Tin Biển Đông 24-10-2016
Quốc hội Việt Nam yên lặng về biển Đông
Vào ngày 20/10/2016, Quốc hội Khóa 14 của Việt Nam bắt đầu phiên họp thứ hai. Cho đến lúc này chưa thấy vấn đề Biển Đông được đề cập đến, mặc dù trước đó, báo chí Việt Nam có tường thuật tại những buổi tiếp xúc cử tri của các vị lãnh đạo đại biểu quốc hội nhiều ý kiến lo lắng về thái độ và hành động cứng rắn của Trung quốc trên biển Đông lâu nay.
Đảng và Quốc hội
Ông Nguyễn Vũ Bình, một cựu tù nhân chính trị, và từng làm việc biên tập cho Tạp chí cộng sản của đảng cộng sản Việt Nam cho rằng việc truyền thông nhà nước loan tải các ý kiến cứng rắn của cử tri đối với Trung Quốc là một sự cởi mở trong không khí truyền thông ở Việt Nam,
“Dạo này cũng có cở mở do truyền thông lề trái rất gay gắt. Thứ hai là cũng có xu hướng ở trong dân, và một phần nào đó trong hệ thống, không khuất phục hoàn toàn chuyện đi chơi với Trung quốc.”
Tại Quốc hội Việt Nam, cơ quan được cho là không có thực quyền như đảng cộng sản, cũng từng có những đại biểu phát biểu một cách thẳng thắn thái độ của bản thân trên diễn đàn Quốc hội đối với sự lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông.
Nhưng những phát biểu như thế không thấy ở những kỳ họp đảng, hay những quan chức đại diện đảng khi thực hiện những chuyến viếng thăm Trung Quốc.
Ông Trần Quốc Thuận, nguyên chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam cho biết:
“Ở Việt Nam thì chỉ có một đảng lãnh đạo. Và đảng lãnh đạo thì thống nhất, trực tiếp và toàn diện. Cho nên về nguyên tắc thì những phát biểu đó phải thống nhất về nội dung, ý tưởng bên trong, còn sự thể hiện thì tùy ở mỗi con người, mỗi vai vế, phát biểu nó có thể khác nhau.
Ở đảng thì nói có thể khác quốc hội một chút, lực lượng vũ trang cũng có thể khác. Nhưng mục tiêu vẫn là giữ vững độc lập dân tộc, không lệ thuộc một nước nào. Cái độc lập đó, kể cả vùng biển đảo thì Việt Nam cũng đã khẳng định rồi.”
Ông Nguyễn Vũ Bình cũng cho rằng thực ra các phát biểu của các lãnh đạo đảng, hay đại biểu quốc hội, cũng là đảng viên, thực chất không khác nhau:
“Nói năng và ứng xử có phần khác bên đảng thôi. Do môi trường nó như thế. Về mặt nói năng khá cởi mở hơn. Bởi vì anh tiếp xúc với dân thì ít nhiều anh cũng nghe phản ảnh của dân, tâm tư nguyện vọng của dân.
Rồi phải giao tiếp và trả lời, không thể cứng nhắc như bên đảng được. Cho nên nó bắt buộc là phải mềm dẻo phù hợp với môi trường đó. Chứ về bản chất không có gì khác nhau cả.”
Trưởng ban tuyên giáo sang Bắc Kinh
Ngày 20 tháng 10, ông Đinh Thế Huynh, Trưởng ban tuyên giáo Trung ương, cơ quan lo về lý luận của đảng cộng sản thăm Trung Quốc và có làm việc với ông Tập Cận Bình, người đứng đầu đảng cộng sản và nhà nước Trung Quốc.
Theo những bản tin của truyền thông Việt Nam loan tải thì ông Huynh có đề cập đến chuyện là Việt Nam đề nghị giải quyết chuyện Biển Đông bằng biện pháp hòa bình. Nhưng không thấy trích lời ông Tập Cận Bình về biển Đông.
Chuyến thăm Trung Quốc của ông Đinh Thế Huynh trùng với các phiên họp của quốc hội Việt Nam đang diễn ra tại Hà Nội.
Theo dõi các phiên hợp quốc hội này, ông Phạm Chí Dũng, một nhà báo độc lập tại Sài gòn nói rằng:
“Kỳ này không khí phản ứng của quốc hội Việt Nam đối với Trung Quốc là rất yếu ớt. Rất yếu ớt so với cuối năm 2011, và rất yếu ớt với tháng năm tháng sáu năm 2014 khi mà có sự kiện giàn khoan 981 nổ ra ở biển Đông.”
Sau sự kiện giàn khoan 981, trong một phiên họp của Quốc hội, tướng Đỗ Bá Tỵ, lúc đó là thứ trưởng Bộ quốc phòng Việt Nam tuyên bố rất cứng rắn rằng âm mưu của Trung Quốc thực hiện thống trị Biển Đông với đường ranh giới 9 đoạn tự tuyên bố của họ, là không bao giờ thay đổi.
