Tin Biển Đông – 25/11/2016
Trung Quốc: Hoa Kỳ gia tăng áp lực quân sự tại Biển Đông
Ngày 25/11/2016, một cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc công bố báo cáo đặc biệt về sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại châu Á – Thái Bình Dương, với chính sách « xoay trục », mà tiêu điểm là Biển Đông. Đây là đầu tiên Trung Quốc ra báo cáo về chủ đề này.
Người phụ trách bản báo cáo bày tỏ lo ngại là chính sách cứng rắn với Trung Quốc tại Biển Đông sẽ được đẩy mạnh trong nhiệm kỳ tổng thống mới.
Buổi ra mắt được quảng bá rầm rộ
Chính quyền Trung Quốc đã tổ chức rầm rộ buổi ra mắt báo cáo, với gần 60 cơ quan truyền thông trong và ngoài nước, trong đó các báo đài nổi tiếng của phương Tây, như kênh NBC, các báo New York Times, Wall Street Journal, Washington Post, Financial Times, Yomiuri Shimbun, China Times (Đài Loan), các hãng tin Reuters, Bloomberg… Khoảng 80 đại diện các sứ quán và cơ sở nghiên cứu tham dự buổi ra mắt.
Thông tin của Viện Nghiên Cứu Nam Hải (tức Biển Đông) Quốc Gia (NISCSS), có trụ sở tại đảo Hải Nam, cơ quan chủ trì thực hiện, cho biết : Báo cáo gồm 5 chương, dài hơn 30.000 từ, tập trung mô tả hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương kể từ khi Hoa Kỳ thực hiện « tái cân bằng » năm 2010, chính sách Biển Đông của Washington, và các hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Năm 2015 : hơn 700 cuộc tuần tra « bảo vệ an toàn hàng hải »
Một tiêu điểm của bản báo cáo là các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ tại vùng Biển Đông. Hãng tin Bloomberg dẫn lại báo cáo, cho biết trong năm 2015, Hải Quân và Không Quân Hoa Kỳ đã tiến hành hơn 700 cuộc tuần tiễu tại Biển Đông, khiến Trung Quốc trở thành « mục tiêu theo dõi số một của Mỹ », và các hoạt động quân sự của Mỹ tại các vùng biển giáp với Biển Đông chưa bao giờ lại mạnh mẽ như vậy. Báo cáo cũng khẳng định : Các cuộc tuần tra tại Biển Đông là một đe dọa đối với chủ quyền lãnh thổ và an ninh của Trung Quốc.
Báo cáo của viện nghiên cứu về Biển Đông của Trung Quốc cũng thừa nhận mục tiêu số một và mục tiêu cơ bản của các hoạt động tuần tra của Hoa Kỳ là để « bảo vệ quyền tự do hàng hải », và mục tiêu thứ hai là để « tăng cường các quan hệ với đồng minh và đối tác » của Mỹ.
Vẫn theo Bloomberg, Ông Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun), người phụ trách báo cáo, cảnh báo « nếu Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường tuần tra và hoạt động tình báo tại Biển Đông, Trung Quốc có thể sẽ thành lập vùng nhận dạng hàng không ».
Tránh chạy đua vũ trang mới với Mỹ
Các hãng tin Reuters, ABC, Bloomberg đều dẫn lời ông Ngô Sĩ Tồn, nhấn mạnh là chính sách nói trên của Hoa Kỳ tại châu Á – Thái Bình Dương và Biển Đông, với tân chính quyền Donald Trump, chắc chắn vẫn sẽ được tiếp tục.
Ông Chu Phượng (Zhu Feng), một người đồng phụ trách buổi ra mắt bản báo cáo, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Hợp tác biển (Đại học Nam Ninh/Nanjing), cho Reuters biết, mục tiêu của bản báo cáo này là để tránh cho Trung Quốc và Hoa Kỳ rơi vào một cuộc « chạy đua vũ trang ». Hai ông Ngô Sĩ Tồn và Chu Phượng đều phán đoán Washington thời Donald Trump rất có thể sẽ gia tăng chi phí quân sự, tương tự như các tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng Hòa.
