Tin Biển Đông – 26/06/2020
Mỹ – Trung chạy đua khí tài săn ngầm ở Biển Đông
Quân đội Mỹ và Trung Quốc thời gian qua triển khai máy bay săn ngầm nhằm tăng cường theo dõi tàu ngầm, thu thập thông tin tình báo ở Biển Đông.
Các chuyên gia quân sự đánh giá tàu ngầm là vũ khí lợi hại ở Biển Đông nên gần đây cả Mỹ và Trung Quốc đều tăng cường triển khai máy bay săn ngầm đến vùng biển này.
Trung Quốc đưa máy bay săn ngầm đến Trường Sa
Hình ảnh vệ tinh do Công ty ImageSat International (Israel) công bố hồi tháng 5 cho thấy Trung Quốc điều máy bay cảnh báo sớm KJ-500, máy bay săn ngầm KQ-200 đến đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp và bồi đắp thành đảo nhân tạo. KQ-200 (còn gọi là Y-8Q) có thiết kế dựa trên máy bay vận tải quân sự An-12 của Liên Xô, được cho là có thể mang theo các phao thủy âm giám sát tàu ngầm và cả ngư lôi.
Trả lời phỏng vấn tờ South China Morning Post, chuyên gia quân sự ở Hồng Kông, ông Tống Trọng Bình nói: “Cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung Quốc ngày càng gay gắt và quân đội Trung Quốc đang cố tăng cường năng lực quân sự, liên tục triển khai và thử nghiệm khí tài săn ngầm”.
Hồi tháng 5, báo Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc xác nhận các máy bay săn ngầm đã thực hiện nhiệm vụ tuần tra và chống tàu ngầm ở Biển Đông nhưng không nêu vị trí cụ thể. Động thái này được cho là nhằm phản ứng trước việc 3 tàu ngầm Mỹ tham gia cuộc tập trận phối hợp với không quân và thủy quân lục chiến Mỹ ở biển Philippines. Bên cạnh đó, Lực lượng tàu ngầm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ hồi tháng 5 bất ngờ tuyên bố tất cả 7 tàu ngầm đang tiến hành “hoạt động ứng phó dự phòng” ở phía tây Thái Bình Dương nhằm răn đe Trung Quốc, theo Military.com.
Mỹ nâng cấp khí tài săn ngầm
Trong những tháng gần đây, Mỹ tiếp tục điều máy bay săn ngầm P-8A thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở Biển Đông. Chuyên gia Kris Osborn của chuyên san National Interest gọi đây là một phần trong chiến lược ngăn chặn hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông. “Chiếc P-8 cùng mạng lưới thiết bị chống tàu ngầm là công cụ răn đe đối với đội tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo mà Trung Quốc đang phát triển”, theo ông Osborn.
Năng lực chống ngầm của KQ-200 hiện vẫn là ẩn số, nhưng được cho là không thể cạnh tranh với P-8A mới được nâng cấp của Mỹ, theo giới chuyên gia quân sự Mỹ. Hôm 15.5, tài khoản Golf9 chuyên theo dõi máy bay trực tuyến trên Twitter phát hiện một chiếc P-8A có chuyến bay giám sát căn cứ hải quân Du Lâm ở đảo Hải Nam (Trung Quốc) ở Biển Đông. Golf9 chỉ ra rằng chiếc P-8A được trang bị hệ thống radar tiên tiến bí mật AN/APS-154, có thể giúp phát hiện tàu ngầm ở nhiều độ sâu khác nhau.
Với tốc độ tối đa 907 km/giờ, chiếc P-8A được bổ sung 6 thùng nhiên liệu và có thể tiếp dầu trên không, giúp mở rộng phạm vi hoạt động. Bên cạnh đó, P-8A có thể mang theo tên lửa diệt hạm Harpoon và ngư lôi, không chỉ truy vết mà còn có khả năng tấn công tàu ngầm.
Ngoài ra, máy bay này có thể thả phao thủy âm, góp phần vào cái được gọi là “Đường dây phòng thủ dưới đáy biển của hải quân Mỹ”, vốn là mạng lưới không dây các bộ cảm biến và thiết bị khác trải dài từ khu vực ven biển phía bắc Trung Quốc đến Philippines và Indonesia, theo National Interest. Một số chuyên gia còn cho rằng P-8A có thể được nâng cấp thành một loại máy bay ném bom như B-52, mang theo nhiều loại vũ khí như bom cỡ nhỏ và tên lửa dẫn đường diệt hạm.
