Tin Biển Đông – 23/11/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Dầu khí là khóa giải mã

cho tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông

Ralph Jennings

Tìm kiếm dầu khí được xem là nhân tố chính đằng sau các tuyên bố chủ quyền chồng chéo trên Biển Đông, trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực đang phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu.

Cho đến giờ, chưa ai tìm được mỏ dầu khí có trữ lượng lớn đáng kể nào trên Biển Đông có diện tích lên tới 3,5 triệu kilômét vuông trải dài từ Ðài Loan tới Singapore, cho dù đã có nhiều cuộc thăm dò liên tục từ thập niên 1970.

Giới phân tích theo dõi những tranh chấp trên Biển Đông chỉ ra rằng chủ quyền quốc gia là lý do hàng đầu đối với các nước tìm kiếm dầu khí trong khu vực. Brunei, Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam đều tiến hành dò tìm nguồn dầu khí. Chính phủ Philippines mở thầu cho các công ty tư nhân thăm dò dầu khí vào năm 2014.

Ông Fabrizio Bozzato, một nhà nghiên cứu chuyên về quan hệ quốc tế của trường Đại học Tamkang ở Ðài Loan, nhận định:

“Biển Đông không phải là Ả Rập Xê-út, không phải là Iraq, mà cũng không phải là Trung Ðông. Mục tiêu chủ yếu của các nước truyên bố chủ quyền ở đó không phải là lý do họ muốn giành quyền tiếp cận các nguồn dầu khí trong khu vực. Thăm dò và khai thác dầu khí là cách để họ đánh dấu ranh giới lãnh hải.”

Dò tìm nhiên liệu hóa thạch được đề cập tới hồi tháng 10 khi Manila và Bắc Kinh bắt đầu thảo luận về khả năng cùng hợp tác để thăm dò dầu khí. Theo truyền thông Philippines, các cuộc thảo luận nằm trong khuôn khổ nỗ lực khôi phục các mối quan hệ đã trở nên căng thẳng từ năm 2012, khi tàu thuyền hai nước đối đầu nhau tại khu vực bãi cạn Scarborough nằm về phía tây đảo Luzon.

Tại Ðài Loan, nước cũng tuyên bố phần lớn chủ quyền trên Biển Đông, cựu tổng thống nước này đề nghị hợp tác thăm dò dầu khí với các bên tranh chấp chủ quyền trong khu vực.

Nhưng các nhà phân tích chỉ ra rằng hoạt động thăm dò dầu khí đánh đi tín hiệu là nước liên hệ có quyền kiểm soát vùng biển đang được thăm dò khai thác, khơi mào cho một loạt vụ tranh cãi.

Khi Philippines bơm khí đốt lên từ Palawan vào năm 1976, Trung Quốc liền phản ứng khiến dự án phải dừng lại.

Hành động của Trung Quốc đưa một giàn khoan dầu vào Vịnh Bắc bộ vào năm 2014 đã gây ra những vụ xung đột trên biển với Việt Nam, dẫn đến các cuộc biểu tình bài Trung Quốc có lúc đã chuyển thành bạo động đổ máu. Việt Nam cũng chính thức phản đối một giàn khoan dầu khác của Trung Quốc hồi tháng 4 năm nay.

Ông Carl Baker, giám đốc CSIS ở Honolulu, nói hợp tác khai thác dầu khí hàm ý một thỏa hiệp về chủ quyền:

“Không có nhiều động lực khuyến khích các nước thực sự muốn bắt tay thăm dò, khai thác dầu khi trong khu vực, đơn giản là vì rất khó có thể đạt thỏa thuận với các nước khác bởi vì làm như vậy có nghĩa là công nhận ở một mức độ nào đó quyền của một bên tranh chấp được khai thác tài nguyên ở đó. Đối với Trung Quốc, đây là một chuyện khó thực hiện. Còn đối với Việt Nam và Philippines, hai nước này nhận ra rằng làm như vậy sẽ gây ra xáo trộn trong nước.”

Các đây 40 năm, Philippines đã bắt đầu tìm kiếm dầu khí ở phía tây đảo Palawan và bãi Cỏ Mây. Năm 1984, một công ty của Philippines tìm thấy một mỏ dầu trong cùng khu vực. Mỏ dầu này cung cấp đến 15% lượng dầu tiêu thụ ở Philippines hàng năm.

