Tin Biển Đông – 24/03/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 24/03/2017

Trung Quốc mong Nhật ‘không tái hiện quân phiệt’

Trung Quốc hôm thứ Năm nói họ hy vọng việc Nhật đưa vào sử dụng hàng không mẫu hạm Kaga không có nghĩa là nước này quay trở lại với quá khứ quân phiệt của mình.

Hàng không mẫu hạm trực thăng Kaga, cùng với tàu Izumo, cho phép quân đội Nhật có khả năng hoạt động vượt ra xa bờ biển nước này trong lúc Tokyo tăng cường các hoạt động chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong những năm gần đây, Nhật Bản đã phóng đại “mối đe dọa Trung Quốc” như một cái cớ để mở rộng quân đội.

Tại cuộc họp báo thường nhật, bà Hoa nói: “Tôi cũng muốn nói rằng tàu Kaga đã bị quân đội Mỹ đánh chìm trong Thế chiến thứ Hai. Nhật Bản nên học những bài học của lịch sử”.

Bà nói thêm: “Chúng tôi hy vọng sự trở lại của tàu Kaga không khơi dậy đống tro tàn để hồi sinh chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản thêm một lần nữa”.

Hai chiến hạm lớn nhất của Nhật từ thời Thế chiến thứ Hai là biểu tượng về uy lực của nước này và nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe thúc đẩy quân đội Nhật đóng một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, bị tổn hại vì vụ tranh chấp chủ quyền một nhóm đảo nhỏ trong Biển Hoa Đông, cũng như di sản của các hành động hiếu chiến của Nhật Bản trước đây.

http://www.voatiengviet.com/a/tq-hy-vong-tau-san-bay-nhat-khong-mang-chu-nghia-quan-phiet-tro-lai/3778878.html

 

‘Trung Quốc không quân sự hóa Biển Đông’

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói Bắc Kinh không quân sự hóa Biển Đông mặc dù thừa nhận có đưa thiết bị phòng thủ ra các đảo có tranh chấp, hãng tin Reuters tường thuật.

Ông L‎ý mô tả các thiết bị này là để duy trì “tự do đi lại”.

Tàu chiến Mỹ ‘sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông’

TQ nói Mỹ nên “học hỏi thêm” về Biển Đông

Trung Quốc bị quốc tế chỉ trích vì xây dựng quy mô lớn ở Biển Đông, mặc dù ông L‎ý nói với các phóng viên ở Úc rằng các công trình này chỉ phục vụ cho mục đích dân sự.

“Cơ sở vật chất của Trung Quốc, các đảo và rạn san hô của Trung Quốc chủ yếu phục vụ các mục đích dân sự, và thậm chí nếu có một số thiết bị hoặc cơ sở quốc phòng thì đó là để duy trì tự do hàng hải,” ông L‎ý nói.

Các nước láng giềng khác cũng tuyên bố chủ quyền tại đây gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.

Hoa Kỳ ước tính Bắc Kinh mở rộng thêm khoảng 1.300 héc-ta đất tại bảy cấu trúc ở Biển Đông trong ba năm qua, trong đó có việc xây dựng đường băng, cảng, nhà chứa máy bay và các trạm thiết bị liên lạc.

Hoa Kỳ đã tiến hành một loạt chuyến đi bằng tàu chiến mà họ gọi là chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông và hoạt động này làm căng thẳng về quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-39379683

Tổng thống Philippines : Mỹ án binh bất động

là nguyên nhân gây căng thẳng ở Biển Đông

Thụy My

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 23/03/2017 tố cáo Hoa Kỳ có thái độ khiêu khích trên Biển Đông, cho rằng việc Mỹ không hành động gì khi Trung Quốc bắt đầu xây đảo nhân tạo là nguyên nhân gây căng thẳng trong khu vực. Ông cho biết sẵn sàng chia sẻ nguồn lợi thiên nhiên với Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Ông Duterte nói rằng việc Washington cho các chiến hạm tuần tra để khẳng định tự do hàng hải là một « tính toán sai lầm », có thể gây ra xung đột. Ông cũng tố cáo chính quyền Obama trước đây đã ép Manila phải đối đầu với Bắc Kinh mà lại không bảo đảm yểm trợ về quân sự.

Tổng thống Philippines tỏ ra bực tức với đồng minh lâu đời nhất là Hoa Kỳ, vốn ràng buộc với Manila qua một hiệp ước hỗ tương, nhưng đã không hành động gì khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines tại Biển Đông.

Ông Duterte tuyên bố : « Chỉ cần bắn một phát súng là xung đột có thể bùng nổ, dẫn đến chiến tranh (…). Tại sao Mỹ là nước duy nhất có thể hành động, lại muốn hải quân chúng tôi phải đến ? Đó sẽ là một cuộc thảm sát lính Philippines (…). Khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng, tại sao các vị không phản ứng, không gởi năm hàng không mẫu hạm đến ? Mỹ đã có thể dập tắt vấn đề từ trong trứng nước nếu hành động dứt khoát ».

Reuters nhận xét, ngược với những lời đả kích Hoa Kỳ, ông Duterte lại không chỉ trích Trung Quốc mà ông đang hy vọng sẽ mua nông sản và đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Philippines. Chính sách mở cửa của ông đối với người láng giềng khổng lồ xưa nay vẫn bị Manila coi là kẻ hung hăng muốn xâm chiếm Biển Đông, là một bước ngoặt so với chính phủ tiền nhiệm đã đưa Bắc Kinh ra trước Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế La Haye.

Trong cuộc nói chuyện với các luật sư ở Manila ngày 23/03, tổng thống Philippines còn cho biết ông sẵn sàng chia sẻ nguồn lợi thiên nhiên với Trung Quốc tại vùng biển mà tòa án La Haye đã khẳng định thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Manila, vì không đủ năng lực khai thác.

Những tuyên bố của ông Rodrigo Duterte được đưa ra trong bối cảnh quan ngại đang tăng lên về việc Trung Quốc sẽ xây nhiều trạm quan trắc môi trường tại Biển Đông, kể cả trên bãi cạn Scarborough đã chiếm của Philippines tháng 6/2012.

Ngày 24/03, tại Sydney trong cuộc hội đàm với thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường biện minh Bắc Kinh không quân sự hóa Biển Đông, nói rằng các thiết trí quân sự trên các đảo nhân tạo « chủ yếu » là nhằm phục vụ mục đích dân sự.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170324-tong-thong-philippines-my-an-binh-bat-dong-la-nguyen-nhan-gay-cang-thang-o-bien-don