Tin Biển Đông – 24/06/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Dân quân biển của Hải Nam

là lực lượng chuyên nghiệp nhất

Lực lượng dân quân biển Hải Nam là lực lượng chuyên nghiệp nhất của Trung Quốc, được nhận trợ cấp rộng rãi nhằm hưởng ứng thực hiện các hoạt động tại vùng Quần đảo Trường Sa.

Mạng báo Philippines Star của Philippines vào ngày 24 tháng 6 dẫn Báo cáo thường niên mới nhất của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trình Quốc Hội Mỹ như vừa nêu.

Báo cáo nêu rõ chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vào cuối năm 2016 có chỉ thị đóng 84 tàu cá dân quân cỡ lớn với mạn tàu được gia cố chịu lực và có trang bị vũ khí. Lực lượng dân quân vũ trang Hải Nam được tuyển dụng từ các cựu chiến binh và được trả lương độc lập ngoài việc đánh cá. Đây được cho là phù hợp với chính sách Phát triển Quân đội và An ninh 2019 của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Theo báo cáo, Lực lượng dân quân vũ trang Hải Nam đóng vai trò quan trọng trong một số chiến dịch quân sự và cưỡng chế trên biển từ phía Trung Quốc trong những năm qua, bao gồm vụ cản trở tàu USNS Impeccable của Mỹ tại Biển Đông vào năm 2009, vụ căng thẳng ở bãi Scarborough giữa Philippines và Trung Quốc năm 2012, vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014, và vụ đột kích ở vùng nước gần quần đảo Senkaku năm 2016.

Ông Gregory Poling, giám đốc nhóm chuyên gia cố vấn của chương trình Sáng kiến Minh Bạch Hàng hải Châu Á thuộc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington DC có nhận định vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá và bỏ mặc 22 ngư dân Philippines gần bãi Cỏ Rong hôm 9/6 vừa qua là kết quả của việc Bắc Kinh biến hàng trăm tàu cá Trung Quốc trở thành lực lượng dân quân.

Lực Lượng Dân Quân Vũ Trang Biển trực thuộc Lực Lượng Dân Quân Nhân Dân Trung Quốc, là lực lượng vũ trang dự bị. Tuy nhiên, lực lượng này tham gia đóng vai trò chính trong các hoạt động cưỡng chế trên biển nhằm đạt được các mục tiêu chính trị của Trung Quốc mà không cần chiến đấu.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/southchinaseadispute/us-hainans-maritime-militia-chinas-most-professional-06242019090408.html

 

Cố vấn an ninh quốc gia: Mỹ sẽ khai thác

dầu khí ở Biển Đông bất chấp Trung Quốc

Cố vấn An ninh Mỹ John Bolton mới đây lên tiếng cảnh báo Trung Quốc đã lợi dụng trật tự thế giới quá lâu trong khi Hoa Kỳ đã thất bại trong việc đối phó với Trung Quốc. Ông đồng thời cũng nói đến khả năng Mỹ sẽ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông dù có Trung Quốc hay không. Ông John Bolton không nói cụ thể Mỹ sẽ hợp tác khai thác với nước nào trong số các quốc gia đòi chủ quyền ở Biển Đông bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan.

Ông John Bolton nói điều này trong cuộc phỏng vấn của chương trình Hugh Hewitt nổi tiếng của Mỹ hôm 11/10 vừa qua.

Ông John Bolton nói ông cho rằng sẽ có thêm những khai thác tài nguyên thiên nhiên ở vùng Biển Đông dù có hợp tác với Trung Quốc hay không. “Họ cần phải biết rằng họ không thể đạt được sự đã rồi tại khu vực này. Đây không phải là một tỉnh của Trung Quốc và sẽ không bao giờ là một tỉnh của Trung Quốc”, Cố vấn An ninh John Bolton nói.

Phát biểu của giới chức cao cấp chính phủ Mỹ được đưa ra sau khi có tin cho biết Hoa Kỳ có kế hoạch có những phô diễn sức mạnh ở Biển Đông vào tháng 11 tới, trùng hợp với chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Philippines.

Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ có kế hoạch thực hiện một loạt các hoạt động ở Biển Đông trong thời gian một tuần để cảnh cáo Trung Quốc và cho thấy sự quyết tâm của Mỹ trong việc đối phó với những hoạt động quân sự hoá của Trung Quốc tại vùng nước tranh chấp.

Cố vấn An ninh John Bolton cũng nói đến chương trình tự do hàng hải mà Mỹ đã tiến hành ở Biển Đông trong những năm qua để thách thức các đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc ở khu vực này. Ông nói Hoa Kỳ và các nước đồng minh sẽ còn tiếp tục cho tàu đi qua khu vực này nhiều hơn trong thời gian tới.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/us-senior-national-security-advisor-more-oil-exploration-in-scs-despite-china-10132018204319.html

 

Canada tiếp tục điều tàu chiến

di qua eo biển Đài Loan, thách thức yêu sách

“chủ quyền” phi pháp của TQ trên Biển Đông

Hải quân Hoàng gia Canada (18/6) đã điều tàu khu trục Regina (FFH 334) tuần tra qua vùng eo biển Đài Loan trước khi đi vào vùng biển Hoa Đông.

Cơ quan Phòng vệ Đài Loan cho biết tàu hộ vệ Regina của hải quân Canada gần đây đi qua eo biển Đài Loan trong khuôn khổ chiến dịch tuần tra tự do hàng hải. Lực lượng phòng vệ Đài Loan đã được thông báo trước về kế hoạch tuàn tra của chiến hạm Canada.

Theo đó, tàu chiến của Canada tiến hành tuần tra tự do hàng hải ở khu vực eo biển Đài Loan trước khi tiến ra Biển Hoa Đông để tham gia sứ mệnh giám sát các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên. Theo giới quan sát, việc tàu chiến Canada đi qua eo biển Đài Loan là dấu hiệu cho thấy các đồng minh của Mỹ đang tăng cường thực hiện quyền tự do hàng hải tại những vùng biển quốc tế gần Trung Quốc nhằm thách thức yêu sách “chủ quyền” phi pháp của Bắc Kinh đối với 80% Biển Đông.

Trước đó, hải quân hoàng gia Canada (6/2) đã điều tàu hộ tống HMCS Ottawa, tàu hộ tồng HMCS Regina và tàu tiếp tế MV Asterix tham gia các hoạt động tại châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Ba tàu sẽ đến Trân Châu cảng ở Hawaii, sau đó tàu Ottawa tham dự cuộc tập trận chống ngầm với hải quân Mỹ rồi quay về Esquimalt sau khoảng một tháng. Tàu Regina và Asterix sẽ tiếp tục chuyến triển khai kéo dài 7 tháng và tham gia nhiều hoạt động huấn luyện, tập trận, thăm cảng các đối tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông. Chuẩn đô đốc Bob Auchterlonie, Tư lệnh hải quân Canada tại Thái Bình Dương cho biết, trong đợt triển khai lần này, tàu Regina sẽ đi qua một số vùng biển đang có tranh chấp bao gồm Biển Đông. Việc Canada điều tàu Regina tuần tra ở Biển Đông chứng tỏ sự quan tâm của Canada tại châu Á-Thái Bình Dương và nước này sẵn sàng ủng hộ các đồng minh, đối tác tại đây. “Canada hoạt động theo luật quốc tế tại những vùng biển tranh chấp như cách mà chúng tôi vẫn thường làm. Chúng tôi vẫn sẽ thực hiện những hoạt động quân sự thường lệ tại các vùng biển quốc tế”, chuẩn đô đốc Auchterlonie khẳng định.

