Tin Biển Đông – 24/06/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 24/06/2020

Chiến hạm Mỹ và Nhật tập trận chung tại Biển Đông

Tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords của Hải quân Hoa Kỳ cùng hai tàu huấn luyện JS Kashima và JS Shimayuki của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vào ngày 23 tháng 6 đã tiến hành cuộc huấn luyện chung tại Biển Đông.

Mạng báo Stars & Stripes loan tin ngày 24 tháng 6 dẫn thông cáo của Hải Quân Hoa Kỳ như vừa nêu. Theo đó, cuộc huấn luyện chung nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao đổi thông tin và phối hợp khi hoạt động cùng nhau.

Chuẩn đô đốc Fred Kacher, chỉ huy Nhóm Tấn Công Viễn Chinh Số 7, được dẫn lời trong thông cáo rằng cơ hội hoạt động trên biển cùng với các nước thân hữu và đồng minh là hết sức quan trọng cho khả năng sẵn sàng chiến đấu và quan hệ đối tác của chúng tôi.

Biển Đông lâu nay bị Bắc Kinh cho là thuộc Trung Quốc; tuy nhiên Hoa Kỳ và nhiều nước khác cho đó là vùng biển quốc tế. Sáu nước cùng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại khu vực Biển Đông gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Đài Loan và Trung Quốc.

Stars & Strips dẫn nhận định của Nhóm Sáng kiến Minh Bạch Hàng Hải ở  Washington DC rằng từ năm 2013, Trung Quốc đã tiến hành quân sự hóa 27 thực thể trong khu vực thuộc hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông. Mục tiêu được nói nhằm bành trướng sự hiện diện và uy quyền của họ tại vùng biển tranh chấp đó.

Bắc Kinh đòi hỏi tàu quân sự của các nước khác phải xin phép Trung Quốc khi đi qua vùng 12 hải lý của các đảo ở Biển Đông; tuy nhiên Hoa Kỳ cho thực hiện những chuyến tuần tra trong khuôn khổ chiến dịch tự do hàng hải (FONOPS) để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trong những năm gần đây Nhật Bản cũng tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông. Sách Trắng của Nhật Bản công bố hồi tháng 9 năm ngoái nêu rõ năm nay Tokyo cần chủ động tăng cường an ninh cho Xứ Phù Tang qua việc gia tăng sự hiện diện tại vùng Biển Đông có tranh chấp.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/uss-gabrielle-giffords-drills-with-two-japanese-ships-in-the-scs-06242020073615.html

 

Trung Quốc tính lập vùng nhận dạng phòng không

ở biển Philippines, Mỹ tổ chức tập trận

Quý Khải

Hai nhóm tàu sân bay của Mỹ đã kết thúc các cuộc tập trận chung ở Biển Philippines hôm thứ Ba (23/6). Giới quan sát cho rằng đây là một màn trình diễn thực lực trong bối cảnh Trung Quốc dự định thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, bao gồm vùng Biển Tây Philippines.

Hôm Chủ nhật vừa rồi (21/6), hai tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz “bắt đầu triển khai hoạt động ở các vùng biển quốc tế, thể hiện khả năng đặc biệt của Mỹ trong việc vận hành tác chiến nhiều tàu sân bay trong cự ly gần”, tờ Rappler dẫn tuyên bố của chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.

Một nhóm tàu sân bay tác chiến thứ ba, tàu USS Ronald Reagan, đang được điều động ở Biển Philippines cùng lúc, Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ cho biết trên trang Facebook của mình.

Biển Philippines là một khu vực rộng lớn bao phủ khu vực bờ biển phía đông của Philippines, Đài Loan và Nhật Bản, kéo đến tận quần đảo Mariana gồm đảo Guam và Palau thuộc quần đảo Caroline.

Mỹ đã triển khai các cuộc tuần tra thường xuyên hơn ở Tây Thái Bình Dương khi các hành động gây hấn của Trung Quốc gia tăng gần đây, ngay cả trong đại dịch.

Ở Biển Đông, các tàu hải quân và dân quân Trung Quốc đã tiếp tục quấy rối tàu bè từ các nước có tuyên bố chủ quyền khác, bao gồm Việt Nam, Malaysia và Philippines.

Lấy ví dụ, hồi đầu tháng 4, một tàu Hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm tàu đánh cá Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên sau đó, Trung Quốc lại tuyên bố tàu Việt Nam cố tình đâm vào tàu Trung Quốc rồi bị chìm.

Tương tự, hồi tháng 2, một tàu chiến Trung Quốc đã hướng nòng súng vào một tàu hải quân Philippines, khiến Manila phải nộp công hàm phản đối cho đại sứ quán Trung Quốc.

Vào ngày 31/5, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng báo cáo Bắc Kinh có kế hoạch thiết lập một vùng nhân dạng phòng không ADIZ trên Biển Đông bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ cho phép một nước yêu cầu máy bay từ các quốc gia khác phải tự xác định danh tính trước khi tiến vào không phận tự nhận dạng của nước này, và có thể can thiệp vũ trang nếu yêu cầu không được chấp thuận. Chính vì vậy, động thái này là bước tiến của Trung Quốc nhằm kiểm soát chặt chẽ khu vực.

