Tin Biển Đông – 25/01/2019
Tham vọng “độc quyền kiểm soát Biển Đông”
của Trung Quốc và những nguy cơ
cho họ khi thực hiện nó
Thách thức Trung Quốc sẽ phải đối mặt khi thực hiện tham vọng “độc quyền kiểm soát” Biển Đông cho thấy nước này không dễ đạt được những gì họ muốn.
Trong con mắt của lãnh đạo Trung Quốc, Biển Đông có lợi ích rất quan trọng đối với chiến lược mở rộng ảnh hưởng và trở thành cường quốc thế giới. Về chính trị, Biển Đông là nơi để Trung Quốc triển khai học thuyết “biên giới mềm” và chính sách “hướng nam” của họ; là con đường “sống còn” để Trung Quốc khắc phục sự “án ngữ” của các nước xung quanh như Ấn Độ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng ra thế giới; là “cửa ngõ” cho Trung Quốc thoát khỏi vòng kiềm chế, ngăn chặn của Mỹ để trở thành cường quốc thế giới. Về kinh tế, Biển Đông có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nếu được khai thác sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế nhanh của một đất nước đông dân nhất thế giới đang lâm vào tình trạng thiếu khát tài nguyên nghiêm trọng, nhất là dầu mỏ. Biển Đông lại có các tuyến đường giao thông hàng không, hàng hải nhộn nhịp vào hàng bậc nhất thế giới, nên “ai nắm được Biển Đông thì người đó sẽ nắm được huyết mạch kinh tế Đông Á”. Về quân sự, Biển Đông là khu vực án ngữ lối ra vào lục địa châu Á của hải quân Mỹ và Nhật Bản, là tuyến đường qua lại của tàu chiến từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương. Trên Biển Đông còn có các quần đảo quan trọng có ý nghĩa chiến lược và chiến thuật nằm giữa trung tâm biển, khống chế các tuyến giao thông và các hoạt động trên biển khác. Các quần đảo là những nơi có thể cải tạo, xây dựng thành căn cứ quân sự vừa có thể làm nơi xuất phát tiến công đối phương thù địch, vừa có thể trở thành vành đai, chốt tiền tiêu cho việc phòng thủ bảo vệ đất liền từ xa. Vì thế, nếu kiểm soát được Biển Đông, Trung Quốc sẽ mở rộng được không gian phòng thủ, đẩy chiến trường ra xa đất liền. Nếu có thêm các căn cứ quân sự ở các quần đảo, cho phép Trung Quốc theo dõi và có thể đe dọa hoạt động quân sự của các nước khu vực Đông Nam Á, kể cả khống chế hoạt động quân sự của Mỹ. Ngoài ra, kiểm soát được Biển Đông còn giúp Trung Quốc quy tụ được sức mạnh của hàng triệu người Hoa ở các nước trong khu vực Đông Nam Á, tăng cường cố kết dân tộc, hỗ trợ cho việc thống nhất, thu hồi vùng lãnh thổ Đài Loan.
