Tin Biển Đông – 25/10/2019
TQ gia tăng mạnh các hoạt động tập trận
và hành động quân sự phi pháp ở Biển Đông
trong hai năm qua bất chấp phản ứng, dư luận
Năm 2018 và 2019, Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt các cuộc tập trận và hành động quân sự đơn phương ở Biển Đông, nhằm phô trương sức mạnh và củng cố sự chiếm đóng phi pháp của nước này ở Biển Đông, bất chấp phản ứng mạnh mẽ từ dư luận khu vực và quốc tế.
Các cuộc tập trận phi pháp trong năm 2018
1. Biên đội Huấn luyện thuộc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc (02-26/2) đã tiến hành tập trận tại các khu vực Biển Đông, Ấn Độ Dương, Tây Thái Bình Dương với các tình huống giả định về phòng không, bảo vệ hàng hải và tác chiến trên biển. Cùng thời gian này, Trung Quốc (22/2) đã triển khai 04 tàu hải cảnh và 02 tàu cá dân binh tại bãi cạn Scarborough và 01 tàu hộ vệ tên lửa để theo dõi, giám sát hoạt động của Tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ khi đang trên đường tới thăm hữu nghị Việt Nam và Philippines.
2. Trung Quốc (23/3) đã triển khai 02 tàu hộ vệ tên lửa là “Lục Bàn Thủy” (514) và “Hoàng Sơn” (570) ra Biển Đông để ngăn cản tàu khu trục Mustin của Mỹ đang tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý của đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa. Cùng với đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã ra tuyên bố phản đối việc “Mỹ gây tổn hại an ninh, chủ quyền của Trung Quốc và đe dọa hòa bình, ổn định khu vực”.
3. Trung Quốc (25/3) tiếp tục tổ chức tập trận ở Biển Đông và Tây Thái Bình Dương. Trong đó, phía truyền thông Trung Quốc cho biết cuộc tập trận này nhằm nâng cao khả năng kiểm soát thực địa các vùng biển tranh chấp, trong đó đã huy động cả các máy bay ném bom H-6K, máy bay chiến đấu Su-30 và Su-35.
4. Trung Quốc (24/3-05/4) tổ chức tập trận trong khu vực Vịnh Bắc Bộ, cách đảo Vi Châu 24 hải lý về phía Đông Bắc và 11 hải lý về phía Đông Nam. Trong đó, ngày 26/3, tàu sân bay Liêu Ninh và khoảng 40 tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã đi vào khu vực phía Nam đảo Hải Nam để tiến hành tập trận. Tại buổi họp báo hôm 29/3, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường đã xác nhận Trung Quốc đang tiến hành cuộc tập trận theo kế hoạch hàng năm nhằm kiểm tra năng lực tác chiến của quân đội nước này, song từ chối bình luận về các thông tin liên quan sự tham gia của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh.
5. Không quân Trung Quốc (27/3) đã điều 12 máy bay ném bom H-6K xuất phát từ tỉnh Thiểm Tây đến “một địa điểm ở Biển Đông” để tiến hành huấn luyện và diễn tập chiến đấu tầm xa.
6. Cục Hải sự tỉnh Hải Nam Trung Quốc thông báo cấm các hoạt động hàng hải tại khu vực rộng khoảng 27 km2 gần cảng Á Long, Tam Á từ ngày 04/4 đến ngày 12/4 để tiến hành tập trận bắn đạn thật kéo dài 07 ngày tại khu vực phía Đông Nam đảo Hải Nam, với sự tham gia của tàu sân bay Liêu Ninh và 48 tàu chiến các loại, 76 máy bay chiến đấu và hơn 10.000 binh sỹ và nhiều tàu ngầm thuộc hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải. Đây là cuộc tập trận lớn nhất từ trước tới nay của Trung Quốc, trong đó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (12/4) đã trực tiếp thị sát cuộc tập trận này. Dư luận cho rằng các cuộc tập trận của Trung Quốc nhằm phô trương sức mạnh và thể hiện quyết tâm bảo vệ “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời đáp trả sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ và các nước ở Biển Đông, cũng như việc Mỹ tăng cường hợp tác quân sự với các nước tranh chấp khác ở Biển Đông như Philippines, Việt Nam. Cùng thời gian nay, Hải quân Trung Quốc cũng thông báo tiến hành tập trận trong khu vực rộng khoảng 950 km2 tại cảng Quỳnh Hải, phía Đông đảo Hải Nam.
