Tin Biển Đông – 23/04/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 23/04/2018

Đô đốc Mỹ:

Biển Đông đang bị Trung Quốc khống chế

Trọng Nghĩa

Trong ba tuần đầu tháng Tư 2018, Hải Quân Trung Quốc đã tung ra một loạt hành động vừa thị uy vừa khiêu khích trên Biển Đông, không chỉ đối với các láng giềng trong khu vực, mà còn nhắm cả vào Mỹ lẫn Úc, hai nước đang can dự vào vấn đề Biển Đông. Trong bối cảnh đó, điều trần trước Thượng Viện Hoa Kỳ ngày 17/04/2018, đô đốc Philip Davidson, người được đề cử làm Tư Lệnh Quân Đội Mỹ tại vùng Thái Bình Dương sắp tới đây, đã báo động về những mối đe dọa mà Bắc Kinh đặt ra, và kêu gọi Washington mau chóng tăng cường quân bị và khí tài để đối phó.

Trong bài viết công bố ngày 20/04/2018, mang tựa đề “Các hòn đảo quân sự Trung Quốc giờ đang kiểm soát Biển Đông – China Military Islands Now Control South China Sea”, tờ báo Mỹ The Washington Free Beacon đã nêu bật những đánh giá của chuẩn tư lệnh Mỹ về tình hình, và những giải pháp cụ thể mà Mỹ cần áp dụng, trong đó có việc nhanh chóng phát triển loại tên lửa siêu âm và tên lửa tầm trung để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc.

Nhận xét chung của vị đô đốc Hải Quân, hiện là tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương của Mỹ về hiện trạng Biển Đông trong bài điều trần bằng văn bản trước Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện Mỹ rất rõ ràng : Trung Quốc đã triển khai hệ thống tác chiến trên các đảo nhân tạo họ bồi đắp ở quần đảo Trường Sa và hiện có khả năng kiểm soát các tuyến hàng hải chiến lược đi qua khu vực.

Cơ sở đã sẵn sàng, chỉ còn chờ lực lượng triển khai đến nơi

Theo đô đốc Davidson, tiến trình quân sự hóa các tiền đồn để chiếm lĩnh Biển Đông, đã được Trung Quốc bắt đầu từ tháng 12/2013 tại Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, và từ đó đến nay, họ đã củng cố và trang bị cơ sở quân sự trên 7 thực thể trong khu vực.

“Trên Biển Đông, Trung Quốc đã xây dựng một loạt các trạm ra đa, trung tâm tác chiến điện tử và thiết bị phòng thủ trên quần đảo Trường Sa, bao gồm các thực thể Châu Viên (Cuarteron), Chữ Thập (Fiery Cross), Ga Ven (Gaven), Tư Nghĩa (Hughes), Gạc Ma (Johnson), Vành Khăn (Mischief) và Xu Bi (Subi).

Thiết bị lắp đặt trên các căn cứ này đã tăng cường đáng kể khả năng kiểm soát trong thời gian thực, cũng như khả năng gây nhiễu điện từ trên một phần rộng lớn ở Biển Đông, thách thức nghiêm trọng các chiến dịch quân sự của Mỹ trên vùng biển này”.

Đô đốc Davidson xác định rằng các cơ sở trên 7 hòn đảo nhân tạo bao gồm nhà chứa máy bay, doanh trại, kho nhiên liệu và bể nước ngầm, và hệ thống hầm kiên cố dùng cho các hệ thống thiết bị phòng thủ và tấn công cố định cũng như di động.

Ngày nay, các căn cứ này coi như đã hoàn thiện. Điều duy nhất còn thiếu là lực lượng quân sự trên đó mà Trung Quốc sẽ triển khai.

Lực lượng nào trên các đảo cũng áp đảo được các láng giềng

Nỗi quan ngại của vị tư lệnh Mỹ rất lớn, vì theo ông, quân đội Trung Quốc có thể sử dụng các căn cứ đó để mở rộng ảnh hưởng đến những nơi cách Trung Quốc hàng ngàn cây số, tung lực lượng viễn chinh đến tận vùng châu Đại Dương.

