Tin Biển Đông – 25/10/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 25/10/2018

Liên tục phát triển máy bay ném bom tầm xa:

 TQ đang đe dọa hòa bình khu vực

Tờ Business Insider (10/10) đưa tin, các chuyên gia quân sự của Trung Quốc cho biết máy bay ném bom hạt nhân tàng hình Hong-20 (H-20) của nước này sẽ sớm thực hiện chuyến bay đầu tiên và đây có thể sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi ở Biển Đông. H-20 được Chính phủ Trung Quốc giao cho Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Tây An năm 1958 nghiên cứu, chế tạo.

Những phác thảo ban đầu của nguyên mẫu H-20, tương tự như B-2 của Mỹ. Ảnh Military and Commercial Technology

Trao đổi với Hoàn Cầu Thời báo, chuyên gia quân sự Tống Trung Bình của Trung Quốc nhận định, việc tiết lộ tên của loại máy bay cho thấy tiến triển sản xuất máy bay này và các bộ phận của máy bay như hệ thống điện tử, áp lực thủy lực và nguồn điện có thể đã hoàn thiện. Theo Blog Military and Commercial Technology, chiếc H-20 có cấu trúc tương tự như máy bay ném bom B-2 Spirit, vũ khí chủ lực sẽ là tên lửa hành trình tấn công mặt đất CJ-10K, còn được gọi là KD-20, có thể mang được các đầu đạn thông thường và hạt nhân với tầm bắn khoảng 1.500km. Trung Quốc cũng có thể phát triển các biến thể của tên lửa CJ-10 cận âm với khả năng tàng hình. Đến cuối năm 2019, Công nghiệp hàng không Trung Quốc dự kiến sẽ hoàn thiện 3 nguyên mẫu đầu tiên của H-20.

Việc Trung Quốc nghiên cứu, chế tạo máy bay ném bom tàng hình thế hệ 5 H-20 sử dụng vũ khí tàng hình sẽ gia tăng đáng kể khả năng sống còn của những phương tiện chuyên chở và vũ khí có thể vượt qua lưới lửa phòng không tiêu diệt được mục tiêu. Hiện PLA đang phát triển học thuyết quân sự tương lai mà các máy bay ném bom có khả năng bay đến biên giới không phận kẻ thù (đối thủ số 1 của Trung Quốc là Mỹ) trước khi phóng tên lửa hành trình. H-20 có ưu thế rất lớn đối với các đối thủ trong khu vực, chẳng hạn như Ấn Độ. Chiếc máy bay này có thể xuyên qua hệ thống phòng không đối phương, tiêu diệt các mục tiêu có giá trị lớn như sân bay, các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại và tên lửa phòng thủ bờ biển. Trong tương lai, H-20 được hy vọng có thể tấn công tiêu diệt hệ thống phòng không của Mỹ và các quốc gia đồng minh, cho phép các máy bay thế hệ cũ hơn như H-6 không kích thành công các mục tiêu chính trị quân sự hoặc các mục tiêu có ý nghĩa chiến lược như tàu sân bay Mỹ.

Tài khoản Chinese Military Aviation (3/10) đăng lên Twitter hình ảnh vệ tinh được chụp đầu tháng 9, cho thấy 4 chiếc oanh tạc cơ kiểu mới đang đậu trên đường băng sân bay quân sự Quế Bình – Mạnh Thụ ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Giới chuyên gia quân sự và phân tích tình báo của IHS Jane’s nhận định đây nhiều khả năng là H-6J, biến thể hoạt động trên biển của oanh tạc cơ H-6K vốn được không quân Trung Quốc sử dụng từ năm 2011. Mẫu oanh tạc cơ mới này được cho là sẽ thay thế máy bay ném bom trên biển H-6G được Trung Quốc đưa vào biên chế từ thập niên 1990. Theo phân tích của giới chuyên gia, H-6J có khả năng mang số tên lửa chống hạm nhiều gấp ba lần H-6G. Mẫu oanh tạc cơ cải tiến này có thể sử dụng khung thân mới, sử dụng vật liệu tổng hợp trọng lượng nhẹ, được trang bị hai động cơ tua bin cánh quạt tiết kiệm nhiên liệu D-30-KP2 và hệ thống điện tử tiên tiến. Dự kiến, H-6J có bán kính hoạt động 3.500 km và có khả năng nó sẽ được điều động thực hiện các hoạt động tuần tra ở Biển Đông. H-6J sẽ chủ yếu làm nhiệm vụ tiêu diệt tàu nổi trên biển với 7 tên lửa hành trình chống hạm siêu âm YJ-12 (6 quả trên giá treo, một tên lửa trong khoang) cùng hệ thống radar tìm kiếm bề mặt tầm xa và hệ thống chỉ thị mục tiêu quang điện tử.

