Tin Biển Đông – 26/03/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 26/03/2019

Mục đích nham hiểm của TQ

khi công bố kế hoạch phát triển “căn cứ quốc gia

về dịch vụ và hậu cần chiến lược” ở Hoàng Sa

Giới quan sát nhận định Trung Quốc có 3 mục đích chính khi công bố kế hoạch phát triển “căn cứ quốc gia về dịch vụ và hậu cần chiến lược” trái phép trên các đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Đầu tiên, việc Trung Quốc công bố kế hoạch phát triển “căn cứ quốc gia về dịch vụ và hậu cần chiến lược” trái phép trên các đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thăm dò phản ứng, dư luận ở trong và ngoài khu vực. Do từ trước đến nay các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đều là trái với luật pháp quốc tế nên luôn bị các nước lên án, phản đối mạnh mẽ. Các ý kiến giới học giả cho rằng mặc dù được gọi là “căn cứ quốc gia về dịch vụ và hậu cần chiến lược”, song lại được chính quyền địa phương (Bí thư của “thành phố Tam Sa” phi pháp) đưa ra, đồng thời những thông tin khá sơ lược, không đưa quá chi tiết cho thấy Trung Quốc không muốn vấn đề quá gây sự chú ý, mặc dù theo giới chức địa phương thì đây là chương trình thực hiện theo định hướng chỉ đạo của trung ương, trực tiếp là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây không phải là lần đầu Trung Quốc đưa ra các thông tin mang tính thăm dò như thế này. Trước đó, nước này cũng thường xuyên tung ra các thông tin mập mờ để thử phản ứng từ bên ngoài, do lo ngại sẽ vấp phải một sự lên án, chỉ trích mạnh mẽ.

Việc Trung Quốc công bố kế hoạch phát triển “căn cứ quốc gia về dịch vụ và hậu cần chiến lược” trái phép ở Hoàng Sa còn nhằm mục đích tuyên truyền, ca tụng cho người dân trong nước về sức mạnh quốc gia, sức mạnh hải quân, nhất là thành quả trong công cuộc chiếm hữu ở Biển Đông, khích lệ sự ủng hộ của dân chúng cho những bước đi của nước này ở khu vực, nhất là khi nước này vừa kết thúc kỳ họp lưỡng hội. Trước đó, chính ngay tại Trung Quốc đã có nhiều ý kiến hoài nghi, thậm chí là chỉ trích những chính sách và hành động đơn phương của Trung Quốc đang thực hiện ở Biển Đông. Có thể thấy rõ điều này khi Bí thư của cái gọi là “thành phố Tam Sa” Trương Quân ca ngợi họ đang thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của ban lãnh đạo trung ương Trung Quốc mà đứng đầu là Chủ tịch Tập Cận Bình.

Mục đích thứ ba sau việc công bố kế hoạch phát triển “căn cứ quốc gia về dịch vụ và hậu cần chiến lược” nói trên có thể là Trung Quốc muốn gửi tín hiệu cảnh báo đến Mỹ và các nước thời gian qua đang tích cực hiện diện ở Biển Đông và có nhiều chỉ trích đối với hành động của Trung Quốc. Vừa qua, Mỹ đã triển khai hàng loạt tàu chiến, bao gồm cả tàu sân bay và máy nay ném bom chiến lược B-52 tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông đã gây ra những lo ngại từ Trung Quốc. Nhiều nước khác cũng tuyên bố sẽ đẩy mạnh tham gia vào hoạt động này. Hiện nay, tại khu vực 3 hòn đảo nói trên, nhất là đảo Phú Lâm, Trung Quốc đã xây dựng một cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh được quân sự hóa quy mô lớn với một đường băng dài 3.000 m và một cảng nước sâu dài 1.000 m, triển khai tên lửa HQ-9 và YJ-62, hệ thống radar, máy bay ném bom chiến lược H-6K, máy bay chiến đấu J-11… Vì vậy, việc tuyên bố kế hoạch phát triển “căn cứ quốc gia về dịch vụ và hậu cần chiến lược”, Trung Quốc có thể muốn nói rằng họ hoàn tất phần còn lại của các tiền đồn quân sự tầm cỡ ở Biển Đông sẵn sàng thách thức Mỹ và các nước.