Đối với ông, Trung Quốc sẽ có thể dùng các căn cứ quân sự của họ trên Biển Đông để thách thức sự hiện diện của Mỹ trong vùng Biển Đông, và bất kỳ lực lượng Trung Quốc nào được triển khai đến các đảo nhân tạo ở đó, sẽ dễ dàng áp đảo lực lượng quân sự của các nước yêu sách còn lại trong vùng.

Đối với ông, Trung Quốc hiện đã có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi kịch bản xung đột, và đà tăng cường quân sự đầy tham vọng của Trung Quốc là mối đe dọa ngày càng đáng kể đối với các lực lượng và căn cứ quân sự Mỹ.

Lực lượng tàu ngầm Trung Quốc tuy vẫn còn thua Mỹ, nhưng Bắc Kinh đang phát triển các tàu ngầm chạy êm hơn. Không quân Trung Quốc cũng phát triển các máy bay tàng hình tiên tiến, máy bay ném bom tầm xa và máy bay không người lái hiện đại. Khả năng tác chiến không gian mạng của Bắc Kinh đã vượt xa việc thu thập tin tức tình báo thông thường mà còn có kế hoạch tấn công vào các hệ thống điều khiển và chỉ huy quân sự của đối phương. Trung Quốc cũng đang vũ trang hóa không gian với tên lửa, thiết bị gây nhiễu và thiết bị laser có khả năng tiêu diệt vệ tinh – công cụ đắc lực nhất cho phép quân đội Mỹ triển khai nhanh chóng trên các địa bàn xa xôi.

Trong bối cảnh đó, một khi được chuẩn y làm tư lệnh Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Davidson sẽ bắt tay vào phát triển lực lượng Mỹ trong khu vực để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc. Theo ông, lực lượng quân sự hiện nay của Mỹ tại Thái Bình Dương không đủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Chiến đấu cơ Mỹ tuần tra Biển Đông bị Trung Quốc phá sóng

Lời cảnh báo của đô đốc Davidson như đã được thực tế trên Biển Đông chứng minh với một loạt các hành vi bị cho là khiêu khích của Trung Quốc, đặc biệt là vụ được cho là phá sóng chiến đấu cơ Mỹ.

Theo báo chí Philippines ngày 14/04, một phi công Mỹ lái một chiếc tiêm kích tác chiến điện tử EA-18G Growler trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, đã tiết lộ việc máy bay của anh bị thiết bị gây nhiễu của Trung Quốc tác động khi bay trên Biển Đông.

Phi công này xác định với phóng viên hãng tin Philippines GMA News : “Khi một số thiết bị của bạn không hoạt động, đó là dấu hiệu cho thấy ai đó đang cố gắng gây nhiễu máy bay của bạn. Chúng tôi đã biết đó là ai”.

Sự cố xẩy ra khi chiếc Theodore Roosevelt tuần tra trên Biển Đông trong hành trình đến Singapore tham gia tập trận chung với các tàu chiến Singapore tại vùng biển quốc tế phía nam Biển Đông trong 3 ngày 06-08/04.

Lời kể của phi công chiếc EA-18G Growler giúp xác nhận thông tin từ tờ báo Mỹ Wall Street Journal ngày 09/04, theo đó một số quan chức quân sự Mỹ xin ẩn danh cho biết là Trung Quốc đã triển khai thiết bị gây nhiễu tại đá Vành Khăn và đá Chữ Thập ở Trường Sa. Tờ báo này cũng công bố hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy ăng ten của hệ thống gây nhiễu, mà theo tờ báo, có thể ngăn chặn tín hiệu liên lạc và radar quân sự.

Chiến hạm Úc thăm Việt Nam bị tàu Trung Quốc khiêu khích

Không chỉ nhắm vào Mỹ, Hải Quân Trung Quốc còn làm khó tàu của nước khác đi ngang Biển Đông, qua đó khẳng định tư cách chủ nhân ông của họ. Sự cố gần đây nhất liên quan đến ba chiếc tàu Hải Quân Úc.

