Tin Biển Đông – 24/07/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trung Quốc

phát triển hạm đội tàu ngầm không người lái

Quân đội Trung Quốc đang phát triển một hạm đội tàu ngầm mới hoạt động trên biển mà không cần đến sự hiện diện của con người. Các chuyên gia nói hạm đội tàu ngầm kiểu robot nhắm vào các lực lượng Hoa Kỳ trên các vùng biển chiến lược như Biển Đông và Tây Thái Bình Dương.

Tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn nguồn tin từ các nhà khoa học giấu tên tham gia vào dự án cho biết kế hoạch của Trung Quốc là xây dựng một hạm đội tàu ngầm lớn, thông minh và có chi phí thấp để đi khắp các đại dương và thực hiện một loạt nhiệm vụ, từ trinh sát đến đặt thủy lôi, tấn công tự sát các tàu địch hoạt động trên biển.

Các tàu ngầm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ hoạt động độc lập và hỗ trợ cho các hạm đội hiện có. Tàu ngầm tự hành dự kiến sẽ được triển khai vào đầu thập niên 2020.

Mặc dù không có ý định dùng tàu ngầm robot thay thế hoàn toàn tàu ngầm do con người điều hành, dự án được xem là một thách thức cho vị trí dẫn đầu mà các cường quốc hải quân phương Tây có được sau Thế Chiến Hai.

SCMP dẫn lời các nhà nghiên cứu cho biết tàu ngầm robot sẽ nhắm vào các lực lượng Hoa Kỳ trên các vùng biển chiến lược như Biển Đông và Tây Thái Bình Dương.

Theo các nhà khoa học, tàu ngầm robot sẽ không có người điều khiển, và các tàu này sẽ tự ra trận, tự xử lý nhiệm vụ được giao và trở về căn cứ riêng. Chúng có thể liên lạc với chỉ huy ở mặt đất theo định kỳ để cập nhật thông tin, nhưng hoàn toàn có khả năng hoàn thành nhiệm vụ mà không cần đến sự can thiệp của con người.

Các tàu ngầm AI được đồn đại được trang bị động cơ diesel-điện để có thể hoạt động trên biển trong vài tháng mà không phải cập bến.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng tàu ngầm sử dụng AI cũng có giới hạn, đặc biệt là trong giai đoạn đầu triển khai, và mục đích của dự án không phải là thay thế toàn bộ đội ngũ nhân sự. Theo họ, quyết định cuối cùng về việc tấn công hay không sẽ nằm trong tay các chỉ huy.

Chi phí cho hạm đội tàu ngầm được cho biết tương đối thấp so với các tàu quân sự khác, theo các nhà khoa học làm việc trong dự án.

Các nhà khoa học cho biết Trung Quốc sẽ sử dụng các tàu ngầm không người lái này cho các nhiệm vụ thu thập tình báo, đặt thủy lôi và các cuộc tấn công cảm tử kiểu ‘kamikaze’ vào các mục tiêu có giá trị cao.

Dự án này là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm tăng cường sức mạnh hải quân bằng công nghệ AI.

Trung Quốc đã xây dựng cơ sở thử nghiệm lớn nhất thế giới dành cho các tàu bay không người lái ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông. Các nhà nghiên cứu quân sự cũng đang phát triển một hệ thống hỗ trợ AI cho các chỉ huy tàu ngầm. Hệ thống này, theo tường thuật hồi đầu năm của SCMP, sẽ giúp các chỉ huy đưa ra phán đoán nhanh và chính xác hơn trong các tình huống chiến đấu căng thẳng.

Hồi đầu năm nay, Bắc Kinh thông báo kế hoạch tăng ngân sách quân sự lên gần 10%, nâng ngân sách hoạt động từ 132 tỷ USD lên 175 tỷ USD.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-phat-trien-ham-doi-tau-ngam-khong-nguoi-lai/4495085.html

 

Quan chức Mỹ đồng loạt lên tiếng về Biển Đông

Các quan chức hàng đầu về tình báo, quốc phòng và lập pháp của Mỹ cùng lên tiếng nói về vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và nhiều nước, trong đó có Trung Quốc.

Một chuyên gia về châu Á của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nói rằng việc Trung Quốc xây dựng các tiền đồn quân sự trên các đảo ở Biển Đông cũng giống như chuyện Nga chiếm bán đảo Crimea của Ukraine.

Ông Michael Collins nói rằng các hành động của Trung Quốc đã biến tuyến hải lộ chiến lược thành “Crimea của vùng viễn Đông”.

