Tin Biển Đông – 24/03/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 24/03/2018

Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ

‘khiêu kích nghiêm trọng’ ở Biển Đông

Trung Quốc vào ngày 23 tháng 3 lên tiếng cáo buộc Hoa Kỳ ‘khiêu khích nghiêm trọng’ ở Biển Đông sau khi Khu Trục Hạm USS Mustin đi qua vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn tại Quần Đảo Trường Sa.

Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng loan tin vừa nêu dẫn lời phát ngôn nhân Nhiệm Quốc Cường của Bộ Quốc Phòng Trung Quốc rằng việc mà Hoa Kỳ thực hiện làm phương hại đến mối quan hệ giữa quân đội Trung Quốc và Hoa Kỳ. Điều đó có thể dễ dàng dẫn đến phán đoán sai và những tai nạn hàng không hoặc hàng hải. Đây là một sự khiêu khích chính trị và quân sự nghiêm trọng đối với Trung Quốc nên Quân Đội Hoa Lục mạnh mẽ phản đối.

Người phát ngôn Bộ Quốc Phòng Trung Quốc còn nói thêm hoạt động từ phía Hoa Kỳ như thế sẽ thúc đẩy Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự trong khu vực.

Phản đối và cảnh báo như vừa nêu của phía Trung Quốc được đưa ra vào khi Bắc Kinh thông báo tiến hành cuộc tập trận chiến đấu tại Biển Đông cũng vào ngày 23 tháng 3.

Tân Hoa Xã dẫn phát biểu của Hải Quân Trung Quốc rằng cuộc tập trận chiến đấu là hoạt động huấn luyện thường xuyên được tiến hành như một phần trong kế hoạch hằng năm giúp tăng khả năng chiến đấu cho binh sĩ chứ không nhắm đến bất cứ quốc gia hay mục tiêu nào.

Bộ Quốc Phòng Trung Quốc còn nói cho hai tàu chiến Trung Quốc ra cảnh báo Khu Trục Hạm USS Mustin khi đi qua vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn ngày 23 tháng 3.

Còn một quan chức ẩn danh Hoa Kỳ thì nói với Reuters rằng Khu Trục Hạm USS Mustin thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ‘tự do hàng hải’ FONOPS trong chiến dịch lâu nay của phía Mỹ.

Tuy vậy, đây là chuyến FONOPS đầu tiên mà Hoa Kỳ tiến hành chỉ một ngày sau khi tổng thống Donald Trump công bố biện pháp sẽ đánh thuế trên số hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ trị giá 60 tỷ đô la Mỹ, và là chuyến thứ hai tính từ đầu năm đến nay.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/beijing-accuses-us-of-serious-provocation-after-destroyer-sails-through-disputed-scs-03232018140349.html

 

Việt Nam kêu gọi Nga tích cực

“đảm bảo an ninh” khu vực

Việt Nam hôm 23/3 kêu gọi Nga tích cực giúp “gìn giữ hòa bình ổn định khu vực” và “tự do hàng hải” trước chính sách bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đưa ra lời kêu gọi này trong cùng ngày Việt Nam phải tạm dừng một dự án thăm dò dầu khí ngoài khơi do áp lực từ Trung Quốc, và Bắc Kinh lên án hoạt động thể hiện “quyền tự do hàng hải” của Mỹ trên Biển Đông.

Sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Sergey Lavrov tại Hà Nội, người đứng đầu bộ ngoại giao Việt Nam kêu gọi Nga “tiếp tục đóng vai trò quan trọng, tích cực trong việc gìn giữ hòa bình ổn định khu vực, đảm bảo an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không” trên biển Đông.

Trong cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm tại Hà Nội, Ngoại trưởng 2 nước kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp trong khu vực thông qua các giải pháp phù hợp với luật quốc tế.

Theo hãng thông tấn Nga Itar-Tass, Ngoại trưởng Sergey Lavrov tuyên bố Nga và Việt Nam đều ủng hộ “việc tôn trọng luật pháp quốc tế và vai trò trung tâm của Liên Hiệp Quốc.”

VNExpress trích lời Ngoại trưởng Việt Nam ra tuyên bố tương tự khi ông Minh kêu gọi các bên tôn trọng “tiến trình ngoại giao, pháp lý” và giải quyết hòa bình tranh chấp biển Đông theo luật quốc tế kể cả “công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982.”

Trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam tới Moscow cuối tháng 6 năm ngoái, ông Trần Đại Quang đã cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra lời kêu gọi hãy giải quyết các tranh chấp trên biển Đông bằng giải pháp hòa bình theo luật lệ quốc tế.

Tại Moscow, hai nhà lãnh đạo Việt-Nga ra tuyên bố chung, trong đó hai nước nhất trí bất cứ tranh chấp nào về lãnh thổ và biên giới cũng cần được giải quyết một cách hòa bình và không sử dụng vũ lực, phù hợp với luật quốc tế.

Mặc dù tòa quốc tế La Hague bác bỏ đường lưỡi bò 9 đoạn mà Trung Quốc vạch ra với ý đồ chiếm trọn biển Đông, nước này vẫn tiếp tục gây căng thẳng với các nước láng giềng vì những hoạt động để khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình.

Những tranh cãi về các dự án khai thác dầu trên biển Đông được cho là lý do khiến các quan hệ Việt-Trung trở nên căng thẳng từ giữa năm ngoái. Ngày 23/3, Việt Nam lần thứ 2 phải tạm ngưng dự án khoan dầu trên biển Đông do sức ép từ Bắc Kinh.

Chuyến thăm lần này của Ngoại trưởng Lavrov, ban đầu dự kiến vào ngày 19 và 20/3 nhưng bị hủy vào phút chót, còn nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Nga và Việt Nam. Nga vẫn là nước bán thiết bị quân sự nhiều nhất cho Việt Nam, kể cả 6 tàu ngầm lớp Kilo đã được Hà nội đặt hàng từ năm 2009.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, Ngoại trưởng Lavrov và các nhà lãnh đạo nước chủ nhà bàn thảo và trao đổi “những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.”

Trong ngày thứ 2 và cuối cùng tại Hà Nội, Ngoại trưởng Lavrov sẽ gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trần Đại Quang trước khi trở về Nga.

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-keu-goi-nga-tich-cuc-dam-bao-an-ninh-khu-vuc/4313537.html