Tin Biển Đông – 24/02/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 24/02/2017

Việt Nam xác minh ‘kho chứa tên lửa’ của Trung Quốc

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm 23/2 cho biết rằng Hà Nội “sẽ xác minh thông tin” về việc Trung Quốc sắp hoàn thành việc xây dựng hơn 20 cấu trúc trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông được cho là giống với kho chứa tên lửa đất đối không tầm xa.

Một lần nữa, ông Bình tuyên bố rằng Việt Nam “có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, đồng thời khằng định “lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình”.

Trước đó, Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên nói rằng Trung Quốc gần hoàn thành việc xây dựng hơn hai chục cấu trúc với mái đóng mở được thiết kế để chứa các tên lửa đất đối không trên quần đảo Trường Sa tranh chấp với nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Trong thông cáo đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao, ông Bình nói tiếp: “Mọi hoạt động xây dựng, cải tạo tại các cấu trúc thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là phi pháp”.

Phát ngôn viên ngoại giao của Việt Nam “đề nghị các bên liên quan hành xử có trách nhiệm, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt là việc quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.

Trước đó, người phát ngôn của Lầu Năm Góc được Reuters dẫn lời nói rằng Hoa Kỳ vẫn cam kết việc “phi quân sự hóa biển Đông”, đồng thời thúc giục mọi bên tuyên bố chủ quyền phải có những hành động phù hợp với luật pháp quốc tế.

Còn tại Bắc Kinh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng nước mình “thực hiện các hoạt động xây dựng bình thường trên lãnh thổ của mình, trong đó có việc triển khai các cơ sở phòng thủ lãnh thổ cần thiết và phù hợp” và “đó là điều đúng đắn đối với các quốc gia có chủ quyền theo luật quốc tế”.

http://www.voatiengviet.com/a/vn-xac-minh-tin-ve-kho-chua-ten-len-cua-tq/3738352.html

 

Trung Quốc đang đàm phán song phương về Biển Đông

Trung Quốc đang đối thoại với từng nước một trong khu vực Đông Nam Á về các quyền lợi chung trong việc khai thác hải sản và nhiên liệu hóa thạch trong khu vực Biển Đông đang có những tranh chấp chủ quyền chồng chéo. Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc hoặc việc thiếu niềm tin chính trị sẽ gây cản trở cho bất kỳ một thỏa thuận chính thức nào và có thể sẽ chuyển trọng tâm sang các thỏa thuận kinh tế không chính thức.

Lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc và Việt Nam đã gặp nhau vào tháng trước để thảo luận về hợp tác hàng hải mà có thể bao gồm việc thăm dò dầu khí dưới biển. Đó là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm đối thoại riêng với các quốc gia có tranh chấp hàng hải kể từ khi một tòa trọng tài quốc tế ở La Hague ra phán quyết vào tháng Bảy năm ngoái nói rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với khoảng 95% diện tích trên biển Đông là thiếu cơ sở pháp lý.

Trung Quốc cũng đối thoại với Malaysia và Philippines về vùng biển có diện tích 3,5 triệu km vuông, nơi có nguồn hải sản và trữ lượng dầu khí dồi dào, và là một hải lộ quốc tế trọng yếu.

Các thỏa thuận với Trung Quốc sẽ giảm bớt những căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền bằng cách cho tất cả các quốc gia một ít quyền lợi mà không mất đi sự kiểm soát hiệu quả của bất kỳ quốc gia nào. Trung Quốc bác bỏ phán quyết của trọng tài quốc tế nhưng sau đó đã tự tìm cách cải thiện quan hệ với các nước đang có tranh chấp.

Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ca ngợi việc theo đuổi các thỏa thuận song phương.

Phần lớn các cuộc đối thoại về Biển Đông được tổ chức bí mật, nhưng các chuyên gia dự báo rằng các thỏa thuận cuối cùng cũng là về quyền đánh bắt hải sản hoặc quản lý khai thác hải sản. Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đang đặc biệt quan tâm về quyền đánh bắt hải sản với những đội tàu đánh bắt xa bờ.