Kế hoạch của Nhật Bản đối phó đội tàu ngầm Trung Quốc
Tàu khu trục Kaga cùng máy bay săn ngầm P-1 của Nhật Bản đã xua đuổi một tàu ngầm Trung Quốc ra khỏi vùng biển gần đảo Amami – Oshima của Nhật Bản hôm 18.6. Các quan chức Tokyo gọi động thái của tàu ngầm Trung Quốc là một phần trong chiến lược tăng cường hiện diện của Bắc Kinh ở phía tây Thái Bình Dương. Theo Forbes, Nhật Bản có kế hoạch triệt phá lực lượng tàu ngầm Trung Quốc. Cụ thể, Nhật Bản cùng đồng minh sẽ thực hiện “chiến dịch tấn công chủ động”, sử dụng tên lửa, tiến hành không kích trực tiếp vào các căn cứ tàu ngầm, xưởng đóng tàu và cơ sở sản xuất ngư lôi của Trung Quốc. Trong khi đó, tàu Nhật Bản sẽ rải thủy lôi gần các cảng Trung Quốc. Tiếp theo, lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ thiết lập “vùng bao vây” quanh đảo Okinawa để bắt giữ những tàu ngầm Trung Quốc đã rời cảng. Cuối cùng, Nhật Bản và các đồng minh tiếp tục săn lùng, phá hủy những tàu ngầm Trung Quốc vượt qua “vùng bao vây” Okinawa.
http://biendong.net/bien-dong/35469-my-trung-chay-dua-khi-tai-san-ngam-o-bien-dong.html
ASEAN kêu gọi thúc đẩy đàm phán về Biển Đông,
Việt Nam nêu quan ngại về tình hình an ninh khu vực
Lãnh đạo các quốc gia tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 36 ở Hà Nội hôm 26/6 đã thảo luận các vấn đề về tình hình Biển Đông, kêu gọi các bên tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời thúc đẩy việc đàm phán Bộ Quy tắc về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC).
Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh trong khu vực giữa đại dịch COVID-19 nhưng không nêu tên cụ thể Biển Đông hay bất cứ nước nào. Ông nói:
“Trong khi cả thế giới đang gồng mình chống dịch, vẫn xuất hiện những hành động thiếu trách nhiệm, vi phạm luật pháp quốc tế, ảnh hưởng đến môi trường an ninh và ổn định ở một số khu vực, trong đó có khu vực của chúng ta”.
Thủ tướng Việt Nam kêu gọi các bên đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, đẩy mạnh hợp tác xây dựng lòng tin sử dụng các biện pháp hoà bình dựa trên luật pháp quốc tế, thực hiện DOC và hướng tới COC, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước về luật biển của Liên Hiệp Quốc 1982 (UNCLOS).
Trong những tháng gần đây, vào khi dịch bệnh COVID-19 đang lan rộng trên toàn thế giới, Trung Quốc đã có một loạt các hành động gây căng thẳng ở Biển Đông bị nhiều nước chỉ trích bao gồm: lập hai quận hành chính quản lý Hoàng Sa, Trường Sa, đặt tên cho 80 thực thể chìm và nổi ở Biển Đông để tuyên bố chủ quyền, đâm chìm tàu cá Việt Nam, đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực Biển Đông.
Cũng do tình hình bệnh dịch, việc đàm phán COC giữa Trung Quốc và ASEAN trong năm nay đã bị hoãn lại. Lãnh đạo các nước ASEAN tại cuộc họp thượng đỉnh đã kêu gọi sớm nối lại việc đàm phán này.
Nguy cơ xung đột Mỹ – Trung lên cao hơn bao giờ hết
Nguy cơ xảy ra xung đột giữa Mỹ và Trung đang ở mức cao hơn bao giờ hết vì các kênh trao đổi song phương giữa lực lượng vũ trang hai nước đã gần như không còn hoạt động, các chuyên gia Trung Quốc cho biết.
Wu Shicun, chủ tịch Viện Nghiên cứu biển Hoa Nam (tức biển Đông), nói rằng Bắc Kinh và Washington đang cạnh tranh quyết liệt trên nhiều mặt trận, thiếu lòng tin chính trị giữa hai nước khiến hàng trăm kênh ngoại giao liên chính phủ dừng hoạt động.