Theo báo chí Úc ngày 19/04, các chiếc HMAS Anzac, HMAS Toowoomba và HMAS Success đã bị Hải Quân Trung Quốc sách nhiễu trên Biển Đông khi đang trên đường đến Việt Nam ghé cảng thành phố Hồ Chí Minh. Một quan chức giấu tên khẳng định với kênh thông tin ABC của Úc rằng, tuy không gây ra hậu quả đáng tiếc nào, nhưng Hải Quân Trung Quốc đã tỏ ra thô bạo.

Giới chuyên gia ghi nhận là nếu trước đây, việc đi lại trên Biển Đông của chiến hạm Úc đi thăm hữu nghị các nước Đông Nam Á là chuyện bình thường, thì hiện nay, Bắc Kinh đã ngang nhiên gây trở ngại.

Các hành vi quyết đoán của Hải Quân Trung Quốc trên Biển Đông cũng tương ứng với thay đổi lập luận của chính quyền Bắc Kinh, không còn dùng cái vỏ dân sự để che đậy các hoạt động quân sự hóa, mà công khai khắng định rằng họ có toàn quyền trang bị vũ khí cho những vùng thuộc chủ quyền Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180423-do-doc-my-bien-dong-dang-bi-trung-quoc-khong-che

 

Biển Đông:

Dự án bản đồ ‘‘đường 9 đoạn nối liền’’ của Trung Quốc

Trọng Thành

Báo chí Hồng Kông hôm qua, 22/04/2018, tiết lộ một dự án nghiên cứu hải dương của Trung Quốc, chủ trương vạch ra « đường ranh giới mới » trên Biển Đông, nhằm « tạo điều kiện cho nghiên cứu » về tài nguyên và « gia tăng sức nặng » cho các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh tại vùng biển tranh chấp. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, trước mắt, ít có khả năng Bắc Kinh chấp nhận « đường 9 đoạn nối liền »,  vì Trung Quốc lo ngại các phản đối dữ dội của quốc tế.

Trả lời nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, một nhà khoa học Trung Quốc tham gia vào dự án này cho biết « đường ranh giới mới », cụ thể là việc nối liền đường « 9 đoạn » (còn được gọi là đường chữ U hay « Lưỡi bò »), cho phép Trung Quốc xác định rõ hơn quyền lợi của mình tại khu vực vẫn được Bắc Kinh coi là có « các quyền lịch sử ».

« Ngay sau khi » ranh giới mới được xác nhận, các nhà nghiên cứu sẽ đo lường « tổng trữ lượng dầu khí », « khoáng sản » và các nguồn tài nguyên dưới biển khác. Trong phạm vi « đường 9 đoạn nối liền » này, Bắc Kinh có toàn quyền đòi hỏi quyền khai thác hải sản, hay các tài nguyên dưới lòng biển.

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc không trả lời báo Hồng Kông về vấn đề này.

Các dữ liệu đã sẵn sàng

Nhà khoa học xin ẩn danh nói trên cho biết thêm là hiện tại « các dữ liệu GPS đã sẵn sàng ». Về mặt kỹ thuật, có nhiều phương án xác định ranh giới, « với độ chính xác từ một kilomet đến vài centimet ». Dự án nghiên cứu được chính quyền trung ương và tỉnh Quảng Đông tài trợ. Theo South China Morning Post, có thể tham khảo dự án « đường 9 đoạn nối liền » trên trang nhà của tạp chí khoa học China Science Bulletin (của Viện Nghiên cứu Hải dương và Ranh giới trên biển ở Vũ Hán [Wuhan]).