Cơ quan Thông tin Năng lượng của Mỹ ước đoán 11 tỉ thùng dầu và hơn 5 triệu tỉ mét khối khí đốt đang nằm dưới đáy biển. Một phần lớn trong số này nằm ở thềm lục địa Ðông Nam Á, nơi các nước đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Ông Baker cho rằng nguồn năng lượng tiềm năng ở đó chưa được khai thác.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng của Mỹ, Ả Rập Xê-út có trữ lượng khoảng 268 tỉ thùng dầu, Iraq có khoảng 144 tỉ thùng. Nga đứng đầu thế giới về trữ lượng khí đốt với khoảng 143 triệu tỉ mét khối.

Các nhà phân tích nói giá dầu giảm cộng với kinh phí cao để khai thác dầu dưới đáy biển hạn chế giá trị xuất khẩu của nguồn dầu khí dưới biển.

Ông Oh Ei Sun, giáo sư giảng dạy môn quan hệ quốc tế tại Đại học Nanyang ở Singapore, nói tại Malaysia, nước tìm được trữ lượng nhiên liệu hóa thạch lớn nhất trong số các nước tranh chấp chủ quyền Biển Đông, ít người ủng hộ và thúc đẩy hoạt động khai thác dầu khí. Ông nói:

“Cho dù có tìm được các mỏ dầu khí mới, thì cũng phải tiêu tốn rất nhiều tiền cho công cụ, trang thiết bị để khai thác nguồn nhiện liệu đó. Cho nên theo tôi thì tính cấp bách của việc phải đi dò tìm các nguồn dầu khí vào lúc này là không cao.”

http://www.voatiengviet.com/a/dau-khi-la-khoa-giai-ma-cho-tranh-chap-chu-quyen-o-bien-dong/3608374.html

 

Mỹ và Philippines sẽ giảm quy mô tập trận chung

Thanh PhươngThu Hằng

Các quan chức quân sự Hoa Kỳ và Phillippines đồng ý sẽ giảm bớt quy mô của các cuộc tập trận chung, cũng như giảm bớt số quân Mỹ tham gia tập trận chung. Một viên tướng Philippines tham gia đàm phán đã thông báo như trên hôm qua, 22/11/2016, theo Reuters.

Tuyên bố chung được đưa ra hôm qua sau cuộc họp giữa tham mưu trưởng quân đội Philippines, tướng Ricardo Visaya và tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, đô đốc Harry Harris, chỉ cho biết là Philippines và Hoa Kỳ tiếp tục « hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực trọng yếu đối với lợi ích quốc gia và lợi ích an ninh ». Hợp tác đó bao gồm trợ giúp nhân đạo, cứu hộ thiên tai, chống khủng bố và an ninh hàng hải.

Thế nhưng, một viên tướng có tham gia đàm phán, xin được miễn nêu tên, tiết lộ rằng hai bên còn đồng ý sẽ giảm bớt quy mô và tần suất của các cuộc tập trận chung giữa hai nước, cũng như giảm số binh lính Mỹ tham gia các cuộc thao dượt này. Trong hai năm qua, tổng cộng có khoảng 5.000 quân nhân Mỹ đã tham gia vào các cuộc tập trận chung với Philippines.

Viên tướng nói trên cho biết bộ Quốc Phòng Philippines đã chỉ thị cho quân đội nước này giảm bớt quy mô các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ, hướng các cuộc thao dượt này vào lĩnh vực cứu hộ thiên tai, ngưng các cuộc tập trận trên biển và tập đổ bộ.

Trong nhiều thập niên, Philippines vẫn là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á, nhưng kể từ khi tổng thống Duterte lên nắm quyền, Manila có vẻ muốn rời xa Washington để xích gần lại Bắc Kinh.

Trung Quốc gia tăng thao dượt với nhiều nước Đông Nam Á

Quân đội Trung Quốc và Malaysia đã bắt đầu đợt diễn tập chung ngày 22/11/2016 tại Paya Indah, thuộc bang Selangor, Malaysia, nhằm thắt chặt hợp tác an ninh và quốc phòng.

Theo Tân Hoa Xã, cuộc tập trận mang tên « Hữu nghị Hòa bình 2016 » (Peace Friendship 2016), tập trung vào cứu trợ nhân đạo và cứu hộ trong trường hợp thiên tai. Phía Malaysia có 410 quân nhân tham gia và phía Trung Quốc có 195 người. Một số đại diện của quân đội hoàng gia Thái Lan cũng có mặt với vai trò quan sát viên trong cuộc tập trận song phương trên.

