Tin Biển Đông – 23/08/2019
ASEAN cần có cơ chế ngăn chặn TQ gây hấn
ở Biển Đông
Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng, ASEAN cần có một cơ chế để ngăn cản các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trước việc Trung Quốc tiếp tục đưa nhóm tàu Hải Dương 8 quay trở lại vi phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, dư luận trong và ngoài nước tiếp tục phản đối hành vi ngang ngược này. Trong cuộc trao đổi với VOV ngày 20/8, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã nhấn mạnh rằng “ASEAN cần tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa trong vấn đề Biển Đông”. Và cộng đồng quốc tế cần ủng hộ các nỗ lực của ASEAN ngăn chặn các hành vi trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, các hành vi của Trung Quốc đã đặt ra nhiều nguy cơ với Biển Đông và khu vực. Việc Trung Quốc liên tiếp hết lần này đến lần khác xâm phạm trái phép vùng biển thuộc
chủ quyền của Việt Nam là hành vi rất nghiêm trọng và là sự vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Trong thời gian vừa qua, Trung Quốc không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế đối với vùng biển Việt Nam mà còn xâm phạm chủ quyền của nhiều nước khác ở khu vực, làm xói mòn lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với một cường quốc.
Nhìn lại các diễn biến tại Biển Đông những năm gần đây, có thể thấy việc Trung Quốc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 và các tàu hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của Việt Nam là một sự nối dài các nỗ lực hiện thực hóa tham vọng phi lý của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông. Bởi vậy, theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, điều này là không thể chấp nhận được. Nếu các nước khác trong khu vực không lên tiếng thì đây sẽ là một tiền lệ nguy hiểm.
“Khu vực và cộng đồng quốc tế lên tiếng, kể cả các diễn đàn của ASEAN đã lên tiếng không đồng tình, phản đối các hành vi tôn tạo, các hành vi quân sự hóa xâm lấn các vùng biển của các nước. Công luận và quốc tế cần lên tiếng mạnh mẽ hơn về vấn đề này. Ở thời đại của chúng ta, quan trọng nhất là phải đảm bảo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), bảo đảm hòa bình an ninh, duy trì trật tự trên Biển, tôn trọng vùng biển hợp pháp của các nước, đặc biệt là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước. Những hành động như vừa qua là sai trái”, Đại sứ Phạm Quang Vinh khẳng định.
Đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh, Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc là thể theo quy định của UNCLOS để thống nhất cách diễn giải và áp dụng công ước này ở Biển Đông. Phán quyết của Toà hoàn toàn có giá trị pháp lý và là một bộ phận của luật pháp quốc tế. Do đó, trong bất kỳ các vụ việc xử lý tranh chấp khác, Phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện Philippines cũng sẽ là cơ sở để xử lý và diễn giải công ước.
“Tôi muốn nhìn nhận câu chuyện thế này. Thứ nhất, việc Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và vùng đặc quyền kinh tế của Việt nam là không thể chấp nhận được. Thứ hai, phán quyết của Tòa Trọng tài 2016 là để diễn giải vào việc áp dụng và hiểu UNCLOS như thế nào. Cho nên phán quyết này sẽ là một bộ phận của Luật pháp Quốc tế. Trong phán quyết đã nhấn mạnh chuyện bác bỏ cái gọi là yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc. Bất cứ hành động nào trái với luật pháp quốc tế đều bị bác bỏ”.
Việc Trung Quốc không chỉ gây hấn với Việt Nam mà còn cả với Philippines, Malaysia và nhiều quốc gia khác ở Biển Đông cho thấy, cần có một cơ chế quốc tế để ngăn cản các hành động của Trung Quốc. Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, ASEAN cần tiếp tục lên tiếng trong vấn đề Biển Đông. Và cộng đồng quốc tế cần ủng hộ các nỗ lực này của ASEAN.
“Đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là ASEAN làm sao đảm bảo được, một là hòa bình, ổn định; hợp tác phát triển ở khu vực bao gồm cả hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Thứ hai phải bảo đảm được việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Nên trong suốt thời gian vừa qua, ASEAN đã nhấn mạnh rất nhiều lần điều này trong các Tuyên bố của mình về điều này. Cho nên, trong trường hợp Trung Quốc đang vi phạm hiện nay, bao gồm cả vi phạm vùng biển của Việt Nam ở Bãi Tư Chính thì ASEAN cần tiếp tục lên tiếng. Và vừa rồi hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Thái Lan đã lên tiếng về việc này. Đó là điều rất cần thiết. Các nước trong và ngoài khu vực cần ủng hộ tiếng nói của ASEAN”.