Cuối cùng, thông qua kế hoạch phát triển “căn cứ quốc gia về dịch vụ và hậu cần chiến lược” ở Hoàng Sa, Trung Quốc sẽ tiếp tục lợi dụng danh nghĩa dân sự để thể hiện hình ảnh về quốc gia có trách nhiệm, thiện chí trong khu vực. Cái gọi là “căn cứ quốc gia về dịch vụ và hậu cần chiến lược” trái phép trên các đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam có thể bao gồm hệ thống cơ sở hạ tầng như sân bay, cầu cảng, bến bãi nhà kho, khu nhà ở, bệnh viện, hệ thống điện nước, hệ thống thông tin liên lạc, lực lượng hải quân đồn chú, tàu thuyền…

http://biendong.net/bien-dong/27114-muc-dich-nham-hiem-cua-tq-khi-cong-bo-ke-hoach-phat-trien-can-cu-quoc-gia-ve-dich-vu-va-hau-can-chien-luoc-o-hoang-sa.html

 

Kế hoạch xây hệ thống định vị của TQ ở Biển Đông

Hệ thống Bắc Đẩu dưới nước sẽ cung cấp thông tin về vị trí, định vị và liên lạc dành cho người dùng toàn cầu.

Ngày 22/3, một nhà phát triển hệ thống định vị cho biết trên tờ Thời báo Hoàn Cầu rằng, Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng một hệ thống định vị khu vực có độ chính xác cao, hay còn gọi là hệ thống Bắc Đẩu dưới nước, trong một chương trình thí điểm tại Biển Đông nhằm cung cấp thông tin về vị trí, định vị và liên lạc dành cho người dùng toàn cầu.

Theo Phòng thí nghiệm âm thanh Thượng Hải thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, hệ thống định vị trên biển, còn được gọi là UGPS, sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật quan trọng cho mạng lưới dưới biển của Trung Quốc, đặc biệt cho các tàu lặn.

Huang Chudan, chánh văn phòng phòng thí nghiệm âm thanh Thượng Hải, hệ thống UGPS sẽ hoạt động dựa trên hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc. Hệ thống Bắc Đẩu do Trung Quốc tự phát triển và sử dụng dịch vụ định vị của nước này, thay vì dịch vụ định vị toàn cầu GPS của Mỹ.

“Những tín hiệu định vị vô tuyến khó có thể xâm nhập vùng nước sâu. Do vậy, tàu ngầm và thiết bị lặn không người lái không thể dùng những hệ thống vệ tinh định vị hiện có. UGPS sẽ dùng tín hiệu sóng âm thanh thay vì sóng vô tuyến cho việc định vị dưới nước”, ông Huang cho biết.

Tuy vậy, Phòng thí nghiệm âm thanh Thượng Hải không tiết lộ UGPS sẽ hoạt động hiệu quả ở độ sâu bao nhiêu dưới đáy biển, cũng như mức độ chính xác của hệ thống này.

Trước đó, hồi tháng 11/2018, tờ SCMP cũng tiết lộ thông tin, Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng một căn cứ dưới đáy biển với các tàu ngầm không người lái nhằm phục vụ hoạt động khoa học và quân sự tại Biển Đông. Trung tâm này có thể trở thành căn cứ trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới.

Khu vực đặt căn cứ dự kiến nằm trong vùng sâu nhất của đại dương, thường là vực thẳm hình chữ V, ở độ sâu 6.000 tới 11.000 mét. Dự án sẽ tốn 1,1 tỷ nhân dân tệ (160 triệu USD), bằng một nửa chi phí cho kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới tại tỉnh Quý Châu.

Các tàu ngầm robot sẽ được dùng để khảo sát đáy biển, ghi lại các hình thái của sự sống để thống kê và thu thập các mẫu khoáng sản. Trung tâm sẽ phân tích các mẫu này và gửi báo cáo ra bên ngoài.

Trong khi hoạt động của căn cứ phụ thuộc vào các đường dây kết nối với tàu hoặc trạm năng lượng và liên lạc, cảm biến và “đầu não” của nó vẫn cho phép tiến hành những nhiệm vụ liên quan đến chính trị.

Trung Quốc còn đang đề xuất xây dựng một số cơ sở hàng hải khác, bao gồm trạm nghiên cứu dưới đáy biển do con người điều hành đầu tiên trên thế giới, hay 20 nhà máy điện hạt nhân nổi nhằm hỗ trợ các hoạt động thương mại và quân sự.

Tại Hội thảo quốc tế Biển Đông lần thứ 10 tổ chức tại Đà Nẵng hồi tháng 11 năm ngoái, các học giả đều tỏ ý lo ngại về khả năng thời gian tới phương tiện không người lái sẽ xuất hiện ở khu vực Biển Đông cả trên không và dưới đáy biển. Trong khi đó, cho đến nay  luật pháp quốc tế vẫn chưa có nhiều quy định cụ thể về vấn đề này.

Đáng lo hơn, cách tiếp cận của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn khác với các quốc gia khác. Nhiều quốc gia khác chỉ thuần túy vì mục đích khoa học hay phát triển khu vực nhưng Trung Quốc mang nhiều tham vọng về lãnh thổ.

