Tin Biển Đông – 26/09/2018
Mỹ răn đe Trung Quốc với cuộc tập trận trên biển
phối hợp 4 binh chủng
Vào lúc quan hệ với Trung Quốc có dấu hiệu căng thẳng trên cả bình diện thương mại lẫn quốc phòng, ngày 23/09/2018, Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ vừa kết thúc một cuộc tập trân hợp đồng binh chủng với quy mô lớn hiếm thấy ở vùng đảo Marianas (Marianas Island Range Complex) ở miền Tây Thái Bình Dương và đảo Guam. Mở ra từ ngày 16/09, cuộc diễn tập mang tên Valiant Shield 2018 được giới phân tích quân sự đánh giá là mang một tính chất răn đe rõ rệt đối với Trung Quốc khi cho thấy sự vô hiệu của “tên lửa diệt hàng không mẫu hạm” mà Bắc Kinh thường phô trương gần đây.
Trong một bản thông cáo công bố ngày 15/09, Hạm Đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết là cuộc tập trận Valiant Shield 2018 huy động một lực lượng gồm khoảng 15.000 người, đến từ toàn bộ 4 binh chủng của Quân Đội Mỹ: Hải Quân, Không Quân, Lục Quân và Thủy Quân Lục Chiến.
Trên bình diện các phương tiên được tung vào cuộc tập trận của riêng Mỹ, diễn ra hai năm một lần ngay sau cuộc diễn tập đa phương RIMPAC, có hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan, 15 chiến hạm và quân hạm đủ loại, cùng với 160 máy bay trong đó có loại oanh tạc cơ chiến lược B-52.
Valiant Shield là một cuộc tập trận hợp đồng binh chủng được thiết kế từ năm 2006 nhằm mục tiêu rèn luyện năng lực phối hợp tác chiến và sẵn sàng chiến đấu của cả 4 binh chủng tạo thành lực lượng võ trang Hoa Kỳ.
Đặc biệt năm nay, trong khuôn khổ một sự chuyển hướng chiến lược nhằm đối phó với hai đối thủ cạnh tranh được chỉ định rõ là Trung Quốc và Nga, cuộc tập trận Valiant Shield 2018 bao hàm nhiều bài tập liên quan đến các kỹ năng bảo đảm an ninh trên biển, đổ bộ, chống tàu ngầm và phòng không.
Trung Quốc, đối tượng của Valiant Shield 2018
Đối với tờ Business Insider, ấn bản Pháp, đối tượng nhắm tới của cuộc tập trận Valiant Shield 2018 chính là Trung Quốc dù không một quan chức Mỹ nào nói ra.
Bài viết công bố hôm 19/09, vào lúc cuộc tập trận Valiant 2018 đang diễn ra mang một tựa đề rất rõ ràng: Bên trên các bức ảnh về cuộc tập trận trên biển Philippines, tờ báo ghi nhận: “Một bức ảnh cho thấy rõ vì sao “tên lửa diệt hạm” của Bắc Kinh sẽ không thắng được ở Biển Đông trong một trận đánh”.
Phân tích chung của Business Insider ghi nhận:
“Quân Đội Mỹ đã tiến hành một cuộc tập trận trên Thái Bình Dương kết hợp oanh tạc cơ chiến lược hạt nhân, chiến đấu cơ tàng hình thế hệ kế tiếp, một tàu sân bay và hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo.
Đó là những trang thiết bị mà Mỹ phải cần đến trong trường hợp nổ ra một cuộc chiến thật sự với Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc đã xây dựng một lực lượng Hải Quân to lớn hơn Mỹ và chế tạo ra loại hỏa tiễn chuyên dùng để công phá tàu sân bay, nhưng cho đến giờ này, chưa có dấu hiệu gì là lực lượng đó có thể thật sư hoạt động như mong đợi trong môi trường chiến tranh.”
