Tin Biển Đông – 24/07/2019
Trung Cộng dồn lực lượng dân quân biển
ra khu vực gần Bãi Tư Chính
Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet ngày 24 tháng 7 năm 2019 loan tin, để thực hiện chiến lược “tằm ăn dâu” trên Biển Đông, mà mới nhất là khu vực Bãi Tư Chính, phía Trung Cộng đã đưa lực lượng dân quân biển ra khu vực này cùng với lực lượng chủ lực là các tàu hải cảnh.
Dân quân biển là lực lượng quan trọng trong chiến lược vùng xám, là mũi nhọn giúp Trung Cộng kiểm soát thực địa ở Biển Đông. Chiến lược vùng xám có hai đặc trưng cơ bản là: kiểm soát xung đột ở mức độ vừa phải, vừa gây sức ép lên đối thủ, vừa kiểm soát rủi ro trên thực địa một cách chấp nhận được. Đặc trưng thứ hai là tiến từng bước nhỏ để không tạo ran guy cơ gây ra phản ứng quân sự, và có lợi trong việc tranh chấp.
Vì vậy, dân quân biển của Trung cộng là một nhành riêng biệt của lực lượng vũ tran có các nhiệm vụ như, bảo vệ chủ quyền, tiến hành tuần tra trinh sát, phối hợp với các lực lượng chấp pháp biển, tham gia cứu hộ cứu nạn, và hỗ trợ chiến đấu. Với nhiệm vụ như trên, lực lượng này được Trung Cộng đầu tư rất lớn, và trả lương hậu hĩnh. Ngoài ra, vào năm 2016, nhà cầm quyền Trung Cộng đã chi khoảng 1,5 triệu Mỹ kim để khuyến khích ngư dân đến định cư trên các quần đảo đã chiếm được của Việt Nam mà nước này gọi là Tam Sa. Mỗi người dân sinh sống trong nhóm Lưỡi Liềm sẽ nhận được 6,79 Mỹ kim một ngày nếu như có mặt ở trên đảo 180 ngày/năm. Còn những người sống trên đảo Vành Khăn sẽ được nhận 12,07 Mỹ kim mỗi ngày nếu sống trên đảo 150 ngày/năm. Và hiện tại, lực lượng dân quân biển đang có mặt cùng với sự kiện Bãi Tư Chính.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/trung-cong-don-luc-luong-dan-quan-bien-ra-khu-vuc-gan-bai-tu-chinh/
Vụ Bãi Tư Chính: Công ty Nga và Nhật
‘gây phức tạp’ cho Trung Quốc
Chuyên gia về Biển Đông nói với VOA tiếng Việt rằng sự liên quan của công ty Nga và Nhật trong vụ “đối đầu” giữa tàu hải cảnh Việt Nam và Trung Quốc ở Bãi Tư Chính đã “gây phức tạp” cho quyết sách của chính quyền Bắc Kinh.
Ông Ryan Martinson, chuyên gia về hải quân Trung Quốc của Trường Hải Chiến Hoa Kỳ, cho biết rằng tính tới ngày 23/7, các tàu hải cảnh của Trung Quốc “vẫn hoạt động gần giàn khoan dầu của Nhật ở phía tây Bãi Tư Chính”, trong khi tàu Haiyang Dizhi 8 “tiếp tục tiến hành khảo sát địa chấn tại Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam ở phía tây quần đảo Trường Sa”.
Tin cho hay, công ty Rosneft của Nga thuê giàn khoan Hakuryu-5 của Công ty Khoan thăm dò Nhật Bản (JDC) để thực hiện hoạt động thăm dò dầu khí tại Lô 06.1 của Việt Nam ở Biển Đông trong khu vực mà Hà Nội tuyên bố là Vùng Đặc quyền Kinh tế của mình.
Vụ tàu hải cảnh Trung – Việt ‘đối đầu’ ở Bãi Tư Chính ‘vẫn rất căng thẳng’
VOA tiếng Việt đã liên lạc với Rosneft và JDC để hỏi phản ứng về vụ “đối đầu” giữa tàu hải cảnh của Việt Nam và Trung Quốc, nhưng chưa nhận được hồi đáp.
Ông Martinson nói rằng ông “không ngạc nhiên” về việc hai công ty này không muốn lên tiếng.
