Tin Biển Đông – 23/10/2018
Bắc Kinh giận dữ, Hải quân Anh cam kết
ủng hộ đồng minh, thực thi tự do hàng hải
Bất chấp phản đối giận dữ của Trung Quốc, Đô đốc Philip Andrew Jones của Hải quân Hoàng gia Anh tuyên bố nước Anh sẽ thực thi quyền tự do hàng hải, qua lại trên khắp Biển Đông, ủng hộ các đồng minh trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương.
Bản tin của tờ Express của Anh dẫn lời Đô Đốc Jones nói: “Nếu anh diễn giải tình hình khác với công ước mà đa số các nước trên thế giới đều theo, thì đương nhiên lối diễn giải đó sẽ bị chống cự.”
Tư lệnh Hải quân Anh nói thêm: “Nếu không (bị chống cự), thì ta sẽ chứng kiến các nước trên khắp thế giới đua nhau đưa ra lối diễn giải của riêng họ.”
Vào tháng trước, Bắc Kinh tố cáo nước Anh vi phạm luật Trung Quốc và luật quốc tế, đồng thời “xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc” khi điều tàu hải quân HMS Albion vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa trong Biển Đông, khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.
Thủy thủ đoàn trên tàu tấn công HMS Albioncủa Hải quân Hoàng gia Anh tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 3/8/2018.
Hồi cuối tháng 8 vừa rồi, chiến hạm HMS Albion của Hải quân Anh đã chở một đội Thuỷ quân Lục chiến đi ngang qua vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa trên đường sang thăm Việt Nam. Chiếc tàu cập cảng Saigòn vào ngày 3/9.
Lúc đó Trung Quốc cáo buộc rằng Anh đã có hành động ‘khiêu khích’, và TQ chính thức khiếu nại với chính quyền Anh.
Bộ Ngoại Giao TQ nói:
“Trung Quốc mạnh mẽ hối thúc phía Anh hãy lập tức ngưng ngay các hành động khiêu khích như vậy, để tránh phương hại tới bức tranh toàn cảnh của các mối quan hệ song phương, hòa bình và ổn định khu vực.”
Đài Loan sắp tập trận bắn đạn thật ở Trường Sa
Đài Loan sẽ tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật trong ba ngày vào tháng sau ở đảo Ba Bình, thuộc Biển Đông, nhằm khẳng định chủ quyền của Đài Bắc đối với quần đảo Trường Sa. Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) cho biết hôm 23/10. Tờ báo có trụ sở ở Hồng Kông nói rằng động thái này chắc chắn sẽ khiến cho đối thủ tranh chấp chủ quyền với Đài Loan trong khu vực này là Việt Nam tức giận.
Cuộc tập trận dự kiến sẽ diễn ra từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối, từ ngày 21 đến 23 tháng 11, và sẽ sử dụng súng phóng lựu 40mm và các vũ khí khác bắn đạn thật ra biển và trên không quanh khu vực đảo Ba Bình, mà Đài Loan gọi là đảo Thái Bình.
“Đây là hoạt động thực hành bắn đạn thật thường xuyên mà chúng tôi đã tổ chức trong nhiều năm”, SMCP dẫn lời ông Tsai Tzung-hsien, người đứng đầu bộ phận quan hệ công chúng của Cảnh sát biển Đài Loan nói.
Theo lời quan chức này, cuộc tập trận sẽ được tổ chức ở khu vực nằm trong phạm vi 5 hải lý của Đảo Ba Bình, nhằm “bảo vệ tính toàn vẹn lãnh thổ Đài Loan và tăng cường khả năng phòng thủ của hòn đảo”.
Ông Tsai nói thêm rằng cuộc tập trận sẽ không gây nguy hiểm cho tàu nước ngoài qua lại khu vực hay an toàn của các quốc gia gần đảo Ba Bình.
Giới chức của Đài Loan nói thông tin về cuộc tập trận đã được thông báo ra, trong đó có Việt Nam.