South China Morning Post cũng chú ý đến một nhận định của giáo sư Dư Mẫn Hữu (Yu Minyou), giám đốc Viện Nghiên cứu Hải dương và Ranh giới trên biển ở Vũ Hán, theo đó, chính quyền Trung Quốc cần đến một tấm bản đồ 9 đoạn nối liền, ít nhất về mặt khoa học, để ước lượng được cụ thể các nguồn tài nguyên, và có các số liệu cụ thể để thương lượng với các nước láng giềng. Theo ông, quan điểm của Trung Quốc là « các tranh chấp (tại Biển Đông) sẽ được giải quyết trong tương lai », trước mắt cần đàm phán « chia sẻ tài nguyên với các láng giềng », quan điểm của Bắc Kinh là « mở và rõ ràng ».

Yêu sách 9 đoạn đã bị tòa quốc tế bác bỏ

Trên thực tế, yêu sách « 9 đoạn » của Trung Quốc, được chính quyền Quốc Dân Đảng và tiếp theo đó là chính quyền cộng sản Trung Quốc đưa ra cuối thập niên 1940 – đầu thập niên 1950, đã bị Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, có trụ sở tại La Haye, bác bỏ hồi tháng 7/2016, trong vụ kiện nổi tiếng mà nguyên đơn là Philippines.

Đường 9 đoạn khởi đầu từ vùng cửa vịnh Bắc Bộ, kết thúc ở vùng biển nam Đài Loan, lan rộng xuống phía nam Biển Đông, ăn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines và một số quốc gia Đông Nam Á khác, bao gồm các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, bãi cạn Scarborough, mà nhiều quốc gia Đông Nam Á đòi hỏi chủ quyền.

Theo chuyên gia về an ninh biển quốc tế, tiến sĩ Ian J. Storey, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak, Singapore, nếu Bắc Kinh chính thức tuyên bố chủ quyền với « đường 9 đoạn nối liền », thì đây sẽ là hành động « phủ nhận hoàn toàn » quyết định của tòa án quốc tế, và sẽ bị các nước Đông Nam Á cũng như quốc tế phản đối mạnh, trong khi một số người cho rằng, sở dĩ Trung Quốc thua kiện tại Tòa Trọng Tài Thường Trực là do đường 9 đoạn không phải là một vùng lãnh thổ được xác định rõ.

Về phần mình, một chuyên gia chính phủ Trung Quốc làm việc tại Viện Nghiên Cứu Nam Hải (tức Biển Đông), có trụ sở tại Hải Nam, thừa nhận là có rất ít khả năng Bắc Kinh chính thức sử dụng bản đồ đường 9 vạch nối liền, vì quan điểm này sẽ bị « rất nhiều nhà ngoại giao và giới chuyên gia về luật biển phản đối ».

Chuyên gia này cho rằng các đàm phán về tranh chấp Biển Đông đang « đi theo hướng đúng » và « giờ đây không phải là lúc áp đặt một đường ranh giới mới ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180423-bien-dong-bao-hong-kong-tiet-lo-du-an-%E2%80%98%E2%80%98duong-9-doan-noi-lien%E2%80%99%E2%80%99-cua-trung-quoc

 

Úc, Nhật

tham gia tập trận quân sự thường niên Mỹ-Philippines

Việc Úc và Nhật Bản tham gia các cuộc tập trận Mỹ-Phi thường niên năm nay sẽ gây áp lực lên Trung Quốc và có thể châm ngòi cho sự leo thang các cuộc tập trận quân sự.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Manila hôm thứ Năm cho biết các cuộc diễn tập Balikatan với các nước Đông Nam Á kéo dài từ ngày 7 đến ngày 18/5 sẽ bao gồm “các lực lượng đa quốc” đến từ Úc và Nhật Bản để huấn luyện, đồng thời mời nước Anh trong tư cách quan sát viên. Nước Úc đã tham gia các cuộc diễn tập thường niên này từ năm 2014 tới nay.

Úc, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã nói rằng 3 nước này muốn duy trì Biển Đông- rộng 3,5 triệu km vuông và giàu tài nguyên- trong tình trạng mở rộng cho quốc tế sử dụng. Trung Quốc đòi chủ quyền trên hơn 90% diện tích Biển Đông, dựa trên điều mà họ mô tả là “quyền sử dụng lịch sử” của họ tại vùng biển này.