Tuy nhiên, quan hệ Trung-Mỹ không chỉ có tiêu cực, báo cáo của Viện nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc cũng dành nhiều trang để ca ngợi sự phát triển của quan hệ hợp tác quân sự song phương và tầm quan trọng của quan hệ này. Báo cáo nhấn mạnh : quân đội hai nước hiện nay đã trở nên « cởi mở hơn và mềm dẻo hơn trong các trao đổi, hợp tác về an toàn hàng hải », với các cuộc viếng thăm của tàu chiến, trao đổi khoa học quân sự, diễn tập phối hợp và đối thoại về an ninh tin học. Báo cáo cũng nhấn mạnh đến bộ Quy Tắc Tránh Va Chạm Ngoài ý Muốn Trên Biển (CUES), vừa được nhiều quốc gia Biển Đông và châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc và Hoa Kỳ, thông qua.
Ai là người bị chèn ép ?
Với bản báo cáo vừa được công bố, Bắc Kinh dường như muốn chứng minh với cộng đồng quốc tế là Trung Quốc đang có phần bị Hoa Kỳ chèn ép.
Trên thực tế, trong những năm vừa qua, đặc biệt là hai năm 2013-2014, Trung Quốc đã gia tăng gấp bội hoạt động xây dựng, củng cố các cơ sở quân sự tại nhiều thực thể địa lý ở Biển Đông, khiến các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại. Một trong những lý do chủ yếu khiến Hoa Kỳ gia tăng tuần tra tại Biển Đông trong năm 2015 vừa qua là thể theo nhu cầu của các đồng minh và đối tác trong khu vực, nhằm ngăn chặn các tham vọng thái quá của Bắc Kinh.
Các hành động lấn lướt về quân sự cũng như tàn phá môi trường của Trung Quốc tại Biển Đông cũng là chủ đề chính trong bản báo cáo dài gần 600 trang, mà Ủy Ban đánh giá về Kinh Tế và An Ninh Mỹ-Trung của Quốc Hội Mỹ (U.S. – China Economics and Security Review Commission), vừa công bố ngày 16/11.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161125-trung-quoc-lo-ngai-hoa-ky-gia-tang-ap-luc-quan-su-tai-bien-dong
Indonesia cứng rắn hơn với Trung Quốc
về tranh chấp Biển Đông
Ralph Jennings
ĐÀI BẮC —
Indonesia cho biết sẽ tăng cường tuần tra trên các vùng biển xung quanh một nhóm đảo nhỏ để đuổi tàu cá Trung Quốc, một động thái mà theo các nhà phân tích, có nguy cơ phương hại tới quan hệ kinh tế với Trung Quốc, nhưng rốt cuộc có thể giúp cho Jakarta giành được ưu thế trong vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo mà không gánh chịu hậu quả nghiêm trọng đáng kể.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo hồi tháng 10 nói rằng chính phủ của ông sẽ không bao giờ thỏa hiệp về vấn đề chủ quyền vùng biển xung quanh quần đảo Natuna, gần nơi tàu bè Trung Quốc qua lại. Ông Widodo đã đến thăm các đảo đá và bãi cạn tại đó trong cuộc tập trận diễn ra trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua.
Ông David McRae, một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện châu Á Đại học Melbourne ở Úc nhận định:
“Trong các quan chức Indonesia, có quan điểm mạnh mẽ cho rằng Jakarta có thể vừa khẳng định chủ quyền của mình trên vùng biển mà họ cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia xung quanh quần đảo Natuna, vừa tiếp tục phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc.”
Tổng thống Widodo năm ngoái kêu gọi hai nước tăng kim ngạch thương mại hai chiều lên đến $150 tỷ USD trước năm 2020. Trung Quốc chưa gì đã là nước lớn nhất nhập khẩu hàng hoá từ Indonesia, và cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ nhì của Indonesia về các mặt hàng như khoáng sản và dầu cọ.
