Tin Biển Đông – 26/07/2020
TQ diễn tập bắn đạn thật ‘hỏa lực mạnh’ ở Biển Đông
Máy bay chiến đấu J15 của Trung Quốc trong một cuộc tập trận trên biển năm 2018
Quân đội Trung Quốc đang tiến hành tập trận bắn đạn thật ở khu vực gần Bán Đảo Lôi Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông, nơi gần sát với Đảo Hải Nam, truyền thông nước này tường thuật.
Cuộc tập trận diễn ra tại vùng cửa ngõ đi vào Biển Đông bắt đầu từ hôm thứ Bảy, giữa lúc căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung đang gia tăng liên quan tới nhiều vấn đề, trong đó có chủ đề tranh chấp Biển Đông và Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan.
Tại sao quan hệ Mỹ-Trung đang ở điểm thấp nhất trong nhiều thập niên
Biển Đông: Trung Quốc lại điều máy bay chiến đấu tới Hoàng Sa
Kênh truyền hình Hoàn Cầu (CGTN) thuộc truyền hình quốc gia Trung Quốc hôm 25/7 đăng một đoạn video với nội dung nói các chiến đấu cơ thuộc một lữ đoàn không quân trong Lực lượng Hải quân của Bộ Tư lệnh Tác chiến Miền Nam bắn đạn thật xuống mục tiêu trên biển.
Bản tin của Hoàn Cầu Thời báo dẫn lời một chuyên gia quân sự Trung Quốc, nói việc tập trận nhiều khả năng sẽ gồm các hoạt động không-đối-hạm và không-đối-không của các chiến đấu cơ quân đội Trung Quốc.
Chuyên gia này cũng hy vọng rằng đây sẽ là lần tập trận chung với sự tham gia của các binh chủng khác nhau, trong đó có Hải quân và Pháo binh, với việc sử dụng hệ thống phòng không bằng tên lửa đạn đạo của Trung Quốc.
Tin cho hay lần tập trận này sẽ diễn ra trong hai giai đoạn.
Giai đoạn một sẽ từ thứ Bảy đến thứ Hai, tại một vùng biển rộng lớn hình chữ nhật ngoài khơi Bán đảo Lôi Châu. Giai đoạn hai từ thứ Ba cho tới ngày 2/8 ở khu vực nhỏ hơn, hình tròn với bán kính 8km, nằm bên trong vùng biển đó, theo thông báo của quân đội Trung Quốc.
Đạn thật với hỏa lực mạnh sẽ được bắn ra, và dân chúng được yêu cầu không đi vào vùng biển này trong thời gian diễn tập.
Trung Quốc yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành Đô
Vì sao Mỹ ra lệnh cho TQ đóng cửa lãnh sự quán Houston?
Trung Quốc gần đây đã liên tiếp có các cuộc tập trận ở Biển Đông, gồm đợt thao diễn bắn đạn thật của máy bay ném bom thuộc Hải quân của Bộ Tư lệnh Tác chiến Miền Nam Quân Giải phóng Trung Quốc, máy bay ném bom diễn tập tuần tra ban đêm trên biển trong các ngày 20-22/7, và máy bay chống tàu ngầm diễn tập hồi đầu tháng Bảy, Hoàn Cầu Thời báo trích dẫn các thông cáo báo chí của quân đội Trung Quốc nói.
Cuộc tập trận mới nhất diễn ra vào lúc quân đội Mỹ có những hoạt động mạnh mẽ ở Biển Đông.
Hoa Kỳ hồi đầu tháng đã triển khai hai hàng không mẫu hạm cùng các đội tàu hộ tống, tàu chiến tiến vào Biển Đông, và gửi máy bay do thám vào khu vực.
Tuần trước, lần đầu tiên Washington bác bỏ các đòi hỏi trên biển của Trung Quốc đối với Biển Đông, nơi mà nhiều nước khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam, cũng tuyên bố chủ quyền.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53518170
Australia “mạnh mẽ nhất
từ trước đến nay” với TQ ở Biển Đông
Trong một động thái mạnh mẽ nhất từ trước đến nay, Australia vừa gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Quan điểm của Australia được cho là mạnh mẽ và rõ ràng hơn quan điểm mà Mỹ đưa ra trước đó. Dưới đây là bản lược dịch của văn kiện này.
Australia phản đối bất kỳ yêu sách nào của Trung Quốc không phù hợp với Công ước của LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS), đặc biệt là các yêu sách biển không tuân thủ các quy định của UNCLOS về đường cơ sở, vùng biển và phân loại các thực thể.
Australia phản đối các yêu sách của Trung Quốc về “quyền lịch sử” hoặc là “quyền và lợi ích biển” được thiết lập thông qua (cái gọi là) “thực tiễn lịch sử lâu dài” ở Biển Đông. Tòa trọng tài trong Phán quyết về Vụ kiện Biển Đông năm 2016 khẳng định, các yêu sách này không phù hợp với UNCLOS và trong phạm vi đó, nó không có giá trị.
Không có cơ sở pháp lý cho việc Trung Quốc vẽ đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các thực thể hoặc nhóm đảo ở Biển Đông, bao gồm “Tứ Sa” hoặc “lục địa” hoặc “các quần đảo xa bờ”. Australia bác bỏ yêu sách đối với vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên các đường cơ sở thẳng này. Chính phủ Australia lưu ý các quốc gia chỉ có thể vẽ đường cơ sở thẳng trong một số trường hợp nhất định.
