõi hạm đội Trung Quốc.

Việc Bắc Kinh cho hạm đội đi sát Đài Loan vào lúc Trung Quốc đang rất bực tức trước các động thái mới của Mỹ về Đài Loan, mà gần đây nhất là việc vấn đề Đài Loan được nêu lên trong luật ngân sách quốc phòng mới của Hoa Kỳ vừa được tổng thống Obama ban hành.

Về hành trình của nhóm tàu chiến Trung Quốc, vào tối hôm qua, chính quyền Nhật Bản cho biết là phát hiện đội tàu này băng ngang qua vùng biển nằm giữa quần đảo Miyako và Okinawa để tiến vào vùng Tây Thái Bình Dương. Hôm nay, Nhật Bản xác nhận là vẫn theo dõi sát các hoạt động của nhóm tàu sân bay Trung Quốc.

Hôm thứ Bảy vừa qua, Hải Quân Trung Quốc đã chính thức loan báo là chiếc Liêu Ninh cùng các chiến hạm thấp tùng sẽ đến khu vực Tây Thái Bình Dương để tập trận.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc đã cho rằng các cuộc diễn tập mà chiếc Liêu Ninh thực hiện đã cho thấy là tàu sân bay của Trung Quốc đang hoàn thiện năng lực tác chiến, và nhất là đã có thể đi hoạt động ngoài khơi xa.

Trong một bài xã luận, tờ báo đe dọa : « Sớm muộn gì thì hạm đội Trung Quốc sẽ ra đến tận phía đông Thái Bình Dương, và ngày mà hạm đội tàu sân bay của Trung Quốc xuất hiện ở ngoài khơi nước Mỹ, ngày đó (Mỹ) sẽ phải suy nghĩ suy nghĩ dữ dội về vấn đề luật lệ hàng hải ».

Theo hãng Reuters, đúng là trong thời gian gần đây, tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc, tân trang từ một chiếc tàu cũ của Ukraina, đã tăng cường thử nghiệm và tham gia tập trận, kể cả ở Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ phải mất nhiều năm trời nữa để có thể có hiệu năng như những gì mà các hàng không mẫu hạm Mỹ đã có được từ hàng chục năm nay.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161226-tau-san-bay-trung-quoc-tien-vao-bien-dong-qua-eo-bien-canh-dai-loan

 

Việt Nam ‘đơn độc’ trước Trung Quốc?

Một tổ chức nghiên cứu an ninh và địa chính trị trên thế giới mới công bố một bản phân tích có tựa đề nói rằng Việt Nam “đơn độc” trước Trung Quốc.

Stratfor nhận định tiếp rằng “cán cân quyền lực ở Đông Nam Á đang âm thầm dịch chuyển về hướng có lợi cho Trung Quốc, và có lẽ không một quốc gia nào cảm nhận điều đó rõ hơn Việt Nam”.

Cơ quan nghiên cứu này cũng cho rằng Việt Nam đã “mềm mỏng hơn trong những lời chỉ trích Trung Quốc và tiến hành các bước đi hàn gắn với Bắc Kinh”.

“Thay vì đối đầu trực diện với Trung Quốc, Hà Nội đã bắt đầu theo đuổi các tuyên bố chủ quyền lãnh hải một cách tế nhị hơn và liên minh với các đối tác mạnh hơn, để ngỏ các khả năng cũng như sẵn sàng phòng thủ”, Stratfor viết trong phân tích công bố hôm 22/12.

Tổ chức này cũng cho rằng không giống như các quốc gia khác, “Việt Nam không thể hoàn toàn phủ nhận hay chấp nhận sức mạnh gia tăng” của Trung Quốc trên biên giới phía bắc.

Stratfor dẫn việc Philippines và Malaysia “hồ hởi gia nhập các cơ chế xử lý tranh chấp cũng như các khối thương mại do Trung Quốc dẫn đầu”, hay việc “Nhật Bản và Singapore mạnh mẽ ủng hộ vai trò của Washington ở khu vực”.

Tổng thống Philippines và Thủ tướng Malaysia mới đây cũng đã công du Trung Quốc, tỏ ý cho thấy muốn xích lại gần hơn với chính quyền quốc gia đông dân nhất thế giới.

Cơ quan nghiên cứu viết tiếp rằng Việt Nam “thường phải khôn khéo cân bằng quan hệ” giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng “trong bối cảnh khu vực phải thích nghi với một thực tế chính trị mới, Hà Nội ngày càng khó thực thi chiến lược đó”.