Tuần trước, trang web của quân đội Trung Quốc cho biết một đoàn tàu hải quân bao gồm một tàu sân bay, đã “tiến hành một loạt các cuộc diễn tập” trên Biển Đông.

Các cuộc tập trận tổ chức tại Philippines có thể châm ngòi cho một đợt tập trận mới của Trung Quốc trên biển, theo lời Giáo sư Oh Ei Sun, giảng dạy môn nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nanyang/ Singapore.

Oh nói.”Tôi tin rằng trong tương lai gần chúng ta có thể chứng kiến mức độ thường xuyên của các cuộc diễn tập như vậy tăng lên, bởi vì một mặt, phía Trung Quốc thể hiện thái độ sẵn sàng bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Đông , trong khi liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo cũng cứng rắn không kém trong cố gắng thực thi quyền tự do hàng hải.”

Tập trận leo thang

Hiện đã trong mùa thứ 34, các cuộc diễn tập Mỹ-Philippines đã tránh tập trận trong Biển Đông hồi năm ngoái sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nhậm chức tại Manila. Ông Duterte đã tạm gác vụ tranh chấp chủ quyền hàng hải với Trung Quốc trên một phần Biển Đông để xoay sang kết thân với Bắc Kinh và vận động đầu tư từ nước này.

Đại sứ quán Mỹ cho biết các cuộc diễn tập năm nay gồm công tác xây dựng lại năm trường học và cung cấp các dịch vụ y tế tại Philippines,.

Một số nhà phân tích cảnh báo rằng sự tham gia của nhiều nước vốn vẫn chỉ trích tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, có thể châm ngòi cho một loạt cuộc tập trận của Trung Quốc,.

Trong tháng này, Hải quânTrung Quốc thách thức các tàu chiến Úc trên đường sang thăm Việt Nam, một trong những nước tranh giành chủ quyền Biển Đông với Bắc Kinh, theo tường trình của Hệ thống Truyền Thông Úc ABC.

Trung Quốc còn tranh giành chủ quyền với đối thủ kinh tế Nhật Bản tại một số vùng trên Biển Hoa Đông.

Trong năm qua, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc đã lần lượt điều tàu vào Biển Đông, gây bất bình cho Trung Quốc.

Jay Batongbacal, Giáo sư trường Luật và Hàng hải quốc tế của Đại học Philippines, nhận định: “Xét Trung Quốc đã phát triển các khả năng quân sự, lẽ đương nhiên là nước này sẽ tiếp tục diễn tập và nâng cao kỹ năng, và họ sẽ làm như vậy để đáp trả các cường quốc mà họ cho là “bên ngoài”, không phải là một bên trong các vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.”

Liên minh 4 nước

Tháng 11 năm ngoái, các nhà lãnh đạo Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Ấn Độ – nhóm thường được gọi là “Bộ Tứ” – đã gặp nhau ở Manila để thảo luận việc duy trì Biển Đông rộng mở cho quốc tế sử dụng. Tháng 1 năm nay, Thủ tướng Ấn Narendra Modi cam kết với các nhà lãnh đạo ASEAN rằng nước ông sẽ tăng cường hợp tác về các vấn đề hàng hải.

Giáo sư Quản lý Chiến lược tại Đại học Deakin ở Úc, ông Stuart Orr, nói rằng Bộ Tứ Mỹ-Nhật-Ấn-Úc đặt nặng tầm quan trọng của tuyến hàng hải huyết mạch đi ngang qua Biển Đông. Khoảng một phần ba hàng hóa được vận chuyển qua tuyến hàng hải này.

Philippines, một trong những nước tuyên bố chủ quyền một phần Biển Đông, là thuộc địa cũ của Mỹ, Hoa Kỳ đã bảo vệ nước này về mặt quân sự từ những năm 1940, đặc biệt sau khi đóng cửa căn cứ hải quân Mỹ tại Vịnh Subic hồi năm 1992.