Tại buổi lễ khai mạc, ông Phòng Phong Huy (Fang Fenghui), ủy viên Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc, bày tỏ hy vọng hai nước có thể tận dụng cơ hội này để cùng nỗ lực chiến chống khủng bố trên biển và các mối đe dọa hàng hải.

Trung Quốc và Malaysia có mối quan hệ chặt chẽ hơn về mặt quân sự trong những năm gần đây. Đây là lần thứ ba, hai nước tiến hành thao dượt chung. Vào tháng 10, một chiến hạm Trung Quốc đã cập cảng Klang để thăm hữu nghị Malaysia.

Kế hoạch với Cam Bốt

Khoảng một tháng sau đợt diễn tập với Malaysia, quân đội Trung Quốc cũng sẽ có hoạt động tương tự với quân đội Cam Bốt. Theo The Diplomat ngày 23/11, đợt tập trận chung mang tên « Rồng Vàng » (Golden Dragon) dự kiến kéo dài 8 ngày, từ 15 đến 23/12/2016, tại Học viện Quân Sự Tasek Thlok, tỉnh Kampong Speu.

Sẽ có hơn 500 quân nhân của cả hai bên tham gia đợt diễn tập và tập trung vào các lĩnh vực như sửa chữa khẩn cấp, xây dựng đường bộ, điều trị y tế trong trường hợp thiên tai, dò phá mìn, xây dựng đập và cứu trợ lũ lụt.

Chi tiết đợt diễn tập đã được công bố trong chuyến công du Cam Bốt của tướng Vương Giáo Thành (Wang Jiaocheng). Đây cũng là một phần nghị sự trong buổi gặp gỡ giữa tướng Vương và các quan chức Cam Bốt, trong đó có bộ trưởng Quốc Phòng Tea Banh và tướng Pol Saroeun, tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Hoàng Gia Campuchia (RCAF).

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161123-my-va-philippines-se-giam-quy-mo-tap-tran-chung

 

Khu bảo tồn Scarborough :

Philipplines cấm đánh cá, Trung Quốc im lặng

Thu Hằng

Bắc Kinh từ chối bình luận về đề nghị của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về việc thành lập khu bảo tồn biển tại khu đầm bên trong bãi cạn Scarborough (mà Philippines gọi là Panatag). Lời đề nghị được đưa ra trong buổi làm việc song phương ngày 19/11/2016 tại Lima, bên lề Diễn đàn APEC.

Theo website Philstar, điều này đi ngược với phát biểu gần đây của ông Martin Andanar, thư ký Văn phòng truyền thông tổng thống, rằng chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ghi nhận ý kiến của tổng thống Duterte. Theo đó, tổng thống Philippines có kế hoạch đơn phương tuyên bố cấm mọi hoạt động đánh bắt bên trong khu bảo tồn biển Scarborough, trong khi các hoạt động đánh bắt xung quanh vẫn được duy trì.

Đọc thêm : Philippines đề nghị lập khu bảo tồn biển tại Scarborough với Trung Quốc

Trong buổi họp báo ngày 22/11/2016, khi được hỏi về phản ứng của Trung Quốc trước kế hoạch xây khu bảo tồn biển tại bãi cạn đang có tranh chấp, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Cảnh Song (Geng Shuang) chỉ nhấn mạnh : « Trung Quốc và Philippines đã đạt được một thỏa thuận là nối lại đối thoại và tham vấn để giải quyết tranh chấp Biển Đông ». Ông cũng khẳng định : « Chủ quyền và quyền tài phán của Trung quốc đối với đảo Hoàng Nham (tên gọi tiếng Trung bãi cạn Scarbourough) là không thay đổi ».

Về vấn đề bãi cạn Scarborough, trong vụ Manila kiện Trung Quốc về Biển Đông, Tòa Trọng Tài Thường Trực có trụ sở tại La Haye, ngày 12/07/2016, ra phán quyết nhấn mạnh Trung Quốc không có quyền ngăn cản cư dân Philippines vào ngư trường truyền thống và khẳng định Bắc Kinh đã để cho tàu cá Trung Quốc vào khu vực này đánh bắt bừa bãi, gây tổn hại môi trường, vi phạm các quy định của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà Trung Quốc cũng là một bên tham gia.

Hội thảo Indonesia-Trung Quốc về Biển Đông

Vẫn liên quan đến tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, trong một cuộc hội thảo do Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) và Viện Đối Ngoại Trung quốc (CPIFA) đồng tổ chức tại Jakarta, giới chuyên gia đều nhất trí quản lý hàng hải và đối thoại là chìa khóa để hòa giải một cách hòa bình tranh chấp tại Biển Đông.