Thông qua việc xây dựng các đảo nhân tạo quân sự hóa trên những rạn san hô chìm ở Biển Tây Philippines, trong những năm gần đây Trung Quốc đã hạn chế việc qua lại của máy bay và tàu thuyền Philippines. Các máy bay và tàu hải quân Philippines đã thường xuyên bị Trung Quốc cảnh báo và đe dọa khi tiến đến gần các tiền đồn quân sự này.

Trung Quốc cũng thiết lập các trạm radar trên một số rạn san hô Zamora (Subi), Panganiban (Mischief) và Kagitingan (Fiery Cross) giám sát không lưu và điều hướng trên biển. Bệ phóng tên lửa được trang bị trên các công trình này có khả năng tấn công các máy bay và tàu mà Trung Quốc cho là kẻ xâm nhập.

Trung Quốc hiện cũng có một vùng ADIZ khác trên Biển Hoa Đông, bao gồm một khu vực tranh chấp với Nhật Bản.

Hồi đầu tháng, Mỹ kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực tại Hague, theo đó vô hiệu hóa các yêu sách chủ quyền “quá mức” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Việt Nam, Malaysia và Indonesia trước đó cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự với Trung Quốc.

Trong cùng thời điểm, hồi đầu tháng 2, Tổng thống Philippines Duterte đã hủy bỏ Hiệp ước Thăm viếng Quân sự với Mỹ (VFA), một thỏa thuận được ký năm 1998, trong đó cho phép Hoa Kỳ đưa quân đội tới Philippines để tập trận chung hoặc giúp đỡ chống khủng bố. Động thái này nối tiếp quan điểm ngả về Trung Quốc và chia tay Mỹ của ông Duterte từ khi lên nắm quyền cách đây 4 năm trước.

Tuy nhiên, cách đây không lâu, Philippines đã ra quyết định tạm đình chỉ quyết định này do “các diễn biến chính trị và các vấn đề khác trong khu vực”, mà nhiều khả năng là do căng thẳng Philippines-Trung Quốc xoay quanh vấn đề Biển Đông.

Hoa Kỳ đã hoan nghênh động thái này, và coi nó như một sự thừa nhận vai trò quan trọng của Mỹ trong hồ sơ quốc phòng và an ninh của Philippines.

Việc Hải quân Hoa Kỳ tuần tra ở Tây Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông, đã góp phần thực thi hiệu quả phán quyết của Tòa án Hague bằng cách khẳng định quyền đi lại tự do của các tàu quốc tế và phủ nhận tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, cựu phó thẩm phán Tòa án Tối cao, Philippines ông Antonio Carpio nói.

Các cuộc tuần tra tự do hàng hải như vậy là cách Mỹ duy trì sự hiện diện trong khu vực để áp chế một Trung Quốc ngày càng hung hăng và muốn gia tăng quyền kiểm soát.

https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-tinh-lap-vung-nhan-dang-phong-khong-o-bien-philippines-my-to-chuc-tap-tran.html

 

Trung Quốc trình báo cáo,

cáo buộc Mỹ xâm phạm lãnh hải ở Biển Đông

Quý Khải

Trung Quốc hôm thứ ba (23/6) đã công bố một báo cáo về tình hình hiện diện quân sự gia tăng của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực.

Được công bố bởi Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc, báo cáo nêu chi tiết chính sách an ninh của Mỹ, sự hiện diện và triển khai quân sự, cùng các hoạt động quân sự gần đây và quan hệ an ninh trong khu vực, theo tờ Global Times.

Báo cáo cáo buộc Mỹ nhiều lần xâm phạm lãnh hải Trung Quốc ở Biển Đông trong năm nay, đồng thời cảnh báo khả năng nổ ra một cuộc xung đột vũ trang ngày càng lớn.

Cụ thể, báo cáo cáo buộc các tàu chiến Mỹ gần đây đã nhiều lần xâm phạm lãnh hải Trung Quốc quanh các đảo Tây Sa và Nam Sa, đồng thời tiến hành các hoạt động ở Biển Đông và eo biển Đài Loan.

Tây Sa Và Nam Sa là danh xưng Trung Quốc đặt cho hai đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, khu vực tranh chấp chủ quyền giữa hai nước.

Trên thực tế, các hoạt động của tàu chiến Mỹ là là một phần trong các cuộc tuần tra tự do hàng hải thường xuyên của Hoa Kỳ ở Biển Đông, tại các khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.

Trong một động thái hiếm hoi chưa từng có trong suốt nhiều năm, gần đây Mỹ đã triển khai ba tàu sân bay đến cửa ngưỡng Biển Đông tập trận, đi kèm bởi tàu tuần dương, tàu khu trục và máy bay chiến đấu.

