Tin Biển Đông – 24/01/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 24/01/2018

TQ ồn ào phản đối Mỹ tuần tra Biển Đông

để biện minh cho sự hiện diện của mình

Trong khi Ngũ Giác Đài không gây ồn ào khi tiếp tục tiến hành các cuộc tuần tra để khẳng định tự do hàng hải trên Biển Đông, tiến gần tới các đảo, bãi đá đang do Trung Quốc kiểm soát, thì Bắc Kinh lớn tiếng phản đối để theo các chuyên gia, biện minh cho sự hiện diện ngày càng tăng của TQ trong vùng tranh chấp.

Hồi tuần trước, các giới chức Trung Quốc lên tiếng về cuộc tuần tra mới nhất của Mỹ, đưa tàu khu trục USS Hopper tiến vào phạm vị 12 hải lý cách bãi cạn Scarborough, vùng biển đang trong vòng tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila. Đây là lần thứ nhì trong mấy tháng gần đây mà Bắc Kinh, chứ không phải Washington, xác nhận một cuộc tuần tra của Hoa Kỳ trên Biển Đông.

Bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS), nói rằng trong khi chính quyền của Tổng thống Trump có chính sách tiếp tục các cuộc tuần tra đều đặn trong khu vực nhưng không gây ồn ào, Trung Quốc lại sẵn sàng công khai các cuộc tuần tra đó “vì các mục đích quân sự riêng”.

Trong khi chính quyền Tổng thống Trump lẳng lặng tiếp tục các cuộc tuần tra đều đặn để khẳng định tự do hàng hải ở Biển Đông, Trung Quốc sẵn sàng công khai các cuộc tuần tra đó “vì các mục đích quân sự riêng”.

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington (CSIS)

Bà Bonnie Glaser nói:

“Khó có thể đi tới kết luận nào khác hơn. Ngay cả khi Mỹ tiếp tục các cuộc tuần tra, theo tôi chính quyền của Tổng thống Trump chưa thực sự xác định là sẽ bỏ qua hành vi nào của Trung Quốc trong Biển Đông, và những gì mà chính quyền Trump tuyệt đối không chấp nhận, Bắc Kinh dường như hiểu điều đó và nắm ngay lấy để khai thác.”

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng trong các tuyên bố chính thức nhấn mạnh:“Trung Quốc sẽ có các biện pháp cần thiết để quyết tâm bảo vệ chủ quyền của mình” trong vùng biển giàu tài nguyên này.

Một số nhà ngoại giao trong khu vực và các nhà phân tích an ninh tin rằng các biện pháp đó bao gồm triển khai thêm lực lượng, đẩy nhanh tiến trình quân sự hóa các cơ sở đã được mở rộng trên khắp quần đảo Trường Sa.

Trong khi các giới chức Mỹ không trực tiếp nêu tên Trung Quốc khi bình luận về việc này, cho rằng các cuộc tuần tra tự do hàng hải chỉ là những hoạt động thường lệ để khẳng định nhu cầu cần tôn trọng luật pháp quốc tế, thì Bắc Kinh nhanh chóng quy cho Washington là kẻ “khiêu khích.”

Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm thứ Hai 22/1 tố cáo Hoa Kỳ là phá rối hòa bình và hợp tác và “có hành động khiêu khích một cách vô trách nhiệm”, và viện lẽ đó để nói rằng Trung Quốc giờ phải củng cố sự hiện diện của mình trên tuyến hàng hải có tính chiến lược này.

Bãi cạn Scarborough của Philippines bị Trung Quốc phong tỏa hồi năm 2012, đây chính là động lực đã khiến Philippines đưa Trung Quốc ra trước Tòa án Trọng tài quốc tế để nhờ tòa án này ở La Haye phân xử vụ tranh chấp chủ quyền giữa hai nước. Tòa án Quốc tế xử thắng cho Manila trước những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc, tuy nhiên từ khi lên cầm quyền chính phủ Philippines do ông Duterte lãnh đạo không những không khai thác thành công đáng kể này mà còn tỏ ra hết sức hòa hoãn và hợp tác với Trung Quốc.

Trong khi đa số các nhà phân tích và các nhà ngoại giao trong khu vực tin rằng Trung Quốc vẫn muốn tránh xung đột với hải quân Hoa Kỳ vốn là một lực lượng hùng mạnh hơn nhiều so với Trung Quốc, song Bắc Kinh đang dồn nỗ lực để cắt ngắn khoảng cách đó.