Chính vì vậy, từ lâu Trung Quốc đã nuôi tham vọng “độc quyền quyền kiểm soát Biển Đông”, thông qua đó để xâm nhập, chi phối các nước Đông Nam Á trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và quân sự, từ đó mở rộng vai trò và ảnh hưởng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Trung Quốc ra sức thực hiện chiến lược “Đại dương xanh” với tư tưởng chỉ đạo là “Mở cửa với bên ngoài, phát triển nền kinh tế hướng ngoại gắn với đường lối ngoại giao, chính trị đúng đắn, lực lượng hải quân hùng mạnh, thực sự là chỗ dựa vững chắc cho công cuộc phát triển”. Theo đó xác định chủ trương với Biển Đông là: Ra sức tăng cường tiềm lực quốc phòng, đặc biệt là lực lượng hải quân, đủ sức đánh thắng và răn đe trên biển, thực sự là chỗ dựa vững chắc cho các hoạt động khác để từng bước giành quyền kiểm soát Biển Đông, bảo đảm cho Trung Quốc có vai trò quyết định ở Châu Á – Thái Bình Dương và trở thành một cường quốc hàng hải tầm cỡ thế giới. Trung Quốc xác định mục tiêu từng bước “thu hồi chủ quyền” tiến tới thực hiện “độc quyền kiểm soát” Biển Đông, thông qua đó tiến ra Thái Bình Dương và tạo điều kiện thuận lợi đi vào Ấn Độ Dương; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, phấn đấu xây dựng Trung Quốc thành cường quốc kinh tế biển. Đặc biệt chú trọng khai thác nguồn tài nguyên dầu khí để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trong nước; liên kết các “chuỗi đảo” vừa là ranh giới tự bảo vệ, vừa là ranh giới hoạt động. Xác định vòng cung Nhật Bản – Đài Loan – Hải Nam – Hoàng Sa – Trường Sa là “chuỗi đảo trong”, Nhật Bản – Philippines – Kalimantan – Sri Lanka là “chuỗi đảo ngoài” và phấn
đấu đến năm 2010, lực lượng hải quân hoạt động có hiệu lực trong vùng “chuỗi đảo trong”, sau năm 2010 hải quân vươn ra hoạt động ở khu vực “chuỗi đảo ngoài”.
Với tham vọng trên, Trung Quốc chính thức tuyên bố với thế giới rằng họ có “chủ quyền” phần lớn với Biển Đông, được phân hoạch bằng đường đứt đoạn 9 khúc do Trung Quốc đơn phương tự vẽ, hòng chiếm đoạt vùng biển của nhiều nước xung quanh Biển Đông. Trung Quốc đã xây dựng, triển khai thực thi hàng loạt chính sách, bước đi nhằm thực hiện tham vọng bằng các hành động nổi bật sau: Một là liên tục tìm cách hợp thức hóa về pháp lý đối với tuyên bố đòi hỏi “chủ quyền” ở Biển Đông; hai là thúc đẩy triển khai “Chiến lược phát triển kinh tế biển” nhằm hỗ trợ cho chiến lược Biển Đông; ba là đẩy mạnh thực hiện các kế hoạch thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông; bốn là tăng cường xây dựng sức mạnh quân sự, trong đó ưu tiên phát triển lực lượng hải quân, không quân và tên lửa chiến lược nhằm mục đích khống chế Biển Đông, đồng thời ngăn chặn sự can thiệp của nước khác; năm là thúc đẩy chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác”, phân hóa các nước ASEAN, kéo dài thời gian để tìm thời cơ thích hợp thực hiện mục tiêu chiến lược ở Biển Đông.
Những chính sách và bước đi nhằm thực hiện tham vọng “độc quyền kiểm soát Biển Đông” của Trung Quốc trong mấy chục năm qua đã làm cho tình hình Biển Đông thường xuyên bất ổn, trở thành một trong những “điểm nóng” nhất trong các điểm nóng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Và chính nó, mang lại cho Trung Quốc những nguy cơ, thách thức mà bản thân lãnh đạo Trung Quốc chưa chắc đã lường tới. Đó là:
Thứ nhất, tham vọng và hành động của Trung Quốc đã bộc lộ rõ tư tưởng “bành trướng” và Đại Hán của Trung Quốc. Thứ tư tưởng đã từng ăn sâu bén rễ rất lâu đời ở đất nước Trung Hoa thời phong kiến cổ xưa, từng mang lại cho các quốc gia, dân tộc ở xung quanh Trung Quốc những mất mát, khổ đau to lớn khiến các quốc gia, dân tộc đó đời này, kiếp khác luôn nhắc nhở nhau rằng phải hết sức cảnh giác, đề phòng nó nếu muốn giữ vững được chủ quyền, độc lập và tự chủ. Thứ tư tưởng mà các thế hệ lãnh đạo của nước Trung Hoa mới xã hội chủ nghĩa đã phải mất rất nhiều công sức bác bỏ, phủ nhận và làm mọi cách để xóa mờ nó đi, nhằm xây dựng hình ảnh một nước Trung Hoa đầy trách nhiệm, tôn trọng chính nghĩa, công bằng, bình đẳng và đứng về phía các nước, các dân tộc đang phát triển. Giờ đây, không ai còn tin rằng nước Trung Quốc hiện tại và lãnh đạo của họ đã vứt bỏ tư tưởng “bành trướng”, Đại Hán trên. Thành quả cải thiện hình ảnh của Trung Quốc bấy lâu nay đổ xuống sông xuống biển hết.
