Tin Biển Đông – 23/11/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 23/11/2018

Báo TQ ngang nhiên “bày mưu”

dùng công trình dân sự độc chiếm Biển Đông

Tờ báo nhà nước Study Times (TQ) đã ngang nhiên lên tiếng khuyên chính phủ nước này tập trung xây nhiều công trình dân sự hơn ở các đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông.

Cùng với việc tuyên bố chủ quyền trái phép ở Biển Đông, Bắc Kinh đã liên tiếp xây dựng bất hợp pháp các căn cứ quân sự trên đảo nhân tạo, khiến dư luận thế giới bất bình.

Nhưng không dừng lại ở đó, trong một bài xã luận được xuất bản mới đây, tờ Study Times của Trung Quốc còn ngang nhiên bình luận rằng: “Hoạt động can thiệp quân sự của các nước với tần suất cao chưa từng thấy là mối đe dọa lớn đối với nền hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Nếu không có sức mạnh quân sự áp đảo của Trung Quốc ở Biển Đông, thì việc giữ gìn hòa bình và ổn định sẽ chỉ là lý thuyết suông và không đạt được những gì chúng ta mong muốn”.

Sau đó, tờ này còn “hiến kế” là Trung Quốc nên đẩy mạnh việc bành trướng ảnh hưởng ở Biển Đông bằng các hoạt động dân sự. “Trung Quốc nên tập trung xây các ngọn hải đăng, sân bay dân sự, cơ sở nghiên cứu hàng hải, cứu nạn trên biển, cơ quan nghiên cứu và dự báo thời tiết”, tờ này viết.

“Như chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh, sau khi hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên đảo, Bắc Kinh sẽ cung cấp dịch vụ an ninh cho các nước trong khu vực”.

Bài viết của trang báo Trung Quốc cũng trắng trợn tự bao biện rằng những công trình [xây dựng trái phép] nói trên là nhằm giúp cộng đồng quốc tế chống lại khủng bố và cướp biển.

Theo Reuters, trước đây, Trung Quốc từng nhiều lần bao biện rằng các công trình xây dựng phi pháp của họ ở Biển Đông là nhằm mục đích dân sự và cứu hộ cứu nạn, họ cũng sẵn sàng hỗ trợ các nước khác…

Nhưng trên thực tế, người nước ngoài cũng không được tiến gần các đảo nhân tạo bất hợp pháp. Mọi hoạt động xung quanh vùng đảo đều nằm trong quyền kiểm soát gắt gao của quân đội Trung Quốc.

Bắc Kinh đã thường xuyên chỉ trích Mỹ và đồng minh vì hoạt động hàng hải gần những đảo nhân tạo mà họ bồi đắp trái phép trong khu vực.

Về phần mình, đầu tháng này, Mỹ đã đưa ra lời kêu gọi cứng rắn, yêu cầu Trung Quốc ngừng các hoạt động quân sự ở Biển Đông.

http://biendong.net/diem-tin/24894-bao-tq-ngang-nhien-bay-muu-dung-cong-trinh-dan-su-doc-chiem-bien-dong.html

 

Nga tập trận chung với Brunei ở Biển Đông

Hạm đội Thái Bình Dương của Nga vừa có một cuộc tập trận chung với Hải quân Brunei ở Biển Đông. Hãng tin TASS của Nga trích lời phát ngôn viên hạm đội ông Nikolai Voskresensky cho biết như vậy hôm 23/11.

Ông Voskresensky cho biết một lực lượng thuộc hạm đội bao gồm tàu tuần dương có tên lửa Varyag, khu trục hạm Đô Đốc Panteleyev và tàu chở dầu Boris Butoma vừa hoàn tất chuyến thăm cảng Muara của Brunei. Sau đó các tàu này và Hải quân Brunei đã thực hiện một cuộc diễn tập chung ở Biển Đông để huấn luyện việc tìm kiếm cứu nạn và thông tin liên lạc.

Các tàu thuộc hạm đội Thái Bình Dương của Nga đang thực hiện một chuyến đi kéo dài 3 tháng bắt đầu từ ngày 1/10 vừa qua, xuất phát từ cảng Vladiivostok. Các thuỷ thủ Nga, theo TASS cho biết, sẽ tham gia một số các cuộc tập trận bao gồm cả cuộc tập trận chung với Ấn Độ. Trước đó, tàu Nga cũng đến thăm Nhật Bản, Nam Hàn, và Trung Quốc.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/sailor-from-russia-brunei-train-jointly-in-scs-11232018092824.html

 

Việt Nam yêu cầu Philippines, TQ tuân thủ

luật quốc tế khi hợp tác dầu khí ở Biển Đông

Bộ Ngoại giao Việt Nam đề nghị Philippines và Trung Quốc tiến hành hoạt động hợp tác dầu khí ở Biển Đông theo đúng quy định của UNCLOS.