“Thật dễ hiểu. Họ không muốn chọc tức Trung Quốc”, ông nói thêm với VOA Việt Ngữ. “Tôi chắc chắn rằng sự liên quan của công ty Nga Rosneft đã gây phức tạp cho việc ra quyết sách của Bắc Kinh. Trung Quốc sẽ không muốn làm bất cứ điều gì gây tổn hại tới mối quan hệ tốt đẹp với Nga”.
“Vượt khỏi tầm kiểm soát”
Ông Murray Hiebert, chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở ở thủ đô Washington, cho rằng Trung Quốc “rõ ràng đang gây áp lực” đối với các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam.
“Việt Nam quyết định không đứng nhìn và chấp nhận áp lực của Trung Quốc như trong việc [dừng hoạt động thăm dò] tại hai lô [đã cấp phép] cho công ty Repsol [của Tây Ban Nha] vào năm 2017 và 2018”, ông Hiebert nói.
“Với việc Việt Nam triển khai tàu cảnh sát biển tới gần tàu thăm dò của Trung Quốc, đôi bên rõ ràng đang bước vào một tình thế mà một vụ tai nạn hoặc phản ứng thái quá của thuyền trưởng tàu có thể khiến việc tranh chấp vượt ra khỏi tầm kiểm soát”.
Nhà nghiên cứu về Biển Đông này đồng ý với ý kiến cho rằng việc các công ty Nga và Nhật liên quan tới vụ đối đầu lần này giữa tàu chấp pháp của Việt Nam và Trung Quốc đã “đa phương hóa” vụ việc, nhưng về cơ bản, các bên “nhiều khả năng coi đây là vấn đề giữa Hà Nội và Bắc Kinh”.
Mỹ và Philippines bàn về Biển Đông trong đối thoại chiến lược
Ông Hiebert nói rằng hành động của Trung Quốc đối với Việt Nam sau khi tiến hành bước đi tương tự ở ngoài khơi Malaysia và Philippines khiến “cộng đồng quốc tế chú ý tới việc Trung Quốc gây áp lực đối với các quốc gia láng giềng”.
Liên quan tới vụ Bãi Tư Chính, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 20/7 ra tuyên bố nhắc tới cả Trung Quốc và Việt Nam, trong đó “mạnh mẽ phản đối việc cưỡng ép và đe dọa” đồng thời nói rằng Bắc Kinh “nên chấp dứt hành vi bắt nạt và ngưng thực hiện hoạt động gây bất ổn và khiêu khích này”.
VOA tiếng Việt đã liên lạc phỏng vấn với Bộ Ngoại giao Nga và Nhật Bản, nhất là hỏi xem Moscow và Tokyo hỗ trợ gì cho hai công ty Rosneft và JDC, nhưng tới ngày 24/7 vẫn chưa nhận được hồi đáp.https://www.voatiengviet.com/a/v%E1%BB%A5-b%C3%A3i-t%C6%B0-ch%C3%ADnh-c%C3%B4ng-ty-nga-v%C3%A0-nh%E1%BA%ADt-g%C3%A2y-ph%E1%BB%A9c-t%E1%BA%A1p-cho-trung-qu%E1%BB%91c/5013479.html
Giải quyết căng thẳng ở Biển Đông:
Mỹ đưa đề xuất, TQ phớt lờ
Theo một quan chức quân sự của Mỹ, Trung Quốc đã phớt lờ lời kêu gọi của Mỹ để thiết lập một cơ chế liên lạc giải quyết khủng hoảng ở Biển Đông.
Trung Quốc không phản hồi đề xuất của Mỹ
Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ hôm 18/7 nêu những quan ngại về ảnh hưởng quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực tại Diễn đàn an ninh Aspen ở Colorado, Mỹ.
Ông Davidson cho biết, Washington và Bắc Kinh đang có những trao đổi ở cấp độ quân sự nhưng cần phải có một cơ chế liên lạc giải quyết khủng hoảng để giảm bớt nguy cơ từ những tính toán sai lầm.
“Cạnh tranh không có nghĩa là không hợp tác. Chúng tôi vẫn liên lạc ở cấp độ quân đội. Nhưng Mỹ từ lâu đã đề nghị Trung Quốc cần có cơ chế liên lạc xử lý khủng hoảng giữa Bộ Tư lệnh phương Nam – vốn phụ trách khu vực Biển Đông – và Bộ Tư lệnh quân khu phía Đông của Trung Quốc nhưng họ chưa phản hồi”, Đô đốc Davidson nói.