Ông Andrew Yang, Tổng thư ký của Hội đồng nghiên cứu chính sách cao cấp về Trung Quốc ở Đài Loan cho biết: “Điều đầu tiên mà họ muốn làm là xác định các quyền đánh bắt hải sản. Và tôi nghĩ rằng điều này là quan trọng bởi vì bạn phải bàn đến một số quy tắc hoặc một số vấn đề thực tế thay vì bàn về việc phân chia lao động hoặc khu vực đánh bắt.”

Một dấu hiệu cho thấy thỏa thuận ngư nghiệp đang hiện hữu là kể từ năm 2006 Việt Nam và Trung Quốc đã cùng nhau tuần tra chung hoạt động khai thác hải sản ở Vịnh Bắc Bộ. Năm ngoái, hai bên đã mở rộng các tuyến tuần tra.

Sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gặp chủ tịch Trung Quốc tại Bắc Kinh vào tháng 10, Trung Quốc đã thôi ngăn chặn các tàu đánh cá Philippines ở vùng biển tranh chấp xung quanh bãi cạn Scarborough, phía tây đảo Luzon, theo tin tức báo chí cho biết.

Nhưng các thỏa thuận kinh tế gắn kết một cách không chính thức với các tranh chấp hàng hải có thể dẫn đến nguy hiểm nếu các mối quan hệ này xấu đi.

Trong tuần này, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay, đồng thời là chủ tịch luân phiên hội nghị bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN cho biết, ông “lo ngại sâu sắc” hành động của Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở vùng biển tranh chấp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói phát biểu trên là “khó hiểu và đáng tiếc.” Ông Sảng nói các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Duterte đang được triển khai thực hiện, và Trung Quốc đã hứa sẽ ngừng việc xây dựng trên biển.

Ít nhất là từ năm 2013, Trung Quốc và Việt Nam đã bàn về việc cùng nhau khai thác dầu hỏa, và việc thảo luận khai thác dầu giữa Trung Quốc và Philippines đã bắt đầu vào tháng 10.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ ước tính có khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ foot khối khí đốt tự nhiên dưới đáy Biển Đông. Brunei, Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam hiện nay đang làm khảo sát riêng và Philippines đã nhận đơn thầu thực hiện thăm dò dầu khí từ các công ty tư nhân.

Ông Carl Baker, Giám đốc các chương trình thuộc Diễn đàn Thái Bình Dương của CSIS tại Honolulu nói rằng việc cùng nhau tìm kiếm nhiên liệu hóa thạch thiếu khả thi vì khi chia sẻ bất kỳ nguồn tài nguyên nào cũng sẽ có hàm ý là phải từ bỏ chủ quyền ở nơi mà tài nguyên đó được phát hiện.

Ông Douglas Guilfoyle, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Monash ở Australia nói rằng các thỏa thuận chia sẻ tài nguyên sẽ được thực hiện một cách hợp pháp nếu các quốc gia ký kết đặt các vấn đề chủ quyền sang một bên, nhưng người dân trong nước thì vẫn hoài nghi việc này.

Ông Guilfoyle nói:”Thực tế khó thực hiện hơn so với lý thuyết. Hiện có những vấn đề thực tế đang được đàm phán, nhưng sau đó các vấn đề khác liên quan đến chính trị, sự tin tưởng và liệu công dân của bạn cuối cùng có ủng hộ một thỏa thuận như vậy không.”

Ông Guilfoyle nói thêm rằng những thay đổi trong giới lãnh đạo của một quốc gia có thể gây phương hại đến tiến trình ra thỏa thuận, và một số nước thiếu sự tin cậy chính trị nên không thể bắt đầu. Ví dụ người tiền nhiệm của ông Duterte, vì giận dữ với Trung Quốc nên đã nộp đơn kiện tại tòa trọng tài quốc tế. Còn ông Duterte thì làm lành với Bắc Kinh sau khi nhậm chức vào tháng Sáu.