Theo SCMP, dự kiến cuộc tập trận cũng sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận. Trung Quốc lâu nay vẫn tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, và thường nổi giận mỗi khi Đài Loan tổ chức tập trận để thể hiện sức mạnh quốc phòng trong bối cảnh luôn phải đối diện với mối đe dọa quân sự dai dẳng từ Hoa lục.
Tuy nhiên, cuộc tập trận vào tháng tới lại diễn ra ở Biển Đông, nơi cả Đài Bắc lẫn Bắc Kinh đều có tuyên bố chủ quyền chống lại Việt Nam trên quần đảo Trường Sa.
Với diện tích 0,51 km2, Đảo Ba Bình là hòn đảo tự nhiên lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, có thể là nơi cư trú và tiến hành hoạt động kinh tế.
Theo lời ông Tsai, cuộc tập trận còn có mục đích kiểm tra khả năng đáp ứng của cả vũ khí hạng nhẹ lẫn hạng nặng và nhân sự của nước này tại đây.
https://www.voatiengviet.com/a/dai-loan-sap-tap-tran-ban-dan-that-o-truong-sa/4625770.html
Trung Quốc – ASEAN tập trận chung ở Biển Đông
Trang tin China News Service hôm 23/10 cho biết một cuộc tập trận lần đầu tiên giữa ASEAN và Trung Quốc trên Biển Đông đã diễn ra từ ngày 22/10 ở thành phố Trạm Giang của Trung Quốc. Dự kiến cuộc tập trận sẽ kéo dài 6 ngày.
Theo China News Service, cuộc tập trận có sự tham gia của 8 tàu chiến, 3 trực thăng và hơn 1.200 quân nhân. Trong số này, Trung Quốc điều động 3 tàu chiến, Singapore cử một tàu hộ vệ, Brunei có 1 tàu tuần tra, Thái Lan điều 1 tàu hộ vệ. Philippines cử một tàu hậu cần, Việt Nam có một tàu tham gia là tàu hộ vệ. Các nước Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar cử quan sát viên tới theo dõi cuộc tập trận.
Phát biểu tại lễ khai mạc cuộc diễn tập, Phó Đô đốc Hải quân Singapore Lew Chuen Hong nói rằng việc cho phép sử dụng chung một khu vực ổn định, những nguyên tắc chung và sự hiểu biết lẫn nhau là điều quan trọng. Ông cũng nói đến Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982 và bộ quy tắc hải quân mà các nước ASEAN và các cường quốc trong khu vực đã đạt được vào năm ngoái.
Hồi tháng 8 vừa qua, các giới chức Hải quân của 11 nước đã thảo luận kế hoạch tập trận với các tình huống giả định như tìm cứu cứu nạn và sơ tán y tế.
Phó Đô đốc Hải quân Trung Quốc Yuan Yubai trong bài phát biểu của mình hôm 22/10 gọi cuộc tập trận đầu tiên trên thực địa giữa ASEAN và Trung Quốc là bước tiến quan trọng hướng tới an ninh, hợp tác và xây dựng lòng tin trong khu vực.
Tại cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và các cường quốc trong khu vực diễn ra hồi cuối qua, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho biết ASEAN cũng đang lên kế hoạch tập trận chung với Hải quân Hoa Kỳ vào năm tới. Mục đích của cuộc tập trận được nói là để tạo thế cân bằng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong khu vực.
Bản tin Biển Đông ngày 23/10/2018
Ngày 22/10, tờ National Post đưa tin, máy bay AG600 – máy bay đổ bộ do Trung Quốc sản xuất – đã thực hiện chuyến cất cánh từ mặt nước đầu tiên tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Cuối năm ngoái, chiếc máy bay này đã có chuyến bay đầu tiên nhưng cất cánh từ mặt đất. Theo các quan chức chính phủ Trung Quốc, AG600 là chiếc máy bay lớn nhất thuộc loại này, được phát triển chủ yếu phục vụ cho các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng có khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng chiếc máy bay này cho các hoạt động quân sự tại Biển Đông bởi máy bay này có thể vận chuyển vật tư tới các đảo ở xa mà máy bay lớn thông thường không thể cất hay hạ cánh. Truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin, cho biết máy bay AG600 có thể được sử dụng như một máy bay cảnh báo sớm ở Biển Đông nếu cần thiết.