Quan chức Việt Nam bấy lâu nay vẫn nhấn mạnh tới chính sách “ba không”, đó là “không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia”.

Lời qua tiếng lại

Stratfor nhận định thêm rằng, trong tương lai, Việt Nam “sẽ thận trọng hơn khi theo đuổi các dự án cải tạo biển đảo cũng như [củng cố] các mối quan hệ đối tác phòng thủ”.

Nhận định của tổ chức này được công bố một ngày trước khi Bộ Ngoại giao Việt Nam “phản đối Trung Quốc mở đường bay dân sự thường kỳ đến sân bay ở Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa”.

Trước đó, Hà Nội cũng đã lên tiếng sau khi Bắc Kinh tuyên bố rằng việc nước này triển khai các thiết bị phòng thủ tới quần đảo Trường Sa là việc làm “hợp pháp và chính đáng”.

Hồi đầu tháng này, Trung Quốc kêu gọi Việt Nam ngừng các hoạt động xây dựng trên một bãi cạn tranh chấp ở biển Đông, sau khi xuất hiện tin Hà Nội đã bắt đầu nạo vét Đá Lát.

Hai tháng trước đó, Reuters hôm 10/8 dẫn lời các nguồn tin nói rằng Hà Nội đã, theo lời hãng này, “bí mật” đưa các giàn rocket di động mới ra “năm căn cứ ở Trường Sa trong những tháng gần đây”.

Trả lời VOA Việt Ngữ về động thái này của Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ kêu gọi “tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ở biển Đông tránh các hành động gây căng thẳng, tiến hành các bước đi thiết thực nhằm xây dựng lòng tin và gia tăng nỗ lực nhằm tìm ra các giải pháp hòa bình, ngoại giao để [giải quyết] các tranh chấp”.

http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-sap-dua-hang-tram-ten-lua-ra-bien-dong/3650305.html

 

Trung Quốc ‘sắp đưa hàng trăm tên lửa’

ra biển Đông

Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ tin rằng “hàng trăm” tên lửa đất đối không mà Trung Quốc mới chuyển tới đảo Hải Nam sẽ sớm được đưa tới các đảo nhân tạo nước này xây dựng trên biển Đông trong những tháng tới, theo Fox News.

Chương trình tin tức này hôm 24/12 dẫn lời quan chức quân sự Hoa Kỳ nói rằng số tên lửa từ tầm ngắn tới tầm xa mà Trung Quốc “ém” trên Hải Nam có thể lên tới 500, trong đó có thế hệ tên lửa tân tiến SA-21 được sản xuất dựa trên công nghệ của Nga. Các tên lửa đã bị các vệ tinh tình báo Mỹ phát hiện.

Theo kênh truyền hình của Mỹ, địa điểm trên “chỉ mang tính tạm thời”, và có thể là nơi huấn luyện trước khi các tên lửa được đưa tới quần đảo Trường Sa hoặc Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa vào đầu năm 2017.

Động thái này xuất hiện sau khi các quan chức tình báo Mỹ nhận định về chuyện Bắc Kinh muốn bảo vệ các đường băng trên ba trong số nhiều đảo nhân tạo mà Trung Quốc cơi nới ở vùng biển tranh chấp với nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Theo Fox News, Trung Quốc tới nay vẫn chưa triển khai tên lửa tới bảy đảo nhân đạo ở Trường Sa.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 15/12 tuyên bố rằng việc Bắc Kinh triển khai các thiết bị quân sự phòng thủ cần thiết tới quần đảo Trường Sa là điều “hợp pháp và chính đáng”, theo Reuters.

Trước đó, một tổ chức nghiên cứu về an ninh của Mỹ cho biết rằng Bắc Kinh dường như đã lắp đặt vũ khí gồm các hệ thống phòng không trên toàn bộ bảy đảo nhân tạo mà Trung Quốc mới xây dựng ở biển Đông.

Sau đó, trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 16/12 dẫn lời người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết rằng Hà Nội “hết sức quan ngại về thông tin” Trung Quốc “dường như đã triển khai hệ thống vũ khí tại bảy cấu trúc địa lý ở biển Đông”.

Mới đây, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích Mỹ quân sự hóa biển Đông, khiến Trung Quốc bất bình.

http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-sap-dua-hang-tram-ten-lua-ra-bien-dong/3650305.html