Biển Đông do đó vẫn là một điểm nóng, có nguy cơ bùng nổ bất cứ lúc nào.

https://www.voatiengviet.com/a/tq-on-ao-phan-doi-my-tuan-tra-bien-dong-de-bien-minh-su-hien-dien-cua-minh/4220781.html

 

Hoa Kỳ ủng hộ chủ quyền vùng biển Natuna của Indonesia

Hoa Kỳ ủng hộ quyết định đổi tên vùng biển ở khu vực đặc quyền kinh tế phía Bắc Inodnesia trong vùng Biển Đông thành Biển Bắc Natuna.

Quyết định quan trọng này được chính phủ Indonesia đưa ra hồi giữa tháng Bảy năm ngoái, và tên Biển Bắc Natuna được ông Tổng trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis nói đến khi ông ghé thăm Jakarta.

Các bản tin chúng tôi thu thập được viết rằng có thể Trung Quốc sẽ lên tiếng phản đối, vì một phần vùng Biển Bắc Natuna nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ và tự nhận là có chủ quyền.

Các chuyên gia quốc tế cho rằng việc đổi tên này của Indonesia là nhằm khẳng định chủ quyền đối với khu vực biển quanh quần đảo Natuna, nơi thường có những vụ đụng độ giữa hai nước liên quan đến quyền đánh bắt cá.

Trong 2 năm qua, Indonesia đã nhiều lần bắt giữ các ngư dân Trung Quốc tại khu vực này, song song với việc gia tăng sự hiện diện quân sự trong khu vực.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/us-may-upset-beijing-after-it-backs-inodesian-claim-on-south-china-sea-near-natuna-island-01242018094533.html

 

Thủ tướng Việt Nam kêu gọi ủng hộ của Ấn Độ

trong vấn đề biển Đông

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại rằng các quốc gia ASEAN và Trung Quốc cần có Bộ Qui Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (COC) để bảo đảm hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải.

Ông nói như vậy tại Thủ đô New Delhi của Ấn Độ với giới báo chí, nhấn mạnh rằng COC mang tính ràng buộc về pháp lý sẽ là đóng góp quan trọng cho hòa bình tại Biển Đông nói riêng và thế giới nói chung.

Thủ tướng Phúc và đoàn tùy tùng đang ở Ấn Độ tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN- Ấn Độ, nhân kỷ niệm 69 năm ngày Cộng Hòa Ấn Độ cũng như 25 năm thiết lập quan hệ giữa nước Ấn và khối ASEAN. Mục tiêu hội nghị cấp cao lần này được New Dehli cho biết là để bàn việc phát triển mối quan hệ giữa hai phía.

Nói về quan hệ Việt Nam- Ấn Độ, ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu cao vai trò thương mại và đầu tư ngày càng phát triển giữa hai bên, đặc biệt ông nhấn mạnh đến việc kết nối mối quan hệ chiến lược giữa hai nước, trong bối cảnh New Delhi thúc đẩy chính sách Hướng Đông của mình nhằm mở rộng vai trò của Ấn Độ sang Đông Nam Á.

Quan hệ Việt Nam- Ấn Độ được đánh giá phát triển mạnh trong vài năm qua khi mà Trung Quốc tăng cường sự lấn lướt tại Biển Đông. Ấn Độ có những hợp đồng khoan thăm dò dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam, cung cấp vũ khí cũng như huấn luyện các đội thủy thủ tàu ngầm cho Việt Nam.

Ấn Độ muốn đối trọng lại Trung Quốc ở Biển Đông

Trong khi đó phía Ấn Độ cũng lên tiếng nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ với các quốc gia ASEAN trong bối cảnh chống lại cái mà họ gọi là Chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc.

Bà Preeti Saran phụ trách Đông vụ của Bộ ngoại giao Ấn Độ, và cũng từng là Đại sứ Ấn tại Việt Nam nói rằng những cuộc tuần tra chung, những cuộc thăm viếng của hải quân, cũng như những cuộc đối thoại quốc phòng giữa hai phía đang phát triển rất tốt.

Còn một chuyên gia về quan hệ quốc tế của một viện nghiên cứu thân cận với chính phủ Ấn Độ nói rằng sự bá quyền của Trung Quốc trong những năm qua làm cho các quốc gia Đông Nam Á hướng về Ấn Độ để tìm một sự cân bằng.

