Tin Biển Đông – 23/07/2017
Tổng thống Mỹ phê duyệt
hải quân tuần tra nhiều hơn ở Biển Đông
Tổng thống Donald Trump mới chuẩn thuận kế hoạch trao cho hải quân Mỹ nhiều quyền tự do hơn để thực hiện các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải ở Biển Đông, theo một bài đăng trên trang tin Breibart News hôm 21/7.
Kế hoạch của tổng thống Mỹ đồng thời gây sức ép lên các nỗ lực của Trung Quốc gia tăng sự hiện diện quân sự ở vùng biển bằng cách xây đảo nhân tạo.
Các nhà ngoại giao nhìn nhận rằng có thể coi động thái kể trên là một thách thức đối với những tuyên bố đòi chủ quyền biển của Trung Quốc về hầu hết Biển Đông và các nỗ lực của nước này nhằm bác bỏ những tuyên bố chồng lấn của 5 nước khác, gồm có Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines.
Động thái của Mỹ sẽ làm cho hải quân Trung Quốc phải “bận rộn” trong vùng, và khiến Bắc Kinh khó xử lý những tranh chấp lãnh thổ với những nước khác như Ấn Độ và Nhật Bản.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã lập bản kế hoạch mới với lịch hoạt động cho cả một năm, xác định các thời điểm hải quân Mỹ sẽ cử tàu đi xuyên qua những vùng biển có tranh chấp. Ông Mattis đã trình kế hoạch lên Tòa Bạch Ốc hồi tháng 4 năm nay.
Một quan chức Mỹ nói với Breibart News rằng Tòa Bạch Ốc sẽ nắm được tất cả các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải nằm trong kế hoạch. Như vậy, họ sẽ không “ngạc nhiên” khi có các đề xuất được chuyển từ dưới lên, và việc phê duyệt sẽ nhanh hơn, theo vị quan chức.
Quan chức này nói thêm quy trình phê duyệt nhanh hơn cũng có nghĩa các cuộc hành quân có thể được thực hiện “thường xuyên hơn”, trong khuôn khổ một chương trình duy trì các vùng biển luôn thông thương, thay vì chỉ là một hoạt động đơn lẻ.
Hiện chưa rõ kế hoạch này có phải là một phần trong một chiến lược lớn hơn về châu Á-Thái Bình Dương, hay nó đơn thuần chỉ nhằm làm cho các hoạt động vì tự do hàng hải diễn ra thường xuyên hơn ở Biển Đông.
Theo kế hoạch mới, hải quân Mỹ sẽ có nhiều tự do hơn so với thời chính quyền Tổng thống Obama.
Chính quyền khi đó đề nghị Hội đồng An ninh Quốc gia phê duyệt các quyết định hành quân quan trọng. Cũng trong thời ông Obama, Mỹ đã đình chỉ các hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải trong suốt 3 năm, từ 2012-2015.
Trong năm 2016, Mỹ chỉ có ba cuộc tuần tra như vậy. Trong khi đó, kể từ khi ông Trump nắm quyền đến nay, với khoảng thời gian 6 tháng, Mỹ cũng đã thực hiện tới 3 cuộc tuần tra.
“Rõ ràng mọi việc quay trở lại với mức độ bình thường”, phát ngôn viên chính của Ngũ Giác Đài nói với Breitbart News.
Khi một nước đưa ra tuyên bố chủ quyền biển quá đáng, hải quân Mỹ thách thức lại bằng cách điều tàu, thường là khu trục hạm, đi vào sát vùng lãnh thổ trong vòng tranh chấp và đi xuyên qua vùng biển có tranh chấp, như là một cách bảo đảm tự do hàng hải cho tất cả các nước.
Trong năm 2016, Mỹ đã thách thức các tuyên bố quá đáng của 22 nước, trong đó, các tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông được xem là các tuyên bố nổi bật nhất.
Biển Đông có nhiều tuyến vận tải biển đi qua, chuyên chở lượng hàng giá trị tới 5 nghìn tỷ đôla mỗi năm.
Trung Quốc đã hồi đáp mạnh mẽ với các hoạt động của Mỹ, tuyên bố các động thái của Mỹ mang tính khiêu khích.
Bắc Kinh cũng đòi Washington “phải xin phép”, một yêu cầu không phù hợp với luật quốc tế và các công ước của Liên Hiệp Quốc.
(theo Breibart News, South China Morning Post, Business Insider)
Trung Quốc khai trương rạp chiếu phim ở đảo Phú Lâm
Trung Quốc vừa khai trương một rạp chiếu phim hiện đại trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa có tranh chấp, theo báo chí nhà nước Trung Quốc. Động thái này là một phần trong kế hoạch của Bắc Kinh nhằm xác lập thẩm quyền đối với khu vực.