Trong buổi trao đổi với chúng tôi vào ngày 24 tháng 10, ông Trần Quốc Thuận nói rằng âm mưu của Trung Quốc đối với Việt Nam là câu chuyện đã kéo dài hàng ngàn năm nay, tuy nhiên chiến tranh không phải là điều hay.
Nhưng ông nói tiếp là cũng phải chuẩn bị chiến tranh để mong giữ được hòa bình.
Chính sách Biển Đông của Việt Nam?
Cuối tháng chín 2016, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự hiện sống ở Hà Nội có nói với chúng tôi rằng tình thế của Việt Nam rất khó khăn vì có một quốc gia láng giềng như Trung Quốc, và ông đánh giá cao chính sách ngoại giao đi giữa các cường quốc của Việt Nam. Ông nói thêm:
“Có thể nói bất kỳ một lực lượng chính trị nào, lên nắm quyền ở Việt Nam thay cho chính quyền hiện tại, đều phải đối mắt với những vấn đề hết sức khó khăn đó.
Và nếu mình biết được mối quan hệ như thế, tình hình như thế, nhiều người cho rằng chính sách đối ngoại của Việt Nam là chính sách đu dây, chưa biết chừng chính sách ấy là chính sách khó thể bỏ qua được.”
Đánh giá về thái độ của Quốc hội Việt Nam hiện nay về hàng loạt vụ lấn át của Trung Quốc ở Biển Đông từ năm 2015 đến nay, ông Phạm Chí Dũng cho rằng có lẽ Việt Nam đang chờ xem thái độ của các cường quốc Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong cuộc họp báo của Bộ ngoại giao Việt Nam vào ngày 24 tháng 10, bình luận về chuyến thực thi quyền tự do hàng hải của tàu chiến Mỹ ở khu vực quần đảo Hoàng Sa hôm 21 tháng 10, người phát ngôn bộ ngoại giao là ông Lê Hải Bình trả lời rằng Việt Nam có chủ quyền ở Hoàng sa và Trường sa, đồng thời ông mong rằng các cường quốc đến với biển Đông để duy trì hòa bình. Ông không nhắc gì đến Trung quốc cũng như Hoa Kỳ. – RFA
Trung Quốc lên án tàu chiến Mỹ chạy ngang Biển Đông
Khu vực quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông.
Trung Quốc hôm thứ Sáu 22/10 lên án việc một tàu khu trục của hải quân Mỹ chạy ngang qua vùng biển gần các hòn đảo đang trong vòng tranh chấp trên Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh tuyên bố thuộc chủ quyền của mình. Bắc Kinh nói đây là một hành động khiêu khích và “bất hợp pháp nghiêm trọng”.
Trước đó, phía Mỹ nói hành động của họ là để thách thức ý đồ của Bắc Kinh muốn giới hạn quyền tự do hàng hải trong vùng biển này.
Một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ nói tàu khu trục USS Decatur chạy ngang qua quần đảo Trường Sa ngày hôm qua, thứ Sáu, trong một sứ mạng ‘thường lệ và hợp pháp’ để thách thức “các tuyên bố chủ quyền hàng hải thái quá” của Trung Quốc.
Ông nói tàu chiến Mỹ không tiến vào vùng biển trong phạm vi 12 hải lý giới hạn chủ quyền từ các hòn đảo, theo luật quốc tế. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại các hòn đảo này, chồng lấn với tuyên bố chủ quyền của Việt Nam và Đài Loan.
Trung Quốc không công nhận giới hạn chủ quyền lãnh thổ quốc tế, và còn tố cáo Mỹ là một quốc gia chuyên ‘gây rối’ trong khu vực.
Các tàu chiến Trung Quốc theo sát khu trục hạm USS Decatur của Mỹ đã lên tiếng cảnh cáo, đồng thời yêu cầu khu trục hạm của Mỹ rời khỏi khu vực.
Như vậy tính cho đến thời điểm này thì trong một năm qua, tàu Hải quân Mỹ đã thực hiện 4 chuyến hải hành để khẳng định quyền tự do hàng hải trên khắp Biển Đông.
Trước đó, một thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tàu Mỹ đã không xin phép đi vào các vùng biển của Bắc Kinh và vi phạm luật Trung Quốc lẫn luật quốc tế.
Tòa Bạch Ốc nói hoạt động này nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải của các nước dựa trên luật quốc tế.
Trong cuộc họp báo thường nhật hôm 21/10, phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, Josh Earnest, nhấn mạnh:
“Hoạt động này khẳng định các nước ven biển không được giới hạn một cách bất hợp pháp tự do hàng hải, quyền tự do, và quyền được phép sử dụng biển hợp pháp của Hoa Kỳ và tất cả các quốc gia khác, dựa trên luật quốc tế.” – VOA