Giáo sư Orr cảnh báo có thể Philippines đã cho phép Hoa Kỳ mời các nước khác tham gia diễn tập năm nay như một cách để vòi thêm tiền viện trợ của Bắc Kinh. Vào cuối năm 2016, Trung Quốc đã cam kết viện trợ và đầu tư 24 tỷ USD cho Philippines.

https://www.voatiengviet.com/a/4360772.html

 

Tin thêm về tàu chiến Úc

bị Trung Quốc ‘thách thức’ ở Biển Đông

Viễn Đông

Ba chiến hạm của Australia, từng vấp phải tàu chiến Trung Quốc ở Biển Đông, hôm 22/4 rời Việt Nam sau chuyến thăm “thiện chí” nhằm “củng cố quan hệ đối tác chiến lược” giữa hai nước.

Hai tàu khu trục và một tàu hậu cần, với tổng cộng 73 sĩ quan và gần 600 thủy thủ trên khoang, tới TP HCM hôm 19/4, sau khi “đối đầu” với các tàu hải quân Trung Quốc lúc đi ngang qua vùng biển tranh chấp giữa nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Các hình ảnh đăng tải trên trang Facebook của Đại sứ quán Australia ở Việt Nam cho thấy, thuyền trưởng, thủy thủ đoàn từ ba tàu tiếp kiến với các sỹ quan cao cấp hải quân Việt Nam cũng như giao lưu, tiến hành trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động trên tàu hải quân bao gồm công tác y tế trên biển, tìm kiếm và cứu nạn.

Đại tá Nerolie McDonald, Tùy viên Quốc phòng Australia tại Việt Nam, cho biết rằng sau 17 năm, “đây là lần thứ hai Australia có ba tàu hải quân vào thăm Việt Nam đồng thời” đúng năm hai nước nâng cấp quan hệ song phương lên tầm chiến lược, kỷ niệm 20 năm hợp tác quốc phòng, 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Bà McDonald nói thêm rằng hợp tác quốc phòng giữa hai nước “tiếp tục được mở rộng trên các lĩnh vực như đối thoại chiến lược, các chuyến thăm cấp cao cũng như các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể như giáo dục và đào tạo, hợp tác giữa lực lượng đặc công Việt Nam và lực lượng tác chiến đặc biệt Australia, gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, an ninh biển, an toàn bay và trao đổi thông tin”.
Thông cáo của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam không đề cập tới thông tin được báo chí Úc loan tải trước đó về việc các tàu trên “bị thách thức” trên Biển Đông.

​Chuyến thăm của các chiến hạm tới TP HCM diễn ra gần một tháng sau khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới Canberra, và đôi bên đã “quyết định nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược”.
Chưa rõ là sau khi rời Việt Nam các tàu của Úc có “chạm trán” Trung Quốc khi đi ngang qua Biển Đông nữa hay không.

Bộ Quốc phòng Australia tuần trước ra thông cáo nói rằng “các tàu và máy bay Australia sẽ tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải và bay ngang theo luật quốc tế ở Biển Đông”.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc, theo Reuters, hôm 19/4 cho biết rằng các tàu hải quân của nước này và Australia đã “chạm trán” trên Biển Đông, và phía Trung Quốc đã hành động một cách “chuyên nghiệp và đúng luật”, bác bỏ các tin tức nói rằng các tàu của quốc gia đông dân nhất thế giới đã tỏ ra “thách thức”.
Cùng với Mỹ, Anh và Ấn Độ, Australia thời gian qua có nhiều tuyên bố liên quan tới Biển Đông, nhất là về quyền tự do hàng hải ở vùng biển mà nước này không có tuyên bố chủ quyền.

https://www.voatiengviet.com/a/tin-them-ve-tau-chien-uc-bi-trung-quoc-thach-thuc-o-bien-dong/4360758.html