Tin Biển Đông – 24/08/2020
Trung Quốc bắt đầu chính thức tập trận tại Biển Đông – Thụy My
Hôm nay 24/08/2020 Trung Quốc bắt đầu chính thức tập trận tại Biển Đông trong vòng sáu ngày, tiếp tục các động thái khiêu khích sau khi đưa oanh tạc cơ H-6J ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1974.
Bắc Kinh cấm tàu bè qua lại ở phía đông nam đảo Hải Nam trong thời gian này. Đồng thời Trung Quốc cũng tập trận kéo dài trên Biển Bột Hải (từ 24/08 đến 30/09) và Hoàng Hải (22/08-26/08). Các hoạt động biểu dương sức mạnh diễn ra trong bối cảnh căng thẳng với Hoa Kỳ, và đang có nhiều đồn đãi là Trung Quốc sắp tấn công Đài Loan.
Trong khi đó South China Morning Post hôm nay tiết lộ, ba tuần sau khi ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố quan điểm mới của Hoa Kỳ về Biển Đông, khẳng định yêu sách chủ quyền của Trung Quốc là « bất hợp pháp », Bắc Kinh đã mời các nhà ngoại giao 10 nước ASEAN đến để bày tỏ mối lo ngại sẽ xảy ra xung đột tại vùng biển này.
Trong cuộc họp, các quan chức Trung Quốc nhấn mạnh đến « nguy cơ cao » về các hoạt động quân sự của các nước « bên ngoài khu vực », ám chỉ Hoa Kỳ. Đồng thời thúc đẩy ASEAN đàm phán về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông càng nhanh càng tốt.
Đài NHK của Nhật hôm nay đưa tin, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi gặp người đồng cấp Việt Nam Phạm Bình Minh trong dịp kỷ niệm 20 năm hiệp ước biên giới Việt-Trung đã cổ vũ Hà Nội ngồi vào bàn đối thoại để giải quyết bất đồng về Biển Đông.
Về phía Philipppines hôm nay đã phản ứng gay gắt trước tuyên bố của Trung Quốc, cho rằng Manila đã « khiêu khích bất hợp pháp » trên Biển Đông. Bộ trưởng Quốc Phòng nước này khẳng định chính Bắc Kinh mới khiêu khích và chiếm đóng bất hợp pháp các khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines.
Hơn 80 tổ chức, hội đoàn kêu gọi Anh, Nhật, Ấn Độ
phản đối yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông
80 tổ chức, hội đoàn tại Âu Châu, Canada, Úc Châu, Hoa Kỳ & Nhật Bản đã gửi thư đến ba ngoại trưởng của Anh Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, kêu gọi họ lên tiếng bác bỏ yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.
Theo nội dung bức thư được đề ngày 24/8, các tổ chức đồng ký tên khẳng định “Chúng tôi, những tổ chức ở khắp nơi trên thế giới ký tên dưới đây khẩn thiết kêu gọi Quý Vị, tiếp theo những tuyên bố của các chính phủ Hoa Kỳ và Úc Châu, hãy bác bỏ những yêu sách tùy tiện của Trung Quốc tại Biển Đông”.
Những tổ chức, cá nhân ký thư chung còn phân tích Anh Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ là những quốc gia dân chủ vùng biển, do đó 3 nước nên cùng có vai trò chủ chốt trong việc bảo vệ hòa bình và sự ổn định trong vùng qua việc củng cố sự tôn trọng những quy định luật pháp quốc tế.
Họ cũng khẳng định “Yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc rõ ràng là bất hợp pháp, vi phạm Công Ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS). Điều này đã được tái xác định bởi phán quyết của Tòa Hòa Giải Thường Trực vào năm 2016 rằng yêu sách “đường chín đoạn” và “quyền lịch sử” của Trung Quốc không có giá trị”.
Cuối thư các tổ chức cho rằng các cường quốc dân chủ cần phải cương quyết chống lại sự hung hăng và xâm lấn của Trung Quốc. Do đó, họ ghi rõ “Chúng tôi kêu gọi các chính phủ của Quý Vị kết hợp với Hoa Kỳ và Úc Châu chính thức bác bỏ những yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông để tái lập nền móng cho một vùng Ấn Độ Thái Bình Dương tự do, cởi mở và an toàn”
Trước đó, vào ngày 23/7/2020, phái bộ thường trực của Úc đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc lên án Bắc Kinh tự vẽ “đường 9 đoạn”, đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông là “không có cơ sở pháp lý” và “không có giá trị” theo phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye năm 2016 chiếu theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Công hàm được Úc gửi lên Liên Hiệp Quốc chỉ một tuần sau khi ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chính thức công bố bản “Lập trường của Hoa Kỳ về các yêu sách tại Biển Đông” ngày 13/07/2020.
Trước đó, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia cũng lần lượt gửi công hàm phản đối những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc hiện đòi chủ quyền đến gần 90% diện tích Biển Đông trong vùng đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển, lấn vào các vùng đặc quyền kinh tế của những nước láng giềng. Toà Trọng tài Quốc tế trong một phán quyết vào năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lý của đường này, nhưng Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết của toà.