Việc Moscow cưỡng chiếm lãnh thổ của Ukraine năm 2014 đã khiến nhiều nước lên án, nhất là các quốc gia phương Tây.

Ông Collins, Phó Trợ lý Giám đốc CIA về Đông Á, nói tại Diễn đàn An ninh Aspen ở Colorado, Mỹ, hôm 20/7, rằng Bắc Kinh không muốn gây chiến, theo AP.

Tuy nhiên, ông nói rằng chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình đang âm thầm trên nhiều mặt trận để gây tổn hại tới Hoa Kỳ theo cách khác với các hoạt động của Nga mà báo chí đăng tải nhiều.

Quan chức tình báo này nói rằng Bắc Kinh dường như đang tiến hành “Chiến tranh Lạnh” với Mỹ.

Trong khi đó, tại cuộc gặp ở Lầu Năm Góc hôm 23/7 với ông Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và từng là Tổng tham mưu trưởng của Quân đội Việt Nam, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick M. Shanahan đã “tái khẳng định mối quan hệ quốc phòng lâu dài giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”.

Hai nhà lãnh đạo đã đạt đồng thuận về mối quan hệ đối tác Mỹ – Việt vững mạnh và toàn diện trong các lĩnh vực hợp tác quốc phòng, thúc đẩy an ninh khu vực và toàn cầu và phát triển kinh tế, trong đó có Biển Đông”.

Cùng ngày, theo tờ The Australian, một nhà lập pháp kỳ cựu của Hoa Kỳ kêu gọi Australia tự thực hiện các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông.

Ông Joe Courtney, đồng chủ tịch của nhóm Những người bạn của Australia ở Quốc hội Mỹ nói rằng ông hiểu là “hơi đáng sợ” cho Australia để thực hiện bước đi đó, nhưng điều sống còn là phải phát một thông điệp cho Bắc Kinh về quyết tâm của các đồng minh Mỹ trước các hành động phi pháp của Trung Quốc.

Lời kêu gọi này được đưa ra nhân chuyến thăm Mỹ của Ngoại trưởng Australia Julie Bishop, và theo tờ Financial Review của Úc, bà Bishop đã bác bỏ chuyện đơn phương thực hiện những hành động như Mỹ, vốn từng làm Trung Quốc phản ứng mạnh.

Trước đó, nhân chuyến thăm Anh, bà Bishop cũng đã thảo luận với các quan chức nước chủ nhà về kế hoạch đưa hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của Anh tới khu vực Thái Bình Dương để hỗ trợ tàu chiến Australia trong bối cảnh Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông.

Theo nhận định của giới phân tích, con số các cuộc diễn tập hải quân của các đồng minh phương Tây gia tăng ở Biển Đông trong năm nay đã kiềm chế Trung Quốc mở rộng hoạt động thêm nữa ở vùng biển tranh chấp này.

Một bài viết của VOA News cho biết rằng các tàu bè của Úc, Pháp, Nhật Bản và Mỹ đã đi qua 3,5 triệu km vuông năm 2018.

Bài viết dẫn lời các chuyên gia nói rằng các cuộc diễn tập của hải quân nước ngoài, các chuyến hải hành và các chuyến cập cảng cùng với việc một máy bay ném bom B-52 của Mỹ bay ngang qua Biển Đông đã khiến Trung Quốc không còn mở rộng các hòn đảo nhân tạo.

Trong một diễn biến khác liên quan tới Biển Đông, người dân của Philippines, một quốc gia tranh chấp chủ quyền ở vùng biển này, mới đây đã đổ về lãnh sự quán Trung Quốc ở thủ đô Manila để biểu tình.

Họ đốt quốc kỳ của Trung Quốc để phản đối các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông. Cuộc biểu tình với sự tham gia của hơn 100 nhà hoạt động cánh tả còn dẫn tới cuộc đụng độ giữa người biểu tình và chính quyền.

Tháng trước, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis khi quan chức này tới thăm quốc gia đông dân nhất thế giới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ một tấc đất, ám chỉ tới chủ quyền đối với Biển Đông cũng như Đài Loan.

Ông Mattis từng có các tuyên bố mạnh mẽ về điều Washington coi là việc Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông. Hồi tháng Năm, Lầu Năm Góc đã rút lại lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân đa quốc gia có tên “Vành đai Thái Bình Dương” (RIMPAC) ở Hawaii vì các động thái quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông.

Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng hành động của Trung Quốc ở vùng biển mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền “trái với các nguyên tắc và mục đích của RIMPAC”.

Hải quân Mỹ cho biết rằng “RIMPAC mang lại cơ hội huấn luyện độc đáo nhằm thúc đẩy và duy trì mối quan hệ hợp tác mang tính sống còn để bảo đảm an toàn của các tuyến đường biển và an ninh tại các đại dương trên thế giới”.

https://www.voatiengviet.com/a/quan-ch%E1%BB%A9c-m%E1%BB%B9-%C4%91%E1%BB%93ng-lo%E1%BA%A1t-l%C3%AAn-ti%E1%BA%BFng-v%E1%BB%81-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng/4497610.html

 

Tàu tuần tra Nhật Bản cập cảng Tiên Sa

Tàu bảo vệ bờ biển Nhật Bản KOJIMA vào sáng ngày 24 tháng 7 cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng thăm chính thức Việt Nam cho đến ngày 28/7/2018.

Đây là tàu huấn luyện của Học viện Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, đến Việt Nam lần này với thuyền trưởng cùng 80 thủy thủ.

Đại diện Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, UBND TP Đà Nẵng, Bộ tư lệnh Quân khu 5, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các cơ quan chức năng có liên quan đón tàu tại cầu cảng Tiên Sa.

Chuyến thăm của tàu KOJIMA khẳng định mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản, đồng thời là cơ hội tốt để hai bên học hỏi kinh nghiệm trong thực thi pháp luật trên biển.

Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản là thành viên của Hiệp định Hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền Châu Á (ReCAAP).

Đúng hai năm trước, ngày 25/7/2016, tàu huấn luyện KOJIMA cũng đã cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị cho đến ngày 29/7/2016. Lúc đó trên tàu có 45 thuỷ thủ và 49 thực tập sinh do ông Hiroyhuki Nauara, thuyền trưởng tàu KOJIMA làm trưởng đoàn.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/japan-coast-guard-vessel-visits-danang-port-07242018103312.html

 

Duterte lần đầu tiên thề “bảo vệ các lợi ích”

của Philippines ở Biển Đông

Bài diễn văn đọc trước quốc dân của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã bị hoãn lại vì cuộc đấu đá để giành quyền lãnh đạo tại Hạ Viện, giữa lúc đang có dấu hiệu cho thấy cựu Tổng thống Gloria Arroyo đang quay lại chính trường.

Bản tin của tờ South China Morning Post tường thuật rằng trong bài diễn văn kéo dài 1 giờ đồng hồ, ông Duterte tuyên bố: “Quan hệ được cải thiện với Trung Quốc không có nghĩa là chúng ta bị lung lay, không bảo vệ các lợi ích của chúng ta ở biển Tây Philippines”, tức Biển Đông theo cách gọi của người Philippines.

Ông Duterte không đi sâu vào chi tiết, tuy nhiên ông khẳng định Trung Quốc và Philippines đang xử lý vấn đề này thông qua ngoại giao.

Ông nói cả hai nước đang chia sẻ những tin tình báo liên quan tới các loại ma túy bi nghiêm cấm, và nhờ các tin tức này mà giới hữu trách đã phát hiện một số các phòng thí nghiệm sản xuất ma túy đá, do cái gọi là “băng đảng Wu” điều hành.

Ông Duterte đề cập tới cuộc tranh chấp hàng hải, vài ngày sau khi công ty thăm dò công luận Pulse Asia công bố kết quả một cuộc khảo sát cho thấy 73% người Philippines muốn chính quyền dtt phải ủng hộ phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế tại La Haye, trao phần thắng cho Philippines trong vụ kiện Trung Quốc ra trước tòa về vụ tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông.

Theo cuộc thăm dò này thì đa số người dân Philippines (74%) tin tưởng Hoa Kỳ, 45% tin tưởng ở Nhật Bản, 32% tin tưởng ở Úc, và chỉ có 17% tin tưởng vào Trung Quốc.

Các nhà ngoại giao của các nước vừa nêu có mặt tại quốc hội để nghe bài diễn văn của ông Duterte. Nhưng bài diễn văn không đề cập gì tới Hoa Kỳ, Nhật Bản hoặc Úc, mặc dù ông có nhắc tới ASEAN.