7. Cục Hải sự Trung Quốc (10/4) thông báo Hải quân nước này tiến hành tập trận ở 7 điểm khác nhau trên Biển Đông, tại khu vực rộng khoảng 8.500 km2 phía Nam đảo Hải Nam từ ngày 11/4-13/4, trong đó đã triển khai khoảng 60 tàu cá dân binh và 10 tàu chấp pháp để bảo vệ vòng ngoài cho các cuộc tập trận này.
8. Cục Hải sự Trung Quốc (13/4) thông báo quân đội nước này tập trận bắn đạn thật tại eo biển Đài Loan từ 8h00-24h00 ngày 18/4. Ngoài ra, Trung Quốc tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng và triển khai một số hoạt động trên thực địa như xây dựng cơ sở thử nghiệm tàu không người lái quy mô lớn, hoàn hành lắp đặt trung tâm thông tin liên lạc trên đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa.
9. Trung Quốc (9-12/5) tiếp tục tiến hành các cuộc diễn tập bắn đạn thật ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cùng thời gian này, Đài Loan cũng tiến hành tập trận bắn đạn thật ở đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa cuộc Việt Nam từ ngày 23/5 đến ngày 25/5.
10. Trung Quốc (29/9) điều động máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông. Cuộc tập trận được tiến hành bởi Chiến khu miền Nam của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).Các hoạt động diễn tập nhằm kiểm tra khả năng của các phi công Trung Quốc trong tác chiến, xuyên phá hệ thống phòng thủ và không kích với độ chính xác cao, theo Japan Times.
11. Ngày 22-28/10, cuộc tập trận chung đầu tiên giữa lực lượng hải quân 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc trên Biển Đông đã bắt đầu diễn ra ở ngoài khơi thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc. 8 tàu chiến đã rời cảng Trạm Giang cùng với 1.200 quân nhân của 11 nước tham gia cuộc tập trận này, bao gồm nội dung hoạt động cứu hộ cứu nạn chung và thông tin liên lạc.
12. Cuộc tập trận quân sự “Hữu nghị hòa bình 2018” giữa quân đội Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan sẽ diễn ra vào ngày 20-29/10 tại cảng Dickson County, Arsenal, Malaysia, Port Klang, Selangor và các khu vực ngoài khơi khác. Quân đội Trung Quốc tham gia cuộc tập trận bao gồm 692 sĩ quan và binh lính, 3 tàu khu trục, 2 trực thăng chở tàu, 3 chiếc máy bay vận tải Il-76 và 4 chiếc xe. Hải quân chiến khu miền Nam, bộ đội Trung Quốc đóng quân tại Hồng Kông và Macao cùng nhau vận chuyển khí tài quân sự. Theo tờ SCMP, Hải quân Trung Quốc tham gia luyện tập với Thái và Malaysia được xem là
một nỗ lực của quân đội nước này nhằm xây dựng một cầu nối hữu nghị với các nước láng giềng. Trung Quốc tuyên bố rằng mục đích của cuộc tập trận quân sự là để thể hiện “quân đội ba quốc gia” có khả năng duy trì hòa bình và ổn định trong vùng Biển Đông”, củng cố thêm sự trao đổi và hợp tác thực tiễn, cùng nhau tăng cường khả năng ứng chiến với các mối đe dọa an ninh khác. Những lực lượng quân đội Trung Quốc đóng quân tại Hồng Kông và Macao cũng được cử tới tham gia.