Biển Đông là một trong những khu vực xung đột nhiều nhất thế giới, nơi Trung Quốc đơn phương đưa ra yêu sách “đường 9 đoạn” để tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực, dù bị Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế phản đối gay gắt.

http://biendong.net/bi-n-nong/27073-ke-hoach-xay-he-thong-dinh-vi-cua-tq-o-bien-dong.html

 

Quan chức Philippines kiện

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình ra Tòa án Hình sự quốc tế

Nhật báo Philippines Daily Inquirer (21/03/2019) đưa tin, cựu N goại trưởng Albert del Rosario và bà Conchita Carpio Morales, nguyên là lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng của Philippines đã đệ đơn kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), đề nghị Tòa truy tố ông Tập Cận Bình về tội ác chống nhân loại do những hành động “tàn bạo” của Bắc Kinh ở Biển Đông và trong lãnh hải Philippines.

Theo đó, ông Albert del Rosario và bà Conchita Carpio Morales đã đệ đơn kiện nhân danh người dân Philippines và nhân danh hàng trăm ngàn ngư dân Philippines “bị bách hại” do việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo và chiếm đóng các đảo vùng Biển Tây Philippines (Biển Đông). Trong đơn kiện, ông del Rosario và bà Morales cho biết: “Với việc thực hiện kế hoạch chiếm Biển Đông một cách có hệ thống, chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức khác của Trung Quốc đã phạm các tội ác nằm trong thẩm quyền xét xử của Tòa, đó là gây những tác hại nặng nề, thường xuyên và hàng loạt đối với môi trường của các quốc gia trong khu vực, không chỉ gây tổn hại cho các ngư dân, mà còn cho cả thế hệ hiện nay và thế hệ tương lai của các nước”.

Ông Del Rosario và bà Conchita Carpio Morales cũng nhấn mạnh rằng các hoạt động của Bắc Kinh trong tuyến đường thủy bị tranh cãi làm suy yếu an ninh lương thực và năng lượng của các quốc gia ven biển ở Biển Đông, trong đó có Philippines, cho rằng điều này thuộc thẩm quyền của ICC vì Quy chế Rome tuyên bố rằng “các tội phạm nghiêm trọng nhất đối với cộng đồng quốc tế nói chung không được bỏ qua và phải đảm bảo việc truy tố hiệu quả của họ”.

Ông Del Rosario và bà Conchita Carpio Morales cũng kêu gọi ICC tiến hành kiểm tra sơ bộ để “xuất hiện các tội ác của Trung Quốc không chỉ chống lại người dân Philippines, mà còn chống lại người dân của các quốc gia khác, mà tội phạm đã được cộng đồng quốc tế biết đến”.

Được biết, ông Del Rosario đã nhiều lần kêu gọi chính phủ Philippines nộp đơn khiếu nại chống lại sự xâm lược của Bắc Kinh ở Biển Đông, một phần trong đó là Biển Tây Philippines. Đơn kiện của hai cựu quan chức Philippines nêu rõ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức khác của Trung Quốc đã phạm các tội ác chống nhân loại như thế nào, trong đó có lời khai của các ngư dân Philippines, bị mất phương tiện sinh sống do các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.

Lá đơn kiện đã được hai cựu quan chức cao cấp Philippines gởi cho Tòa án Hình sự Quốc tế vào ngày 15/03, tức là trước khi Manila chính thức rút khỏi hiệp ước thành lập tòa án ICC 17/03/2019. Tổng thống Rodrigo Duterte đã quyết định rút Philippines khỏi Hiệp ước thành lập ICC sau khi tòa án này vào tháng 02/2018 tiến hành “xem xét sơ bộ” về tội ác chống nhân loại mà tổng thống Duterte bị cáo buộc, do đã có quá nhiều người bị sát hại ở Philippines trong chiến dịch bài trừ ma túy mà ông phát động.

Đáng chú ý, ICC ra đời năm 2002 để buộc các cá nhân phải chịu trách nhiệm trước tội ác tàn bạo của mình với nhân loại. Trong động thái nhằm chống lại tội phạm quốc tế, vào năm 1988 nhiều quốc gia đã cùng ký Quy chế Rome 1988. Sau khi được nhiều quốc gia thành viên phê chuẩn, Bản Quy chế Rome chính thức có hiệu lực vào 2002, khai sinh Tòa án Hình sự quốc tế, viết tắt là ICC. Coalitionfortheicc cho hay ICC ra đời để buộc các cá nhân phải chịu trách nhiệm trước tội ác tàn bạo của mình với nhân loại, từ đó giúp ngăn chặn tội phạm loại này được thực hiện trong tương lai. Hiện số quốc gia thành viên của Quy chế Rome là 123, không có Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Singapore và Việt Nam…

Tòa án này đặc biệt ở chỗ được hình thành từ sự kí kết của một hiệp ước mà không phải do Liên Hợp quốc lập. ICC gồm bốn cơ quan: Ban chánh án; Ban thẩm phán có 18 vị thẩm phán được chia làm 3 bộ phận: dự thẩm, sơ thẩm và kháng cáo; Văn phòng công tố: cơ quan độc lập với tòa án, chuyên tiến hành điều tra và đưa vụ việc ra xét xử trước tòa; Hội đồng lục sự, có chức năng hỗ trợ hành chính để đảm bảo tòa vận hành trơn tru.