Trung Quốc và Mỹ đang bị vướng vào tranh cãi liên quan đến việc triển khai các hoạt động quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Bắc Kinh phản đối việc Washington cho tàu chiến thực hiện quyền qua lại vô hại ở Biển Đông trong khi các quốc gia trong khu vực liên tục bày tỏ quan ngại về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế tại vùng biển chiến lược này.
Ông Davidson tái khẳng định cam kết của Mỹ về việc hiện diện thường xuyên ở Biển Đông. Ông nhấn mạnh động thái của Mỹ không phải là để khẳng định các yêu sách của Washington trong khu vực mà là để giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và duy trì trật tự dựa trên luật pháp.
“Nhiều quốc gia khác ủng hộ mạnh mẽ quyền hoạt động hàng hải tự do của chúng tôi bất chấp sự phản đối từ phía Trung Quốc”, Đô đốc Davidson nói và lưu ý rằng 5 trong số các đồng minh có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ nằm ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ông Davidson cũng cho biết, Trung Quốc đã tiến hành một vụ thử tên lửa ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng nước này Ngụy Phượng Hòa có bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi tháng 6, trong đó ông Ngụy khăng khăng bảo vệ quan điểm cho rằng việc Bắc Kinh tiến hành quân sự hóa trên các rạn san hô ở Biển Đông là “quyền lợi hợp pháp” của Trung Quốc.
Ông Davidson chỉ trích tham vọng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời miêu tả bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc ở Singapore là nhạt nhẽo đối với người nghe.
“Ông Ngụy Phượng Hòa không chỉ nói rõ rằng ông ta không nghĩ châu Á và Tây Thái Bình Dương là nơi dành cho Mỹ mà về cơ bản còn nói rằng châu Á thậm chí còn không dành cho người châu Á mà châu Á là của người Trung Quốc”, ông Davids Davidson nói.
Theo ông Davidson, Trung Quốc là một “mối đe dọa chiến lược dài hạn” và quân đội Mỹ cần khẩn trương nâng cấp vũ khí và năng lực chiến đấu để tránh bị Trung Quốc vượt mặt.
Mỹ giữ thái độ cứng rắn
Mỹ không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng luôn khẳng định quyền tự do hàng hải ở vùng biển này và đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc về những hàng động bất chấp luật pháp quốc tế để xác lập chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Trước diễn biến mới nhất liên quan đến vụ nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông, hôm 20/7, Mỹ đã lên án Trung Quốc bằng những lời lẽ đanh thép, cho rằng Bắc Kinh có “hành vi bắt nạt” và làm suy yếu hòa bình, an ninh khu vực.
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nêu rõ: “Việc Trung Quốc cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn đang tranh chấp ở Biển Đông, cùng với những nỗ lực khác để khẳng định các yêu sách hàng hải bất hợp pháp ở Biển Đông, bao gồm việc sử dụng dân quân hàng hải để hăm dọa, cưỡng ép và đe dọa các quốc gia khác, làm suy yêu hòa bình và an ninh khu vực”.
“Mỹ kiên quyết phản đối sự cưỡng ép và đe dọa của bất kỳ nước tuyên bố chủ quyền nào khằm khẳng định các yêu sách lãnh thổ hoặc hàng hải của mình. Trung Quốc nên chấm dứt hành vi bắt nạt và kiếm chế thực hiện loại hoạt động khiêu khích và gây bất ổn này”, tuyên bố nhấn mạnh.
Trước đó, hôm 19/7, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cũng đưa ra nhận xét tương tự khi viết trên Twitter: “Hành vi cưỡng ép của Trung Quốc đối với các nước láng giềng Đông Nam Á là phản tác dụng và đe dọa hòa bình cũng như ổn định trong khu vực”.
http://biendong.net/bi-n-nong/29470-giai-quyet-cang-thang-o-bien-dong-my-dua-de-xuat-tq-phot-lo.html
Vụ bãi Tư Chính:
TQ tái diễn yêu sách đường chín đoạn
Nếu các quốc gia trong khu vực không lên tiếng phản đối Trung Quốc, sự im lặng sẽ góp phần hợp thức hóa chiến lược độc chiếm biển Đông của Bắc Kinh.
Vừa qua, nhóm tàu địa chất Hải dương 8 của Trung Quốc (TQ) đã có tổ chức các hoạt động thăm dò địa chất trái phép gần khu vực bãi Tư Chính – Vũng Mây nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam (VN).