Nhưng theo các chuyên gia, nội các Indonesia đã đề xuất một chiến lược có rủi ro thấp để bảo vệ tuyên bố chủ quyền của mình tại vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý xung quanh quần đảo Natuna. Trung Quốc viện các tài liệu lịch sử và khẳng định rằng tàu bè Trung Quốc đã đánh bắt cá trong các vùng biển này từ rất lâu.
Người dân Indonesia, đặc biệt là các ngư phủ, giận dữ về các vụ đánh bắt cá bất hợp pháp, mà nay đã trở thành một vấn đề do tình trạng lơ là, không thực thi pháp luật để khẳng định tuyên bố chủ quyền xung quanh 13.000 hòn đảo của Indonesia.
Tổng thống Widodo nói Indonesia là nước được quyền đánh bắt cá và khai thác khí đốt thiên nhiên gần Natuna.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên 95% diện tích Biển Đông, trải dài từ Đài Loan đến Singapore và bao gồm một tuyến đường biển gần quần đảo Natuna.
Tuyên bố của Trung Quốc cũng chồng chéo với tuyên bố chủ quyền của các nước khác gồm có Việt Nam, Philippines, Brunei, và Malaysia.
Trong 4 năm qua, Indonesia đã tăng cường tuần tra chống tàu đánh cá Trung Quốc, cũng như các tàu bè của các nước khác, kể cả Việt Nam.
Tháng Ba năm nay, Indonesia nói Trung Quốc đã chính thức bao gồm vùng biển gần quần đảo Natuna trên bản đồ lãnh thổ Trung Quốc, một động thái mà Bộ trưởng đặc trách an ninh của Bộ quốc phòng Indonesia Fahru Zaini cho là đã “ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh” của tuyến hàng hải đó.
Tháng 5 vừa rồi, các lực lượng hải quân Indonesia đã chặn bắt một tàu cá Trung Quốc bất chấp tàu này được tàu tuần duyên Trung Quốc bảo vệ. Một tháng sau đó, lực lượng hải quân Indonesia nhắm bắn một tàu Trung Quốc trước khi chặn bắt tàu này và câu lưu thuỷ thủ đoàn gồm 7 người.
Trung Quốc cho tới nay không mạnh mẽ đả kích Indonesia hoặc đe dọa trả đũa kinh tế như đã làm với các nước khác, như Nhật Bản và Philippines, khi các nước này thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.
Đường Hai chiều
Trung Quốc cần đến Indonesia cũng nhiều như Indonesia cần tới Trung Quốc, theo các nhà phân tích.
Năm ngoái Tổng thống Widodo và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký 8 thỏa thuận trong đó có thoả thuận cho phép Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng tại Indonesia.
Các doanh nghiệp Trung Quốc cần có các thị trường mới cho công nghiệp xây dựng trong bối cảnh thị trường nội địa đã bão hòa hoặc có quá nhiều cạnh tranh. Bắc Kinh coi Indonesia là một phần trong dự án “đường tơ lụa trên biển” mà họ muốn xây dựng đểthúc đẩy đầu tư vào các nước châu Á và châu Âu.
Indonesia, một nước xuất khẩu nguyên liệu cho các thị trường thế giới cũng như thị trường trong nước dựa trên dân số tới 250 triệu người, ít phụ thuộc vào những hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc hơn so với các khu vực khác của châu Á.
Ông Carl Baker, giám đốc đặc trách các chương trình của viện nghiên cứu chính sách Diễn đàn Thái Bình Dương của CSIS ở Honolulu nhận định:
“Indonesia cảm thấy ít lo ngại hơn về phản ứng của Trung Quốc bởi vì nước này không phụ thuộc nhiều vào đầu tư và các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, như một số nước tại Đông Nam Á”.