Được biết, trong những năm gần đây, Canada đã có sự điều chỉnh chính sách liên quan vấn đề Biển Đông. Trước đây, để không làm ảnh hưởng quan hệ song phương với Trung Quốc, Canada thường hạn chế can thiệp và đưa ra những tuyên bố cụ thể về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, kể từ khi Trung Quốc gia tăng các hoạt động cải tạo đảo nhân tạo (phi pháp) và tiến hành quân sự hóa trên các thực thể này, Canada đã tích cực can dự và thể hiện quyết tâm bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Theo giới chuyên gia, Canada có thái độ cứng rắn trước những hành vi phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông là do: Khu vực Biển Đông có vai trò đặc biệt quan trọng liên quan vấn đề tự do hàng hải trong khu vực cũng như trên thế giới. Nếu tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông không được giải quyết và khi xảy ra xung đột quân sự trong khu vực nó sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của nhiều nước. Canada cũng là một quốc gia buôn bán với các quốc gia châu Á Thái Bình Dương và cũng là một thành viên của TPP (Hiệp Định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương). Vì vậy, vấn đề Biển Đông có liên quan trực tiếp đến lợi ích và an ninh quốc gia của Canada. Không những vậy, Trung Quốc tiến hành các hoạt động đơn phương ở Biển Đông là vi phạm các quy định luật pháp quốc tế, Canada có trách nhiệm thông qua các hành động của mình để cảnh báo các nước trên thế giới thấy rõ âm mưu của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, Canada là một quốc gia tôn trọng tự do dân chủ và luật pháp quốc tế nên Canada không thể là ngơ trước thực các quốc gia nhỏ như Indonesia, Philippines, Việt Nam có tranh chấp với Trung Quốc và bị Trung Quốc lấn lướt. Vì vậy, Canada phải có tiếng nói cùng với các đồng minh ngoại giao của mình ở khu vực Đông Nam Á.

Thời gian gần đây, Mỹ và các nước đồng minh liên tục điều tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan nhằm thách thức yêu sách “chủ quyền” phi pháp của Trung Quốc, cụ thể: (1) Hải quân Mỹ (24/1) đã điều 2 tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan. Đây là lần đầu tiên hải quân Mỹ thực hiện một chuyến tuần tra qua eo biển Đài Loan trong năm nay. Theo Reuters, hành động này cho thấy chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hỗ trợ Đài Loan trong bối cảnh quan hệ giữa hòn đảo tự trị này với Trung Quốc đang gia tăng căng thẳng. (2) Hải quân Mỹ (28/4) tiếp tục điều 2 tàu khu trục đi qua eo biển Đài Loan nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Người phát ngôn Hạm đội 7 của quân đội Mỹ Clay Doss cho biết, Mỹ đã điều 2 tàu khu trục William P. Lawrence và Stethem đi qua eo biển Đài Loan nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đồng thời xác nhận không có tương tác không an toàn hoặc không chuyên nghiệp đối với các tàu của quốc gia khác trong quá trình di chuyển. Đây là lần thứ 2 Mỹ điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan trong năm 2019. (3) Hải quân Pháp (6/4) đã điều tàu Vendemiaire thực hiện hành trình đi qua eo biển Đài Loan.

Trước việc Mỹ và đồng minh tăng cường hiện diện tàu chiến ở eo biển Đài Loan, Trung Quốc đều thể hiện thái độ khó chịu và đưa ra những tuyên bố “răn đe” các nước, cho rằng Mỹ và đồng minh đang tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Trung Quốc đã nhiều lần điều máy bay và tàu chiến diễn tập quanh hòn đảo và tìm cách cô lập Đài Loan, khiến hòn đảo này chỉ còn vài đồng minh ngoại giao. Ngay từ những ngày đầu năm 2019, Trung Quốc đã thể hiện quyết tâm “thống nhất” với Đài Loan bằng bất cứ giá nào.

http://biendong.net/bien-dong/28880-canada-tiep-tuc-dieu-tau-chien-di-quan-eo-bien-dai-loan-thach-thuc-yeu-sach-chu-quyen-phi-phap-cua-tq-tren-bien-dong.html

 

Thủ tướng Việt Nam lên tiếng

về tình hình ngư dân trên Biển Đông

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu các nước trong khu vực Đông Nam Á lưu ý về những “diễn biến” quân sự hóa trên Biển Đông và mối đe dọa đối với các ngư dân khi đánh bắt trên vùng biển có tranh chấp này.