“Đường chín đoạn” quay trở lại
Chuyên gia Swee Lean Collin Koh (ảnh) thuộc Học viện Chiến lược và quốc phòng (Singapore) viết trên trang Maritimeissues rằng các động thái gần đây chứng tỏ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) năm 2016 đã không tạo đủ sức ép để buộc Bắc Kinh phải từ bỏ các toan tính ở biển Đông.
“Theo quan điểm của TQ, bất kỳ hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí nào trong khu vực thuộc yêu sách “đường chín đoạn” đều bị xem là vi phạm pháp luật do các vùng biển đó là vùng biển đang tranh chấp, mặc cho yêu sách này đã bị bác bỏ” – ông Collin Koh giải thích.
Qua đó TQ đang muốn biến các động thái đe dọa của mình thành các phản ứng “chính đáng” trước sự “gây hấn” từ bên ngoài mà ở đây là các hoạt động thăm dò tài nguyên của các nước khác như Malaysia, VN. Bằng việc gửi tàu đến khu vực gần bãi Tư Chính, Bắc Kinh muốn phát đi thông điệp: Nếu TQ không được phép khai thác tài nguyên ở đây, các nước khác cũng phải chịu như vậy.
Ngoài ra, sự kiện ở bãi Tư Chính cũng cho thấy quy mô phát triển hiện tại của các công trình quân sự mà TQ xây dựng trái phép trên các thực thể bị chiếm đóng. Các tàu hải cảnh và dân quân biển nhờ các công trình này có thể duy trì sự hiện diện trên vùng biển của VN trong nhiều ngày mà không cần phải quay về những căn cứ ở đại lục.
TQ đang toan tính gì?
Theo quan sát của ông Collin Koh, trong giới lãnh đạo Bắc Kinh hiện tồn tại nhiều yếu tố địa lý lẫn chính trị tạo điều kiện để nước này tiến hành các động thái bắt nạt và đe dọa ở biển Đông.
Thứ nhất, các tiền đồn xây dựng trái phép ở quần đảo Hoàng Sa giúp TQ thực hiện các hành vi gây hấn. Thứ hai, TQ khăng khăng bám lấy quan điểm nước này chỉ phản ứng trước các hành động của nước khác chứ không hề có ý khiêu khích. Thậm chí Bắc Kinh còn tố ngược lại chính các nước lên án hành vi của TQ là bên phá hoại tiến trình hòa bình ở biển Đông. Thứ ba, TQ cho rằng các quốc gia trong khu vực sẽ không lên tiếng phản đối do lo ngại “rút dây động rừng”, đặc biệt là khi khối ASEAN và TQ được cho là đang có những bước tiến đáng kể trong việc đàm phán thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Dù vậy, kế hoạch của TQ có nguy cơ thất bại khi gặp phải sự phản đối kịch liệt từ phía VN. Tuy nhiên, chuyên gia Collin Koh không nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ vì thế mà buộc phải thay đổi chiến thuật, ít nhất là cho tới khi nước này có giải pháp “giữ thể diện” quốc gia.
Cần nhiều tiếng nói từ cộng đồng quốc tế
Trong tuyên bố ngày 17-7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng khẳng định việc duy trì trật tự hòa bình, an ninh ở khu vực biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực
cũng như cộng đồng quốc tế. Do đó, VN mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này.
“Nhận định trên (của VN) rất quan trọng. Nó cho thấy VN muốn kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với sự kiện ở bãi Tư Chính. Động thái này có khả năng sẽ làm ảnh hưởng toàn bộ đến tình hình tranh chấp ở toàn bộ biển Đông và đi ngược với quan điểm không muốn ảnh hưởng từ bên ngoài của Bắc Kinh” – ông Collin Koh giải thích.
Theo đó, bất kỳ động thái nào làm xấu đi căng thẳng ở bãi Tư Chính cũng sẽ thu hút chú ý hoặc chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, trong đó có các nước như Mỹ đang thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải ở biển Đông. Điều này sẽ khiến TQ phải suy nghĩ kỹ nếu còn muốn tiến hành thêm bất kỳ hành động nào ở vùng biển của VN.
