Tin Biển Đông 25-10-2016
Hải quân Mỹ đổi quyền chỉ huy qua vụ điều tàu tới Biển Đông
Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift.
Tàu khu trục của Hải quân Mỹ đến gần đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông hồi tuần trước đã nhận lệnh từ tổng hành dinh của Hạm đội thứ 3 ở thành phố San Diego, theo hai nguồn tin nói với hãng tin Reuters.
Chiến hạm USS Decatur hôm thứ Sáu đã thách thức “tuyên bố chủ quyền lãnh hải thái quá” của Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa.
Đây là lần đầu tiên một hoạt động tự do hàng hải được tiến hành mà không có sự chỉ huy của Hạm đội thứ 7 đóng ở Nhật Bản, và là một sự thử nghiệm những thay đổi nhắm mục tiêu cho phép Hải quân Mỹ tiến hành những hoạt động hàng hải trên cả hai bình diện ở châu Á cùng một lúc, theo hai nguồn tin phát biểu trong điều kiện giấu tên.
Một nguồn tin nắm rõ những mục tiêu của việc tái tổ chức cho biết việc để Hạm đội thứ 3 thường xuyên chỉ huy tàu ở châu Á, điều mà hạm đội này chưa từng làm kể từ Thế chiến thứ hai, có nghĩa là Hải quân Mỹ có thể thực hiện tốt hơn những hoạt động cùng lúc như trên bán đảo Triều Tiên và ở Philippines.
Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift, năm ngoái đã tỏ dấu hiệu cho thấy vai trò rộng hơn cho Hạm đội thứ 3, khi ông nói rằng ông sẽ bãi bỏ một ranh giới hành chính dọc theo đường đổi ngày quốc tế phân chia hai Hạm đội thứ 3 và thứ 7.
Cho đến lúc đó, những tàu của Hạm đội thứ 3 băng qua đường này vẫn nằm dưới sự chỉ huy của Hạm đội thứ 7.
Năm nay, một quan chức nói với Reuters rằng thêm những tàu thuộc Hạm đội thứ 3 sẽ được điều đến khu vực Đông Á.
Việc tái tổ chức, cho Hạm đội thứ 3 vai trò tiền tuyến lớn hơn, diễn ra trong khi chính sách “xoay trục” của Mỹ về châu Á đang suy yếu và trong khi Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán ở Biển Đông khiến căng thẳng gia tăng. VOA
Philippines đổi chính sách, đẩy ASEAN vào thế khó xử
-
Ron CorbenTổng thống Philippines Rodrigo Duterte chào các binh sĩ trước khi lên đường thăm chính thức Nhật Bản, tại sân bay quốc tế Ninoy Aquino ở ngoại ô thành phố Pasay, phía nam Manila, Philippines, 25/10/2016.BANGKOK — Quyết định của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chia tay với Hoa Kỳ và xích lại gần hơn với Trung Quốc, đã tăng thêm những sự bất định trong các quan hệ giữa ASEAN với Hoa Kỳ và Trung Quốc, đồng thời gây thêm phức tạp cho các nỗ lực của Hiệp hội 10 nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, tìm cách đưa ra một lập trường đoàn kết về các vấn đề khu vực, kể cả tranh chấp Biển Đông.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày thành lập vào năm tới, khi mà Philippines sẽ nắm chức Chủ tịch luân phiên của khối, vốn đã bị chia rẽ về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và về vai trò chiến lược của Hoa Kỳ trong khu vực.
Trong một chuyến công du chính thức tới thăm Bắc Kinh mới đây, Tổng thống Duterte của Philippines loan báo “chia tay” với Mỹ, đối tác chiến lược lâu năm của mình để xoay sang Trung Quốc, thế nhưng ngay khi trở về nước, ông lại đính chính lập trường của ông như sau:
“Khi tôi nói tôi ‘ly khai’ với Mỹ, điều mà tôi thực sự muốn nói là một sự ly khai về mặt chính sách đối ngoại. Trong quá khứ cho tới khi tôi trở thành Tổng thống, chúng ta luôn luôn theo đuôi người Mỹ. Từ ‘ly khai’ mà tôi dùng có nghĩa là tách chính sách đối ngoại của Philippines ra. Nói cách khác, chính sách đó không cần phải theo đuôi chính sách đối ngoại của Mỹ.”
0:01:27
0:00:00/0:01:27
▶
Đường dẫn trực tiếp
Nhà lãnh đạo Philippines giải thích thêm rằng ông không muốn cắt đứt quan hệ với Mỹ, ông nói cắt đứt quan hệ là một cách thức khác để làm như vậy.
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đã tìm cách trấn an cộng đồng quốc tế khi ông nói với Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách các vấn đề Đông Á – Thái Bình Dương Danny Russell đang lưu viếng Philippines, rằng ông Duterte đã “rút lại” những bình luận của ông rồi.
Nhưng giới phân tích nói những sự bất định về những thay đổi chính sách của ông Duterte đã có những tác động rộng rãi trong nội bộ khối ASEAN.