Thứ hai, tham vọng và hành động của Trung Quốc không phải được tất cả người dân Trung Quốc có lương tri, yêu lẽ phải đồng tình ủng hộ. Những người Trung Quốc chân chính là những người có tri thức hiểu biết, yêu nước, yêu dân tộc mình, trọng lẽ phải và lòng tự hào dân tộc đã không đồng tình, không chấp nhận những gì Trung Quốc thể hiện ở Biển Đông. Đã có không ít tiếng nói phản kháng ở trong nước, không ít ý kiến của những học giả có uy tín người Trung Quốc phê phán, phủ nhận đường 9 khúc phi lý và không tưởng do lãnh đạo Trung Quốc nặn ra. Sự không đồng tình đó đã gây ra những cuộc tranh luận gay gắt trong các giai tầng xã hội Trung Hoa và nó đã phần nào làm tổn hại lòng tin của một bộ phận quần chúng nhân dân. Đương nhiên, lãnh đạo Trung Quốc phải tìm cách “dập” những luồng ý kiến đó đi. Nhưng việc “dập” đi đó chỉ làm cho bất bình càng âm ỉ, tích tụ và sẽ có dịp bùng phát khi nó được cộng hưởng bởi những khuyết tật, yếu kém trên các lĩnh vực khác của đời sống xã hội mà chế độ không giải quyết được. Nguy cơ bất ổn trong lòng xã hội Trung Quốc không phải không có.
Thứ ba, những gì Trung Quốc thực hiện trong những năm qua đã khiến họ tự biến mình thành đối thủ tranh chấp trực tiếp với tất cả các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Khi Trung Quốc hành xử theo kiểu nước lớn, các nước nhỏ, yếu hơn đương nhiên phải nhẫn nhịn, thậm chí im lặng để giữ hòa khí. Nhưng sự nhẫn nhịn đó cũng chỉ có giới hạn bởi chủ quyền quốc gia là rất thiêng liêng và cũng là không gian sinh tồn của những người dân trên đó. Các quốc gia bị uy hiếp sẽ buộc phải xây dựng tiềm lực quân sự, gia tăng sức mạnh quốc phòng để đảm bảo phòng thủ, bảo vệ chủ quyền đất nước. Lẽ đương nhiên, các nước nhỏ, yếu hơn sẽ tìm đến nhau, liên kết và hỗ trợ, ủng hộ lẫn nhau trong “cuộc đấu” với một đối thủ có sức mạnh vượt trội. Đó là chưa kể họ cũng tìm cách kết thân với một nước lớn nào đó để có được “chiếc ô” che chở khi có biến, thậm chí gia nhập một liên minh hoặc thiết lập căn cứ quân sự nước ngoài trên đất nước mình. Lãnh đạo Trung Quốc dường như cũng nhận ra điều đó nên đang phải “xoa dịu” các nước bằng chính sách “thân, thành, huệ, dung”. Nhưng làm sao lấy lại được thân thành đây khi tham vọng chưa dừng lại.
Thứ tư, lâu nay, các phương tiện truyền thông phương Tây tuyên truyền rất mạnh mẽ về thuyết “Trung Quốc đe dọa”. Người ta vẽ ra rất nhiều hình ảnh và viễn cảnh về một nước Trung Hoa dữ tợn, một ngày nào đó sẽ đè đầu, cưỡi cổ các quốc gia, dân tộc một khi họ trở thành siêu cường thế giới. Bộ máy tuyên truyền và truyền thông Trung Quốc đã phải hoạt động hết công suất để cải chính, bác bỏ và cho rằng đó là cách để phương Tây hù dọa mọi người. Trớ trêu thay, tham vọng và những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông lại là minh chứng cụ thể, xác thực và rõ ràng nhất về những gì Trung Quốc đang đe dọa thế giới, trước hết là các nước Đông Nam Á. Hóa ra những gì phương Tây nói không phải là “điêu ngoa”.
