Tin Biển Đông – 23/09/2019
Tàu Hải Dương 8 lại rời bãi Tư Chính đi về Đá Chữ Thập
Tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc vừa rời khu vực bãi Tư Chính và đi về hướng Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa vào thứ Hai, ngày 23/9. Trang tin South China Morning Post trích dữ liệu từ trang chuyên theo dõi đường đi của tàu biển MarineTrafffic.
Đây là lần thứ 3 tàu này rời bãi Tư Chính để đi về Đá Chữ Thập do Trung Quốc kiểm soát, kể từ đầu tháng 7 vừa qua khi đội tàu Hải Dương 8 vào vùng biển của Việt Nam.
Hiện tại Bắc Kinh vẫn chưa nói gì về lý do tại sao tàu này rời bãi Tư Chính. Tuy nhiên, hai lần trước, tàu này chỉ rời bãi Tư Chính khoảng trên dưới 1 tuần rồi quay lại bãi Tư Chính.
Hôm 3/7, tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 cùng với các tàu hải cảnh có trang bị vũ khí và dân binh đã vào phía bắc bãi Tư Chính của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó đã 3 lần lên tiếng yêu cầu Trung Quốc phải rút toàn bộ tàu khỏi vùng nước thuộc khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, căn cứ theo Công ước về luật biển của Liên Hiệp Quốc 1982 (UNCLOS).
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 18/9 lên tiếng nói rằng bãi Tư Chính thuộc vùng nước xung quanh quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đòi chủ quyền toàn bộ. Bắc Kinh đồng thời yêu cầu Việt Nam phải ngưng ngay lập tức toàn bộ các hoạt động khai thác dầu khí tại đây.
Hiện phía chính phủ Việt Nam vẫn chưa đưa ra lời bình luận chính thức nào về phát biểu này của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Bãi Tư Chính được ước tính có trữ lượng khoảng 45 triệu thùng dầu và 172 tỷ mét khối khí đốt. Đây cũng là nơi có những mỏ dầu khí đang khai thác của Việt Nam, đặc biệt là ở bồn trũng Nam Côn Sơn, nơi cung cấp đến 25% nhu cầu điện năng cho Việt Nam.
TQ có ý đồ tạo ‘thói quen xâm phạm’ biển Đông
So với trước đây, Bắc Kinh đã có sự điều chỉnh về chiến thuật, thể hiện sự ngang ngược ngày càng lớn và mức độ nguy hiểm ngày càng cao ở biển Đông.
Trong cuộc họp báo ngày 18-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc (TQ) Cảnh Sảng ngang ngược nói rằng TQ có chủ quyền tại quần đảo Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán tại khu vực Bãi Tư Chính ở gần đó (nguyên văn phía TQ gọi là quần đảo Nam Sa và bãi Wan’an Tan – PV). Đồng thời Cảnh Sảng khẳng định lập trường này của TQ có cơ sở vững chắc về lịch sử và pháp lý, theo website Bộ Ngoại giao TQ.
Phản ứng của TQ diễn ra sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng lên tiếng: “Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu khảo sát Địa chất hải dương 8 của TQ tiếp tục các hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền , quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của mình được xác định phù hợp với các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”.
Hành vi ngày càng nguy hiểm
Nhận định về cách hành xử hung hăng kéo dài từ đầu năm đến nay của TQ ở biển Đông, TS Ngô Hữu Phước, Phó Trưởng khoa Luật quốc tế, Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, ĐH Luật TP.HCM, nhận định: “TQ lặp đi lặp lại luận điệu sai lệch nhằm ngoan cố theo đuổi ý đồ độc chiếm biển Đông, vốn đã kéo dài nhiều thập niên qua. Mở đầu chính là việc TQ khoanh vùng, đưa yêu sách đường chín đoạn (đã bị Tòa Trọng tài bác vào năm 2016). Tiếp đó, Bắc Kinh đẩy mạnh chiếm, bồi lấp, cải tạo các đảo nhân tạo phi pháp từ năm 2013. “Đó là những bàn đạp, tạo ra cơ sở về hậu cần, kỹ thuật cho các hoạt động của tàu thuyền, máy bay của TQ chiếm biển” – ông Phước nói.
Điểm đáng chú ý là càng về sau này TQ càng mở rộng phạm vi, mức độ hành vi sai phạm. Bằng chứng là những gì xảy ra trên thực địa từ nhiều tháng qua: TQ không chỉ có phát ngôn mà còn cử tàu chiến, tàu cảnh sát biển, tàu dân quân biển, tàu khảo sát địa chất… để gây hấn với hàng loạt nước khu vực biển Đông như Malaysia, Philippines, Việt Nam. Thậm chí TQ không ngại đe dọa, cản trở bên thứ ba như Mỹ, Úc, Anh tiếp cận khu vực.