Theo báo cáo về sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà viện này công bố hôm 23/6, trao đổi giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc suy giảm mạnh từ năm 2018.
Quan hệ song phương xấu đi sau khi Mỹ rút lời mời Trung Quốc dự đợt tập trận hàng hải đa phương quy mô lớn mang tên Vành đai Thái Bình Dương từ 2 năm trước.
Mỹ nói rằng đó là sự đáp trả việc quân đội Trung Quốc triển khai những hệ thống tên lửa và đưa máy bay ném bom ra các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) trên biển Đông, báo cáo viết.
“Tôi nghĩ nguy cơ xảy ra xung đột đang tăng lên, đặc biệt sau vụ suýt đụng độ giữa tàu khu trục tên lửa USS Decatur và tàu khu trục Trung Quốc Lan Châu hồi tháng 9 (năm 2018) trên biển Đông”, ông Wu nói với SCMP.
Trong vụ căng thẳng đó, tàu USS Decatur đang thực hiện hoạt động tuần tra tự do hàng hải đã tiến sát đến mức chỉ cách tàu Lan Châu 41m ở khu vực đá Ga Ven (thuộc quần đảo Trường Sa nhưng Trung Quốc đang kiểm soát), theo mô tả của Hải quân Mỹ. Bắc Kinh cáo buộc tàu Mỹ có “hành động khiêu khích”.
“Nếu tình hình vượt quyền kiểm soát và khủng hoảng xảy ra, tác động lên quan hệ song phương sẽ rất khủng khiếp. Đó là lý do cần đối thoại”, ông Wu nói.
Dù xảy ra một số vụ va chạm, hai bên cho đến nay vẫn có thể ngăn tình hình leo thang và các kênh trao đổi đã đóng vai trò đáng kể.
Những sự cố đó bao gồm cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan những năm 1990 khi Bắc Kinh phóng thử hàng loạt tên lửa ra vùng biển sát hòn đảo tự trị; vụ va chạm trên không năm 2001 giữa máy bay Mỹ US EP-3 Aries và máy bay chiến đấu Trung Quốc gần đảo Hải Nam khiến một phi công Trung Quốc thiệt mạng.
Hai nước trước đây duy trì một số kênh liên lạc song phương, như đường dây nóng giữa hai bộ quốc phòng và cơ chế đối thoại giữa hai lực lượng.
Các quan chức quân sự Mỹ – Trung cũng gặp gỡ không chính thức tại những sự kiện như Đối thoại Shangri-La thường niên tại Singapore, nhưng diễn đàn năm nay bị phải hủy bỏ do đại dịch COVID-19.
Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington gia tăng đến mức các chuyên gia đã nói đến khả năng xảy ra chiến tranh lạnh mới. Lần đầu tiên kể từ chiến tranh lạnh thứ nhất, 3 tàu sân bay nặng 100.000 tấn của Hải quân Mỹ đang hiện diện trên Thái Bình Dương, còn hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tháng trước cho biết tất cả đội tàu ngầm của họ đang hoạt động ở tây Thái Bình Dương.
Đầu tháng này, cơ quan quốc phòng Đài Loan cho biết họ đã phải điều máy bay ra xua một nhóm máy bay chiến đấu của đại lục vượt qua eo biển Đài Loan và áp sát hòn đảo trong thời gian ngắn, chỉ vài giờ sau khi một máy bay vận tải quân sự Mỹ bay qua khu vực này.
Zhu Feng, một giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Nam Kinh, cho rằng các cơ chế hiện nay có thể không đủ để kiểm soát mọi cuộc chạm trán, hai bên nên tìm ra cách thức hiệu quả hơn để quản lý khủng hoảng có thể xảy ra.
“Tôi khá lo ngại vì các cuộc chạm trán giữa hai lực lượng trên biển Đông và eo biển Đài Loan có vẻ không phải tình cờ mà là cố tình, cả trên biển và trên không”, ông Zhu nói.
“Ứng xử với những cuộc va chạm cố tình như thế không chỉ cần bảo đảm cách hoạt động an toàn mà cả lòng tin chiến lược và chính trị để tình hình không leo thang đến mức thù địch”, ông Zhu nói.
Các lãnh đạo quân đội Trung Quốc chưa có cuộc gặp nào với đồng cấp Mỹ ở Bộ tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương từ năm 2017.