Các thỏa thuận song phương có thể bao gồm điều khoản làm thế nào để tránh rủi ro trên biển, tránh giao tranh, như vụ đụng độ đẫm máu giữa Việt Nam và Trung Quốc vào năm 1974 và 1988.

Trong năm nay, riêng Trung Quốc sẽ theo đuổi bộ khung quy tắc ứng xử (COC) với 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau nhiều năm Trung Quốc chống lại COC.

Ông Herman Kraft, giáo sư nghiên cứu khoa học chính trị tại Đại học Philippines Diliman nói rằng bộ quy tắc ứng xử (COC) của ASEAN phù hợp với bất kỳ thỏa thuận song phương nào.

Nếu không có các thỏa thuận cụ thể về các hoạt động trên biển, Trung Quốc có thể tận dụng lợi thế là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới để tăng cường thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển cho các bên có tranh chấp ở Biển Đông, những nước khát khao mong muốn phát triển nền kinh tế riêng của mình.

Sáng kiến “Đường tơ lụa Hàng hải thế kỷ 21” của Bắc Kinh được thiết lập để phân bổ một số tiền từ một nguồn quỹ 40 tỷ đôla và 100 tỷ đôla đầu tư vào Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) để mua cổ phần xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực Đông Nam Á, một lợi ích khổng lồ cho các công ty Trung Quốc khi thị trường trong nước quá cạnh tranh.

Có nhiều dấu hiệu giao dịch kinh tế khá hào phóng khi có sự gia tăng lượng khách du lịch từ Trung Quốc đến Việt Nam vào năm ngoái, trong khi Philippines kỳ vọng đạt 24 tỷ đôla viện trợ phát triển cũng như các khoản đầu tư từ Trung Quốc, sau cuộc đối thoại của hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Philippines vào tháng 10.

Trong tháng 11, Malaysia và Trung Quốc đã ký kết 14 bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh. Trung Quốc đã lên kế hoạch bán cho Malaysia 4 tàu chiến, cung cấp khoảng tín dụng 55 tỷ ringgit (khoảng 12,4 tỷ đôla) để xây một đường tàu hỏa. Malaysia đã xem Trung Quốc là đối tác thương mại và là quốc gia cấp vốn đầu tư trực tiếp hàng đầu.

Malaysia hiếm khi chỉ trích Trung Quốc một cách công khai vì các hoạt động hàng hải, mặc dù cả hai bên đều khẳng định chủ quyền các khu vực trong quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.

Các nhà phân tích nói rằng Bắc Kinh có thể yêu cầu các nước khác im lặng về việc Trung Quốc cải tạo các hải đảo, việc Trung Quốc tăng sự hiện diện quân sự trên một số đảo nhỏ hoặc các đội tuần duyên Trung Quốc tuần tra trên vùng biển mà các bên khác thường xuyên qua lại.

Alexander Huang, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang ở Đài Loan nói: “Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào việc cung cấp viện trợ và hỗ trợ cơ sở hạ tầng. Họ đang cố gắng để một mặt hiển thị trên sức mạnh của Trung Quốc và mặt khác ngăn cản các nước khác tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông.”

http://www.voatiengviet.com/a/tq-dam-phan-song-phuong-voi-cac-nuoc-co-tranh-chap-tren-bien-dong/3738645.html

 

Trung Quốc hứa không xây dựng tại Scarborough

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa với người tương nhiệm Philippines rằng Trung Quốc sẽ không xây dựng trên một bãi cạn ở Biển Đông mà hai nước đều tuyên bố có chủ quyền, một Bộ trưởng trong chính phủ Philippines cho biết tin này ngày 23 tháng 2.