“Trước đây TQ muốn biến các vùng biển của nước khác thành vùng biển có tranh chấp. Còn bây giờ Bắc Kinh ngang ngược khẳng định đó là biển của mình, không có tranh chấp với ai cả. Thế nên khi gặp phản ứng mạnh, ví dụ sự cương quyết từ phía Việt Nam, Bắc Kinh vẫn đeo bám và không rút tàu. Họ muốn nói rằng đó là biển của họ, họ thích đến thì đến chứ không ai được quyền cản” – chuyên gia Ngô Hữu Phước nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo ông Phước, trước đây TQ tập trung bảo vệ khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo trái phép, còn bây giờ TQ lại đẩy mạnh lập trường đảo nhân tạo do họ xây được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa. Điều đó là vô lý khi tham chiếu luật quốc tế, cụ thể là UNCLOS, nhưng TQ vẫn cứ làm. Ý đồ của họ là “cái sai nói mãi, làm mãi sẽ trở thành cái đúng”.
“Các chuyển biến về mặt chiến thuật nói trên đều nằm trong tính toán của TQ. Tôi nghĩ bản thân họ biết rằng hành xử của họ là sai nhưng họ lấy cái sai này để đè lên cái sai khác. Mà sự sai trái của TQ ngày càng nguy hiểm hơn, đáng báo động hơn” – ông Phước nói.
Muốn các nước mệt mỏi và từ bỏ
Về thông tin phát ngôn viên Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao TQ cáo buộc Việt Nam vi phạm Tuyên bố về ứng xử các bên ở biển Đông (DOC) và UNCLOS, ThS Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu biển Đông, ĐH Luật TP.HCM, khẳng định: “TQ cố ý diễn giải sai lệch luật pháp quốc tế để tiến hành các hành vi sai trái”.
Theo ông Việt, TQ cho rằng các hoạt động dầu khí của Việt Nam làm “phức tạp tình hình”, qua đó vi phạm DOC. “Lập luận này của Bắc Kinh là cách suy diễn hoàn toàn lệch lạc. Khái niệm “hành vi làm phức tạp tình hình” chỉ áp dụng cho các vùng biển có tranh chấp. Hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam hoàn toàn nằm trong EEZ và thềm lục địa của Việt Nam chiếu theo UNCLOS năm 1982 mà TQ cũng là thành viên. TQ muốn biến các vùng biển Việt Nam thành vùng biển tranh chấp nên viện dẫn rất vô lý đến quy định DOC” – ông Việt khẳng định.
http://biendong.net/bi-n-nong/30550-tq-co-y-do-tao-thoi-quen-xam-pham-bien-dong.html
Philippines tập trận chiếm đảo gần Biển Đông
Từ ngày 16/09/2019 vừa qua, quân đội Philippines đã khởi động cuộc tập trận mang tên DAGIT-PA tại ba địa điểm : Quezon City, Zambales, and Nueva Ecija, dự trù kéo dài cho đến ngày 27/09 tới đây.
Theo giới quan sát, điểm đáng chú ý trong cuộc tập trận lần này là lần đầu tiên thủy quân lục chiến Philippines đã sử dụng các phương tiện đổ bộ tấn công mới do Hàn Quốc chế tạo, trong những bài tập đổ bộ đánh chiếm đảo tại một khu vực sát cạnh Biển Đông.
Theo nhật báo Manila Bulletin, vào hôm 21/09 vừa qua, các đơn vị thủy quân lục chiến phối hợp với không quân và hải quân đã huy động các phương tiện tấn công đổ bộ (AAV) mới để thực hiện một cuộc tập trận theo một kịch bản đổ bộ tái chiếm một hòn đảo.
Địa điểm tập trận là một một bãi biển ở vùng Subic Bay, đối diện Biển Đông – nơi mà Bắc Kinh đã xây dựng nhiều cơ sở quân sự trên các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa.
Tuy nhiên, theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 22/09, phát ngôn viên các lực lượng vũ trang Philippines, đại tá Noel Detoyato, đã khẳng định rằng cuộc tập trận không nhắm trực tiếp vào Trung Quốc, hay « bất kỳ một vụ việc, hay khu vực cụ thể nào ».
Theo phát ngôn viên này : « Khu vực tập trận đã được sử dụng trong thời gian dài vì tọa lạc gần các doanh trại hải quân của chúng tôi ».
Còn trung tá Henry Espinosa, chỉ huy lực lượng đổ bộ Philippines thì đã cho rằng cuộc tập trận mang tính « lịch sử » vì đây là lần đầu tiên lực lượng thủy quân lục chiến Philippines sử dụng đến phương tiện đổ bộ tấn công của riêng mình.