Về cơ bản, Điều 7, khoản 1 UNCLOS quy định việc sử dụng đường cơ sở thẳng chỉ có thể được áp dụng ở các địa phương nơi bờ biển bị lõm sâu hoặc bị lấn sâu, hoặc nếu có một chuỗi đảo chạy dọc theo và gần sát bờ biển. Thêm vào đó, Điều 47, khoản 1 của UNCLOS giới hạn việc sử dụng đường cơ sở thẳng quần đảo cho các quốc gia quần đảo, như được định nghĩa trong Điều 46. Trong trường hợp không đáp ứng được các yêu cầu này, các quốc gia phải vẽ đường cơ sở bình thường, dựa theo Điều 5, trong đó bao gồm cả các đảo.
Australia cũng phản đối yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển được tạo ra bởi các thực thể chìm hoặc các thực thể nửa chìm, nửa nổi không phù hợp với UNCLOS. Các hoạt động bồi đắp hoặc bất kỳ các hoạt động xây đảo nhân tạo nào không làm thay đổi phân loại của thực thể đó theo quy định của UNCLOS. Không có căn cứ pháp lý để thực thể có thể đòi hỏi nhiều quyền hơn quy định của UNCLOS đối với trạng thái tự nhiên của nó.
Vì lý do này, chính phủ Australia không chấp nhận các thực thể được thay đổi một cách nhân tạo được hưởng quy chế áp dụng cho một hòn đảo theo Điều 121, khoản 1 của UNCLOS. Hơn nữa, Điều 60, khoản 8 của UNCLOS quy định các đảo nhân tạo không được hưởng quy chế đảo. Đảo nhân tạo không có lãnh hải riêng và sự hiện diện của nó không ảnh hưởng đến việc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa.
Chính phủ Australia không chấp nhận khẳng định của Trung Quốc trong công hàm ngày 17/4/2020 rằng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi (lưu ý các phản đối của Việt Nam (Số 22/HC-2020, Số 24/HC-2020 và Số 25/HC-2020) và của Philippines (số 000192-2020) về vấn đề này. Chính phủ Australia bày tỏ sự quan ngại sâu sắc liên quan đến yêu sách của Trung Quốc đối với việc thực thi chủ quyền “liên tục và thực tế” đối với các thực thể nửa chìm, nửa nổi do chúng không tạo thành một phần của lãnh thổ đất liền của một quốc gia.
Chính phủ Australia cũng phản đối yêu sách của Trung Quốc rằng Trung Quốc không bị ràng buộc bởi phán quyết của Tòa Trọng tài. Lý do mà Trung Quốc đưa ra để giải thích cho việc nước này không tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài không có căn cứ pháp lý. Căn cứ vào Điều 296 và Điều 11 của Phụ lục VII của UNCLOS, quyết định của Tòa trọng tài là cuối cùng và có tính chất ràng buộc với tất cả các bên tranh chấp.
Chính phủ Australia khuyến khích các bên có yêu sách ở Biển Đông, trong đó có Trung Quốc làm rõ các yêu sách biển và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
Chính phủ Australia bảo lưu quan điểm của mình đối với các khía cạnh khác trong các yêu sách của Trung Quốc trong ba công hàm được nêu ở trên.
http://biendong.net/bi-n-nong/36000-australia-manh-me-nhat-tu-truoc-den-nay-voi-tq-o-bien-dong.html
Bắc Kinh lại đe dọa Canberra
sau khi yêu sách Biển Đông bị Úc thẳng tay bác bỏ
Trọng Nghĩa
Ngay sau khi Úc chính thức gởi công hàm lên Liên Hiệp Quốc – đề ngày 23/07/2020 – bác bỏ mọi yêu sách chủ quyền trên biển của Trung Quốc tại vùng Biển Đông mà không phù hợp với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, Bắc Kinh ngày 25/07 đã phản ứng gay gắt, và như thông lệ, đã lớn tiếng đe dọa Canberra là sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, nhất là về mặt kinh tế.
Trong một bài bình luận đăng trên trang web của mình, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, được cho là cái loa của Bắc Kinh, đã cho rằng nước Úc đã “thiếu khôn ngoan” khi leo lên “con tàu bị thủng” của Mỹ để xen vào vấn đề Biển Đông.
Đối với tờ báo, trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Úc hiện đang xấu đi đáng kể, nếu Canberra tiếp tục theo sát Washington và “khiêu khích” Bắc Kinh, thì “thiệt hại đối với Úc nên được dự kiến, không chỉ về quan hệ chính trị, mà cả về quan hệ kinh tế”.
Đe dọa cụ thể mà Hoàn Cầu Thời Báo nêu bật thành ví dụ là khả năng đánh vào sản phẩm nông nghiệp nhập từ Úc như thịt bò và rượu vang.
Quan điểm của Úc về Biển Đông mạnh mẽ khác thường
Phải nói là công hàm mà phái đoàn thường trực của Úc gởi lên Liên Hiệp Quốc để bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông mang tính chất mạnh mẽ khác thường.
Dựa trên phán quyết 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, Úc đã bác bỏ toàn bộ yêu sách của Trung Quốc dựa trên “quyền lịch sử”.
Công hàm của Úc đồng thời dựa trên Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 để phủ nhận giá trị của việc Trung Quốc vẽ đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các thực thể hoặc nhóm đảo ở Biển Đông mà Bắc Kinh tự nhận là của họ, rồi dựa theo đó để yêu sách các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Một yếu tố khác được giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông tại Học Viện Quốc Phòng ghi nhận là Úc còn phủ nhận việc Trung Quốc co rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa “đã được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi”, viện dẫn các công hàm phản đối từ Việt Nam và Philippines trong thời gian gần đây.