Trong bài diễn văn trước quốc dân hồi năm ngoái, ông Duterte nặng lời đả kích nước Mỹ khi ông miêu tả cách mà người Mỹ giết người Philippines trong cuộc chiến tranh Mỹ-Phi vào lúc đầu thế kỷ 20.

Trong khi đó, bà Arroyo đã dành được chức Chủ tịch Quốc hội từ tay của ông Avarez, với sự hậu thuẫn của con gái của ông Duterte, là Thị trường thành phố Davao Sara Duterte.

Bà Arroyo đã được tuyên thệ nhậm chức, mặc dù buổi lễ bị cắt ngắn vì hệ thống âm thanh bị tắt.

Ông Duterte tới Hạ viện đúng giờ để đọc bài diễn văn về tình hình đất nước, tuy nhiên ông phải giải quyết vụ bế tắc giữa ông Avarez và bà Arroyo, hai đồng minh chính trị thân cận nhất của ông.

3 giờ đồng hồ sau, Hạ Viện chính thức bầu bà Arroyo vào vai trò Chủ tịch.

Nhà bình luận chính trị Earl Parreno nói bà Arroyo có kinh nghiệm và ảnh hưởng để dìu dắt Hạ viện trong tiến trình chuyển đổi sang một hệ thống liên bang của ông Duterte, và có thể nhắm chức Tổng thống, một khi ông Duterte kết thúc nhiệm kỳ của ông.

https://www.voatiengviet.com/a/duterte-the-bao-ve-cac-loi-ich-cua-philippines-o-bien-dong/4494998.html

 

Tướng Đỗ Bá Tỵ đến Lầu Năm Góc,

bàn về Biển Đông

Phó chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Đai tướng Đỗ Bá Tỵ, đã đến Lầu Năm Góc, trong khuôn khổ chuyến công du đến Mỹ và đã có cuộc hội đàm về các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có Biển Đông với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Patrick M. Shanahan hôm thứ Hai ngày 23/7.

Cuộc gặp này là ‘để tái khẳng định mối quan hệ quốc phòng lâu dài giữa Mỹ và Việt Nam’, theo thông cáo của ông Charles E. Summers Jr., phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách quan hệ với công chúng.

Hai bên đã thảo luận môi trường an ninh khu vực và nhấn mạnh những tiến bộ lịch sử trong mối quan hệ đối tác Mỹ-Việt và nhấn mạnh những ‘bước tiến lịch sử’ trong mối quan hệ đối tác Mỹ-Việt.

Cũng theo thông cáo này thì hai nước đồng ý tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh trên biển, gìn giữ hòa bình, quân y và an ninh mạng.

“Hai vị lãnh đạo đồng ý rằng mối quan hệ đối tác Mỹ-Việt mạnh mẽ và toàn diện, nhất là trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế và an ninh khu vực cũng như an ninh toàn cầu, trong đó có khu vực Biển Đông,” thông cáo viết.

Theo Lầu Năm Góc, mối quan hệ đối tác Mỹ-Việt dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và lợi ích chung, nhất là trong vấn đề tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế và thừa nhận chủ quyền quốc gia.

Đai tướng Đỗ Bá Tỵ, người từng là Tổng tham mưu trưởng của Quân đội Việt Nam trước khi chuyển sang làm công tác Quốc hội, đang dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam công du Hoa Kỳ đến ngày 27/7.

Theo thông báo của trang mạng Chính phủ Việt Nam thì tại Mỹ, ông Tỵ sẽ có cuộc hội kiến với lãnh đạo Thương viện, Hạ viện, trao đổi với các học giả và một số doanh nghiệp Mỹ.

Mục đích của chuyến thăm này là ‘làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ’, cũng theo cổng thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam.

Trước Hoa Kỳ, phái đoàn của ông Tỵ cũng đã có chuyến thăm Argentina từ ngày 17/7.

Khi còn là Tổng tham mưu trưởng Quân đội, ông Đỗ Bá Tỵ đã có chuyến công du Hoa Kỳ đầu tiên vào tháng 6 năm 2013. Trong chuyến thăm này, ông cũng đến Lầu Năm Góc và bàn thảo về chiến lược xoay trục về phía châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Barack Obama.

https://www.voatiengviet.com/a/t%C6%B0%E1%BB%9Bng-%C4%91%E1%BB%97-b%C3%A1-t%E1%BB%B5-%C4%91%E1%BA%BFn-l%E1%BA%A7u-n%C4%83m-g%C3%B3c-b%C3%A0n-v%E1%BB%81-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng/4495454.html