Tin Biển Đông – 25/08/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 25/08/2018

Đá Subi sẽ là căn cứ lớn của TQ ở Trường Sa?

Những hình ảnh mới đây chụp từ vệ tinh DigitalGlobe cho thấy có gần 400 tòa nhà mới được xây cất trên Đá Subi mà Trung Quốc đã chiếm đóng từ 1988 tới nay ở Quần đảo Trường Sa.

Các chuyên gia nói rằng đây là chỉ dấu cho thấy Bắc Kinh rốt cuộc sẽ triển khai quân đội ở nơi này.

Đá Subi về mặt địa lý nằm gần Việt Nam và Philippines hơn Trung Quốc lục địa, và là đối tượng tranh chấp giữa các nước.

Đài Loan cũng là một bên tuyên bố chủ quyền đối với bãi đá này.

TQ nói Mỹ ‘kiếm cớ không mời Bắc Kinh tập trận’

Công lý và phán tòa VN qua hai vụ xử án ‘dâm ô trẻ em’ và ‘chạy thận chết người’

Trung Quốc đang đặt hệ thống tên lửa Biển Đông?

Phi cơ ném bom TQ hạ cánh xuống Biển Đông

Earthrise Media, một tổ chức phi lợi nhuận, đã phân tích các ảnh chụp Đá Subi và phát hiện ra rằng một lượng lớn các tòa nhà, các sân tập, thiết bị radar và cả các sân chơi bóng rổ đã được xây dựng trong thời gian từ 2014 tới nay.

Nơi đồn trú hùng mạnh?

Trong số các cơ sở khác từng được biết là đã hiện diện ở Subi có tên lửa đất đối hạm và đất đối không, các tên lửa tuần du và thiết bị phát hiện tàu ngầm.

Có gần 400 tòa nhà độc lập, được xây dựng chắc chắn tại đây, sáng lập viên của Earthrise là Dan Hammer nói với Reuters.

Đá Subi là nơi Trung Quốc đã bồi đắp thành đảo nhân tạo lớn nhất ở Quần đảo Trường Sa.

Tại đây có số lượng các tòa nhà được xây cất nhiều gấp đôi so với số các tòa nhà được Bắc Kinh cho xây trên hai đảo lớn nhất sau Subi trong khu vực.

Đá Vành khăn và Đá Chữ thập cũng có các cơ sở hạ tầng tương tự, như vị trí đặt tên lửa, đường băng, các nhà kho lớn và nhiều loại thiết bị khác phục vụ cho việc phát hiện, theo dõi vệ tinh, hoạt động quân sự và thông tin liên lạc của nước khác.

Với số lượng các tòa nhà như hiện nay, Subi trở thành có kích cỡ tương đương với đảo Phú Lâm thuộc Quần đảo Hoàng Sa, nơi Bắc Kinh đang kiểm soát nhưng Hà Nội và Đài Bắc cũng tuyên bố chủ quyền.

Các chuyên gia đánh giá rằng với những cơ sở vật chất hiện nay, Subi có khả năng phục vụ từ 1.500 đến 2.400 binh lính.

Cho đến nay, theo các dữ liệu của Earthrise thì Trung Quốc đã xây cất rất nhiều ở Biển Đông.

VN yêu cầu TQ chấm dứt đưa phi cơ ném bom đến Hoàng Sa

TQ rầm rộ đưa hơn 40 tàu vào Biển Đông

TQ tập trận ‘sẵn sàng cho chiến tranh’ ở Biển Đông

Tính tổng số thì Bắc Kinh có 1.652 tòa nhà nhiều hơn so với tổng số các tòa nhà của toàn bộ các nước khác có, Reuters dẫn nguồn Earthrise.

Hồi tuần trước, Trung Quốc công bố hình ảnh cho thấy máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân H-6K đã đáp xuống một đảo khác ở Biển Đông, đảo Phú Lâm.

Các đường băng và nhà ga được xây trên Subi có thể đáp ứng hoạt động của các máy bay này.

Bắc Kinh luôn nói các cơ sở được xây cất trên các đảo là nhằm mục đích dân sự và tự vệ.

Hôm thứ Tư, Hoa Kỳ đã rút lại lời mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận RIMPAC với lý do Trung Quốc “tiếp tục quân sự hóa tại các thực thể có tranh chấp ở Biển Đông”.

Thế còn Bắc Kinh thì nói Washington đang quân sự hóa khu vực với các cuộc tuần tra vì tự do đi lại trên biển của mình.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44253216

 

Quan ngại về các công trình

của Trung Quốc ở Biển Đông

Trung Quốc xây dựng chừng 400 tòa nhà trên Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.