Các cuộc tập trận phi pháp trong năm 2019
1. Trung Quốc tiến hành tập trận “bí mật” quy mô lớn, kéo dài 34 ngày, từ ngày 16/1 với sự tham gia của các đơn vị hải quân, không quân, tên lửa trên Biển Đông và khu vực ở phía Tây Thái Bình Dương.Các cuộc tập trận của Trung Quốc nhằm thử nghiệm hệ thống điều khiển sẽ được sử dụng khi xảy ra chiến tranh, đồng thời củng cố khả năng phòng vệ bằng tên lửa trên Biển Đông. Tuyên bố của hạm đội Nam Hải cho biết nhiều loại chiến hạm mới nhất của Trung Quốc đã tham gia cuộc tập trận kéo dài hơn một tháng này. Trong đó có chiếc tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường Hợp Phì, tàu chiến trang bị tên lửa dẫn đường Vận Thành, tàu tấn công đổ bộ Trường Bạch Sơn và tàu tiếp liệu Hồng Hồ.
2. Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận trong khoảng 9h30-11h30 và 15h-18h ngày 6/8, bên trong khu vực giới hạn bởi 4 tọa độ 16 độ 50,6 phút vĩ Bắc/112 độ 21 phút kinh Đông, 16 độ 59 phút vĩ Bắc/112 độ 21,4 phút kinh Đông, 16 độ 58,1 phút vĩ Bắc/112 độ 27,9 phút kinh Đông và 16 độ 52,7 phút vĩ Bắc/112 độ 30,8 phút kinh Đông, trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tiếp đến từ 15h-17h ngày 7/8, Trung Quốc tiếp tục tập trận tại khu vực giới hạn bởi 4 tọa độ 16 độ 26,9 phút vĩ Bắc/112 độ 42,7 phút kinh Đông, 16 độ 26,20 phút vĩ Bắc/111 độ 50 phút kinh Đông,16 độ 20,30 phút vĩ Bắc/111 độ 44,7 phút kinh Đông và 16 độ 22,52 phút vĩ Bắc/111 độ 36,66 phút kinh Đông.Toàn bộ khu vực tập trận trái phép dự kiến này của quân đội Trung Quốc đều nằm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Thông báo cũng yêu cầu tàu thuyền không vào vùng biển trên trong thời gian diễn ra các cuộc tập trận.
3. Cơ quan quản lý an toàn hàng hải tại Tam Sa, đặt tại đảo Phú Lâm (mà Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Hưng), hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa, thông báo đóng cửa một khu vực trên biển trong thời gian năm ngày, từ ngày 29/6 đến 3/7, để phục vụ việc diễn tập. Trong đó, đáng chú ý quân đội Trung Quốc đã tiến hành cuộc thử nghiệm đầu tiên trong loạt thử tên lửa Đông Phong 21, trong đó có bắn ít nhất là một quả tên lửa ra phía biển.
4. Trung Quốc diễn tập quân sự diễn ra từ ngày 28/7 đến ngày 2/8 tại khu vực trên Biển Đông, ngoài khơi tỉnh Quảng Đông ở miền Nam Trung Quốc. Một cuộc diễn tập khác diễn ra từ ngày 28/7 đến ngày 1/8 tại khu vực trên biển Hoa Đông, ngoài khơi tỉnh Chiết Giang.
5. Trung Quốc tiến hành “huấn luyện quân sự” từ ngày 18-20/8 tại khu vực nằm về phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Quân đội nước này cũng diễn tập “bắn đạn thật” trong các khung giờ nhất định mỗi ngày từ 12-14/8, tại khu vực gần bờ phía Đông đảo Hải Nam. Các hoạt động diễn ra trong lúc tình hình Biển Đông đang căng thẳng sau khi Trung Quốc đưa tàu khảo sát địa chất cùng các tàu hộ tống đến phía nam Biển Đông, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.Trước đó, Trung Quốc cũng huấn luyện quân sự tại khu vực nằm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong hai ngày 6-7/8.
Dư luận các nước phản đối mạnh mẽ hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông
Các hoạt động tập trận trên của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Tại cuộc họp báo hôm 31/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nhiều lần lên tiếng phản đối hành động diễn tập bắn đạn thật của Đài Loan, Trung Quốc tại Biển Đông và yêu cầu các nước này không để tái diễn các hoạt động tương tự. Bà Lê Thị Thu Hằng tuyên bố “Các cuộc diễn tập bắn đạn thật ở của Trung Quốc, Đài Loan ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, vi phạm tinh thần tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác ở biển Đông”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh, “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt và không để tái diễn các hoạt động tương tự, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, tôn trọng nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như luật pháp quốc tế, không có hoạt động gây ra căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở khu vực”.