Đối với tác giả bài phân tích, trong thời gian qua, Hải Quân Trung Quốc đã cố vươn lên để vượt qua Mỹ về mặt lực lượng vì muốn khóa chặt Biển Đông không cho Mỹ tiếp cận. Bắc Kinh đã gia tăng việc triển khai các loại tên lửa, chiến đấu cơ, oanh tạc cơ có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Thế nhưng, chỉ cần nhìn qua một bức ảnh về cuộc tập trận của Mỹ gần đây – tức là cuộc tập trận Valiant Shield 2018, thì thấy Mỹ vẫn còn hơn xa Trung Quốc.
Hải Quân Trung Quốc chỉ hơn được Mỹ trên giấy tờ
Theo Business Insider, trên mặt khối lượng thì Bắc Kinh có phần hơn Washington: Trung Quốc đã đóng thêm tàu chiến với một tốc độ mà Mỹ khó thể vượt qua, chế tạo ra cả một kho tên lửa chống tàu sân bay với tên của từng hàng không mẫu hạm Mỹ viết trên đấy. Về phía Mỹ thì số lượng tàu trong hạm đội ngày càng ít đi, và già đi.
Hệ quả của tình hình nêu trên là đồng minh của Mỹ tại châu Á đã bắt đầu công khai nêu ra câu hỏi là liệu Mỹ còn có khả năng đáp trả một Trung Quốc đang vươn lên hay không.
Thế nhưng, theo tờ báo, Trung Quốc quả là có lợi thế, nhưng trên giấy tờ, trong lúc chiến tranh thì lại không hề diễn ra trên giấy tờ.
Valiant Shield 2018 và ưu thế Mỹ
Tờ báo đã nêu bật thế thượng phong của Mỹ vừa được thể hiện nhân cuộc tập trận Valiant Shield 2018, phối hợp hoạt động của các binh chủng khác nhau.
Theo Business Insider, chỉ riêng sự tồn tại của cuộc tập trận Valiant Shield đã nêu bật khiếm khuyết của Trung Quốc: là chưa hề có được một hoạt động phối hợp nhuần nhuyễn giữa các binh chủng như vậy.
Hải Quân Trung Quốc đặt ra mối đe dọa với một lực lượng đông đảo, kèm theo là các hỏa tiễn tầm xa, nhưng vấn đề là chưa rõ lực lượng này có thể phối hợp tốt với không quân, lục quân hay pháo binh hay không. Trong lúc đó thì Quân Đội Hoa Kỳ đã thường xuyên thao dợt nhuần nhuyễn để nâng cao kỹ năng hợp đồng binh chủng trong bối cảnh chiến tranh thực sự.
Trong khi Trung Quốc chế tạo thêm những loại tên lửa gọi là “sát thủ diệt hàng không mẫu hạm”, có khả năng hạ đo ván đội tàu sân bay của Mỹ, vấn đề là làm sao các sát thủ này đến được tàu Mỹ. Trên giấy tờ, hỏa tiễn Trung Quốc có thể bắn xa hơn những chiến đấu cơ có tầm hoạt động rộng nhất tàu sân bay Mỹ, nhưng khái niệm chống tiếp cận khu vực A2/AD đó của Trung Quốc chưa bao giờ được thử nghiệm trên hiện trường…
Bức ảnh đầy ý nghĩa
Trong bức hình chụp cảnh cuộc tập trận Valiant Shield mà Business Insider chú ý, người ta thấy chiếc tàu sân bay Reagan dẫn đầu một hải đội tác chiến bao gồm đầy đủ các khu trục hạm được trang bị tên lửa dẫn đường, tàu tiếp liệu cho các hành trình dài, và bên trên chiếc Reagan là một oanh tạc cơ hạt nhân B-52.
Theo phân tích của tờ báo, chiếc B-52 với tên lửa hành trình mang theo, có thể tấn công các vị trí của Trung Quốc từ những khoảng cách xa. Các chiến đấu cơ F-15 của Mỹ tại Hàn Quốc có thể phóng đi các tên lửa tầm xa có khả năng triệt hạ các điểm phóng tên lửa của Trung Quốc trước khi các tàu sân bay Mỹ đến gần.