Trung Quốc tức giận khi Hải quân Anh thề sẽ đi qua Biển Đông
Ngày 22/10, trang Express của Anh đưa tin, Đô đốc Philip Jones thuộc Hải quân Hoàng gia Anh cho biết ông sẽ đưa các tàu chiến của Anh đi qua vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, thể hiện sự ủng hộ các đồng minh ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và chống lại Trung Quốc đang buộc tội Anh gây kích động khi cho tàu HMS Albion đi gần quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông hồi tháng 9 vừa qua. Đô đốc Jones phát biểu “Nếu bạn đang định có cách giải thích khác về Công ước dành cho phần lớn các quốc gia thì điều đó sẽ bị phản đối. Nếu không, bạn có thể thấy ngay trên thế giới, ai sẽ bắt đầu tự đưa ra giải thích của riêng mình”.
Mỹ đang làm tranh chấp ở Biển Đông tồi tệ hơn
Ngày 22/10, Hoàn Cầu Thời báo tiếp tục đăng bài viết buộc tội Mỹ ở Biển Đông. Bài viết của tác giả Chen Xiangmiao, trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc, có tựa đề “Các bước đi của Mỹ đang làm tranh chấp ở Biển Đông tồi tệ hơn”. Theo đó, bài viết cho rằng tình hình Biển Đông gần đây dường như đang chứng kiến sự đối lập phân cực giữa Trung Quốc và Mỹ. Mỹ đã cùng với các đồng minh và đối tác sử dụng các biện pháp chính trị, ngoại giao, quân sự và công luận để kiềm chế Trung Quốc. Cụ thể, các bước đi quân sự thường xuyên của Mỹ đã đẩy Biển Đông đến bên bờ đối đầu. Trong hai năm qua, chính quyền Trump đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Biển Đông trong chiến lược toàn cầu của Mỹ và sự hiểu biết về những thách thức và mối đe dọa mà Mỹ phải đối mặt ở khu vực đã thay đổi. Mỹ coi các hoạt động thực thi pháp luật, phát triển các đảo, triển khai thiết bị quân sự và thúc đẩy đàm phán Bộ quy tắc ứng xử mà Trung Quốc đang tiến hành là thách thức đối với sự kiểm soát của Washington ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Bài viết phân tích các mối lo ngại của Mỹ, bao gồm: lợi thế quân sự vượt trội của Mỹ có thể bị suy yếu, Mỹ có thể bị đẩy ra rìa trong việc xây dựng luật biển ở khu vực, kiến trúc an ninh song phương và đa phương do Mỹ dẫn đầu có thể bị lung lay. Mỹ cho rằng Trung Quốc đang đẩy Mỹ ra khỏi Tây Thái Bình Dương, ảnh hưởng đến phân bổ quyền lực khu vực, quy tắc ứng xử và kiến trúc an ninh. Bài viết cho rằng Mỹ đang dựa trên các đánh giá sai lầm này mà tăng cường đầu tư chiến lược mạnh mẽ vào Biển Đông. Washington sẽ sử dụng biện pháp nào cứng rắn hơn thì chưa rõ nhưng chắc chắn các đồng minh và đối tác của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương như Australia và Nhật sẽ cùng với Mỹ gia tăng vai trò, lợi ích của mình ở Biển Đông, chống lại Trung Quốc.
