Tin Biển Đông – 26/04/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 26/04/2018

ASEAN sẽ lên án về việc Trung Quốc

xây lắp đảo nhân tạo ở Biển Đông

Các quốc gia ASEAN có thể sẽ làm Trung Quốc giận dữ trong bảng tuyên bố chung tới đây khi họ có thể sẽ nêu lên những quan ngại về việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, bồi đắp đảo nhân tạo, quân sự hóa Biển Đông.

Tờ Nikkei của Nhật Bản loan báo thông tin này dựa theo một bản dự thảo tuyên bố chung của ASEAN mà họ có được. Dự thảo này sẽ được đưa ra sau hai ngày nhóm họp tại Singapore của lãnh đạo 10 quốc gia ASEAN, bắt đầu từ ngày thứ sáu 27/4/2018.

Singapore hiện là Chủ tịch luân phiên của khối ASEAN

Năm ngoái vị trí này do Philippines nắm giữ, và Manila đã không đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ chống lại những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông vì chính sách thân thiện với Trung Quốc của Tổng thống đương nhiệm Rodrigo Duterte.

Trung Quốc, Việt Nam, Philippines là ba quốc gia lớn tiếng nhất từ trước đến nay liên quan đến chủ quyền trên Biển Đông. Ngoài ra, các nước Brunei, Malaysia và Đài Loan cũng đòi chủ quyền ở khu vực này.

Singapore mặc dù không can hệ trực tiếp với tranh chấp Biển Đông, nhưng quốc gia này lệ thuộc rất nhiều vào con đường thương mại xuyên qua Biển Đông, vì thế rất lo lắng về tự do hàng hải trên vùng biển này.

Tuy nhiên theo phân tích của tờ Nikkei thì tuyên bố chung có thể sẽ thay đổi nếu thành viên khác là đồng minh thân cận của Bắc Kinh như Campuchia có thể lên tiếng phản đối, không muốn làm phật lòng Trung Quốc.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/asean-china-east-sea-singapore-04262018095012.html

 

Philippines xem xét phản ứng

đối với hành động của Trung Quốc ở đá Vành Khăn

Người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Harry Roque hôm 25/4 nói trên truyền hình nước này rằng Philippines đang xem xét các hành động ngoại giao có thể để phản ứng trước việc Trung Quốc cho xây một tượng đài và điều máy bay vận tải quân sự Xian Y – 7 ra đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa ở biển Đông.

Đá Vành Khăn hay còn được Philippines gọi là Panganiban, nằm trong vùng 370 km đặc quyền kinh tế của nước này và đã được Tòa Trọng tài quốc tế công nhận trong một phán quyết hồi năm 2016.

Ông Harry Roque cho biết không phải tất các hành động phản ứng của chính phủ đều có thể được công bố.

Chính phủ của Tổng thống Rodrigo Duterte từ lâu nay vẫn theo đuổi chính sách thân Trung Quốc và không lên tiếng chỉ trích các hành động của Trung Quốc ngoài biển Đông.

Tuy nhiên, các nghị sĩ và chuyên gia luật của Philippines đã kêu gọi chính phủ của Tổng thống Duterte phải có hành động phản đối Trung Quốc đưa máy bay quân sự ra đá Vành Khăn. Theo họ hành động này của Trung Quốc không chỉ coi thường chủ quyền của Philippines mà còn là một bước tiến tới việc triển khai máy bay ném bom tầm xa và các chiến đấu cơ khác ra các khu vực khác thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước khác trong khu vực.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/philippines-studying-move-on-china-monument-in-scs-04262018101948.html

 

Trung Quốc lên án các nước G7

vì những nhận xét ‘thiếu trách nhiệm’ về Biển Đông

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 25/4 lên tiếng phản đối các nước G7 vì đã ra tuyên bố phản đối các hành động đơn phương làm căng thẳng tình hình ở Biển Đông.