Thứ năm, tham vọng và hành động của Trung Quốc không thể qua được mắt Mỹ và các nước lớn phương Tây. Trong bối cảnh và xu thế cạnh tranh địa chiến lược toàn cầu, những hành xử của Trung Quốc đối với các nước ven Biển Đông vô hình chung đã tạo cơ hội cho Mỹ, phương Tây quay lại Châu Á – Thái Bình Dương một cách đàng hoàng và có điều kiện bịt chặt con đường “hướng Nam” của Trung Quốc. Người Mỹ biết rõ ý đồ chiến lược lớn của Trung Quốc là gì và ở đâu nên tâm điểm chiến lược ngăn chặn Trung Quốc sẽ hiện diện ngay tại Biển Đông. Với quan điểm “nước Mỹ trên hết”, Mỹ sẽ sẵn sàng can dự vào vùng biển này, kể cả bằng quân sự để bảo vệ công dân và “lợi ích” Mỹ tại đây. Trung Quốc sẽ phải đối đầu với Mỹ ngay trước “cửa ngõ’ nhà mình. Nhìn lại, đến nay Trung Quốc đã có “đồng minh” nào sẵn lòng cùng họ tiến hành một “cuộc chơi” với một bên là Mỹ và các đồng minh hùng hậu của Mỹ không. Rõ ràng, giấc mộng “phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa” khó mà thành hiện thực trong trung hạn.
Chỉ sơ sơ vạch ra năm nguy cơ, thách thức Trung Quốc sẽ phải đối mặt khi thực hiện tham vọng “độc quyền kiểm soát” Biển Đông đã thấy nước này không dễ đạt được những gì họ muốn. Cách thức thời nhất là nên dừng tham vọng đó lại khi chưa phải là quá muộn.
Bản tin Biển Đông ngày 24/01/2019
Australia giữ quan điểm nhất quán trong vấn đề Biển Đông
Ngày 23/1, Bộ trưởng Công nghiệp Quốc phòng Australia Steven Ciobo đã có buổi trả lời phỏng vấn với hãng truyền hình CNBC của Australia. Bộ trưởng Ciobo khẳng định có các yêu sách chồng lấn ở Biển Đông và Australia duy trì quan điểm nhất quán về vấn đề này. Theo Bộ trưởng Ciobo, Australia lựa chọn cách tiếp cận đa phương, tất cả các bên cần ngồi lại với nhau, cùng đưa ra một giải pháp phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Bất kể đó là căng thẳng về thương mại hay quốc phòng, Australia luôn duy trì cách tiếp cận này và sẽ hỗ trợ hết mức.
Trung Quốc khẳng định tên lửa DF-17 có thể bắn chìm tàu Mỹ
Ngày 22/1, United Press International đưa tin, theo Trung Hoa Thời báo và các phương tiện truyền thông Nhà nước của Trung Quốc, tên lửa tầm trung Đông Phong 17 (Dongfeng-17 hay DF-17) của nước này có thể được sử dụng để làm chìm tàu khu trục sân bay của Mỹ nếu bắn 8 lần. Cụ thể, tên lửa Đông Phong 17 được nâng cấp từ tên lửa Đông Phong 16B, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trượt siêu thanh có khả năng chọc thủng hệ thống phòng vệ tên lửa của Mỹ, nhắm trúng mục tiêu ở bất cứ đâu trên thế giới trong vòng 1 giờ đồng hồ. Theo nhà bình luận quân sự Trung Quốc Chen Guangwen, tên lửa Đông Phong 17 “không thể” bị phát hiện và đánh chặn bởi “hệ thống phòng thủ tên lửa phương Tây” và nếu công nghệ đầu đạn siêu thanh này được hoàn thiện, đây sẽ là vũ khí gây ra mối đe dọa lớn đối với Mỹ.