Giáo sư Carl Thayer, một nhà phân tích các vấn đề quốc phòng thuộc Đại học New South Wales ở Australia, nhận định những tuyên bố đơn phương của ông Duterte có thể ảnh hưởng tới sự ổn định của khu vực ASEAN, vì ông Duterte không tham khảo trước với các nước thành viên khác của ASEAN. Giáo sư Thayer nói:
“Sự bất định trong khu vực vì những hành động đơn phương là vấn đề mà ông Duterte sẽ cần phải giải quyết, bởi vì sắp tới đây, vào đầu năm tới, Philippines sẽ nắm chức Chủ tịch luận phiên của ASEAN.”
0:01:20
0:00:00/0:01:20
▶
Đường dẫn trực tiếp
Căng thẳng trong tranh chấp Biển Đông
Tuy nhiên, giáo sư Thayer nói rằng một kết quả tích cực trong chuyến đi thăm Trung Quốc của ông Duterte là xoa dịu những căng thẳng trong khu vực liên quan tới các vụ tranh chấp lãnh thổ trong Biển Đông. Cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã đơn phương thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong Biển Đông. Tháng 7 năm nay, Toà Trọng tài Quốc tế ra phán quyết cho rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông là bất hợp pháp. Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết đó.
Giáo sư Thayer:
“Biển Đông không còn là một vấn đề nan giải như trong thời gian dẫn đến phán quyết của toà án trọng tài, cách xử lý của ông Duterte đã xoá đi phần nào mức độ gay gắt của vấn đề, đồng thời khuyến khích Trung Quốc nắm lấy sáng kiến ngoại giao của ông Duterte.”
Hậu quả lâu dài
Giáo sư Thayer nói một nước Trung Quốc ít hung hăng hơn trong khu vực sẽ được các nước thành viên ASEAN hoan nghênh. Nhưng ông Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc của Viện nghiên cứu các vấn đề An ninh và Quốc tế – gọi tắt là ISIS, nói thay đổi chính sách bất nhất của ông Duterte có thể có những hệ quả cho ASEAN về lâu về dài.
Giáo sư Thayer: “Sự thể này có thể có những hậu quả lâu dài cho ASEAN bởi vì Manila là một đồng minh đã ký hiệp định hỗ tương với Hoa Kỳ và Thái Lan là một đồng minh khác. Vậy là 2 đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á hiện đã thay đổi chính sách của họ tương đối, rời xa nước Mỹ. Tình huống này có thể đẩy các quan hệ Mỹ-Trung trong khu vực tới chỗ có những thay đổi đầy kịch tính.”
Ông Thitinan nói thêm rằng một nguy cơ khác là tương lai của chính sách Châu Á của Tổng thống Obama, xoay trục sang Châu Á, khiến Mỹ có thể điều chỉnh lại các chính sách đối với khu vực.
0:01:37
0:00:00/0:01:37
▶
Đường dẫn trực tiếp
Hệ quả tức thời của ảnh hưởng đang tăng của Trung Quốc
Ông Thitinan nói những diễn biến hồi gần đây nêu bật ảnh hưởng đang tăng của Bắc Kinh đối với các nước Á châu như Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan:
“Điều đó có nghĩa là vào năm tới, ASEAN sẽ nằm trong quỹ đạo của Bắc Kinh hơn là trong quỹ đạo của Washington, và Washington sẽ phải cân nhắc nên làm gì trong dài hạn. Điều đó sẽ bất lợi cho ASEAN, bởi vì ASEAN muốn duy trì một thế cân bằng giữa Washington và Bắc Kinh, không quá gần bên này hay bên kia.”
Các nỗ lực ngoại giao trong nội bộ ASEAN để đề ra một chính sách đoàn kết về Trung Quốc và cuộc tranh chấp Biển Đông đã bị cản trở do những cố gắng của Bắc Kinh nhằm cô lập hoá từng nước thành viên.
Sự ổn định của ASEAN bị lung lay?
Ashley Townsend, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Sydney ở Australia, chỉ ra những khó khăn ngày càng phức tạp của ASEAN trong nỗ lực đề ra một lập trường chung cho các vấn đề như lắp đất xây đảo và vấn đề quân sự hoá Biển Đông. Ông Townsend nói:
“Những phát biểu của ông Duterte không chỉ là lời khoa trương, mà sự bất nhất trong hành động của ông giữa Mỹ và Trung Quốc đã đẩy các nước ASEAN khác vào thế khó, trong khi ASEAN đã quen với một đường hướng ổn định trong chính sách đối ngoại, để có thể xét đoán hướng đi của Philippines dưới quyền ông Duterte.”
Nhà nghiên cứu này cảnh giác rằng sự chia rẽ trong nội bộ về mặt chính sách đối ngoại vì những động thái của Philippines, sẽ đẩy ASEAN vào thế bất lực trong các vấn đề có tính cách chiến lược đối với khu vực liên quan tới cuộc tranh chấp Biển Đông, hoặc vị thế của ASEAN trước Mỹ và Trung Quốc.
Một số nhà nghiên cứu khác, như Giáo sư Dennis Quilala của Đại học Philippines thì tỏ ra thận trọng, nhưng coi chính sách đối với Trung Quốc của ông Duterte là “phục vụ quyền lợi của Philippines” bằng cách xuống thang những căng thẳng khu vực.
Mặc dù vậy ông Quilala vẫn tỏ ra quan ngại về tác động có thể có của quyết định thay đổi chính sách của ông Duterte:
“Tôi thực sự lo sợ đây chỉ là thay đổi các ông chủ cũ bằng các ông chủ mới.” VOA