Phát biểu tại một phiên họp của Hội nghị Cấp cao ASEAN 34 tại Bangkok, Thái Lan, sáng ngày 23/6, người đứng đầu chính phủ Việt Nam cho rằng ASEAN – tức Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – “cần nhìn nhận thẳng thắn” cũng như “không bỏ qua những diễn biến trên thực địa như cải tạo đất trái phép, quân sự hóa, cản trở khai thác hợp pháp tài nguyên trên biển.”

Thủ tướng Việt Nam nói rằng “những diễn biến trên thực địa” đó “thậm chí đe dọa đến an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân,” theo bản tin đăng tải trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Ông Phúc không chỉ ra cụ thể những “diễn biến trên” do phía nào gây ra nhưng trong thời gian gần đây, cả ngư dân Việt Nam và Philippines đều bị các tàu Trung Quốc đâm chìm và gây nguy hiểm đến tính mạng và thiệt hại về vật chất.

Việt Nam hôm 20/6 cáo buộc tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam và yêu cầu Bắc Kinh xử lý tàu của họ cũng như bồi thường cho các ngư dân Việt bị ảnh hưởng.

Đầu tháng này, truyền thông trong nước cho biết một tàu đánh bắt mực của ngư dân Quảng Nam bị tàu Trung Quốc chặn và cướp đi 2 tấn mục khô ở khu vực đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 19/6 đã “giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc phản đối hành động nêu trên,” theo người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói hôm 20/6.

Hồi tháng 3, một tàu cá và 5 ngư dân ở tỉnh Quảng Ngãi đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Chính phủ Philippines trong tháng này cũng cáo buộc tàu Trung Quốc đâm tàu cá của họ khi xác nhận vụ việc này xảy ra gần bãi Cỏ Rong trên Biển Đông vào tối ngày 9/6. Theo truyền thông Philippines và Việt Nam, 22 ngư dân trên tàu cá bị đâm chìm đã được một tàu Việt Nam cứu vớt.

Bản tin của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 23/6 đã cảm ơn thủy thủ đoàn Việt Nam vì cứu sống ngư dân của đất nước gặp nạn trên biển trong cuộc gặp với thủ tướng Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Bangkok.

Trung Quốc đã áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trên Biển Đông trong suốt 20 năm qua, bất chấp phản đối từ các nước láng giềng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn trong khu vực.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 4/5 chính thức lên tiếng phản đối và bác bỏ lệnh cấm này.

Tin cho hay, Trung Quốc trong những năm gần đây đã đẩy mạnh các hoạt động xây dựng và quân sự hóa trên vùng Biển Đông có sự tranh chấp giữa các quốc gia trong khu vực, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.

Bộ Quốc phòng Mỹ năm ngoái cho biết, quân đội Trung Quốc đã đẩy nhanh việc quân sự hóa các đảo tranh chấp trên Biển Đông với việc triển khai các hệ thống tên lửa tân tiến trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.

Bắc Kinh cũng được cho là đã gây sức ép với Hà Nội khiến dự án khai thác dầu khí tại mỏ Cá Rồng Đỏ giữa Việt Nam và tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha, trong khu vực mà Việt Nam cho là trong vùng đặc quyền kinh tế của mình trên Biển Đông, phải “tạm dừng” vô thời hạn.

Thủ tướng Phúc hôm 23/6 kêu gọi ASEAN “cần vừa khuyến khích đối thoại và hợp tác, vừa thẳng thắn, có trách nhiệm với những diễn biến có thể tác động tiêu cực đến môi trường hòa bình, an ninh và ổ định.”

Các quốc gia ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán về Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) trong đó, theo Reuters, Hà Nội muốn đặt ngoài vòng pháp luật nhiều hành động mà Bắc Kinh đang tiến hành trên khu vực Biển Đông trong suốt nhiều năm qua.

https://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-viet-nam-len-tieng-ve-tinh-hinh-ngu-dan-tren-bien-dong/4971597.html