Đáng chú ý, có thông tin cho rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ thành lập trung đoàn H-6J trong tương lai để phối hợp với khoảng 40 máy bay H-6K hoạt động ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Được biết, máy bay ném bom tầm trung chiến lược H-6 được sản xuất dựa trên máy bay Tu-16 của Liên Xô, hiện Trung Quốc có 120 chiếc H-6. Máy bay ném bom H-6 có một số phiên bản như máy bay ném bom hạt nhân H-6A, máy bay trinh sát H-6B, máy bay ném bom quy ước H-6C, máy bay ném hạt nhân H-6E, máy bay trang bị tên lửa chống tàu H-6D, máy bay ném bom – tên lửa H-6H, H-6K, máy bay tiếp dầu trên không H-6U, H-6UD, máy bay mang tên lửa chiến lược H-6M. Về cấu tạo, H-6 có chiều dài 34,8m, sải cánh 33m, cao 10,3m; trọng lượng rỗng 37 tấn, trọng lượng cất cánh 76 tấn; vận tốc bay lớn nhất 1.050km/h, có khả năng hoạt động trong phạm vi 6.000km và có khả năng mang 9 tấn vũ khí.

Việc nghiên cứu, chế tạo H-20 và H-6J nằm trong kế hoạch hiện đại hóa không quân của Trung Quốc

Trong những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã tập trung tài chính, nhân sự để phát triển và nâng cao khả năng tác chiến cho lực lượng hải quân và không quân. Trong đó, việc nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng mới cho các loại hình máy bay trang bị cho không quân và không quân hải quân cũng được ưu tiên lớn. Trung Quốc cũng đang tích cực được ứng dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả tác chiến, đồng thời tăng cường nhập khẩu một số loại vũ khí công nghệ cao, tấn công chính xác. Trong vài năm tới, Trung Quốc sẽ tăng cường khả năng ngăn chặn, phong tỏa và tấn công đường không, cũng như khả năng tác chiến binh chủng hợp thành. Các cố gắng đổi mới của lực lương không quân hải quân nhằm nâng cao khả năng tác chiến tầm xa với hệ thống kiểm soát hỏa lực hiện đại, tên lửa không đối không phản ứng nhanh, tác chiến điện tử, chống nhiễu điện tử và tấn công không đối đất. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng quan tâm đến hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm đường không (AWACS), tiếp dầu trên không, phòng thủ chống tên lửa và chỉ huy, kiểm soát tự động.

Thời gian tới, nếu Trung Quốc biên chế H-20 và H-6J cho Hạm đội Nam Hải thì sẽ khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng. Nó tác động trực tiếp đến cán cân quân sự giữa Trung Quốc với các nước ven Biển Đông, giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước đồng minh.

http://biendong.net/bi-n-nong/24372-lien-tuc-phat-trien-may-bay-nem-bom-tam-xa-tq-dang-de-doa-hoa-binh-khu-vuc.html

 

Dàn tàu chiến TQ – ASEAN “đổ bộ” vào Biển Đông

Cuộc tập trận chung lần đầu tiên giữa Trung Quốc với 10 nước thành viên ASEAN diễn ra trong 6 ngày và bắt đầu từ ngày 22/10 tại thành phố Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc.

Theo China News Service, cuộc tập trận trên Biển Đông có sự tham gia của 8 tàu chiến, 3 trực thăng và hơn 1.200 quân nhân.

Trong đó, Trung Quốc điều động 3 tàu chiến là tàu khu trục Quảng Châu, tàu hộ vệ Hoàng Sơn và tàu tiếp vận Junshanhu. Singapore cử tàu hộ vệ lớp Formidable RSS Stalwart, Brunei điều động 1 tàu tuần tra, Thái Lan điều 1 tàu hộ vệ. Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar cử các quan sát viên tới theo dõi diễn tập.

Phó Đô đốc Yuan Yubai nhấn mạnh, cuộc tập trận là bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng lòng tin, tinh thần hợp tác và an ninh của khu vực.Trước đó, hãng thông tấn Philippines (PNA) cho hay, Manila đã cử tàu hỗ trợ BRP Dagupan City tới tham dự đợt diễn tập đầu tiên giữa Trung Quốc và ASEAN.