Căng thẳng giữa hai nước đã được cải thiện kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên cầm quyền tại Philippines vào tháng 6 năm ngoái, “trở mặt” với đồng minh truyền thống Hoa Kỳ để tiến đến những quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc.

Trung Quốc đặt một số nước láng giềng vào tình trạng báo động và khiến Hoa Kỳ lo ngại vì đã xây dựng 7 đảo nhân tạo trên các bãi đá tại quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, một số được trang bị các cảng biển và cảng hàng không, bị nghi là dùng cho quân sự.

Trung Quốc phủ nhận có ý đồ xấu và khẳng định duy trì tự do hàng hải.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay cho biết lời hứa của ông Tập được đưa ra trong cuộc gặp với ông Duterte tại Bắc Kinh vào tháng 10 năm ngoái sau khi Philippines nêu lên vấn đề bãi cạn tranh chấp trước tin tình báo của Mỹ là Trung Quốc đã gởi các tàu nạo vét đến khu vực này.

Ông Yasay nói với các phóng viên: “Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa với Tổng thống Duterte là sẽ không lấp đất lấn biển và xây dựng các cơ sở trên Bãi cạn Scarborough.”

Bãi cạn Scarborough nằm về phía đông bắc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc chiếm vào năm 2012 rồi cấm ngư dân Philippines đánh bắt tại đây. Tuy nhiên sau chuyến viếng thăm của ông Duterte, Trung Quốc cho phép ngư dân Philippines trở lại bãi cạn Scarborough.

Ông Yasay nói Philippines sẽ phản đối nếu xác nhận được là Trung Quốc hoàn tất các vị trí phi đạn trên các đảo nhân tạo.

Một phát ngôn viên Trung Quốc nói phát biểu Ngoại trưởng Philippines “gây trở ngại và đáng tiếc”, và “không phù hợp” với sự phát triển trong quan hệ Trung Quốc-Philippines hay toàn thể tình hình ổn định tại Biển Đông.

http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-hua-khong-xay-dung-tren-bai-can-scarborough/3737963.html

 

Mỹ kêu gọi Trung Quốc đổi lập trường Biển Đông

Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc thay đổi lập trường về Biển Đông, một thủy lộ chiến lược quan trọng và giàu tài nguyên thiên nhiên mà từ lâu nhiều nước đã đòi chủ quyền trên vùng biển này.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Anna Richey-Allen nói “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc, cũng như những nước khác tranh chấp chủ quyền, tự chế không tiến thêm bước nào nữa trong việc xây dựng những cơ sở mới, quân sự hóa những đảo tranh chấp, và lấp đất lấn biển tại Biển Đông, và cam kết giải quyết hòa bình những tranh chấp với các nước khác.”

Tuyên bố được đưa ra vào lúc Trung Quốc gần hoàn tất việc xây dựng những cơ cấu quân sự trên các đảo nhân tạo tại Biển Đông theo như tin của Thông tấn xã Reuters.

Các giới chức Mỹ dấu tên nói với các hãng tin là việc xây dựng hầu như hoàn tất đối với hơn hai chục cơ cấu với mái đóng mở được thiết kế để chứa các phi đạn đất đối không trên quần đảo Trường Sa.

Bà Richey-Allen nói tiếp “Quân sự hóa những đảo này gây căng thẳng và những tin tức gần đây nhất đã tạo ra những quan ngại giữa các nước trong vùng.”

Một phúc trình được Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á công bố vào tháng 12 năm ngoái cho thấy Trung Quốc đã xây dựng các đường băng và những hệ thống phòng không trên các đảo nhân tạo kể từ tháng 6 năm ngoái.

Vào lúc đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra một tuyên bố cho rằng việc xây dựng này “chủ yếu để sử dụng trong dân sự mà thôi.”

http://www.voatiengviet.com/a/my-keu-goi-trung-quoc-thay-doi-lap-truong-ve-bien-dong/3737915.html