Tờ Jakarta Post ngày 22/11 trích đánh giá của các chuyên gia tham gia hội thảo, theo đó khả năng leo thang căng thẳng tại Biển Đông sẽ xảy ra vào khoảng những năm 2030-2040, sau khi các nước trong khu vực, trong đó có cả Trung Quốc, hoàn thiện quá trình hiện đại hóa quân sự. Cán cân sức mạnh trong vùng sẽ thay đổi, dẫn đến bất ổn, thậm chí là xung đột.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161123-khu-bao-ton-scarborough-philipplines-cam-danh-ca-trung-quoc-im-lang

 

TQ từ chối cho biết có ủng hộ

lệnh cấm đánh cá của Philippines hay không

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Ba từ chối cho biết liệu họ có ủng hộ một sắc lệnh hành chính của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, tuyên bố một phần Bãi cạn Scarborough có tranh chấp là khu bảo tồn biển cấm ngư dân tiếp cận, hay không.

Tranh chấp về Bãi cạn Scarborough là một trong những tranh chấp có liên quan tới một số nước Đông Nam Á tìm cách chống lại sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Từ năm 2012, Trung Quốc đã điều lực lượng hải cảnh của mình tới để ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận bãi cạn này, dù nó nằm trọn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.

Ông Duterte định sẽ đưa ra một tuyên bố đơn phương cấm ngư dân khai thác sinh vật biển ở một vùng phá thanh bình vốn là trung tâm của nhiều năm tranh cãi gay gắt, và là cơ sở của một vụ kiện mà Philippines đã đệ trình lên tòa án trọng tài và đã thắng.

Diễn tiến này, loan báo hôm thứ Hai, được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ủng hộ, văn phòng của ông Duterte cho biết.

Khi được hỏi về loan báo này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng Trung Quốc đã có những “dàn xếp thỏa đáng” trên tinh thần hữu nghị cho phép ngư dân Philippines hoạt động xung quanh bãi cạn này.

“Chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với Đảo Hoàng Nham vẫn không và sẽ không thay đổi,” ông Cảnh nói trong một cuộc họp báo hàng ngày, sử dụng tên tiếng Trung mà Trung Quốc dùng để gọi bãi cạn này.

Ông Tập và ông Duterte hội kiến hôm thứ Bảy bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC tại Lima, thủ đô Peru, và cam kết sẽ duy trì động lực cải thiện mối quan hệ, theo lời ông Cảnh.

“Chúng tôi hy vọng Trung Quốc và Philippines có thể tiếp tục tăng cường đối thoại và hợp tác, và biến vấn đề Biển Đông thành một yếu tố tích cực trong việc thúc đẩy tình hữu nghị song phương và hợp tác,” ông Cảnh nói.

Ông không nhắc tới khu bảo tồn biển của ông Duterte.

Việc thành lập một khu bảo tồn biển, nếu thành công, có thể cho cả hai nước một cách giữ thể diện để phá vỡ thế bế tắc ngoại giao mà không phải đưa ra một thỏa thuận chính trị hay những nhượng bộ chính thức.

Theo kế hoạch mà văn phòng Tổng thống Philippines loan báo, ngư dân của cả hai nước có thể thả lưới ở rìa của vùng phá, nhưng không phải bên trong, để quần thể cá có thể sinh sôi.

Đây là cử chỉ mới nhất đối với Trung Quốc trong diễn biến được xem là sự đảo ngược đáng kinh ngạc chính sách ngoại giao của Philippines dưới thời ông Duterte. Ông đã quay sang làm lành với Bắc Kinh trong khi đả kích đồng minh lâu năm của mình là Mỹ về điều mà ông gọi là đạo đức giả và bắt nạt.

Trung Quốc đã làm dịu lập trường của mình kể từ khi ông Duterte trở về từ chuyến thăm cao cấp tới Bắc Kinh vào tháng 10. Những ngư dân Philippines tiến gần tới bãi cạn nói rằng lực lượng hải cảnh của Trung Quốc không còn đuổi họ đi nữa, như nước này đã làm trong bốn năm qua.

http://www.voatiengviet.com/a/tq-tu-choi-cho-biet-co-ung-ho-lenh-cam-danh-ca-cua-philippines-hay-khong/3607507.html