Các chiến đấu cơ F-35B của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, ra quân lần đầu tiên nhân cuộc tập trận này, có khả năng ẩn mình trước màng lưới radar Trung Quốc để tiêu diệt bất cứ mối đe dọa nào.
Còn để đối phó với các tên lửa đã vượt qua được các đợt tấn công ngăn chặn kể trên, mỗi chiếc tàu sân bay Hoa Kỳ đều được nhiều khu trục hạm có tên lửa dẫn đường đi theo hộ tống, và loại khu trục hạm này đã được thiết kế chính là để bắn hạ các loại tên lửa đạn đạo.
Gần đây, Mỹ cũng đã thực hiện thành công thử nghiệm đánh chặn tên lửa với một tàu khu trục Nhật Bản dùng công nghệ Mỹ bắn hạ một tên lửa đạn đạo đang bay. Ngoài ra Mỹ cũng có thể dựa vào sự trợ giúp của Hàn Quốc, Úc, và rất có thể là Ấn Độ, trong trường hợp phải chống lại Bắc Kinh.
Báo Business Insider kết luận bài viết bằng một nhận xét của phó đô đốc Tom Rowden, nguyên tư lệnh Lực Lượng Chiến Hạm trên Mặt Nước của Hải Quân Mỹ, nêu bật khác biệt giữa một chiến hạm Mỹ và một chiến hạm Trung Quốc: “Một chiếc thì không tài nào tìm được đường ra khỏi một túi giấy ướt và một chiếc thì sẽ lật đổ bất cứ cản lực nào trên đường đị”.
Một số nét về chính sách Biển Đông của TQ
sau Phán quyết của Tòa trọng tài
Sau khi Tòa Trọng tài (12/7/2016) ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông. Bắc Kinh đã có một số điều chỉnh về chủ trương, chính sách và cách tiếp cận trong vấn đề Biển Đông, vẫn tiếp tục mở rộng các điểm chiếm đóng, hiện đại hóa hải quân, tiến hành quân sự hóa các thực thể chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông và cố tình duy trì mập mờ trong yêu sách để tạo ra cơ sở cho các hoạt động mở rộng phi pháp ở khu vực trong thời gian tới.
Trung Quốc tập trung củng cố, quân sự hóa các đảo chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông
Sau phán quyết, Trung Quốc nhìn chung giảm mức độ quyết đoán ở Biển Đông nhưng tiếp tục củng cố, quân sự hóa các đảo chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông, cụ thể: Tiếp tục hoàn thiện các công trình xây dựng phi pháp tại 7 đảo đá nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam); triển khai nhiều loại hình khí tài quân sự ra các đảo ở Biển Đông như tên lửa hành trình, tên lửa đất đối không, máy bay chiến đấu J-11, pháo cao xạ, radar, vũ khí điện từ, tàu chiến; xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình phục vụ mục đích dân dụng ở Biển Đông; tiếp tục ban hành phi pháp các lệnh “cấm đánh bắt cá hàng năm” trong khu vực, công bố Luật An toàn Hàng hải công bố ngày 14/2/2017 được áp dụng với “vùng biển thuộc quyền tài phán của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” bên cạnh “nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa”; Tòa án Tối cao của Trung Quốc cũng đưa ra các quyết định về tăng cường thẩm quyền của các Tòa án Trung Quốc trong việc xét xử các vụ vi phạm “vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”; tổ chức nhiều hoạt động tuần tra, tập trận phi pháp ở Biển Đông; xây dựng nhiều công trình phục vụ mục đích quân sự tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa…
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có những dấu hiệu nhằm giảm căng thẳng ở Biển Đông. Thông qua “Tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc về chủ quyền và lợi ích ở Biển Đông” (12/7/2016) và “Sách trắng của Quốc vụ viện về lập trường giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông” (13/7/2016), trong đó Bắc Kinh tái khẳng định chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS.