Năm 2018, Mỹ đã quyết định rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm 2018 để phản đối các hoạt động quân sự hóa và tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông. Hãng tin Reuters dẫn lời Trung tá Christopher Logan, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết “Chúng tôi rút lời mời quân đội Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2018 như là phản ứng đầu tiên trước những hành động quân sự hóa liên tục gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông”. Nhà phân tích quân sự Hồng Kông Song Zhongping nhận định, việc Trung Quốc cho máy bay ném bom H-6K diễn tập cất, hạ cánh trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là nhằm tăng cường hiện diện quân sự của Bắc Kinh trong khu vực sau khi Mỹ điều máy bay ném bom chiến lược B-52 đến khu vực này trong một nhiệm vụ huấn luyện thường lệ tháng 4/2018.
Báo chí, truyền thông và giới chuyên gia các nước cũng đưa ra nhiều bình luận, nhận định nhiều về hoạt động tập trận liên tục của Trung Quốc ở Biển Đông,cho rằng hoạt động tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng lo ngại, trong bối cảnh leo thang tranh chấp lãnh thổ, hàng hải ở Biển Đông, Hoa Đông và căng thẳng trên eo biển Đài Loan. Hãng Reuters cho rằng sự hiện diện và các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ làm gia tăng tình trạng căng thẳng và các nguy cơ xảy ra sự cố trên biển. Nhiều ý kiến phân tích cho rằng các hoạt động tập trận và hành động quân sự đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây phức tạp thêm tình hình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường an ninh, hòa bình, hợp tác trong khu vực. Những hoạt động này của Trung Quốc thể hiện chính sách bá quyền trên Biển Đông của Trung Quốc, gây tổn hại đến các quy chuẩn của luật pháp quốc tế và những nỗ lực thúc đẩy hợp tác, giải quyết hòa bình các tranh chấp của các nước. Ngoài ra, những hoạt động quân sự của Trung Quốc còn đe dọa nghiêm trọng đến an toàn của hoạt động hàng hải, hàng không của khu vực và quốc tế, cũng như hoạt động đánh bắt cá của ngư dân các nước. Giới quan sát các nước cho rằng trong thời gian tới, Trung Quốc còn tiếp tục thúc đẩy nhiều hoạt động quân sự và gia tăng kiểm soát ở Biển Đông bất chấp những nỗ lực của ASEAN và các tuyên bố của Trung Quốc về thúc đẩy đàm phán ký kết COC. Vì vậy, các nước nhất là ASEAN cần tăng cường đoàn kết, trao đổi, phối hợp trong xử lý, đối phó đối với hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, nhất là cần có tiếng nói chung trong vấn đề này.
Tập trận chung với Thái Lan,
Nga điều tuần dương hạm tên lửa
mạnh nhất thế giới hiện nay đến Biển Đông
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, Hải quân nước này đã triển khai 3 chiến hạm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, gồm tàu khu trục chống ngầm Đô đốc Panteleyev lớp Udaloy, tuần dương hạm Varyag lớp Slava và tàu hậu cần Pechenga đến căn cứ hải quân Sattahip để tham gia tập trận chung với Thái Lan. Đây là lần đầu tiên Nga cử một lực lượng tàu chiến mạnh như vậy đến Biển Đông để tiến hành tập trận chung.
Lực lượng tham gia tập trận
Varyag là một trong những tuần dương hạm tên lửa mạnh nhất thế giới hiện nay. Tàu được trang bị hệ thống vũ khí có thể tiêu diệt cả nhóm tàu sân bay, Varyag chính là ngôi sao sáng của hạm đội Thái Bình Dương của Nga. Hiện chiến hạm này được Nga điều tới Biển Đông để tham gia diễn tập với hải quân Thái Lan. Ba chiến hạm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga, gồm tàu khu trục chống ngầm Đô đốc Panteleyev (lớp Udaloy), tuần dương hạm Varyag (lớp Slava) và tàu hậu cần Pechenga vừa có chuyến thăm đến căn cứ hải quân Sattahip, Thái Lan. Nhóm tàu được chỉ huy bởi tuần dương hạm Varyag (CG-011), một trong những chiến hạm mạnh nhất của Hải quân Nga.