Reuters loan tin ngày 24 tháng 5 như vừa nêu dẫn phân tích nêu rõ Đá Subi trong thời gian tới có thể trở nên căn cứ cho hằng trăm thủy quân lục chiến Trung Quốc, cũng như trở thành trụ sở hành chính vào  khi Trung Quốc củng cố tuyên bố sự hiện diện tại vùng biển tranh chấp này.

Reuter dẫn dữ liệu của nhóm phi lợi nhuận Earthrise Media căn cứ vào kết quả nghiên cứu những hình ảnh có độ phân giải cao mà các vệ tinh của DigitalGlobe chụp được từ năm 2014 khi Trung Quốc bắt đầu hoạt động đào cát lập nên những đảo nhân tạo tại Biển Đông.

Hình ảnh rõ nét cho thấy những sân bóng rỗ, bãi diễn tập và nhiều loại nhà cửa khác nhau; một số nhà có trang thiết bị radar.

Theo phân tích gia an ninh Collin Koh tại Singapore thì khi nhìn vào những hình ảnh như thế, bản thân ông nhận thấy một doanh trại chuẩn của Giải Phóng Quân Nhân Dân Trung Quốc ở lục địa.

Giới ngoại giao cấp cao Phương Tây cho rằng biện pháp của Trung Quốc cho bố trí quân hoặc đưa chiến đấu cơ đến các đảo nhân tạo được lập nên tại Biển Đông là một phép thử của Bắc Kinh đối với nỗ lực quốc tế trong việc ngăn chặn tham vọng thống lĩnh tuyến đường hàng hải quan trọng qua Biển Đông.

Đá Subi nay trở thành tiền đồn lớn nhất trong số bảy đảo nhân tạo mà Trung Quốc lập nên tại Biển Đông. Hai đảo nhân tạo khác được cho biết có cấu trúc tương tự là Vành Khăn và Chữ Thập. Cũng theo Earthrise Media thì trên hai đảo này mỗi nơi có gần 190 tòa nhà.

Đá Subi nay có diện tích tương tự Đảo Phú Lâm ở Quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc cưỡng chiếm từ phía Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1974.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/concrete-and-coral-beijing-scs-building-boom-fuels-concern-05252018073458.html

 

Đường Chữ U nối liền

bao gồm 67 lô dầu khí của Việt Nam

Đường đứt khúc 9 đoạn của Trung Quốc nối liền lại với nhau sẽ cắt mất 67 lô dầu khí của Việt Nam.

Reuters có bài phân tích ngày 23 tháng 5 với nhận định do hãng tư vấn Wood MacKenzie đưa ra như vừa nêu. Cụ thể trong số 67 lô đó có bốn lô đang cho ra sản phẩm và những lô khác đang ở các giai đoạn thăm dò và khai thác khác nhau.

Reuters nhắc lại những diễn biến gần đây liên quan tình hình hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí giữa Việt Nam với các tập đoàn nước ngoài khác.

Gần nhất vào tuần qua, chi nhánh Việt Nam của Tập đoàn Dầu khí Nga Rosneft lên tiếng bày tỏ quan ngại hoạt động khai thác của họ tại lô dầu khí ngoài khơi Vũng Tàu của Việt Nam có thể làm Trung Quốc phản ứng bất lợi.

Ngay sau đó Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng khẳng định lô dầu khí mà Rosneft tham gia khai thác hoàn toàn nằm trong vùng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Hà Nội yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng quyền chủ quyền của Việt Nam tại đó.

Vào tháng 3 vừa qua, Việt Nam cho ngưng dự án khoan dầu tại Mỏ Cá Rồng Đỏ vì bị Trung Quốc gây áp lực. Vụ việc này được hãng tư vấn chuyên phân tích nguy cơ Verisk Maplecroft cho rằng là một vố đánh vào ngành thăm dò dầu khí của Việt Nam cũng như nổ lực phát triển ngành dầu khí của chính phủ Hà Nội.

Thống kê cho thấy từ năm 1986 đến năm 2009, Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam đem lại cho nguồn thu chiếm 20% Tổng sản phẩm nội địa GDP của Việt Nam.

Trữ lượng dầu thô tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam được ước tính từ 3 tỷ 300 triệu đến 4 tỉ 400 triệu tấn.

Tuy nhiên vào năm 2014 khi xảy ra vụ Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, thì sản lượng dầu thô năm đó giảm xuống hơn 15 triệu tấn rưỡi. Năm ngoái con số này là 13 triệu 567 ngàn tấn.

Giới ngoại giao trong và ngoài Việt Nam đều cho rằng nổ lực thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dầu khí là một phần chiến lược của Hà Nội nhằm ‘quốc tế hóa’ vấn đề tranh chấp Biển Đông trước sức ép của Bắc Kinh.

Vào tháng 5 và tháng 6 năm 2011, Việt Nam có phản đối chính thức về việc tàu dân sự  Trung Quốc can thiệp hoạt động thăm dò địa chấn của Việt Nam, một vụ cụ thể là tàu Trung Quốc cắt cáp một tàu Na Uy được PetroVietnam thuê thực hiện hoạt động này.

Căng thẳng giữa hai phía tăng cao vào tháng 5 năm 2014 khi Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Lúc đó tàu tuần duyên của hai nước đã đụng độ nhau.

Nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn nổ ra tại nhiều nơi khắp Việt Nam và Bắc Kinh cho rút giàn khoan.

Trở lại hoạt động khai thác của chi nhánh Rosneft của Nga hiện nay tại Việt Nam, chuyên gia phân tích tình hình Đông Nam Á người Nga, Anton Tsvetov thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược, thì giữa Nga và Trung Quốc hiện đang có quan hệ mạnh mẽ và vấn đề năng lượng được đặt nặng. Do đó theo chuyên gia này thì khả năng cao là Trung Quốc sẽ không gây ra vấn đề cho một tập đoàn dầu khí lớn như thế của Nga.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/risky-hunt-for-oil-in-vietnam-s-scs-blocks-05252018073943.html

 

Việt – Trung : Tranh chấp Biển Đông

lan sang ngành du lịch

Thanh Phương

Vụ du khách Trung Quốc mặc áo in bản đồ đường lưỡi bò khiến dư luận Việt Nam phẫn nộ cho thấy là tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc trên vấn đề chủ quyền Biển Đông nay đã lan sang ngành du lịch. Sự kiện này cũng được báo chí quốc tế quan tâm, thể hiện qua một bài báo đăng trên trang Asia Times ngày 24/05/2018.

Đêm 13/05 vừa qua, một đoàn du khách Trung Quốc sau khi xuống sân bay Cam Ranh thì bị phát hiện mặc áo thun in hình “đường lưỡi bò”, tức là bản đồ mà Trung Quốc tự vẻ nên để khẳng định chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông. Sau đó cơ quan chức năng của sân bay đã yêu cầu những người này cởi bỏ áo thun. Nhóm khách Trung Quốc thì khẳng định với công ty du lịch của Việt Nam rằng họ đến một khu chợ tại Trung Quốc mua áo quần cho chuyến đi du lịch, “thấy áo đẹp nên mua mặc”, chứ không có ý đồ gì cả.

Ngày 17/05 vừa qua, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam về vụ việc nói trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng không trả lời thẳng, mà chỉ nhắc lại lập trường của Việt Nam về Biển Đông : “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Nói chung, chính quyền Việt Nam có vẻ như xem vụ du khách Trung Quốc mặc áo in hình lưỡi bò chỉ là một sự cố nhỏ, như phát biểu của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn ngày 18/05 cho rằng cần xử lý “kịp thời” vụ này, nhưng phải mềm dẻo, không để sự cố nhỏ ảnh hưởng đến đại cục”.

Theo Asia Times, tuy cơ quan chức năng ở sân bay Cam Ranh đã yêu cầu các du khách Trung Quốc cởi bỏ ngay áo thun in đường lưỡi bò, nhưng hành động này không kịp để ngăn chận một làn sóng bài Trung Quốc trên các mạng xã hội. Dân Việt Nam trong những ngày qua đã đua nhau đăng lên Facebook các bức ảnh chụp những du khách Trung Quốc nói trên. Nhiều người đòi là phải trục xuất họ, những người khác thì chỉ trích các lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam đã không mạnh mẽ lên án hoặc xử lý nghiêm khắc vụ này.

Một số người đặt đặt câu hỏi là làm sao một nhóm đông du khách như vậy có thể phối hợp hành động theo một cách mà chắc chắn sẽ gây phẫn nộ người Việt Nam. Chính phủ Trung Quốc vẫn kiểm soát rất chặt chẽ các tour du lịch nước ngoài, điều này khiến nhiều người nghi ngờ là trong vụ này có sự đồng lõa của Nhà nước Trung Quốc.

Chính bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam, cho rằng đây là “những biểu hiện lợi dụng thông qua khách du lịch để tuyên truyền, quảng bá có ý đồ, có tổ chức, có sự chuẩn bị chứ không phải vô tình”. Theo ông Mai Tiến Dũng, đối với những hành động này “cần phải phản bác và quản lý chặt chẽ”.

Nói chung vụ áo thun in đường lưỡi bò đã làm bùng lên trở lại căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh do tranh chấp Biển Đông. Asia Times nhắc lại rằng vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014 đã dẫn đến các vụ bạo động chống Trung Quốc, khiến hơn 20 công dân Trung Quốc thiệt mạng, theo tin của Reuters ( chính phủ Việt Nam chỉ thông báo có 4 người chết và hơn 100 người bị thương ). Hàng trăm người Trung Quốc khác cũng đã phải di tản khỏi Việt Nam.

Nhưng gần đây, du khách Trung Quốc lại ồ ạt đổ sang Việt Nam. Các số liệu thống kê cho thấy trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, đã có gần 1,8 triệu du khách Trung Quốc đến Việt Nam, tăng đến gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Asia Times, tuy Trung Quốc là nguồn du khách chủ yếu, vụ du khách Trung Quốc mặc áo in đường lưỡi bò xảy ra tại Cam Ranh được nhiều người xem là có ý đồ. Hiện giờ người Việt Nam khi muốn đến quần đảo Trường Sa đang tranh chấp thì phải bay đến Cam Ranh, rồi từ đó đi tàu đến khu vực quần đảo này. Nhưng việc đi đến Trường Sa bị hạn chế nghiêm ngặt, ngay cả đối với công dân Việt Nam. Nhóm du khách Trung Quốc mặc áo in đường lưỡi bò có lẽ là đi đến thành phố biển Nha Trang gần đó.

Asia Times nhận xét là báo chí Việt Nam, mà toàn bộ do Nhà nước kiểm soát, đã đề cập đến vụ này với một giọng điệu gay gắt khác lệ thường, với những phản ứng đối nghịch với phản ứng của chính quyền. Trong một nước tự do, dân chủ, việc mặc những chiếc áo với những thông điệp gây tranh cãi có thê gây ầm ĩ trên mạng một thời gian, nhưng sau đó vụ việc sẽ lắng đi. Nhưng ở một quốc gia độc đảng như Việt Nam, người dân lại muốn hạn chế quyền tự do bày tỏ ý kiến của du khách thông qua trang phục.

Asia Times cũng trích dẫn ý kiến của một người Việt Nam nghi nhận rằng du khách Trung Quốc được tự do mua quần áo in bản đồ Biển Đông ở Trung Quốc, trong khi dân Việt Nam lại bị trấn áp khi xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc hay mặc áo thun in hình đường lưỡi bò bị gạch chéo.

Nhưng Asia Times lưu ý rằng trong khi Việt Nam tranh cãi nhau về chuyện áo thun và du khách, Trung Quốc vẫn tiếp tục lấn lướt trên Biển Đông. Chỉ vài ngày sau vụ việc nói trên, lại có tin là Bắc Kinh lần đầu tiên điều động oanh tạc cơ đến các đảo ở Biển Đông.

Tờ New Delhi Times ngày 22/05/2018 cũng đã có bài viết về vụ du khách Trung Quốc mặc áo thun in hình lưỡi bò, nhắc lại rằng ít nhất đây là vụ thứ tư liên quan đến các du khách Trung Quốc trong vòng hai năm trở lại đây. Theo tờ báo Ấn Độ, những vụ này cho thấy Bắc Kinh đang dùng “quyền lực mềm” để nhắc Việt Nam về tranh chấp Biển Đông và mỗi lần như thế thì công luận Việt Nam lại phẫn nộ.

Vào năm 2016, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã rút giấy phép của một công ty du lịch vì đã phục vụ những du khách Trung Quốc đốt giấy bạc Việt Nam. Cũng năm đó, Bắc Kinh đòi Việt Nam điều tra về việc công an cửa khẩu “viết bậy” vào họ chiếu của một du khách Trung Quốc. Cũng trong năm 2016, các hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc bị tố cáo là đã phổ biến những thông tin bóp méo lịch sử Việt Nam.

New Delhi Times trích lời tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn : “Nếu nhìn vào bức tranh rộng hơn, chúng ta có thể thấy là chính quyền Trung Quốc sử dụng ngày càng nhiều thường dân để quảng bá đòi hỏi chủ quyền của họ trên Biển Đông, từ ngư dân quân cho đến các du khách”.

Giáo sư Alan Chong, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, được New Delhi Times trích dẫn cũng có cùng nhận xét :“Trong lịch sử, Trung Quốc vẫn khuyến khích công dân nước họ quảng bá chính sách đối ngoại khi đi ra nước ngoài, và đặc biệt là sửa chữa những cái nhìn “sai lệch” của thế giới về Trung Quốc. Mọi hình thức hoạt động của người dân ở bên ngoài đều có thể được hướng vào mục đích tuyên truyền”.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180525-viet-trung-tranh-chap-bien-dong-lan-sang-nganh-du-lich