Tin cho hay 200 cư dân và binh sĩ đã xem một bộ phim Trung Quốc hôm 22/7 tại Rạp Ngân Long Tam Sa trên đảo Phú Lâm, thuộc thành phố Tam Sa, thành phố mới nhất của Trung Quốc ở Biển Đông.
Phú Lâm, hiện do Trung Quốc kiểm soát và gọi là Vĩnh Hưng đảo, là đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa có tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam.
Trung Quốc lâu nay mở rộng các cơ sở trên các đảo họ kiểm soát và khuyến khích dân đến định cư. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã xây các đảo nhân tạo, cùng với đó là các cơ sở quân sự, đường băng, để tăng cường kiểm soát khu vực.
Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan đã đưa ra những tuyên bố chủ quyền đối nghịch với Trung Quốc ở Biển Đông.
Việc khai trương rạp chiếu phim mới đây là một phần trong kế hoạch của cơ quan quản lý văn hóa địa phương nhằm thiết lập các dịch vụ cộng đồng trên các đảo thuộc thẩm quyền của thành phố Tam Sa.
Tháng 4 năm ngoái, Tam Sa đã mở cửa thư viện công cộng đầu tiên. “Thành phố” này cũng có một sân vận động và đã tổ chức một số hoạt động văn hóa để làm phong phú cho đời sống của cư dân.
Đồng thời với tin tức về rạp chiếu phim trên Phú Lâm, Tân Hoa Xã loan báo tàu nghiên cứu mang tên Khoa Học (Kexue) của Trung Quốc đang tiến hành “quan sát khoa học” ở Biển Đông.
Tin này không nói về vị trí cụ thể của tàu Khoa Học, song cho biết 12 thiết bị lặn do Trung Quốc phát triển sẽ thu thập và gửi về các dữ liệu theo thời gian thực trong vòng một tháng tới.
Các thông tin thu thập bao gồm nhiệt độ, độ mặn, độ đục, mức oxy hòa tan, tốc độ và hướng của dòng hải lưu.
Đây là lần triển khai cùng một lúc nhiều thiết bị lặn khảo sát nhất của Trung Quốc ở khu vực.
Khoa Học là tàu nghiên cứu biển tiên tiến nhất do Trung Quốc tự chế tạo. Còn tàu nặng 4711 tấn được đưa vào sử dụng hồi tháng 4/2014.
(theo NDTV, DNIndia, Tân Hoa Xã)
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-khai-truong-rap-chieu-phim-o-dao-phu-lam/3955584.html
Hoạt động khoan dầu ở Bãi Tư Chính của Việt Nam
có thể phải ngưng dưới áp lực Trung Cộng
Công ty Talisman-Việt Nam trực thuộc tập đoàn Respol của Tây Ban Nha có thể phải ngưng khoan dầu ở bãi Tư Chính, một lô dầu khí nằm trong vùng biển bị đường lưỡi bò của Trung Cộng liếm qua, mà Bắc Kinh gọi là lô An Bắc 21.
Nhà báo tự do Trương Huy San (blogger Huy Đức) dẫn nguồn tin nội bộ cho hay trên trang web của Việt Nam Thời Báo rằng, vào ngày Thứ Hai 24 tháng 7, có thể mọi hoạt động ở đây sẽ phải ngưng, vì các sức ép đến từ Trung Cộng.
Trước đây, BBC dẫn nguồn tin từ Singapore cho biết, việc khoan dầu đã bắt đầu vào ngày 21 tháng 6 vừa qua tại lô 136-03 trong khu vực bãi Tư Chính, khoảng 400 km ngoài khơi tỉnh Khánh Hòa. Cả Việt Nam và Trung Cộng đều coi đây là vùng “chủ quyền không thể tranh cãi” của mình.
Năm 2014, công ty Brightoil có trụ sở tại Hong Kong mua quyền khai thác lô An Bắc 21 với giá 3 triệu Mỹ kim. Hai trong số các giám đốc của Brightoil là thành viên cấp cao của đảng cộng sản Trung Hoa.
Theo blogger Huy Đức, việc Hà Nội cho Repsol khoan thăm dò ở lô 136-03 không chỉ như một dự án khai thác dầu khí đơn thuần, mà còn để xác định chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển này. Hai mũi khoan được bắt đầu vào ngày 18 tháng 6, đúng ngày phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trung Cộng Phạm Tường Long tới Hà Nội. Tướng Phạm khi đó đã bỏ về. Bắc Kinh sau đó triệu hồi đại sứ và đưa gần 200 tàu xuống bãi Tư Chính.
Huy Lam / SBTN