“Tôi nghĩ Bộ chỉ huy Ấn Độ – Thái Bình Dương nên trao đổi với đồng cấp Trung Quốc. Đó là cách hai bên làm quen với nhau. Chúng ta không thể chỉ dựa vào dự đoán về nhau”, ông Zhu nói.
Bắc Kinh cáo buộc chiến cơ Mỹ bay qua Biển Đông,
áp sát Trung Quốc đại lục
Minh Hòa
Một cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ đã cử máy bay quân sự thực hiện các nhiệm vụ giám sát trên Biển Đông và tiến sát vào bờ biển phía đông nam của Trung Quốc đại lục.
Thông tin này xuất hiện hôm 25/6 từ SCSPI, một tổ chức có trụ sở tại Bắc Kinh gọi là “Sáng kiến Đánh giá tình hình chiến lược Biển Nam Hải”, tức Biển Đông của Việt Nam.
SCSPI đăng lên Twitter (mạng xã hội bị cấm ở Trung Quốc) một hình ảnh được cho là ghi lại hành trình của những chiếc máy bay Mỹ, kèm lời tuyên bố: “Vào buổi sáng ngày 25/6, chiếc máy bay P-8A và RC-135 của Hoa Kỳ đang tiến hành trinh sát tại Biển Nam Hải, tập trung vào vùng biển phía đông của Kênh đào Bashi, trong khi đó, một chiếc máy bay C-17A Globemaster III đang bay qua Biển Nam Hải”. Biển Nam Hải là cách gọi của Trung Quốc đối với Biển Đông của Việt Nam.
Theo SCMP, máy bay chống tàu ngầm P8-A Poseidon, máy bay trinh sát RC-135 và máy bay vận tải C-17A là 3 trong số ít nhất một tá máy bay chiến đấu của Mỹ từng được nhìn thấy trong khu vực kể từ giữa tháng 6.
Theo hình ảnh mà SCSPI đăng trên Twitter, máy bay P8-A đã bay qua Kênh Bashi và hướng về phía Quần đảo Đông Sa (một nhóm ba đảo san hô ở phía bắc của Biển Đông) do Đài Loan kiểm soát, sau đó bay sát bờ biển phía đông nam của Trung Quốc đại lục.
Hiện chưa rõ tuyên bố của SCSPI có xác thực hay không. Đài Loan đã từ chối xác nhận bất kỳ hoạt động nào của Không lực Hoa Kỳ trong khu vực, theo SCMP.
Bắc Kinh đang cố gắng mô tả sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Biển Đông là hành vi gây hấn, làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột. Hôm 23/6, một cơ quan nghiên cứu khác của Bắc Kinh đã công bố báo cáo lên án các tàu chiến Mỹ nhiều lần xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc.
SCMP cho rằng các hành động của Không lực Hoa Kỳ đã khiến quân đội Trung Quốc tăng cường hoạt động của mình trong khu vực.
Trước đó, báo Kyodo của Nhật Bản đưa tin quân đội Trung Quốc có kế hoạch tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn ở Biển Đông vào tháng 8. Theo SCMP, Hoa Kỳ đã biết kế hoạch tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông, vì vậy đã triển khai các máy bay tác chiến để thực hiện một số nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo trong khu vực.
Tờ báo Hồng Kông cho biết, các nhà phân tích quân sự nhận định sự hiện diện của máy bay P8-A trong khu vực cho thấy các nhiệm vụ của Không lực Hoa Kỳ có thể có liên quan đến các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân quân đội Trung Quốc ở gần vùng Biển Philippines.
Ông Alexander Huang Chieh-cheng, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Tam Khang ở Đài Bắc, Đài Loan nói với SCMP: “Nếu Trung Quốc triển khai các tàu ngầm của mình ở các kênh Bashi và Balintang nằm giữa Đài Loan và Philippines, nó sẽ đóng vai trò ngăn chặn các hoạt động của hải quân Mỹ ở Biển Philippines và Biển Đông”.
Hải quân Hoa Kỳ đang triển khai cùng lúc 3 nhóm tác chiến tàu sân Mỹ ở vùng biển Tây Thái Bình Dương, gồm Biển Đông, Biển Hoa Đông và Biển Philippines, nhằm gửi một “thông điệp mạnh mẽ” tới chính quyền Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đang tiếp tục tăng cao, theo Japan Times.