Bài viết khẳng định, đối với Trung Quốc, Biển Đông có nghĩa là chủ quyền, an ninh và phát triển, Trung Quốc cần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền tài phán trên biển và bảo đảm các hành lang an toàn cho nhập khẩu năng lượng và vận chuyển hàng hóa. Đối mặt với một nước Mỹ hung hăng ở Biển Đông, Trung Quốc không có nhiều lựa chọn. Xét trong bối cảnh hiện tại, Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc đối phó, bao gồm cả việc gia tăng triển khai quân sự ở khu vực. Nếu Mỹ cứ khăng khăng cho rằng Biển Đông là nơi Bắc Kinh bắt đầu các cố gắng để thách thức vị thế của Washington như một siêu cường duy nhất và cạnh tranh quyền lực trong hệ thống quốc tế, thì quan điểm sai lầm này sẽ gây ra “một cuộc chiến không thể tránh khỏi” giữa hai nước tại vùng biển này.
http://biendong.net/diem-tin/24317-ban-tin-bien-dong-ngay-23-10-2018.html
ASEAN chất vấn TQ và Mỹ
về vụ chạm trán ở Biển Đông
Lo ngại về những căng thẳng Mỹ – Trung ở Biển Đông, bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN chất vấn 2 cường quốc tại một hội nghị thượng đỉnh về an ninh ở Singapore vào cuối tuần trước, theo Straits Times.
Phát biểu với các phóng viên vào cuối Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM-Plus) hôm 20/10, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nói vụ chạm trán gần đây giữa tàu chiến Mỹ và tàu khu trục Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp “khiến chúng tôi hết sức lo ngại”.
“Trong các cuộc đối thoại của mình, chúng tôi đã không ngần ngại nói thẳng. Chúng tôi hỏi thẳng họ: Cái gì đã xảy ra giữa 2 chiếc tàu? Chúng tôi có nên lo lắng không? Quan hệ Mỹ – Trung ra sao”, ông Ng Eng Hen thông báo.
“Và theo tôi, chính hành động chất vấn của ASEAN, dù đó là Bộ trưởng Quốc phòng Mattis hay Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa, khiến họ tạm ngừng để tập trung suy nghĩ của mình, xây dựng chiến lược và đưa ra quyết định”, ông Ng Eng Hen nói thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen. (Ảnh: Straits Times)
Ngoài Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và người đồng nhiệm Trung Quốc, Tướng Ngụy Phượng Hòa, các bộ trưởng quốc phòng của Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, New Zealand và Hàn Quốc cũng đã tham dự hội nghị thượng đỉnh hàng năm, tạo thành 8 đối tác của Hội nghị ADMM Mở rộng.
Hai Bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ và Trung Quốc đã hủy bỏ một cuộc họp theo lịch trình ở Bắc Kinh, trong bối cảnh sự thù địch ngày càng gia tăng từ cả 2 phía, nhưng đã thể hiện một thái độ hòa giải khi họ gặp nhau 1,5 tiếng bên lề hội nghị cấp cao hôm 18/10.
Đầu tháng này, Mỹ cho biết một tàu khu trục Trung Quốc tiến sát khoảng 41m gần tàu chiến Mỹ USS Decatur ở Biển Đông, trong “một hành động không an toàn và thiếu chuyên nghiệp”, khi tàu chiến Mỹ tiến hành một hoạt động tự do hàng hải.
Ông Ng Eng Hen nói các bộ trưởng ASEAN rất vui khi được nghe cả ông Mattis và Tướng Ngụy Phượng Hòa đưa ra đảm bảo rằng sự ổn định và an ninh là ưu tiên hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc.
Ông Ng Eng Hen thông báo ông đã nói với Tướng Ngụy Phượng Hòa rằng Trung Quốc cần một chính sách đáp ứng sự tự do của các hoạt động hàng hải của Mỹ mà không làm gia tăng căng thẳng, và “tôi nghĩ ông ấy hiểu ý tôi là gì”.
Các bộ trưởng ASEAN và 8 đối tác đối thoại cũng thảo luận về tình hình trên bán đảo Triều Tiên, sự gia tăng vũ khí hủy diệt hàng loạt, và các mối đe dọa không gian mạng.