Trước đây, binh lính Philippines cũng đã tập đổ bộ, những chủ yếu là tập trận chung với quân đội Mỹ, và sử dụng các phương tiện của Mỹ.
Theo tạp chí Quốc Phòng Anh, các loại xe đổ bộ tấn công mà Philippines tung vào cuộc tập trận lần này là loại xe mà cựu tổng thống Philippines Aquino đã đặt mua của Hàn Quốc vào năm 2016, và mới tháng Tư vừa qua mới được bàn giao.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190923-philippines-tap-tran-chiem-dao-gan-bien-dong-su-dung-xe-do-bo-moi
Sống trong nỗi sợ TQ ở Australia
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, nghị sĩ Australia Gladys Liu được hỏi: Bà có phải người phát ngôn cho đảng Cộng sản Trung Quốc không?
“Câu trả lời rất đơn giản. Không”, Liu trả lời.
Nhưng thực tế, câu trả lời tưởng chừng như đơn giản của Liu trong buổi phỏng vấn tuần trước lại đang tạo nên một làn sóng tranh cãi ở Australia. Liu là nghị sĩ gốc Hoa đầu tiên của quốc hội Australia và có những thông tin rằng bà cách đây không lâu còn giữ vai trò thành viên trong các nhóm có liên hệ với đảng Cộng sản Trung Quốc.
Câu trả lời của Liu, cùng những phản ứng gay gắt sau đó, đã cho thấy những mâu thuẫn nội bộ ở Australia về việc làm sao để hòa nhập cộng đồng nhập cư Trung Quốc đang ngày càng mở rộng, những người vốn không được coi trọng trong hệ thống chính trị Australia và chủ yếu bị nhìn nhận giống như nguồn cung cấp tài chính dồi dào.
Cộng đồng người Trung Quốc ở Australia đang gia tăng nhanh chóng về quy mô và ảnh hương, nhưng cùng với đó, Australia ngày càng hoài nghi về sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các thể chế Australia, chuyên gia nhận định.
Nhiều quốc gia trên thế giới đang phải vật lộn với câu hỏi làm thế nào để đối phó với nỗ lực gây ảnh hưởng của Trung Quốc, nhưng thách thức này đặc biệt rõ rệt ở Australia.
“Những tranh cãi về Gladys Liu là lời cảnh báo rằng Australia, giống như các quốc gia khác, cần chín chắn hơn trong các cuộc tranh luận về Trung Quốc”, Rory Medcalf từ Trường An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Australia bình luận.
“Sai lầm thực chất nằm ở sự tự mãn lâu nay của giới chính trị gia Australia”, ông nói và thêm rằng trong khi các đảng phái chính trị lớn ở Australia cảm thấy việc coi cộng đồng người Trung Quốc giống như những “cỗ máy in tiền” không có gì là sai trái, các cơ quan tình báo và chiến lược Trung Quốc lại nhìn nhận Australia như một mảnh đất ẩn chứa những cơ hội tuyệt vời.
Australia hiện có hơn một triệu người gốc Hoa. Người Trung Quốc đã tới Australia từ hai thế kỷ trước nhưng số lượng bắt đầu gia tăng nhanh chóng kể từ đầu thập niên 1970, khi Canberra chấm dứt Chính sách Australia Trắng, vốn ngăn người châu Á và dân các quốc đảo ở Thái Bình Dương nhập cư tới nước này.
Rất nhiều người Australia gốc Hoa đã đạt được thành công về kinh tế, đôi khi nhờ vào các mối quan hệ với đại lục. Thực tế trên cùng với áp lực dân tộc chủ nghĩa mà Bắc Kinh đặt vào các Hoa kiều, cộng đồng người nhập cư Trung Quốc ở Australia giờ đây liên tục phải đối diện với câu hỏi “Bạn có thể chứng minh lòng trung thành với Australia không” hay “Bạn có quá gần gũi với Trung Quốc không”.
Đây là bối cảnh cho cuộc phỏng vấn hồi tuần trước của Liu, nghị sĩ đã vươn lên trên chính trường Australia nhờ khả năng gây quỹ và thiết lập mối quan hệ trong cộng đồng người Trung Quốc.
Liu cho biết bà không nghĩ mối quan hệ lâu dài giữa bà với các tổ chức Trung Quốc có liên quan tới nỗ lực gây ảnh hưởng ở nước ngoài của Bắc Kinh. Bà gặp khó khăn trong việc đưa ra lập trường về những hành vi Trung Quốc thực hiện ở Biển Đông hay tình hình căng thẳng vì biểu tình ở Hong Kong, nơi bà sinh ra. Các nhà phân tích cho rằng Liu đã cân nhắc cẩn thận ngôn từ để không làm mất lòng Bắc Kinh.