Cũng theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, ASEAN hiện đang cùng Trung Quốc thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC). Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông này muốn có hiệu lực, thực chất và hiệu quả cần bao gồm các nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế; Công ước Luật Biển đồng thời cũng cần bao gồm cả các nguyên tắc tôn trọng vùng biển và thềm lục địa của các quốc gia ven biển, phù hợp với Công ước quốc tế và UNCLOS 1982 mà Liên Hợp Quốc đã thông qua.
Trước đó, trong thông cáo hôm 16/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc ngày 13/8 đã quay lại xâm phạm vùng biển Việt Nam. Nhóm tàu này trước đó đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía đông nam Việt Nam từ đầu tháng 7 đến ngày 7/8. Bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam
http://biendong.net/goc-nhin-moi/29972-asean-can-co-co-che-ngan-chan-tq-gay-han-o-bien-dong.html
Những toan tính của TQ ở Biển Đông
trong thời gian gần đây
GS Carl Thayer, ĐH New South Wales (Australia) đưa ra nhận định về việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trở lại hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Trung Quốc cố chứng tỏ họ bác bỏ phán quyết của Tòa án trọng tài
Theo ông Thayer, nhà nghiên cứu lâu năm về khu vực, Trung Quốc đang cố gắng chứng tỏ với Việt Nam và cộng đồng quốc tế rằng họ có quyền chủ quyền đối với tất cả các nguồn tài nguyên biển nằm trong yêu sách đường 9 đoạn mà họ đưa ra ở Biển Đông, ngay cả khi yêu sách này chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam.
Năm 2018, Trung Quốc đưa ra đề xuất hợp tác kinh tế biển giữa các quốc gia duyên hải và không bao gồm các công ty từ những nước ngoài khu vực.
Nói cách khác, Trung Quốc phản đối tất cả hành động mà các quốc gia duyên hải thực hiện để phát triển tài nguyên biển trong đường 9 đoạn phi pháp Trung Quốc đưa ra. Họ cũng phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm khai thác tài nguyên biển giữa một quốc gia duyên hải và một nước bên ngoài. Họ muốn buộc các nước ven biển cùng phát triển theo các điều khoản của họ.
Trung Quốc cũng cố chứng tỏ rằng họ bác bỏ phán quyết cách đây 3 năm của Tòa án trọng tài. Họ tạo ra tiền lệ về việc không tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài mà không phải chịu hậu quả nào.
Những nỗ lực trên mặt trận chính trị – ngoại giao của Việt Nam vừa qua nên được tiếp tục. Sự hiện diện thường xuyên của lực lượng chấp pháp tại khu vực Trung Quốc điều nhóm tàu Hải Dương 8 là cần thiết.
Các nước duyên hải trong khu vực cần vận động cộng đồng quốc tế bày tỏ sự ủng hộ trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển và nêu vấn đề tại mọi cuộc gặp của các cơ chế đa phương liên quan.
ASEAN có thể tham vấn các thành viên thân thiện của cộng đồng quốc tế về những hành động chung để gây áp lực khiến Trung Quốc rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như không có hành động vi phạm chủ quyền và lợi ích chính đáng của các nước có chủ quyền khác trong khu vực. Phản ứng chính trị và ngoại giao là cần thiết nhưng nếu Trung Quốc không chấp nhận thay đổi chính sách, có thể cân nhắc hành động pháp lý.
Ba năm trước đây, Tòa trọng tài đã ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc vì những yêu sách thái quá ở Biển Đông. Tòa đã bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn và quyền lịch sử của Trung Quốc về những vùng biển nằm bên trong yêu sách 9 đoạn này.
Những gì mà các nước duyên hải trong khu vực và cộng đồng quốc tế có thể làm là yêu cầu Trung Quốc thực hiện nghĩa vụ pháp lý và tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài, phản ứng ngoại giao khi Trung Quốc vi phạm UNCLOS.
Chiến thuật vùng xám
Trung Quốc đang tìm cách thay đổi hiện trạng theo hướng có lợi bằng cách sử dụng chiến thuật vùng xám. Nghĩa là không phải sử dụng lực lượng quân sự chính quy. Họ liên tục dùng đội tàu cá, dân binh và hải cảnh để thách thức sự hiện diện hợp pháp của ngư dân và cơ quan thực thi pháp luật hàng hải của các quốc gia duyên hải.