Đặc biệt, họ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo đuổi việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, và tôn trọng luật pháp quốc tế, như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
ASEAN mong muốn có một giải pháp nhanh chóng cho các cuộc đàm phán đang diễn ra, có được một bộ quy tắc ứng xử (COC), giúp các nước xử lý các tranh chấp lãnh thổ trên các tuyến hàng hải chiến lược và bận rộn, với giá trị thương mại qua lại 5,3 ngàn tỷ USD mỗi năm. Các nước ASEAN như Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines đều có yêu sách chồng chéo với Trung Quốc trong khu vực.
Hôm 20/10, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore thừa nhận cần phải thận trọng khi tiến hành cuộc tập trận hàng hải ASEAN – Trung Quốc lần đầu tiên trên vùng biển không tranh chấp, và nguyên tắc tương tự áp dụng cho cuộc tập trận hàng hải Mỹ – ASEAN mở đầu vào năm tới, được tổ chức ở vùng biển ASEAN.
“Điều đó rất nhậy cảm. Các bạn ra ngoài để tập trận, chứ không phải để gây ra căng thẳng”, ông Ng Eng Hen nhận xét.
http://biendong.net/bi-n-nong/24293-asean-chat-van-tq-va-my-ve-vu-cham-tran-o-bien-dong.html
Hoàn Cầu Thời Báo: Việt Nam
‘sẽ không trở thành con cờ của Mỹ’ ở Biển Đông
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một ấn bản của tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vừa cho đăng hai bài báo liên tiếp trong hai ngày 21 và 22/10/2018, mạnh mẽ đả kích các động thái mới nhất của Mỹ thể hiện lập trường cứng rắn hơn tại Biển Đông và tìm cách thành lập một liên minh chống TQ. Tác giả bài báo ngày 22/10 còn nói “trước ‘thái độ gây hấn của Mỹ, Trung Quốc không có nhiều lựa chọn, và có thể sẽ phải có biện pháp mạnh chống lại”. Về nước láng giềng Việt Nam, một nhà phân tích TQ cho rằng, dưới quyền Tổng Bí Thư và sắp tới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam sẽ tỏ ra ‘khôn ngoan hơn và không ‘sẵn sàng làm một con cờ của Mỹ’.
Trong bài báo đăng lên trang mạng của tờ Hoàn cầu Thời báo đêm 21/10 dưới tiêu đề ‘Liệu Việt Nam có sẽ rập khuôn theo Mỹ ở Biển Đông?’, tác gỉả cho rằng trong mấy năm qua, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã đạt được đồng thuận về cơ bản để duy trì tình trạng ổn định trong Biển Đông.
Tác giả Li Jiangang, một nhà nghiên cứu của Viện Nam Á, Đông Nam Á và Châu Đại Dương thuộc Viện nghiên cứu các Quan hệ Quốc tế đương đại TQ, nói vì không sẵn sàng chấp nhận các vùng biển này đang biến chuyển từ một điểm nóng sang thành một khu vực tương đối yên bình, nên Hoa Kỳ quay sang ve vãn Việt Nam và các nước láng giềng để các nước này hậu thuẫn các nỗ lực của Washington ‘thiết lập một vùng Biển Đông do Mỹ thống trị’.
Nhà nghiên cứu Trung Quốc viện dẫn việc Mỹ điều chiến hạm vào vùng biển thuọc phạm vi 12 hải lý cách quần đảo Trường Sa – mà Trung Quốc gọi là Nam Sa, là một hành động khiêu khích, và nhấn mạnh chuyến đi thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis nằm trong chiến lược rộng lớn của Mỹ để kiềm hãm Trung Quốc.
Trên đường tới tpHCM, Bộ trưởng Mattis nói với các nhà báo rằng Washington quan tâm sâu xa tới việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các hòn đảo trong Biển Đông, ông cảnh giác về “sự hiện diện quân sự đang tăng” và ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh trong khu vực. Ông Mattis còn khuyến cáo các nước nhỏ về ý đồ của Trung Quốc, sử dụng sức mạnh kinh tế áp đảo để làm lợi cho mình trong khi phương hại tới các lợi ích các nước nhỏ. Tái khẳng định quan điểm không chấp nhận Trung Quốc quân sự hóa biển Đông hoặc có hành vi cưỡng ép tại khu vực này, ông Mattis kêu gọi các nước trong khu vực tăng cường hợp tác chống lại hành vi này.