Lãnh đạo các nước G7 bao gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ hôm 23/4 ra tuyên bố phản đối các hành động đơn phương làm căng thẳng tình ình và gây mất ổn định trong khu vực, trật tự theo luật quốc tế như việc sử dụng vũ lực, xây lấp đảo cỡ lớn và xây các cơ sở dùng cho mục đích quân sự. Các nước G7 kêu gọi việc phi quân sự hóa khu vực Biển Đông để duy trì hòa bình và ổ định trong khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng gọi những phản đối của các nước G7 là vô trách nhiệm và không tôn trọng sự thật.

Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói nước này luôn cam kết làm việc cùng các nước khác có liên quan trực tiếp trong khu vực để giải quyết các khác biệt qua đàm phán và tư vấn, hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đảm bảo tự do hàng hải và hàng không qua khu vực biển Đông.

Nhóm G7 từ trước đến nay luôn nhất quán trong lập trường của mình về vấn đề biển Đông. Từ năm 2016, các nước G7 đã thống nhất là cần thiết phải có thông điệp mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-hits-g7-s-irresponsible-comments-on-scs-04262018094250.html

 

Trung Quốc phản đối

kiến nghị của Thượng viện Canada về Biển Đông

Hôm 26/4/2018, phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa, Canada gọi việc Thượng viện Canada thông qua bản kiến nghị chỉ trích Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông là hành động vô trách nhiệm và “khuấy động những rắc rối.”, theo Reuters.

Thượng viện Canada hôm 24/4/2018 đã thông qua bản kiến nghị lên án “hành vi thù địch” của Trung Quốc ở Biển Đông, làm phức tạp nỗ lực của Thủ tướng Justin Trudeau cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Tuyên bố của Thượng viện Canada được thông qua với tỷ lệ bỏ phiếu 43-28, với 6 phiếu trắng.

Thượng nghị sĩ gốc Việt Ngô Thanh Hải thuộc đảng Bảo thủ, người ủng hộ chỉ trích Trung Quốc nói rằng ông muốn chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau đóng vai trò chủ đạo trong việc thúc giục tất cả các bên trong tranh chấp Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế và chấm dứt mọi hành động leo thang.

Ông nói thêm “Chính phủ không thể phớt lờ những tranh chấp ở Biển Đông và cần có một vai trò tích cực ủng hộ các đồng minh ngoại giao của mình.”

Cũng theo Reuters, bà Chrystia Freeland, một phát ngôn viên Bộ trưởng Ngoại giao Canada không bình luận trực tiếp về tuyên bố của Thượng viện, nhưng nói rằng Canada quan ngại về những căng thẳng xoay quanh những tranh chấp ở Biển Đông.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-says-canada-senate-motion-on-disputed-sea-stirs-troubles-04262018091602.html

 

TQ đang ‘đẩy’ Việt Nam đến gần Tòa án Quốc tế?

Khánh An-VOA

Một số chuyên gia nghiên cứu Biển Đông nhận định với VOA rằng động thái “phản đối” quen thuộc của Việt Nam trước những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông là một “phản ứng cần thiết” theo yêu cầu của luật pháp quốc tế, nhưng “không đủ”, thậm chí đang tạo ra một vòng “luẩn quẩn”.

Giải pháp đưa nhau ra Tòa trọng tài Quốc tế, theo họ, là một lựa chọn “ôn hòa” và “tối ưu” mà Việt Nam “không sớm thì muộn” cũng sẽ phải thực hiện.

Trả lời câu hỏi của báo chí hôm 24/4 liên quan đến việc Trung Quốc vừa lắp đặt các thiết bị tác chiến điện tử mới gây nhiễu sóng trên Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối các động thái này, cùng một loạt hành động khác của Bắc Kinh ở Biển Đông gần đây như cho tàu You Lian Tuo 9 thi công dưới nước, và tổ chức cuộc đua thuyền buồm tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói các hành động của Trung Quốc “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”, “trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.

Phía Việt Nam yêu cầu Trung Quốc phải “chấm dứt ngay” các hoạt động trên và “tôn trọng” chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhận xét về phản ứng “quen thuộc” của Việt Nam, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cho rằng đây là một phản ứng cần thiết và “phù hợp với quan điểm của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế”.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã, một nhà sử học nhiều năm nghiên cứu về Biển Đông, cũng đồng ý với quan điểm này và giải thích thêm:

“Bởi vì nếu không phản đối, theo luật pháp quốc tế, là công nhận những gì Trung Quốc làm là thuộc chủ quyền của Trung Quốc, cho nên đó là một việc làm đương nhiên”.