Kế hoạch tổ chức tập trận chung giữa Trung Quốc và ASEAN từng được đề cập tới lần đầu tiên trong Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc – ASEAN vào năm 2015.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng có những hành động mở rộng bành trướng và quân sự hóa ở Biển Đông.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng tìm cách cải thiện quan hệ với các nước láng giềng Đông Nam Á thông qua tiến hành tập trận chung và thăm cảng.

Về phần mình, Mỹ liên tiếp tiến hành các cuộc tuần tra ở Biển Đông nhằm đảm bảo hoạt động tự do hàng hải ở vùng biển chiến lược.

Trong Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại Singapore hôm 19/10, ASEAN và Mỹ cũng đã thống nhất tổ chức cuộc diễn tập chung ở Biển Đông vào năm tới.

http://biendong.net/bi-n-nong/24368-dan-tau-chien-tq-asean-do-bo-vao-bien-dong.html

 

Trung Quốc: ‘sẽ không bao giờ từ bỏ một tấc lãnh thổ’

Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ một tấc lãnh thổ, dù đó là Đài Loan hoặc tại Biển Đông, bộ trưởng Quốc phòng nước này nói.

Theo Reuters, Bắc Kinh tức giận trước việc Mỹ trừng phạt quân đội Trung Quốc liên quan tới việc mua phi cơ và tên lửa từ Nga.

Quan hệ giữa Bắc Kinh với Washington ngày một xấu do cuộc chiến thương mại, vấn đề Đài Loan và sự phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.

TQ giận dữ trước lệnh trừng phạt của Mỹ

Mỹ rút khỏi hiệp định hạt nhân với Nga

Việc VN mua vũ khí Mỹ ‘mang tính chất phòng thủ’

Trump ‘phàn nàn về Trung Quốc’

Phát ngôn trên của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa được đưa ra tại lễ khai mạc Diễn đàn an ninh thường niên Hương Sơn ở Bắc Kinh. Sự kiện này là cách Trung Quốc đáp trả Đối thoại Shangri-La hàng năm tại Singapore.

Mối quan hệ quân sự của Trung Quốc với Hoa Kỳ được đánh giá là quan trọng và nhạy cảm.

Ông Ngụy cho biết thêm rằng Đài Loan là lợi ích “cốt lõi” của Trung Quốc và Bắc Kinh phản đối sự phô diễn sức mạnh quân sự của “thế lực bên ngoài” ở Biển Đông.

‘Hệ lụy’

“Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cần thắt chặt quan hệ cấp cao để kiểm soát căng thẳng và kiềm chế nguy cơ xung đột vô ý,” Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nói với người đồng cấp Trung Quốc hồi tuần trước.

Mattis cảm nhận được hệ lụy của mối quan hệ Mỹ-Trung đang xấu đi khi Bắc Kinh hủy kế hoạch hủy hội đàm của ông và ông Ngụy trong tháng này.

Trung Quốc cũng bày tỏ quan ngại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington Mỹ sẽ rút khỏi hiệp định về vũ khí hạt nhân từ thời Chiến tranh Lạnh vì Nga đã vi phạm hiệp ước.

Trung Quốc không phải là một bên của hiệp ước đó, nhưng ông Trump nói sức mạnh quân sự của Bắc Kinh là một phần khiến ông đưa ra quyết định mà Trung Quốc mô tả là “hoàn toàn sai trái”.

Hôm 22/10, Hoa Kỳ điều hai tàu chiến qua eo biển Đài Loan và đây là hoạt động thứ hai trong năm nay.

Hồi tháng 9/2018, Bắc Kinh yêu cầu Mỹ phải rút lại các biện pháp trừng phạt đối với quân đội Trung Quốc liên quan tới việc mua phi cơ và tên lửa từ Nga, nếu không sẽ “phải gánh chịu hậu quả”.

Trung Quốc gần đây mua 10 máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35 và các tên lửa S-400 của Nga.

Mỹ nói rằng những vụ mua bán như vậy làm cản trở các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Moscow, vốn được đưa ra để đáp trả các hành động của Nga tại Ukraine và cáo buộc can thiệp vào chính trị Mỹ.

Bắc Kinh đã không tham gia vào các biện pháp trừng phạt của Mỹ và các đồng minh phương Tây áp đặt lên Moscow kể từ năm 2014.

Hồi đầu tháng, quân đội Trung Quốc đã tham gia vào cuộc tập trận khổng lồ của Nga được tổ chức.