Trung Quốc cũng đưa ra một số quy định nhằm “kiểm soát” chặt hơn đối với hoạt động khai thác dầu khí và ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá ở Biển Đông, cụ thể: Trung Quốc đã thông qua “Kế hoạch Ngư nghiệp năm năm lần thứ 13 (1/2017), trong đó có quy định giảm 1/6 sản lượng đánh bắt (từ 12 triệu tấn hiện nay xuống còn 10 triệu tấn trong vòng 5 năm tới); Chính quyền tỉnh Hải Nam đưa ra một số quy định nhằm kiểm soát việc đánh sò tai tượng ở Biển Đông; Trung Quốc dừng triển khai các hoạt động thăm dò dầu khí mới ở những vùng biển của các nước khác, hoặc là vùng được coi là tranh chấp. Ngoài ra, Trung Quốc cũng chủ động kiểm soát phản ứng của dư luận nội bộ, ngăn chặn các thảo luận và hoạt động kích động chủ nghĩa dân tộc; đẩy mạnh việc kiểm soát và ngăn chặn các hoạt động kích động biểu tình trong nước và đăng tải các bài viết có nội dung kích động liên quan vấn đề Biển Đồng.
Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách “mập mờ” về yêu sách chủ quyền ở Biển Đông
Kể từ khi Philippines chính thực đề đơn khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài, Bắc Kinh liên tục đưa ra các tuyên bố thể hiện thái độ thiếu hợp tác. Sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết, Trung Quốc liên tục tuyên bố “không chấp nhận, không tham gia, không thực thi” phán quyết của Tòa, cho rằng Tòa không có thẩm quyền xét xử vụ kiện; đồng thời Trung Quốc công bố “Tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc về chủ quyền và lợi ích ở Biển Đông” và “Sách trắng của Quốc vụ viện về lập trường giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines” thể hiện mập mờ về yêu sách “chủ quyền” ở Biển Đông, nhằm tạo điều kiện thuận lợi phục vụ các âm mưu độc chiếm Biển Đông sau này. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Trung Quốc trình bày một cách thống nhất và toàn diện các yêu sách biển đảo ở Biển Đông, khi cho rằng Trung Quốc có “chủ quyền đối với các đảo khác nhau ở Biển Đông, gồm Hoàng Sa, Trường Sa, Đông Sa và Trung Sa”; yêu sách nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp “dựa trên” các đảo; yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa “dựa trên” các đảo; yêu sách “quyền lịch sử”.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang sử dụng câu chữ để đánh lừa dư luận và tránh sự chỉ trích, lên án của cộng đồng quốc tế, cụ thể: (1) Trung Quốc sử dụng “các đảo khác nhau ở Biển Đông” để né tránh lập trường công khai về quy chế pháp lý của nhóm hoặc từng thực thể ở Trường Sa; (2) Trung Quốc không gắn “đường chín đoạn” với yêu sách vùng biển và “quyền lịch sử”, song không làm rõ bản chất, nội dung và phạm vi của các quyền này; (3) Trung Quốc cụ thể hóa nguyên tắc “đất thống trị biển”, lấy các đảo ở Biển Đông là cơ sở chính để yêu sách nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa căn cứ từ các đảo ở Biển Đông. Việc tách biệt giữa yêu sách “nội thủy, lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải” với yêu sách “vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa” quy thuộc cho “các đảo ở Biển Đông” để ngỏ khả năng diễn giải rằng thực thể có thể có quy chế pháp lý khác nhau.