So sánh tương quan, trong 8 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Obama, hải quân Mỹ chỉ tiến hành bốn lần tuần tra tự do hàng hải, trong khi con số này là 22 lần dưới thời tổng thống Trump, AFP dẫn lời Wu Shicun, chủ tịch Viện nghiên cứu Biển Đông trong buổi công bố báo cáo.

Báo cáo nhận định rằng kể từ khi chính quyền Trump nhậm chức hồi đầu năm 2017, nó đã tiến hành một “cuộc cạnh tranh quyền lực lớn”, gợi tưởng đến thời Chiến tranh Lạnh, và cho đến cuối năm 2018, chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ đã thành hình.

Theo báo cáo, Mỹ có 375.000 quân nhân thuộc Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương, bao gồm 60% tàu Hải quân, 55% lực lượng quân đội và 2/3 Thủy quân lục chiến hoạt động trong khu vực này. Ngoài ra, Mỹ cũng triển khai 85.000 binh sĩ tiền tuyến và một lượng lớn vũ khí công nghệ cao tối tân đến khu vực.

Tờ Republic World nhận định, việc giới lãnh đạo Lầu Năm Góc thuyên chuyển lượng lớn tài lực vật lực quân sự đến khu vực là để đối kháng lại sức ảnh hưởng kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh.

“Quy mô triển khai quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là chưa từng thấy”, ông Wu Shicun nói trong buổi ra mắt báo cáo.

“Tôi nghĩ rằng cơ hội duy nhất để mối quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ trở lại bình thường là để (cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ) Joe Biden được bầu,” ông Zhu Feng, giáo sư chuyên về mối quan hệ Trung-Mỹ nói tại buổi ra mắt báo cáo.

“Cánh hữu của phe Cộng hòa mà Trump đại diện, tôi rất không đồng ý với quan điểm của họ về Trung Quốc”, ông Zhu nói thêm, phần nào phản ánh quan điểm của Trung Quốc đối với các ứng viên cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.

Ông Trump cũng từng bày tỏ quan điểm rằng Trung Quốc ‘khao khát’ ông Biden trúng cử tổng thống Mỹ, để Bắc Kinh có thể “tiếp tục cướp bóc nước Mỹ” như họ đã từng làm. Dưới thời Obama, ông Joe Biden khi giữ chức phó tổng thống Mỹ đã ngăn chặn Hải quân Hoa Kỳ tuần tra thách thức các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông. Gia đình ông Biden cũng bị cáo buộc có mối quan hệ lợi ích mờ ám với Bắc Kinh.

Mối quan hệ Mỹ-Trung đã trở nên căng thẳng hơn trong thời gian gần đây xoay quanh nhiều vấn đề như Covid-19, luật an ninh Hồng Kông,… Hồi cuối tháng 5, Tổng thống Trump đã ra những quyết sách chưa từng có để trừng phạt Bắc Kinh.

https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-trinh-bao-cao-cao-buoc-my-xam-pham-lanh-hai-trung-quoc-o-bien-dong.html

 

Biển Đông: Mỹ báo động nguy cơ

Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không

Tú Anh

Tư lệnh không quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương tố cáo Trung Quốc đe dọa tự do hàng không, hàng hải với kế hoạch lập vùng nhận dạng phòng không trên vùng Biển Đông nhân lúc quốc tế bận tâm chống dịch Covid-19.

Theo ABS-CBN News, tham gia một cuộc hội thảo qua video tổ chức tại Manila ngày thứ tư 24/06/2020, tướng Charles Brown Jr, Tư lệnh không quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, báo nguy: cả một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương và lưu thông trên biển, trên không sẽ bị tác hại nghiêm trọng, nếu Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông. Sự việc này ảnh hưởng đến trật tự quốc tế, xâm phạm quyền tự do lưu thông hàng không, hàng hải trên cơ sở luật pháp.

Không lên án chính quyền Trung Quốc là một chế độ xem thường luật pháp quốc tế, tướng Charles Brown Jr cho biết Hoa Kỳ theo dõi chặt chẽ các hành động của Bắc Kinh.

Tư lệnh không quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương tố cáo Bắc Kinh lợi dụng tình trạng quốc tế bận tâm chống dịch Covid-19 để gia tăng sức ép, buộc các nước nhỏ ở Đông Nam Á tuân thủ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Trước đó, một phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh đang “điều nghiên một cách nghiêm túc và thận trọng khả năng thành lập vùng nhận dạng phòng không tại biển Hoa Nam (Biển Đông) để chống lại các mối đe dọa an ninh trên không phận vùng biển của Trung Quốc”.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200624-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-qu%C3%A2n-%C4%91%E1%BB%99i-m%E1%BB%B9-b%C3%A1o-%C4%91%E1%BB%99ng-nguy-c%C6%A1-trung-qu%E1%BB%91c-l%E1%BA%ADp-v%C3%B9ng-nh%C3%A2n-d%E1%BA%A1ng-ph%C3%B2ng-kh%C3%B4ng