Nội dung, mục đích cuộc tập trận
Trong khuôn khổ chuyến thăm, tuần dương hạm Varyag cùng tàu khu trục Đô đốc Panteleyev của Nga và tàu hộ tống HTMS Ratanakosin (FS-441) của Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã tổ chức cuộc diễn tập chung trên biển. Cuộc diễn tập nhằm tăng cường khả năng tương tác và phối hợp giữa hải quân hai nước trong các hoạt động chung, mở ra triển vọng cho những hợp tác sâu hơn trong tương lai. Trong lực lượng
tàu mặt nước hùng hậu của Hạm đội Thái Bình Dương, đáng gờm nhất là tuần dương hạm Varyag mang tên lửa có điều khiển. Được coi là biểu tượng sức mạnh trên mặt biển không chỉ của hạm đội mà còn cả hải quân Nga, Varyag bắt đầu phục vụ tại Hạm đội Thái Bình Dương năm 2008.
Với tư cách là chiến hạm hạng nhất, tàu được trang bị hệ thống vũ khí cực mạnh và đầy uy lực như tên lửa chống hạm tầm xa P-500 Bazalt cải tiến (SS-N-12 Sandbox theo NATO) tầm bắn lên đến 550km, tên lửa được dẫn đường kết hợp quán tính và radar chủ độngCác tham số về mục tiêu trong hành trình bay được hiệu chỉnh thông qua việc kết nối dữ liệu với máy bay Tu-95D hoặc trực thăng Ka-27B. Không những thế, Varyag còn được trang bị hệ thống tên lửa đối không tầm xa hiện đại S-300F với số lượng lên đến 64 quả. Hệ thống tên lửa này có khả năng chống nhiễu cao và tiêu diệt máy bay ở cự ly 200km, tên lửa đạn đạo ở cự ly 40km. Ngoài ra còn có một số tên lửa đối không phản ứng nhanh, pháo hạm đa năng, pháo siêu nhanh, hệ thống radar tìm kiếm mục tiêu tầm xa đa chức năng 3D MR-800, radar tìm kiếm mục tiêu trên không MR-710 Fregat-MA và một số hệ thống điện tử hiện đại khác.
Mặc dù có nhiều quan hệ tại Đông Nam Á, song việc Nga tiến hành tập trận cùng các nước ở Biển Đông còn hạn chế và chủ yếu là tập trận cùng Hải quân Trung Quốc. Lần gần đây nhất là vào tháng 4/2019, các tàu hải quân Nga đã tới thành phố Thanh Đảo, phía Đông tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc, để tham gia cuộc tập trận chung mang tên “Joint Sea-2019”. Năm 2016, Nga cũng từng tham gia cuộc tập trận này cùng với Trung Quốc. Cuộc tập trận nhằm mục đích củng cố và phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung-Nga, thúc đẩy hợp tác hải quân thiết thực và cải thiện năng lực phản ứng chung với các mối đe dọa an ninh trên biển. Hồi tháng 11/2018, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, gồm một lực lượng thuộc hạm đội bao gồm tàu tuần dương có tên lửa Varyag, khu trục hạm Đô Đốc Panteleyev và tàu chở dầu Boris Butoma vừa hoàn tất chuyến thăm cảng Muara của Brunei cũng có một cuộc tập trận chung với Hải quân Brunei ở Biển Đông.
Chuyên gia: Ấn Độ vẫn hợp tác với VN,
bất chấp hành động gây hấn của TQ
Các chuyên gia tin rằng Ấn Độ đặt nặng vấn đề hợp tác hàng hải với Việt Nam và sẽ không để cho bất cứ nước nào cản trở họ. Phát biểu bên lề Hội thảo quốc tế “Quan hệ giữa Ấn Độ với các nước láng giềng trong bối cảnh mới” tổ chức tại Hà nội hôm thứ Ba 22/10, bà Geeta Kochhhar thuộc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và Đông Nam Á của Đại học Jawaharlal Nehru, nói Ấn Độ sẽ không xét lại kế hoạch hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam, và sẽ không để Bắc Kinh cản trở mối quan hệ hợp tác Ấn-Việt.