Tuy nhiên, chỉ tuyên bố từ phía VN sẽ chưa đủ sức buộc TQ phải rút tàu ra khỏi bãi Tư Chính. Ông Collin Koh cho rằng việc này đòi hỏi phải có một lập trường rõ ràng và dứt khoát phản đối hành động của TQ đến từ các nước ASEAN. Các lãnh đạo của khối này cần phải lên tiếng cảnh báo mọi hành vi đe dọa như những gì xảy ra ở bãi Tư Chính sẽ đi ngược lại với luật pháp quốc tế, đồng thời phá hoại thành quả đàm phán COC của ASEAN và TQ trong hai năm qua.
“Đã đến lúc cộng đồng thế giới và khối ASEAN phải nhận ra rằng việc cố gắng làm hòa với TQ về vấn đề biển Đông đã không đem lại kết quả gì. Một bên TQ dùng biện pháp ngoại giao như trong đàm phán COC, mặt khác nước này sử dụng các chiến thuật đe dọa để đạt được mục tiêu của mình, bất chấp quyền lợi của nước khác” – ông Collin Koh khẳng định.
http://biendong.net/bi-n-nong/29469-vu-bai-tu-chinh-tq-tai-dien-yeu-sach-duong-chin-doan.html
Chuyên gia Singapore kêu gọi quốc tế
phản ứng cứng rắn với hành động của TQ ở Biển Đông
Trừ khi quốc tế đồng loạt đưa ra phản ứng cứng rắn chống lại các hành động của Trung Quốc, nếu không các sự việc như ở bãi Tư Chính sẽ lặp lại trong tương lai.
Khẳng định này được chuyên gia Swee Lean Collin Koh tới từ Học viện Chiến lược và Quốc phòng Singapore đưa ra trong bài xã luận trên trang Maritime Issues.Theo ông Koh, việc quốc tế chưa cho Trung Quốc thấy thái độ cứng rắn của mình có thể sẽ tạo ra các tiền lệ tương tự với chủ thể gây ra các hành động gây hấn là các quốc gia khác trong khu vực hoặc trên thế giới . Họ có thể sẽ “giậu đổ, bìm leo”, bình thường hóa các hành vi cưỡng ép, lặp đi lặp lại để các nước tập quen dần.
“Lịch sử chứng minh, các hành động xoa dịu chỉ khiến kẻ xâm lược hung hăng hơn khi chính họ không biết giới hạn. Bãi Tư Chính không nên trở thành Sudetenland của biển Đông”, ông Koh nhận định. Sudetenland là vùng đất của Tiệp Khắc bị Đức quốc xã chiếm đóng trước Thế chiến II, với nguyên nhân một phần do sự phó mặc của phương Tây.
Trung Quốc nhiều năm qua ngày càng hung hăng với dã tâm không hề che giấu trên biển Đông . Mới đây nhất, hành động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam của nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 Trung Quốc khiến cộng đồng quốc tế bất bình.
Bộ Ngoại giao Việt Nam trong tuyên bố đưa ra cuối tuần trước mạnh mẽ lên án hành vi này. Vài ngày sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc trước các hành động cưỡng ép, can thiệp vào các hoạt động khai thác và sản xuất dầu khí đã có từ lâu của Việt Nam.
Tuyên bố đưa ra sau Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) gần đây tại Bangkok không đề cập tới việc Bắc Kinh đang tiếp tục quân sự hóa các vùng biển tranh chấp. Chính điều này khiến nhiều người lầm tưởng câu chuyện biển Đông vẫn đang hòa bình và ổn định, do dó không cần sự can thiệp của bên ngoài.
Theo ông Koh, Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam nhưng cũng nằm trong yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc. Phán quyết tại Tòa Trọng tài quốc tế ở La Hague năm 2016 bác bỏ đường 9 đoạn này nhưng Bắc Kinh làm ngơ và không hề tuân thủ.
Với Trung Quốc, họ coi việc các bên có tranh chấp trong đường 9 đoạn tổ chức các hoạt động thăm dò địa chất như ở Bãi Tư Chính là bất hợp pháp vì cho rằng đó là vùng biển tranh chấp mà “cố đấm ăn xôi” chối bỏ thực tế rằng các quốc gia ven biển như Việt Nam đang thực thi các quyền hợp pháp trên EEZ theo đúng quy định của Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển.