Tên lửa Đông Phong 17 được thử nghiệm lần đầu tiên vào cuối năm 2017 khi Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Dự kiến, Trung Quốc sẽ chính thức đưa tên lửa này vào vận hành vào năm 2020 và sẽ vượt trội hơn hẳn so với hai loại tên lửa khác cũng có khả năng nhắm trúng mục tiêu tàu sân bay là Đông Phong 21D và Đông Phong 26.
http://biendong.net/diem-tin/26035-ban-tin-bien-dong-ngay-24-01-2019.html
Bản tin Biển Đông ngày 23/01/2019
Cựu Tổng thống Philippines: Phán quyết về Biển Đông năm 2016 vẫn có giá trị
Ngày 23/1, Inquirer đưa tin, phát biểu tại một buổi ra mắt sách tại Đại học De La Salle, Philippines, cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III cho rằng chiến thắng lịch sử của Philippines đối với Trung Quốc về Biển Đông năm 2016 không phải là vô giá trị, thậm chí kể cả khi chính quyền hiện tại chưa đề cập đến vấn đề này. Ông Aquino cho rằng, Trung Quốc luôn nói về lịch sử, chủ quyền không thể chối cãi, nhưng UNCLOS mà Trung Quốc đã đồng ý lập ra, đã ra phán quyết chống lại Trung Quốc. Cựu Tổng thống Benigno Aquino III cũng cho biết, ông hài lòng với phần lớn nội dung
Phán quyết của Tòa Trọng tài, chỉ trừ việc Phán quyết tuyên bố bãi cạn Scarborough là vùng đánh cá chung.
Theo South China Morning Post ngày 23/1, cũng tại buổi ra mắt sách, cựu Tổng thống Benigno Aquino III đã lên tiếng phản đối thỏa thuận về hợp tác dầu khí tại Biển Đông mà người kế nhiệm ông, Tổng thống Rodrigo Duterte, mới đạt được với Trung Quốc. Ông Aquino nói rằng, Trung Quốc thường coi “những gì của chúng tôi là của chúng tôi, những gì của bạn thì chúng ta chia nhau”. Chính quyền Tổng thống Duterte từng tiết lộ Manila sẵn sàng hợp tác trên cơ sở chia sẻ lợi nhuận 60/40, trong đó Manila được phần hơn. Tuy nhiên, theo ông Aquino, chính Trung Quốc mới là bên sẽ đạt được phần to nhất. Ông Aquino cho rằng, không thể chia sẻ tài nguyên của mình với người khác mà người đó lại được phần hơn.
Philippines sẽ cử tàu tham gia buổi duyệt binh của Hải quân Trung Quốc
Ngày 23/1, South China Morning Post đưa tin, theo Phó Đô đốc Philippines Robert Empedrad, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân Nhân dân Trung Quốc (PLA), lần đầu tiên Philippines sẽ cử một tàu đến Trung Quốc tham gia buổi duyệt binh đội tàu của PLA dự kiến tổ chức vào ngày 23/4 tại Thanh Đảo, phía Đông tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết, việc cử tàu sẽ là một phần của hoạt động xây dựng lòng tin giữa hai nước. Một nhà phân tích quân sự của Trung Quốc đánh giá, việc tàu Philippines đến Thanh Đảo sẽ cải thiện quan hệ hai bên khi Trung Quốc đang tìm cách thiết lập một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông – vùng biển giàu tài nguyên nay đã trở thành điểm nóng sau khi Mỹ và các đồng minh đưa tàu chiến đến thực hiện hoạt động tự do hàng hải khiến Trung Quốc phản đối. Theo Song Zhongping, một nhà bình luận quân sự tại Hồng Kông, “từ khía cạnh thực tế, điều này sẽ có lợi cho sự ổn định ở Biển Đông. Quan hệ quân sự bình thường giữa Trung Quốc và Philippines sẽ mang tính tích cực cho các cuộc đàm phán tương lai về bộ quy tắc ứng xử, và đây là điều Trung Quốc muốn thấy”.
http://biendong.net/diem-tin/26036-ban-tin-bien-dong-ngay-23-01-2019.html