Tuy nhiên theo TS. Hà Hoàng Hợp, động thái “phản đối” của Việt Nam sau mỗi hành động lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông là “không đủ” và đang tạo ra một vòng “lẩn quẩn”.

Ông nói:“Nó sẽ không đủ vì Trung Quốc hung hăng lắm. Họ cứ thế mà làm thôi. Việt Nam cứ phản đối, còn họ cứ làm. Và cuối cùng thì bây giờ trên thực tế đang có vấn đề lẩn quẩn”.

Phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam được đưa ra sau khi thông tin về việc Trung Quốc lắp đặt thiết bị quân sự gây nhiễu sóng tại quần đảo Trường Sa được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tiết lộ trên báo chí Mỹ ngày 9/4, giữa lúc Bắc Kinh đang tiến hành một cuộc tập trận được đánh giá là “lớn nhất từ trước tới nay” ở Biển Đông.

Trong tuyên bố gửi cho Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ tại buổi điều trần hôm 17/4, Đô đốc Mỹ Philip Davidson cho rằng Trung Quốc hiện đã có khả năng kiểm soát toàn bộ Biển Đông, và chỉ có chiến tranh mới có thể ngăn chặn nước này “thâu tóm” toàn bộ khu vực.

Trước những diễn tiến dồn dập, mà một số giới chức Mỹ cho là Bắc Kinh “tăng tốc quân sự hóa” khu vực Biển Đông, các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang bị đẩy tới chỗ phải nhờ đến sự can thiệp của Tòa án trọng tài Quốc tế.

“Hướng duy nhất, theo tôi, là đưa ra tòa. Không có con đường nào khác cả”, TS. Hà Hoàng Hợp nói.

Theo ông, mặc dù việc kiện tụng không đảm bảo sẽ giải quyết hoàn toàn vấn đề tranh chấp (như kinh nghiệm của Philippines), nhưng “không sớm thì muộn”, Việt Nam sẽ phải lựa chọn giải pháp này vì đây là phương pháp đấu tranh “ôn hòa” và “tối ưu nhất”.

Còn theo đánh giá của TS. Nguyễn Nhã, Việt Nam sẽ nắm nhiều phần thắng nếu kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế. Vì theo ông, chủ quyền của Việt Nam trong khu vực là một “sự thật lịch sử” không thể chối cãi, với nhiều chứng cứ có thể tìm thấy ở các nước.

“Nước Pháp là một trong những nước mà tôi nghĩ nắm rất rõ về quá trình xác lập chủ quyền ra sao. Chỉ có điều, như tôi từng nói, Trung Quốc có hơn cả ngàn luận văn nghiên cứu về Biển Đông, trong khi Việt Nam lại có quá ít”, TS. Nguyễn Nhã cho biết.

Đầu tuần này, báo chí Trung Quốc cho biết nước này vừa khánh thành một tượng đài trên Đá Chữ Thập, nơi Bắc Kinh xây dựng thành đảo nhân tạo với các cơ sở quân sự và đường băng, với lý do là để “đánh dấu các công trình xây dựng ở Biển Đông”.

Một nghị sĩ của Philippines, ông Gary Alejano, ngày 24/4 lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc này, nói rằng hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên đảo nhân tạo là “một cái tát” vào mặt các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trong khu vực.

Tại cuộc họp báo ngày 24/4, phát ngôn viên Lục Khảng của Trung Quốc nói: “Các hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và các đá chủ yếu là nhằm cải thiện các cơ sở liên quan trên đảo, đá, cũng như điều kiện sống và làm việc cho nhân viên tại đây, để Trung Quốc có thể thực hiện tốt hơn trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của mình, chu cấp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế và giúp bảo vệ an ninh hàng hải ở Biển Đông, vốn rất quan trọng đối với sự phát triển của Trung Quốc và các nước trong khu vực”.

https://www.voatiengviet.com/a/tq-dang-day-vn-den-gan-toa-an-quoc-te/4364532.html