Trung Quốc điều chỉnh chính sách đối ngoại mang tính “hòa dịu” hơn với các nước liên quan tranh chấp ở Biển Đông
Sau phán quyết, Trung Quốc chủ động triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, ngoại giao để hạn chế tác động của phán quyết, đồng thời ngăn chặn sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài; tiếp tục sử dụng chiến thuật “chia để trị”, vận động các nước thân Trung Quốc trong khi hăm dọa các nước liên quan đến tranh chấp để ngăn chặn việc hình thành mặt trận chung chống lại Trung Quốc, trong đó có một số điểm nổi bật như: (1) Tăng cường đối thoại và can dự với các nước liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông; tiến hành tham vấn song phương và hợp tác chung với Philippines ở Biển Đông; sử dụng “ngoại giao tiền tệ” để mua chuộc, lôi kéo các nước liên quan tranh chấp ở Biển Đông; tăng cường các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tới các nước láng giềng, các nước hay can thiệp vào vấn đề Biển Đông; (2) Vận động các nước ủng hộ lập trường của Trung Quốc, ngăn cản các nước khác công khai ủng hộ phán quyết và phê phán của Trung Quốc. (3) Răn đe các nước liên quan, chặn các diễn đàn đa phương đề cập đến vấn đề Biển Đông, đặc biệt là tại các diễn đàn đa phương do Trung Quốc hậu thuẫn hoặc chịu tác động, ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc. (4) Trung Quốc tích cực thúc đẩy đàm phán và đã nhất trí thông qua Khung COC với các nước ASEAN, từ đó tạo dựng “uy tín và niềm tin” đối với các nước ASEAN về nỗ lực và quyết tâm của Trung Quốc trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. (5) Trung Quốc chủ động đề xuất cơ chế hợp tác giữa các bên tranh chấp trực tiếp ở Biển Đông. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (3/2017) kêu gọi xây dựng cơ chế hợp tác giữa các nước ven biển ở Biển Đông, song song với các cơ chế hiện có, nhằm mục tiêu tăng cường tin cậy, thúc đẩy hợp tác và chia sẻ lợi ích trong các lĩnh vực như phòng chống và hạn chế thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và an toàn hàng hải. Cơ chế này không liên quan đến giải quyết tranh chấp, mà chủ yếu thúc đẩy hợp tác chuyên ngành.
Việc Trung Quốc có một số điều chỉnh chính sách liên quan vấn đề Biển Đông là chịu tác động, chi phối bởi nhiều yếu tố
Đầu tiên, yếu tố nội bộ chính trị Trung Quốc: Chủ tịch Tập Cận Bình đã củng cố vai trò lãnh đạo, trở thành lãnh đạo hạt nhân của toàn Đảng và toàn quốc. Sau khi được bầu lại vai trò Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiệm kỳ hai, ông Tập Cận Bình tìm cách vận động việc xóa bỏ quy định về hai nhiệm kỳ đối với chức vụ Chủ tịch nước mở đường cho việc nắm quyền trọn đời. Với việc vị thế trong nền chính trị trong nước được củng cố, ông Tập Cận Bình không cần sử dụng vấn đề Biển Đông để kích động tinh thần dân tộc. Bên cạnh đó, dưới sự tác động của sự sụt giảm giá năng lượng toàn cầu, các tập đoàn dầu khí của Trung Quốc không có động lực để thúc đẩy các dự án thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi tốn kém về chi phí và rủi ro địa chính trị cao. Ngoài ra, những điều chỉnh của Trung Quốc ở Biển Đông nằm trong thay đổi lớn hơn trong ưu tiên của chính sách đối ngoại của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là thúc đẩy các đại dự án Vành đai và Con đường (BRI) để tạo vị thế chủ chốt của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế ở khu vực.
Thứ hai, phán quyết của Tòa Trọng tài và phản ứng của quốc tế có tác dụng kiềm chế hành vi của Trung Quốc; đồng thời nếu Trung Quốc tiếp tục có hành vi đi ngược lại luật pháp quốc tế sẽ gây ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của Bắc Kinh, ngoài ra, các nước liên quan tranh chấp có thể liên minh, liên kết với các nước khác thành lập một mặt trận chống lại Trung Quốc.
Thứ ba, chính sách của các nước cũng có tác động nhất định đến hành vi của Trung Quốc. Việc Tổng thống Philippines Duterte thay đổi chính sách theo hướng tạm thời gác lại phán quyết và chủ động “dàn hòa” với Trung Quốc đã buộc Bắc Kinh phải điều chỉnh hành vi theo hướng ôn hòa hơn.