VNExpress dẫn lời bà Kochhhar trích dẫn Thủ Tướng Ấn độ Narendra Modi, khẳng định New Dehli sẽ “không chấp nhận bất cứ hành động khống chế hoặc kiểm soát của bất cứ thế lực nào trong khu vực.”
Bà Kochhar nói không nên biến những sự cạnh tranh trong việc khai thác dầu khí thành bất cứ cuộc đối đầu nào, và thật ‘không công bằng’ khi Trung Quốc chống đối sự hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam, trong khi chính nước này hợp tác với Việt Nam và các nước khác, như Nepal.
Giải thích chính sách nhất quán của Ấn Độ, hợp tác với Việt Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ om Prakash Dahiya thuộc Trường Zakir Husain, Đại học Dehli, nhận định vì vị thế chiến lược của mình trên Biển Đông, “Việt Nam đóng một vai trò quyết định trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ”.
New Dehli đã hợp tác với Việt Nam để khai thác dầu khí trong Biển Đông từ năm 1988 tới nay. Sự hợp tác này không chỉ mang kích thước kinh tế, mà còn phục vụ các lợi ích an ninh và quân sự, theo Giáo sư Tien-sze Fang, Phó Giám Đốc Trung tâm Ấn Độ học thuộc Đại học Quốc gia Thanh Hoa của Đài Loan.
Biển Đông có tầm quan trọng và vị thế địa chiến lược trọng yếu không chỉ đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ bao quanh, mà còn đối với thế giới. Giáo sư Tien nói điều thiết yếu là Ấn Độ phải cổ vũ cho quyền tự do hàng hải trong khu vực, là nơi có những tuyến hàng hải huyết mạch thiết yếu cho giao thương toàn cầu.
Trong quá khứ truyền thông nhà nước Trung Quốc thường xuyên phản đối việc Tập đoàn dầu khí quốc gia của Ấn Độ (ONGC) khai thác dầu khí ngoài khơi bờ biển Việt Nam, ngay cả khi khu vực đó nằm trong lãnh hải của Việt Nam.
Theo báo Điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam, buổi hội thảo do Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VIISAS) tổ chức có sự tham dự của các nhà khoa học đến từ các trung tâm nghiên cứu lớn của Việt Nam và Ấn Độ, và các chuyên gia từ một số nước Nam Á và Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc…
Một trong những chủ đề của hội thảo là những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam khi Ấn Độ điều chỉnh chính sách với các nước láng giềng.
Trong một cuộc phỏng vấn qua email, một chuyên gia về Đông Nam Á và Biển Đông, ông Josh Kurlantzick, nói với VOA rằng Ấn Độ là một thế lực đang lên trong khu vực, nhận thức rõ vai trò của mình là một lực có thể đối trọng với sức mạnh quân sự ngày càng khó kiềm hãm của Trung Quốc, tự cho là có trách nhiệm duy trì ổn định và hòa bình.
Ông nói Ấn Độ là “đối tác tự nhiên và hợp lý” của Việt Nam, trong bối cảnh các lợi ích an ninh của hai nước đang hội tụ về một điểm.
Một bài báo đăng trên tờ Tribune India hôm 21/10 nói Trung Quốc đặt ra một thách thức chiến lược lâu dài, không những cho Ấn Độ mà còn cho toàn khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Tác giả bài báo, cựu Giám Đốc của Trung tâm nghiên cứu Chiến sự trên Bộ của Ấn Độ (CLAWS), nói bất chấp mối quan hệ tương đối ổn định giữa hai nước, Bắc Kinh vẫn tỏ ra khó chịu với New Dehli vì những lý do dễ hiểu. Trung Quốc tự coi là một nước lớn, và trong chiến lược nước lớn của mình, muốn thâu tóm quyền kiểm soát Biển Đông, và bành trướng ảnh hưởng trong khu vực. Trong khi đó, Ấn Độ cũng tự coi mình là một cường quốc ngang hàng, không thua kém Trung Quốc, và trong tư cách đó, tìm cách xây dựng một mạng lưới các đối tác có khả năng đoàn kết để đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc.