Tin Biển Đông – 25/03/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 25/03/2020

Mỹ bất ngờ

tập trận bắn đạn thật trên Biển Philippines

Hai chiến hạm Mỹ tham gia cuộc tập trận bắn đạn thật trên Biển Philippines, một thông điệp rõ ràng gửi đến Trung Quốc về năng lực của Washington.

Cuộc tập trận diễn ra trên biển Philippines vào ngày 19/3, tàu khu trục mang tên lửa điều khiển USS Barry (DDG-52) đã phóng tên lửa hải đối không SM-2 phá hủy thành công mục tiêu giả định, Hạm đội 7 cho biết trên Facebook của họ.

Đi cùng với USS Barry là tuần dương hạm USS Shiloh (CG-67) cũng phóng tên lửa SM-2 trong cuộc tập trận. Giới phân tích cho biết cuộc tập trận gửi thông điệp rõ ràng rằng đó là thách thức cho hệ thống vũ khí tiên tiến của quân đội Trung Quốc, South China Morning Post cho biết.

Zhou Chenming, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, cho biết cuộc tập trận này không phổ biến và có thể xem là một lời cảnh báo cho PLA. Mỹ đang lo lắng về tên lửa của Trung Quốc mà Bắc Kinh có thể sử dụng làm quân “át chủ bài” trong cuộc xung đột quân sự nếu có giữa hai bên trong khu vực.

Hạm đội 7 muốn cảnh báo Bắc Kinh rằng họ có thể đánh chặn tên lửa từ Trung Quốc, ông Zhou nhận xét.

Li Jie, chuyên gia về hải quân ở Bắc Kinh, đồng ý rằng cuộc tập trận bắn đạn thật của Mỹ là thông điệp gửi đến Trung Quốc và xa hơn là Nga. “Hải quân Mỹ muốn nói với Trung Quốc rằng họ có thể chống lại tên lửa tiên tiến của PLA”, ông Li nói.

PLA đã phát triển 2 loại tên lửa có thể gây ra mối đe dọa lớn cho Hải quân Mỹ, gồm sát thủ tàu sân bay DF-21D và sát thủ đảo Guam DF-26. Một trong 2 tên lửa có thể đã được đưa vào trang bị vào tháng 6/2019, khi PLA tổ chức thử nghiệm tên lửa ở Biển Đông, khu vực đang tranh chấp, theo Lầu Năm Góc.

USS Barry đã được nâng cấp hệ thống chiến đấu Aegis lên phiên bản hiện đại nhất cách đây 2 năm, cải thiện khả năng bảo vệ căn cứ của Mỹ ở đảo Guam khỏi mối đe dọa từ tên lửa Trung Quốc.

Collin Koh Swee Lean, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình An ninh hàng hải, Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược của Mỹ, cho biết các bản nâng cấp hệ thống chiến đấu của Mỹ là rất quan trọng, vì PLA đang cố gắng thu hẹp khoảng cách phần cứng, phần mềm và đào tạo so với quân đội Mỹ.

Ông Koh cho biết thêm khi Mỹ chuyển trọng tâm sang Ấn Độ – Thái Bình Dương, Biển Philippines sẽ là một chiến trường quan trọng trong bất kỳ cuộc xung đột nào giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai.

Song Zhongping, nhà phân tích quân sự ở Hong Kong, cho biết cuộc tập trận ở Biển Philippines nhằm tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, trong bối cảnh có những lo ngại Hải quân Mỹ có thể bị lép vế so với Trung Quốc.

Hạm đội 7 cho biết hoạt động tập trận bắn đạn thật của các chiến hạm là hỗ trợ cho an ninh và ổn định ở Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Tham quan chiến hạm uy lực hạng nhất của Hải quân Mỹ Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã tiến vào vùng biển Đà Nẵng sáng 5/3, đi cùng tuần dương hạm USS Bunker

http://biendong.net/bi-n-nong/33725-my-bat-ngo-tap-tran-ban-dan-that-tren-bien-philippines.html

 

Ngang nhiên dựng 2 trạm nghiên cứu ở Trường Sa:

Đừng mong TQ ôn hoà hơn vì Covid-19

Trước việc Trung Quốc xây dựng trái phép 2 trạm nghiên cứu tại Trường Sa, chuyên gia Adam Ni đánh giá, các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ tiếp tục leo thang và đừng nên mong đợi Trung Quốc sẽ trở nên ôn hòa hơn ở vùng biển này vì đại dịch Covid-19.

Tân Hoa xã hôm 23/3 đưa tin về 2 trạm quân sự mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập và đá Su Bi trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Theo nhà nghiên cứu Collin Koh, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (Singapore), các cơ sở này tạo thành một phần quan trọng trong mạng lưới quan sát đại dương được Trung Quốc “miệt mài” xây dựng trong những năm gần đây.

Ông Koh cho rằng việc Bắc Kinh lựa chọn thời điểm Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đang gồng mình chống Covid-19 để thông báo là có ý đồ.

“Việt Nam không phải là nạn nhân duy nhất ở đây. Trung Quốc phần nào lợi dụng thực tế là các chính phủ ASEAN đang phải gồng mình chống dịch Covid-19 khiến họ không chú ý nhiều tới Biển Đông. Trong bất cứ trường hợp nào, giới tinh hoa ở Bắc Kinh vẫn không buông tha cho các vấn đề lợi ích cốt lõi của quốc gia mình.

Đó là lý do tại sao họ tiếp tục gây áp lực quân sự đối với Đài Loan và lên tiếng phản ứng trước hoạt động bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) của chiến hạm Mỹ USS McCampbell gần quần đảo Hoàng Sa hôm 10/3″, ông cho hay.

Mạng lưới nghiên cứu của Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) trong trường hợp này có thể được xem là ví dụ cho thấy Trung Quốc sẽ không tạm ngưng các hoạt động tại Biển Đông chỉ vì Covid-19.

Trong suy nghĩ của Bắc Kinh, mọi thứ vẫn hoạt động dù đại dịch Covid-19 đang quét qua thế giới.

Các động thái mới đây cũng cho thấy bất chấp các kịch bản, Trung Quốc vẫn duy trì hoạt động của mình tại Biển Đông. Chỉ là khi virus tấn công, nó cho thấy cảm giác cấp bách hơn nữa khi Trung Quốc vẫn tiếp tục thúc đẩy các hoạt động phi pháp và rằng họ sẽ không từ bỏ chỉ vì một diễn biến nào đó.

Ông Koh phân tích, so với các hoạt động quân sự hóa và tuần tra ở Biển Đông, các biện pháp dân sự, phi quân sự thường ít bị để ý hơn. Nhưng hiệu quả cuối cùng là như nhau.

“Những hoạt động này sẽ dẫn đến các kết quả tương tự là thúc đẩy các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, củng cố các tiền đồn mà họ chiếm đóng trái phép. Các cơ sở nghiên cứu biển này cũng không hề vô hại như những gì mà Bắc Kinh nói.

Trung Quốc gắn cho nó cái mác là được thiết kế để đóng góp kiến thức khoa học biển ở Biển Đông.

Nhưng các cơ sở này tạo thành một phần quan trọng trong nỗ lực hợp nhất dân sự và quân sự của Trung Quốc. Dữ liệu thu thập thông qua các cơ sở này sẽ được sử dụng cho các mục đích quân và dân sự”, ông Koh kết luận.

Thực tế, mạng lưới quan sát đại dương này nghe qua thì giống như các vệ tinh quan sát Trái đất, có vẻ “khá dân sự” và “vô hại”. Nhưng về mặt quân sự, nó liên quan tới việc nghiên cứu hàng hải (bao gồm cả khu vực dưới đáy biển), phục vụ các các hoạt động quân sự và tuần duyên của Trung Quốc tại Biển Đông.

“Các trạm nghiên cứu của Trung Quốc sẽ cho phép và tạo điều kiện để Bắc Kinh tiếp tục các hoạt động trên Biển Đông cũng như tối ưu hóa việc sử dụng chiến thuật cưỡng chế tại vùng biển này”, ông Koh cho hay.

Vị chuyên gia hàng hải này cho rằng với những gì mà Trung Quốc từng làm nhiều năm qua, đây không phải là một động thái gây ngạc nhiên.

“Trung Quốc đang sử dụng một bộ công cụ đa dạng bao gồm ngoại giao, chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học để khẳng định các yêu sách của mình nhằm mục đích củng cố và tăng cường vị thế của mình trên Biển Đông.

Bên cạnh các hoạt động quân sự và tuần duyên, Trung Quốc bắt đầu chuyển sang các hoạt động mà họ gắn mác là “dân sự”, “vô hại”, như trong trường hợp này là xây dựng trạm nghiên cứu mà họ nói là phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học”, ông cho biết.

Theo ông Koh, đây là một phần trong các nỗ lực bồi đắp phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Họ cho xây dựng các ngọn hải đăng, triển khai các phương tiện tìm kiếm và cứu hộ và giờ là 2 trạm nghiên cứu. Tất cả đóng góp vào cái mà Bắc Kinh gọi là các phương tiện, thiết bị thúc đẩy an toàn hàng hải và ứng phó khẩn cấp.

“Nhưng Bắc Kinh nói là một chuyện, cách các nước nhìn nhận về các hoạt động này là một điều hoàn toàn khác. Chúng có thể hết sức khác biệt”, ông nói.

Trung Quốc trong những năm gần đây bồi đắp và xây dựng trái phép các bãi đá thành đảo nhân tạo nhằm mở rộng khả năng giám sát các hoạt động của các bên tranh chấp ở Biển Đông bất chấp sự phản đối của nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.

2 cơ sở nghiên cứu phi pháp vừa được xây dựng do Trung tâm nghiên cứu tích hợp đảo và đá ngầm thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc quản lý, gồm một số phòng thí nghiệm về sinh thái, địa chất và môi trường giúp hỗ trợ điều tra thực địa, lấy mẫu và nghiên cứu khoa học ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

“Tôi không nghĩ rằng nỗ lực khẳng định các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc đang tiếp tục nỗ lực trong cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu vì vấn đề này cực kỳ quan trọng với Trung Quốc.

Theo tôi, các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ tiếp tục leo thang và đừng nên mong đợi Trung Quốc sẽ trở nên ôn hòa hơn ở vùng biển này vì virus”. – Chuyên gia Adam Ni tại Trung tâm chính sách Trung Quốc tại Canberra, Australia.

http://biendong.net/bien-dong/33728-ngang-nhien-dung-2-tram-nghien-cuu-o-truong-sa-dung-mong-tq-on-hoa-hon-vi-covid-19.html

 

Việt Nam cần chủ động

trong cuộc chiến truyền thông về Biển Đông

Trương Gia Kiệm

Trung Quốc có tham vọng chiếm đoạt biển Đông từ rất lâu. Từ những năm 1950, thấy được những lợi ích từ biển và đại dương, Trung Quốc đã tích cực tham gia vào các Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Luật biển. Trung Quốc cũng ủng hộ chiều rộng của lãnh hải là 12 hải lý, cho dù năm ấy các quốc gia vẫn còn những quan điểm khác nhau về vấn này. Những năm 1980, tướng Lưu Hoa Thanh – Đô đốc Hải quân Trung Quốc lúc đó, đã vạch ra chiến lược tiến ra biển cho Hải quân Trung Quốc.

Với tham vọng đó, Chính quyền Trung Quốc phải tìm được lý do để thuyết phục người dân Trung Quốc. Chính vì vậy, Chính quyền Trung Quốc đã dựa vào một bản đồ không rõ ràng về mục đích và nguồn gốc để thực hiện tham vọng. Đó chính là bản đồ “đường lưỡi bò” đầy tai tiếng. Tuy nhiên, bản đồ này chỉ thực sự chính thức xuất hiện trước cộng đồng quốc tế trong hai công hàm ngày 7/5/2009 của Trung Quốc gửi lên Liên Hợp Quốc. Mặc dù không có cơ sở pháp lý nào, nhưng Trung Quốc vẫn chủ trương dùng sức mạnh của mình để nó thực hiện nó trong thực tế. Các học giả Trung Quốc gửi đi khắp nơi các giải thích khác nhau về “đường lưỡi bò” đó. Một trong các luận điểm quan trọng mà phía Trung Quốc hay sử dụng, cho là “đường lưỡi bò” thể hiện “quyền lịch sử” của Trung Quốc trên biển Đông.

Năm 2013, “tuyệt vọng” trước sự hung hăng của Trung Quốc, đặc biệt sau sự kiện Philippines mất kiểm soát tại Bãi cạn Scarborough vào tay Trung Quốc, Chính quyền Tổng thống Aquino III đã khởi kiện Trung Quốc tại một Toà trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS. Năm 2016, sau ba năm thụ lý, Toà trọng tài đã ra phán quyết, theo đó, cái gọi là “yêu sách về quyền lịch sử” đối với các vùng biển bên trong “đường lưỡi bò” là vô giá trị do không có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, Chính quyền Trung Quốc đã “không tham gia”; “không thừa nhận” và “không áp dụng” đối với Phán quyết này.

Tổng thống Philippines đương nhiệm Duterte rất thân thiết với Trung Quốc, không muốn nhắc tới Phán quyết này. Tuy nhiên, mới đây, Bộ Ngoại giao Philippines khi gửi công hàm ngoại giao lên Liên Hợp Quốc phản đối Báo cáo về ranh giới thềm lục địa của Malaysia vẫn tiếp tục viện dẫn Phán quyết. Điều đó cho thấy, Phán quyết sẽ luôn là “nỗi đau nhức nhối” của Trung Quốc.

Do đó, để xoá nhoà Phán quyết này, Chính quyền Trung Quốc đã và đang sử dụng chiến dịch truyền thông để chống lại Phán quyết, đồng thời tô vẽ cho hình ảnh của Trung Quốc. Người Trung Quốc tỏ ra

rất giỏi về truyền thông đánh vào tâm lý như vậy. Với các chiến dịch truyền thông liên tục, “mưa dầm thấm lâu”, Trung Quốc tin rằng họ có thể “đổi trắng thay đen” được.

Đã có rất nhiều ví dụ về việc Trung Quốc tuyên truyền như vậy. Ngay gần đây, việc Trung Quốc đổ vấy virus Vũ Hán sang cho Hoa Kỳ là một ví dụ tiêu biểu.

Ngoài ra, Trung Quốc còn muốn đổ vấy nguyên nhân dẫn đến tình hình căng thẳng trên biển Đông cho các quốc gia khác. Cụ thể là Trung Quốc luôn khẳng định rằng tình hình trên biển Đông là ổn định. Việc Hoa Kỳ xuất hiện tại khu vực biển Đông mới là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng. Trong khi tất cả mọi người đều biết, “biển Đông dậy sóng” chính là do các hành động hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông.

Để tiếp tục “hiện thực hoá” “đường lưỡi bò” tai tiếng và vô lý này. Trung Quốc đã dùng sức mạnh của mình đe doạ và uy hiếp các hoạt động của các quốc gia khác ngay tại vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ.

Năm 2019 vừa qua, Trung Quốc đã cho tàu hải cảnh cùng các tàu dân quân biển quấy phá trên vùng biển của Philippines, Malaysia, Việt Nam và Indonesia. Các quốc gia đã lên tiếng phản đối hành động này của Trung Quốc rất quyết liệt. Tuy nhiên, Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật “đổ vấy” cho các quốc gia khác, hòng “biến không thành có”, thông qua các chiến dịch truyền thông của mình.

Ngày 3/2/2020, một Think Tank của Trung Quốc là SCSPI đã đăng một báo cáo khẳng định rằng nhiều tàu cá Việt Nam đã xâm phạm trái phép vùng biển xung quanh đảo Hải Nam của Trung Quốc nhằm mục đích do thám. Nhiều báo chí quốc tế đã dẫn lại thông tin từ báo cáo này.

Đến ngày 5/3/2020, Think Tank này tiếp tục ra báo cáo thứ hai. Trong báo cáo này, họ đưa ra dữ liệu để khẳng định rằng, có 311 tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển của Trung Quốc, bao gồm cả khu vực đảo Hải Nam.

Think Tank này trong phần giới thiệu cho biết họ thuộc Trường đại học Bắc Kinh. Trường đại học Bắc Kinh là một trong những trường đại học công lập lớn nhất của Trung Quốc. Và vì thế, không khó mà đoán biết được sức mạnh thực sự của Think Tank này cùng với những liên hệ với Chính quyền Trung Quốc.

Có một nhóm nghiên cứu tự phát ở Việt Nam có tên tiếng Việt là Dự án Đại sự ký biển Đông (SCSCI) tranh luận về các cáo buộc cũng như kiểm tra các dữ liệu mà SCSPI của Trung Quốc đưa ra. Vì là nhóm tự phát, với nguồn lực vô cùng hạn chế, cho nên Dự án Đại sự ký biển Đông chưa thể kiểm tra hết các dữ liệu mà phía SCSPI cung cấp.

Phía Dự án Đại sự ký biển Đông sau khi kiểm tra khoảng 5% số dữ liệu mà phía SCSPI cung cấp thì chưa phát hiện được nguồn dữ liệu này có vấn đề gì.

Qua trao đổi với một số nguồn có liên hệ trực tiếp với ngư dân Việt Nam thì được biết thực tế, có một số tàu cá của ngư dân Việt Nam có vào vùng biển của Trung Quốc. Có hai lý do mà ngư dân cho biết khi họ mang tàu cá đi vào trong vùng biển của Trung Quốc. Đó là:

Thông thường, các khu vực biển này, nếu thuộc vùng biển của Trung Quốc thì lực lượng chấp pháp Trung Quốc ngăn cản các tàu cá từ nước khác xâm nhập rất quyết liệt. Thậm chí ngay tại các khu vực mà phía Việt Nam cho là thuộc vùng biển của Việt Nam thì nhiều tàu cá Việt Nam thời gian trước đây cũng bị nhiều tàu chấp pháp Trung Quốc bắt giữ hoặc đâm chìm. Tuy nhiên, hiện nay, các tàu cá Việt Nam có thể đi vào vùng biển của Trung Quốc một cách khoải mái, không bị ngăn cản gì.

Khi đi vào các vùng biển của Trung Quốc để bán cá, ngư dân Việt Nam sẽ thu được lợi nhuận cao hơn bởi vì mặt bằng giá cả các loại hải sản của Trung Quốc cao hơn ở Việt Nam.

Như vậy, với bối cảnh nhiều báo cáo từ EU cho thấy tình trạng đánh bắt cá trái phép của ngư dân Việt Nam (IUU) không giảm. Cộng với việc bỗng dưng các lực lượng Trung Quốc rất “bao dung” với các tàu cá Việt Nam được “thoải mái” vào sâu trong vùng biển của Trung Quốc. Rất có thể đây là một chiến thuật “cao tay” từ Trung Quốc. Một mặt, họ ngầm “tạo điều kiện” cho các tàu cá Việt Nam vào sâu trong vùng biển Trung Quốc. Mặt khác, cơ quan chức năng Trung Quốc thu thập dữ liệu các tàu cá này làm bằng chứng cáo buộc trước quốc tế là các tàu cá Việt Nam xâm nhập trái phép vùng biển của Trung Quốc không ngoại trừ mục đích do thám.

Đứng trước tình hình này, thiết nghĩ, Chính quyền Việt Nam cần thực hiện hai việc sau:

Cần phải thông báo cho các ngư dân Việt Nam biết được các tác hại đối với hình ảnh Việt Nam của việc xâm nhập vào các vùng biển của Trung Quốc. Khi Chính quyền Trung Quốc đột ngột thay đổi thái độ thì sự an toàn của các ngư dân sẽ bị đối mặt với nguy hiểm khó có thể biết trước.

Các cơ quan chức năng Việt Nam, hàng năm thường thông tin là có hàng ngàn tàu cá “lạ” xâm nhập trái phép vùng biển Việt Nam, trong đó có các tàu cá Trung Quốc. Tuy nhiên, thông tin chỉ chung chung như vậy. Các cơ quan chức năng Việt Nam cần cung cấp rõ thông tin cụ thể từng tàu cá vi phạm này, để phía Việt Nam có thể sử dụng thông tin để cung cấp cho quốc tế nếu thấy cần thiết.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/southchinaseadispute/vietnam-need-to-prepare-for-media-warfare-in-scs-03252020124047.html