Quan hệ giữa Mỹ và Nga xấu đi nhanh chóng sau khi Moscow chiếm Crimea của Ukraine hồi năm 2014.

Nga bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và tham gia quân sự vào cuộc nội chiến Syria.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45966016

 

Việt Nam phản đối kế hoạch tập trận

tại Trường Sa của Đài Loan

Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối kế hoạch tập trận bắn đạn thật của Đài Loan trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào tháng 11 tới.

Thông tin vừa nói được bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam vào chiều ngày 25 tháng 10 ở Hà Nội.

Bà Lê Thị Thu Hằng lặp lại quan điểm Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Bà cho biết thêm, mọi hoạt động của các bên tại hai quần đảo này mà chưa có sự cho phép của Việt Nam là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải và hàng không, gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

Vào ngày 23 tháng 10 năm 2018, Lực lượng tuần duyên Đài Loan thông báo, Đài Loan dự kiến sẽ tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 11 trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp chủ quyền giữa nhiều nước.

Theo thông báo của Lực lượng Tuần duyên Đài Loan, cuộc tập trận sẽ diễn ra từ 8 giờ đến 21 giờ, khai hỏa hướng ra biển trong phạm vi 5 hải lý ở khu vực xung quanh đảo Ba Bình. Đài Loan khuyến cáo các tàu và máy bay không hoạt động gần khu vực này trong 3 ngày tập trận.

Đảo Ba Bình hay còn được Đài Loan gọi là Thái Bình là đảo lớn nhất ở Trường Sa và hiện do Đài Loan kiểm soát.

Đảo Ba Bình rộng 0,51 kilomet vuông, cách Cao Hùng của Đài Loan chừng 1.600 kilomet về phía nam với 200 binh sĩ trú đóng trên đó.

Trung Quốc, Philippines và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền đối với đảo Ba Bình.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-opposes-plans-for-exercises-in-the-south-china-sea-of-taiwan-10252018081110.html

 

Biển Đông tiếp tục được hâm nóng

tại Hội nghị ADMM Plus

Ngày 18-20/10/2018, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các đối tác Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đã diễn ra tại Singapore. Tại Hội nghị trên, vấn đề Biển Đông, nhất là các hành động phi pháp, khiêu khích của Trung Quốc trong vùng biển này tiếp tục là tâm điểm chú ý của các nước liên quan.

Bộ trưởng Quốc Phòng 10 nước ASEAN và các đối tác khu vực chụp hình khi tham dự cuộc họp ở Singapore ngày 20/10/2018.

Bộ Quy tắc tránh va trạm trên không

Tại Hội nghị ADMM Plus lần này, các nước đã đưa ra đề xuất thông qua Bộ Quy tắc tránh va trạm trên không, nhằm ngăn ngừa nguy cơ xảy ra va chạm quân sự ngoài ý muốn tại châu Á. Theo AFP, Bộ Quy tắc này xác định các tiêu chuẩn ứng xử đối với các phi công, như giữ khoảng cách an toàn, tránh hành động khinh suất, đề xuất đường dây liên lạc hai chiều… Văn kiện này được áp dụng trong không phận trên Biển Đông, bao gồm cả các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện do Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Bộ Quy tắc này được xây dựng trên căn bản thỏa hiệp năm 2014 được tất cả 21 nước đồng thuận về “Quy ước gặp không hẹn trên biển” gọi tắt là CUES (Code of Unplanned Encounters at Sea).

Giới truyền thông quốc tế nhận định, trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng và quân sự hóa phi pháp ở Biển Đông, khiến gia tăng căng thẳng trong khu vực và đẩy nguy cơ xảy ra đụng độ ngoài ý muốn giữa máy bay quân sự trong khu vực ngày càng cao. Trang South China Morning Post (19/10) cho biết Bộ Quy tắc này được các Bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN thông qua tại diễn đàn ADMM thường niên. Theo đánh giá của Bộ trưởng Quốc Phòng Singapore, nước chủ tịch luân phiên của ASEAN, văn kiện trên có thể giúp giảm bớt các nguy cơ đụng độ trên không, dù không mang tính bắt buộc, “nhưng ít nhất cũng cung cấp một số biện pháp bảo vệ nhất định”. Đáng chú ý, Bản thông cáo chung của các Bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN cho biết Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa ủng hộ bộ quy tắc mới. Ngoài ra, các nước đối tác khác của ASEAN, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand cũng thể hiện ủng hộ.