Ông Koh nhận định, Trung Quốc không muốn đả động tới phán quyết cách đây 3 năm vì nó phần nào ảnh hưởng tới uy tín của giới tinh hoa nước này, những người luôn miệng khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Khi tâm tâm niệm niệm các vùng biển tranh chấp đó là của mình, Bắc Kinh phản đối các hoạt động thăm dò hợp pháp của Hà Nội trong chính EEZ của Việt Nam.
Với hành động ngang ngược của nhóm tàu khảo sát, Bắc Kinh như đang muốn gửi đi thông điệp rằng không ai được quyền khai thác tài nguyên năng lượng trong vùng biển tranh chấp, nhất là khi không có sự đồng ý của Trung Quốc trong khi Bắc Kinh làm điều đó nhan nhản ở những nơi khác.
“Họ muốn nói rằng khi Bắc Kinh không thể đặt tay vào những tài nguyên đó, những người khác cũng đừng mơ. Nó cũng tương tự như cái gọi là đảm bảo lẫn nhau về những quyền tài nguyên đó”, ông Koh phân tích.
Theo vị chuyên gia tới từ Học viện Chiến lược và Quốc phòng Singapore, sự vụ mới đây ở Bãi Tư Chính cho thấy các hành động bồi đắp phi pháp và quân sự hóa các thực thế của Trung Quốc trên biển Đông mang tới những hệ lụy nguy hiểm. Các tàu của Trung Quốc chở theo lực lượng bảo vệ bờ biển và dân quân của nước này đang duy trì hiện diện tại các vùng biển tranh chấp, lưu lại tại các tiền đồn mà Bắc Kinh xây dựng phi pháp mà không cần phải quay lại căn cứu ở đại lục.
Ông Koh cho rằng Bắc Kinh đang leo thang các hành động ngang ngược như vậy vì tự tin rằng các quốc gia Đông Nam Á sẽ dĩ hòa vi quý trước các động thái cưỡng chế của mình trong bối cảnh ASEAN và Bắc Kinh gần đây đang đạt được những bước tiến quan trọng đi đến mục tiêu thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Sau đó, Trung Quốc vẫn sẽ lặp đi lặp lại các kịch bản cũ rích như họ từng làm, biện minh các hành động trái phép chỉ là phản ứng trước các khiêu khích và đổ vấy ngược cho các bên khác có tranh chấp phá hoại thiện chí trong tiến trình hòa bình trên biển Đông.
Nhắc tới tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đưa ra cuối tuần trước, ông Koh chú ý tới lời kêu gọi của bà Hằng về việc “các bên liên quan và cộng động quốc tế cùng nỗ lực duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế”.
Theo ông Koh, điều này cho thấy Hà Nội sẵn sàng quốc tế hóa vụ việc ở Bãi Tư Chính . Động thái này có thể là một đòn đánh vào nỗi sợ phải đương đầu với sự can thiệp từ bên ngoài vào Biển Đông của Trung Quốc.
Mặc dù vậy, ông Koh cho rằng trước khi cần đến hỗ trợ từ bên ngoài, các nước ASEAN phải sẻ chia quan điểm thống nhất về vấn đề này. Giới tinh hoa chính trị ASEAN cần cảnh báo Bắc Kinh rằng bất cứ sự ép buộc nào tương tự như vụ việc ở Bãi Tư Chính đều đi ngược các quy tắc quốc tế được thiết lập, làm xói mòn các lợi ích mà ASEAN và Trung Quốc đạt được trong 2 năm qua, trong đó có COC.
“Vụ việc ở Bãi Tư Chính nên là giấy quỳ thử nghiệm cho tính trung tâm của ASEAN”, ông nói, cho rằng đây là lúc để đưa ra một chương trình nghị sự thích hợp và thực sự đánh động tới Trung Quốc.
Các cường quốc bên ngoài như Mỹ và EU vốn từ lâu có truyền thống bảo vệ trật tự dưa trên các nguyên tắc cũng có thể cân nhắc tham gia tích cực hơn vào nỗ lực áp chế dã tâm của Bắc Kinh.
“Đã tới lúc cộng đồng quốc tế, không chỉ các quốc gia thành viên ASEAN nhận ra nỗ lực hòa giải với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông sẽ không mang lại kết quả. Một mặt, Trung Quốc vẫn sẽ công khai ủng hộ ngoại giao như những gì họ làm khi đàm phán COC. Mặt khác, Bắc Kinh sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ cưỡng chế của mình để đạt được mục tiêu, gây bất lợi cho các bên khác”, ông Koh cho hay.