Tác giả bài báo miêu tả Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, người sắp kiêm nhiệm luôn chức Chủ tịch nước, là một nhân vật theo đuổi các chính sách thân Trung Quốc, một người thực tiễn và mong muốn duy trì ổn định, cho nên Mỹ và các nước phương Tây lo ngại “các thành phần thân Trung Quốc có quan điểm trung hòa” sẽ chi phối chính sách đối ngoại Việt Nam trong tương lai.
Theo tác giả thì “Việt Nam “không sẵn sàng trở thành một con cờ của Mỹ.”
Nêu lên việc Việt Nam vẫn theo đuổi một chính sách đối ngoại “đa dạng và đa phương, tác giả nói Hà nội sẽ duy trì tính độc lập của mình bằng cách kết thân với nhiều nước. Theo bài báo Việt Nam trong thời gian qua đã tìm cách cân bằng giữa các cường quốc và từ chối ngả về bất cứ bên nào. Và kể từ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII năm 2016, giới lãnh đạo Việt Nam đã chọn một chính sách ngoại giao mềm dẻo và ôn hòa hơn cho nên ‘không xảy ra bất cứ cuộc đụng độ nào với Trung Quốc’ trong giai đoạn này, và nhờ đó Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng kinh tế đáng kể.
Tác giả lưu ý rằng truyền thông nhà nước Việt Nam đã không hết mình cổ vũ cho chuyến đi thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, mà còn tránh đề cập tới “Biển Đông” trong thời gian này.
Bài báo cho rằng giới lãnh đạo Việt Nam vẫn nghi ngại ý đồ của Hoa Kỳ, viện các lý do ủng hộ dân chủ, nhân quyền để gây rối, và cảnh giác Hoa Kỳ “chưa bao giờ từ bỏ ý định bảo trợ cho một cuộc cách mạng màu” tại Việt Nam.
Bài báo kết luận rằng hợp tác là giải pháp duy nhất. Tham gia Con Đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 của Trung Quốc sẽ có lợi cho Việt Nam, hơn là mua vũ khí và chọn giải pháp đối đầu quân sự.
Trong một bài báo khác đăng trên Tờ Hoàn cầu Thời báo ngày 22/10, một nhà nghiên cứu của Viện quốc gia nghiên cứu Biển Nam Trung Hoa nói rằng tại Hoa Kỳ dường như các chính khách, các học gỉả và giới truyền thông đều đồng thuận với nhau khi mô tả ‘bất cứ hành động nào của Trung Quốc tại đây cũng đều có tính cách “gây hấn, nhằm mục đích bành trướng, và đe dọa các quyền lợi của Hoa Kỳ”.
Bài báo viết Mỹ coi Bắc Kinh là một đối thủ thách thức hiện trạng, và do đó đang tìm cách xây dựng và củng cố vây cánh chống lại Trung Quốc, bằng “chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương”.
Tác giả bài báo, Chen Xiangmiao, nói trước những động thái hung hăng của Mỹ, Bắc Kinh không có nhiều lựa chọn, mà trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục leo thang giữa hai nước, Trung Quốc không có sự lựa chọn nào khác hơn là đề ra những giải pháp chống lại, kể cả biện pháp triển khai quân sự tới khu vực.
Tác giả nói Mỹ đã sai lầm khi cho rằng Biển Đông là nơi Bắc Kinh bắt đầu các nỗ lực nhằm thách thức vị thế cường quốc duy nhất của Mỹ trên thế giới, chực leo thang xung đột để giành quyền thống trị hệ thống quốc tế, và nếu Mỹ tiếp tục có “quan điểm sai trái đó thì có nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh khó tránh khỏi” giữa hai nước tại điểm nóng trong khu vực này.
Trong trường hợp đó, Biển Đông có phần chắc sẽ trở thành tuyến đầu của “một cuộc chiến tranh lạnh mới.”