Mỹ tiếp tục thể hiện lập trường cứng rắn và chỉ trích Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (19/10) đã một lần nữa lên tiếng tái khẳng định lập trường cứng rắn của Mỹ ở Biển Đông, tuyên bố “không thể chấp nhận việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông”, đồng thời kêu gọi Nhật Bản và Hàn Quốc phối hợp với Mỹ để ngăn chặn viễn cảnh một cường quốc đơn lẻ thống trị vùng biển chiến lược này. Ông Mattis tuyên bố, “Mỹ, cùng với các đồng minh và đối tác, sẽ tiếp tục triển khai tàu và máy bay hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và lợi ích quốc gia của chúng tôi yêu cầu. Chúng tôi sẽ không để bị hăm dọa, và chúng tôi sẽ không lùi bước, vì chúng tôi không thể chấp nhận việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông hay bất kỳ hành động cưỡng ép nào trong khu vực”. Đây là lần thứ hai trong một tháng người đứng đầu Lầu Năm Góc có những phát ngôn cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Bài phát biểu trước đó của ông Mattis được đưa ra hồi đầu tháng sau khi Trung Quốc đưa tàu chiến áp sát “thiếu an toàn và không chuyên nghiệp” một tàu khu trục của Mỹ khi tàu này thực hiện chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông.

Trước các hành động phi pháp ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ liên tục có các hoạt động tuần tra, tập trận nhằm đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực. Gần đây, Mỹ điều các tàu chiến đến khu vực phạm vi 12 hải lý so với những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Mỹ đưa hơn một tàu chiến đến khu vực để thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý và tham lam của Bắc Kinh ở Biển Đông. Sau Hải quân Mỹ, đến lượt Hải quân Anh và Hải quân Pháp cũng tuyên bố sẽ thẳng tiến vào Biển Đông, cụ thể là vào khu vực Trung Quốc đang đòi chủ quyền một cách phi lý, nhằm mục đích bác bỏ đòi hỏi của Bắc Kinh đồng thời khiến Bắc Kinh phải thay đổi cách hành xử trong khu vực.

Theo một số nhà phân tích, các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông không chỉ làm gia tăng lo ngại từ các nước thành viên ASEAN mà còn khuyến khích sự can dự và hợp tác mạnh hơn giữa các đồng minh của Mỹ, trong đó có Australia, Nhật Bản, New Zealand, Anh và Pháp. Elena Collinson, nghiên cứu viên tại Viện Quan hệ Australia – Trung Quốc thuộc Đại học Công nghệ Sydney, cho rằng “có thể hy vọng sẽ có những thảo luận mạnh mẽ hoặc thực chất hơn tại Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng sắp tới. Bất cứ quyết định nào cũng sẽ tính đến quan hệ của từng nước ASEAN không chỉ với Trung Quốc mà cả với các nước phương Tây”.

ASEAN lo ngại căng thẳng Mỹ – Trung trên Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen (20/10) cho biết các nước thành viên ASEAN đã thể hiện sự lo ngại về căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt sau vụ tàu chiến 2 nước suýt va chạm. Được biết, tàu chiến của hải quân Trung Quốc (30/9) đã áp sát khu trục hạm Decatur Mỹ đang tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải trên Biển Đông ở cự ly 42m. Phía Washington cáo buộc đây là hoạt động tiếp cận không an toàn và thiếu chuyên nghiệp, trong khi Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để “bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ”.

Trung Quốc vẫn ngang ngược cho rằng Bắc Kinh không quân sự hóa ở Biển Đông

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (16/10) bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc gần đây của Mỹ cho rằng nước này có những hành động “khiêu khích quân sự” trên Biển Đông; nhấn mạnh “Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với các đảo và vùng biển lân cận ở Biển Đông và có quyền tiến hành các công trình xây cất vì mục đích hòa bình”; cho rằng “Trung Quốc đang thực hiện quyền chủ quyền và tự vệ để thực hiện các hoạt động vì mục đích hòa bình, bao gồm cả các phương tiện phòng thủ cần thiết, trên lãnh thổ riêng của mình, và điều này chẳng liên quan gì đến quân sự hóa”; đồng thời hối thúc Mỹ ngưng “gây rối” và đòi Mỹ dừng các hành vi mà “gây nguy hiểm cho chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc”, trở thành nước giúp kiến tạo hòa bình và ổn định ở Biển Đông thay vì làm kẻ “phá bĩnh”.

http://biendong.net/bi-n-nong/24316-bien-dong-tiep-tuc-duoc-ham-nong-tai-hoi-nghi-admm-plus.html