Trung Quốc đang cố làm suy yếu chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia duyên hải ngay chính trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của những nước này, đe dọa các nước và khiến họ phải lùi bước hay nhượng bộ Trung Quốc.
ASEAN cần mạnh mẽ hơn trong tuyên bố chung sau các cuộc họp cấp cao. Họ cần thẳng thắn trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và thể hiện rõ rằng, sẽ không có tiến bộ nào được thực hiện cho đến khi Trung Quốc dừng các hành động phi pháp của mình trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước có chủ quyền ở Biển Đông.
Trung Quốc phải hiểu rằng, hành động của họ sẽ chỉ làm quốc tế hóa hơn nữa các tranh chấp ở Biển Đông.
Lãnh đạo Việt Nam và Úc
nêu quan ngại về căng thẳng Biển Đông
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã thảo luận về căng thẳng gia tăng trên Biển Đông với người đồng cấp Úc, Scott Morrison hôm 23/8, theo Reuters.
Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của một Thủ tướng Úc kể từ khi quan hệ hai nước được nâng lên tầm ‘hợp tác chiến lược’, theo Reuters.
“Chúng tôi vô cùng quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông và đồng ý hợp tác trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không,” ông Phúc phát biểu khi cùng ông Morrison dự một cuộc họp báo chung.
Thủ tướng Úc sẽ bàn nhân quyền và Biển Đông khi tới VN?
Bennet Murray: Việt Nam có ‘đồng minh’ mới trên Biển Đông?
Bãi Tư Chính: “Đã đến lúc VN kiện TQ ra tòa quốc tế”?
Đây là các bình luận công khai đầu tiên của ông Phúc về vụ việc trên Biển Đông, theo Reuters.
Tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc hiện vẫn tiếp tục khảo sát vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam (EEZ) dưới sự hộ tống của ít nhất bảy tàu hải giám Trung Quốc, theo dữ liệu từ Marine Traffic, một trang web theo dõi các chuyển động của tàu.
Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Năm 22/8 rằng họ lo ngại sâu sắc về sự can thiệp của Trung Quốc vào các hoạt động dầu khí tại các vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, và việc Trung Quốc triển khai các tàu tại đây là “hành động leo thang trong nỗ lực đe dọa, ép các nước cũng có yêu sách lãnh thổ trên Biển Đông ngưng các hoạt động khai thác tài nguyên tại đây.”
Thủ tướng Úc Morrison cũng nói rằng cần duy trì luật pháp quốc tế trong khu vực.
Ông Morrison nói: “Các nguyên tắc như tự do hàng hải, tự do hàng không, là để đảm bảo các quốc gia có thể theo đuổi các cơ hội phát triển hiện có trong vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển của họ, và có thể tiến hành công việc đó mà không bị ngăn cản.”
Hồi tháng Năm, hai tàu chiến Úc đã cập cảng căn cứ hải quân chiến lược Việt Nam tại vịnh Cam Ranh khi hải quân hai nước tăng cường hợp tác.
Úc hôm thứ Tư tuyên bố sẽ cùng Hoa Kỳ thực hiện các hoạt động an ninh hàng hải, bảo vệ các tàu chở hàng đi qua các tuyến đường thủy chính ở Trung Đông sau khi Iran bắt giữ một tàu mang cờ Anh.
‘Việt Nam quan trọng với Úc’
Ông Morrison có mặt tại Hà Nội trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Thủ tướng Úc kể từ khi hai nước nâng cấp mối quan hệ lên tầm đối tác chiến lược hồi tháng Ba năm ngoái.
Vì sao trẻ em HN cứ phải đón khách quốc tế?
Giải pháp nào cho tranh chấp Tư Chính?
Biểu tình nhỏ ở Hà Nội về Bãi Tư Chính
Thương mại song phương tăng 19,4% trong năm 2018 lên 7,72 tỷ đô là, theo dữ liệu hải quan của chính phủ Việt Nam.
Úc là nhà cung cấp than lớn nhất cho Việt Nam, nước đang ngày càng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện để đáp ứng nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng.