Các đối thủ chính trị kêu gọi Liu tuyên bố trung thành với Australia, nơi bà sống từ những năm 1980 tới nay, đồng thời yêu cầu cơ quan tình báo để mắt kỹ hơn tới bất kỳ mối liên hệ nào giữa Liu với chính phủ Trung Quốc. Lãnh đạo đảng Tự do của bà, Thủ tướng Scott Morrison, gọi những yêu cầu trên là phân biệt chủng tộc và nhận được sự ủng hộ từ chính phủ Trung Quốc.
Ý kiến của công chúng hiện cũng chia rẽ. Một số ý kiến lo ngại Australia đang nghi ngờ cả một cộng đồng và hạ bệ một nghị sĩ nhiệm kỳ đầu có liên kết với các tổ chức Trung Quốc dựa trên ý thức hệ hơn là cân nhắc tới tiềm năng tài chính và quyền lực. Số khác tin rằng các tranh cãi xung quanh Liu bắt nguồn từ những mối quan ngại về chủ quyền và an ninh quốc gia.
Giới chuyên gia nhận định Australia đã né tránh những câu hỏi như vậy trong suốt thời gian dài bởi sự thèm khát tài nguyên thiên nhiên và bằng đại học của Trung Quốc đã giúp Australia trải qua một thời kỳ tăng trưởng kinh tế không bị gián đoạn.
“Chỉ hai năm gần đây Australia mới đề cập tới mặt hạn chế trong sự trỗi dậy của Trung Quốc. 15 năm trước, chúng ta chỉ nói về mặt tích cực”, John Lee, chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Mỹ ở Sydney, cho hay.
Năm ngoái, Australia thông qua các quy định chống lại sự can thiệp của nước ngoài, theo đó yêu cầu bất kỳ ai vận động hành lang cho một quốc gia khác đều phải đăng ký. Hai năm trước, Sam Dastyari, chính trị gia cánh tả thuộc Công đảng phải rời thượng viện do có cáo buộc một tỷ phú Trung Quốc đã trả tiền bất hợp pháp cho ông để vận động đảng thay đổi quan điểm về tranh chấp ở Biển Đông theo hướng có lợi cho Trung Quốc.
Chính quyền liên bang Australia cũng đã có một số biện pháp nhằm giữ khoảng cách với bắc Kinh, ví dụ như từ chối tham gia sáng kiến Vành đai, Con đường do Trung Quốc khởi xướng, loại bỏ các gói thầu của Trung Quốc nhằm xây dựng mạng lưới điện và đường ống dẫn khí đốt quốc gia hay cấm các tập đoàn công nghệ Trung Quốc triển khai mạng không dây 5G.
Tuy nhiên, giới lãnh đạo Australia lại không công khai lý do họ thực hiện những bước đi này, thay vào đó, họ chỉ đưa ra những thông báo mơ hồ, chẳng hạn cáo buộc “các thực thể nhà nước phức tạp” thực hiện những hành vi xâm nhập như tấn công mạng Australia.
Hôm 16/9, Reuters đưa tin cơ quan tình báo Australia đã kết luận Trung Quốc đứng sau những cuộc tấn công như vậy song các quan chức chính quyền đề xuất nên giữ bí mật nhằm tránh làm tổn thương quan hệ thương mại.
Giới quan sát đánh giá chính sự thiếu minh bạch của chính phủ đã hạn chế những cuộc tranh luận công khai, dẫn tới việc hình thành các thuyết âm mưu.
“Tôi nghĩ tình báo Australia nên công bố nhiều thông tin hơn về những gì họ biết bởi nếu không, người dân có thể thoải mái tưởng tượng về việc Trung Quốc làm và không làm gì”, Lee nói. “Từng làm việc cho chính quyền, tôi biết những việc Trung Quốc làm nhưng họ nên công bố chúng để công chúng có thể nhìn nhận và không bị phản ứng thái quá”.
Nhưng cho đến lúc đó, những cuộc tranh luận về Trung Quốc sẽ không thể phát triển và tác động của cộng đồng người Australia gốc Hoa, đặc biệt là những người có tham vọng chính trị, sẽ chỉ tiếp tục gia tăng, theo Lee. “Nó có thể đi theo hướng chúng ta lo sợ, rằng người Australia gốc Hoa cảm thấy mọi thứ họ làm đều bị hoài nghi, chỉ vì họ có liên quan tới các nhóm Trung Quốc hay là một phần của những tổ chức Trung Quốc”, ông cho biết.
http://biendong.net/doc-bao-viet/30544-song-trong-noi-so-tq-o-australia.html