Về phạm vi tài phán, ICC chỉ xét xử cá nhân, không xét xử tổ chức hoặc quốc gia. ICC có quyền xét xử các tội phạm quốc tế đặc biệt nghiêm trọng, gồm bốn tội danh: diệt chủng, tội phạm chiến tranh, tội phạm chống loài người và tội phạm xâm lược. Tuy nhiên, vì thành lập vào 7/2002 và không có quyền tài phán hồi tố, ICC không thể xét xử những tội phạm được thực hiện trước tháng 7/2002. ICC có quyền tài phán với những vụ việc sau: Xảy ra trên lãnh thổ của quốc gia thành viên đã chấp nhận quyền tài phán của ICC; Người phạm tội mang quốc tịch của quốc gia thành viên hoặc của nước đã chấp nhận quyền tài phán của ICC; Do Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc thông báo cho công tố viên của ICC theo thẩm quyền quy định tại Chương VII Hiến chương LHQ.

Ngoài ra, ICC không thay thế mà chỉ có tác dụng bổ sung cho tòa án quốc gia. ICC sẽ đưa vụ việc ra xét xử khi và chỉ khi một quốc gia không tự nguyện hoặc không thể tiến hành xét xử một cách thực chất. Dù có thẩm quyền xuyên biên giới, ICC không thể ra lệnh cho các quốc gia thành viên thực hiện theo yêu cầu hoặc phán quyết của mình. ICC chỉ có thể hợp tác và tranh thủ sự trợ giúp của các quốc gia để hoàn thành những công việc như bắt giữ và thuyên chuyển phạm nhân tới trại giam của ICC ở The Hague (Hà Lan), phong tỏa tài sản của nghi phạm và thực thi bản án.

http://biendong.net/bien-dong/27118-quan-chuc-philippines-kien-chu-tich-tq-tap-can-binh-ra-toa-an-hinh-su-quoc-te.html

 

Để TQ kiểm soát Biển Đông, Philippines chỉ nói suông!

Phủ tổng thống Philippines ngày 25-3 khẳng định chính phủ nước này chỉ có thể phản đối thật mạnh mẽ, vì Trung Quốc đang có sự kiểm soát tại Biển Đông.

Thông điệp này được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều thông tin cho thấy tàu hải cảnh Trung Quốc xua đuổi ngư dân Philippines tại bãi cạn Scarborough.

Ngoài ra, hồi đầu tháng 3 có thông tin nói rằng tàu Trung Quốc cũng ngăn ngư dân Philippines tiếp cận các khu vực gần đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ông Salvador Panelo, người phát ngôn Phủ tổng thống Philippines, nói rằng nếu các thông tin trên là có thật, chính quyền Philippines chắc chắn sẽ phản đối thái độ hung hăng của Trung Quốc.

Trả lời câu hỏi liệu Philippines sẽ làm gì khi Trung Quốc đang kiểm soát như hiện nay, ông Panelo đáp: “Chúng ta chỉ có thể bày tỏ phản đối như bất kỳ nước nào đang tranh chấp chủ quyền. Đó là tất cả những gì chúng ta có thể làm, hoặc nếu các anh muốn chúng ta phải tuyên bố chiến tranh với họ à?”.

Tiếp theo, khi được hỏi liệu Philippines có bất lực trước Trung Quốc không, ông Panelo cho rằng không ai có khả năng thực thi một phán quyết của tòa trọng tài quốc tế vào tháng 7-2016, vốn bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh đưa ra phi pháp nhằm chiếm trọn Biển Đông. Trung Quốc đến nay vẫn không thừa nhận phán quyết nêu trên.

Ông Panelo nói thêm: “Liệu có phán quyết nào của tòa án quốc tế đã được thực thi chưa? Nếu có thì chúng ta có hi vọng. Nếu không, thì đến giờ chúng ta không thể làm gì cả. Nên hãy thảo luận nó trong các cuộc bàn thảo”.

Báo PhilStar nhận xét rằng những gì ông Panelo nói về Trung Quốc cũng tương tự điều Tổng thống Rodrigo Duterte từng lập luận năm ngoái, trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Singapore.

http://biendong.net/bi-n-nong/27106-de-tq-kiem-soat-bien-dong-philippines-chi-noi-suong.html