Tổng thống Philippines Duterte (trái) đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ ba từ trái sang) tới Manila ngày 20/11. Ảnh: Reuters.

“Hợp tác dầu khí giữa Philippines và Trung Quốc tại Biển Đông chỉ có thể được tiến hành tại những khu vực mà hai nước có chủ quyền và quyền chủ quyền, theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS)”, bà Nguyễn Phương Trà, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, hôm nay nhấn mạnh trong họp báo thường kỳ.

Phó phát ngôn đề cập đến việc Philippines và Trung Quốc hôm 20/11 ký bản ghi nhớ về phát triển dầu khí ở Biển Đông, nhân chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy chi tiết của thỏa thuận chưa được công bố, ông Tập nói rằng thỏa thuận hợp tác này “gửi một thông điệp mạnh mẽ đến thế giới rằng hai nước là đối tác tìm kiếm sự phát triển chung”. Lãnh đạo Trung Quốc và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng thống nhất đưa quan hệ hai nước lên tầm đối tác chiến lược toàn diện.

Theo bà Trà, Việt Nam nhiều lần khẳng định lập trường nhất quán về vấn đề Biển Đông, coi trọng hợp tác quốc tế, trong đó có hợp tác trên biển, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan, phù hợp với lợi ích các bên, với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, vì hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực cũng như quan hệ hữu nghị của các quốc gia.

Dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, Philippines chủ trương xây dựng quan hệ ngày càng thân cận hơn với Trung Quốc và xa rời đồng minh truyền thống Mỹ. Ông Duterte nhiều lần khẳng định sẽ không đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và tìm kiếm cơ hội tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư với nước này.

http://biendong.net/doc-bao-viet/24904-viet-nam-yeu-cau-philippines-tq-tuan-thu-luat-quoc-te-khi-hop-tac-dau-khi-o-bien-dong.html

http://biendong.net/doc-bao-viet/24903-bien-dong-va-dai-loan-hai-van-de-my-khong-bao-gio-nhuong-bo-tq.html

 

Tổ chức nghiên cứu Mỹ:

TQ xây dựng cấu trúc phi pháp mới ở Hoàng Sa

Trung Quốc đã cho xây dựng một cấu trúc mới ở khu vực hẻo lánh của quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, theo một số hình ảnh vệ tinh được tổ chức nghiên cứu Mỹ thu được.

Tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington, Mỹ cho biết một kết cấu mới đã được Trung Quốc xây dựng trên Đá Bông Bay, thuộc nhóm đảo An Vĩnh của quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam với một mái che radar và những tấm pin năng lượng mặt trời.

“Diễn biến mới này rất đáng chú ý nếu xét đến vị trí chiến lược của Đá Bông Bay, cộng với khả năng hành vi xây dựng tương tự có thể được lặp lại ở các khu vực khác trên Biển Đông” – nhóm nghiên cứu nói trong một tuyên bố ngày 21/11, theo Reuters.

Theo nhóm nghiên cứu của AMTI, mục đích sử dụng của cơ sở này chưa được làm rõ nhưng nó có thể là mục đích quân sự. “Rải đá nằm liền kề trực tiếp với các tuyến đường vận chuyển lớn chạy giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa về phía Nam, khiến nó trở thành một địa điểm hấp dẫn để đặt hệ thống cảm biến mở rộng việc thu thập dữ liệu radar và tình báo của Trung Quốc trên những vùng biển quan trọng này” – CSIS cho biết trong một văn bản được Reuters dẫn lại.

Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa trả lời yêu cầu bình luận.

http://biendong.net/doc-bao-viet/24898-to-chuc-nghien-cuu-my-tq-xay-dung-cau-truc-phi-phap-moi-o-hoang-sa.html

 

Báo Anh: Trung Quốc dùng hiệp định dầu khí

để áp đặt chủ quyền Biển Đông

Trong chuyến viếng thăm hai nước Đông Nam Á Brunei và Philippines, từ 18 đến 21/11/2018, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ ký kết hai biên bản ghi nhớ về thăm dò và khai thác dầu khí chung với hai nước này. Mục tiêu của Bắc Kinh khi thúc đẩy việc ký các hiệp định khai thác dầu khí chung chính là nhằm ngăn chận các nước bên ngoài khu vực vào khai thác các nguồn tài nguyên rất dồi dào trong các khu vực đang có tranh chấp ở Biển Đông.