Dự kiến là vào ngày mai, thứ Năm 25 tháng Một, các nhà lãnh đạo Ấn Độ và ASEAN sẽ có một phiên họp kín, và có thể một trong những chương trình nghị sự sẽ là cuộc tập trận hải quân chung ở eo biển Malacca nối liền Ấn Độ Dương và Biển Đông.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-pm-says-china-and-asean-need-to-reach-the-coc-01242018101205.html

 

Việt Nam tin tưởng Mỹ sẽ kiềm chế Trung Quốc?

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã tới Hà Nội trong chuyến thăm 2 ngày để “xây dựng lòng tin” và thắt chặt quan hệ an ninh với Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc tới Hà Nội chiều ngày 24/1 sau khi rời Indonesia. Đây là lần đầu tiên ông Mattis tới thăm Việt Nam, chặng dừng chân cuối trong chuyến công du châu Á của ông.

Bộ trưởng Mattis muốn xây dựng lòng tin và tạo ra một sự minh bạch trong mối quan hệ với Việt Nam. Nhưng đây là một vấn đề nhạy cảm trong nội bộ quân đội Việt Nam.”

Carl Thayer, Giáo sư Học viện Quốc phòng Úc

Trước chuyến thăm, Bộ trưởng Mattis cho biết ông sẽ tìm kiếm từ các giới chức Việt Nam những bước đi thực tế để thúc đẩy mối quan hệ giữa 2 quân đội, hướng tới “tin cậy và hợp tác.”

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Việt Nam để siết chặt bang giao

GS Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc nói: “Bộ trưởng Mattis muốn xây dựng lòng tin và tạo ra một sự minh bạch trong mối quan hệ với Việt Nam”. Nhưng ông Thayer cho rằng “đây là một vấn đề nhạy cảm trong nội bộ quân đội Việt Nam.”

Nhà phân tích quân sự Úc nói cách tiếp cận của Việt Nam luôn luôn tuần tự và cẩn trọng.

“Trong khi chuyến thăm của ông Mattis sẽ dẫn đến một bước tiến trong quan hệ quốc phòng song phương giữa Việt Nam và Mỹ, thì Việt Nam sẽ cân bằng mối quan hệ đó với mối quan hệ với những cường quốc khác,” GS Thayer nhận định.

Nhiều nhà phân tích cho rằng Hà Nội rất thận trọng trong việc cân bằng mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc cũng như các cường quốc khác như Nga và Nhật. Ngay trước khi ông Mattis tới Việt Nam, Hà Nội đã tiếp đón Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.

Nhưng giáo sư người Úc cho rằng ông Mattis là người thích hợp để thúc đẩy mối quan hệ song phương giữa 2 nước và “ông sẽ có được những phản hồi tích cực từ phía Việt Nam.”

Biển Đông là một phần quan trọng trong nghị trình thảo luận của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ với người đồng cấp nước chủ nhà, khi ông gặp Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch vào ngày 25/1.

Trung Quốc vẫn không ngừng các hoạt động nhằm củng cố sự hiện diện của họ trên biển Đông trong khi chính sách quốc phòng của Mỹ đối với châu Á nhằm kiềm hãm sự bành trướng của TQ chưa thể hiện rõ dưới thời Tổng thống Trump. Hôm thứ 2 (22/1), Trung Quốc cáo buộc hải quân Mỹ “gây ra rắc rối” trên biển Đông sau khi Washington đưa khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường tới gần 1 đảo của Trung Quốc.

​Tuy nhiên theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng của Đại học George Mason ở Washington, thì “ông Mattis có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.”

Ngay trước chuyến thăm tới châu Á, Bộ trưởng Mattis cáo buộc Trung Quốc là dùng “mồi nhử kinh tế” để khống chế các nước láng giềng nhỏ hơn.

Trao đổi với các phóng viên sau khi đặt chân tới Hà Nội hôm 24/1, ông Mattis nói “Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực và do đó tự do hàng hải và tiếp cận biển Đông đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam về mặt kinh tế, và tất nhiên là về mặt an ninh.”

Sách lược (Quốc phòng Mỹ) vạch rõ hơn mọi lần khi nói Trung Quốc có kế hoạch khống chế khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và thay thế vai trò lãnh đạo của Mỹ.

Nguyễn Mạnh Hùng, GS Đại học George Mason

Trước khi ông Mattis lên đường sang thăm châu Á, Lầu Năm Góc hôm 19/1 công bố Sách lược Quốc phòng, coi Trung Quốc là nước cạnh tranh chiến lược với Mỹ.