Các lô hàng than từ Úc đến Việt Nam tăng gấp ba lần trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7 lên 8,51 triệu tấn, theo dữ liệu hải quan được Reuters trích dẫn.
Được Hà Nội trải thảm đỏ chào đón đêm 22/8, ông Morrison sau đó phát biểu trước hơn 100 quan chức ngoại giao và doanh nhân từ hai nước, rằng “Việt Nam quan trọng đối với Úc”, theo ABC.
Một trong bốn ngân hàng lớn của Úc là ANZ, đã có mặt tại Việt Nam cùng với công ty logistics Linfox và công ty đóng tàu Austal.
Công ty dầu khí khổng lồ có trụ sở ở Tây Úc Woodside đang đấu thầu hợp đồng cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng cho Việt Nam để giúp bù đắp thiếu hụt nguồn cung nội địa.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49444289
Biển Đông – Bãi Tư Chính :
Tàu hộ vệ Quang Trung đang ở đâu ?
Trong những ngày qua, trên các mạng xã hội và trong những trao đổi giữa các chuyên gia đã rộ lên thông tin về việc Việt Nam đã điều tàu hộ vệ tên lửa Quang Trung ra khu vực Bãi Tư Chính, sâu bên trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, nơi mà tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương Địa Chất 8 và nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc đang tung hoành.
Về phía chính quyền và báo chí Việt Nam, không thấy có thông tin chính thức nào xác nhận hay phủ nhận vụ việc. Tuy nhiên, trên báo chí Việt Nam lại xuất hiện nhiều bài nói về tính năng và uy lực của tàu Quang Trung, một tàu hộ vệ tên lửa và chống ngầm hiện đại lớp Gepard 3.9, được trang bị từ tên lửa, pháo cao xạ phòng không, cho đến ngư lôi, trực thăng săn ngầm…
Trên các mạng xã hội, có hai luồng dư luận, một bên cho rằng không có chuyện Việt Nam điều chiến hạm thuộc loại mạnh nhất của mình ra bãi Tư Chính, nhưng một bên kia khẳng định đó là một sự kiện có thật.
Cho đến ngày 22/08/2019 xuất hiện một bài báo lạ. Tờ Tuổi Trẻ (thành phố Hồ Chí Minh) đã đăng trên trang chủ một bài chạy tựa : « Việt Nam không có thông tin chiến hạm Quang Trung được điều ra bãi Tư Chính ». Nhưng khi bấm vào đường dẫn để đọc chi tiết thì lại hiện lên một bài có nội dung hoàn toàn khác : « Bác bỏ phát ngôn của Trung Quốc nói tàu Hải Dương 8 hoạt động trong vùng biển nước này ».
Thế nhưng, minh họa phía dưới lại là ảnh chụp vị trí các tín hiệu nhận dạng tàu biển ở khu Bãi Tư Chính do giáo sư Ryan Martinson, trường Hải Chiến Mỹ công bố hôm 16/08, cho thấy một chiếc tàu của Việt Nam, Vpns Quang Trung, nằm sát đội tàu hải cảnh Trung Quốc gồm 6 chiếc tháp tùng theo chiếc Hải Dương địa chất 8.
Nếu tin vào tín hiệu nhận dạng được ghi lại, thì phải thừa nhận rằng chiếc Quang Trung thực sự có mặt tại Bãi Tư Chính, từ ngày 16/08, và cho đến ngày 20/08 vẫn còn có mặt tại hiện trường. Cho đến nay, những thông tin do giáo sư Martinson đưa ra đều chính xác, và chính ông là người đầu tiên tiết lộ vụ tàu Trung Quốc xâm nhập bãi Tư Chính.
Tin nhắn Twitter của giáo sư Martinson ngày 20/08/2019 ghi nhận « Khảo sát tiếp tục. Cập nhật việc bố trí các lực lượng ở phía tây đảo Trường Sa », và kèm theo ảnh vị trí các chiếc tàu. Chiếc Vpns Quang Trung phải đối mặt với 5 tàu hải cảnh Trung Quốc bảo vệ chiếc Hải Dương Địa Chất 8, trong lúc một chiếc tàu có tên Việt Nam là Trường Sa 401012 thì ở cách xa một chút.