Theo tờ nhật báo Anh Financial Times hôm nay, 23/11/2018, những người chỉ trích trong khu vực đã ngay lập tức lên án đề nghị của Trung Quốc. Họ cảnh báo là những hiệp định kiểu như vậy sẽ tạo ra những cơ sở pháp lý mới cho các đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự mà Bắc Kinh đang xây dựng ở Biển Đông.

Hai chính khách Philippines đối lập với tổng thống Rodrigo Duterte đã đệ trình một nghị quyết phản đối biên bản ghi nhớ ký với Trung Quốc, xem văn bản này là vi hiến. Trong nghị quyết, hai vị này khẳng định : « Khi ký kết với Trung Quốc văn bản này, Philipines coi như công nhận quyền đồng sở hữu với Trung Quốc vùng Biển Tây Philippines ( Biển Đông ) ». Họ yêu cầu chính phủ công bố nội dung của văn bản ký với Bắc Kinh.

Theo Finanacial Times, giới báo chí Philippines cũng đòi chính phủ công bố toàn văn biên bản ghi nhớ, nhưng Ngoại trưởng Teodoro “Teddyboy” Locsin, nói thẳng là ông phải có sự đồng ý của Trung Quốc mới được quyền công bố văn bản này. Brunei, cũng là một quốc gia tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, cũng đã không công bố biên bản ghi nhớ ký với Trung Quốc nhân chuyến viếng thăm của chủ tịch Tập Cận Bình.

Các chuyên gia về công nghiệp cho rằng, mặc dù việc thăm dò dầu khí chung, nhất là thăm dò chung với Trung Quốc, vẫn còn là một viễn cảnh xa vời, nhưng việc ký kết các biên bản ghi nhớ nói trên đã là một thắng lợi đối với Bắc Kinh. Financial Times trích nhận định của nhà tư vấn Eufracia Taylor thuộc Verisk Maplecroft : « Biên bản ghi nhớ có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị. Đây là một thắng lợi đối với riêng Bắc Kinh, vì họ đã thành công trong việc thúc đẩy nước láng giềng chấp nhận thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế của chính họ theo những điều kiện của Trung Quốc ».

Nhật báo Anh nhắc lại rằng Philippines hiện nay cần dầu khí hơn là Trung Quốc. Mỏ khí chính của Philippines tại Malampaya, ngoài khơi đảo Palawan, theo dự kiến sẽ cạn kiệt vào năm 2030. Thế nhưng, do áp lực của Trung Quốc, Manila không thể thăm dò khu vực Reed Bank, nơi được xem là có trữ lượng rất lớn.

Chính phát ngôn viên của tổng thống Duterte đã gián tiếp thừa nhận thế yếu của Philippines trước Trung Quốc, khi ông tuyên bố rằng, mặc dù phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực năm 2016 công nhận chủ quyền của Manila trên vùng đặc quyền kinh tế của mình, nhưng Philippines lại không thể một mình buộc các nước khác tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế này.

Theo nhật báo Financial Times, các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, đã theo dõi sát việc ký kết các biên bản ghi nhớ giữa Trung Quốc với Brunei và Philippines. Dưới áp lực của Trung Quốc, từ năm 2017, Hà Nội đã phải đình chỉ hai dự án dầu khí với công ty Repsol của Tây Ban Nha. Công ty Rosneft của Nga vào tháng Năm đã bắt đầu khoan thăm dò một mỏ khí tại một nơi khác ở Biển Đông, nhưng cũng đã bị bộ Ngoại Giao Trung Quốc phản đối.

Tờ báo Anh cũng lưu ý rằng trong bản dự thảo mà họ đề nghị cho Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông ( COC), hiện đang thương lương với ASEAN, Trung Quốc có thêm vào một điều khoản quy định rằng các nước trong khu vực này không được tập trận chung với các nước bên ngoài, và không được cho phép các công ty bên ngoài vào khai thác tài nguyên ở Biển Đông mà không có sự chấp thuận của các nước khác trong khu vực.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181123-financial-times-trung-quoc-dung-hiep-dinh-dau-khi-de-ap-dat-chu-quyen-bien-dong