“Sách lược này vạch rõ hơn mọi lần là nói rõ Trung Quốc có kế hoạch khống chế khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và thay thế vai trò lãnh đạo của Mỹ,” theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, cũng là một chuyên gia về chính trị và quan hệ quốc tế.

Sách lược quốc phòng mới công bố xác định Việt Nam và 3 quốc gia Đông Nam Á khác là những đối tác an ninh quan trọng trong khu vực của Hoa Kỳ, theo GS Thayer.

“Sự kiện Việt Nam và Indonesia được chọn là điểm đến của ông Mattis trong chuyến thăm này là bằng chứng cho thấy tầm quan trọng của các nước này đối với mục tiêu của Hoa Kỳ muốn có một “khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở rộng,” giáo sư Thayer nhận định.

Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nằm trong sách lược đối ngoại an ninh của Mỹ lần đầu được giới thiệu trong chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump tới Việt Nam để dự diễn đàn APEC hồi tháng 11 năm ngoái.

Trang tin tức ZingNews nói chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là “nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, tin cậy giữa nhân dân và quân đội hai nước.”

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-tin-tuong-my-se-kiem-che-trung-quoc-tren-bien-dong/4221933.html

 

Trung Quốc được phép

nghiên cứu hải dương ven biển Philippines

Thu Hằng

Hôm nay 24/01/2018,truyền thông Philippines loan tin Manila đã cấp phép cho Trung Quốc để nghiên cứu hải dương học trong vùng biển phía tây nước này, bao trùm vùng Benham Rise, bờ đông đảo Luzon đến đảo Mindanao. Giấy phép có hiệu lực trong vòng 33 ngày kể từ ngày 24/01 đến hết ngày 25/02/2018.

Bản thỏa thuận bốn trang, được ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano công bố, cho phép « Viện Đại Dương của Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc đồng nghiên cứu với các nhà khoa học Philippines của Viện Khoa Học Hàng Hải thuộc đại học Philippines ».

Theo trang Rappler, Trung Quốc được phép thu thập dữ liệu nghiên cứu hải dương ở Tây Thái Bình Dương, nhưng bị nghiêm cấm khảo sát thủy văn, hoạt động lập bản đồ trong khu vực biển Philippines, khoan thăm dò trong thềm lục địa của Philippines và đánh bắt cá. Riêng các nhà khoa học Philippines được phép ra vào « không giới hạn » các khu vực nghiên cứu. Phía Philippines có quyền đình chỉ dự án nghiên cứu.

Trung Quốc sử dụng tầu nghiên cứu Ke Xue Hao, đã có mặt trong vùng biển Philippines từ ngày 23/01. Con tầu này phải cập nhật thường xuyên cho phía Philippines vị trí và diễn tiến của quá trình nghiên cứu.

Quyết định của chính phủ đã bị công luận chỉ trích. Luật sư Antonio Carpio thuộc Tòa Án Tối Cao đánh giá quyết định cho phép Trung Quốc thăm dò vùng biển Philippines là « khờ dại ». Còn ông Gary Alejano, đại diện của đảng Magdalo đối lập, cho rằng không thể tin vào Bắc Kinh vì « Trung Quốc nổi tiếng là nói một đằng, làm một nẻo ».

Trung Quốc dự kiến phát triển hai tầu lặn độ sâu 11 km

Từ giờ đến năm 2020, Trung Quốc dự kiến phát triển hai tầu lặn có thể đạt đến độ sâu 11 km. Trang tin Tân Hoa Xã ngày 23/01, trích lời ông Lý Phong (Li Feng), tổng thư ký hội nghiên cứu và phát triển tài nguyên khoáng sản đại dương Trung Quốc, cho biết một trong hai tầu lặn này sẽ được điều khiển từ xa và sẽ được đưa vào hoạt động sau loạt thử nghiệm.

Tầu lặn Giao Long (Jiaolong), từng đạt kỷ lục lặn sâu 7.062 mét vào tháng 06/2012, sẽ chính thức đi vào hoạt động vào năm 2018. Ngoài ra, Trung Quốc còn dự kiến phát triển thêm 4 tầu lặn khác. Ông Lý Phong cho biết hội nghiên cứu và phát triển tài nguyên khoáng sản đại dương Trung Quốc dự kiến thành lập một chi nhánh của Trung tâm Biển sâu Thanh Đảo (Qingdao) ở tỉnh Hải Nam.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180124-trung-quoc-duoc-phep-nghien-cuu-luu-thong-hang-hai-bo-bien-philippines