Bình luận về khả năng chiếc tàu hộ vệ Quang Trung được phái ra Bãi Tư Chính, trong bài phân tích ngày 18/08, giáo sư Carl Thayer (Học Viện Quốc Phòng Úc – Đại học UNSW) thận trọng cho rằng,
nếu quả thực Việt Nam đã điều tàu Quang Trung (HQ 016) ra Bãi Tư Chính, điều đó có nghĩa là Việt Nam « đã quyết định tiến tới và bắn tin cho biết quyết tâm bảo vệ quyền chủ quyền của mình cũng như lực lượng cảnh sát biển đang đóng ở vùng Bãi Tư Chính ».
Đối với giáo sư Thayer, việc điều động tàu Quang Trung sẽ cho phép Việt Nam tái lập thế cân bằng lực lượng ở Bãi Tư Chính hiện đang thiên về phía Trung Quốc có nhiều tàu hơn, với trọng tải lớn hơn.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190823-bien-dong-tau-ho-ve-quang-trung-dang-o-dau
VN tuyên bố tham gia
cuộc diễn tập hàng hải đầu tiên giữa Mỹ và ASEAN
Khẳng định của Việt Nam được đưa ra thông qua người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng vào ngày 22/8, giữa lúc tình hình ở Biển Đông tiếp tục gia tăng căng thẳng sau khi Trung Quốc đưa tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
“Theo thông tin chúng tôi được biết, cuộc diễn tập hàng hải ASEAN và Mỹ sẽ diễn ra từ ngày 2 tới ngày 6-9-2019. Đây là hoạt động được tiến hành theo thỏa thuận giữa bộ trưởng quốc phòng ASEAN và Mỹ năm 2018. Là thành viên của ASEAN, Việt Nam sẽ tham gia cuộc diễn tập này”, Tuổi Trẻ dẫn lời bà Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 22/8.
Khẳng định của Hà Nội được đưa ra sau hơn một tuần Bắc Kinh đưa tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 quay trở lại khu vực bãi Tư Chính, một động thái được cho là nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền và chứng minh rằng Bắc Kinh có thể ngang nhiên hành động mà không sợ bị trừng phạt, theo Giáo sư Carlyle Thayer của Học viện Quốc phòng Australia.
Trong văn bản “Cập nhật tình hình và các biện pháp đấu tranh” của Việt Nam đối với động thái thách thức của Trung Quốc, người đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 22/8 lặp lại các phát ngôn trước đây, nói rằng nhóm tàu Hải Dương 8 “tiếp tục hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam” và “Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam”.
Trong khi một số chuyên gia lo ngại về khả năng xảy ra xung đột vũ trang cao trong khu vực nếu Trung Quốc tiếp tục lấn tới, GS. Carlyle Thayer cho rằng ngoài những phản đối ngoại giao, Việt Nam nên kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế, chủ động đưa vấn đề ra các cuộc họp đa phương quốc tế, và phải duy trì sự hiện diện thường trực của lực lượng cảnh sát biển ở khu vực quanh Bãi Tư Chính.
“Việt Nam cần vận động các thành viên ASEAN, đặc biệt là Philippines và Malaysia, để tạo thành một thách thức chính trị và ngoại giao đối với Trung Quốc”, theo GS. Carlyle Thayer.
Giáo sư của Học viện Quốc phòng Australia cũng cho rằng việc tham khảo ý kiến các thành viên trong cộng đồng quốc tế để có hành động chung cũng là một cách mà Hà Nội có thể làm để áp lực Bắc Kinh phải rút tàu thăm dò ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trả lời câu hỏi về khả năng Việt Nam sẽ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ nói rằng “Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, các lợi ích và quyền lợi hợp pháp của Việt Nam bằng biện pháp hòa bình, theo đúng quy định của luật pháp quốc tế”, theo Dân Trí.
Theo Bangkok Post, cuộc diễn tập hàng hải đầu tiên giữa Hoa Kỳ và ASEAN, với sự có mặt ít nhất 8 tàu và máy bay, sẽ diễn ra trong 5 ngày tại căn cứ hải quân Sattahip của tỉnh Chonburi, Thái Lan, và kéo dài tới mũi Cà Mau.
Mục tiêu của cuộc diễn tập, vẫn theo hãng tin Thái, là một phần trong chính sách cân bằng ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Mỹ trong khu vực, đặc biệt về vấn đề Biển Đông.
Tham gia diễn tập là Khu trục hạm 7, thuộc Hạm đội 7, của Hoa Kỳ, vốn là tàu thường xuyên tham gia vào các cuộc triển khai luân phiên trong khu vực Đông Nam Á.