Tin Biển Đông – 24/11/2020
Khu trục hạm USS Barry trở lại Biển Đông
Khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS Barry của Hoa Kỳ đã trở lại Biển Đông hôm 22 tháng 11 năm 2020.
Website của Hạm đội Thái Bình Dương dẫn lời viên sĩ quan chỉ huy tàu USS Barry, Chris Gahl, cho hay mục đích quay trở lại Biển Đông của khu trục hạm nhằm “thực hiện hoạt động duy trì an ninh hàng hải và thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực”. Viên chỉ huy này nói thêm rằng, sự hiện diện liên tục của các chiến hạm của Mỹ ở Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì một khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Việc tàu USS Barry đi qua eo biển Đài Loan hôm 21 tháng 11 cũng nhằm bảo đảm quyền này và dần củng cố niềm tin của tất cả các nước có hoạt động thương mại ở Biển Đông.
Hôm 29 tháng 4 năm 2020, Hải Quân Mỹ loan báo chiến hạn USS Barry tiến hành hoạt động duy trì tự do hàng hải sát quần đảo Hoàng Sa. Lúc đó, hoạt động của chiến hạm USS Barry đã diễn ra theo kế hoạch và không hề gặp bất kỳ hành động thiếu an toàn hay thiếu chuyên nghiệp từ tàu thuyền hay máy bay quân sự Trung Quốc.
USS Barry là tàu khu trục lớp Arleigh Burke, được trang bị hệ thống tác chiến điện tử AN/SLQ-32, tên lửa hành trình Tomahawk và nhiều loại vũ khí khác.
Tin cho biết, USS Barry hiện đang triển khai trong khu vực hoạt động của Hạm đội 7 nhằm thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Từ đầu năm tới nay, USS Barry đã di chuyển hơn 65.000 hải lý và tham gia vào 8 cuộc tập trận đa quốc gia cũng như các nhiệm vụ huấn luyện cùng các đối tác như Australia, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hoa Kỳ luôn luôn khẳng định rằng các hoạt động của tàu hải quân Hoa Kỳ theo đúng luật quốc tế, nằm trong khuôn khổ các cuộc tuần tra tự do hàng hải FONOPs.
Trung Quốc chỉ trích Mỹ gây mất ổn định Biển Đông
Đại sứ quán Trung Quốc ở hai nước Philippines và Việt Nam hôm 24/11 đã đồng loạt lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ đang gây mất ổn định tình hình Biển Đông và chia rẽ Trung Quốc với các nước láng giềng.
Tuyên bố này của hai Đại sứ quán được đưa ra sau chuyến thăm mới đây của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien đến Việt Nam và Philippines.
Bài viết của Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội đăng trên Fanpage nói rằng phát biểu của ông O’Brien tại Việt Nam là “hoàn toàn đi ngược lại sự thật khách quan, chứa đầy tư duy chiến tranh lạnh và thành kiến ý thức hệ mạnh mẽ”.
Phát biểu tại Học viện Ngoại giao ở Hà Nội hôm 21/11, ông O’Brien đã nói đến mưu đồ của Trung Quốc trong các hành động nhằm kiểm soát sông Mekong và Biển Đông: “Từ biển Đông đến lưu vực sông Mekong, những nguồn tài nguyên phong phú dồi dào của đất nước các bạn thuộc về con cháu của các bạn.”
Quyền thừa hưởng những nguồn tài nguyên này không thể bị cướp mất chỉ đơn giản vì một nước láng giềng lớn hơn và thèm muốn những gì thuộc về các bạn”.
Ông O’Brien đồng thời cũng khẳng định cam kết của Mỹ với các nước trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương: “Hoa Kỳ có một lập trường vững chắc phản đối sự cưỡng ép bắt nạt của Trung Quốc tại biển Đông và các mối đe dọa an ninh trong khu vực Mekong”.
Bài viết của Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội khẳng định Trung Quốc luôn tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển” (UNCLOS), đồng thời khẳng định Trung Quốc đang làm việc với các nước ASEAN để giải quyết các vấn đề ở Biển Đông một cách hoà bình, không liên quan đến Mỹ.
Đại sứ quán Trung Quốc cũng cáo buộc Mỹ đã đặt vấn đề sông Mekong để vu khống Trung Quốc, phóng đại cái gọi là “mối đe doạ từ Trung Quốc”, mục đích để chia rẽ mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước thuộc khu vực sông Mekong.
Cũng trong ngày 24/11, Việt Nam và Hoa Kỳ đã tổ chức đối thoại trực tuyến chính sách quốc phòng Việt – Mỹ 2020. Hai bên đã cam kết sẽ tiếp tục hợp tác, thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh.
Biển Đông: Indonesia đưa bộ chỉ huy tác chiến Hải Quân đến quần đảo Natuna
Trọng Thành
Chính quyền Indonesia quyết định tăng cường khả năng tác chiến của lực lượng Hải Quân, để đối phó với nguy cơ từ Trung Quốc. Một lãnh đạo Hải Quân Indonesia thông báo bộ chỉ huy lực lượng tác chiến của Hải Quân nước này sẽ chuyển về quần đảo Natuna, khu vực mà tàu cá và tàu Hải Quân Trung Quốc nhiều lần xâm nhập trong những năm gần đây.
Hãng thông tấn Anadolu cho hay, phát biểu trước báo giới hôm qua, 23/11/2020, tổng tham mưu trưởng Hải Quân Indonesia, đô đốc Yudo Margono cho biết trụ sở của Hạm đội 1 kể từ giờ sẽ được chuyển từ thủ đô Jakarta về quần đảo Natuna. Các đơn vị của Hạm đội 1 có nhiệm vụ sẵn sàng tác chiến trên biển, bảo đảm việc tuân thủ luật pháp trên biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Nói chuyện với báo giới, tổng tham mưu trưởng Hải Quân Indonesia cho biết, quyết định này cho phép triển khai nhanh chóng chiến hạm để « phản ứng kịp thời » trước các sự cố bất ngờ. Việc Jakarta tăng cường lực lượng hải quân tại quần đảo Natuna ở Biển Đông diễn ra vào lúc căng thẳng gia tăng với Trung Quốc tại khu vực này.
Yêu sách chủ quyền « đường 9 đoạn » của Trung Quốc bao gồm cả một phần vùng đặc quyền kinh tế xung quanh quần đảo Natuna. Tháng Giêng 2020, Indonesia huy động lực lượng chưa từng thấy, gồm 120 tàu đánh cá, cùng tàu chiến, phi cơ để ngăn chặn sự xâm nhập của tàu cá Trung Quốc có tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống tại khu vực quần đảo Natuna. Tháng 5/2020, Jakarta đã gửi công hàm đến Liên Hiệp Quốc bác bỏ yêu sách « đường 9 đoạn » của Trung Quốc, vốn đã bị Tòa Trọng Tài Thường Trực bác bỏ hồi 2016, trong vụ kiện của Philippines. Tháng 7/2020, 24 tàu chiến của Indonesia đã tham gia cuộc tập trận 4 ngày ở Biển Đông nhằm thách thức các yêu sách « đường 9 đoạn » của Bắc Kinh.